Cỏ chó đẻ loài Phyllanthus đã được dùng từ lâu trong Y-Dược học Ayurvedic để trị những bệnh liên hệ đến gan như sưng gan gây vàng da, nhưng mãi đến năm 1988, dược thảo này mới được Y-học Phương Tây chú ý đến qua một nghiên cứu lâm sàng của Thyagarajan, công bố trên Tập san The Lancet 1988 ; 764-68.
<!>
Tuy nhiên, tên gọi Cỏ chó đẻ tại Việt Nam có thể những nhầm lẫn nguy hại , vì có 2 loại cỏ khác hẳn nhau đều được gọi là cỏ chó đẻ ! :
Nhóm cỏ Phyllanthus, thuộc họ Thực vật Euphor biaceae thường được gọi là Chó đẻ răng cưa. Đông Y gọi là Diệp hạ châu
Cây cứt lợn cũng được gọi là Chó đẻ hoa vàng, Siesgesbeckia orientalis, thuộc Họ thực vật Asteraceae. Cây này được Đông Y gọi là Hy thiêm dùng trị Phong thấp và Bệnh Phụ nữ..
Cỏ chó đẻ nhóm Phyllanthus là loài cây nhiệt đới, mọc phân bố ở Ấn Độ, Trung Hoa và các nước Đông Dương.. Tại Việt Nam cỏ mọc hoang hầu như khắp nơi : Hai loài được dùng làm thuốc thông dụng nhất gồm :
Cỏ chó đẻ răng cưa : Phyllanthus urinaria . Cây này mọc khá nhiều tại Ấn độ và được gọi là Hazarmani. Đây là cây Diệp hạ châu của Đông Y. Cây thuộc loại thảo hằng niên, cao 20- 30 cm , thân màu đỏ, phân nhánh nhiều. Lá mọc so le tương tự như một lá kép lông chim : mặt trên lá màu xanh nhạt, mặt dưới màu xanh mốc. Hoa đơn phái , mầu đỏ nâu không cuống, mọc ở nách lá hoa đực mọc ở ngọn cành, hoa cái ở gốc cành. Quả nang màu đỏ nhạt, đường kính 2mm, có gai nhỏ đeo dưới lá trong chứa 6 hạt hình tam giác..
Cỏ chó đẻ thân xanh : Phyllanthus amarus, cũng mọc nhiều tại Ấn độ, được gọi là Bahupatra . Cây thân thảo cỡ 10- 40 cm , thân ít phân nhánh. Lá mầu xanh đậm ở mặt trên và mầu xanh mốc ở mặt dưới. Hoa đơn tính cũng mọc ở nách lá, màu lục nhạt có cuống ngắn Quả nang hình cầu chia thành 3 mảnh khối, mỗi mảnh chứa 2 hạt nhỏ hình tam giác.
Ngoài ra trong nhóm Phyllanthus còn có những loài như Phyllanthus niruri ,Phyllanthus fraternus, Phyllanthus rubriflorus hay Cỏ chó đẻ hoa đỏ (chỉ mọc ở vùng Hòn tre, Khánh Hòa)
Thành phần hóa học :
Cỏ chó đẻ Phyllanthus chứa :
Các lignans như Phyllanthin và Hypophyllanthin
Các flavonoids.
Các hợp chất triterpenic
Các khoáng chất nhiều nhất là Potassium
Các alkaloids như Niranthin, Nirtetralin, Phylteralin
Các hợp chất loại tannins : acid ellagic, acid gallic và đặc biệt là Geraniin có tính kháng siêu vi trùng
Tác dụng dược học :
Tác dụng dược học của Phyllanthus được nghiên cứu tại Ấn độ trên các mẫu Phyllanthus amarus.
Tác dụng Kháng siêu vi trùng :
Phyllanthus có khả năng làm mất hoạt động (in vitro) của HBsAg (Hepatitis B Surface antigen).(Lancet 1990; 335)
Phyllanthus ức chế Siêu vi trùng sưng gan loại B (HBV) và gắn vào sinh kháng thể ngoài mặt (in vitro). HBV cần đến DNA polymerase để có thể tự tạo (replication) và Phyllanthus có khả năng ức chế men polymerase.
Hợp chất ly trích từ Phyllanthus amarus có tác dụng chống lại sinh-kháng thể HBV (in vitro), và ức chế tác dụng của HBsAg và sinh-kháng thể nơi vỏ ngoài của siêu vi trùng (HBeAg) với những kháng thể tương ứng.
Cây chó đẻ thực sự có tác động 'in vitro' nhưng các tác dụng 'in vivo' chưa được chứng minh rõ rệt : Tuy những thử nghiệm mới nhất cho thấy cây có thể loại được sự 'nén ép' gene HBsAg nơi tế bào ung thư gan của người , nhưng lại không có tác dụng ức chế sự 'tái lập' siêu vi (replication) nơi vịt, dù có xẩy ra một sự sụt giảm nồng độ HBsAg.(N Eng J Med No 334-1996)
Thử nghiệm tại Úc cho thấy 5 loài Phyllanthus đîa phương có thể gây ra phản ứng ức chế 50% khi dùng ở nồng độ 350-800 mg/ml HBV nơi vịt (in vitro)(New Zealand J Med No 107-1994)
Trích tinh Phyllanthus bằng nước ức chế sự nghịch đảo chuyển mã (reverse transcriptase) nơi Siêu vi trùng HIV Chất gây ra phản ứng ức chế này được xác nhận là Repandusic acid A. (Aids Res Hum Retrovir No 8-1992)
Tác dụng bảo vệ Gan
Các lignans của Phyllanthus cho thấy có một tác dụng bảo vệ gan , tương đối nhẹ (J Ethnopharmacol No 14-1985).
Các tác dụng khác :
Thử nghiệm trên chuột cho dùng liều 200mg/ ngày, các phản ứng gây ra bởi ethanol (như gia tăng tồn đọng acid béo nơi gan, óc,thận và tim) đều được bình thường hóa.
Trích tinh Phyllanthus có khả năng làm hạ glucose trong máu của chuột bị bệnh tiểu đường.
Các lignans Phyllanthin và Hypophyllanthin có tác dụng tăng cường sự đáp ứng chống lại độc hại tế bào gây ra bởi vinblastine nơi những tế bào được nuôi cấy có tính kháng nhiều loại thuốc..
Phyllantin có tác dụng diệt tôm ,cá (piscicidal)
Thử nghiệm lâm sàng :
_ - Thử nghiệm lâm sàng quan trọng nhất về Phyllanthus được công bố trên The Lancet 1988. Thử nghiệm được thực hiện bởi Nhóm nghiên cứu tại ĐH Madras Ấn Độ do BS Thyagarajan hướng dẫn. Liều được dùng là 600 mg lá mỗi ngày, chia làm 3 liều và thực hiện trên những bệnh nhân nhiễm Siêu vi trùng HBV. Kết quả ghi nhận 59% trong số 37 bệnh nhân mất hẳn HBsAg, sau ngay 2 tuần dùng thuốc (so sánh với 4 % nhóm dùng placebo).. Xét nghiệm HBsAg tiếp tục 'âm tính'..kéo dài đến 9 tháng sau ..
Các thử nghiệm sau đó tại Thái Lan, Hòa Lan..dùng Phyllanthus từ Surinam lại không tái lập được các kết quả trên (Lancet 1990).
Thử nghiệm tại ĐH Y Khoa Henan do BS Meixa hướng dẫn, dùng Phyllanthus urinaria công bố trên J Lab Clin Med No 126-1995 ghi nhận trên 123 bệnh nhân dùng liều 300mg/ ngày 3 lần trong tháng đầu, rồi tăng 600 mg trong tháng thứ 2 và 900 mg/ngày 3 lần trong tháng thứ 3.. cho thấy 60 % bệnh nhân HBeAg (dương tính) lúc bắt đầu uống thuốc..chỉ 40 % còn dương tính lúc ngưng thử nghiệm. Tác dụng của Phyllanthus được cho là do ở khả năng ức chế HBV-DNA polymerase .
Cỏ Chó đẻ trong Y-Dược Dân gian :
Dược học Ayuravedic dùng 3 loài Phyllanthus chính để trị các bệnh về gan : Phyllanthus fraternus (Jarmala); Phyllanthus niruri (Jar-amla) và Phyllanthus uninaria (Hazarmani) Đọt non trị kiết lỵ ; Rễ trị Hoàng đản; Lá giúp tiêu thực. Cả cây để trị Hoàng đản, Bệnh nhiễm trùng đường tiểu, thông tiểu ; Bệnh lậu mủ.
Trung Dược dùng Phyllanthus urinaria , đặt tên là Diệp hạ châu (cây có hạt , dưới mặt lá) hoặc Trân châu thảo (zhen zhu cao). Rễ dùng để kích thích thận, trị sưng thận, phù thũng.
Tại Kampuchea , cả cây được sắc, uống để trị bệnh gan
Thổ dân Úc lấy lá chà trên trán để trị nhức đầu.
Tại Đông Ấn, cây được dùng làm thuốc lợi tiểu, trị đau bụng.
Tại Việt Nam , cây tươi giã nát, vắt lấy nước cốt thoa trị tưa lưỡi. Bã sau khi vắt dùng đắp lên mụn nhọt, ung sang, trị bị thương, vết đứt chẩy máu..
Tại đảo Guam , lá được dùng trị kiết lỵ
Tham khảo :
Medicinal Plants of China ( J. Duke & Ed Ayensu)
Medicinal Plants of India ( Jain & DeFillips)
Medicinal Plants of India & Pakistan (J F Dastur)
Lancet No 2, 1988
Từ điển Cây thuốc Việt Nam (Võ văn Chi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét