Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Vẫn Còn Mùa Xuân Cho Em - Phương Vũ

"Xuân tôi ơi! sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần" (Phạm Duy)<!>

Một lần tình cờ nghe lại bài "Xuân Ca" của Phạm Duy, tôi cảm thấy hình như trong đó chứa đựng một lời kêu gào ham muốn được sống và khao khát được yêu thương. Nó giống như lời khẳng định của PD trong một bài hát khác:

"Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu mãi mãi mãi
Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người"

Có lẽ Phạm Duy đã nói lên tiếng nói giùm cho những người có cùng tâm trạng như tác giả dù tuổi Xuân đã qua đi nhưng trái tim vẫn rộn rã nhịp đập của yêu thương. Ngày xưa bước qua tuổi sáu mươi, người ta đã ăn mừng “Lục tuần thượng thọ,” mọi người kính cẩn gọi là Cụ để được “Kính lão đắc thọ.” Nhưng ngày nay:

Sáu mươi chưa phải là già,
Sáu mươi là tuổi mới qua xuân thì

Có lẽ trong âm hưởng tinh thần đó, dạo này bỗng nhiên tôi thường nhận được tin vui từ những người ở lứa tuổi không còn trẻ nữa, nhưng trái tim họ vẫn còn rung động trước một lời nói ân cần, một sự quan tâm thăm hỏi... Nó bắt đầu từ những gặp gỡ thường xuyên qua các buổi tập thể dục hay những khóa tu thiền. Mối tình của anh chị M khởi đi từ một tình bạn nhẹ nhàng lúc đầu, chỉ là cùng tập thể dục mỗi buổi sáng ở công viên. Đó là sự chờ mong bạn tới chỉ để vẫy tay chào từ xa :
- Sao hôm nay chị ra trễ quá vậy? Tôi tưởng chị bệnh...

- Tại cháu ngoại gọi facetime nói chuyện cà kê không dứt ra được, vì con bé dễ thương quá đi thôi, cứ chun mũi vô phone mà đòi hun ngoại hoài...
Họ khởi đầu từ những câu chuyện vu vơ, trời mưa trời nắng, về sức khỏe, về tin tức cộng đồng.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi dọn nhà nên không ra tập ở công viên đó nữa. Một hôm gặp lại chị bạn quen trong nhóm:

- Nè biết tin vui gì chưa? Chị M sắp làm đám cưới rồi đó...
- Thiệt hả? Vậy thì vui quá rồi, cũng mừng cho chị đã qua tuổi 70 mà vẫn còn tìm được tình yêu mới, chứ thấy đời chị ấy cũng trải quá nhiều đắng cay rồi. (Chồng chị muốn về Việt Nam cưới cô gái khác nên tự động ra tòa làm giấy ly dị một cách âm thầm).

- Đúng vậy, ai cũng mừng cho bả hết. Bả sẽ gọi ĐT mời bồ đi dự đám cưới đó, nhớ đi nhen. Bả nói sẽ mời hết nhóm bạn tập thể dục và các nhóm bạn đạo ở mấy chùa bả thường tham gia đi nghe thuyết giảng rồi đi hành hương. Có mời cả mấy thầy tới chứng giám nữa...

Khi nói về vấn đề người già tái hôn, thường có nhiều ý kiến khác nhau. Nhóm đầu tiên quan niệm: Già rồi lo sống cho yên ổn, đã thoát được cảnh ràng buộc, sao không sống thảnh thơi, tự do cho khỏe cái thân, “Happiness is to be single.” Có người thì kêu lên: Tội nghiệp quá! Sao còn đeo theo chi cho khổ nữa vậy? Chắc là nghiệp còn, mắc nợ trả chưa hết nên phải trả cho hết.” Có chị thì chồng chết sau một thời gian dài nuôi bệnh nên lo xa tuổi này ai cũng già yếu rồi, "Tôi nuôi bệnh đổ bô, lau đít lâu quá nên sợ lắm, thôi đủ rồi đừng tái bản nữa mệt chịu gì xiết.” Tương tự như vậy mới đây tôi vừa đọc được ở mục "Gỡ Rối Tơ Lòng" trên báo Viễn Đông, một chị thắc mắc hiện có người yêu và muốn tiến tới hôn nhân, "Bây giờ lấy chồng nữa, biết có được nương tựa không hay là lại hầu thêm một lần nữa. Cháu cứ nghĩ vậy mà phân vân không dám quyết định. Hồi trước cháu còn trẻ còn có sức chịu đựng, bây giờ cháu cũng lớn tuổi rồi, nghĩ đến hầu người ốm cháu cũng ngại lắm. Nhưng mà ở một mình thì cũng buồn, nhiều khi đau ốm họ hàng anh chị em và con cái thì ở xa, muốn có bát cháo ăn cũng không ai giúp. Nghĩ đến tương lai thật là buồn nản phải không bác?"

Những người khác thì nhìn quanh thấy có những cặp tái hôn lúc đầu yêu nhau thắm thiết, mừng rỡ vì có bạn đồng hành đi nốt quãng đường đời còn lại, cho "đời vẫn đẹp sao!.” Khỏi phải băn khoăn "Đời biết ai thương mình?" Nhưng sau một thời gian quen thuộc nhau, từ từ "luật bão hòa" xuất hiện. Thế là mọi chuyện lại trở về đời thường, cũng nói dấm dẳn, gắt gỏng hoặc ngang như cua. "Hoa cẩm chướng" bắt đầu mọc đầy nhà và nở quanh năm. Biết vậy...

Nhóm khác thì quan niệm, "Già rồi ở một mình cô đơn hãi lắm, có hai mình vẫn hơn. Dù sao có bạn nương tựa sớm hôm cũng an ủi tuổi già hiu quạnh." Người già tuy có con, nhưng chúng lớn lên và trưởng thành có gia đình riêng nên bận bịu đâu còn giờ chăm sóc, ngó ngàng tới cha mẹ. Nếu gặp được tình yêu thì, "Yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi!" để khỏi phải ca hoài câu hát cũ, "Buồn ơi ta đang lẻ loi. Buồn hỡi ta đang đơn côi.” Tình yêu luôn là liều thuốc nhiệm mầu cho những cuộc sống lẻ loi. Ai cũng biết tình yêu rất cần cho cuộc sống hạnh phúc vui tươi, nhưng sao họ lại ngại ngần khi yêu nhau. Hãy lắng nghe Steve Jobs trối trăn trước khi chết, “Một nhóm người trong xã hội của chúng ta vô cùng khao khát được biểu lộ tình yêu thương, họ là những người lớn tuổi, và nhất là khi họ có những cảm nghĩ cô đơn. Cảm nghĩ tuyệt vọng là phổ biến trong số những người cao niên và vào gần cuối cuộc đời của họ. Thượng Đế tạo dựng chúng ta để cảm nghiệm được tin yêu trong tim, chứ không phải những ảo tưởng về tiền tài, danh vọng như tôi đã làm trong suốt cuộc đời nhưng không thể đem theo với tôi được. Tôi chỉ có thể mang theo được những kỷ niệm của yêu thương. Đây mới chính là sự giàu sang sẽ có thể đồng hành với bạn."

Nghe qua thấy ý kiến nhóm nào cũng đều có lý hết, thôi thì tùy duyên hay là theo ý kiến trung dung: Hãy cứ là tình nhân, không cần hôn thú, cưới xin gì cả, nhà ai nấy ở. Hai người cứ việc đi lại với nhau, vui chơi có nhau nhưng không ai có bổn phận trách nhiệm với nhau. Đời sống bên này rất thực tế, miễn sống cho thoải mái mà không thiệt hại đến ai là được rồi. Ý kiến này coi bộ hay và thực tế lắm đa! Đừng nên rơi vào tình trạng mà rất nhiều người Mỹ đang làm: lấy chó, mèo làm bạn tri âm. Nhiều người tiêu rất nhiều tiền cho tang lễ cuả những con chó, con mèo và căn dặn khi chết, xin đem cải táng những con vật nầy và đem chôn bên cạnh cho cuộc đời bên kia thế giới đỡ cô đơn!

Loay hoay mà sắp tới ngày đám cưới chị M, chị bạn hôm nọ gọi phone nhắc tôi:
- Nhớ ngày mai đi dự đám cưới chị M ở nhà hàng chay... nghen! Coi như đi ăn trưa với bạn bè một bữa mà!
- Mấy hôm nay mưa gió hoài, nên ngại ra khỏi nhà quá!
- Đi để chúc mừng Hạnh Phúc và sự may mắn của chị M. Đây là câu chuyện "gia đình bà Táo" ở thời đại thế kỷ 21 này đó

- Vậy hả? Nghe sao ly kỳ hấp dẫn quá vậy? Kể tiếp chuyện tình chị M cho tôi nghe đi
Thế là chị tỉ tê: Chồng trước của chị M ly dị rồi về VN mua nhà ở riêng. Thỉnh thoảng ông lại về Mỹ thăm nhà và check sức khỏe nhất là sau này khi bị mini stroke người yếu hẳn đi. Căn nhà chung khá rộng của 2 người ở Mỹ vẫn còn đứng tên chung và có 1 phòng riêng của ông, nên khi về Mỹ chơi vài tuần, ông vẫn ở đó. Khi M kết hợp với ông sau, mỗi lần ông trước về Mỹ chơi, ông sau (còn trẻ) tiếp đón vui vẻ và giúp đỡ chở ông trước đi gặp bác sĩ, đi làm xét nghiệm, đôi khi còn dẫn ra công viên đi bộ vì M lúc nào cũng bận rộn, hơn nữa từ ngày có ông sau mọi chuyện chị đều giao cho ông sau "take care" hết cho khỏe! "Có chồng là để nhờ cậy" mà! Kỳ này đám cưới M với ông sau, ông trước cũng từ VN về Mỹ tham dự "đám cưới của vợ" để chúc lành cho "đôi trẻ.” Vậy là gia đình "một bà, hai ông" sống chung một nhà đề huề vui vẻ, không có ghen tương gì cả. Đúng là "tiền hung, hậu kiết,” M quá may mắn không phải sao? Do đó bạn cần phải đi để chúc mừng cho chị ấy nha!

Hôm sau dù trời mưa, tôi vẫn giương dù để đi ăn cưới chị M. Khi tôi đến nơi khách ngồi đầy đủ gần hết mấy dãy bàn dài, toàn là dân cao niên nên thích đi sớm. Ở cửa "chú rể" đứng tiếp khách, "cô dâu" dẫn khách đi xếp chỗ ngồi. Ở một bàn riêng gần quầy tiếp tân, tôi nhìn thấy 1 ổ bánh cưới khá to với nhiều bông hồng và hàng chữ "Trăm Năm Hạnh Phúc,” tôi quay lại nói với M :
- 50 năm là dư xài rồi, cần chi tới 100 năm

Chị cười, "Đúng vậy, già hết rồi, mấy chục năm là cũng quá đủ."
Tiệc cưới bắt đầu, "cô dâu chú rễ" bước ra nói lời chào bạn bè, con cháu và xin giới thiệu 2 người sẽ chính thức sống chung với nhau. Xin mọi người chúc lành và hoan hỉ dùng bửa cơm chay thanh đạm với gia đình. Sư ông đại diện mọi người tham dự lên chúc phúc cho "đôi tân hôn" được Phật độ trì sống "thân tâm an lạc.” Sau đó bữa tiệc bắt đầu, mọi người vui vẻ dùng trà và ăn vài món chay, ở đây không hề có rượu bia như những đám tiệc khác. Tôi thấy ăn vậy mà phù hợp với những người cao niên thay vì những tiệc cưới ở nhà hàng Tàu toàn là những món ngập đầy dầu mỡ, nhìn là đã thấy ngán và còn không tốt cho sức khỏe cao niên.

Một chị ngồi chung bàn hỏi nhỏ, "Ông trước ngồi ở đâu?" - "Bàn bên kia kìa"- "Không biết ông ấy nghĩ gì trong ngày hôm nay?" Có bao giờ ông hối tiếc vì mình đã ham vui nên lo chạy về VN, bỏ rơi gia đình mà đáng lẽ mình phải trân quý. Đúng là có những lỗi lầm không có cơ hội để sửa chữa! Và bây giờ sống cô quạnh một mình, ngồi dự đám cưới vợ vui duyên mới mà trong lòng có nghe những tàn phai?
Một giọng khác trong bàn cất lên:

- Chắc chỉ có ở Mỹ, văn minh tiến bộ quá, nên mới có đám cưới mà cô dâu chú rể đều ngoài 70 tuổi cả.
- Không đâu, Việt Nam bây giờ cũng văn minh lắm. Tuần rồi tôi mới đọc tin trên báo: Trong ngày đầu tiên của năm 2017, một đám cưới đặc biệt đã diễn ra tại Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, khiến cả xã xôn xao. Cô dâu và chú rể là đôi uyên ương đã bước qua tuổi 70. Ở nhà quê nhưng đám cưới còn "ngon lành" hơn bên Mỹ nha! Vì theo tin cho biết đám cưới của đôi uyên ương này cũng có trầu cau, lễ ăn hỏi, lễ đón dâu, xe hoa, sính lễ, v.v..

-Ui chao! Thiệt vậy sao? Có hình đám cưới không mở cho xem đi.
Iphone được mở ra tìm kiếm để xem hình rước đám cưới ở làng quê cũng rất rộn ràng. Chợt giọng người xem thì thầm, " Cô dâu thì nhan sắc dưới trung bình, nhưng chú rể cao ráo và đẹp trai quá ta!"- "Ở tuổi này rồi nhan sắc bên ngoài không quan trọng, tính nết và nét đẹp bên trong mới cần thiết.” Đám cưới đặc biệt này nhận được nhiều lời chúc mừng của cả người thân quen lẫn người lạ. Ai cũng mừng cho cô dâu và chú rể bước sang tuổi 70 vẫn tìm được hạnh phúc tuổi già.

Như vậy là tư tưởng xã hội đã theo trào lưu tiến bộ đổi mới, không còn cái cảnh ép người phụ nữ phải ở giá suốt đời với bốn chữ "tiết hạnh khả phong" như thế kỷ trước. Quan niệm "gái chính chuyên chỉ có một chồng" đã trở thành lỗi thời. Ngày nay mọi người hân hoan trước hạnh phúc của những người tìm thấy tình yêu lúc cuối đường đời. Nhất là với những người đã từng trải qua những gian nan, gập ghềnh trên con đường đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Hãy vui mừng với tình yêu cuối cùng của họ vì "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.”

Rời bữa tiệc ra về mà lòng tôi cũng thấp thoáng một niềm vui, mừng cho bạn tìm thấy một tình yêu mới cuối đời. Đâu đây tiếng hát ai đó đang cất lên như dành riêng để tặng những người mới tìm thấy mùa Xuân, sau bao gian truân của cuộc đời:

Xin cầu chúc những người yêu nhau vào lúc "chiều hôm tối rồi" hãy vượt qua "tuổi già đầy nỗi sợ" để bên nhau "hưởng ngày vui ngắn ngủi chẳng còn bao."


Phuong Vu

Không có nhận xét nào: