Anh Hoàng Đức Bình, ảnh giữa, và những người tham gia phong trào đòi trả tự do cho Hoàng Đức Bình. 7/2/2018
Sau khi bản án nặng nề 14 năm tù cho nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình được tuyên bố, một phong trào đòi trả tự do cho anh đã được phát động trên mạng xã hội Facebook. Những người tham gia phong trào này cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho anh Hòang Đức Bình, tạo nên hashtag #freehoangducbinh.
Đòi trả tự do cho Hoàng Đức Bình
Một thành viên của nhóm Cây xanh Hà Nội là anh Trần Quảng Nam nói với chúng tôi là không biết ý tưởng đưa hình ảnh phản đối bản án nặng nề cho anh Hoàng Đức Bình xuất phát từ ai, chỉ biết rằng mọi người đồng ý với nhau rằng phải ủng hộ người mà họ gọi là Hoàng Bình vì người ấy là một người tốt, hy sinh cho người khác. Một thành viên khác của nhóm Cây Xanh là anh Nguyễn Quang Chung nói với chúng tôi:
Tôi cũng có lường trước về chuyện đàn áp, nhưng mà nếu ai cũng sợ, ai cũng không dám lên tiếng thì những cái xấu không được biết, nó sẽ tiếp diễn nhanh chóng hơn.-Anh Nguyễn Tín, Sài Gòn.
“Theo tôi việc làm của anh Hoàng Bình là việc làm của một người yêu nước, quan tâm đến nỗi khổ của ngư dân sau cái thảm họa miền Trung do nhà máy Formosa gây ra. Anh Hoàng Bình hướng dẫn người dân thực hiện đúng pháp luật là làm đơn khởi kiện Formosa.”
Nhưng không chỉ có những thành viên của nhóm Cây xanh Hà Nội tham gia việc phản kháng này. Một ca sĩ tự do tại Sài Gòn là anh Nguyễn Tín cũng dùng trang Facebook cá nhân của mình để phản đối bản án mà tòa án Diễn Châu, Nghệ An tuyên đối với anh Hoàng Đức Bình.
“Là một người theo dõi cũng như là quan tâm đến những vấn đề chính trị của đất nước, tôi thấy là mình nên làm một việc gì đó để mọi người biết và luôn đồng hành cùng với anh Hoàng Bình.”
Trong ngày mà bản án hai nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong được nhà nước Việt Nam công bố, báo chí của nhà nước Việt Nam cũng có loan tin này, trong đó báo điện tử Nghệ An đưa ra những qui kết nặng nề nhất, gọi anh Hoàng Đức Bình là thành phần phản động, tham gia vào những tổ chức phản động.
Khi được hỏi là khi thấy những qui kết như vậy, có sợ sự đàn áp của nhà cầm quyền hay không khi lên tiếng kêu gọi trả tự do cho anh Hoàng Đức Bình, anh Nguyễn Tín đáp:
“Tôi cũng có lường trước về chuyện đàn áp, nhưng mà nếu ai cũng sợ, ai cũng không dám lên tiếng thì những cái xấu không được biết, nó sẽ tiếp diễn nhanh chóng hơn. Nếu có thể thì tôi muốn mình là một Hoàng Bình thứ hai.”
Anh Nguyễn Tín cũng là người bị cơ quan an ninh Việt Nam thường xuyên theo dõi vì những hoạt động và phát biểu ủng hộ những phong trào xã hội dân sự cũng như bảo vệ môi trường của mình. Hiện nay anh không còn thực hiện những hoạt động ca hát của mình ở nơi công cộng nữa vì những trở ngại do cơ quan an ninh theo dõi gây nên.
Anh Nguyễn Quang Chung, vốn là người quê ở Hà Tĩnh, nơi xảy ra thảm họa môi trường Vũng Áng Formosa cũng cho biết là anh không ngại sự đàn áp:
“Điều đấy không quan trọng, vì chúng tôi làm dựa trên những gì chúng tôi quan sát thấy về anh Hoàng Bình. Còn những gì anh ấy làm mà chính quyền họ qui chụp, họ kết luận thì đấy là chuyện của họ. Còn chúng tôi chỉ làm những gì chúng tôi thấy đúng, phù hợp với pháp luật Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu nhà nước xử lý đúng pháp luật, đúng trình tự pháp luật, dựa trên những chứng cứ rõ ràng chứ không bừa bãi. Chúng tôi làm theo những gì lương tâm mình mách bảo, chúng tôi không làm gì sai cả.”
Anh Trần Quảng Nam cũng rất tự tin về những hành động của mình:
“Sợ hãi thì ai cũng có sợ hãi cả, nhưng những cái gì mà chúng ta làm tốt cho môi trường, làm tốt cho cuộc sống, góp ý cho tất cả mọi người tốt lên thì không ai nói công việc chúng ta làm là xấu cả.”
Phía trước nhiều khó khăn
Tất cả những người tham gia phong trào đòi trả tự do cho anh Hoàng Đức Bình đều nói rằng họ rất quan tâm đến sự xuống cấp của môi trường sống tại Việt Nam hiện nay, và dân chúng đang ngày càng có ý thức về chuyện đó.
Những gì anh ấy làm mà chính quyền họ qui chụp, họ kết luận thì đấy là chuyện của họ.-Anh Nguyễn Quang Chung, Hà Nội.
Tuy vậy anh Trần Quảng Nam nói với chúng tôi rằng anh không hy vọng là phong trào này có thể mang lại những kết quả cụ thể ngay lúc này:
“Chiến dịch này chúng tôi không chủ động từ khi Bình bị bắt, hay là từ những phiên tòa lần trước, nó bị chậm so với những sự kiện liên quan. Là người theo dõi hoạt động của các tù nhân lương tâm trong thời gian vừa qua, tôi không đánh giá cao lắm hoạt động này, nhưng mà nó mang tính chất truyền thông, cho anh Hoàng Bình, những người thân, rồi mọi người sẽ biết.”
Anh Hoàng Đức Bình đã bị bắt vào ngày 14 tháng Hai, năm 2017, khi đang giúp đỡ những ngư dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đưa đơn kiện nhà máy thép Formosa gây thảm họa môi trường biển miền Trung làm cá chết hàng loạt ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ.
Nhìn lại những bản án dành cho những người hoạt động môi trường một cách ôn hòa bị cầm tù trong thời gian vừa qua, một bạn trẻ khác sống ở Sài Gòn tên là Phương Dung, nói với chúng tôi:
“Nhà cầm quyền đang tìm cách dập tắt những tiếng nói phản kháng, những tiếng nói đối lập, lên tiếng vì xã hội vì môi trường. Tôi cảm thấy càng ngày bản án của những người hoạt động ngày càng nặng nề hơn. Con đường đi sắp tới của những người cất lên tiếng nói vì xã hội và môi trường Việt Nam ngày càng khó khăn hơn.”
Chị Phương Dung cũng tham gia vào phong trào đòi trả tự do cho nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình trên mạng xã hội Facebook, chị cho rằng những bản án nặng nề mà nhà cầm quyền tuyên phạt những nhà hoạt động này cũng như là một khổ nạn mà những người dấn thân cho một tương lai tươi sáng của Việt Nam phải bước qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét