Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Quách Vĩnh Thiện - Anh là ai ? - fb Christine Luu‎

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, văn bản

Quách Vĩnh Thiện sanh ngày 18 tháng 5 năm 1943.
Thi đậu vào trường Pétrus Ký năm 1957, học nhạc với Thầy Marcel.
Vì sanh trưởng trong gia đình 8 anh em nên khi đi học về, thay vì về nhà Thiện lại đến một ngôi chùa tìm nơi thanh tịnh, thảnh thơi để học bài.<!> 
Có một ông sư ở chùa nầy theo dõi và hẹn một ngày rãnh rỗi đề thuyết giãng cho Thiện về 2 chữ « Có và Không ». Nhờ hấp thụ được phương pháp Có Không mà cuộc sống sau nầy Thiện chấp nhận được những lúc đau khổ, khó nhọc, lo âu. Ngay cả hôm sau đi thi, tối đó dùng chữ « Không » nên giấc ngũ được an lành, nhưng gần đến ngày thi phải dùng chữ « Có » chăm chú học để thành đạt. Có và Không, Có Không và Không Có áp dụng vào hoàn cảnh trong cuộc sống hằng ngày. Vì không bao giờ thấy Thiện học bài Mẹ Thiện ngạc nhiên đặt câu hỏi : sao không bao giờ thấy Thiện ‘gạo bài’ nhưng lại được lên lớp đều đều ?

Vào tuổi 15 Thiện phải dấu cha mẹ đi đàn trong các Đại Nhạc Hội, với các danh ca thời đó như Thái Thanh, Thái Hằng, Thanh Thúy, Cao Thái ... Có một lần Ba Thiện dùng cây củi đòn đánh Thiện bầm cả người vì biết Thiện đi đàn lén, đau đớn hơn 3 tuần lể ! Hội đồng giáo sư Pétrus Ký chỉ định Thiện làm trưởng ban Văn Nghệ cho trường và cứ phải cùng ban nhạc sang trường Gia Long đệm nhạc cho mấy cô nữ sinh trường nầy trong dịp lễ phát phần thưởng cuối năm, thời gian đó có Ca Sĩ Hoàng Oanh còn cắp sách học tại đây.

Nhạc Sĩ Nguyễn Đức là người đào tạo và hướng dẩn các Ca Sĩ như Hoàng Oanh... Nhạc Sĩ Nguyễn Đức thấy Thiện có khiếu về nhạc nhưng còn thiếu phần căn bản, nên dẩn Thiện đến gặp Nhạc Sĩ Hoàng Bửu là một nhạc sĩ lỗi lạc về guitare cổ điển thời đó, Nhạc Sĩ Hoàng Bửu chỉ dạy, đặt cho tên là Hoàng Thiện và truyền tất cả tài năng cùng bí quyết của ông về guitare.

Đầu thập niên 60, thời Elvis Presley, The Shadows với Cliff Richard, The Ventures, The Beatles, Rolling Stone...Thiện lập ban nhạc Les Fanatiques với ca sĩ Công Thành, ca sĩ Tới, ca sĩ Héléna. Trong ban nhạc có : Vĩnh Thiện ( Lead Guitar ), Khiêm ( Bass Guitare ), Huy ( Rythm Guitare ) thời gian sau Huy sang ban nhạc The Blacks Caps và Lý thay thế Huy, Tony Thạch ( Drum ). Ban nhac Les Fanatiques nổi tiếng nhờ chơi bài Apache ( The Shadows ), Công Thành với bài What I Say ( Ray Charles ), ça ne peut plus durer ( Eddy Michell ), ca sĩ Tới với bài The Young One , Héléna với bài Tous les garçons et les filles ( Françoise Hardy ) ... Ban nhạc được tham dự ngày Cách Mạng Thành Công tại Kim Đô Chợ Lớn do các tướng lãnh tổ chức. Đã khá nổi tiếng, ban nhạc Les Fanatiques được mời có mặt trong cuốn film Saigon By Night nhưng Thiện bắt buộc từ chối vì dù đi đàn rất thường xuyên Thiện vẫn dấu bố mẹ nên sợ có hình ảnh trên ciné thì « lộ tẩy » sẽ bị đòn nặng !

Chính vì vậy, khi đi trình diễn, áo quần bảnh bao, áo Mode thời nhạc trẻ Beatles, quần ống túm, đầu tóc kiểu banane, nhưng khi về gần đến nhà thì phải dấu quần áo đó và mặc lại quần áo khác. Tiệm đàn Lâm Hào ở Chợ Lớn, ông chủ làm cho Thiện một cây guitare màu đỏ nháy giống kiểu cây đàn Fender Stratocaster của Hank Marvin của ban nhạc The Shadows. Sau nầy cuối thập niên 60 Thiện mua được cây đàn Fender Stratocaster thứ thiệt tại Pháp. Lúc còn ở Việt Nam đầu 60 ban nhạc Les Fanatiques tham dự trong Club Hoa Kỳ ở Phi Trường Tân Sơn Nhất và nhiều rạp hát lớn thời đó như Đại Nam, Khải Hoàn, Đakao ...

Rời quê hương Việt Nam :

Ban nhạc Les Fanatiques đang nổi tiếng nhưng Thiện có được hồ sơ sang Pháp du học.
Thân mẩu Thiện chấp nhận cho Thiện đi du học và bà đi coi bói ông Thầy Bói với Con Chim ở trước Đền Lăng Ông Bà Chiểu. Ông Thầy nầy tiên đoán là Thiện sẽ thành công trên xứ người !
Trong khi đó thân phụ Thiện mắng chửi vì không muốn cho xuất ngoại, cả anh em cũng phản bác việc Thiện ra xứ người !
Hồ sơ đi du học được nhận tại 3 nơi ở Đại Học Khoa Học Pháp : Paris, Toulouse và Bordeaux. Nhưng lúc đó Thiện nghĩ rằng Paris là kinh đô ánh sáng có lẽ có nhiều cám dổ sẽ khó học hành, Toulouse là thành phố kỹ nghệ còn Bordeaux là thành phố nổi tiếng về rượu đỏ Bordeaux cũng như nổi tiếng về người sang trọng thanh nhả. Thế là chọn Bordeaux.

Có những chuyện rất buồn cười về chuyến đi xuất ngoại, y hệt chuyện « Tư Ếch lên Sài Gòn ». Chuyến bay đến Pháp, có vài người bạn đi chung phi cơ. Đến Bangkok Thái Lan dừng chân độ 2 tiếng đồng hồ, một anh bạn Việt Nam cùng đi du học, khi vào cầu xí của phi trường thấy dĩa tiền « pourboire », cầm lấy, trúc hết vào túi vì nghĩ ai đã bỏ quên ! Trong chuyến bay đến New Delhi, đến giờ ăn, anh bạn ngồi cạnh đánh chữ thập trên tất cả những ô của tờ menu, cô tiếp viên dọn tất cả cho anh chàng ăn hả hê vì anh ta nói rằng cha mẹ mua giấy máy bay và được ăn uống thả giàn... Kết cuộc anh chàng phải trả một số tiền dollars to vì chỉ miển phí cho mỗi thứ một món trong bửa ăn !

Bước chân đến xứ Pháp tại Phi Trường Orly vào tháng 9 năm 1964, không họ hàng và cũng không có bạn bè quen thuộc. Mặc chiếc áo Manteau màu xanh lá cây đậm mua ở khu dân sinh Sàigòn của các ông lính Tây bỏ lại Việt Nam ! Người Pháp nhìn Thiện với đôi mắt trợn trừng vì chiếc áo manteau quái dị dài đến gót chân trong khi thời đó 1964, là mode mặc áo manteau 3⁄4 chỉ dài qua đầu gối mà thôi. Không ngờ 4 năm sau, năm 1968 với phim « Il était une fois dans l’ouest » của Sergio Léone với Charles Bronson, Henri Fonda, Claudia Cardinale ... quá thành công, trong phim Charles Bronson mặc ‘áo khoác ngoài’ dài lết đất nên mode áo quần lại dài xuống, cả manteau cũng dài tới gót chân. Thiện chắt lưỡi tiếc thầm chiếc áo manteau mua ở khu dân sinh Sàigòn đã đem vứt vào thùng rác vì hổ thẹn, lại trở thành mode thời thượng năm 1968 !

Từ Phi Trường Orly lấy xe lửa xuống Bordeaux cảm tưởng rằng mình đi lạc vào thế giới khác. Người bản xứ ăn mặc khác mình, ăn uống khác mình, nhà cửa không giống chút nào ở quê hương mình, ngôn ngữ cũng không hiểu... Đến Bordeaux xứ lạ quê người, đi vào trọ Hôtel vài ngày, rồi tìm đường đến Đại Học Khoa Học ở Talence, ngoại ô của Bordeaux. Cắp sách đến giãng đường Đại Học Khoa Học với 3 giờ Toán do giáo sư Blondel dạy, mặc cho thầy giảng, trò vẫn như ‘vit nghe sấm’ chẳng thu thập được gì, thầm khóc một mình trong cả tháng trời không biết tỏ nổi khổ cùng ai ! Cậm cụi mò từng chữ trong sách vở toán để tự học một mình. Mùa đông năm đó, nghe Adamo hát bài Tombe La Neige, trong khi trời lạnh giá, Thiện khóc ròng và thoáng muốn quay trở về Việt Nam.

Lập ban nhạc Les Cobras ở Bordeaux để quên đi nổi khổ đau trên xứ người và cũng được tham dự nhiều nơi ở Bordeaux. Sau khóa học ở Bordeaux xin đổi theo học ở Đại Học Khoa Học tại Orsay ngoại ô Paris.

Được vào ở trong cư xá sinh viên quốc tế « Maison de l’Indochine de la Cité Internationale » tại Paris quận 14. Lập ban nhạc Sao Đêm ( Les Saodems ) với Ca Sĩ Bích Chiêu, Ly Lan, Tiny Yong ... Trong thời gian ở trong cư xá sinh viên rất vất vả, lúc ấy 1965, chính quyền Nguyễn Cao Kỳ cắt đứt ngoại giao với Pháp, nên tiền bạc của gia đình ở VN gởi sang Pháp cũng bị gián đoạn, một số sinh viên không có chỗ ở và tiền bạc. Thiện có lòng thương người nên cho cư ngụ trong phòng mình những bạn bè gặp khó khăn, có lúc căn phòng vỏn vẹn 10 m2 có đến 6 người ở, người nào đau ốm Thiện nhường cái giường ngủ của mình, Thiện bị lạnh vì ngủ dưới đất và không đủ mền ấm nên bị ho xuyển quanh năm tưởng chừng đã bị ho lao chết thời đó.

Sau đó tìm được chổ đàn gần nhà hát Opéra, đêm đêm đi đàn trong những nơi « Diners Spectacles » đến 1 giờ sáng, métro không còn chạy nữa phải đi về dưới cơn mưa giá lạnh từ Opéra đến cư xá sinh viên ở quận 14 khoảng cách hơn 5 cây số. Vì thế đôi khi trong giờ học, quá mệt Thiện nằm ngũ gật trên bàn học, ông Thầy gọi thức dậy và nói : chắc cậu ham chơi lắm đêm đêm đi chơi không lo học! Sau khi trình bày hoàn cảnh éo le, ông Thầy thông cảm tình thế và nói khi nào mệt quá thì cứ nằm ngủ không sa cả. Hoàn cảnh éo le nầy làm cho mình tủi thân không thấy tương lai đi về đâu !

Có một ngày đi học lạnh quá không có đủ áo ấm nên lấy một số báo cũ để lót vào ngực, trong lúc đi xe lửa đến trường, xe lửa thời đó chạy dục dặt, phải đứng vịn cây cột sắt, đột nhiên các tờ báo ở trong ngực đổ hết ra, làm những người Pháp chung quanh thấy cảnh nầy và bậc cười !

Vừa lên Paris phải đi học và làm việc để sống, đi làm bồi bàn, đi gát điện thoại, đi làm tài xế đưa các bà bếp làm ở tiệm ăn Việt Nam. Sau khi tiệm đóng cửa, Thiện phải đi đưa từng người về đến nhà, sau đó phải đi đem xe hơi đậu trước nhà ông chủ và trả chìa khóa, lặn lội về nhà hơn 7 cây số dưới cơn gió lạnh thấu xương, tưởng chừng mình đang sống dưới địa ngục của trần gian ! 

Một ngày đẹp trời tình cờ xem báo Le Monde, trong trang tìm việc 1 mẩu rao ‘ tuyển lựa 5 sinh viên toán học ưu tú để đào tạo ngành Tin Học ( Informatique / Computer ) cho hãng IBM Pháp’ đập vào mắt Thiện, Thiện ghi tên dự thi. Hãng IBM lúc ấy ở đường Rivoli kế bên cung điện Louvre. Phải thi trong 3 ngày, ngày đầu tiên đến dự thi họ thông báo có trên 500 thí sinh đến tham dự đa số là người Pháp và toàn là nam nhi, Thiện thấy có một người Việt Nam khác nữa. Thiện chán nản tự nghĩ « khó mà qua cái ải nầy » . Ngày đầu thi xong, IBM loại bỏ hơn 200 cậu sinh viên toán học. Buổi sáng ngày thứ nhì, cho ra về khoảng 100 cậu nữa và buổi chiều lại cho về thêm khoảng 100. Ngày thứ ba chỉ còn lại 100 cậu, mình không hiểu tại sao « chó dắt » mà còn sót lại trong số người nầy !

Với trận then chốt, sáng thứ ba IBM loại 50 cậu, buổi chiều chỉ còn lại 50 sinh viên !
Họ nhắc lại : chúng tôi sẽ chọn 5 sinh viên trong số còn lại nầy. Cuối cuộc thi, IBM France đọc tên 5 người, khi nghe tên, Thiện gần té xỉu tưởng chừng đang nằm mơ chứ không phải sự thật. 

Sau đó, Thiện được đi làm ở hãng SNECMA với chương trình thực hiện máy bay Concorde, rồi sang hãng ITT ( International Téléphone Télégraphe ) với chức vụ Responsable d’Etudes, kế đến Audit Interne. 

Năm 1978, bỏ hãng ITT để vào hãng Sopra Group với chức vụ Kỹ Sư sáng chế Soft Ware Concepteur des Logiciels, sau đó trở thành Responsable Qualité ( trách nhiệm về chất lượng tốt Soft Ware ). Lúc gia nhập Sopra Groups, hãng chỉ có 400 nhân viên, 31 năm sau khi Thiện đi nghĩ hưu, Sopra trở thành một hãng có nhiều chi nhánh trên quốc tế với trên 12.000 kỹ sư làm việc. Sáng chế đầu tiên của Thiện trong hãng là một Progiciel về Téléprocessing cho người xữ dụng không cần biết nhiều về Tin Học. Progiciel nầy để các Phòng Quản trị Nhân viên của các hãng lớn làm « update » (bạch nhật hóa), một « file » như Personnel File để có thể thêm bớt và thay đổi tên nhân viên và trả lương bổng hàng tháng. 

Kế đến Thiện hợp tác với vài người trong Sopra cho ra đời một Progiciel PACHA rất nổi tiếng thời đó. PACHA là Progiciel về « Human Ressource ». Chính Thiện phải lặn lội đi bán Progiciel PACHA và là Chef Projet khi các hãng khác mua để bảo đảm sự hoàn hảo của chương trình « Gestion des Ressources Humaines ». Thiện đã đến làm việc cho các hãng sau đây với tính cách ‘Consultant trong lãnh vực Điều Hành Nhân Viên’ : Parfum Rochas, Chanel, Cartier, Yves Saint Laurent, Cogema ( Areva ), Alsthom TGV, Domaine Royal Club, Evian, Virgin Mégastore, Europe 1, Banque de France, Barclay Bank Genève, Croix Rouge International Genève, Bank Crédit Agricole La Martinique, Corsair Ajaccio Corse ...

Progiciel PACHA được trên 1000 hãng mua và áp dụng tại Pháp, Hoa Kỳ, Phi Châu, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Vương Quốc Bỉ ...Nhờ vậy mà Sopra phát triển mạnh và vẫn tồn tại đến ngày nay.

Ngày 4 Novembre 1968, Quách Vĩnh Thiện làm hôn lễ với Danielle Nguyễn Văn Tư ( 2 giòng máu Việt Pháp ). Mối tình kết nối sau 2 lần Danielle tự tử vì Thiện không hề có ý nghĩ kết hôn với nàng. Số mạng chưa đến, Danielle được Bác Sĩ cứu sống, cứ mỗi lần, Bác Sĩ gọi Thiện đến, cho hay : « cô nầy trăn trối, muốn chết vì ông đấy » làm Thiện phải siêu lòng. Hai đứa con ra đời Pascal Quách ( 28/11/1972 ) và Sophie Kim Quách ( 3/05/1974 ). Pascal trở thành Kỹ Sư Tin Học và Sophie trở thành Designer de Mode. Trong 25 năm với bà vợ Danielle, Thiện bị cấm đoán chơi nhạc ở công cộng, ngay cả đánh đàn ở nhà cũng bị cấm luôn! Ba Má Thiện ngày xưa cũng cấm đoán nhưng cho Thiện đàn với tính cách giải trí, vui chơi, bây giờ bà vợ còn hơn thế nữa, cấm Thiện cầm đến cây đàn. Thiện sống 25 năm khổ sai, khổ sở với bà vợ nầy về vấn đề nhạc mà còn nhiều vấn đề khác, như không cho giao thiệp với ai... kể cả gia đình, nhưng vì đã bị ‘lọt bẩy’ Thiện đành nhắm mắt sống một cuộc đời tẻ nhạt, chán chường.

Năm 1992, hai đứa con thi xong tú tài và trưởng thành, Thiện xin ra sống riêng một mình, vì biết mức chịu đựng của mình đã đến cực điểm. Danielle ra tòa kiện thưa về tình trạng nầy, xin cấp dưỡng, trong khi tiền bạc, lương bổng Thiện bà vẫn nắm trong tay. Trong nhiều năm kiện tụng, sau đó Thiện được tòa án cho ly dị. Danielle Nguyễn Văn Tư từ trần ngày 28 Octobre 2010 với bịnh cancer hoành hành nhiều năm.

Từ 1992 đến 1996, trong 5 năm đắng cay, Thiện trải qua một cuộc « bể dâu », khổ sở về tinh thần và tài chánh, vì tiền bạc vừa phải trả cho Luật Sư rất đắc vì bà vợ cứ thưa kiện liên miên và phần khác phải cấp dưỡng cho bà và 2 đứa con dù đã trưởng thành! Với lổ tai tuyệt đối ( absolu ) Thiện đi lên dây đàn Piano cho khách vào cuối tuần để bù đắp cho ngân quỷ thiếu hụt. Cuộc sống lại khó khăn ! Lúc đó Thiện gặp gỡ Thanh Vân.

Năm 1996, biết được một phương pháp thiền, từ đó cảm xúc và cảm nhận được sự nhiệm mầu của thiền. Thiền đem lại sự chấp nhận trong hoàn cảnh và giúp vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống trần gian. Để phổ biến giúp cho những người đau khổ, khoảng 50 bài hát về Tâm Linh được phát hành trong thời gian đó như :

Bài Trần Gian nhạc và lời Quách Vĩnh Thiện.
Bài Giáng Trần là cuộc đời của Quách Vĩnh Thiện mà một Thiền Sư viết lời và Thiện phổ nhạc.
Bài Tây Phang ( Nirvana ), lời của Thiền Sư Đỗ Thuần Hậu..
Bài Lục Tự Khai Minh, lời của Thiền Sư Lương Sĩ Hằng.
Bài Ấu Thơ, bài Chấn Động Lục Tự Di Đà (nhạc và lời Quách Vĩnh Thiện.)

Những CD được lần lượt phát hành như : Giáng Trần, Trần Gian, Lục Căn Lục Trần, Thiên Địa Nhân 1, Thiên Địa Nhân 2 ...

Nhờ phương pháp Thiền, Thiện từ từ tìm được niềm tin trong cuộc sống. Trong khoảng thời gian làm nhạc Tâm Linh (1996- 2004 ),cùng thời gian đó có những nhạc sĩ nổi danh cũng làm nhạc Tâm Linh như Phạm Duy bài Lúa Trời, Ngựa Trời, Kỷ Nguyên Di Lạc và rất nhiều bài khác ; Hoàng Thi Thơ bài Hãy Thành Tâm, Duyên Kỳ Ngộ, Thương Yêu Tha Thứ ... ; Duy Khánh với bài Đường Về Thiên Thai, Hẹn Hò ; và Quách Vĩnh Thiện với bài Bạn Về Đây, Lục Tự Khai Minh, Âu Á Tương Hội, Du Hành Đạo Pháp ...

Năm 1999, Thanh Vân và Quách Vĩnh Thiện nắm tay nhau gây dựng lại cuộc đời vì cùng tương tự một hoàn cảnh, tâm đầu ý hợp. (Phan Thị Thanh Vân là cựu Xướng Ngôn Viên đài truyền hình TV7 Cần Thơ, sinh viên trường Luật, Đai Học Cần Thơ).

Từ đó một loạt nhạc tình được phát hành với lời viết của Thanh Vân và nhạc Quách Vĩnh Thiện.

Đầu năm 2005, nhìn thấy trong tủ sách quyển Truyện Kiều của Nguyễn Du do ông Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích được xuất bản Hà Nội 1973. Quyển sách cũ, rách nát. Quyển sách nầy của một ông Thầy Bói có tiếng tăm ở Việt Nam, ông Thầy Bói tặng cho Thanh Vân từ lâu!

Đem quyển sách dán lại cho lành lặn rồi không biết tại sao thay vì đem cất lại trong tủ sách, Thiện lại ngồi đọc hết Truyện Kiều. Cảm thấy hổ thẹn là người có chút văn hóa Việt mà không hiểu những từ ngữ trong Truyện Kiều! Đọc lại lần thứ nhì và xem chú thích thì thông hiểu được một phần, cảm xúc tình cảnh Thúy Kiều mà chính bản thân mình cũng đã trải qua, một cuộc « bể dâu », hoạn nạn. Từ đó say mê Truyện Kiều nên đọc lại lần thứ ba. Khi đọc đến câu 890 « Sống Nhờ Đất Khách Thác Chôn Quê Người », hai dòng lệ tuôn trào như hai dòng suối. Thấy thân phận mình qua câu thơ nầy cũng là thân phận của Thúy Kiều và kiều bào bỏ hết tài sản, gia đình, quê hương đi tìm tự do, dù phải khốn khổ cho tánh mạng trên biển cả. Hứa hẹn với Thanh Vân là phổ ra nhạc hết tập thơ Truyện Kiều. Thiện phải mất sáu tháng để nghiền ngẩm tác phẩm nầy và cắt ra 77 đoạn để có thể viết ra thành 77 bài nhạc. Cũng vì UNESCO công nhận Truyện Kiều là di sản văn hóa của nhân loại nên dự định làm 77 bài hát với nhiều thể loại nhạc trên thế giới như Tango, Bossa Nova, Salsa, Samba, Lambada, Rock and Roll, Jazz, Valse... Hoạch định chương trình cho 77 bài hát trong 5 năm trường với các ca sĩ trẻ (áp dụng cách hoạch định việc làm y như trong hãng ), mổi bài hát chuẩn bị cho ca sĩ nào rồi mới viết thành nhạc. Nhờ đã biết rõ giọng hát riêng biệt, cao thấp, trầm bổng ra sao của các ca sĩ trong nhóm của mình, nên khi bài hát thành tựu, các ca sĩ ấy hát, diễn tả được hết năng khiếu, bài hát trở nên linh động, thắm thiết dễ đi vào lòng người thưởng ngoạn.

Năm năm sau 2009, Truyện Kiều đã được phổ nhạc toàn bộ với 7 CD. Để nghe hết 7 CD nầy phải mất 8 giờ đồng hồ.

Sau khi hoàn tất phổ nhạc Truyện Kiều, Thiện lại bắt tay phổ nhạc tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm với 2 CD, 21 bài hát, CD 1 : Chinh Phụ Ngâm - Nợ Núi Sông, CD 2 : Chinh Phụ Ngâm – Vinh Quang. 

Quách Vĩnh Thiện đi nghỉ hưu đầu tháng hai năm 2009. Đã làm việc cho hãng Sopra Group liên tục trong 31 năm, từ lúc hãng còn phôi thai, đến hôm nay là một tập đoàn có uy tín, được đấu giá trên thị trường chứng khoán, với 12 000 kỹ sư làm việc và cũng vì có công đóng góp cho hãng phồn thịnh, Thiện được chỉ định vào nhóm « Cercle des Masters » của hảng Sopra Group ( hiện tại có khoảng 50 người Masters). Mổi năm nhóm nầy được mời họp 1 lần cùng với thành phần chỉ huy để theo dõi chương trình hoạt động, kế hoạch.... của hãng. Ngoài ra còn được hảng mời du lịch,vui chơi, ăn uống trong 1 dip cuối tuần vào tháng Năm, mỗi lần ở một nơi khác nhau ( Genève, Toulouse, Strasbourg...), chi phí đều do hảng đài thọ. Phải nói Sopra là hãng duy nhất biết trọng đãi cựu nhân viên có công đóng góp cho sự thịnh vượng của mình. 

Cuộc đời Thiện cũng lận đận, gian khổ, trãi qua không ít đắng cay, đau xót như nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du, hy vọng « cái nghiệp » đã trả, « hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai » chút nào không ? Chỉ có ông Trời mới biết, vì theo Nguyễn Du :

Ngẫm thay muôn sự tại Trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao. 

Trang nhà của Quách Vĩnh Thiện:Http://thienmusic.com/

Thanh Vân

Không có nhận xét nào: