Văn Quang viết từ Sài Gòn - 28.3.2017
Lãnh đạo ở đâu ra mà lắm thế?
Đó là câu hỏi người dân nhiều tỉnh lúc này. Không chỉ ở một bộ hay một tỉnh mà ở rất nhiều cơ quan to, cơ quan nhỏ khắp nơi. Đến nỗi người dân phải kêu lên “Đến cơ quan, gặp toàn… lãnh đạo!” Ông nào cũng vênh vang, vác cái mặt lên khi gặp người dân đến hầu bất cứ về việc gì.
<!>
Ông “lãnh đạo” còn mải cúi xuống đống công văn lù lù ở trước mặt ra cái điều “ông đang bận lắm đây,” chưa thèm nhìn đến thằng dân vượt bao nhiêu đoạn đường, bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu câu hoạnh họe của mấy chú bảo vệ đúng gác ngoài cổng, mấy chị thư ký hững hờ xem giấy tờ… mới đến được cái bàn giấy của quan “lãnh đạo.”
Xin chứng minh vài nét về cái sự gặp toàn lãnh đạo này: Báo chí VN đã phanh phui vụ Sở Lao Động-Thương Binh&Xã Hội tỉnh Hải Dương có 46 công chức thì có đến 44 người làm lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên.
Hàng loạt mỏ đá trên địa bàn Kỳ Anh đang nằm trong tình trạng thoi thóp.
Mặc dù mới đây, Bộ Nội Vụ đã có kết luận việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tại sở này "cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật" nhưng câu hỏi: Tại sao một cơ quan cấp sở lại nhiều lãnh đạo như thế?
Những tưởng chuyện "lắm quan" chỉ có ở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương, nhưng không phải thế. Mới đây, đoàn giám sát của Quốc Hội đã làm việc với các Bộ về cải cách tổ chức bộ máy hành chính.
Kết quả giám sát cho biết:
- Ở Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, số lượng lãnh đạo chiếm tỉ lệ khá cao. Điển hình như Vụ Tổ chức cán bộ, số lượng lãnh đạo ngang bằng với số chuyên viên và người lao động.
- Cục Khảo Thí và Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục cũng không kém: 20 lãnh đạo/26 nhân viên.
- Ở Bộ Giao Thông Vận Tải, nhiều đơn vị của Bộ có số lãnh đạo nhiều hơn, thậm chí gấp đôi chuyên viên và người lao động.
Riêng Thanh tra Bộ: 20 lãnh đạo/18 chuyên viên và người lao động.
-Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông: 41 lãnh đạo/31 nhân viên.
Bên trong các dự án được rào thép gai sơ sài là các bãi cỏ mọc và những công trình xây dựng dang dở.
- Cục Quản Lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam: 28 lãnh đạo/15 nhân viên.
- Một số đơn vị khác của Bộ GTVT cũng có tỉ lệ khá cao giữa lãnh đạo và chuyên viên: Vụ Pháp chế 6 lãnh đạo/8 chuyên viên.
Dự án tổ hợp dịch vụ thương mại Khu kinh tế Vũng Áng tại phường Kỳ Long đã bị đình trệ từ nhiều năm nay
- Vụ Tổ chức cán bộ: 8 lãnh đạo/14 chuyên viên.
- Cục Đường sắt: 30 lãnh đạo/72 chuyên viên.
- Thanh tra tỉnh Thái Nguyên kết luận về việc Sở Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) tỉnh này bổ nhiệm thừa 23 cán bộ lãnh đạo. Việc bổ nhiệm ở Sở này được cho là tràn lan và bất hợp lý, như Phòng Kế hoạch tài chính biên chế 11 người nhưng có tới 7 lãnh đạo; Phòng Quản lý xây dựng công trình biên chế có 4 người thì có tới 3 lãnh đạo.
Chuyện "lắm quan" có lẽ chưa dừng lại ở đây. Nếu Quốc hội giám sát hết tổ chức bộ máy hành chính các bộ, các cơ quan ngang bộ, rồi các cơ quan đoàn thể, địa phương thì chắc chắn con số còn khủng hơn nhiều.
Bà Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã từng nhận định, "Dân nộp thuế cho ta ngồi đây. Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi, làm việc không hiệu quả thì có lỗi với dân.”
Chuyện có lỗi với dân là “chuyện hàng ngày ở huyện,” có lỗi thì sửa sai, chiều lại có lỗi, mai lại sửa.
Nhớ lại thời xưa mấy ông cán tự hào: “Ra ngõ gặp anh hùng!” Còn bây giờ thì ra đường rất ít khi gặp mặt lãnh đạo vì lãnh đạo, nếu có ra đường thì cũng ngồi oai vệ trong xế hộp đắt tiền, còn không thì suốt ngày trong phòng lạnh.
Đó là sự khác biệt của thời đại văn minh tân tiến bây giờ của các ngài cứ bô bô nói “hết lòng phục vụ dân.” Có chăng chỉ có thằng dân làm è cổ nuôi các quan thôi.
Bởi thế nên mới có những cảnh hàng loạt dự án triệu đô “chết yểu” tại Khu Kinh Tế Vũng Áng. Những công trình trăm tỉ do các ngài “lãnh đạo” đầu to nhưng óc toàn bã đậu, chẳng biết kỹ thuật là gì, chẳng biết nó có lợi hại gì cho dân cứ có phong bì là thò bút ký văng mạng thôi.
Đã có 9 dự án trong số 29 dự án được cấp phép đầu tư bị rút giấy phép, nhiều dự án khác đang lâm cảnh “án binh bất động”... Đó là tình trạng đang diễn ra tại Khu Kinh Tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Hàng loạt dự án khủng bị rút giấy phép
Theo nguồn tin từ Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Hà Tĩnh cho biết, tính đến ngày 28/2/2017, tại Khu công nghiêp (KCN) Vũng Áng 1 đã có 9 dự án bị rút giấy phép đầu tư.
Trong số 9 dự án bị rút giấy phép này có 4 dự án vốn đầu tư từ nước ngoài.
Dự án bị thu hồi mới nhất là Xưởng gia công kết cấu thép của Cty CP Xây dựng Yu - Hua vào ngày 17/2/2017 vừa qua.
Dự án triệu đô biến thành bãi chăn thả gia súc
Nguồn tin cũng cho hay, sắp tới sẽ có thêm 3 dự án bị rút giấy phép, trong đó có 2 dự án có nguồn vốn nước ngoài lên đến hàng triệu Mỹ kim vì lý do tương tự.
Danh sách 9 dự án bị rút giấy phép đầu tư do vi phạm, gồm: Dự án nhà máy sản xuất than cốc do Cty CPCN hóa cốc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy chế biến nhựa thông do Cty CP đầu tư khoảng sản làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy liên hợp gang thép công suất giai đoạn 1 là 2,500 tấn thép/năm, giai đoạn 2 nâng lên 500,000 tấn/năm do Cty CP gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; Nhà máy chế tạo gia công linh kiện, phụ kiện công nghiệp do Cty TNHH Faster làm chủ đầu tư; Dự án Khu gia công cơ khí và sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nặng do Cty TNHH thiết bị cơ khí Takakol làm chủ đầu tư; Dự án Khu gia công cơ khí tổng hợp, Cty TNHH cơ khí Gin Hong chủ đầu tư; Dự án Nhà máy sản xuất gia công vật liệu công nghiệp do Cty TNHH vật liệu công nghiệp Joyce Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp oxy, nito do Cty CP công nghiệp hóa cốc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; Dự án Xưởng gia công kết cấu thép do Cty CP Xây dựng Yu - Hua làm chủ đầu tư.
Trong số 9 dự án bị rút giấy phép, có những dự án có vốn đầu tư lớn như: Dự án Nhà máy liên hợp gang thép công suất giai đoạn 1 là 2,500 tấn thép/năm, giai đoạn 2 nâng lên 500,000 tấn/năm với vốn đầu tư hơn 1,700 tỉ đồng trên diện tích 25 ha; Dự án nhà máy sản xuất than cốc của Cty CP Công nghiệp hóa cốc Hà Tĩnh có vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng trên diện tích 19 hecta.
Các mỏ đá cũng nằm chờ chết
Cùng với cảnh đìu hiu của các dịch vụ khách san, nhà hàng... thì hàng loạt mỏ đá, đất trên địa bàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng nằm trong tình trạng “thoi thóp.” Nhiều chủ mỏ đã phải bán tống bán tháo tài sản để rời khỏi nơi mà họ từng xem là mảnh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cho dân.
Chuyện Formosa đã từng gây nhiều phẫn nộ cho mọi người dân. Cách đây vài năm đến huyện Kỳ Anh, người ta có thể dễ dàng thấy được ngoài sự hoạt động nhộn nhịp tại đại dự án Formosa, thì phía ngoài đại công trường có hàng chục mỏ khai thác đá, đất cũng hoạt động nhộn nhịp không kém.
Suốt ngày đêm xe, cộ tấp nập vận chuyển hàng chục ngàn khối đá được vận chuyển để cung cấp cho thị trường Formosa và các công trình khác tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nguồn cầu về đá, đất đột ngột giảm mạnh, đồng nghĩa với việc các mỏ không còn khách dẫn đến việc phải đóng cửa, số ít còn lại sống lay lắt, hoạt động cầm chừng qua ngày.
Một chủ doanh nghiệp khai thác đá cho biết, để được cấp quyền khai thác một mỏ có thời hạn 20 -30 năm họ phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn, chưa kể đến việc đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng cho các loại máy móc, dây chuyền sản xuất, trả lương công nhân… nhưng mới đi vào hoạt động chưa đầy 1/6 thời hạn thì đã lâm vào cảnh dở sống, dở chết.
Máy móc nằm đắp chiếu
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có đến hơn 100 mỏ khai thác đất, đá, thì riêng địa bàn Kỳ Anh có đến 51 mỏ đá, 2 mỏ đất (trong đó thị xã Kỳ Anh 25 mỏ, huyện Kỳ Anh 26 mỏ), mức đầu tư từ 50 tỷ đến 150 tỷ đồng/ mỏ, nhưng hiện tại chỉ còn 5/51 mỏ hoạt động, với công suất hoạt động khoảng 10%.
Đến các mỏ đá trên địa bàn Kỳ Anh vào những ngày cuối tháng 2/2017, khác với sự sôi động, nhộn nhịp trước đây, đập vào mắt chúng tôi là một khung cảnh ảm đạm, trầm lắng, vắng bóng công nhân, xe cộ thưa thớt, máy móc và các loại dây chuyền nằm đắp chiếu không hoạt động. Tại các mỏ chỉ còn nhân viên bảo vệ trông giữ máy móc ngồi ngáp ruồi.
Dây chuyền tiền tỷ cũng nằm đắp chiếu!
Ông Anh, chủ mỏ đá Rú Con cho biết, “Thuế tài nguyên mỏ chúng tôi đã đóng đến năm 2018, tuy nhiên từ tháng 8/2016 đến nay, mỏ ngừng hoạt động, đá khai thác ra chất đống bán không được, công nhân thì cho nghỉ, máy móc thì bán rẻ, nói chung là quá khó khăn.”
Cùng chung cảnh ngộ, ông Tuấn Anh chủ mỏ đá Khe Đá Giàn cũng cho biết, “Để khai thác thuận lợi hơn tôi đã đầu tư hệ thống dây chuyền 150 tỷ đồng chưa nói đến hàng trăm tỷ đồng các hệ thống máy móc, thiết bị khác, nhưng hiện tại phải di dời máy móc vào miền Nam làm. Còn mỏ đã hơn một năm nay đá sản xuất ra chất thành núi không bán được do nhu cầu các công trình trên địa bàn và Khu Kinh Tế Vũng Áng giảm mạnh.”
Khu đô thị thương mai – dịch vụ Phú Vinh đang cố cầm cự chờ chết.
Thê thảm hơn là mỏ đất của Công ty VLXD&TMDV Hồng Hà, chủ mỏ cho biết, “Mỏ được cấp phép gần chục năm nay, được đầu tư hàng chục tỷ đồng vào cải tạo, mua máy móc thiết bị, tuy nhiên đất không bán được, trong khi đó hàng năm vẫn phải đóng thuế tài nguyên.
Điều quái gở là rất nhiều công trình trên địa bàn họ chỉ lấy hồ sơ từ mỏ tôi để làm hồ sơ đấu thầu nhưng không lấy đất, không hiểu sau khi đấu thầu xong họ lấy đất ở đâu để xây dựng. Chính vì vậy mà doanh nghiệp đã khó khăn thêm chồng chất khó khăn.”
Hầu hết các chủ mỏ đều cho biết, để đầu tư vào khai thác mỏ đá ở đây, họ đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, đến nay thu hồi lại chưa được 1/3 vốn, chứ chưa nói đến lời. Máy móc, trang thiết bị được đầu tư cả trăm tỷ đồng tuy nhiên đến thời điểm này nằm đắp chiếu án binh bất động, hoặc đóng cửa không thể hoạt động.
Trước tình trạng trên, các chủ mỏ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, thì đời sống công nhân cũng bị ảnh hưởng. Không có thị trường tiêu thụ, sản lượng giảm vì vậy công nhân từ các mỏ cũng phải nghỉ làm, công nhân đã phải tự bỏ ra đi tìm việc làm khác, nhiều công nhân thất nghiệp không có việc làm, vợ con đói dài dài.
Tất cả những nghịch cảnh đó là tại ai? Câu hỏi đã được trả lời là “tài lãnh đạo” của các quan. Không nước nào trên thế giới này nhiều lãnh đạo như nước Việt Nam của chúng tôi. Càng nhiều lãnh đạo dân càng đói.
Văn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét