Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Người dân Trung Quốc thực sự khổ như thế nào?

Một cảnh hành hình ở Trung Quốc. (Ảnh: internet)
Một cảnh hành hình ở Trung Quốc. (Ảnh: internet)<!->
Tin Liên Quan
Đảng Cộng sản Trung Quốc – nguồn cơn gây ra nỗi thống khổ của nhân dân Trung Quốc
Trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đảng CSTQ) đã dùng nhân dân để thực hiện bạo lực cách mạng giành chính quyền. Nhưng sau khi nắm quyền lực, Đảng CSTQ lại dùng bạo lực để đàn áp, ép buộc chính nhân dân của mình, gây ra các đợt tàn sát, chết chóc lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Đặc biệt đàn áp và kiểm soát nhân dân không chỉ xuất hiện riêng trong một thời kỳ, mà có tính hệ thống, xuyên suốt trong tất cả các thời kỳ lãnh đạo của Đảng.
Coi thường tính mạng người dân
Giai đoạn lãnh đạo của Mao Trạch Đông là giai đoạn tàn khốc nhất với quy mô đàn áp và khống chế nhân dân khủng khiếp. Cuộc vận động chống cánh hữu năm 1957 của Mao Trạch Đông khiến 2 triệu người bị giam cầm. Kế hoạch “Đại nhảy vọt” từ năm 1958-1960 ép buộc nhân dân Trung Quốc thực hiện các chính sách kinh tế hoang tưởng như: “đạt sản lượng thóc lúa 75 tấn trên một héc ta”, “vượt trên Anh quốc trong 10 năm và Mỹ trong 15 năm” đã khiến khoảng 40 triệu người chết đói, chiếm gần 10% dân số. Sau đó, cuộc “Cách mạng văn hóa” từ năm 1966-1976 vì mục đích thanh trừng nội bộ, tẩy não nhân dân, kiểm soát tư tưởng đã khiến 10 triệu người bị giết và chết đói.
Giai đoạn lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình tuy đã hướng sang phát triển kinh tế thị trường, nhưng chỉ riêng sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989 đã khiến 10.000 thanh niên Trung Quốc bị giết hại và bị bắt giữ (theo CNN). Đồng thời Đảng CSTQ còn “xuất khẩu cách mạng” sang đất nước Campuchia khiến gần 2 triệu người bị chết dưới bàn tay chính quyền Khơ me Đỏ, trong đó có 200 ngàn người Hoa kiều. Từ năm 1970-1975, Khơ me Đỏ đã được chính quyền Trung Quốc cung cấp thiết bị vũ trang để giành chính quyền và truyền bá các lý thuyết “quyền lực chính trị lớn lên từ nòng súng”, “đấu tranh giai cấp”, “chuyên chính vô sản” vv…
Trong giai đoạn lãnh đạo của Giang Trạch Dân và về sau, sự tàn bạo thậm chí còn đến mức chưa từng có trong lịch sử. Quá trình bức hại Pháp Luân Công đã đẩy hơn 70 triệu người dân Trung Quốc là học viên Pháp Luân Công vào hoàn cảnh tối khổ, trong khi họ là những người dân lương thiện, sống theo tiêu chuẩn “Chân – Thiện – Nhẫn”. Cả hệ thống chính trị Trung Quốc đã tham gia vào cuộc bức hại với chính sách rất tàn nhẫn “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”. Chính quyền phong tỏa thông tin trên internet, bôi nhọ Pháp Luân Công trên các phương tiện truyền thông, phạt nặng các học viên, tịch thu tài sản cá nhân và đuổi việc cũng như sách nhiễu công việc làm ăn của họ. Các học viên bị bắt giam, hủy hoại thân thể bằng cách đánh đập tàn nhẫn, tra tấn, ngược đãi, và bị mổ lấy nội tạng khi họ vẫn còn sống. Công an được khuyến khích tra tấn các học viên bằng cách cho phép coi những cái chết do bị tra tấn là tự tử, thiêu xác mà không cần xác định danh tính, và mổ cướp nội tạng của họ để đem bán. Đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay khiến khoảng 2 triệu học viên ở Trung Quốc bị chính quyền đàn áp, giết hại, mổ cắp nội tạng, đồng thời biến nước này trở thành nơi xuất khẩu xác chết số một trên thế giới.
Trên đây chỉ là những vụ bức hại lớn, không kể đến Đảng CSTQ thường xuyên sử dụng bộ máy quân đội và an ninh gần 3 triệu người để trấn áp, đàn áp những người bất đồng chính kiến, các nhóm tôn giáo, dân tộc thiểu số, những người dân đòi quyền lợi cơ bản.
Dù kinh tế tăng trưởng nhưng người dân vẫn thống khổ
Thế giới từng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên về bản chất, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhờ khai thác tài nguyên vô tội vạ và bóc lột lao động giá rẻ của người dân. Do đó, người dân Trung Quốc đang phải gánh chịu 3 vấn nạn lớn nhất là: ô nhiễm môi trường, tiêu dùng các sản phẩm độc hại và chênh lệch giàu nghèo.
Với ô nhiễm môi trường, Trung Quốc nổi tiếng cả thế giới về mức độ ô nhiễm nước, không khí, đất đai. Theo kết quả nghiên cứu năm 2013, khoảng 9% lượng nước trong 10 lưu vực sông của Trung Quốc, được xếp ở cấp độ V, mức độ tồi tệ nhất. Trong gần 5.000 khu vực nước ngầm được theo dõi, hơn 60% là có chất lượng kém hoặc rất kém. Ô nhiễm và suy thoái đất đai khiến diện tích đất trồng trọt ở nhiều địa phương ngày càng giảm. Gần 300 triệu hecta đất, tương đương 30,7 % diện tích đất Trung Quốc, đang bị xói mòn. Ô nhiễm không khí là chủ đề được quan tâm trong thời gian gần đây tại Trung Quốc. Chỉ ba trong số 74 thành phố được theo dõi có chất lượng không khí đáp ứng tiêu chuẩn trong năm 2013. Năm 2005, các giáo sư thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Nam từng làm thực nghiệm với mẫu nước ở dòng sông này, kết quả sau đó khiến nhiều người cực kỳ sợ hãi. Họ lấy mẫu nước Hoàng Thạch Hà, làm loãng đi 10.000 lần sau đó thả những động vật, thực vật sống dưới nước vào. Nhưng tất cả chúng chỉ sống được không quá 24h.
Cá chết hàng loạt trong một hồ nước tại Vũ Hán, Hồ Bắc.
Cá chết hàng loạt trong một hồ nước tại Vũ Hán, Hồ Bắc.
Hậu quả tất nhiên với người dân không chỉ là khó khăn hơn trong cuộc sống mà sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thống kê cho thấy mỗi năm có 2 triệu người dân Trung Quốc mắc bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, để thỏa mãn tham vọng kinh tế, chính quyền Trung Quốc chủ trương tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá và xã hội mất đi các tiêu chuẩn đạo đức ước chế. Chính sách quản lý kinh tế lỏng lẻo và che dấu thông tin khiến cho các sản phẩm kém chất lượng, độc hại đầy rẫy trong xã hội Trung Quốc. Có thể coi Trung Quốc là “công xưởng của đồ giả”, khi hầu như mọi thứ đều có thể làm giả từ: gạo giả, thịt giả, muối giả, …Không chỉ phổ biến hàng giả, mà còn hàng độc hại như: sữa nhiễm độc, đậu phụ trộn hóa chất, mì thối, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, thực phẩm,… Theo thống kê từ năm 2003 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng có hàng chục vụ bê bối về an toàn thực phẩm (Xem thêm tại đây). Và người gánh chịu hậu quả là những người dân Trung Quốc, đặc biệt là dân nghèo.
Những bao nấm kim châm bốc mùi chua thiu sau khi được nhúng qua axit citric sẽ bảo quản được tới 1 năm. Điều này làm hạ giá thành sản phẩm. (Ảnh: whatsonxiamen.com)
Những bao nấm kim châm bốc mùi chua thiu sau khi được nhúng qua axit citric sẽ bảo quản được tới 1 năm. Điều này làm hạ giá thành sản phẩm. (Ảnh: whatsonxiamen.com)
Trong khi đó Trung Quốc là đất nước có chệnh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới, trái ngược hẳn với khẩu hiệu “công bằng xã hội” mà Đảng CSTQ đưa ra. Một báo cáo của Đại học Bắc Kinh công bố ngày 25/7/2014 đưa ra những con số báo động về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc. Dựa trên số liệu thu thập năm 2012, báo cáo cho biết 1% các gia đình giàu có nhất ở Trung Quốc hiện sở hữu tới hơn 1/3 giá trị tài sản của toàn bộ đất nước. Trong khi đó, tổng giá trị tài sản của 25% các gia đình nghèo nhất chỉ chiếm 1%.
Một gia đình ở khu ổ chuột thủ đô Bắc Kinh
Một gia đình ở khu ổ chuột thủ đô Bắc Kinh
Những người giàu tại Trung Quốc giờ đây mua vàng, sắm đồ xa xỉ, xe hơi đắt tiền và các biệt thự. Họ cũng sẵn sàng chấp nhận những mức giá cắt cổ cho các thú vui của bản thân, sẵn sàng chi tiền cho con cái ra nước ngoài du học. Nhiều nhà kinh doanh xe hơi phải choáng váng khi thấy giới nhà giàu thay xe như thay áo. Thế nhưng ngược lại, những người nghèo lại đang oằn lưng với gánh nặng nợ nần, học phí cho con cái và tiền tiết kiệm lúc về hưu. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2012, Trung Quốc có gần 100 triệu nông dân sống trong cảnh nghèo đói. Tại các tỉnh nghèo ở nước này, hàng ngày nhiều trẻ em phải mất hai đến ba tiếng để đi đến trường. Các chi phí y tế tại đây chiếm 60% mức thu nhập trung bình của người dân tại các vùng nông thôn, do vậy nhiều người dân đã không thể đi khám bệnh khi ốm đau. Theo một báo cáo năm 2013 của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 300 triệu người Trung Quốc có mức chi tiêu hàng ngày chỉ tương đương 1 USD hoặc thấp hơn.
Tại sao Đảng CSTQ lại ứng xử với người dân như vậy?
Phân tích các diễn biến lịch sử, có thể thấy 3 nguyên nhân mà Đảng CSTQ thường xuyên sử dụng bạo lực để đàn áp và khủng bố tinh thần người dân, đó là:
Thứ nhất, bạo lực là bản chất của chế độ, khai sinh từ trong hệ tư tưởng. Mục đích duy nhất của họ là để giữ quyền lực “chuyên chính”. Vì vậy Đảng CSTQ cần thống trị về tư tưởng người dân, cũng như kinh tế đất nước. Do đó họ sử dụng bạo lực là công cụ chính (bên cạnh công cụ tuyên truyền) để tiêu diệt các tư tưởng trái chiều và đe dọa tinh thần nhân dân, khiến người dân bị “cầm tù về tư tưởng”. Triết học của Đảng Cộng sản là “triết học đấu tranh”, và sự thống trị của Đảng Cộng sản đã được xây dựng trên cơ sở một chuỗi các cuộc “đấu tranh giai cấp”, “đấu tranh đường lối”, “đấu tranh tư tưởng”,… cả ở Trung quốc và đối với các nước khác. Hãy nhìn lại các phát biểu của lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc:
Mao Trạch Đông:
“Súng đẻ ra chính quyền.”
“Tần Thủy Hoàng đáng kể gì? Ông ta chỉ giết có 46 chục Nho sĩ. Còn chúng ta đã giết 46 ngàn thằng trí thức hủ nho ấy chứ. Có kẻ chửi chúng ta là độc tài thống trị, là Tần Thuỷ Hoàng thời nay. Chúng ta thừa nhận hết, rằng rất đúng sự thực. Nhưng chúng bay nói thế chưa đủ, chúng ta phải nói thêm rằng thực ra còn hơn thế.”
Đặng Tiểu Bình:
“Chúng ta sẽ giết 200 nghìn người để đổi lấy 20 năm ổn định.” (năm 1989)
“Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học.” (năm 1979)
Giang Trạch Dân:
“Đảng phải chiến thắng Pháp Luân Công.”
“Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng chúng ta cần bóp nghẹt những thứ dường như là sự khởi đầu của một xu hướng không lành mạnh.”
Thứ hai, Đảng CSTQ tham vọng và ảo tưởng về sức mạnh nhưng trình độ quản lý yếu kém, gây ra nền kinh tế lệch lạc và đói khổ cho người dân. Chiến dịch “Đại nhảy vọt” là tham vọng đến mờ mắt của Đảng CS Trung Quốc muốn thể hiện với thế giới. Vì vậy họ bất chấp sinh mạng của bao nhiêu người dân để tiến nhanh công nghiệp hóa với các mục tiêu, chính sách hoang đường. Thời Đặng Tiểu Bình với thuyết “mèo trắng, mèo đen miễn là bắt được chuột” đã cổ súy cho việc tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, dẫn đến các hậu quả lệch lạc của nền kinh tế và ngay cả chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc cũng còn không đáng tin.
Thứ ba, đặc trưng tôn sùng cá nhân của Đảng dẫn đến các quyết định độc đoán. Cách thức tổ chức và hoạt động của Đảng CS Trung Quốc đã tạo lên các nhân vật lãnh đạo cố gắng tạo dựng vị thế độc tôn, triệt hạ tất cả các ý kiến trái ngược trong nội bộ, tạo nên các “lãnh đạo kiệt xuất”. Từ đó các nhân vật này có thể ra các quyết định độc đoán, lấn án hệ thống quản lý đất nước. Vào thời đỉnh cao của sự sùng bái cá nhân, Mao Trạch Đông được tôn là người có bốn cái “vĩ đại”: Người thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại. Lý luận của Mao phải được sử dụng để quyết định cho mọi thứ và tư tưởng của một người phải được nhồi nhét vào đầu óc của hàng chục triệu người khác. Còn năm 1999, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng CSTQ do ông Giang Trạch Dân điều hành, tất cả sáu ủy viên thường vụ khác (trong tổng số bảy ủy viên) đều đã lập luận phản đối việc đàn áp Pháp Luân Công, nhưng ông Giang đã la hét, ép mọi người phải đồng ý với chủ trương đàn áp Pháp Luân Công của ông ta.

Không có nhận xét nào: