Đó là nói về sự hình thành của Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, còn về phần hoạt động của hội thì phải nói rằng có rất nhiều công việc, như tổ chức những buổi hát giúp nghệ sĩ nghèo, hát lấy tiền giúp chi phí các đám tang của nghệ sĩ, có những nghệ sĩ cải lương hát đêm nào lãnh tiền ăn bữa nấy mà còn mắc nợ, khi chết thì không có hòm chôn! Hội cũng đã từng tổ chức hát gây quỹ giúp nhạc sĩ Sáu Lầu, cha đẻ bản vọng cổ, bởi khi về già cuộc sống của ông vô cùng thiếu thốn, bi đát! Nhưng điều đáng nói, đáng ghi hơn hết là vận động tiền mua đất xây cất Chùa Nghệ Sĩ và Nghĩa Trang Nghệ Sĩ. Tôi hỏi Má Bảy:<!->
- Nghe nói Chùa và nghĩa trang đã do chính Má Bảy vận động tài chánh để tạo dựng, vậy xin Má Bảy cho biết tiền vận động được từ đâu và những ai, những tổ chức nào đã giúp?
- Ngày nay giới nghệ sĩ cải lương có Chùa Nghệ Sĩ để tu niệm, có nghĩa trang để chôn là nhờ... ngựa chạy đó!
Thế nhưng chuyện “ngựa chạy” đem lại việc có chùa, có nghĩa trang là có thật trăm phần trăm, nhờ những con ngựa “chiến” ở trường đua Phú Thọ, hàng tuần chạy đua giúp vui cho thiên hạ mà Má Bảy có được điều kiện tốt để xây cất Chùa, lập nghĩa trang cho giới nghệ sĩ. Và câu chuyện được tiếp tục như sau:
- Tại sao chuyện ngựa chạy lại dính vô vấn đề, là việc đáng ghi của hội, chắc là có điều gì rất đặc biệt xin Má Bảy nói rõ hơn?
- Sự thiệt nó là như vậy đó, nhờ có đua ngựa ở trường đua Phú Thọ nên tôi mới có tiền mua miếng đất trên nửa mẫu tây nầy để cất Chùa, lập nghĩa trang, hay nói đúng hơn là nhờ tiền lời đua ngựa của một ngày Chủ Nhật đã giúp tôi mua. Nhưng không phải khi không chẳng có gì hết mà trường đua ngựa nó giúp tôi đâu, cải lương đâu có ăn nhập gì với ngựa đua, mà cũng nhờ có trước có sau mới được, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” đó!
Trước khi tiếp tục câu hỏi và câu trả lời chi tiết của Má Bảy có liên quan đến trường đua Phú Thọ, chúng tôi xin đề cập sơ qua về một địa điểm vừa giải trí lại vừa có tính cách cờ bạc, mà có lẽ những người miền Nam, đặc biệt là những cư dân từng sinh sống ở Đô Thành Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định nếu chưa từng vào xem cũng có nghe qua.
Thật vậy, trong chúng ta nếu có lần đi qua các con đường Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản, Nguyễn Văn Thoại, Lữ Gia sẽ nhìn thấy chạy dọc một bên của các con đường nầy là hàng rào tường bao bọc khu đất rộng hơn cả chục mẫu Tây, đó là trường đua Phú Thọ, tọa lạc tại xã Phú Thọ Hòa, do người Pháp thành lập xây dựng trên cả trăm năm nay, với mục đích dùng làm nơi giải trí cuối tuần của giới hâm mộ đua ngựa. Ngoài việc coi ngựa chạy giải trí, người ta còn đánh cá xem ngựa nào về nhứt, con nào về nhì, mà lúc bấy giờ việc đánh cá ngựa cũng là giải trí thôi, chớ hông nhắm vào ăn thua.
Những năm cuối thập niên 1940 lực lượng võ trang Bình Xuyên chiếm cứ vùng đất bên kia cầu Chữ Y, Tướng Bảy Viễn kiểm soát cả vùng Chợ Lớn, khai thác sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới và luôn cả trường đua Phú Thọ cũng vào tay lãnh chúa nầy. Do đó mà đến năm 1955 xảy ra chiến tranh giữa lực lượng võ trang Bình Xuyên và quân đội Quốc Gia thì trường đua.
Phú Thọ đương nhiên bị đóng cửa. Thời Bình Xuyên còn khai thác trường đua Phú Thọ thì đánh cá ngựa trở thành môn cờ bạc lôi cuốn con người ta, nhiều người tán gia bại sản cũng vì đánh cá ngựa mà tiếng long gọi là “bị ngựa đá”!
Trường đua bị đóng cửa khiến cho dân ghiền đi coi ngựa chạy mỗi tuần mất đi môn giải trí độc đáo, dân chuyên đánh cá ngựa cũng mất nơi ăn thua mỗi cuối tuần. Lúc Bình Xuyên bị đánh đuổi ra khỏi vùng Chợ Lớn, bị tiêu diệt tại Rừng Sát rồi mà trường đua cũng vẫn chưa mở cửa trở lại và có chiều hướng bị dẹp luôn, do bởi vấn đề “ đánh cá ngựa”, mà chủ trương của chính phủ thời Đệ Nhứt Cộng Hòa là cấm cờ bạc dưới mọi hình thức.
Tiền lời đua ngựa để cất Chùa, lập nghĩa trang
Tình trạng này khổ nhứt là những người có ngựa đua, những con ngựa chiến khác với ngựa rẻ tiền dùng kéo xe thổ mộ, kéo xe cá hằng ngày đậu tại bến chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Bình Tây và các chợ trong Đô Thành chờ vận chuyển hàng hóa. Thời đó một con ngựa kéo xe chỉ mua vai ngàn đồng, thì con ngựa đua phải mua mấy chục ngàn, có con trên cả trăm ngàn, nếu có lịch sử từng đua thắng nhiều độ. Giờ đây trường đua đóng cửa không lẽ đem ngựa đua cho kéo xe thổ mộ, bao nhiêu vốn liếng đổ vào coi như mất hết sao? Do đó mà sau thời gian cả năm trời cho ngựa nghỉ dưỡng sức dài hạn, các chủ ngựa đua họp lại gián tiếp thành lập “Hội Đua Ngựa Trường Đua Phú Thọ” (chỉ nói thôi chớ hội không có trên giấy tờ), và đi vận động nhiều nơi, vận động với các hội từ thiện như: Viện Mồ Côi, Viện Dưỡng Lão, các Hội Ái Hữu... cùng ký tên trong đơn xin cho trường đua Phú Thọ hoạt động trở lại, và hứa rằng sẽ đặc biệt dành những buổi tiền lời để giúp các hội tự thiện, ái hữu nói trên.
Tôi tiếp tục đặt câu hỏi:
- Có phải là nhờ nhiều tổ chức từ thiện, các hội ái hữu ủng hộ mà Hội Đua Ngựa Trường Đua Phú Thọ đã được cho phép hoạt động trở lại, và riêng Má Bảy thì với danh nghĩa Hội Trưởng Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, Má Bảy đã cũng ký tên vào đơn xin hỗ trợ cho hội đua ngựa lúc bây giờ?
- Đúng như vậy! Tôi thấy tờ đơn nói rất hợp tình hợp lý nên ký tên ủng hộ, bởi lý luận của Hội Đua Ngựa khá vững chắc, họ viện dẫn rằng trường đua Phú Thọ là nơi giải trí lành mạnh, là nghệ thuật coi giò coi cẳng con ngựa, cũng giống như dân mê đá gà coi dãy coi cựa vậy thôi! Còn chuyện đánh cá thì chỉ những người nào có máu ham mê cờ bạc thì họ mới đánh cá ăn thua lớn, chớ đa số là đánh cá mua vui, nếu là dân cờ bạc thì ở đâu họ cũng đánh bạc chớ không phải có trường đua ngựa họ mới ăn thua.
Nghe lý luận đó vững quá, tôi hỏi tiếp:
- Vậy đơn xin còn nêu lên vấn đề nào thực tế nữa không, mà được rất nhiều tổ chức ủng hộ, như Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu của Má Bảy?
- Trong đơn xin phép cũng chứng minh hiện nay nhiều nước trên thế giới có đua ngựa, bên Ăng Lê, bên Tây, bên Tàu, bên Mỹ nói chung Âu Châu, Á Châu, Mỹ Châu đều có đua ngựa giải trí, không lẽ chúng ta có sẵn trường đua lại dẹp bỏ đi sao? Hơn nữa số tiền đánh thuế trường đua Phú Thọ không phải nhỏ!
Cuối cùng thì Má Bảy cho biết trường đua Phú Thọ được phép cho hoạt động trở lại, và năm 1957 bà đã lấy danh nghĩa Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu xin Hội Đua Ngựa Trường Đua Phú Thọ một ngày tiền lời để mua đất cất Chùa Nghệ Sĩ và nghĩa trang.
Má Bảy cho biết thêm sau khi Hội Đua Ngựa Trường Đua Phú Thọ đồng ý giúp cho một ngày tiền lời đua ngựa thì công cuộc tìm mua đất cất Chùa, lập nghĩa trang được tiến hành ngay. Thế nhưng, không phải có tiền rồi mua được liền, mà phải trải qua nhiều giai đoạn gian nan, chán chường bỏ ra không biết bao nhiêu thì giờ công sức, bởi nhiều khó khăn phức tạp của vấn đề mà mãi đến cả năm sau Hội mới mua được miếng đất.
- Theo như tôi được biết thì vào thời điểm 1957 đất cát ở vùng Gia Định muốn mua cũng không khó lắm, điển hình là có rất nhiều chùa Phật Giáo được xây cất ở thời gian đó, vậy thì do đâu việc mua đất cất Chùa Nghệ Sĩ phải cả năm sau?
- Nếu chỉ cất Chùa thôi thì dễ dàng mua đất và cũng dễ xin giấy phép, nhưng đằng nầy Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu phải thực hiện hai công việc cùng một lúc là vừa cất Chùa, đồng thời lập nghĩa trang luôn, và cũng do tìm kiếm mua đất thích hợp cho cả hai mục tiêu nên mới gặp khó khăn.
- Để cho giới nghệ sĩ cải lương sau nầy hiểu rõ công lao của người đi trước, xin Má Bảy cho biết một vài khó khăn cụ thể mà lúc bấy giờ Hội đã gặp phải trong vấn đề mua đất?
- Lúc đó ở gần Đô Thành Sài Gòn thì không có đất rộng, nếu có chăng thì giá cả cũng rất đắt, số tiền của Hội có không thể vói tới.
Má Bảy không nói rõ là Hội có bao nhiêu tiền và tôi cũng không hỏi việc đó, mà hỏi việc khác:
- Có phải nếu ở gần Đô Thành hay Thị Xã Gia Định thì không thể xin giấy phép được?
Như tôi đã nói cất Chùa thì dễ hơn, đất cũng không cần rộng lắm, à giấy phép cũng dễ xin, chớ còn kèm theo nghĩa trang thì việc xin giấy phép là cả một vấn đề, không có xã nào muốn đem thây ma xác chết về chôn ở địa phương mình, thành thử ra khó khăn vô cùng và mất rất nhiều thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét