Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Tưởng niệm tử sĩ Canada ở Normandy - Phan Hạnh





 Dấu binh lửa nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương.
(Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm)
<!->
Juno Beach
H.1: Sơ đồ quân đội Đồng Minh đổ bộ Normandy
Giữa thập niên 1960, tôi xem phim The Longest Day ở Sài Gòn và hiểu biết lơ mơ về D-Day, ngày 6 tháng 6 năm 1944, là ngày quân đội đồng minh Mỹ, Anh và Canada đổ bộ lên bờ biển Normandy. Cuốn phim dàn cảnh vĩ đại quá, thành phần tài tử gạo cội quốc tế hùng hậu quá và mô tả Thế Chiến Thứ Hai sống thực quá, một cuộc chiến tàn khốc vừa chấm dứt hai thập niên trước đó.
Tựa cuốn phim The Longest Day, Ngày Dài Nhất nhằm nói đến cuộc hành quân mang danh hiệu Overlord của lực lượng phe Đồng Minh mở cuộc tấn công phá vỡ tuyến phòng thủ của quân Đức Quốc xã để giải phóng châu Âu.
Cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy được xem là một kế hoạch hành quân qui mô và vĩ đại nhất trong quân sử. Lực lượng đồng minh gồm tổng số 156,000 quân thuộc bốn quốc gia Mỹ, Anh, Canada và Pháp, xuất phát từ Anh quốc vượt eo biển Manche bằng một lực lượng phối hợp không quân và hải quân khổng lồ chưa từng có gồm 7,000 tàu thuyền và hàng chục ngàn phi cơ đủ loại. Nằm phục trên bờ sẵn sàng nghinh chiến là đạo quân Ðức 380,000 người do tướng Erwin Rommel chỉ huy. Lực lượng tham dự của Mỹ là Lộ Quân Ðệ Nhất dưới quyền chỉ huy tối cao của tướng Dwight D. Eisenhower.
Sau này, khi đã trở thành một công dân Canada, đọc tài liệu tôi hiểu biết thêm rằng quân đội xứ sở quê hương thứ hai của tôi cũng đã từng đóng góp một vai trò không nhỏ trong công cuộc giải phóng châu Âu khỏi chế độ Phát-xít. Hơn 15,000 chiến sĩ Canada mà hầu hết là quân nhân tình nguyện cũng có mặt trong cái ngày dài nhất đó, cùng đóng góp máu xương vì chính nghĩa tự do.
Riêng trong ngày D-Day, lực lượng đổ bộ của Canada tổn thất 340 chết và 574 bị thương. Tính chung suốt toàn bộ chiến dịch Normandy kéo dài chỉ hơn một tháng, mức tổn thất của các lực lượng tham chiến Canada là 18,000 thương vong, trong đó có 5,500 tử trận.
Lực lượng đổ bộ Canada tiến lên bờ bãi biển Juno (Juno Beach) chẳng may nhằm ngay ổ kháng cự và vị trí đặt vũ khí nặng của quân phòng thủ Ðức nên phải gánh chịu năm mươi phần trăm tổn thất nhân mạng trong đợt đổ bộ đầu tiên. Mặc dù gặp nhiều chướng ngại nhưng lực lượng Canada đã hoàn tất sứ mạng, chiếm được mục tiêu hành quân nằm cách bờ 15 cây số. Cuối ngày "D Day", 15,000 quân Canada đáp bãi thành công. Sư Ðoàn 3 Bộ Binh và Lữ Đoàn 2 Thiết Giáp của Canada đã xâm nhập sâu nhất vào lãnh thổ nước Pháp, trước hơn mọi đơn vị của các nước đồng minh khác.
Thiết tưởng cũng nên nhấn mạnh một lần nữa là thành phần chính của lực lượng Canada tham dự D-Day, Sư Đoàn 3 Bộ Binh và Lữ Đoàn 2 Thiết Giáp, phần nhiều là các đơn vị tân lập tình nguyện đại diện cho mọi miền đất nước: Ontario 3 tiểu đoàn, Quebec 1 tiểu đoàn, các tỉnh miền Tây 3 tiểu đoàn, và các tỉnh duyên hải (Maritimes) 2 tiểu đoàn. Đơn vị tiếp vận các ngành pháo binh, công binh, truyền tin, quân cụ, quân y và quân nhu cũng đều có sự góp mặt theo tỉ lệ công bằng.
 50 năm sau ngày xem phim The Longest Day, sáng ngày 10 tháng Sáu 2015 trời trong nhưng gió mạnh bất thường, chúng tôi mặc thêm áo rồi từ Paris lái xe mất 3 tiếng đồng hồ nuốt khoảng đường dài 250 km trên xa lộ A 13 để đến bờ biển Normandy.
 Đến thành phố Caen còn cách Juno Beach khoảng 17 km nữa,, chúng tôi rẽ vào tìm đến Phòng Thông Tin Du Lịch để hỏi đường và lấy một mớ tài liệu. Lễ tưởng niệm hàng năm chỉ mới diễn ra trong mấy ngày trước; chúng tôi thấy cờ xí trên đường phố vẫn còn đó. Ba gã du khách chúng tôi từ Bắc Mỹ tới đây lần đầu, thấy cảnh lạ nên đi rảo chụp hình. Tội nghiệp người bạn Paris của chúng tôi là anh Nguyễn Mai Ninh, tuy lớn hơn tôi 6 con giáp mà anh chịu khó đóng vai tài xế, lái xe đường xa đưa chúng tôi đi chơi. Cháu Yến Linh, con gái út của anh, đóng vai hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, làm hoa tiêu chỉ đường.
Tuy xe có gắn máy định vị GPS nhưng không chắc ăn lắm. Hơn nữa, Caen là một thành phố đông đúc với hơn 100,000 dân; nếu tính luôn các vùng ngoại ô thì dân số tổng cộng gần nửa triệu. Tiếp tục cuộc hành trình, xe chạy ngang qua ngôi nhà thờ St-Etienne-Le-Vieux cổ xưa vẫn còn mang đậm dấu tích của đạn bom. Xung quanh Caen có đại lộ vòng đai (Boulevard Péripherique), tuy tiện cho sự lưu thông từ Caen tỏa ra mọi hướng nhưng tài xế dễ chạy lố lòng vòng. Sau khi vào Đại lộ Péripherique, chúng tôi dõi mắt tìm lối rẽ số 5 "Cote de Nacre" để vào xa lộ D7 là con đường lên đi hướng bắc để tới thị trấn Courseulles-sur-Mer và bãi biển Juno. Hệ thống đường lưu thông của Pháp thường có bùng binh thay cho trục giao lộ gắn đèn xanh đỏ; người lái xe không quen đường không lanh mắt rất dễ đi lố hay rẽ nhầm lối. Qua mấy cái bùng binh, sau cùng chúng tôi thấy dọc đường có treo cờ Canada nên yên chí là mình đã đi đúng hướng. Nhìn thấy những lá quốc kỳ Canada phất phới trong cơn gió quanh khu này, chúng tôi biết là đã đến nơi muốn thăm viếng, lòng cảm thấy nao nao.
Courseulles-sur-Mer là một thị trấn nghỉ mát với chỉ khoảng trên bốn ngàn cư dân thường trú nhưng có nhiều nhà nghỉ mát của dân giàu Paris và là một địa điểm du lịch được ưa thích. Bãi biển ở đây vào mùa hè tràn ngập du khách đến nghỉ hè tắm biển.
H.2: Cờ Canada dựng ở các góc đường làm dấu lối đi đến Juno Beach
H.3: Đài tử sĩ Courseulles-sur-Mer.
H.4: Bạn ảnh L.A.Vũ đứng trước một chiếc xe tăng lội nước Sherman M-4 của quân đội Canada bị chìm trong cuộc đổ bộ D-Day, được trục vớt lên và trưng bày ở thị xã Courseulles-sur-Mer, Normandy.
Centre Juno, nhà lưu niệm Canada kia rồi. Nơi này như là một viện bảo tàng nho nhỏ được khánh thành ngày 6 tháng 6 năm 2003 nhân lễ kỷ niệm thứ 59 của cuộc đổ bộ Normandy. Đến đây, du khách sẽ được các nhân viên phục vụ người Canada thông thạo hai ngôn ngữ Anh Pháp giới thiệu và hướng dẫn thăm viếng Juno Park. Mỗi tua hướng dẫn kéo dài khoảng 45 phút.
H.5: Hầm truyền tin của quân đội Đức
 Cách Juno Beach Centre không xa và nằm trong phạm vi của Juno Park, chúng tôi thấy một hầm xây kiên cố làm đài quan sát và liên lạc của quân đội Đức còn sót lại. Trong cuộc chiến, hầm này như một trạm tổng đài, chứa nhiều thiết bị vô tuyến để phối hợp và điều động sự liên lạc với những hầm khác trong công cuộc phòng thủ bảo vệ bãi biển. Trên nóc hầm có đài quan sát và vị trí đặt súng đại liên 50 ly nhưng đã bị hư hại nặng và đã được gỡ  bỏ trong thập niên 1970 vì lý do an toàn cho du khách. 
H.6: Cầu tàu nơi cửa sông La Seulles
Từ bãi đậu xe, chúng tôi háo hức xách máy ảnh đi xuống bãi biển trong cơn gió lộng. Vì là một ngày thường làm việc trong tuần và thời tiết lại không được tốt, Juno Beach hôm ấy vắng vẻ. Không sao, mục đích chính của chuyến du ngoạn này của chúng tôi là để đến Juno Beach nhìn tận mắt địa điểm nơi mười bốn ngàn binh sĩ Canada từng tham dự cuộc đổ bộ ngày định mệnh lịch sử. Và chúng tôi thăm nghĩa trang, nơi một phần không nhỏ trong số họ mãi mãi nằm yên nghỉ trên đất Pháp.
H.7: Juno Beach trong một ngày biển động sóng gào.
Nhằm ngày gió lộng sóng to, cầu tàu vắng vẻ, chỉ có nhóm chúng tôi đã bỏ công đến từ xa nên chịu khó ra xem và chụp ảnh trong tiếng sóng vỗ rì rào. Sát bên trái cầu tàu là con sông Seulles nhỏ từ biển chảy vào một bến cảng của thị xã với hàng trăm du thuyền neo đậu. Trong chiến dịch đổ bộ năm 1944, quân Đồng Minh dùng bến cảng này làm nơi đổ hàng tiếp vận chính hàng ngàn tấn mỗi ngày.
H.8: Cảnh bên kia bờ nơi cửa sông nhìn từ cầu tàu.
H.9: Thánh giá dựng nơi cửa sông La Seulles.
Những người chinh chiến bấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.
(Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm)
H.10: Quang cảnh một phần của Juno Beach nhìn vào từ chót mũi cầu tàu.
 Juno beach, nơi một thời rền vang tiếng bom đạn và tiếng hét xung phong giờ đây im vắng lạ thường. Chỉ có tiếng sóng biển xô bờ và tiếng gió rít ù tai. Bụi cát tung mờ lúc ấy chập chờn hình ảnh hàng trăm thây tử sĩ trong suy tưởng của người du khách. Yên bình này hy vọng sẽ là mãi mãi thay thế cho nỗi kinh khiếp của chiến tranh.
Nghĩa trang Beny-sur-Mer
H.11: Nghĩa trang quân đội Canada Beny-sur-Mer.
Rời Juno Beach, chúng tôi lái xe đến nghĩa trang Beny-sur-Mer (Beny-sur-Mer Canadian War Cemetery) nằm trên đường Creully-Tailleville-Ouistreham (D.35) cách làng Reviers 1 km, cách Juno Beach 4 km. Nghĩa trang chứa 2,048 bia mộ nằm dưới bóng của những cây thông và cây phong tượng trưng cho tình thân hữu giữa Pháp và Canada.  Những người được chôn ở đây gồm có: 2010 chiến sĩ Bộ Binh Canada, 15 chiến sĩ Không Quân Canada, 3 binh sĩ Anh, một kháng chiến quân người Pháp và 19 người không xác định được danh tánh. Kháng chiến quân người Pháp tên là R. Guenard, người đã sát cánh với các binh sĩ Canada chiến đấu và hy sinh mạng sống cho công cuộc giải phóng quê hương. Bia mộ của R. Guenard ghi hàng chữ "Mort pour la France - 19-7-1944" (Chết cho nước Pháp ngày 19 tháng 7 năm 1944).
Phần lớn tử sĩ được chôn cất ở nghĩa trang này là những chiến binh đã bị thiệt mạng vào đầu tháng 7 năm 1944 trong các trận đánh trên đường tiến quân xuống thànhphố Caen. Đây cũng là nơi chôn mấy trăm chiến sĩ Canada tử trận ngay ngày đầu của cuộc đổ bộ (D-Day) lên Juno Beach. Ngoài ra, một số binh sĩ Canada bị quân Đức bắt làm tù binh chiến tranh và bị hành quyết trái luật tại Ardenne Abbey cũng được chôn cất ở đây.
Nghĩa trang không có cổng rào hay canh gác; du khách có thể đến thăm viếng bất cứ lúc nào. Chúng tôi đến đó khoảng xế chiều, nắng cao, bầu trời xanh lơ điểm những cụm mây trắng mỏng bồng bềnh, gió thoảng và thời tiết đã bớt lạnh.
Đất nghĩa trang là do nước Pháp hiến tặng cho Canada như là một cử chỉ tạ ơn. Mặc dầu nghĩa trang thuộc quyền sở hữu của Canada và tuy nghĩa trang mang tên làng Beny-sur-Mer cách đó 2 km, chính quyền và dân cư làng Reviers vẫn dành cho nghĩa trang một mối quan tâm đặc biệt. Họ vẫn xem, vẫn cảm thấy như nó thuộc về họ.
Điều khiến cho tôi thán phục là tuy chẳng có ai canh giữ nhưng nghĩa trang trông đẹp thanh thoát trang nghiêm và được chăm sóc vô cùng tươm tất tỉ mỉ từng tấm bia mộ, luống hoa, bãi cỏ. Điều đó chứng tỏ sự hy sinh của tử sĩ luôn luôn được trân trọng ghi nhớ mãi mãi và xứng đáng.
Beny-sur-Mer nằm trong tỉnh Calvados miền hạ Normandy và khá gần thành phố Caen. Nói chung, cả vùng này của nước Pháp được coi là một khu bảo tàng sống lộ thiên mênh mông với rất nhiều di tích Thế Chiến thứ 2, nhiều bảo tàng viện và 27 nghĩa trang quân đội, nơi an nghỉ của hầu hết tử sĩ của cả hai bên: Đức 77,866, Mỹ 9,386, Anh 17,769, Canada 5,002 và Ba Lan 650; tổng số hơn 100,000. Normandy quả là một bãi chiến trường tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh.
H.12: Bãi đậu xe của nghĩa trang rất rộng, chính giữa có sơn hình cờ lá phong khổng lồ còn in dấu vết bánh xe buýt chở du khách. Gối mỏi, tôi quỳ xuống nhìn vào màn hình máy ảnh kiểm lại mấy tấm vừa chụp.
H.13: Bảng thông tin dựng gần lối vào ghi tóm lược dữ kiện nghĩa trang, do Ủy Ban Huyệt Mộ Chiến Tranh Khối Thịnh Vượng Chung (CWGC là viết tắt của Conmonwealth War Graves Commission) thành lập và quản trị. Bảng có ghi câu "This site is a tribute to the men and women who served in the Canadian Army during D-Day and World War II. To these people, we owe the freedom that we take for granted. Let us never forget their sacrifice. God bless them all." (Địa điểm này được tạo dựng để tri ân những quân nhân Canada từng tham dự D-Day và Thế Chiến Thứ II. Chính nhờ họ mà chúng ta có tự do. Chúng ta hãy đừng bao giờ quên sự hy sinh của họ. Cầu Thiên Chúa ban ơn lành cho họ). Trong hình có bóng của tác giả.
H.14: Hàng giậu trang trí lối vào, hai vọng lầu hai bên có tầng nền để khách viếng thăm có thể đứng từ đó nhìn thấy toàn bộ diện tích nghĩa trang, để thưởng thức và thầm phục tài khéo quy hoạch và thiết kế nghĩa trang tuyệt vời này.
 
H.15: Bia tưởng niệm tử sĩ trích từ câu "Their bodies are buried in peace; but their name liveth for evermore." trong Sách Huấn Ca Kinh Cựu Ước.
(An bình thây họ dẫu vùi chôn; nhưng tên họ vẫn còn lưu sống mãi).
 
H.16: Chúng tôi dừng lại đọc một số bia mộ để thấy hầu hết tử sĩ ở các tuổi hai mươi; có người chỉ 18 tuổi.
H.17: Đa số bia mộ khắc thánh giá cho thấy quân nhân tử trận theo Công giáo. Nhưng cũng có một vài tử sĩ Do Thái giáo vì bia có khắc hình ngôi sao David 6 cạnh. Mỗi tấm bia đều có khắc các chi tiết như tên họ, tuổi tác, cấp bậc, đơn vị, ngày mất, cũng như biểu tượng của đơn vị. Theo mặc định, bia mộ của công dân Canada đều có biểu tượng lá phong. Ngoài ra, thân nhân của tử sĩ được phép thêm một câu suy nghĩ cá nhân hay thông điệp, những lời trìu mến thể hiện sự mất mát.
H.18: Nghĩa trang Beny-sur-Mer War Canadian War Cemetery do kiến trúc sư Philip D. Hepworth thiết kế và do Ủy Ban Huyệt Mộ Chiến Tranh Khối Thịnh Vượng Chung (CWGC) xây dựng và quản trị bảo trì.
H.19: Hoa anh túc đỏ, biểu tượng của ngày tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong 11 tháng 11 (Remembrance Day, hay còn được gọi là Poppy Day), được trồng nhiều ở nghĩa trang. Thật ra chúng tôi nhận thấy hoa này hiện diện khắp nơi mà chúng tôi có dịp đi qua trên nước Pháp, thường thấy mọc chen trong đồng cỏ ở vùng quê hoặc hai bên đường.
H.20: Theo tài liệu thì trong số 2,048 tử sĩ chôn tại nghĩa trang này có 3 anh em ruột và 7 cặp anh em ruột. Thế mới biết trong thời chiến, các anh em trong cùng một gia đình rủ nhau tòng quân là chuyện thường. Cuộc chiến Việt Nam còn đau thương hơn vì có khi anh em lại ở hai phe đối nghịch.
Trong vùng Normandy còn có một nghĩa trang quân đội Canada khác nữa cách xa Juno Beach hơn 30km trong nội địa về phía đông nam của thành phố Caen. Đó là nghĩa trang Bretteville-sur-Laize, nơi chôn cất 2,800 quân nhân Canada tử trận trong tháng 7 và tháng 8 năm 1944 trên trục tiến quân từ Caen xuống Falaise.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin chọn và phỏng dịch bài thơ In Normandy When Breezes Blow của thi sĩ người Mỹ gốc Pháp Jean-Henri Sadot (đã được dùng làm lời cho một bản nhạc) sau đây.
Normandy Khi Gió Thoảng Qua
Normandy gió thoảng mơn man
Trên thánh giá trắng hàng qua hàng
Dường như gió biển thì thầm nhủ
Tử sĩ ơi! Ngủ giấc bình an.
 Chinh chiến qua rồi bao xuân xanh
Chúng tôi đứng đây chào các anh
Nghe hơi biển mặn qua hàng giậu
Normandy gió thoảng hanh hanh.
 Từ biển xanh lên tận miền cao
Cây vang tiếng dội trận lao xao
Âm ba gào thét thiêng gò cát
Tường lũy từng ngăn bọc chiến hào.
 Ðuốc tự do soi đường tiến lên
Xuyên qua sấm sét súng bom rền
Can trường dâng hiến dù sinh mạng
Ngọn cờ tổ quốc mãi không quên.
 Normandy vùng chiến trường xưa
Xuân về hoa táo nở bay đưa
Mong manh cánh rụng trên nền đất
Mảnh đất linh thiêng cùng nắng mưa.
 Mộ phần ấm cúng hoa điểm trang
Nền móng Tự do đã reo vang
Tiếc thương hòa quyện cùng hy vọng
Tri ân người chết cho vinh quang.
Phan Hạnh.
Tham khảo từ nhiều nguồn dữ kiện của Wikipedia và các trang mạng điện tử khác.
PH-HCA

Không có nhận xét nào: