Trọng Nghĩa Đăng ngày 01-11-2015 Sửa đổi ngày 01-11-2015 15:45
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc - REUTERS /Yuri Gripas
Trên đường đi dự hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vào hôm nay, 01/11/2015 đã khẳng định như trên đồng thời nhận xét rằng tranh chấp Biển Đông đã khiến cho các khu vực nhận thức được tầm quan trọng của việc Mỹ hiện diện trong vùng.
Phát biểu với báo chí trên đường đến Hàn Quốc, chặng đầu tiên trong chuyến công du châu Á lần này để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ trong hai ngày 03-04/11, ông Ashton Carter cho biết là các cuộc thảo luận tại hội nghị ở Kuala Lumpur sẽ bao gồm những diễn biến gần đây trong khu vực Biển Đông, trong đó « đáng chú ý nhất là tốc độ chưa từng thấy trong năm qua của các hoạt động quân sự và nạo vét (Biển Đông) của Trung Quốc ».
Vào lúc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nổi cộm lên và thu hút sự chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhận thấy tình hình đó đã có tác dụng là « khiến cho nhiều nước trong khu vực muốn tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ ».
Hồ sơ Biển Đông quả thực là đang trở nên nóng bỏng sau khi Hải quân Mỹ, hôm 27/10 vừa qua, đã cho một chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường, với hai phi cơ do thám tháp tùng, đi tuần tra bên trong vùng 12 hải lý bao quanh một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Trung Quốc vừa bồi đắp, bên trên đang hoàn tất một phi đạo đủ sức cho chiến đấu cơ lên xuống.
Sau hải vụ được Mỹ gọi là tuần tra vì quyền tự do hàng hải đó và được đánh giá là thách thức quan trọng nhất của Washington đối với các đòi hỏi chủ quyền quá đáng và không tôn trọng luật pháp quốc tế của Bắc Kinh tại vùng quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã phản ứng tức tối và lên tiếng đe dọa rằng chiến tranh có thể bùng lên nếu Mỹ tiếp tục vi phạm vùng mà Bắc Kinh tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.
Hội nghị Kuala Lumpur sẽ vẫn dè dặt trên hồ sơ Biển Đông ?
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng là một cơ chế tập hợp Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước Đông Nam Á và 8 đối tác bao gồm Mỹ, Nga, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, họp định kỳ 2 năm một lần, và năm nay tại Malaysia.
Tình hình căng thẳng Biển Đông được cho là chắc chắn sẽ được bàn thảo, tuy nhiên một bản dự thảo văn kiện đúc kết hội nghị mà hãng tin Nhật Bản Kyodo đọc được hôm 29/10/2015 vừa qua đã giảm nhẹ tính chất hệ trọng của vấn đề này, thậm chí từ South China Sea – tên quốc tế của Biển Đông – không thấy xuất hiện trong văn kiện dài 4 trang đó.
Bản dự thảo của « Tuyên bố chung Kual Lumpur » chỉ « nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không tại các tuyến vận tải biển trọng yếu như được quy định trong các nguyên tắc của luật quốc tế được tất cả các nước công nhận, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét