Tôi may áo dài, áo khoác, cà vạt với hình ảnh cờ vàng ba sọc đỏ để làm gì? May để bán. Mục tiêu của buôn bán là lợi nhuận, tất nhiên, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng, là một người bảo vệ Nhân quyền và hoạt động xã hội dân sự, lợi nhuận không phải mục tiêu duy nhất của tôi. Thông thường, mỗi công việc của chúng ta thường nhắm đến không chỉ một, mà hai, ba mục tiêu. Trước nay, lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng như mọi biểu tượng khác liên quan đến Việt Nam Cộng Hoà đều là những thứ nhạy cảm, bị đưa ra ngoài vòng pháp luật một cách bất thành văn. Nói đến nó là nói đến công an và nhà tù.
<!>
Chúng ta, những người con Việt Nam còn giữ lòng xót xa cho mệnh người và vận nước chưa thể nào quên được một triệu quân cán chính Việt Nam cộng hoà đã phải trình diện chính quyền cộng sản và bị đày đi lao động khổ sai dưới cách gọi trịch thượng của chính quyền cộng sản là "lao động cải tạo" và đã có hàng trăm ngàn người lính Việt Nam Cộng Hoà không chết vì bom đạn chiến tranh mà chết vì bị tra tấn, đói khát, bệnh tật trong nhà tù cộng sản.
Chúng ta chưa thể quên một miền Nam tan hoang sau 1975 và lòng người dân miền Nam còn rỉ máu cho đến hôm nay. Chúng ta chưa thể quên những vết cắt sâu hoắm trong lòng dù vẫn dùng thời gian để bôi xoá nó.
Chúng ta chưa quên, vì sao? Vì chính những người cộng sản cho đến hôm nay vẫn cai trị toàn bộ Việt Nam với bộ máy chính quyền công an trị chà đạp Nhân quyền. Họ một mặt ca ngợi "Thống nhất" nhưng mặt khác vẫn ăn mừng Ba mươi tháng Tư. Họ rao giảng "hoà hợp" nhưng vẫn bắn đại bác vào quá khứ (cái quá khứ từng là tuổi trẻ, từng là sức sống, từng là niềm tự hào của hàng triệu con người). Họ thèm khát ngoại tệ của "khúc ruột ngàn dặm" nhưng lại luôn miệng nói về lịch sử với những từ như: nguỵ quân, nguỵ quyền. Họ nói về hoà bình nhưng vẫn giữ cách hành xử với người dân bằng bạo lực tàn ác. Họ tra tấn, bắt giam, khủng bố tinh thần những ai nhắc đến Việt Nam Cộng hoà, trưng cờ vàng ba sọc đỏ...
Ở Việt Nam, không ai dám giữ bất cứ cái gì có màu vàng ba sọc đỏ một cách có chủ ý mà không chuẩn bị tinh thần để bị công an sách nhiễu. Sau ngày VNCH sụp đổ, dưới thời bao cấp, trưng cờ vàng thì hình phạt có thể là cái chết. Một Nguyễn Viết Dũng cầm cờ vàng, mang quân phục VNCH đi biểu tình đã bị bỏ tù.
Tôi bán cà vạt, may áo dài cờ vàng bị dư luận viên nhắn tin thoá mạ và đe doạ giết.
Một cô MC may áo dài cờ vàng dẫn chương trình đám cưới bị công an mời đi làm việc... Vì thế, lá cờ vàng không chỉ là biểu tượng của một quốc gia dân chủ non trẻ có tên Việt Nam Cộng Hoà, hay có thể là biểu tượng của đất nước và vương quyền của vài vị vua nào đó dưới triều Nguyễn; mà vô hình trung, nó trở nên thứ song hành với chính sách khủng bố của chính quyền CSVN; trở nên thứ gắn liền với sự chà đạp quyền tự do lương tâm (hay còn gọi là quyền tự do tư tưởng) của chính quyền độc tài.
Tôi biết hết thảy những sự thù địch với cờ vàng như thế của chính quyền CSVN và sự e sợ của người dân với hình ảnh lá cờ này. Tôi cũng lường được những hậu quả không sớm thì muộn xảy ra cho chính mình khi may, in các sản phẩm thời trang dựa trên hình ảnh lá hoàng kỳ này. Nhưng tôi vẫn làm.
Vì sao? Nếu chỉ vì mục tiêu lợi nhuận, không ai mang an toàn của mình và gia đình mình ra đánh đổi với vài triệu đồng. Trước giờ hầu như các sản phẩm cờ vàng, đặc biệt là áo khoác, đều được sản xuất ở bên ngoài Việt Nam, đưa vào trong nước với số lượng nhỏ. Bây giờ, tôi may các sản phẩm cờ vàng hàng loạt. Không phải chỉ để bán cho những người ở hải ngoại yêu thích màu cờ họ ấp ủ trong tim bao chục năm nay; mà còn để tặng, để bán cho người Việt quốc nội.
Điều quan trọng là các sản phẩm được sản xuất ở chính Việt Nam, được vận chuyển, quảng bá ở Việt Nam, được trữ trong kho hàng của một người đang ở Việt Nam, và được bán, tặng cho anh chị em ở tại Việt Nam và được nổi bật trên khắp thôn làng, đường phố Việt Nam.
Tôi muốn "bình thường hoá" hình ảnh đi liền với sự sợ hãi đó. Tôi muốn góp chút sức giải toả "lời nguyền" nhắm vào màu cờ này. Tôi muốn màu vải nền vàng với ba sọc đỏ nổi bật sẽ là đi vào tâm thức người dân, đặc biệt là giới trẻ, không chỉ như là một thứ gì đó bình thường, không mang tính đe doạ mà còn đẹp đẽ dưới bình diện thẩm mỹ.
Một tà áo dài vàng thướt tha, một chiếc cà vạt lụa vàng để mặc với áo sơ mi trắng, một áo khoác vàng có ba sọc thể thao trên cánh tay để mặc ra ngoài khi trời trở gió...
Vậy đó, cái gì hiếm hoi thì bất thường, nhưng những gì quen mắt thì dần dần trở nên bình thường. Khi cờ vàng được thiết kế thành áo thể thao, mũ nón, áo dài, áo đầm, logo công ty, biểu tượng của hội đoàn... một cách vô tình hoặc cố ý (nhưng công an làm sao biết chúng ta vô tình hay cố ý?) thì lâu dần tâm thức người dân không còn e dè với cờ vàng nữa, công an của nhà cầm quyền cũng không thể kiểm soát được việc sử dụng nó. Vậy đó, đừng quá nghiêm trọng hoá mọi thứ, hãy để nó diễn ra tự nhiên, nhẹ nhàng như nước chảy.
Bên cạnh mong muốn xoá bỏ "sự bất thường" của cờ vàng trên đất Việt Nam, tôi còn muốn thông qua việc mặc các sản phẩm thời trang cờ vàng để truyền đạt sự ủng hộ cho quyền tự do lương tâm của người Việt Nam đang bị dày xéo dưới gót giày độc tài.
Quyền tự do lương tâm là quyền tiên khởi của nhiều nhân quyền khác như quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo... Bởi chúng ta được sinh ra với quyền tự do nuôi dưỡng điều ta tin tưởng, tự do trân trọng và ôm ấp trong tim một thời kỳ lịch sử, một biểu tượng dù thể chế đó không còn, tự do tin tưởng rằng một điều gì đó là tốt đẹp mà không phải điều gì khác, tự do phát ngôn cho điều ta tin là đúng (miễn là tất cả những điều đó không phải là bạo lực và chống lại nhân phẩm), nên nhân loại mới cùng ngồi lại với nhau để đồng ý ký kết tôn trọng tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận...
Nhà cầm quyền Việt Nam, về mặt nguyên tắc, không được phép cấm cờ vàng và đàn áp những ai yêu quý nó, cũng giống như họ không được phép bịt miệng những người bất đồng chính kiến và đàn áp quyền tự do tôn giáo vậy. Thế nhưng, hầu như người ta dành nhiều sự ủng hộ cho một tôn giáo bị đàn áp, một người bất đồng chính kiến bị bỏ tù hơn là một người ủng hộ cờ vàng bị tra tấn. Có gì khác biệt giữa quyền tự do được trân trọng điều gì đó (ở đây là tình cảm yêu quý trân trọng cờ vàng và Việt Nam Cộng Hoà) với quyền tự do thờ phượng hay quyền tự do phát biểu chỉ trích chính quyền? Không khác biệt.
Vậy tự do lương tâm và tự do biểu đạt có phải là chúng ta được quyền trưng bày các biểu tượng chống lại con người, các biểu tượng khủng bố hay các biểu tượng khác làm tổn thương lương tâm nhân loại không? Dứt khoát Không.
VNCH là một chính thể dân chủ non trẻ, còn nhiều khiếm khuyết, cố gắng trưởng thành trong một thời kỳ chiến tranh khốc liệt và trong một giải đoạn lịch sử quốc tế phức tạp. Vì thế, tưởng nhớ VNCH chỉ làm chính quyền cộng sản lo sợ và thù ghét chứ không làm tổn thương lương tâm bất cứ ai, ngay cả những gia đình cựu bộ đội Bắc Việt, vì miền Bắc chủ động đánh chiếm miền Nam chứ không phải ngược lại. Bởi vậy, chúng ta có thể loại trừ khả năng đó.
Tự do lương tâm? Vậy vì sao cờ đỏ bị đả kích ở hải ngoại? Vâng, cờ đỏ là biểu tượng của chế độ độc tài đàn áp nhân quyền, ngăn chặn dân chủ. Chống cờ đỏ nghĩa là biểu tỏ sự bất đồng của những người bình thường với một chính quyền tham tàn. Đó cũng là cách thực thi quyền tự do biểu đạt. Nhưng đứng trên vị trí một nhà nước, với độc quyền bạo lực, không một chính quyền nào được phép cấm đoán tự do lương tâm, tự do gìn giữ màu cờ của người dân. Và vì thế suy ra, chừng nào Việt Nam có dân chủ thì một Hiến pháp tự do cần toàn thể người dân, đặc biệt là giới trí thức, cân nhắc xem có nên đưa đảng cộng sản và các biểu tượng của nó ra ngoài vòng pháp luật dựa trên những tội ác và các hành động khủng bố họ đã gây ra hay không.
Nếu không, thì trong một Việt Nam tự do dân chủ thực sự không cho phép đàn áp quyền tự do của những người vẫn yêu mến lá cờ nhuộm màu máu này.
Tóm lại, tôi vẫn tiếp tục dùng hình ảnh cờ vàng cho những sản phẩm thời trang của mình miễn là có người vẫn yêu mến nó; vì đó là quyền tự do lương tâm của những người yêu mến Việt Nam Cộng Hoà và của chính người viết bài này.
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hồ 8/6/2017
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy “bị tạm giữ để điều tra”
RFA
2018-08-09
Nhà hoạt động vì nữ quyền Huỳnh Thục Vy bị “tạm giữ để điều tra” sáng nay ngày 9 tháng 8 năm 2018 tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lak giữa lúc có lời kêu gọi tổng biểu tình vào ngày 2 tháng 9 tới đây, theo chồng của cô - anh Lê Khánh Duy cho đài Á Châu Tự do biết qua ứng dụng Messenger.
“Sáng nay vào lúc 7 giờ, có 2 công an ở trên phường đập cửa nhà mình, họ xin vào nhà để đưa giấy triệu tập lần thứ 6 cho Vy (Huỳnh Thục Vy đã nhận 5 giấy triệu tập).
Sau đó có khoảng 30 người công an thường phục, sắc phục và các đoàn thể ở phường ập vào và áp giải Vy đi.
Khoảng 1 - 2 tiếng sau họ ập vào thêm 1 đoàn nữa khoảng 30 - 40 người để khám xét mọi ngõ ngách trong nhà lấy đi laptop, máy ảnh, iPhone, điện thoại, sách vở, quần áo, đĩa nhạc… Họ khám xét khoảng 2-3 tiếng đồng hồ mới kết thúc”, anh Lê Khánh Duy kể lại vào chiều 9-8.
Anh cho biết thêm, công an có đọc lệnh khám xét nhà và giao cho biên bản tạm giữ đồ đạc và hiện nay bản thân bị canh gác bởi số đông công an ở phía ngoài nên không đi đâu được. Đài Á Châu Tự Do gọi cho các số điện thoại công an thị xã Buôn Hồ và công an tỉnh Đắk Lak nhưng không kết nối được.
Ông Phạm Bá Hải, Điều phối viên của Hội Cựu Tù nhân lương tâm tiết lộ: “Theo như kinh nghiệm của anh em thì khi có lệnh khám xét nhà là nghiêm trọng. Có lệnh khám xét nhà là đã có lệnh bắt, truy tố rồi mới khám xét nhà.
Thường nhà nước Việt Nam có nhiều vụ họ bắt người nhưng không nói bắt về tội gì cả, tới lúc chính thức truy tố và sau đó họ mới báo cho gia đình là việc thường xảy ra ở Việt Nam.
Nếu trường hợp lần này Huỳnh Thục Vy chính thức bị bắt thì tôi nghĩ là nhà nước Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp của họ về bảo vệ Quyền trẻ em vì Huỳnh Thục Vy còn có một đứa con nhỏ mới 22 tháng tuổi”, nhà hoạt động xã hội dân sự ở Sài Gòn nhận định.
Hồi cuối năm 2017, Huỳnh Thục Vy đăng tải những tấm hình chụp chung với lá cờ đỏ sao vàng bị bạc màu và bị ai đó xịt sơn.
Cô sau đó liên tục bị nhận giấy triệu tập lên làm việc với công an vì “hành vi xịt sơn lên lá cờ tổ quốc”.
Cô cũng bị nhận giấy triệu tập vì “tụ tập đông người” phản đối Luật Đặc khu và An ninh mạng hôm 10/6.
Blogger Huỳnh Thục Vy là một trong những thành viên sáng lập của Hội phụ nữ nhân quyền hiện đang sống ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lak.
Năm 2012, cô cùng với cha mình là cựu tù nhân lương tâm - nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett để “ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị”.
Huỳnh Trọng Hiếu, em trai của cô sau đó bị công an từ chối cho xuất cảnh sang Hoa Kỳ để nhận giải.
Tháng 6 năm 2015, Huỳnh Thục Vy cho xuất bản sách “Nhận định sự thật tự do và nhân quyền” do nhà xuất bản Việt Thức in tại Hoa Kỳ.
SOURCE:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét