Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

TẠ TÌNH - ĐỖ DUNG

 
Thời con gái mộng mơ.  Những buổi sáng nắng tôi ngồi trên sân thượng, thả hồn theo những cụm mây trắng.  Những chiều mưa khoác chiếc áo tơi, lang thang trên những con đường dài có lá me bay.  Những đêm buồn nằm ôm chiếc cassette, chơi vơi với những khúc nhạc tình để hoặc thổn thức hoặc mỉm cười vu vơ với cái đình màn... Tuổi con gái tôi ôm ấp nhiều hoài bão, ngẩng mặt nhìn lên đi tìm thần tượng.   
Thắc mắc trong lòng không biết người ấy sẽ là ai, một nửa kia đâu. Tôi ở đây còn chàng ở nơi đâu! Với lòng đa sầu, đa cảm, tính tình lãng mạn, chất ngất đam mê, tôi vẽ cho tôi một mẫu người trong mộng, để rồi – “Ai đi tìm ai suốt đời” –  Có những lúc tưởng như là tình yêu nhưng chỉ là cái bóng. Có những lúc tưởng như gặp người trong mộng nhưng mộng lại vỡ tan.
 Một buổi chiều đúng lúc ngang nhà chàng thì cơn mưa ập đến, mưa Sàigòn, mưa Tháng Sáu. Em đến thăm anh một chiều mưa, không mơ màng như “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của Tô Vũ mà ướt lướt thướt, ướt tả tơi. Ông Tơ bà Nguyệt đã đợi sẵn đâu đó để xe sợi chỉ hồng. Chàng không phải là người toả hào quang nhưng ở chàng tôi tìm được nơi nương tựa, một sự che chở và một tình yêu tuyệt đối. Chàng là anh họ của một nhỏ bạn cùng lớp ở Trưng Vương, âm thầm để ý tôi từ năm cuối trung học. Nhưng dưới mắt con bé mười tám còn nhiều cao vọng, chàng không lọt được vào tầm nhìn. Sau đám cưới chúng tôi có một tuần lễ thần tiên trên Đalat, một năm sau con gái Hạnh Quyên chào đời, cùng thời gian tôi ra trường với mảnh bằng Dược Sĩ. Cuộc đời tưởng cứ êm đềm trôi, tôi yên phận cho thuê bằng để ở nhà lo cơm nước cho cha con Anh Giáo. Chúng tôi sống thật Hạnh Phúc, cái Hạnh Phúc nhỏ bé, tầm thường, để rồi hai năm sau có thêm thằng bé Thiên Khôi. Chúng tôi chỉ mong một mái ấm và một đàn con xinh.
  Nhưng... 30/4/1975... Cha đi học tập, chồng đi cải tạo. Mới hai mươi mấy tuổi đầu, một nách hai đứa con thơ, tôi bị quăng vào đời thật tàn nhẫn. Một chiếc xe đạp mini, con ngồi ghế nhỏ đằng trước, con ôm lưng mẹ đằng sau, hai bên ghi đông hai giỏ cói.  Tôi trải miếng ni lông ở vỉa hè thương xá Tax, mua bán, bán mua... thế mà cũng chả yên thân, người ta muốn làm đẹp thành phố nên dí súng AK vào đầu đuổi đi. Tôi lang thang, lăn lộn trong những khu vực chợ trời để kiếm sống. Bên Nội có đó, bên Ngoại còn đó mà nào dám để lụy phiền. Ai cũng còn gánh nặng phải mang. Ai cũng ngơ ngác, tang thương trước cảnh đổi đời. Những đêm nằm ôm hai con thơ mà nuốt nước mắt, xót xa phận mình, thương chồng và cha đang nhục nhằn trong trại cải tạo. Nhưng biết làm sao, cái đau chung của cả một dân tộc, mọi người đều trôi nổi theo vận nước nổi trôi. 
 Trời Sàigòn không còn đẹp, nắng không còn tươi, cảnh vật ủ ê khoác lên màu xám. Một ngày, cũng với tâm trạng ngậm ngùi đó, tôi thơ thẩn lên thương xá Tam Đa, đánh liều mướn một quầy nhỏ trong gian hàng của Phạm Mạnh Cương, thế rồi... may, thêu, vẽ... Tận dụng hết các nghề tay trái của mình để kiếm gạo nuôi con. Như Hảo chia cửa hàng của chị làm năm phần, ngoài cùng là hai quầy nhỏ, tôi một bên, hai chị em Vân Ly một bên. Đằng sau tôi là quầy hàng của Nhã Ca, có cô em Bội Hằng tươi vui, nhí nhảnh, khôn lanh. Đối diện với Nhã Ca là gian hàng của vợ chồng NXH với cô vợ DT khéo léo, nhanh nhẹn, đảm đang. Còn Như Hảo giữ lại một quầy lớn nhất trong cùng. Nhớ lại khoảng thời gian đó tôi thấy cũng vui vì tự nhiên mình lại lọt vào nơi toàn là văn nghệ sĩ. Thỉnh thoảng đươc tiếp chuyện với nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Trần Dạ Từ. Lâu lâu được đến nhà anh chị Phạm Mạnh Cương để thưởng thức bánh bột lọc và món nhậu tôm khô củ kiệu tuyệt cú mèo của Mạ. Dạo phong trào bán áo thung vẽ, bên Nhã Ca và NXH thuê người vẽ toàn các nhân vật Disney, Cartoon.  Còn tôi... vẽ lấy! Buổi tối sau khi ru con ngủ là ngồi vẽ, cũng hình thiếu nữ mà hôm nào vẽ đẹp thì “Chợt dáng buồn xưa đọng mắt em” (Thơ Cung Vĩnh Viễn). Hôm nào coi không được thì “Ác quỷ hiện hình khi trăng lên”. Khi mệt quá khoắng đại mấy vòng tròn như huy hiệu Olympic, thế mà thò cái nào ra là bán liền cái đó vì... “unique”! Lúc khấm khá vẽ một mình không xuể tôi phải giao bớt cho lũ em, đề tài tự do. Phương Nam hồi đó cũng giúp chị rất đắc lực, lúc vẽ thằng hề, lúc vẽ con sên, con ốc hoặc một đám lá vàng rơi...  Đến khi thấy tác phẩm của mình đi ngoài phố cô nàng khoái chí về khoe. 
Chẳng được bao lâu, nhà mẹ bị đánh tư sản mại bản, nhà con bị đánh tư sản kinh doanh. Mẹ phải mua một túp lều lá hồi hương để khỏi đi kinh tế mới. Con phải ngồi nhà để lãnh thêu may. Rồi cũng đến một ngày chồng được tha về, tôi phải ra quận để làm giấy bảo lãnh và cam kết sẽ giáo dục chồng (!). Những ngày tháng vụn rời kế tiếp, ngơm ngớp lo âu. Chàng được sở giáo dục điều về dạy ở một trường cấp hai tại quận mười một với đồng lương chỉ đủ cho một người ăn quà sáng. Ngày ngày cong lưng đạp xe đi làm, thỉnh thoảng được phân phối một miếng thịt heo khoảng hai lạng (200g) buộc tòn ten bằng sợi lạt cói. Ngoài giờ làm việc chàng phải chở vợ đến nhà khách hàng để nhận và giao đồ thêu may. Hai vợ chồng ráng chắt chiu dành dụm, kiếm đủ một chỉ đi mua một chỉ, gom đủ mười chỉ đổi lấy một cây. Chúng tôi thì thào nhỏ to đi tìm đường vượt biển, cũng bị mất mát vài phen nhưng may không bị bắt. 
 Cuối cùng Tháng Tư năm 1980, chúng tôi cũng ra khơi trên một chiếc ghe lồng mỏng manh, nhỏ bé vượt đại dương. Đến bến bờ tự do với hai bàn tay trắng, chúng tôi phải làm lại từ đầu, vất vả cực nhọc từ sáng sớm đến nửa khuya, làm việc quần quật để lo cho tương lai. Thời cuộc đẩy đưa, phất lên như diều gặp gió.  Năm 1983 cho ra đời thêm chú bé LamSơn. Diều lên vun vút... rồi diều lại đứt dây, tay trắng lại hoàn trắng tay!! 
Chúng tôi gửi các cháu lại cho ông bà ngoại và các dì trông nom  Hai vợ chồng lại dắt nhau đi tìm đất mới. Chỉ vì vụng tính, kém suy nên bao nhiêu tiền của như nước lã ra sông, tôi nhìn các con mà đau lòng xót ruột. May mắn thay các cháu cũng nên người. Tôi nhìn chàng thương xót, chàng nhìn tôi xót xa.  Chúng tôi an phận làm nghề lao động, chen vai thích cánh với lực lượng thợ thuyền Mễ và Mỹ đen. Những đêm dài khó ngủ, tôi vùi đầu vào ngực chồng khóc tức tưởi, chàng cũng chỉ im lặng thở dài. 
Lúc quen công biết việc, tâm hồn thôi chao đảo, xao động thì tôi phải vào bệnh viện. Sau hơn mười ngày điều trị, làm đủ thứ thử nghiệm trên đời, bác sĩ phán rằng tôi bị “Pulmonary Hypertension”, bịnh hiếm, không chữa được, chỉ chờ chết hoặc đợi thay tim phổi. Ông ta thản nhiên nói, tôi chỉ còn hai năm để sống, hãy về mà vui những ngày tháng cuối của cuộc đời. 
Sau khi xuất viện tôi phải thở bằng bình dưỡng khí. Bác sĩ không cho đi làm. Tôi trở thành kẻ tàn phế! Tại sao trời cao lại cho tôi trăm cay, nghìn đắng! Tôi chỉ biết khóc, và khóc. Đêm ngủ không được vì vừa lo nghĩ, vừa giận mình, giận đời. Tôi dọn ra phòng riêng vì không muốn làm phiền chàng, chàng cần nghỉ ngơi để sáng còn phải đi làm. Sau mỗi lần bị chụp thuốc mê, đi vào cơn chết tạm để bác sĩ thông tim, khám phổi, khi mở mắt tỉnh dậy, tôi thấy khuôn mặt chàng méo xẹo, xám ngoét ngồi bên, thấy mà thương. 
 Rồi như một cơ duyên, tôi nhận được kinh Phật và băng giảng của các Thầy, tôi bắt đầu thiền tập, từ từ thấy tâm an lại, thấy lẽ vô thường, thấy đời là phù du, mộng ảo... Buổi sáng sau khi tập Dịch Cân Kinh, tôi ra sân sau nằm võng đọc sách, ngắm hoa, ngắm lá, nhìn ánh nắng lung linh... thấy đời thật đẹp, thật đáng sống. Tôi không còn sợ chết. 
Thời gian cứ trôi, Hạnh Quyên lập gia đình và có hai thằng con trai. Thiên Khôi đã lấy vợ và có một cháu bé gái. Khi chàng về hưu chúng tôi quyết định dọn về ở gần các con. Hai cây củi mục mong đem sức tàn để giúp cho đàn con cháu. Tôi trông con bé cháu nội, chàng dạy hai thằng cháu ngoại. Cả ngày chúng tôi quấn quýt với mấy đứa trẻ. Chúng tôi cố gắng để các cháu không quên tiếng mẹ đẻ. Thằng bé bốn tuổi ở nhà với bà nhiều nên giỏi tiếng Việt nhất, biết giải thích cho thằng anh sáu tuổi. Buồn cười nhất là bà bắt cháu nói tiếng Việt, không cho nói tiếng Mỹ, thằng bé vít cổ bà xuống an ủi: “Don’t worry bà ngoại, I can teach you English (!).” Rồi khi ông hàng xóm ra sau làm vườn, nó kéo bà ra giới thiệu còn nói nhỏ vào tai bà: “Ông Don speaks English only”. Thế là hai bà cháu cứ nửa Việt, nửa Mỹ nói chuyện với nhau. Cho đến nay các cháu nói tiếng Việt rất khá, biết hát “Bà ơi cháu rất yêu bà... “ và ngày nào cũng “Kéo cưa lừa xẻ... “ 
Phải chăng đời là một giấc chiêm bao? Thời Trưng Vương áo trắng, tưởng như mới hôm qua. Thời gian vùn vụt trôi. Tôi với chàng đã trải qua bao nỗi thăng trầm, lên voi xuống chó. Có với nhau ba đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang, một bầy cháu kháu khỉnh, khôi ngô. Bây giờ tóc đã bạc, răng đã long, mỗi buổi sáng ngồi bên tách cà phê nóng, vẫn còn nhìn nhau, mắt trong mắt, tay trong tay.  Chàng vẫn lo cho tôi từng viên thuốc bịnh, cũng như nhắc nhở tôi uống từng viên thuốc bổ. Tuổi già cũng có những cái chướng ách của tuổi già. Lời nói không còn ngọt ngào như xưa mà đôi khi còn gắt gỏng như mắm. Nhưng nhìn quanh tôi vẫn cảm nhận được niềm Hạnh Phúc, cái Hạnh Phúc của Tình Yêu Vĩnh Cửu, của Sự Kết Hợp Chung Thân. Ngày xưa tôi hay hát phần đầu – “Ai đi tìm ai suốt đời” – thì hôm nay tôi xin hát lên lời cuối – “Tình yêu này em cám ơn anh”. Xin được nói một lời Tạ Tình cho người chồng chung thủy. 
Đỗ Dung (2005)

Không có nhận xét nào: