Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Anh chàng bắt cua trên vịnh Galveston

SAN LEON, Texas Ðứng giữa biển trên vịnh Galveston, miền Nam tiểu bang Texas, người ngư phủ gốc Việt tuổi ngoài 50, tóc búi tó, mặt sạm nắng, áo bà ba bay phần phật trong gió, giọng miền Tây sang sảng: “Em hả, nhớ chuẩn bị cơm trưa và đồ nhậu cho anh với hai người bạn lai rai nghen. Chừng một giờ nữa anh về.” Ðầu dây bên kia, tiếng người vợ dạ ran. Người đàn ông nở nụ cười mãn nguyện. 
<!->
Tay thoăn thoắt, lúc lái tàu, lúc kéo lồng bẫy cua và ghẹ, lúc cho thêm mồi nhử vào bẫy, người đàn ông làm công việc của mình không thừa một thao tác, như 33 năm qua, ngày nào như ngày nào, trên cái vịnh mênh mông này.
“Song thân đặt cho cái tên là Huỳnh Công Tử, nhưng đời tui lại không 'công tử' chút xíu nào, mà phải nói là ‘lãng tử’ mới đúng.” Người ngư phủ có nụ cười hiền hòa đậm chất Nam Bộ, một trong số khoảng 30 gia đình gốc Việt, ở thị trấn San Leon, miền Nam Texas, Hoa Kỳ, bộc bạch về đời mình. 
Sau nụ cười hài hước, anh khẳng định, chắc nịch: “Nhưng 'công tử' hay 'lãng tử' gì đi nữa, thì đời tui chắc gắn bó hoài với con cua, con ghẹ và cái vịnh Galveston này.”
Bên bữa cơm có canh chua bông so đũa, cá trứng kho tiêu, và ghẹ tươi mới luộc làm đồ nhậu, cuộc đời người ngư phủ gốc Cần Thơ rõ dần qua hồi tưởng. Ðó là các cột mốc thời gian mà bất cứ người Việt Nam tị nạn nào ở đất Mỹ cũng không quên được trong quá trình hội nhập và thành công trên vùng đất mới.


Trước đó tàu được kéo tàu từ nhà xuống biển bằng xe hơi. (Hình: Ðông Nguyễn/Người Việt)
   “Tui đi 'mình ên,' bám chân bà ngoại, vì cha mẹ anh chị em không ai đi cùng. Kansas, mùa Ðông lạnh quá, chịu không nổi, tui tìm về phía Nam, nắng ấm, rồi bén duyên mảnh đất này từ năm 1981, tức 33 năm rồi!” Huỳnh Công Tử hồi tưởng.
“Ban đầu, chỉ là nghĩ tìm một công việc gì cũng được, nên có người nhận cho ra biển bắt cua, bắt ghẹ, đánh tôm là mừng hết lớn. Lúc ấy, chỉ biết 'mần' và 'mần' thiệt nhiều, đặng có tiền bảo lãnh cha mẹ và các anh chị em còn kẹt lại.”


Ðưa tàu xuống bến. (Hình: Ðông Nguyễn/Người Việt)
Chăm làm, chịu khó, nhưng chỉ đến khi người chủ mà Huỳnh Công Tử làm thuê quyết định bỏ nghề để 'lên bờ' và tặng lại toàn bộ đồ nghề, tàu đánh bắt, thì lúc đó anh mới thành 'ông chủ' thật sự.
“Ông Nguyễn Ngọc Giàu, người mà tui mần thuê, cảm mến vì tui siêng năng, yêu nghề, mới tặng, chớ cả chục ngàn đô la, đâu dễ gì.”
Người Việt ở Houston rất đông, nhưng từ đây xuống San Leon mất gần cả tiếng đồng hồ, mà công việc đánh cá lại cực, nên không mấy ai tha thiết. Quay đi quay lại, hơn 30 năm qua cũng chỉ vỏn vẹn có vài chục gia đình.
“Tui từng có tàu đánh tôm, nhưng vì lo cho đàn con nên không kham nổi cảnh thức khuya dậy sớm, nên đành chung thủy với nghề bắt cua, bắt ghẹ, nên người ta hay gọi đùa Huỳnh Công Tử là 'chuyên gia’ sưu tầm ‘ghẹ.’”
Con cua, con ghẹ ở vùng vịnh Galveston, theo lời Huỳnh Công Tử, là một đặc sản của miền Nam Texas, và nó góp phần nuôi sống người dân Việt chân ướt chân ráo đến mảnh đất này.


Kéo lồng bẫy, bắt cua ra, cho mồi mới vào để nhử. (Hình: Ðông Nguyễn/Người Việt)
Chịu khó dành dụm từng đồng kiếm được, Huỳnh Công Tử cũng đưa được các anh chị em sang Mỹ theo diện bảo lãnh thân nhân. Nhưng theo anh thì vẫn chưa trọn vẹn, “vì ba tui tuy là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại không muốn sang Mỹ” vì sợ không quen cuộc sống mới.

Bám biển mưu sinh
Theo Thống Kê Dân Số năm 2010, San Leon chỉ có 4,970 người, trong đó người Việt chỉ trên dưới vài trăm. “Ngôi làng” nhỏ này nằm phía Bắc của vịnh Galveston và thuộc Galveston County, Texas, sống hoàn toàn phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá tôm, cua ghẹ.
“Ngư dân mà, mình sống và làm việc phụ thuộc nhiều vào thời tiết, không tính trước được vì sóng gió bão bùng bất thường,” Huỳnh Công Tử nói về nghề của mình.


Thùng ghẹ thu được chỉ sau khi nhấc vài cái bẫy. (Hình: Ðông Nguyễn/Người Việt)
“Tui bắt đầu mỗi ngày làm việc từ lúc 9-10 giờ sáng, sau khi chở đứa con gái thứ hai đến đại học University of Houston, đi và về mất gần 2 tiếng. Lái xe đẩy thuyền ra biển và bắt đầu thăm khắp vùng nước mà mình đặt lồng bẫy cua. Bắt cua hay ghẹ vào thùng, rồi lại bỏ mồi nhử vào 'bẫy', cứ thế, mỗi ngày kiếm vài chục lbs. Mình mất chừng hai, ba tiếng đồng hồ làm tất cả mọi việc rồi vào bến, cân ghẹ cho vựa. Xong đâu đó lại về nhà, tiếp tục hành trình đưa đón con cái đi học.”
Những con ghẹ càng màu xanh, cỡ lớn mà Huỳnh Công Tử khai thác được, theo lời anh, “sẽ không chạy vào chợ, mà chạy vào các nhà hàng để người ta chế biến thành nhiều món mà chợ bình thường không mua được loại hàng này.”
Công việc của Huỳnh Công Tử và những người giống anh diễn ra gần như quanh năm, nhưng thu nhập cũng thất thường. Tháng nhiều, chừng bốn, năm ngàn đô la, nhưng có tháng chừng hơn hai ngàn.


Phóng viên Khôi Nguyên của báo Người Việt với một con ghẹ xanh loại lớn, đặc sản của vịnh Galveston. (Hình: Ðông Nguyễn/Người Việt)
Theo lời anh, “cũng may là mình sống ở đây cá mắm không phải mua, nhà cửa không quá mắc, nên có nhiều thời giờ chăm sóc con cái và gia đình.”
“Cua ghẹ ở đây hoàn toàn là tự nhiên, mình không nuôi, nhưng muốn đánh bắt phải tuân thủ theo nhiều quy định nghiêm ngặt. Hồi xưa tiểu bang cấp giấy phép dễ dàng, nhưng nay khó hơn và gần như không cấp thêm giấy phép đánh bắt mới. Người Việt mình muốn làm nghề, thì thường phải sang nhượng giấy phép cho nhau.”
“Tui hài lòng với cuộc sống và công việc của mình. Nước Mỹ cho mình quá nhiều, lo cho mình và gia đình mình quá nhiều. Nghèo giàu, nghĩ cho cùng, là do số phận, mình luôn hài lòng với những gì đã và đang có, cố gắng lo lắng và bảo bọc lấy gia đình.”
Một căn nhà rộng gần 2,000 sqf đã trả dứt nợ ngân hàng, vài chiếc xe, vừa kéo tàu vừa đón đưa con cái, mảnh đất rộng có thể nuôi gà mà không cần chuồng... đó là tài sản Huỳnh Công Tử có được sau hơn 30 năm chịu thương chịu khó lặn lội với nghề bắt cua.


Ngư phủ Huỳnh Công Tử bên ngôi nhà của mình ở “làng” San Leon. (Hình: Ðông Nguyễn/Người Việt)
Tuy nhiên, cơ nghiệp của cả nhà tưởng như mất trắng sau cơn bão Ike đánh vào Texas ngày 13 Tháng Chín, 2008, khiến San Leon lại bị thiệt hại lớn.
Huỳnh Công Tử kể: “Bão đánh vùng này tan hoang, tưởng như bị san bằng, tui và nhiều ngư phủ khác tưởng đã ngã quỵ vì mất tất cả. Nhưng nhờ nỗ lực từ phía chính phủ giúp người dân ổn định cuộc sống nên nhiều người trở lại nghề. Tuy nhiên, nhiều gia đình trắng tay sau cơn bão, rời bỏ San Leon lên Houston hoặc các nơi khác tìm việc và nay họ không trở về. Số người bỏ đi thì nhiều, số trở lại không bao nhiêu, nên người Việt ở đây vắng dần là vậy.”

“Công Tử” 6 con
“Khoái thì cưới!” - Huỳnh Công Tử nói bằng giọng nhẹ tênh khi kể về chuyện mình kết hôn với người phụ nữ cùng quê Cần Thơ, chị Nguyễn Xuân Trang, người sinh cho anh một loạt sáu đứa con sau này.


Huỳnh Công Tử bên chiếc xe gắn cờ VNCH và cái tên quen thuộc của anh. (Hình: Ðông Nguyễn/Người Việt)
“Tui cũng có vài mối tình trước đó, cũng bay bướm lắm, nhưng mà không hiểu sao lại thương má của sắp nhỏ này, dù chỉ qua người thân mai mối, khi 'bả' từ Việt Nam sang. Chúng tôi cưới nhau năm 1994.”
Ðám cưới của “chàng” Công Tử với “nàng” Xuân Trang, được mô tả là vui nhất San Leon lúc đó. Là người có máu văn nghệ, lại sinh hoạt và giao du rộng rãi, theo lời anh, đám cưới “lớn” là phải rồi.
Cái việc sáu đứa nhóc, cứ lần lượt chào đời san sát nhau, trong gần chín năm liên tiếp, được anh nói đùa rằng, “Nhà gần đường xe lửa, suốt đêm không ngủ được, mà TV và Internet không có thì 'mần' gì bây giờ.”
Huỳnh Công Tử có sáu đứa con, năm gái, một trai. Cô chị lớn nhất vừa mới xong đại học, đi làm. Cô thứ hai đang học đại học. Ba cô còn lại đang học trung học. Còn cậu út, người con trai duy nhất, 12 tuổi, học lớp Sáu.
Huỳnh Công Tử bộc bạch: “Ông bà mình nói, an cư lạc nghiệp, cha truyền con nối, nhưng chẳng đứa nào chịu theo nghề mình vì cực quá.”
Gương mặt người cha đen sạm vì dầm mưa dãi nắng, đó có thể là lý do các con của Huỳnh Công Tử không muốn theo cha ra biển như lời anh nói.


Bữa cơm trưa của ngư phủ Huỳnh Công Tử sau một buổi bắt cua trở về. (Hình: Ðông Nguyễn/Người Việt)
Người con gái lớn chọn nghề chuyên viên tư vấn giáo dục và đã đi làm, cô thứ hai vào đại học thích làm “chuyên viên khám nghiệm tử thi,” những đứa con khác đều có ước mơ và nỗ lực để học bác sĩ tâm lý, luật sư, cô giáo và cậu con út lại mơ làm... cảnh sát.
“Gì thì gì, tui cũng cố gắng để các con học xong đại học. Ðời mình không có cơ hội thì phải lo cho đời con.” Tâm sự của Huỳnh Công Tử, có thể, cũng là suy nghĩ chung của gần 30 gia đình người Việt ở cái “làng” San Leon này.
Huỳnh Công Tử ca vọng cổ 'Xuân Này Con Không Về'

Nghệ sĩ ‘hào hoa’
San Leon cách Houston khoảng 50 dặm và lái xe mất khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng không vì thế mà các gia đình người Việt ở đây bị cô lập trong một cộng đồng người Việt gần 100 ngàn người ở Houston.
Khoảng 30 gia đình người Việt ở đây, và khoảng 100 người Việt khác đậu tàu ở bến này, vẫn đi về Houston như con thoi để tham gia các sinh hoạt của cộng đồng Việt, trong đó Huỳnh Công Tử được coi là một trong những người tích cực nhất.
Ít ai ngờ rằng, người con của đất Cần Thơ theo đạo Hòa Hảo này lại là một “cây” vọng cổ mùi mẫn thường góp tiếng trong các chương trình “hát với nhau” trên làn sóng các đài phát thanh của cộng đồng người Việt ở Houston.
“Nhiều người biết tui, thích tui qua các chương trình đó, bởi thế mà người ta biết nhiều về cái 'làng' San Leon bé nhỏ này. Tui chỉ tiếc không có nhiều thời gian làm nhiều việc công ích cho cộng đồng và các hội đoàn hay tôn giáo,” Huỳnh Công Tử bộc bạch.
Rộng hơn một chút, theo Huỳnh Công Tử, “Tham gia các hoạt động cộng đồng, thấy mình gần với quê hương Việt Nam hơn, bởi 36 năm rồi tui chưa một lần trở về quê nhà.”
“Mình không tin là mình mất quê hương, nó vẫn còn ở đó. Và tui vẫn mơ người dân Việt mình có tự do, có dân chủ nhiều hơn, không như cách người ta tuyên truyền.”
Ba mươi sáu năm chưa trở lại thăm quê nhà, bởi thế mà mỗi dịp Tết đến, người ta lại được nghe bản vọng cổ “Xuân Này Con Không Về”' qua giọng ca Huỳnh Công Tử trên làn sóng đài phát thanh của người Việt ở đây mà anh thuộc nằm lòng.
Buổi trưa một tháng cuối năm, chia tay Huỳnh Công Tử, được anh ca cho nghe bản “Xuân Này Con Không Về,” âm vang của bài ca đó dường như vang mãi cùng với sóng, với gió của vịnh Galveston, nơi cách quê nhà Cần Thơ của anh đúng hơn nửa vòng trái đất.

Không có nhận xét nào: