Sáng thứ Năm vừa rồi dậy sớm lái xe đi làm ở vùng Monterey, tôi hí hửng lắm. Tối thứ Tư đã thảy cái thùng đựng nước đá (ice chest) lên xe, tôi "chuẩn bị tinh thần" cho buổi nhậu có mồi lạ lạ là món mực tươi nướng than, chiều thứ Sáu đãi bạn. Tôi đã “quảng cáo” trước nên mấy lão bạn thơ văn này hăng hái háo hức. Bạn ở Sacto đều biết tôi chơi với mấy ông ngư phủ ở Monterey, thường xuyên có những món mồi đồ biển tươi, ngon lành lạ miệng. Hồi đầu năm tôi đã khao bạn xập xám món cua rang me, ai nấy ăn ná thở, khen nức nở : “Quá chiến đấu!”<!->
Tôi cũng định bụng là về nhà sẽ “hú” ông bạn già một tiếng, tặng ổng vài ký mực tươi để ổng ăn có thêm calories, đi gym nở nang cơ bắp. Ăn đồ biển không sợ sưng chân vì bệnh gout. Hơn nữa, giúp vợ chồng ổng bả làm lành khi hai người giận nhau. Ông này từng than là khi giận nhau thì bà nấu riêng, ông nấu riêng. Ổng mà trổ tài làm món mực nướng than do tôi truyền nghề thì dù có đang giận cách chi vợ ổng cũng sẽ bỏ nấu riêng nhào vô ăn chung với ổng. Vợ chồng vui vẻ!
Và tôi cũng “hoang tưởng” nghĩ nếu mà gặp được vợ chồng cô bạn đang “du lịch” Cali thì sẽ mời họ ghé Sacto xơi thử món mực nướng than tự nướng tự ăn do tôi đạo diễn. Đi Cali mà chưa thưởng thức món mực tươi Monterey nướng than là xem như chưa từng biết Cali!
Bây giờ đang là mùa mực ở Cali. Đại khái, tàu mực ra biển ban đêm, chĩa đèn sáng trưng xuống nước dụ dỗ rồi vây lưới lùa mực vào. Sau khi kéo lưới gom lại thì thả ống hút bự xuống ngay giữa, máy hút mực lên hầm tàu. Đến gần sáng, hoặc sau khi đã "hút đủ đô" thì vào bờ cân bán thẳng cho vựa. Sau khi cân, làm giấy tờ thì mỗi ngư phủ có quyền xách một thùng (cỡ 5 gallons, vài chục pounds) đem về “ăn”. Đó là nói theo luật chứ chẳng có anh hậu duệ Lạc Long Quân nào hoặc gia đình nào ăn một ngày hết một thùng mực 5 gallons, ăn suốt mùa mực. Luật chỉ là luật để chính quyền kiểm sóat hải sản thế thôi. Ngư phủ Việt Nam sau mỗi chuyến ra biển thường xách mực về để cho, để tặng bạn bè không làm nghề biển. Hồi năm 94, 95, một ông bạn của tôi nhờ liên tục khệ nệ biếu xén khi thì cá khi thì cua khi thì mực cho một gia đình HO mới qua vậy mà đã làm cho gia đình này cảm động, gả luôn con gái cho ổng.
Tàu lớn một đêm "hút" có khi cả trăm tấn, tàu nhỏ thì 40, 60, 80 -- tùy theo cỡ. Vùng Monterey có khỏang chục chiếc tàu mực đậu ở vài bến khác nhau, đa số chủ tàu gốc người Ý. Bạn làm nghề biển của tôi có mấy ông là thủy thủ của những tàu này, một ông là chủ tàu lọai nhỏ. Ông nào cũng rất hào sảng hiếu khách. Mỗi lần tôi ghé bãi, chỉ cần đưa cái ice chest có bánh xe cho mấy ổng đẩy đi thì một lát sau sẽ có một cái ice chest đầy nhóc mực tươi rói kéo về. Khiêng lên xe có mấy ổng khiêng dùm cũng đỡ. Về đến nhà khiêng xuống xe mới là “chiện” lớn, nặng thấy tổ!
Làm xong việc khỏang gần 10 giờ, tôi ghé chợ xách 2 thùng 24 chai làm quà rồi chạy thẳng ra bến Moss Landing. Định bụng làm bạn ngạc nhiên nên chẳng gọi báo tin cho ông nào.
Đến nơi, người ngạc nhiên là tôi. Cả ba bốn cái tàu mực “trú” ở đây đều nằm bờ. Chỗ vựa thu mua vắng tanh. Bình thường, giờ này đang là giờ "cao điểm", tàu mực đang xuống hàng, mấy ông bạn ngư phủ của tôi lẽ ra đang lu bu.
Vậy mà hôm nay ở bến chẳng có mống nào.
Tôi móc điện thọai gọi cho một ông. Ông bạn này nhận ra giọng, hỏi ngay:
- Ông đang ở đâu vậy? Đi làm dưới đây bữa nay hả ?
- Ừ. Ở bãi. Ông ở đâu tui không thấy?
- Ở nhà chớ ở đâu? Ông xuống hồi nào?
- Hồi sáng. Nhưng mà hôm nay không đi biển à ?
- Đi khỉ khô gì. Có con ma nào đâu mà đi? Tui với mấy thằng kia mới đi Starbucks về, tụi nó còn đang ở đây nè. Bả đang nấu bún cá ngừ. Ông ghé ăn luôn.
Chỉ có vậy. Tôi “Ừ” ngay. Đối với bất cứ một anh gốc Quảng Nôm đang đói bụng nào, món bún cá ngừ nấu thơm/khóm có sức lôi kéo mãnh liệt hơn cả một cô gái đẹp. Tôi phóng thẳng một mạch tới nhà bạn.
Vừa đậu xe, mở cửa bước ra đã nghe tiếng nhạc um sùm. Trời đất ơi, sáng thứ Năm, mới mười một giờ trưa mà mấy chàng này đã chơi karaoke!
Sau khi niềm nở giúp tôi khiêng 2 thùng bia vào nhà, bạn lôi tôi ra cái garage đã được sửa lại thành phòng nhậu kiêm “phòng trà” ca hát. Bá quan văn võ tàu mực tôi quen đã có mặt, ngài nào trên tay cũng 1 chai, trừ cái ngài đang cầm microphone rên rỉ “Trên dốc đá … á á á á á … tui tình cờ quen nàng …”
Một ông bạn trẻ giải thích: “Không đi biển, ở nhà buồn buồn, sẵn còn con cá ngừ em xách qua cho chị Bảy nấu bún.”
Tôi chẳng lạ gì với thói quen “buồn buồn” của mấy ông bạn làm nghề biển ở đây. Nhiều năm rồi, thỉnh thỏang đi làm vùng Monterey tôi vẫn có dịp được nhập vào những lúc mấy ổng “buồn buồn” như thế. Có lúc nhập ở nhà mấy ông có vợ con, có nhà; có khi nhập ngay trên tàu mấy ông trẻ trẻ độc thân sống trên tàu.
Ở Việt Nam, nghề biển, hay làm ngư phủ, thường là nghề “cha truyền con nối”. Dân làm nghề biển thường sống thành xóm, thành làng, quây quần nương tựa. Ở Mỹ nghề này trở thành nghề “Cha không muốn truyền mà con cũng chẳng muốn nối”. Ngư phủ Việt Nam ở Mỹ qua một thế hệ là chấm dứt. Người nối tiếp ít khi là con cháu của người đi trước. Câu nói “Làm nghề biển cực lắm, khổ lắm” là câu tôi vẫn thường nghe mấy ông bạn này than thở.
Và ngư phủ ở Việt Nam ít “buồn buồn” hơn ở Cali. . Ở Việt Nam không ra biển thì có khối chỗ để loanh quanh hàng xóm láng giềng quán xá. Ở Mỹ đi đâu?
Như đã nói, làm tàu mực là nghề làm ban đêm. Chiều ra biển, đánh đêm; sáng sớm vô bờ. Năm nay hiện tượng El Nino lại xuất hiện, nước biển Cali ấm hơn bình thường rất nhiều làm thay đổi vùng sinh sống và nơi di chuyển kiếm ăn của các lòai tôm cá. Bình thường, mọi năm mực kéo về vùng biển Cali, đem nguồn lợi ích kinh tế 7, 8 chục triệu với thu họach trên trăm ngàn tấn. Năm nay mực “né” luồng nước ấm, chạy lên hướng Bắc. Mùa mực Cali mấy tháng nay coi như tiêu tùng. Như lời ông bạn tôi nói: “Chẳng có con ma nào!”
Những ngày biển động, tàu cá tàu mực tàu cua gì đều không ra biển được. Mấy ông bạn của tôi hay “buồn buồn”. Mấy tháng mùa mực “không có con ma nào”, một số bạn đi tàu mực đã chuyển qua đi tàu cá bắt cá ngừ, cá mòi, cá mú; hoặc chuyển (tạm) qua nghề khác. Hôm nay mấy ông không đi đâu kéo nhau “buồn buồn”. Bình thường, ông nào buồn buồn siêng thì xách ghe xách
xuồng đem cần câu ra ven bờ kiếm cá tươi về kêu bạn bè tới nhậu, làm biếng thì nhà nào cũng có tủ đá đầy nhóc đồ biển, lôi ra xả đá làm liền.
“Nhậu” là nói cho oai. Thực ra chỉ là cái cớ để bạn bè tụ lại ăn uống chuyện trò, karaoke. Nói cho ngay thì cái vụ karaoke cũng có lý. Khi tụ lại ẹo ẹo làm ca sĩ thì các bà ít còn thì giờ để nói xấu người khác, và các ông thì cũng bớt nói chuyện chính trị, bớt gây gổ. Có nhìn mấy ông mấy bà 6, 7 chục tuổi, cháu nội cháu ngọai đùm đìa, đứng ẹo ẹo (hoặc xỉn xỉn) ôm microphone “Đời tôi cô đơn …” thì mới thấy được sức lôi cuốn của giấc mơ làm ca sĩ mạnh mẽ như thế nào.
Thứ Năm là ngày trong tuần, vợ đi làm, con đi học, hoặc vợ giữ cháu mà cháu cũng đi học luôn. Mấy ông bạn tôi càng buồn buồn bạo, rủ nhau tụ lại.
Dĩ nhiên đàn ông tụ lại ăn uống ít ai chịu khổ uống nước lạnh. Tệ chi cũng vài chai.
Chị Bảy vợ của ông bạn tôi nấu bún cá ngừ thiệt là hết sẩy. Nồi cá sôi sùng sục, cả chục trái ớt đỏ lềnh bềnh ẻo lả, mấy miếng thơm vàng ửng rung rinh lắc lư khiêu vũ trên mặt nước, nhìn đủ sa nước miếng.
Tôi làm 1 tô bự, kèm thêm 2 lát cá to chình ình, no kềnh cả bụng, cay hít hà, quá đã! Chị Bảy thấy tôi ăn tận tình, thỏai mái bưng tô húp rột rột thì rất hài lòng, bước đến giọng Quảng Nôm chính hiệu: “Chú lòm thêm tô nữa hỉ ?”
Tôi chẳng dám. “Lòm thêm tô nữa” xong thì thay vì vào garage buồn buồn với bạn, tôi sẽ lết ra ghế sofa khò thẳng cẳng.
Viện cớ bụng no không còn chỗ chứa nên tôi từ chối chai bia ông bạn đưa qua, cầm ly cà phê phì phèo nói chuyện với mấy ông không đang giành nhau cái microphone “Em ơi em ơi … thà đừng quen nhau thà đừng …”
Bạn tôi đủ mọi thành phần, tôi quí họ như nhau. Chơi với bạn tôi lợi đủ điều, luôn luôn học được những chuyện hay lạ không có trong sách vở. Mấy ông bạn ngư phủ thì “chân truyền” cho tôi rất nhiều kiến thức về biển, về nghề biển – lại còn sợ tôi học không thông nên lúc nào cũng sẵn sàng cho cá cho cua để tôi “ăn học”.
Đúng, bạn tôi đủ mọi thành phần, nhưng chơi với bạn làm nghề biển tôi có cá có cua ăn dài dài. Chơi với bạn xập xám gặp lúc bài hên tôi ăn tiền . Còn chơi với mấy ông bạn thơ văn thì chỉ có ăn … mây, ăn ... gió!
Chuyện trò rôm rả, thỏai mái từng trận cười ha hả đến chiều tôi mới từ giã bạn, đi về. Trước đó, bạn đã lôi ice chest của tôi vào nhà, mở cái freezer bự chình chình trong garage chất cho tôi đầy nhóc cá mú, cá nục, cá trắng … Ông còn “dzọng” thêm một câu: “Nè, đem về ăn đi. Ông ăn bớt dùm tui chớ không thôi tui không có chỗ để. Ông xuống tui mừng lắm, dọn được cái tủ sạch trơn.”
Ông bạn trẻ “Em ơi, em ơi thà đừng …” là hàng xóm ở gần đó cũng về nhà xách qua cho tôi một bao cá ngộ đã làm sẵn; còn dặn dò: “Cái này em làm sạch hết rồi, nhiều lắm. Anh đem về ăn dần. Bữa mô mưa mưa biểu bả ướp muối sả cay cay, chiên ăn hết biết!”
Câu nói quá chân tình!
Trên đường lái xe về, tôi điện thọai cho mấy ông bạn ở Sacto báo “tin buồn” không có mực tươi. Mấy ổng nản chí anh hùng, nói lẫy: “Vậy thôi khỏi đến nhà ông nữa!”
Đúng là đám bạn già thơ văn ham ăn mực nướng, không tình không nghĩa!
Nguyễn Thượng Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét