1 - Trạng Quỳnh đón tiếp xứ Tàu :
Triều đình chuẩn bị đón sứ nhà Thanh sang nước ta. Chúa nghe nói tên này là kẻ hống hách, hợm hĩnh, bèn kêu Quỳnh vào, giao cho giữ việc nghênh tiếp.
Quỳnh phụng mạng vua, đồng thời xin triệu thêm bà Ðoàn Thị Ðiểm giả làm người bán hàng nước cho khách qua đường, còn mình giả trang làm anh lái đò đưa sứ bộ qua sông.
<!>
Khách Tàu đến, đi ngang quán bà Ðiểm, thấy trong hàng có một cô gái xinh xắn ngồi bán, liền hùa nhau kéo vào uống nước, sẵn có buông lời chọc ghẹo, bỡn cợt. Một tên líu lo đọc bâng quơ:
"Nam bang nhất thốn thổ bất tri nhân canh"
(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày, ý cho rằng đàn bà nước Nam lẳng lơ)
Bà Ðiểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi, đọc:
"Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất"
(Bọn quan quyền phương Bắc đều từ chỗ đó mà ra cả )
Nghe xong câu ấy, cả bọn ngừng uống nước, tròn mắt, há hốc miệng nhìn bà Ðiểm. Chúng không thể ngờ rằng một bà bán nước bên đường lại có sức học kinh người đến thế !
Khách ra đi, xuống đò của Quỳnh. Khi đò đến giữa sông, một tên trong nhóm sứ Tàu nhột bụng, vãi rắm nghe một tiếng "bủm". Không thấy xấu hổ thì thôi, hắn còn đọc một câu chữa thẹn xấc xược:
Lôi động Nam bang (Sấm động nước Nam)
Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng dậy vạch quần đái vòng cầu qua đầu sứ, vừa đái vừa đọc:
Vũ qua Bắc hải (Mưa qua bể Bắc)
Tên sứ Tàu giận điên tiết, xộc lại định đánh Quỳnh, Quỳnh trở cán chèo thủ thế rồi mắng:
"Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ "
(Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất là thế )
Cả bọn khách Tàu sửng sốt nhìn nhau, không thốt được một lời vì câu đối đáp bắt bí quá đúng của anh lái đò. Cả nhóm trong bụng vừa tức, vừa sợ, cứ ngậm miệng cho đến nơi.
Từ ngàn xưa, Trung Quốc luôn ỷ là một đất nước rộng lớn, đông dân mà nhiều lần ức hiếp các dân tộc, các quốc gia nhỏ bé lân cận khác, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta là một trong số đó. Nhưng chưa bao giờ người dân Đại Việt chịu khuất phục mà còn khiến kẻ thù khiếp sợ vì lòng yêu nước, tinh thần bất khuất đã trở thành một truyền thống vẻ vang của mình.
2 - Thi vẽ :
Sứ Tàu vốn là một tay vẽ rất giỏi. Một hôm, hắn khoe tài với Quỳnh, ra giọng thách thức:
– Ta chỉ nghe ba tiếng trống đánh là vẽ xong một con vật. Người có thể làm như thế không?
Quỳnh cười đáp:
– Thưa, chỉ nghe một tiếng trống mà vẽ xong đến mười con vật như tôi mới tài, chứ phải ba tiếng trống mới vẽ được một con thì sao gọi là tài cho được!
Sứ Tàu nghe nói tức lắm, nghĩ bụng phải cho cái thằng này biết tài mới được, thách Quỳnh thi vẽ với hắn. Quỳnh nhận lời ngay.
Ðến lúc thi, nghe tiếng trống đầu tiên, sứ Tàu liền cắm cúi vẽ lấy vẽ để.
Quỳnh thì cứ ung dung ngồi dưới chiếu nhai trầu, xem như người đang ngồi hóng gió chứ không phải thi thố gì cả.
Tiếng trống thứ hai nổi lên, sứ Tàu liếc thấy Quỳnh vẫn cứ ngồi đó ngâm nga.
Nghe tiếng trống thứ ba, Quỳnh mới đứng lên, tiến tới bàn, nhúng cả mười đầu ngón tay vào nghiên mực rồi trét lên giấy thành mười vệt dài ngoằn nghoèo. Khi đó, sứ Tàu chưa vẽ xong được hình thù con vật nào cả.
Thời gian so tài đã hết, Quỳnh đưa tờ giấy ra, bảo với sứ Tàu:
– Ông thua cuộc rồi đấy nhé ! Tôi đâu có nói ngoa, chỉ nghe một tiếng trống thôi là tôi vẽ xong ngay mười con giun đất đây này.
Sứ Tàu muốn ôm đầu kêu trời, đành thua mẹo của Quỳnh một lần nữa.
3 - CHỌI TRÂU :
Sứ Tàu khi sang ta, có dắt theo một con trâu chọi rất to, giống Tây Tạng, bốn chân to như bốn cái cột đình, lông cứng như lông nhím, mắt ngầu ngầu ngấn lửa. Nó rất khỏe và hăng máu, sứ Tàu thách trâu ta chọi thi, nhằm rửa mối hờn thua bẽ bàng từ hôm cuộc thi vẽ với Quỳnh..
Vua lập tức sai người đi khắp bàn dân thiên hạ, mà không tìm được con trâu nào đáng mặt để đối địch. Vua lo lắng, ngọc thể bất an, e phen này xấu mặt với sứ Tàu, liền triệu Trạng vào thỉnh ý. Chuyện chọi trâu trở thành quốc sự. Quỳnh nghe nói, liền tâu với vua ta là đã có sẵn trâu chọi, cứ nhận lời thách đấu cùng sứ nhà Thanh, chẳng việc gì phải lo lắng.
Đến ngày thi, dân chúng kéo nhau đến xem trâu Trạng chọi với trâu sứ Tàu.
Sứ Tàu thả trâu họ ra, con trâu to lớn cổ quái, hai mắt long sòng sọc, đứng nghênh ngang sừng sững khiêu khích, thoáng nhìn người xem đã kinh hồn bạt vía. Phen này khéo ta toi luôn quốc thể.
Lúc ấy Quỳnh mới thả một con nghé con ra. Chú ta bị nhốt riêng suốt đêm, khát sữa quá, thấy trâu Tàu tưởng trâu mẹ, liền húc đầu vào bụng trâu Tàu để tìm vú.
Trâu Tàu là trâu đực nhột lên như bị cù, lùi mấy vòng, cuối cùng không chịu được nữa liền bỏ chạy thục mạng.
Chú nghé của Quỳnh cũng cong đuôi đuổi theo. Thật là một cuộc rượt đuổi không cân sức; phần thua thuộc về trâu Tàu to xác.
Sứ Tàu bẽ mặt lủi mất.
Quỳnh vỗ tay reo ầm ĩ:
– Ta thắng Tàu rồi! Ta thắng Tàu rồi, bà con ơi!
4 - CHỈ CÓ MỘT CÁCH :
Bị thua cuộc Trạng Quỳnh nhiều lần, sứ Tàu vẫn hằm hè muốn đọ tài cao thấp để gỡ lại thể diện. Sứ đưa ra trò gì, Quỳnh chấp tất trò ấy, chưa một lần chịu lép vế.
Lần đó, giữa triều đình, trước mặt vua ta và bá quan văn võ, sứ Tàu đưa ra một chai nước, bảo là loại nước thơm đặc biệt, quà sứ thần tặng vua ta.
Nước thơm được đóng kín trong chai đúc liền thành một khối thủy tinh. Chắc là thứ nước ấy phải quý lắm. Mà sứ Tàu cũng oái oăm, đóng nước vào chai không có nút thì lúc mở làm sao mở lấy được. Thì chính hắn làm thế là cố ý muốn xỏ vua ta.
Phen này dẫu có mười Trạng Quỳnh khéo cũng chịu. Sứ Tàu hí hửng chờ kết quả cuộc đấu trí mà hắn đã hoàn toàn nắm thế chủ động.
Giữa lúc cả triều đình đang lúng túng, không rõ sứ Tàu đưa cái trò nước đóng chai kín này ra để làm gì, thì hắn dõng dạc nói xếch mé, như thách đố, như đe dọa:
– Đố làm cách gì lấy được nước?
Hắn có hàm ý rõ ràng, nước vừa chỉ thứ nước lỏng thơm đặc biệt ở trong chai đóng kín kia, vừa ám chỉ rằng: các ngươi mà không biết điều thì bọn tôi lấy mất nước đấy.
Ồ, hắn lại đố: Làm cách gì lấy được nước! Khó thật, vua ta đưa mắt ra hiệu cho Quỳnh. Quỳnh ung dung tiến lại gần chỗ để chai, rồi bảo sứ Tàu:
– Ông giở cái trò xảo thuật này ra kể cũng cao tay. Chai không có nút thì làm sao lấy được nước?
– Tài trí hơn nhau ở chỗ ấy đấy, ông Trạng ạ!
– Vậy thì chả có gì là khó: Muốn lấy được “nước” thì chỉ có một cách, mà cách này thì thiệt hại thuộc về phía các ông.
– Cách gì?
– “Đánh!” Tôi nhắc lại, các ông thiệt đấy! Đánh!
Nói đoạn, Quỳnh giang thẳng tay đập vỡ cái chai. Sứ Tàu bị bất thần, mồ hôi toát ra như tắm, vẫn kịp giở trò bắt đền vì Quỳnh làm vỡ chai.
Bấy giờ Quỳnh mới ung dung nói:
– Ông đố lấy nước, chứ không giao hẹn phải giữ nguyên chai. Thế thì còn cách nào khác là phải “đánh”. Mà “đánh” để lấy “nước” thì phần thiệt thuộc về các ông nhãn tiền ra rồi, đền bồi cái nỗi gì.
Sứ thần nhà Thanh sợ xanh cả mặt, im thin thít không dám ho he gì..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét