Trọng Nghĩa Đăng ngày 13-11-2015 Sửa đổi ngày 13-11-2015 18:11
Đòi hỏi chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông.Nguồn : US defense department
Các Hội nghị Thượng đỉnh APEC và ASEAN chưa diễn ra, nhưng cuộc đọ sức Mỹ Trung trên vấn đề Biển Đông đã bắt đầu căng thẳng, với một bên là Trung Quốc muốn gạt bỏ hồ sơ này ra khỏi chương trình nghị sự các cuộc họp, trong lúc Hoa Kỳ thì quyết tâm nêu bật vấn đề này, nhân danh việc bảo vệ quyền tự do hàng hải.<!-->
Diễn biến mới nhất là lời xác định hôm qua 12/11/2015 của Nhà Trắng, theo đó các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ là một « vấn đề trọng tâm » khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp các lãnh đạo châu Á vào tuần tới.
Theo cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice vấn đề này sẽ được ông Obama đưa ra ở các Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Manila, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ ở Kuala Lumpur, cũng như ở các cuộc họp khác. Theo bà Rice : « Đây sẽ là đề tài trung tâm trong các cuộc thảo luận… »
Lời khẳng định trở lại lập trường từ phía Mỹ được đưa ra ít lâu sau khi Trung Quốc không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Philippines sẽ không thảo luận về những căng thẳng leo thang ở Biển Đông, một điều đã được phía nước chủ nhà Philippines xác nhận.
Trung Quốc có thể là đã thành công trong việc gây sức ép đối với Manila khi nêu bật mục tiêu thuần kinh tế của Diễn đàn APEC. Thế nhưng Trung Quốc không thể nào ngăn cản không cho lãnh đạo các thành viên APEC khác đề cập đến những quan ngại về tình hình Biển Đông, nhất là trong những cuộc họp song phương.
Hiện nay, Trung Quốc đang bị chỉ trích về các hành vi có tính chất bành trướng như yêu sách chủ quyền quá đáng trên Biển Đông, cố tính xây dựng đảo nhân tạo để áp đặt quyền kiểm soát thực tế, rốt ráo xây dựng trên những nơi đó và bị tình nghi là tạo cơ sở cho việc quân sự hóa khu vực, de doạ quyền tự do hàng hải, hàng không…
Tại Manila chẳng hạn, ông Obama sẽ có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Philippines Aquino. Trong chương trình thảo luận, dĩ nhiên là phải có vấn đề Biển Đông, một mối quan tâm chung của hai nước.
Ngoài các tuyên bố, nhân chuyến ghé thăm Philippines, Tổng thống Mỹ sẽ đến viếng một cơ sở hàng hải, nhằm nhấn mạnh quyết tâm của Mỹ là sẽ giúp Philippines tăng cường an ninh hàng hải. Washington và Manila hiện đang đàm phán về việc Mỹ chi viện thêm cho Philippines trong lãnh vực này.
Hồ sơ Biển Đông cũng sẽ nổi cộm lên sâu khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye đã quyết định nghe Philippines trình bày về một số tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông.
Vào hôm qua, bà Rice nhắc lại quan điểm của Mỹ theo đó các tranh chấp phải cần được giải quyết một cách hòa bình, và trong khuôn khổ luật pháp.
Không chỉ có thế, vấn đề Biển Đông được cho là sẽ được đề cập trong các cuộc gặp song phương của Tổng thống Mỹ với các lãnh đạo Canada, Úc, Malaysia.
Tóm lại, dù ở APEC hay ASEAN, Trung Quốc sẽ lại thất bại trong việc hạn chế không cho các nước khác đề cập đến vấn đề Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét