Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Đêm Mưa Đường Dài - Nguyên Nhung DSLV



Đêm ấy là một đêm mưa tháng mười, trời chưa cười đã tối. Đáng lẽ thì Huân chưa định lái xe đi vào buổi trưa hôm ấy, khi từ biệt anh bạn cũ nhà ở vùng East New Orleans ra đi. Bầu trời xám xịt, những tảng mây đen nặng nề và hơi gió buốt người thổi thốc vào cái "patio" phía sau nhà, phần phật gần như muốn tốc luôn cái mái tôn cũ kỹ. Bầu trời như trĩu xuống, đe dọa sẽ đổ xuống vùng đất thấp hơn mặt biển này một biển nước. An nhìn bạn ái ngại:
"Cậu ở lại vài hôm đã, vội gì, đường nào chả về La Mã. . ."
Huân bật cười. Đường nào chẳng về La Mã, thế nhưng đường về quê hương xa vời vợi. Từ ngày sang đây bạn bè tan tác mỗi người mỗi nơi mỗi ngả như chim lạc bầy, những lúc gặp gỡ trùng phùng hiếm hoi, khi chia tay nghe như trong mắt đã vương ngàn hạt bụi. Bụi làm cay mắt cay lòng, nỗi buồn tha phương, nỗi buồn mất nước, nhìn bạn vừa thương vừa tủi, muốn ở mà ở không được, muốn đi mà đi không đành. <!>
An có tính khôi hài, dù trước cái chết trong "đường tơ kẽ tóc" hắn vẫn cứ xem như đùa, Huân thích bạn ở điểm đó. Một thời bay bổng bên nhau trong khu cư xá độc thân đã trôi vèo như gió cuốn, may là ngày cuối cùng ấy, cả hai cùng chạy kịp ra chiếc máy bay của phi đoàn đang sửa soạn cất cánh. Cả hai cùng bỏ lại một quê hương tơi bời khói lửa, bỏ lại gia đình, bỏ lại người tình nhỏ bé không một lời giã biệt. Khi qua Mỹ, An tìm được một đối tượng tương đối, rồi vội vã kết hôn ngay. Thực ra, với viễn ảnh không ngày về, không còn chọn lựa nào hơn là tìm ngay cho mình đời sống gia đình để bù đắp nỗi mất mát, nhưng thực ra chẳng làm sao có thể thay thế được. Riêng Huân kém may mắn hơn bạn, hay là chàng khó tính hơn để chấp nhận thà sống một mình, chứ không thích sau niềm vui của một ngày, sẽ là những nỗi phiền muộn suốt đời khi lấy một người vợ chưa yêu được bao nhiêu.

Một thời trẻ tuổi của đời thanh niên đã qua, thuở độc thân "tiền lính tính liền," những ngày cuối tháng chưa đến kỳ lương mà tiền đã hết, mì gói nước lạnh làm chuẩn. Mấy hôm ghé vào thăm bạn, hai thằng bạn nối khố thuở nào kề cà bên những chai bia lạnh, kể chuyện cũ. Huân cảm nhận mơ hồ rằng sinh hoạt gia đình bạn có xáo trộn đôi chút, lại thêm thằng bạn thất nghiệp thì mặt vợ An đã không được tươi tỉnh như trước. Huân có trực giác rất mạnh, chỉ cần nhìn vào đôi mắt ai là chàng đã cảm nhận ra được ít nhiều điều gì họ đang nghĩ trong lòng, ở lại đây lâu ngày, chàng sẽ trở thành thứ "oan gia nghiệp chướng" cho bạn mà thôi...

Thật ra, khi nhận cú phôn của người chị họ, cho biết có một công việc tạm thời rất thích hợp ở thành phố Charlotte yên tĩnh, thuộc tiểu bang North Carolina, Huân nhân tiện chuyến đi ghé vào thăm bạn. Miền Đông New Orleans thuở ấy gồm một khu phố buồn lèo tèo vài tiệm buôn, chợ Chồm Hổm nhóm vào cuối tuần, ì xèo kẻ mua người bán khi trời chưa sáng tỏ, rồi tan ngay khi mặt trời lên. Đấy là những cuối tuần người ta tụ tập vào ngôi nhà thờ địa phương, cầu nguyện và gặp gỡ nhau cho ấm áp chút buồn xa xứ. Những căn phố đủ kiểu buồn hiu trên thềm xi măng khô khốc, cơn gió cuốn những tờ giấy bẩn cuộn theo lớp bụi mù. Vẫn có một nét gì rất Việt Nam trên xứ người, khi trước sân nhà là bức tượng Thánh, bên hè là một bụi chuối rậm rạp, giàn mướp hương bò quanh bờ rào. Nhìn qua, Huân nhớ mênh mang cái không khí của khu gia binh ở miền Nam ngày xưa, một quận lỵ đìu hiu nào đó thời chiến tranh. Suốt những nẻo đường quê hương, từ trên phi cơ nhìn xuống, chiếc đồn nhỏ nằm lẻ loi ven quốc lộ, xung quanh là trảng cỏ tranh đầy những bất trắc rình rập.

Sau vuông rào khu nhà thờ là mấy dãy chung cư cây cối đã cao tầm tầm mái nhà, đêm đêm người ta nghe lác đác tiếng súng nổ. Chiều chiều từng tốp trẻ em da màu chơi đùa dưới bóng cây, toát ra sự nghèo nàn, nhếch nhác. Nếu không có dãy tiệm của người Việt bên kia cầu, khu này mang dáng vẻ của một khung cảnh chết, cỏ cây dường như mới xanh lên từ lúc có đám di dân người Việt kéo đến định cư lập nghiệp. Không biết sao An lại chui về đây rồi bằng lòng với số phận, hắn vẫn nhậu say bí tỉ quên trời quên đất, quên luôn một thuở thân nam nhi bồng bềnh với mây trời.

Phải đi thôi, hành lý đồ đạc đã gói ghém vào hai chiếc va ly nằm sau cốp xe, khởi hành từ thành phố Houston khi trời vừa hừng sáng. Đó là những ngày thê thảm nhất cuối thập niên 80, thành phố giãy chết sau đợt kinh tế xuống, so với nơi này cũng chẳng hơn gì nhau. Nước Mỹ buồn rầu với những khu chung cư chồng lên nhau như hộp diêm, bao nhiêu hãng xưởng đồng loạt đóng cửa, kéo theo hằng chục ngàn người thất nghiệp, ngành cơ khí, công nghiệp xuống dốc thê thảm, Huân cũng nằm trong số những người không may đó.

Huân sang Mỹ có một mình, lương bổng eo xèo chỉ đủ chi trả và gói ghém gửi về giúp cho gia đình ở VN. Tất cả bên nhà đều trông vào một mình chàng, ông anh kẹt lại trong tù, bố mẹ nay đau mai yếu, mấy cô em gái lúc nào cũng xa gần nhắc anh chuyện đi xa, bởi vậy tự nhiên chàng gánh lên hai vai một gánh nợ lớn. Vừa tạm ổn định đời sống, đang nghĩ đến việc xây dựng gia đình thì tai ương đổ xuống, lại mất việc. Đúng ra thì cô bạn gái vừa quen không tệ đến nỗi hắt hủi chàng, nhưng tự Huân đã biết dừng lại để không bước vào sự bế tắc của tình cảm. Huân đã chứng kiến nhiều cảnh đổ vỡ của bạn bè sau khi bị thất nghiệp, nó kéo theo nhiều tai ương khác nữa. Mất nhà, mất xe, mất vợ, có đầm ấm lắm cũng chịu đựng được thời gian đầu, sau đến thời kỳ tối tăm hơn, quanh quẩn mãi trong nhà cũng sinh tội, rồi cãi nhau liên tu bất tận, thấy mặt nhau là cơn chán ứ lên tận cổ. Chuyện chia tay xảy ra như cơm bữa, qua xứ này đàn bà khôn ra nhiều, thực tế gấp nghìn lần hồi còn ở quê nhà, vì thế chỉ hơi nặng lời một lần là nó đã đủ sức làm rã luôn một mái ấm gia đình.


oOo


Chiếc xe tàng của Huân rời khu East New Orleans, con đường liên tỉnh 90 vắng hoe, người ta trốn hết ở trong nhà những ngày mưa gió. Huân cho xe chạy ngược lại nhịp cầu dài theo xa lộ để về hướng Florida. Từ đây, chàng phải vượt qua mấy tiểu bang nữa như Missisippi, Alabama, qua nhiều thành phố nhỏ thưa thớt dọc theo đường đi, và hy vọng nếu thời tiết khá hơn, chàng sẽ tới được North Carolina càng sớm càng tốt, nơi gia đình bà chị họ đang cư ngụ.

Cũng không có gì để vội vã, chiếc xe cà tàng không cho phép Huân vội vã hơn vì nó có thể trở chứng nằm lại dọc đường. Đúng ra thì cũng đến thời kỳ vứt đi, nhưng thời gian đầu, không có nó thì chàng sẽ y như kẻ có chân mà vẫn như què. Con đường xuyên bang nhà cửa thưa thớt, thậm chí qua nhiều dặm đường dài vẫn không có nhà cửa, hai bên đường chỉ rừng và rừng, những tầng lá cao thấp đan nhau làm cho con đường càng thêm âm u, quạnh vắng. Vẫn mưa mãi, từ lúc rời nhà An với bầu trời xám xịt, cơn bão rớt tháng 10, kéo theo những trận mưa suốt đường dài, vài lần tấp vào nhưng khu vực "Rest Area" để cho xe nghỉ, Huân cũng ngả lưng chợp mắt được một giấc để lấy sức.

Giữa cảnh đất trời u ám, cái rét mướt của tâm hồn khiến Huân đôi lần muốn chảy nước mắt khi nghĩ đến thân phận kẻ tha hương nơi đất khách quê người. Gió vẫn hú trên những rặng thông chập chùng chênh vênh trên sườn đồi thấp, bầu trời nặng trĩu những tảng mây xám báo hiệu cơn mưa sẽ dai dẳng không bao giờ dứt. Dù sao thì cũng phải đi, ở lại một mình trên con đường liên tỉnh thâm u chỉ rừng với rừng, mưa và mưa, lạnh và gió rét, Huân cảm thấy đôi chút bất an, nếu như những cơn mưa tiếp tục rơi và cơn lụt nhanh đổ xuống thì số phận của chàng với chiếc xe cà tàng này sẽ vô cùng thê thảm. Lại lên đường, lúc ấy khoảng 9 giờ đêm, trước mặt mịt mờ một màn mưa trắng xóa, vài chiếc xe lướt qua, để lại hai vệt đèn đỏ như ma trơi trên quãng đường vắng. Thật ra có lúc Huân như không nhìn thấy gì ngoài khoảng đường mập mờ do ánh đèn xe chiếu ra phía trước, nhưng ảo giác lại đánh lừa mắt chàng, khiến Huân chập chờn thấy như có nhiều nhà cửa nằm lấp ló hai ven đường, và vì thế chàng cứ gắng cho xe chạy để đi vào một thị trấn nhỏ. Có nhiều khi mưa lớn quá, Huân phải dừng xe lại bên đường, tắt máy cho xe nghỉ, hé khung cửa để nhìn nhưng rõ ràng chỉ thấy hai ven đường là rừng cây đen thẫm. Mưa và lạnh ập đến làm chàng tỉnh hẳn người, lại vội vã nổ máy vì chỉ sợ chiếc xe cũng như chàng, nằm lịm đi giữa con đường xuyên bang đầy bóng tối và hoang vu…

Ngay lúc ấy có một chiếc xe Van vừa vặn lướt qua. Ánh đèn chập chờn khi tỏ, khi mờ để Huân chợt nhận ra dưới ánh đèn đỏ phía sau, hai lá cờ một Mỹ một Việt vẽ bắt chéo qua nhau, được chủ nhân gắn vào cái bửng xe phía sau bỗng đập vào mắt chàng. Tự nhiên Huân tỉnh ngủ, lá cờ vàng ba sọc đỏ như dội vào mắt chàng một điểm sáng lung linh, nằm vắt chéo với chiếc cờ hoa nước Mỹ, vẽ trên một tấm thiếc gắn phía sau chiếc xe Van. Lúc nãy Huân không để ý, nhưng vì chiếc xe Van cứ từ từ thong thả đi trước như dẫn đường, Huân lại tò mò muốn biết chủ nhân của chiếc xe Van là Mỹ hay Việt, tóc vàng hay tóc đen? Nhưng chàng không làm sao vượt lên được chiếc xe kềnh càng trước mặt, mà lạ lùng là hễ chàng chạy nhanh nó chạy nhanh, chàng chạy chậm nó chạy chậm. Trời mưa đường trơn ướt, đèn xe lại mờ mịt khiến Huân cũng không dám tăng tốc độ.

Lá cờ vàng lung linh ẩn hiện trước mặt gợi lại cho Huân nỗi nhớ đau thắt lòng, hình như lâu rồi Huân không muốn nghĩ đến lá cờ thân yêu ấy nữa, kể từ ngày bỏ nước ra đi. Mỗi lần có dịp nhìn thấy lá cờ, chàng lại ràn rụa nước mắt. Những cuộn phim cũ lần lượt trở về, sân trường năm xưa thuở còn là một chú bé con, với chúng bạn Huân đã từng ngồi tụm với nhau chuyện vãn trên sân cỏ, dưới chiếc cột cờ cao nghều nghệu. Những buổi sáng thứ hai quần xanh áo trắng, bao nhiêu con mắt trong veo mở to nhìn lên lá cờ bay phấp phới, bấy nhiêu cái miệng tròn vo đồng ca bài Quốc Ca Việt Nam. Nhưng có lẽ hình ảnh ghi đậm vào tâm khảm chàng vẫn là cái chết của những người bạn cùng khóa, cùng phi đoàn, cũng lá cờ ấy phủ trên cỗ áo quan của bạn bè, ba vệt đỏ như ba dòng máu chảy loang trên nền cờ vàng, lẫn với tiếng khóc rấm rứt của người vợ trẻ. Lẫn trong vòng hoa tang là những ngọn nến trắng bập bùng, chiếu lên tấm ảnh chân dung người lính trẻ vừa nằm xuống...

Bây giờ giữa đêm mưa đường dài, nơi đất khách quê người trên con đường thiên lý như đêm nay, lá cờ Việt Nam ở đâu lại chập chờn trên chiếc xe đằng trước như dẫn đường, bắt chàng hồi tưởng lại nỗi đau cũ khiến Huân rợn người. Mưa vẫn như trút nước, chiếc xe Van cũng chầm chậm dẫn đường, dường như Huân chẳng thấy gì hơn hình ảnh hai lá cờ Việt Mỹ bắt chéo đằng sau xe, như có một ma lực huyền bí bắt chàng đi theo không nghĩ ngợi. Dù sao Huân cũng yên tâm khi có bạn đồng hành trong một đêm mưa gió như đêm nay, khiến chàng hồi tưởng lại ngày xưa còn là một phi công, phi vụ của chàng rơi vào một buổi sáng mù sương, chiếc phi cơ như lạc loài, lẻ loi trong màn mây bao phủ, chàng vẫn nghe trong nón bay, tiếng người bạn đồng hành vẫn thỉnh thoảng gọi chàng trên tần số...

Nhờ có chiếc xe Van đi trước, Huân không cảm thấy nỗi cô đơn và rét mướt trong cơn mưa đường dài. Hai chiếc xe nối đuôi nhau chạy qua không biết bao nhiêu dặm đường, thỉnh thoảng lắm mới nhìn thấy một vài căn nhà miền quê nằm lẻ loi giữa khu đồng trống, xen vào những mảnh rừng nối tiếp. Có đi xa như vậy, mới thấy đất nước này rộng lớn, mênh mông, hết rừng dầy lại rừng thưa, hết cánh đồng này qua cánh đồng khác, có những thị trấn chỉ lèo tèo vài chục căn nhà, duy nhất một ngã tư đèn xanh, đèn đỏ. Huân không biết là mình đã chạy theo chiếc xe Van bao nhiêu dặm đường, rồi chàng bỗng buồn cười nhớ lại một câu chuyện vui cười đọc được trên báo. Đêm sương mù, chẳng thấy đường để chạy, xe này cứ theo xe kia, cuối cùng khi ngừng lại mới biết mình đang chạy theo xe người ta vào "garage."

Lúc nhìn lại đồng hồ, dù di chuyển rất chậm, Huân biết mình đã lái xe liền tù tì đến gần bốn tiếng đồng hồ, chiếc xe cà tàng như có phép lạ cứ bon bon đi theo chiếc xe Van, vượt được một đoạn đường thiên lý đến hằng trăm dặm. Mãi đến khi Huân nhìn thấy ánh đèn của một trạm xăng phía xa, báo hiệu đã sắp tới khu dân cư và có cửa tiệm ăn uống, ngay khi ấy, chiếc xe Van có hai lá cờ Việt Mỹ bỗng biến nhanh khỏi tầm mắt chàng. Huân dụi mắt để nhìn theo hai vệt đèn đỏ đằng sau chiếc xe Van, hình ảnh hai lá cờ Việt Mỹ bắt chéo trong cái khung thiếc sơn màu bạc cũng chập chờn tan như sương. Và cũng đúng lúc ấy, chiếc xe của chàng khựng lại, kim đồng hồ không nhúc nhích, chiếc xe chắc không còn một giọt xăng nào nữa...

Trời rét thế mà Huân vã mồ hôi lạnh, may là chiếc xe hết xăng ở khu vực này, không có nhà cửa dân cư đông đúc nhưng còn đỡ hơn là nơi đường rừng hoang vắng. Huân thấm mệt, chàng tưởng mình đã kiệt sức khi đi theo chiếc xe có hai lá cờ suốt đoạn đường dài. Chàng nhắm mắt lại ngủ ngồi trên tay lái, vì giờ này cũng còn lâu trời mới sáng, trời tuy lạnh nhưng không mưa, cảnh vật như được bao phủ bằng một màn sương trắng đục như sữa.

Chàng cứ vương vấn hình ảnh hai lá cờ Mỹ Việt gắn trên chiếc xe Van, lòng bỗng dưng ấm áp. Biết đâu trên chiếc xe kia lại cũng là một anh chàng cựu chiến binh nào đó đã từng tham chiến ở Việt Nam, đã vấn vương hay để lại chút tình đồng đội trên mảnh đất cong cong hình chữ S. Và giờ đây, chàng cũng mang thân phận người lính thua cuộc, lang thang cuộc đời tỵ nạn trên quê người. Hai thứ tình ấy gắn bó với mảnh đất đầy những kỷ niệm vui, buồn, ngẫu nhiên lại đồng hành thành đôi bạn đường im lặng trên con đường xuyên bang mưa gió não nề.


oOo


Thiếp đi sau một giấc ngủ ngắn, trời đã hừng sáng, sau cơn mưa trời tạnh ráo, dần dần bớt tối hơn, tuy vẫn lạnh và rất ảm đạm. Tuy thế, ở cái thị trấn nhỏ ven đường vẫn thưa thớt xe cộ, Huân tỉnh hẳn, thèm một ly cà phê và điếu thuốc thơm buổi sáng. Chút nữa Huân phải nhờ ai đó để đến cái trạm xăng gần nhất đằng kia, điều ấy không khó lắm vì những người cư dân ở thành phố nhỏ hay miền quê tính tình rất nhân hậu, họ sẵn sàng giúp kẻ lỡ đường.

Huân mở cửa xe rồi bước xuống đường, vươn vai làm vài động tác thể dục cho đỡ mỏi. Ánh đèn đêm vẫn lung linh dưới những lùm cây tối, chàng nhìn thấy những con quạ đen lông ướt sũng, co ro với nhau dưới hàng cây trốn gió. Huân lại nhớ đến chú chim sẻ thơ thẩn đi kiếm ăn một mình trên sân nhà lúc hoàng hôn, thức ăn chỉ là những hột cỏ nhỏ hơn hạt kê, con chim sẻ đi tìm mồi trong buổi hoàng hôn, khiến chàng liên tưởng đến cảnh cô đơn của mình mà ngậm ngùi trong dạ. Một người cô đơn, một bóng chim lẻ loi, sao vẫn phải tìm nguồn sống để sinh tồn, chim còn vậy huống gì mình là người, nghĩ vậy mà Huân cảm thấy đời chưa đến nỗi tận cùng của sự đau khổ.

Huân ngó quanh quất cảnh vật hai bên đường. Chàng bỗng giựt mình khi nhận ra nơi mình đang đứng, chiếc cổng có vòm cao dẫn vào một Đài Tưởng Niệm, bức tượng người lính Vô Danh bằng đồng đen đứng im lìm vươn lên nền trời chưa sáng tỏ. Những bụi mưa còn đọng lại trên hai vai bức tượng đồng, ướt át, như hình ảnh những giọt mưa khuya còn vương trên tấm "poncho" của người lính vừa xong phiên gác đêm.

Huân nhớ lại những gì xảy ra khi chiếc xe của chàng hết xăng lúc hơn nửa đêm về sáng, bóng chiếc xe Van cũng mất hút ngay trước mắt chàng dù chỗ này không có một ngã ba hay ngã tư nào hết. Chiếc xe có hai lá cờ đi đâu? Có phải nó đã tới nơi rồi, và người lính ngã xuống năm xưa trên một chiến trường nào đó, đã leo lên bệ đá, đứng yên lặng chào chàng trong bóng tối của Đài Tưởng Niệm


Nguyên Nhung

Không có nhận xét nào: