(VOA) Cựu Thủ Tướng Đức Helmut Schmidt là một trong những người khai sinh ra đồng Euro, nhưng có lẽ được nhớ đến nhiều nhất nhờ chủ trương cứng rắn chống lại tổ chức du kích Đạo Quân Đỏ RAF, thủ phạm những vụ bắt cóc và giết người gây khủng bố cả nước trên 3 thập niên.
<!->
Ông Schmidt qua đời hôm thứ Ba (10/11/2015, thọ 96 tuổi) là vị Thủ Tướng thứ nhì của Tây Đức thuộc đảng Dân chủ Xã hội trung tả, phục vụ từ năm 1974 đến năm 1982, vào cao điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh. Được nhiều người yêu mến trong tư cách một chính khách lão thành hơn là trong chức vụ Thủ Tướng, vào cuối đời, ông đã trở thành vị khách được mời thường xuyên trong các chương trình hội thoại truyền hình, đưa ra ý kiến về các vấn đề thế giới qua một làn khói thuốc lá dầy đặc. Tuy nhiên, năm nay, ông đã gây kinh ngạc cho dân chúng Đức khi thừa nhận rằng ông đã có quan hệ ngoài hôn nhân mấy chục năm trước.
Khi làm Thủ Tướng, ông Schmidt đã trải rộng ảnh hưởng của Tây Đức trong Khối Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và Âu Châu, khi ông quân bình quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ bằng một số cử chỉ hòa giải đối với Đông Đức Cộng sản.
Trước đó, khi làm Bộ Trưởng Tài Chánh, ông Schmidt đã lèo lái Tây Đức qua một loạt các vụ khủng hoảng tiền tệ thế giới do một đồng Mỹ kim suy yếu và một vụ bùng nổ giá dầu lần đầu tiên. Ông trở thành Thủ Tướng, sau khi ông Willy Brandt từ chức vì một viên phụ tá thân cận bị lột mặt nạ làm gián điệp cho Cộng sản Đông Đức.
Dưới thời ông Schmidt, Tây Đức tiếp tục thụ hưởng “phép lạ kinh tế” và gặt hái các phần thưởng của việc tái thiết một nền kinh tế bị cuộc Ðệ nhị Thế chiến làm tan nát. Tuy nhiên, tình hình trở nên xấu đi trong thời gian ông Schmidt tại chức, khi ông tìm cách cắt giảm bớt những phúc lợi an sinh xã hội.
Nhiều người sẽ nhớ ông nhất về cách thức ông giải quyết nhóm du kích cánh tả hoạt động ở thành thị có tên là Phe Đạo quân Đỏ RAF hay Baader-Meinhof Gang. Vụ tấn công của nhóm này vào các cơ sở chính trị và kinh doanh lên đến cao điểm vào năm 1977, khi người đứng đầu Liên đoàn Công nhân Hanns-Martin Schleyer bị bắt cóc và giữ làm con tin trong mưu toan đòi phóng thích nhiều thành viên của RAF ra khỏi nhà tù.
Trong một hành động có phối hợp, các phần tử chủ chiến Palestine đã cưỡng chiếm một máy bay phản lực chở khách của hãng Lufthansa bay đến Frankfurt.
Theo lệnh của ông Schmidt, cảnh sát biệt kích Đức đã xông lên máy bay đang đậu ngoài phi đạo ở Mogadhishu (Somalia) và giải thoát cho các con tin. 3 trong số các du kích quân bị tù đã chết đêm đó dường như là do tự sát.
Việc ông Schmidt từ chối không khuất phục trước các yêu sách của nhóm này đã được đón mừng một cách say sưa trong nước và đánh dấu một bước ngoặt trong chiến dịch chống RAF.
Vụ tấn công của Đức ở Mogadishu đã củng cố thanh danh của ông Schmidt như một nhà lãnh đạo kiên quyết và cứng rắn và tăng cường vị thế của nước Đức trên trường quốc tế.
Năm 1979, Bonn được cả thé giới thừa nhận là một cường quốc kinh tế, khi ông Schmidt được mời tham dự một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Pháp và Anh.
Những năm tại chức của ông cũng chứng kiến các bước đầu hướng tới việc khai sinh một chỉ tệ duy nhất cho Âu Châu với sự thành lập Hệ thống Tiền tệ Âu châu (EMS) vào năm 1979, một sáng kiến của ông Schmidt và Tổng Thống Pháp khi đó là ông Valery Giscard d’Estaing. EMS, liên kết các chỉ tệ Âu châu lần đầu tiên, là tiền thân của đồng Euro.
Ông Schmidt sinh ở thành phố cảng Hamburg miền Bắc vào ngày 23 tháng 12 năm 1918, là con của hai giáo viên. Ông đã tham chiến ở cả hai mặt trận Đông và Tây trong Ðệ nhị Thế chiến, lên đến cấp Trung tá. Ông đã bị người Anh bắt làm tù binh trong một thời gian ngắn.
Vào đầu thập niên 1980, Thủ Tướng Do Thái Menachem Begin công kích thành tích chiến tranh của ông Schmidt, cáo buộc ông là chưa hề tách ra khỏi sự trung thành với Adolf Hitler. Nhưng các kinh nghiệm binh sĩ tiền tuyến của ông Schmidt đã khiến ông tin tưởng vào tầm quan trọng của việc hòa nhập Âu Châu vì hòa bình, và vào một liên minh vững mạnh với Hoa Kỳ để đối diện với mối đe dọa Chiến tranh Lạnh từ phía Liên bang Sô viết.
Ông đã chật vật phải giữ thế quân bình tế nhị giữa “Ostpolitik” do người tiền nhiệm là ông Brandt thiết lập, đã có giọng điệu hòa giải với Mạc Tư Khoa, và tìm cách tăng cường vị thế của nước Đức ở phương Tây.
Ông Schmidt khuyến khích giao thương nhiều hơn với khối Sô viết và yêu cầu Hoa Thịnh Ðốn và Mạc Tư Khoa duy trì một cuộc đối thoại, sau khi Nga xâm lăng A Phú Hãn năm 1979.
Nhưng ông nhìn thấy mối nguy hiểm trong việc Mạc Tư Khoa bố trí các phi đạn nguyên tử tầm trung SS-20 và hối thúc các nước đồng minh NATO đồng ý về những biện pháp trả đũa. Cuối cùng, ông ủng hộ quyết định năm 1979 của NATO bố trí các phi đạn Cruise và Pershing-2 ở Âu Châu, nếu Mạc Tư Khoa không chịu gỡ bỏ các phi đạn SS-20.
Tuy nhiên, với tình cảm chống phi đạn gia tăng trong nước, đảng Dân chủ Xã hội của chính ông cuối cùng lại quay ra chống lại kế hoạch vừa kể. Vào lúc những phi đang Pershing đầu tiên được bố trí hồi tháng 12 năm 1983, ông Schmidt đã bị các đối tác trong Liên minh Tự do Dân chủ (FDP) của ông bỏ rơi và không còn làm Thủ Tướng nữa.
Vào lúc lìa đời, ông Schmidt là nhà xuất bản tuần báo lớn nhất của Đức là tờ Die Zeit, và còn giữ lại đôi chút ảnh hưởng trong đảng Dân chủ Xã hội. Ông tích cực ủng hộ người đồng chí trong đảng là ông Peer Steinbrueck ra tranh chức với Thủ Tướng Angela Merkel vào năm 2013.
Ông Schmidt kết hôn với người yêu thuở thiếu thời là Loki trong một cuộc hôn nhân kéo dài 68 năm và hai người có một người con trai chết lúc còn nhỏ và sau đó một người con gái là Susanne. Bà Loki mất vào năm 2010.
Ông thường công khai bày tỏ tình yêu với vợ, nhưng trong một cuốn sách ra hồi tháng Ba năm 2014, đã tiết lộ là từng có một người tình cách đây nhiều thập niên. Vào cuối thập niên 1960 hay đầu thập niên 1970, bà Loki đã đề nghị ly thân vì vụ này, nhưng ông bác bỏ ý kiến là “vô lý”.
Là một nhạc sĩ dương cầm cổ điển có tài, ông Schmidt đã thu âm nhiều tác phẩm của Bach và Mozart với nhạc trưởng và dương cầm thủ Christoph Eschenbach, kể cả một CD năm 2008 đánh dấu sinh nhật thứ 90 của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét