Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Con tàu đắm’ kéo chìm ngân sách Việt Nam - Phạm Chí Dũng

Tương lai của nền ngân sách độc đảng sẽ là một hình ảnh khá tương đồng với “con tàu đắm” Vinashin hiện hồn cách đây một con giáp. Vinashin (Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam) thực ra đã “chết” từ rất lâu rồi, nhưng cứ như một “tục lệ”, vài ba năm một lần giới quản lý tài chính lại “ai điếu” với cái xác chưa thể chôn này.
<!>
Vào thời gian sắp diễn ra kỳ họp Quốc Hội mới vào cuối quý 1 năm 2017, phía chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ Tài Chính lại một lần nữa “tố” dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63,200 tỷ đồng.
Không thể rút ngân sách để “bù đắp khó khăn” cho Vinashin, vào năm 2005, chính phủ Việt Nam đã tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay $750 triệu, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7.125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên. Nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán hết, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt.
Vào năm 2010, chính phủ Việt Nam lại phát hành $1 tỷ trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore với lãi suất 6.75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền “tái cơ cấu Vinashin”. Doanh nghiệp được mệnh danh là “con tàu đắm” này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ.
Vào năm 2014, lần thứ ba chính phủ Việt Nam xoay sở phát hành $1 tỷ trái phiếu. Tuy nhiên, lần này có vẻ không còn “thành công” như hai lần trước đó. Đây cũng là thời gian mà những xung đột chính trị trong chính trường Việt Nam trở nên khốc liệt hơn hẳn trên cung đường “lập thành tích chào mừng đại hội 12 của đảng”.
Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch “phát hành $3 tỷ trái phiếu đặc biệt ra quốc tế”, nhưng đến lúc này, mọi thứ chỉ còn là ảo mộng. Giữa năm 2016, kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ.
Còn bây giờ là năm 2017. Món nợ khổng lồ của Vinashin vẫn còn gần như nguyên vẹn, và trách nhiệm phải xử lý không ai khác là “tân chính phủ” của người vẫn còn bị một số dư luận xem là “tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc”.
Cùng lúc và như một hiệu lệnh, giới quan chức từ cao xuống thấp trong chính phủ đồng loạt tuyên bố sẽ không chấp nhận đưa nợ vay của các doanh nghiệp vào nợ công quốc gia. Những doanh nghiệp nào không thể trả nợ thì phải phá sản.
Đó là hậu quả không cách nào tránh khỏi của những năm trước, khi nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay nợ tràn lan để đầu tư trái ngành đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm, thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.
Kết cục, có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008 khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái.
Nếu tính cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, nợ công Việt Nam phải lên đến 210% GDP chứ không còn “đã sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP” như một báo cáo mới đây của chính phủ.
Còn nếu phải “ôm” núi nợ đến $237 tỷ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mà chiếm đến 120% GDP hiện thời, chính phủ của ông Phúc chỉ còn nước từ chức toàn diện.
Cho dù không ai chịu từ chức vào năm 2015, khi thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam phải trả nợ đến $20 tỷ. Còn vào năm 2016, người “may mắn” thế chỗ cho ông Dũng là ông Phúc cho biết Việt Nam phải trả $12 tỷ.
Chưa có thông tin chính thức về trả nợ năm 2017, nhưng nhiều khả năng Việt Nam cũng phải trả cho các chủ nợ khoảng một chục tỷ đô la.
Nhưng Vinashin lại không phải là “con tàu đắm” duy nhất trong một nền ngân sách đang ruỗng mục với tốc độ ngang ngửa lạm phát thực tế. Nếu trước đây xã hội đã phải phát sốt với hiện tượng tập đoàn kinh tế nhà nước ăn theo kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ” như Vinashin và Vinalines, thì từ năm 2012 đến nay các vụ án quốc gia đã chuyển dần sang giới ngân hàng – Xây Dựng, Đại Dương, Dầu Khí Toàn Cầu – với vụ án nào cũng thất thoát đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ngân hàng lại là tử huyệt của nền tài chính. Những Vinashin và Vinalines tuy thất thoát và nợ lớn nhưng sẽ không dễ khiến thị trường tín dụng chao đảo đổ bể và gây hoảng loạn xã hội như khối ngân hàng thương mại.
Nếu bạn là Thủ Tướng Phúc, bạn sẽ phải “kiến tạo và hành động” ra sao để cứu vãn ngân sách quốc gia khỏi chìm sâu dưới đáy đại dương?

Phạm Chí Dũng

Không có nhận xét nào: