"Họ mà thích cái gì là họ mua ngay", một nhân viên cửa hàng xa xỉ nói về những phụ nữ Trung Quốc đến Mỹ sinh con với giấc mơ có thẻ xanh, hoặc mong muốn cho thế hệ sau tương lai tốt hơn.
LA Times
Theo WSJ, phụ nữ Trung Quốc không phải những người nước ngoài duy nhất có mong muốn sinh con trên đất Mỹ, nhưng họ luôn chiếm số lượng đông đảo nhất. Những người này thường tới Mỹ theo thị thực du lịch và sẽ về nước vài tháng sau khi sinh con.
Tuy nhiên, trước khi rời đi cùng con, vốn bị giới phê bình gán cho cái tên "em bé mỏ neo" (ý chỉ gia đình lợi dụng những đứa bé như cái neo để trụ lại trên đất Mỹ) những phụ nữ này thường chi hàng nghìn USD tại các bệnh viện tư, trung tâm mua sắm và các khu apartment cao cấp. Hoạt động này, còn được gọi là du lịch sinh con, đang tạo ra một ngành kinh doanh "béo bở" tại nhiều khu vực ở Mỹ, trong đó có khu vực phía đông nam Los Angeles.
Hai phụ nữ mạng bụng bầu vừa nói tiếng Trung vừa bước ra khỏi gian hàng Fendi, một người đẩy một chiếc nôi trẻ em trông còn mới, bên trên chất đầy túi xách. Phía cuối một hành lang khu mua sắm, 7 phụ nữ mang thai ngồi nói chuyện bằng tiếng Trung trên một băng ghế, với nhiều túi mua sắm đặt dưới chân.
"Họ mà thích cái gì là họ mua ngay", Joanne Lee, một trong ba nhân viên bán hàng nói tiếng Trung tại cửa hàng thời trang xa xỉ Coach cho biết. "Họ mua nhiều món hàng một lúc".
Sự gia tăng số lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc với mục đích sinh con phần nào cho thấy tầng lớp khá giả mới tại nước này, đồng thời nó cũng phản ánh sự bất an trong một bộ phận dân cư đối với triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc.Một đứa trẻ sinh ra tại Mỹ sẽ tự động trở thành công dân Mỹ, và theo luật pháp liên bang, khi đứa trẻ đó đủ 21 tuổi, họ có thể bảo trợ cho các thành viên gia đình mình ở nước ngoài xin cấp thẻ xanh, thậm chí xin nhập tịch.
Trung tâm Nghiên cứu Di cư ước tính hàng năm có khoảng 40.000 phụ nữ tới Mỹ du lịch với mục đích sinh con, hầu hết từ Trung Quốc. Cơ quan này thường hỗ trợ việc kiềm chế loại hình du lịch này, và ủng hộ thắt chặt luật nhập cư nói chung.
Những người du lịch vì mục đích sinh con chiếm một phần trong số 2,2 triệu du khách Trung Quốc tới Mỹ trong năm ngoái, với tổng mức chi tiêu khoảng 24 tỷ USD, theo Bộ thương mại Mỹ. Du khách Trung Quốc nhìn chung là những người nước ngoài có mức chi tiêu bình quân đầu người cao nhất tại Mỹ. Trung bình mỗi khách Trung lưu lại tại Mỹ hai tuần, riêng người mang bầu thường lưu trú dài ngày hơn.
Mặc dù không có số liệu chính xác để đánh giá tác động đầy đủ, du lịch vì mục đích sinh nở đã để lại một dấu ấn rõ nét với kinh tế một số khu vực tại Mỹ những năm gần đây. Hồi tháng ba, các điều tra viên liên bang đột kích một số cơ sở kinh doanh tại Nam Cailifornia chuyên hỗ trợ loại hình du lịch này, với nghi ngờ vi phạm pháp luật, trong đó có gian lận và trốn thuế.
Cơ quan chức năng ước tính mỗi phụ nữ đã chi từ 40.000 - 80.000 USD cho những cơ sở này để mua dịch vụ, bao gồm lưu trú, di chuyển tới bệnh viện, và giúp họ xin hộ chiếu cho con sau khi chào đời.
Karthick Ramakrishnan, giáo sư chính sách công Đại học California, Riverside, ước tính những phụ nữ tham gia loại du lịch này mỗi năm chi khoảng một tỷ USD tại Mỹ. Con số này chưa tính các khoản chi tiêu bên ngoài, như mua sắm hay ăn uống. "Đó là những người giàu có, không muốn tới một bệnh viện hạng xoàng để sinh con", ông Ramakrishnan cho biết.
Dù một số cơ sở kinh doanh loại du lịch này đang đối mặt với việc bị khởi tố sau cuộc truy quét hồi tháng ba, những phụ nữ Trung Quốc, bác sĩ của họ cũng như bệnh viện nơi họ sinh con ít khả năng phải đối mặt với án phạt, cựu luật sư liên bang về nhập cư, Carl Shusterman, nhận định. Việc người nước ngoài là phụ nữ mang thai tới Mỹ và sinh con là hợp pháp, cho dù họ có thể bị xem như đã gian dối trước viên chức chính phủ Mỹ về mục đích xin thị thực nhập cảnh.
Tại thành phố Irvine một tối gần đây, khoảng một chục bà bầu Trung Quốc đi lại tại bãi đậu xe của một khu dân cư mang phong cách khu nghỉ dưỡng. Hầu hết họ đều từ chối trả lời phỏng vấn, nhưng một người có tên Wasie Su cho biết bà đến Mỹ để sinh con với thị thực du lịch được nhập cảnh nhiều lần. Bà dự kiến sẽ sinh con gái vào ngày 20/11, và khẳng định làm vậy vì tương lai của con mình, chứ không phải vì muốn bản thân được nhập tịch Mỹ.
"Số tiền và thời gian bỏ ra hoàn toàn xứng đáng để trao cho con gái tôi những lựa chọn tốt hơn", bà Su nói. "Tôi có gia đình, bạn bè và công việc" tại Trung Quốc. "Tôi không mong có được thẻ xanh từ con mình".
Mùa hè vừa qua, Donald Trump, một trong những ứng viên của đảng Cộng hòa, cho rằng Mỹ cần xem lại chính sách cấp quốc tịch khi hiện tượng "em bé mỏ neo" ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, một bước đi như vậy có thể đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp.
Khác với những phụ nữ nghèo thường không có bảo hiểm, hầu hết phụ nữ Trung Quốc sinh con tại bệnh viện tư. Một bệnh viện có tên Newport Beach Hoag còn mở "dịch vụ thai sản", trong đó, nếu không có rắc rối phát sinh, một ca sinh thường có giá 7.500 USD, một ca sinh mổ có giá 10.750 USD. Đây đều là những mức giá cao hơn nhiều so với số tiền bảo hiểm y tế phải trả cho những người Mỹ có bảo hiểm.
Khi được hỏi về những du khách Trung Quốc tới sinh con, Hoag khẳng định họ chăm sóc y tế cho bất kỳ ai cần đến mình. "Ưu tiên duy nhất của chúng tôi là chăm sóc tốt nhất cho những ai có nhu cầu", bệnh viện này khẳng định.
Cho dù các người mẹ Trung Quốc tương lai được các trung tâm mua sắm và cơ sở kinh doanh chào đón, một số người khác tại khu quận Cam lại tỏ ý phản đối.
"Việc này khiến tôi thấy phiền lòng bởi cháu tôi sẽ phải cạnh tranh với con của những phụ nữ này để vào đại học", John Michael, một bác sĩ về hưu tại Irvine nói. "Gia đình tôi nộp thuế suốt bao lâu nay, còn họ chỉ là những người vãng lai sắp chen vào cuộc sống của chúng tôi".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét