Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

PROFESSOR OF LINGUISTICS EMERITUS TEXAS WOMAN’S UNIVERSITY - Nguyễn Đình Hoà

Được soạn thảo nghiêm túc và tôi luyện kỹ càng trong nhiều thập niên giảng dạy ngôn ngữ Việt tại các đại học Mỹ (khởi thủy tại Columbia vào năm 1953 và kết thúc tại Southern Illinois vào năm 1990), VIETNAMESE / TIẾNG VIỆT KHÔNG SON PHẤN của Giáo sư Nguyễn Đình-Hòa là một cuốn sách giáo khoa thượng đẳng. Với 11 chương sắp xếp theo thứ tự rành mạch, hai phụ bản, một thư tịch liệt kê 210 nguồn khảo cứu của các tác giả khắp năm châu viết về tiếng Việt, và một “index” hơn 13 trang, cuốn sách là một đóng góp uyên bác hiếm quý cho thế giới bên ngoài muốn tìm hiểu về cấu trúc tiếng Việt. <!>
Bằng một lối viết trong sáng vui tươi và với những thí dụ đầy tình tự dân tộc, tác giả đã miêu tả những nét chính yếu và đặc thù của âm pháp (phonology), từ pháp (morphology) và cú pháp (syntax) tiếng Việt qua các nguyên lý của khoa ngôn ngữ học hiện đại.

Trong lời tựa, tác giả cho biết ông giữ lập trường “bảo thủ” (conservative) của trường phái “miêu tả” (descriptive school) khi soạn thảo cuốn sách, nhưng người viết thấy cần phải nói thêm rằng khảo hướng của ông cũng rõ nét “chiết trung” (eclectic). Khảo hướng chiết trung rất lành mạnh và cần thiết để duy trì được một cái nhìn quân bình trong bộ môn ngôn ngữ học.


Thật vậy, tác giả đã miêu tả cấu trúc của “tiếng Việt không son phấn” qua các bình diện “lịch sử” (historical), “công năng” (functional), “so sánh” (comparative), “tương phản” (contrastive), “pháp vị” (tagmemic), “ngữ dụng” (pragmatic), “biến tạo” (transformational), và “đại đồng” (universal).  Kiến thức chuyên môn quảng bác cũng như kinh nghiệm thâm sâu về giảng dạy ngôn ngữ đã giúp tác giả thành công trong nỗ lực áp dụng khảo hướng chiết trung khi soạn thảo cuốn sách giáo khoa này, để giúp cho người đọc có được một cái nhìn quân bình về cấu trúc tổng thể tiếng Việt. Có hai điểm son nữa của cuốn sách có tính cách sư phạm, mà người sử dụng sẽ trân quý, cần được nêu ra: (1) Nội dung cuốn sách được trình bầy một cách “giáo khoa”, có nghĩa là theo một dàn bài lớp lang, chặt chẽ, dễ theo dõi cho người đọc; (2) Vì cuốn sách nhắm vào người ngoại quốc chưa giỏi tiếng Việt, các câu thí dụ bằng tiếng Việt đều được chuyển sang tiếng Anh từng chữ tương đương một, rồi mới dịch sang tiếng Anh. Chẳng hạn câu “Xe đạp của tôi phanh không ăn” được chuyển từng chữ một thành “Bike of me – brakes no eat” và dịch thành “My bicycle has brakes that don’t work” (trang 220).  Điều này giúp người ngoại quốc hiểu nghĩa các từ tương ứng trong hai ngôn ngữ, đồng thời thấy được sự khác biệt khá ngoạn mục về vị trí các từ trong câu (word order) giữa cú pháp tiếng Việt (một ngôn ngữ đơn lập) và cú pháp tiếng Anh (một ngôn ngữ biến cách). Và cũng vì nhiều độc giả cuốn sách không phải là những chuyên viên ngữ học, người viết chỉ tiếc là cuốn sách đã không có một danh sách (glossary) liệt kê và định nghĩa những từ chuyên môn về ngữ học được dùng trong cuốn sách, mặc dù tác giả đã cố gắng giải thích một số từ này rất cặn kẽ trong sách, như “âm vị” (phoneme) ở trang 12, “tiếp tố” (affixation) ở trang 59, vân vân. Trong những đoạn kế tiếp dưới đây, người viết sẽ nêu lên một vài nét chính yếu đáng lưu ý trong nội dung từng chương của cuốn sách giáo khoa này.

Chương 1, qua bình diện lịch sử và so sánh, đưa ra một cái nhìn khái quát về con số và nơi cư ngụ hiện tại những người nói tiếng Việt trên thế giới, mối quan hệ thân tộc của tiếng Việt với nhóm Môn-Khmer, các giai đoạn phát triển tiếng Việt (từ Tiền Việt đến Việt hiện đại), các phương ngữ, và các hệ thống chữ viết (Nho, Nôm, Quốc ngữ). Để chặn đứng cái ý nghĩ vội vàng và sai lầm cho rằng “tiếng Việt là do tiếng Trung Hoa mà ra” hoặc “tiếng Việt là một phương ngữ (dialect) của tiếng Trung Hoa”, tác giả khẳng định “Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa mà thôi, cũng như Nhật Bản và Triều Tiên mắc nợ một số khía cạnh văn hóa Trung Hoa. Thực sự, cũng như tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên, tiếng Việt không có liên hệ thân tộc với tiếng Trung Hoa” (trang 2).


Trong chương 2, tác giả đã mổ xẻ hệ thống âm thanh tiếng Việt (phụ âm, nguyên âm, thanh điệu, nhấn, ngữ điệu, cấu trúc âm tiết) theo tinh thần miêu tả và khoa học mà ngữ học gia người Mỹ Leonard Bloomfield đã khởi xướng qua cuốn sách LANGUAGE (1933), nay đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong khoa ngôn ngữ học. Đáng lưu ý là bảng liệt kê 22 âm vị tử âm (consonant phonemes) dùng trong mọi phương ngữ Việt Nam – bằng ký hiệu như /b-/, /f-/, /z-/, vân vân – có thể đứng đầu các âm tiết, cùng với những chữ cái trong mẫu tự Việt được dùng để biểu hiện những âm vị này. Thí dụ, âm vị /k-/ thường được biểu hiện bằng những chữ cái c-, k-, q- (con cá, cái kim, quả cam) (trang 20). Biểu đồ của 6 thanh điệu (trang 20) cho người đọc thấy rõ độ cao thấp cùng với đường uốn lượn của từng thanh điệu. Tác giả cũng đưa ra những nét đặc thù của tiếng Việt như một ngôn ngữ đơn lập (isolating language): các từ trong tiếng Việt không biến dạng, và các quan hệ ngữ pháp được biểu hiện trước tiên bằng trật tự của các từ trong một chuỗi lời nói. Đặc thù không biến dạng này của tiếng Việt được cho tương phản với sự biến dạng của động từ (drink, drinks, drank, drinking) và danh từ (dog, dogs) trong tiếng Anh, một ngôn ngữ biến cách (inflectional language). Vì mỗi âm tiết tiếng Việt là một thực thể trọn vẹn thường gọi nôm na là “tiếng”, ta cần biết cách cấu tạo nội bộ của nó. Theo tác giả, mỗi âm tiết có 3 phần: một phụ âm đầu (onset), một vần (rhyme) theo sau đó, và một trong 6 thanh điệu (tones), chẳng hạn âm tiết “cám” có phụ âm đầu là /k-/, vần là /-am/, và thanh điệu là /dấu sắc/. Bàn về việc hoán chuyển vị trí các từ và thanh điệu như một cách chơi chữ, tác giả đưa ra một so sánh thú vị giữa cách “nói lái” của người Việt (như chửa hoang = hoảng chưa) với hiện tượng “spoonerism” trong tiếng Anh (a dear old queen = a queer old dean). Trong một ngôn ngữ sử dụng thanh điệu (tone language) như tiếng Việt, ít ai để ý xem nó có “độ nhấn” (stress) và “ngữ điệu” (intonation) như trong một ngôn ngữ sử dụng ngữ điệu (intonation language, như tiếng Anh chẳng hạn) hay không, nhưng trong chương này tác giả đã tán đồng ý kiến của Laurence Thompson khi ông này phân biệt tới 4 mô hình ngữ điệu trong tiếng Việt:  (a) giảm dần / diminuendo, (b) phai lạt đi / morendo, (c) duy trì / sostenuto, và (d) tăng dần / crescendo. Mô hình ngữ điệu loại (a) được thấy trong câu “Cô ấy không đi đâu cả”, loại (b) được thấy trong câu “Cô ấy đi đâu?”, loại (c) được thấy trong câu “Cô đi chưa?”, và loại (d) được thấy trong câu “Cô ấy có đi đâu!” (trang 31-33).

Chương 3 và 4 miêu tả từ pháp hoặc ngữ thái học (morphology), tức là bộ môn nghiên cứu về hình thái tiếng Việt để có thể nhận diện và miêu tả hình dạng và cấu trúc của đơn vị mệnh danh là “từ” (tương đương với “word” trong tiếng Anh hoặc “mot” trong tiếng Pháp). Các tiết mục chính trong hai chương này gồm có: khái niệm từ trong tiếng Việt, từ đơn âm tiết và từ đa âm tiết, thực từ và hư từ, từ Hán-Việt, từ đơn, từ lắp láy, tiếp tố (tiền tố và hậu tố), từ ghép, những từ gốc Hán, khái niệm từ tố. Vì ai cũng thấy những từ đơn âm tiết (monosyllabic) chiếm một số rất lớn trong từ vựng tiếng Việt, người ta thường cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm tiết. Thực ra, tiếng Việt hiện đại có khuynh hướng rõ ràng nghiêng về phía song âm tiết (disyllabic), như các từ: quần áo, mặt trời, nhà tranh, vách đất, đi đứng, giám đốc, và cũng có một số từ ba âm tiết (bất thình lình, quan sát viên) hoặc bốn âm tiết (tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa). Vì những từ song âm tiết chiếm tỷ lệ cao nhất (ngót 80% theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Tu năm 1966), ta có thể nói rằng tiếng Việt ngày nay là một ngôn ngữ song âm tiết. Đa số những từ đơn âm tiết có thể chia ra làm thực từ (full words / content words) và hư từ (empty words / function words). Thực từ có ý nghĩa từ vựng rõ ràng và có thể đứng làm thành phần của một câu, thí dụ: nhà, cửa, chó, mèo, chăm, lười. Hư từ không có ý nghĩa từ vựng rõ ràng mà chỉ có trách vụ nối các đơn vị như từ và câu lại với nhau theo một quan hệ nào đó, và chúng cũng không thể dùng làm thành phần của một câu, thí dụ: đã (như trong “đã cày rồi”), rất (như trong “rất chăm”), thì (như trong “trời mưa thì tôi không đi”). Từ lắp láy (reduplications) là những tiếng đôi trong đó một yếu tố được lặp lại phản ánh đặc tính phát âm của yếu tố chính (đều đều < đều, nho nhỏ < nhỏ, đèm đẹp < đẹp). Mức độ lắp láy có thể toàn vẹn (buồn buồn, vui vui) hoặc nửa vời (cũ kỹ, gồ ghề). Khía cạnh đặc thù này của từ vựng Việt được tác giả trình bầy rất kỹ và cung cấp nhiều thí dụ thú vị (trang 44-57) liên hệ đến lãnh vực phát âm và ngữ nghĩa (semantics). Từ ghép (compounds) gồm 2 yếu tố là loại từ ghép phổ cập nhất và gồm 2 loại: đẳng lập (coordinate) và chính-phụ (subordinative). Thí dụ về từ ghép đẳng lập: ruồi muỗi (2 danh từ), ăn uống (2 động từ), dơ bẩn (2 tính từ). Thí dụ về từ ghép chính-phụ: cây lúa, chó đực, gà mái (danh từ kép); ăn cơm, đánh đổ, chặt đứt (động từ kép); nhanh trí, dễ chịu, làm biếng (tính từ kép). Tác giả kết thúc hai chương về từ vựng bằng nhận định rằng đơn vị từ vựng “tiếng (một)” trong Việt ngữ có thể được so sánh với “hình vị” (morpheme) trong ngôn ngữ Tây phương và cũng trùng với âm tiết. Vì thế, một số nghiên cứu gia cũng gọi “tiếng” là một “hình-tiết” (morpho-syllable).

Ba chương 5, 6, 7 mô tả cách sắp xếp từ loại (parts of speech) theo hai tiêu chuẩn ý nghĩa (meaning) và môi trường ngữ cảnh (contextual environment). Trước khi xác quyết từ loại của một từ, tác giả trả lời 4 câu hỏi về từ đó: (1) nghĩa tổng quát là gì? (2) liên hệ cú pháp của nó với các yếu tố xung quanh ra sao? (3) chức năng của nó trong câu nói là gì? và (4) từ đó được cấu trúc ra sao? [Trong tiến trình sắp xếp từ loại tiếng Việt – mà tác giả cũng gọi là những “chủng loại từ vựng-ngữ pháp” (lexico-grammatical categories) – một cách cẩn trọng này, Nguyễn Đình-Hòa đã khác hẳn với Charles Fries (người viết cuốn sách lừng danh có ảnh hưởng lớn lao đến việc giảng dạy Anh ngữ khắp hoàn cầu mang tên THE STRUCTURE OF ENGLISH vào năm 1952), vì ông Fries đã không đoái hoài gì đến ý nghĩa mà chỉ hoàn toàn máy móc nhìn vào các ngữ cảnh trong đó các từ có thể xuất hiện để sắp xếp các từ loại trong tiếng Anh, căn cứ vào ý niệm “pattern substitution”]. Áp dụng những tiêu chuẩn và câu hỏi nêu trên và không dựa vào ngữ cảm (linguistic intuition), tác giả đã sắp xếp các từ loại tiếng Việt một cách mới mẻ như sau, với những ranh giới khá minh bạch và dứt khoát:

I. THỰC TỪ (Content words)
A.      Thể từ (Substantives)
1. Danh từ (Nouns) : cha, mẹ, ruộng nương, nền văn minh ...
1a. Loại từ (Classifiers) :  cái, con ...
2. Phương vị từ (Locatives) :  trên, dưới, trong ...
3. Số từ (Numerals) : một, hai, dăm, vài ...
B.      Vị từ (Predicatives)
4. Động từ (Functive verbs) : ăn, uống, trượt tuyết, ăn hối lộ ...
5. Tính từ (Stative verbs) : cao, thấp, nóng tính, mù chữ, tinh đời ...
C.      Đại từ (Substitutes)
6. Đại từ (Substitutes) : tôi, tao, mày, anh, chị, ông, bà, đây, đấy ...

II. HƯ TỪ (Function words)
D.      Phó từ (Adverbs)
7. Phó từ (Adverbs): đã, sẽ, đang, không, lắm, quá ...
E.      Quan hệ từ (Connectives)
8. Giới từ (Prepositions): bằng, của, về, do, cho ...
Liên từ (Conjunctions):  và, vì, để cho, ví như ...
F.      Tiểu từ tình thái (Particles)
9. Tình thái từ (Initial and final particles): chính, đích, à, ạ, nhé, nhỉ ...
10. Cảm thán từ (Interjections): ôi, ai, chà, vâng ...

Chương 8 và 9 miêu tả cấu trúc của danh ngữ (noun phrase, NP) và động ngữ (verb phrase, VP) trong tiếng Việt. Hai yếu tố NP và VP đã được Noam Chomsky, vị bá chủ lý thuyết ngữ pháp đại đồng từ hơn bốn chục năm nay, làm mọi người lưu tâm từ khi ông viết cuốn sách nho nhỏ mang tênSYNTACTIC STRUCTURES (1957), trong đó mô thức [S à NP + VP] tượng trưng cho cấu trúc chính yếu của một câu đơn trong rất nhiều, nếu không muốn nói tất cả, ngôn ngữ nhân loại.
Có 4 quan hệ trong cấu trúc NP và VP: (1) chính-phụ (modification), (2) bổ túc (complementation), (3) đẳng lập (coordination), và (4) chủ-vị (predication). Có lẽ W. Nelson Francis, tác giả cuốn THE STRUCTURE OF AMERICAN ENGLISH (1958), là người đầu tiên đã mổ xẻ tinh vi 4 quan hệ này trong cấu trúc NP và VP tiếng Mỹ. Theo Francis, quan hệ modification gồm yếu tố “head” và “modifier” (trong “happy days” thì “days” là head và “happy” là modifier); quan hệ complementation gồm yếu tố “verb” và “complement” (trong “ate a sandwich” thì “ate” là verb và “a sandwich” là complement); quan hệ coordination gồm hai, hoặc nhiều hơn, yếu tố tương đương nối vào nhau (rich and beautiful, sang or danced); và quan hệ predication gồm yếu tố “subject” và “predicate” (trong “The little boy saw a tiger” thì “The little boy” là subject và “saw a tiger” là complement).  Tác giả VIETNAMESE / TIẾNG VIỆT KHÔNG SON PHẤN cũng làm việc tương tự cho tiếng Việt một cách rất rành mạch. Thí dụ cho các quan hệ nêu trên lấy từ cuốn sách: (1) chính-phụ: “bò đực”, “một con bò cái này”; (2) bổ túc: “thấy một con bò cái”; (3) đẳng lập: “Nam và vợ”, “Tôi muốn về quê /nhưng xe đạp hỏng”; (4) chủ-vị: “Tôi thấy một con bò cái”.  Nói theo khoa ngữ pháp đại đồng của Chomsky thì tác giả họ Nguyễn đã thành tựu trong nỗ lực ấn định các thông số (fix the parameters) của bốn nguyên tắc đại đồng (universal principles) nêu trên cho tiếng Việt.

Hai chương sau cùng của cuốn sách (chương 10 và 11) miêu tả hình thức các loại câu trong tiếng Việt, qua hai bình diện “cấu trúc” (structural) và “biến tạo” (transformational). Nguyên tắc “phân tích thành phần cấp kỳ” (immediate constituent analysis) là phương tiện mổ xẻ chính yếu của trường phái cấu trúc Bloomfield, dùng để tách lìa hai phần chính trong mỗi cấu trúc cú pháp. Hai cái “thành phần cấp kỳ” của một câu đơn tiếng Việt (chủ ngữ / vị ngữ) cũng trùng hợp với [NP / VP] trong mô thức Chomsky và với hai yếu tố rất Đông phương là “đề” (topic) / “thuyết” (comment). Ước chi tác giả trong chương 10, bằng kiến giải chuyên môn lão luyện, đã nói nhiều hơn về khuynh hướng “đề / thuyết” trong cú pháp Việt, biểu hiện trong các câu  tỷ dụ “Mẹ tôi / mất năm 1943” và “Con chim ấy / hót hay lắm”! Tác giả cũng dùng quan niệm “câu lõi” (kernel sentence) của ngữ học biến tạo, tức là cấu trúc một câu “đơn, hoạt động, xác định, tuyên bố” trong mọi ngôn ngữ, để vạch ra hình dạng một câu đơn trong tiếng Việt.


Nội dung phong phú của hai chương này phản ánh sự hòa hợp của hai phái cấu trúc và biến tạo, qua các mô thức cũng như những lời giải thích cặn kẽ của tác giả. Dưới đây là một vài thí dụ về các mô thức cấu trúc câu đơn trong tiếng Việt:
Sentence = Noun Phrase + Verb Phrase [Yếu tố V trong VP có thể là động từ ngoại động (transitive) hoặc nội động (intransitive)]: “Tâm còn ngủ”, “Các bà ấy làm thơ bát cú.”
Sentence = Noun Phrase + Verb Phrase [Yếu tố V trong VP là một tính từ (stative verb)]: “Sương thu lạnh”, “Vườn cụ Phúc đầy hoa.”
Sentence = Noun Phrase + Là + Noun Phrase : “Liên là cô giáo”, “Giáo sư đại học bên ấy đều là công chức.”
Sentence = Noun Phrase + Là + Verb Phrase : “Ước muốn của tôi là học y khoa.”
Sentence = Noun Phrase + : “Lão già dê ”.
Sentence = Verb Phrase + Verb Phrase : “Học đi đôi với hành”.
Sentence = Verb Phrase + Là + Noun Phrase : “Gả chồng cho ba cô con gái” là ý muốn của ông bà hàng xóm.

Tác giả cũng nêu lên một cấu trúc câu đặc thù và rất hay dùng trong tiếng Việt là cấu trúc trong đó một quan hệ chủ-vị đứng ra làm chủ từ cho câu, như “ làm chúng em thẹn” hoặc “<Ông ấy giải thích thế> là sai”.

Chương 11 đề cập tới những loại câu rắc rối hơn là câu lõi, như : câu phủ định, câu nghi vấn, câu kép [gồm hai câu đơn đứng liền nhau hoặc có liên từ làm trung gian], câu phức [nhất là câu mẹ có câu con “lồng” (embedded) ở trong]. Theo ngữ pháp biến tạo thì những loại câu rắc rối này là kết quả của những “luật biến tạo” (T-rules) áp dụng vào các câu lõi. Trong chiều hướng ấy, tác giả Nguyễn Đình-Hòa đã diễn tả các tiến trình biến tạo (thay vì dùng các công thức của luật biến tạo) để chuyển những câu lõi tiếng Việt thành ra những câu có hình thức phiền toái hơn. Thí dụ, câu phủ định thì cần một phó từ (adverb) như “không, chẳng, chả, chưa” đứng trước động từ chính trong phần “thuyết” (comment) của câu : “Hôm nay, nó KHÔNG học đàn”, “Nó CHẲNG nói, CHẲNG rằng.” Một vài nhận định mới mẻ của tác giả về cấu trúc đặc thù của một số câu kép (compound sentences) và câu phức (complex sentences) cần được nêu lên ở đây vì giá trị sư phạm đặc biệt. Theo tác giả, mối liên hệ ý nghĩa giữa hai câu đơn nằm trong câu kép “Trời mưa, tôi không đi” (trang 244) không rõ rệt. Tình trạng mù mờ ý nghĩa này chỉ có thể giải quyết bằng cách cho thêm các quan hệ từ (connectives) phù hợp vào câu ấy để nó trở thành “Nếu trời mưa, (thì) tôi không đi” hoặc “Vì trời mưa, (nên) tôi không đi”, vân vân. Tác giả cũng giải thích, qua nhiều thí dụ soi sáng, một đặc trưng của cú pháp câu kép tiếng Việt khi một trong những liên từ như “tuy, nếu, dù, tại, ngay cả” đứng đầu cấu trúc. Trong trường hợp này, cấu trúc đó sẽ cần một “từ quân bình” (người viết tạm dịch từ ngữ “balancing word” trong khoa tu từ học so sánh ; tác giả không dùng từ này trong cuốn sách), để hầu như giữ thăng bằng cho hai phần trong câu kép liên hệ. [Tôi đoán một số độc giả sẽ cho các cấu trúc loại này là những câu phức, trong đó mệnh đề phụ đứng trước mệnh đề chính]. Các từ quân bình sẽ được người viết cho viết bằng chữ hoa trong các câu dưới đây (trích trong sách, trang 247-249) : “Tuy nó mới có mười tuổi NHƯNG nó thông minh bằng người mười bốn mười lăm”, “Dù con có muốn CŨNG không được”, “Tại họ chủ quan NÊN mới bị thất bại. Hiển nhiên, trong các cấu trúc tương đương của Anh ngữ, những từ quân bình này không cần thiết. Hiểu biết được điều này có lợi cho cả người nói tiếng Anh khi học tiếng Việt (nhớ dùng “balancing words”) lẫn người Việt khi học tiếng Anh (nhớ bỏ “balancing words” đi). Trong phần cuối của chương 11, khi nói đến cấu trúc các câu phức tiếng Việt, tác giả phân biệt hai loại : loại thứ nhất là một câu mẹ có câu con “lồng” ở trong (embedded) với mục đích bổ nghĩa, như “Tám được
  • ” hoặc “Tôi ngỡ ”, và loại thứ nhì có cấu trúc tương tự nhưng với mục đích định nghĩa, như “Cái ông <đeo kính đen> chắc là tay mật vụ” hoặc “Những ai đều được trả lương phụ trội.” Phần miêu tả cú pháp câu phức này, vốn vẫn là một thử thách không nhỏ cho những ai giảng dậy ngữ pháp Việt cho người nước ngoài, cũng được trình bầy trong sáng và có giá trị sư phạm rất cao.

VIETNAMESE / TIẾNG VIỆT KHÔNG SON PHẤN do Giáo sư Nguyễn Đình-Hòa biên soạn công phu và nghiêm túc là một nguồn tài liệu hàn lâm kiệt xuất dành cho những ai muốn đạt được một kiến thức vững vàng về ngữ pháp tiếng Việt đương đại.

*1997 - 289 trang - $84.00
John Benjamins North America
P. O. Box 27519
Philadelphia, PA 19118

Không có nhận xét nào: