Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt nhân cuộc tập trận JFTEX trên Đại Tây Dương ngày 15/07/2005. Ảnh tư liệu.US Navy
Trong một động thái được cho là sẽ khiến Trung Quốc thêm tức tối, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng đồng nhiệm Malaysia sẽ lên thăm tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt vào ngày mai 05/11/2015, khi con tàu này đi qua Biển Đông. Một quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp đã tiết lộ thông tin trên vào hôm nay 04/11 tại Kuala Lumpur<!->
Chi tiết về chuyến thăm tàu sân bay Mỹ của Bộ trưởng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Malaysia Hishammuddin Hussein không được tiết lộ, và nhất là vị trí cụ thể và hướng đi của chiếc hàng không mẫu hạm Roosevelt trên Biển Đông khi hai vị khách có mặt trên tàu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của hãng tin Anh Reuters, vào lúc Bắc Kinh đang tức tối trước việc Washington khởi động chiến dịch tuần tra Trường Sa để bảo vệ quyền tự do hàng hải, việc hai Bộ trưởng Mỹ-Malaysia lên thăm một chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ ngay trên Biển Đông chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bất bình thêm.
Một bản tin trên mạng của tờ báo Quân đội Mỹ Star and Stripes xác định rằng chuyến thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mang một ý nghĩa biểu tượng rất lớn, vì nó tiếp nối theo một tuần lễ tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cho bồi đắp ở Biển Đông.
Theo tờ báo, sự hiện diện của ông Carter trên tàu sân bay nhằm mục đích nhấn mạnh quan điểm của Mỹ theo đó Trung Quốc không có quyền cấm Mỹ - hoặc bất kỳ quốc gia nào khác – qua lại bên trong vùng 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo trong vùng mà Bắc Kinh tự nhận là lãnh thổ của mình bất chấp tuyên bố ngược lại của các nước khác.
Mỹ đã chứng tỏ quan điểm bằng một biện pháp được cho là mạnh khi tung khu trục hạm Lassen tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Xu Bi ở Trường Sa.
Tại một cuộc họp báo tối thứ tư 04/11/2015 tại Kuala Lumpur, nơi ông vừa kết thúc cuộc họp với các đồng nhiệm trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, ông Ashton Carter đã bác bỏ lập luận cho rằng Mỹ đã quá nặng tay trong hồ sơ Biển Đông.
Đối với ông Carter, chính hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc mới là nguyên nhân khiến cho tình hình căng thẳng, vì đó là « yếu tố mới », trong lúc việc chiếc Lassen áp sát đá Xu Bi, hay sự kiện ông lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngày mai chẳng có gì là lạ vì lẽ « Sự hiện diện của tàu Hải quân Mỹ ở Biển Đông không phải là mới ».
Bộ trưởng Quốc phòng Châu Á không ra được tuyên bố chung
Bộ trưởng Quốc phòng Châu Á Thái Bình Dương họp thường niên tại Kuala Lumpur. Ảnh ngày 04/11/2015Reuters
Do căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng Châu Á-Thái Bình Dương ở Kuala Lumpur, Malaysia, đã không ra được một tuyên bố chung. Bắc Kinh không chấp nhận cho hồ sơ này được nêu lên trong bản tuyên bố.
Tuyên bố tại Kuala Lumpur hôm nay, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, xin được giấu tên, khẳng định là sẽ không có tuyên bố chung sau cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng Châu Á-Thái Bình Dương ở thủ đô Malaysia.
Hiện giờ chưa rõ ai đã ra quyết định cuối cùng về việc không ra bản tuyên bố chung, nhưng quan chức Hoa Kỳ nói trên nói rằng, theo quan điểm của họ, không ra tuyên bố này còn hơn là ra một bản tuyên bố mà trong đó tránh nói đến vấn đề Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
Một quan chức ASEAN cũng đã xác nhận với hãng tin AFP rằng sẽ không có tuyên bố chung, nhưng nước chủ nhà Malaysia có thể sẽ ra một tuyên bố riêng trong đó sẽ nêu vấn đề Biển Đông.
Các Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN và của một số nước khác đã họp lại ở Kuala Lumpur sáng nay trong khuôn khổ cuộc đối thoại thường niên, khởi đầu từ năm 2013. Tham gia cuộc đối thoại này có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Đây là lần đầu tiên cuộc đối thoại giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Châu Á-Thái Bình Dương không ra được một tuyên bố chung.
Căng thẳng Mỹ-Trung trên Biển Đông đã gia tăng kể từ tuần trước, khi tuần dương hạm USS Lassen của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý chung quanh một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây ở quần đảo Trường Sa. Washington khẳng định họ có quyền tự do hàng hải ở khu vực này, nhưng hành động đó khiến Bắc Kinh phẫn nộ, xem đây là một sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Trong cuộc họp song phương với đồng nhiệm Trung Quốc hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục đưa các chiến hạm đến vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Biển Đông : Ấn Độ kêu gọi nhanh chóng ký kết COC
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (T) và đồng nhiệm Mỹ Ash Carter ký kết các văn kiện hợp tác tại New Delhi, ngày 03/06/2015REUTERS/Adnan Abidi
Tại cuộc họp ở Kuala Lumpur, Malaysia, hôm nay, 04/11/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng ký kết bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông COC.
Ông Manohar Parrikar tỏ ý hy vọng là tất cả các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tuân thủ bản Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 và cùng nhau tìm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, tình hình Biển Đông và những diễn biến gần đây tại vùng biển này gây lo ngại cho mọi người vì hồ sơ này liên quan đến quyền tự do hàng hải và hàng không, những nguyên tắc đã được thừa nhận trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Trong khi đó, theo báo chí Ấn Độ hôm nay, trong bản thông cáo chung sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj gần đây, New Delhi đã dùng tên Biển Tây Philippines, tên mà chính phủ Manila dùng để chỉ vùng biển đang tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ sử dụng tên Biển Philippines một cách chính thức và các quan chức chính phủ New Delhi cho báo chí Ấn Độ biết là họ cố tình sử dụng tên này.
Nhiều loài cá ở Biển Đông có nguy cơ tuyệt chủng
Cá song rạn san hô chấm xanh (Nguồn : gobie83.wordpress.com)
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, 03/11/2015, tại Hồng Kông, các chuyên gia thuộc đại học British Columbia, đã cảnh báo : tại Biển Đông, nhiều loài cá đang trên đường tuyệt chủng do hoạt động đánh bắt quá mức để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá và hải sản ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, do không có hợp tác giữa các nước đang có tranh chấp về các quyền trên biển, về biển, đảo, bãi đá, đã làm cho hiện tượng này thêm trầm trọng.
Theo nghiên cứu của giới chuyên gia, một số loại hiện chỉ còn khoảng 5% só với mức của những năm 1950. Trong số này, một số loài như cá song rạn san hô (merou corail), cá hàng chài khổng lồ (labre géant) đã giảm tới 80% trong vòng 8 năm gần đây.
Ông Rashid Sumaila, phụ trách đơn vị nghiên cứu kinh tế ngư nghiệp, ở trường đại học British Columbia nhấn mạnh : « Biển Đông bị đe dọa từ nhiều phía. Chúng ta cần làm một việc gì đó. Điều đáng sợ nhất là mức độ suy giảm mà chúng tôi đã nhận thấy trong những năm gần đây ». Và ông cảnh báo, một số loài đang trên đường tuyệt chủng.
Vẫn theo chuyên gia này, các tranh cãi chính trị cũng làm ảnh hưởng đến nguồn dự trữ cá.
Vẫn theo chuyên gia này, các tranh cãi chính trị cũng làm ảnh hưởng đến nguồn dự trữ cá.
Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền và lãnh thổ đối với một phần lớn diện tích của Biển Đông, nơi có nhiều tuyến thông thương hàng hải chiến lược. Hiện nay, Trung Quốc, Đài Loan và bốn nước Đông Nam Á khác là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Bruneil có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở một số nơi tại Biển Đông.
Đối với chuyên gia Sumaila, « khi không có hợp tác, các nước đua nhau khai thác cá bởi vì họ nghĩ rằng nếu mình không đánh bắt thì nước khác sẽ làm ».
Hồi tháng Chín vừa, qua, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên – WWF đã báo động là số lượng các loài động vật biển đã sụt giảm một nửa kể từ năm 1970, do đánh bắt khai thác quá mức, ô nhiễm và do biến đổi khí hậu.
Đài Loan-Trung Quốc: Thượng đỉnh lịch sử ngày 7/11/2015
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (T) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) lần đầu tiên gặp nhau ngày 07/11/2015亚会晤路透社
Cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều đã chính thức xác nhận vào hôm nay, 04/11/2015 : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có một cuộc tiếp xúc với Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu vào ngày thứ Bảy 07/11 tới đây tại Singapore. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan từ năm 1949 đến nay.
Theo giới quan sát mục tiêu của sự kiện bất ngờ này là nhằm tô bóng hình ảnh Trung Quốc trước cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan vào đầu năm tới, 2016, đồng thời hậu thuẫn cho ứng cử tổng thống thuộc Quốc Dân Đảng đang cầm quyền.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng chưa chắc động thái này sẽ đạt mục tiêu vì có thể gây bất bình nơi cử tri Đài Loan, không mấy thích việc Bắc Kinh can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
Từ Trung Quốc, Thông tín viên RFI Delphine Sureau nhận định :
« Về mặt chính thức thì cuộc gặp gỡ này nhằm phát triển một cách hòa bình quan hệ hai bên. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn nhấn mạnh là cho dù gặp mặt như thế nhưng Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan thuộc chủ quyền Trung Quốc, trong lúc Đài Loan cố trấn an là cuộc gặp sẽ diễn ra trong sự tôn trọng tình trạng hiện hữu.
Theo giới quan sát, thứ Bảy này sẽ không có tuyên bố hay thỏa thuận nào được ký kết... Thế nhưng đó cũng là một thời điểm lịch sử.
Nghi thức đã dự kiến là hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu sẽ không nêu chức vụ của mình trong cách xưng hô như « Ngài Chủ tịch, Ngài Tổng thống », mà chỉ gọi nhau bằng « Ông » đỡ phiền phức.
Hai người cũng sẽ ăn tối với nhau, nhân một cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai bên từ 66 năm nay, một cuộc gặp là kết quả của quan hệ được sưởi ấm từ khi ông Mã Anh Cửu được bầu làm Tổng thống năm 2008.
Người dân Đài Loan xem sự kiện này là một thủ đoạn chính trị khi cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Đài Loan đã gần kề, dự kiến trong 3 tháng tới đây.
Vào ngày 16/01/2016, ông Mã Anh Cữu không thể ra tranh cử được nữa và đảng của ông là Quốc Dân Đảng, bị cho là sẽ mất phiếu… Cho nên ông cần được hậu thuẫn của Bắc Kinh. »
Trung Quốc : Chủ tịch tập đoàn cảng Thiên Tân bị sa thải
Thành phố cảng Thiên TânReuters
Trung Quốc đã sa thải chủ tịch tập đoàn Cảng Thiên Tân và dự định khởi tố ông này do thiếu trách nhiệm. Báo chí nhà nước hôm nay 04/11/2015 cho biết như trên, ba tháng sau vụ nổ kinh hoàng làm cho hơn 160 người thiệt mạng.
Người dân Trung Quốc ngày càng thêm phẫn nộ trước tình hình vi phạm các tiêu chuẩn an toàn, sau ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhưng lại xảy ra nhiều tai nạn từ hầm mỏ cho đến hỏa hoạn nhà máy. Chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn chính quyền sẽ rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu này.
Ngoài việc bị sa thải, ông Trịnh Khánh Diệu (Zheng Qingyue), chủ tịch tập đoàn Cảng Thiên Tân còn bị tước chức vụ tại Trung tâm thương mại và dịch vụ hàng hải quốc tế của thành phố. Nhân dân Nhật báo cho biết ông Trịnh, trợ lý Li Hongfeng và phó phòng an toàn của tập đoàn Zheng Shuguo cũng có nguy cơ bị truy tố vì tội thiếu trách nhiệm. Các quan chức Thiên Tân nói rằng ông Trịnh Khánh Diệu đang bị điều tra.
Theo Nhân dân Nhật báo, cuộc điều tra của chính phủ cho thấy những người quản lý điều hành cảng đã lơi lỏng nhiệm vụ giám sát an toàn, đổ lỗi cho việc thiếu thốn các quy định của công ty kho vận Thụy Hải (Tianjin Ruihai International Logistics Co Ltd).
Công ty Thụy Hải sở hữu hệ thống kho hàng nơi xảy ra vụ nổ khổng lồ, bị phát hiện là đang trữ các hóa chất nguy hiểm không giấy phép. Các lãnh đạo công ty này cũng nói với báo chí là họ sử dụng các mối quan hệ để được thông qua các tiêu chuẩn về môi trường và phòng chống cháy.
Hôm thứ Hai 2/11, Viện Kiểm sát cho biết đã phê chuẩn lệnh giam giữ cựu quan chức phụ trách an toàn lao động, vốn đã bị cách chức ngay sau vụ nổ.
Trung Quốc đã thẩm định quá thấp lượng than tiêu thụ
Anh than trữ ở một nhà ga Thẩm Dương, Trung Quốc.Reuters
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đã thẩm định quá thấp lượng than đá tiêu thụ trong những năm gần đây, đưa ra con số ít hơn hàng trăm triệu tấn so với thực tế.
Các dữ liệu mới do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc xác lập và được đăng tải trên tờ New York Times số ra ngày hôm nay, 04/11/2015, cho thấy là mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ một lượng than nhiều hơn đến 17% so với mức thẩm định ban đầu. Cụ thể hơn, chỉ trong năm 2012, lượng than tiêu thụ của Trung Quốc trên thực tế cao hơn 600 triệu tấn so với mức thông báo trước đây.
Lượng than nói trên là chiếm hơn 70% lượng than tiêu thụ hàng năm của Hoa Kỳ và lượng than tiêu thụ này kéo theo lượng khí thải CO2 vượt hơn mức khí thải hàng năm của Đức.
Khi được hãng tin AFP hỏi, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc đã từ chối bình luận. Các số liệu mới cũng chưa được cập nhật trên trang web của cơ quan này, nhưng các chuyên gia Trung Quốc hôm nay đã xác nhận những số liệu nói trên với hãng tin Pháp. Theo AFP, từ năm 2000 đến nay, Bắc Kinh vẫn đưa ra con số chính thức về lượng than tiêu thụ thấp hơn thực tế, nhưng trong những năm gần đây, sự cách biệt ngày càng lớn.
Các số liệu về lượng than tiêu thụ của Trung Quốc được điều chỉnh vào lúc mà chỉ còn vài tuần nữa là đến hội nghị Paris về biến đổi khí hậu. Trung Quốc bị xem là quốc gia chiếm đến 25% lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính trên toàn cầu.
Thái Lan tái lập chế độ trợ cấp cho nông dân
Nông dân Thái Lan đổ về Bangkok biểu tình đòi chính phủ thanh toán tiền trợ giá gạo, ngày 6/2/2014.REUTERS/Chaiwat Subprasom
Do điều kiện kinh tế khó khăn và nhằm chinh phục nông dân, lực lượng vốn ủng hộ mạnh mẽ phe cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, chính quyền quân sự Thái Lan đã tái lập chế độ trợ cấp cho nông dân.
Các vùng nông thôn, nơi có đông đảo cử tri ủng hộ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin, hiện đang gặp nhiều khó khăn do giá nông phẩm sụt giảm, xuất khẩu gạo bị khựng lại. Nông dân Thái đã đe dọa biểu tình nếu chính quyền không tái lập chế độ trợ cấp.
Ngay sau cuộc đảo chính, chính quyền quân sự Thái Lan đã tuyên bố xóa bỏ chế độ trợ cấp nông dân, coi đó là chính sách mị dân, phục vụ mục đích bầu cử. Thế nhưng, vào tuần trước, chính quyền đã giải ngân 915 triệu euro để hỗ trợ những người sản xuất gạo và hôm qua, Bangkok chi thêm 330 triệu euro để giúp những người sản xuất cao su.
Ông Gothom Arya, chuyên gia thuộc Viện Nhân quyền và nghiên cứu hòa bình, đại học Mahidol, được Reuters trích dẫn, giải thích : « Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, giới tướng lãnh phải thúc đẩy tiêu dùng và họ lập luận rằng khi phân phát tiền cho các tầng lớp bình dân, đồng tiền sẽ được lưu thông. Cho dù chính quyền quân sự hành xử giống như các chính phủ trước đây, nhưng họ bảo đảm rằng lần này, tiền sẽ không bị biển thủ ».
Từ gần một thập niên qua, 34 triệu dân sống tại các vùng nông thôn Thái Lan đóng vai trò trung tâm trong các biến động chính trị ở nước này. Năm 2010, quân đội đã can thiệp, trấn áp những người biểu tình « Áo Đỏ », ủng hộ Thaksin, làm hàng chục người thiệt mạng.
Theo giới quan sát, việc tái lập chế độ trợ cấp là nhằm cải thiện đời sống nông dân nhưng chưa đủ để làm dịu sự bất bình. Nông dân Thái Lan đòi phải nâng giá nông phẩm.
Trước đây, chính phủ của bà Yingluck đã mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường 50% và khoản trợ cấp này tốn kém hơn 10 tỷ euro.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét