Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Biên Hòa Quê Tôi - Đỗ Công Luận


Tôi sinh ra ở Biên Hòa, vùng đất được gọi là địa linh nhân kiệt. Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên, chảy qua đồi núi gập ghềnh đến thác Trị An. Từ đây sông chảy về đồng bằng, uốn lượn qua thành phố Biên Hòa để xuôi ra biển.Tả hữu dòng sông có hai ngọn núi Bửu Long, Châu Thới với tư thế  RỒNG CHẦU HỔ PHỤC.<!->

Theo dòng lịch sử, hơn 300 năm trước, vào năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược vùng đất mới khai phá, lập ra dinh Trấn Biên. Khoảng năm 1701 ông thống lĩnh binh sĩ đi dẹp loạn Man Di ở vùng Phước Long, Mô Xoài, ở thượng nguồn Sông Bé. Trên một gò đất cao ở Cù Lao Phố, một ngày trời quang mây tạnh, ông làm lễ xuất quân. Bỗng có một bà đồng bóng, gọi là cô Bóng Hiên lên đồng ngăn cản. "Đừng đi sẽ nguy hiểm đến tánh mạng". Vì trung quân ái quốc, ông tuốt gươm chém cô bóng và ra lệnh tiến binh theo dòng Đồng Nai về hướng thượng nguồn. Đến nơi bị trúng tên độc của kẻ thù phải vong mạng. Thi hài ông được đưa về quàn tại gò đất nơi làm lễ xuất binh, trước khi được đưa về an táng ở quê hương Quảng Bình. Nơi gò đất cao đó, sau này dân làng lập ra đình Bình Kính để thờ tự ông với ngôi mộ gió. Hướng bên kia sông, gần Thanh Lương Cổ Tự, dân làng Mỹ Khánh lập ra ngôi miếu thờ cô bóng Hiên. 

Trước đó, năm 1679, hai bại tướng nhà Minh, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch không thần phục nhà Thanh, được Chúa Nguyễn cho vào lánh nạn ở vùng đất Biên Hoà, lập ra Nông nại Đại phố, một thương điếm nổi danh, trên bến dưới thuyền, trước khi phải nhường ngôi cho Sài Gòn Bến Nghé. Đức Ông Trần Thượng Xuyên mất năm 1720. Để ghi nhớ công lao của Đức Ông, dân chúng lập ra ngôi đình để thờ tự, gọi là đình Tân Lân hướng ra dòng Đồng Nai hiền hoà. Hàng năm, vào ngày 23-10 âm lịch, dân chúng làm lễ kỳ yên để nhớ tiền nhân. 

Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, cũng theo sông Đồng Nai tiến đánh Biên Hoà. Danh tướng Nguyễn Tri Phương vâng lệnh vua Tự Đức về lập đồn lũy để chống giữ vùng đất Biên Hoà. Nơi tiếp giáp rạch Thủ Huồng, địa chủ Võ Thủ Hoằng với truyền thuyết về Nhà Bè và sông Đồng Nai, có bãi đá ngầm. Theo các bô lão, đó là kỳ công của tướng Nguyễn Tri Phương cho ghe đổ đá để ngăn tàu giặc Pháp, vì ở giữa dòng sông đã có bãi đá hàn. 

Ở làng Mỹ Khánh cổ kính còn có bà Nguyễn Thị Tồn, vợ hiền của thi nhân Bùi Hữu Nghĩa, dùng ghe bầu vượt biển ra kinh thành, đánh trống tam toà, kêu oan cho chồng và được Từ Dụ Hoàng Thái Hậu phong tặng bốn chữ  LIỆT PHỤ KHẢ GIA. 
Bên kia sông, có Cù Lao Phố, nằm giữa sông Đồng Nai và sông Cái, còn có Đại Giác Cổ Tự, Hoàng Ân Cổ Tự. Lúc vua Gia Long và hoàng gia bôn tẩu đã lánh nạn nơi này. Sau khi lên ngôi báu, vua đầu triều Nguyễn đã ban tặng bức trướng để ghi nhớ công đức. 

Núi Châu Thới , còn có tên là Cố Phi San, do độc trại chữ coffee, vì người Pháp đã có trồng thử nghiệm cây cà phê trên đó. Tương truyền, vùng đất từ đồi Dù, chùa Hội Sơn, đến đồi bác sĩ Tín, làng Cao Thái qua Tam Bản Kiều (cầu bắc bằng ba tấm ván), vòng sau núi Châu Thới, đó là chiến trường nơi giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Triều. Về sau, có những đêm khuya, người dân nghe tiếng ngựa hí quân reo. Nơi đó gần những bãi tập của trường bộ binh Thủ Đức. 

Khi thực dân Pháp chiếm giữ Biên Hoà, đã lập ra doanh trại để binh lính trấn giữ gọi là thành Sơn Đá (Soldat). Vết tích còn lại chỉ là một mảng tường nằm gần địa danh nổi tiếng Ngã Ba Thành - Dốc Sỏi. Gần đó có Bửu Hưng Tự, dân gian gọi là chùa Cô Hồn, nơi bí mật thờ tự những anh linh nghĩa sĩ bị người Pháp giết hại vì đã chống lại "Đại mẫu quốc Pháp". Ngược lại, cách đó không đầy một cây số, hướng mặt trời mọc, người Pháp lại dựng lên một nơi là Đài Kỷ Niệm, để tưởng niệm những người Việt Nam đi lính cho Pháp và hi sinh ở mẫu quốc Pháp trong thế chiến thứ nhất.

Tôi sinh năm 1951. Khi chưa tròn 1 tuổi, năm 1952 xảy ra trận bão lụt năm Thìn. Mẹ tôi kể lại, năm đó nước lũ ngập hết chợ Biên Hoà, đến tận trường tiểu học Nguyễn Du. Hướng Chợ Đồn Tân Vạn, chỉ có từ Ngã Tư Chợ Đồn kéo dài đến dốc Chú Hoả, là vùng đất cao, nước không ngập tới, người dân đến đó để lánh nạn. Hướng cầu Gành, nước cuộn qua bãi đá hàn. Trận lũ lịch sử đã qua gần 60 năm.

Năm 1955, bà nội tôi mất. Ngày đưa tang, tôi mặc đồ tang trắng bằng vải mùng, ngồi trên xe nhà Vàng, vì tôi là đích tôn. Ba tôi kể lại. Hồi đó nhà nội nghèo, để đưa tiễn nội về quê mẹ ở xã Tân Hạnh, ba tôi và các cô chú chỉ đặt xe nhà Vàng hạng ba của trại hòm Mai Phùng Xuân. Khi đó, có một ông nhà giàu ở gần đó cũng cần đưa tang về xã Tân Ba, Tân Uyên, sau đám của nội tôi, bằng xe hạng nhất. Ông chủ trại hòm nói,
- Để tiện đường đi , tôi sẽ cho bà đi xe hạng nhất nhưng chỉ tính tiền hạng ba. 
Ba tôi nói, ai cũng có phần số.

Năm 1957, tôi bắt đầu vào học lớp năm. Năm năm tiểu học, đó cũng là khoảng thời gian thanh bình của đất nước. Năm 1958, xã tôi cho di dời ngôi chợ cũ về ngay chỗ hiện tại, gần ngã tư Chợ Đồn, gần trụ sở xã. Chợ được xây dựng trên nền đồn của lính đạo Cao Đài ở địa phương. Lúc đó hè năm lớp năm, chợ đang xây dựng. Ham chơi, tôi chạy qua chợ để nô đùa với lũ bạn. Bị mẹ la rầy, sợ quá, tôi chạy trốn lên trường học. Một lúc sau nhìn về hướng nhà, hướng chợ, sao thấy người ta bu đông nghẹt quá. Tôi chạy về, mới hiểu. Em gái kế tôi, 4 tuổi, thấy mẹ qua chợ, chạy theo sau, bị xe tải quẹt ngã cán chết. Cả gia đình, ba má, các chị kêu la thảm thiết. Nỗi buồn thứ hai. Năm năm học tiểu học trường làng rồi cũng trôi qua. 

Bạn bè tôi người còn người mất, đã lên chức ông chức bà. Từ ngôi trường đó 4 đứa con tôi tiếp tục theo học. Năm nay, đứa cháu ngoại đầu lòng cũng sẽ học ở đó. Nhưng ở một ngôi trường mới hơn, khuôn viên rộng rãi hơn, cao 3 tầng. Phía sau trường là ngôi nhà nơi sinh ra anh Trần Văn Ơn, người học sinh Petrus-Ký, bị bắn chết ngày 9-1-1950 sau một cuộc biểu tình của sinh viên học sinh ở Sài Gòn. Ngôi trường mang tên trường tiểu học Trần Văn Ơn.

Năm 1963, tôi vào đệ thất Ngô Quyền. Đó cũng là thời kỳ đen tối của đất nước.  Những trò đùa chính trị, đàn áp biểu tình, đàn áp Phật giáo xảy ra. Chuyện công tội hãy để cho lịch sử phán xét, tôi chỉ muốn nhắc đến chuyện buôn thần bán thánh. Lúc đó người ta đồn rằng, nước giếng trên núi Bửu Long là nước thánh, trị được bá bệnh. Người ta đua nhau vét cả nước cặn, nước bùn. Nhưng nước hồ Long Ẩn thì không thể múc cạn vì đó là dấu tích của sự khai thác đá, làng nghề truyền thống đập đá  và điêu khắc đá ở Bửu Long. Những tấm ảnh Phật bà hiện ra, hình các nhà sư tự thiêu, trái tim bất diệt … được in ra, lồng ghép để bán. May là hồi đó chưa có photoshop. Ngay ở xã tôi, trên võ ca của Miếu Bà, người ta cũng bày chuyện đó. Có mấy ông bà bị câm điếc cũng được cho uống nước thánh để nói được. Vì chuyện tò mò của thời trẻ con, mấy ngày đêm tôi cũng bỏ ăn để theo dõi sự tình. 

Rồi người Mỹ chen chân vào Việt Nam, đời sống xã hội bắt đầu thay đổi. Cầu Đồng Nai được xây dựng. Xa lộ không đèn được khánh thành. Một buổi chiều tà mát mẻ, ba mẹ tôi thuê chiếc xe lam 3 bánh để chở cả gia đình ra ngắm chiếc cầu bê tông hoành tráng, cái xa lộ thẳng tấp nhiều làn xe.
Căn cứ quân sự Long Bình rộng mấy chục cây số vuông được hình thành, chạy dài từ ngã ba Vũng Tàu đến ấp Ngũ Phúc, Hố Nai. Con đường từ ngã tư Tam Hiệp đến ngã ba Phước Tân bị đóng lại, thay vào đó là con đường hiện hữu. Địa danh ngã ba Vũng Tàu xuất hiện từ đó. Những vườn cây cao su bị chặt phá, những hàng rào kẽm gai được mọc lên. Những con đường ngang dọc phẳng phiu, xe jeep quân sự ngày đêm tuần tra. 

Bên kia xa lộ, tiếp giáp sông Đồng Nai, khu kỹ nghệ Biên Hoà được ra đời. Những xí nghiệp do tư bản nước ngoài, nước trong đầu tư, tên gọi nửa tây nửa ta bắt đầu được điểm danh. COGIDO, công ty giấy Đồng Nai. COGIVINA, công ty giấy Việt Nam. VIKYNO, Việt Nam kỹ nghệ nông cơ. BOMICO , bột mì công ty … 

Trung tâm Biên Hòa bắt đầu náo nhiệt. Những khu đèn đỏ, đèn màu đã xuất hiện. Những từ OKê Salem, Snack Bar có chỗ đứng trong lòng xã hội. Từ me Tây bị đi vào quên lãng để thay vào từ me Mỹ. Những điếu Salem, Pall Mall bắt đầu bập bẹ trên môi những em bé đánh giầy, trong khói thuốc xoe tròn. Tôi vẫn hồn nhiên đến trường trên những chiếc xe lam 3 bánh, ngày hai lượt qua cầu Gành, cầu Rạch Cát. Một ngày đẹp trời, tỉnh trưởng huy động tất cả xe đò Liên Hiệp chở lũ học sinh chúng tôi đến Dĩ An để đón ngài ngoại trưởng Dean Rusk, vẫy cờ chào đón lữ đoàn bồ câu trắng công binh kiến tạo ĐẠI HÀN DÂN QUỐC. Rừng Cấm, rừng Cò Mi bị san ủi để xây dựng những con đường chiến lược. Một ngày cuối tháng 10/1964, Biên Hòa bừng tỉnh bởi những loạt đạn pháo kích sân bay. Lời cảnh báo của thần chiến tranh. Xã vùng ven của tôi lại có những đêm không ngủ vì lệnh khám xét nhà, bắt quân dịch. Giữa năm 1967, tôi được cấp giấy tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, để bước vào 3 năm đệ nhị cấp. Cái tuổi bắt đầu biết bóp cò súng.

Cầu Gành, cầu Rạch Cát bắt đầu bị kẹt xe liên tục. Ngày hai buổi sáng chiều, trên những chiếc xe hai bánh Honda, Suzuki, Lam-brết-tit trắng xám, những anh chàng lính không quân, pilốt ngày hai lượt đi về. Cái chợ quê ở xã tôi nhộn nhịp hẳn lên. Người ta họp chợ ở cả ngoài đường, từ ngã tư Chợ Đồn đến Chợ Đồn Cũ. Mì Samen Nhật, cá hộp Nhật, bột giặt …đầy đường. Mặt trái của chiến tranh. Viện trợ Mỹ được đổi bằng hàng hoá Nhật, giúp anh dân Nhật vực dậy sau hai quả bom. 

Trái tim tôi bắt đầu biết rung động. Mỗi sáng, trưa, tôi đều đi học sớm, đến bến xe để đợi em. Em từ con dốc bước lên, tà áo trắng tung bay, cặp táp đen che ngực. Trái tim tôi đập nhanh hơn. Em lên xe rồi, tôi mới lên theo, ngồi trước kế bác tài. Ba năm tình câm lặng. Một ngày tôi trao thơ cho em, em nhận nhưng không hồi đáp. Sau này tôi hiểu ra, em đã có người khác, học trên hai lớp. Kết quả của sự mõi mòn chờ đợi. Bài học đầu đời tôi học được ở tình trường.
Đầu năm 1968, chiến tranh bước sang bước ngoặt mới. Chiến tranh về thành phố. Cụm từ TẾT MẬU THÂN còn nhức nhối trong tim của người Việt Nam máu đỏ da vàng. Chúng tôi được ăn cái tết dài nhất, nghĩ học hơn 1 tháng, rồi sau đó đi làm công tác xã hội ở Đồng Lách, Hốc Bà Thức...
           
              Sáng mùng một Tết súng nổ bốn phương
              Người dân ngơ ngác chạy vội ra đường
              Giặc đang tìm đường tràn vào thành phố
              Đám dân nghèo lần nữa chịu tai ương

              Nổ ở Biên Hùng , nổ ở nhà ga
              Liên thanh giòn rã lẫn tiếng A-ka
              Người dân di cư thêm lần di cư nữa
              Nước sông Đồng cuồn cuộn phong ba
             
             Người dắt dìu nhau đi tìm sinh lộ
             Đồng Lách điêu tàn trăng trắng màu tang
             Suối Săn Máu đỏ vươn mùi tử khí
             Hố Nai, Tam Hiêp nhà cháy hàng hàng...

Bọn học trò nam chúng tôi lại phải đi học quân sự ở TTHL / ĐPQ ở Bửu Long. Lần đầu tiên bàn tay thư sinh biết cầm súng. Tay nào cầm viết, tay nào cầm súng, để rồi sau này... cầm cuốc.
              Tay đan nước mắt, ta đào mộ ta...
Câu thơ này tôi viết khi bị tình phụ, nhưng khi vào tù vẫn có ý nghĩa.
Bạn bè lần lượt chia tay vào quân đội. Thằng Tốt, thằng Hùng đi hải quân. Thằng Nghiệp, thằng Phát đi địa phương quân. Thằng Hạnh đi biệt động quân.
Thằng Thiện đi không quân... Rồi tin dữ lại về. Thằng Hạnh nhỏ con, học giỏi, chết khi vượt dây tử thần ở Dục Mỹ. Tội nghiệp mày quá Hạnh ơi! Mày nhỏ con ốm yếu mà dám đi biệt động quân. Viết đến đây, những giọt nước mắt lại lăn dài trên má. Tôi phải đi rửa mặt .

Chương trình học lại bị rút ngắn. Mỗi chiều thứ bảy bạn bè chúng tôi đi xã strees bằng cách đến xe hủ tiếu của Giang Hưng để ăn cháo tiều, mì xào giòn, rồi đi nghe nhạc ở các tụ điểm. Nhạc sống có ở các quán cà phê đối diện trường Ngô Quyền. Nhạc công là mấy anh chàng văn nghệ sĩ quân đội đi làm thêm kiếm tiến. Từ giàn máy Akai của cà phê Tuyệt, đối diện rạp Khánh Hưng, bọn chúng tôi thả hồn nghe những bản tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Xa xa, ở những quán bar đối diện bệnh viện tỉnh, ở khu vực Ngã Ba Thành, Dốc Sỏi, cổng 2 không quân, những em má đỏ môi hồng, những giàn đèn xanh đỏ mờ ảo, những chàng mũi lỏ mắt xanh dập dìu theo tiếng nhạc. Thành phố đợi giờ giới nghiêm. Những người con gái Việt Nam rời bỏ ruộng đồng, xa lánh chiến tranh để về thành phố làm những con thiêu thân. 

Những chiều tan học, từ dốc Huỳnh Của đến ngã năm Biên Hùng, những tà áo trắng tung bay theo chiều gió lộng. Trong tôi, màu trắng là trắng cả ước mơ,  tương lai là con số không to tướng. Phải đậu tú tài 1, tú tài 2. Từ đó đã sản sinh một nhà thơ. Nguyễn Tất Nhiên, tên tộc Nguyễn Hoàng Hải, bạn bè gọi là Hải khùng, học sau tôi một lớp. Những bài thơ nói về mối tình si với người con gái tên Duyên học cùng trường, chung xóm. Đến khi nhà thơ được Du Tử Lê giới thiệu đến nhạc sĩ Phạm Duy, những bài thơ của chàng được phổ nhạc, công chúng mới biết đến. Đêm đại đội 32 sinh hoạt ở sân đại đội, khi Hồ Văn Tiên hát lên bài THÀ NHƯ GIỌT MƯA, bọn tôi cảm thấy xúc động quá, tuyệt vời quá và hãnh diện vì trường mình cũng có một thiên tài. Cuộc đời nhà thơ rồi cũng kết cuộc đau thương nơi xứ người.

Rồi mùa hè đỏ lửa, tôi phải vào Thủ Đức. Hơn một năm gian khổ ở chiến trường Vĩnh Bình. Năm tháng gay go ở gió biển Vũng Tàu. Tôi lại về huấn khu Thủ Đức để học Hành chánh tài Chánh. Học ngành thì thoải mái hơn. Xe máy được đem vào doanh trại. Buổi chiều chia ca gác cho lính lác xong, mình có quyền dzọt về nhà. Mười cây số đường xa lộ. Những ngày cuối tháng tư, tôi lại dzọt về nhà thường xuyên hơn vì mới cưới vợ.
Khoảng 20-4-1975 cậu tôi ở Long Thành về dự đám cưới, đã nói nhỏ với ba má tôi :
- VC về ở đồn điền Bình Sơn nhiều lắm, có cả xe tăng pháo lớn. Sắp có đánh lớn. Em đem má, bà ngoại tôi, và mấy đứa nhỏ về ở với anh chị.

Chiều 26-4 tôi từ Thủ đức về nhà, gần đến ngã ba Tân Vạn, súng nổ rền vang ở hướng Bến Gỗ, cầu Đồng Nai, trực thăng vần vũ trên bầu trời. Ngày chủ nhật 27-4 nhà ba má tôi bắt đầu đào hầm trú ẩn. Đêm đó đặc công VC từ Hóc Ông Che, men theo đường rầy xe lửa đánh chiếm cầu Gành và cầu Rạch Cát. Họ muốn các cây cầu về Sài Gòn phải được nguyên vẹn. Người dân xã tôi lần đầu và cũng là lần cuối cùng biết đến chiến tranh. Súng nổ rền vang, mấy anh nhân dân tự vệ quăng súng chạy về trụ sở xã. Sáng hôm sau, lính từ Biên Hoà, tiểu đoàn dù từ xa lộ tiến vào hành quân giải toả. Từng ổ đề kháng bị tiêu diệt. Chiến xa M41 từ Tân Uyên chạy về, những người lính  sư đoàn 18 thảm thương từ xa lộ kéo về tập họp ở ngã tư Chợ Đồn. Đêm 29-4, đêm cuối cùng, pháo bắn dồn dập vào căn cứ Long Bình, về hướng cầu Đồng Nai. Pháo nổ liên hồi như những hồi chuông vĩnh biệt. Bình minh 30-4, ngày đen tối bắt đầu. Lịch sử sang trang 

Sau 1975, căn cứ quân sự Long Bình đặt dưới sự quân quản của bộ quốc phòng. Một nghề mới được hình thành, mua bán cũng như rà tìm phế liệu. Chỉ những người có thế lực và vai vế mới làm được việc này. Ngay cả những mảng bê tông lớn, dày hơn một tấc, rộng cả chục mét vuông cũng được cạy lên bán. Người dân nghèo thì sử dụng máy rà phế liệu tự chế, đôi khi phải hy sinh đến tánh mạng.

Đến thời kỳ mở cửa, sau 1986, vùng đất này được giao về chính quyền tỉnh quản lý, hình thành 4 khu công nghiệp, trong đó có một khu công nghiệp liên doanh với Thái Lan. Hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, các xí nghiệp được thuê đất 50 năm, tiền trả theo mét vuông. Tư bản nước ngoài đầu tư vốn, máy móc, công nghệ kỹ thuật của họ. Công nhân tại chỗ, những lao động nhập cư ở Bắc Trung Bộ vào, ở Tây Nam Bộ lên. Hàng hoá sản xuất được tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Lại có ưu đãi về thuế quan trong thời gian 3 hoặc 5 năm đầu. Các công ty nước ngoài có thế mạnh về vốn, các xí nghiệp quốc doanh lần lần cạnh tranh không nổi. Điển hình, từ năm 1985 đến 1995, 3 nhà máy bột giặt quốc doanh: Viso, ở cư xá kiến thiết Thủ Đức, Lix, ở Linh Xuân gần trại heo, Net, ở khu công nghiệp Biên Hoà, đều sản xuất mặt hàng bột giặt lấy hiệu Viso, Con Ngổng. Hàng hoá sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường trong Nam ngoài Bắc. Năm 1995, công ty UNILIVER nhảy vào thị trường Việt Nam. Đầu tiên họ mua đứt nhà máy Viso Thủ Đức để độc quyền sản xuất bột giặt Viso. Sau này thêm Omo là mặt hàng chiến lược của họ. Net và Lix chỉ gia công sản phẫm cho UNILIVER. Một lần giảy chết. Sau đó nhà máy kem đánh răng Perlon, sau 1975 là quốc doanh sản xuất kem đánh răng hiệu P.S, đang có chổ đứng trên thị trường, được mua lại với giá 5 triệu USD. Nhà máy của Perlon đối diện chợ An Đông chỉ được phép sản xuất nước rửa chén và kem Hynos. Kem Hynos anh bảy chà và đen là thương hiệu có tiếng trước 1975, nhưng bây giờ nguyên liệu, chất lượng không bằng nên người tiêu dùng không chấp nhận. Ta tự đào lỗ chôn mình. Cái mặt bằng đó giờ thành trường tiểu học Quốc Tế. Nhà máy kem đánh răng của UNILIVER được xây dựng mới ở khu công nghiệp Củ Chi, sản xuất thêm thương hiệu Close up truyền thống. 5 triệu USD để đổi lấy một thương hiệu. Từ ti vi, tủ lạnh, xe hơi, đồ tiêu dùng gia đình của các thương hiệu nổi tiếng của Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn …Sự phát triển kinh tế thì đi đúng theo bài bản, từ việc vận dụng các qui luật kinh tế của thế giới để áp dụng vào Việt Nam. Nhưng có vươn tầm cỡ Hàn Quốc, Nhật Bản hay không là do cách quản lý và yếu tố con người.
Ở Biên Hoà còn có thế mạnh về mặt hàng gốm mỹ nghệ và vật liệu xây dựng như gạch ngói, đá, cát … 

Khi người Pháp định hình xong nền móng đô hộ ở Viêt Nam nói chung và Biên Hoà nói riêng, họ thành lập trường Bá Nghệ Thực Hành ở Biên Hoà, do một bà đầm Pháp làm hiệu trưởng. Họ đào tạo lớp thợ đầu tiên để sản xuất gốm nung. Sau này có thêm đúc đồng, điêu khắc. Ba tôi thuộc lớp thợ thế hệ thứ hai, từ khoảng 1940 đến về sau. Sau khi người Pháp rút lui, trường bá nghệ vẫn còn, do anh em thợ quản lý dưới hình thức hợp tác xã. Một số nghệ nhân ra lập công ty, tổ chức sản xuất riêng lẽ, hoặc hợp tác với tư bản nước ngoài. Ở Chợ đồn, có chú Ba Nam, Chú Hai Đáng, sản xuất với thương hiệu DONA nổi tiếng ở Mỹ và thị trường Châu Âu. Ở Tân Vạn có bác Bảy Vạn. Thời kỳ đó, mấy đại gia này chỉ uống Wisky, đi xế hộp hoặc xe Jeep, giao dịch với mấy quan lớn. Thấy thị trường gốm mỹ nghệ béo bở, quý mệnh phụ phu nhân ở Sài gòn cũng lên Biên Hoà hùn vốn, chiếm một mảnh đất béo bở ở Tam Hiệp để lập ra công ty CERAMIC, hoạt động chưa được bao lâu thì tan hàng, đứt bóng. Chức vụ đi đôi với quyền lợi.

Từ sau thời mở cửa, mặt hàng này có lợi nhuận cao, nhiều cơ sớ sản xuất dưới hình thức hợp tác xã ra đời. Sản phẩm thiếu chất lượng, sản xuất cẩu thả, công nghệ lạc hậu  các thị trường truyền thống bị mất dần. Lại có mặt hàng gốm đỏ, không dùng đất sét trắng, không tô màu, ở Vĩnh Long phát triển, người nước ngoài ưa chuộng hơn. Chính quyền sở tại bắt buột các cơ sở còn trụ được tập trung vào khu công nghiệp gốm sứ ở Tân Hạnh, nung sản phẩm bằng lò ga để tránh ô nhiễm môi trường.

Sau khi người Pháp rút lui, hoà bình được lập lại, các cơ sở gạch ngói phát triển thêm. Trước 1960, phương tiện sản xuất còn lạc hậu. Máy nổ để ép gạch chạy dầu, không có điện. Mỗi chủ lò gạch mua vài mẫu ruộng để lấy đất sản xuất. Đất sét được vận chuyển bằng xe bò, cách xa hàng cây số. Sau này những chổ lấy đất làm gạch thành ao nuôi cá. Sau 1960, các phương tiện cơ giới được nhập vào: xe tải ben, xe máy xúc, xe máy ủi...Những công ty khai thác đất được thành lập, những đường dây cung cấp củi được hình thành. Ở Chợ Đồn, cung cấp đất có chú Tám Chấn, cung cấp củi có bà Bảy Lâm, Bảy Mén... Nhưng ông bà mình có câu "nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá ", những người này phất lên một thời rồi cũng lụi tàn.

Khoảng năm 1970, một số tư bản người Hoa ở Biên Hòa lập ra nhà máy gạch ngói Đồng Nai, áp dụng công nghệ tiên tiến của Châu Âu. Lò nung theo kiểu Tunnel, đường hầm, gạch trước khi nung được hút chân không cho khô, nung đốt sản phẩm bằng dầu, có béc phun. Tất cả đều theo dây chuyền khép kín. Sản phẩm đúng qui cách, chắc, đẹp, được thị trường ưa chuộng, dù giá thành có đắt hơn. Sản phẩm còn được xuất khẩu .

Giai đoạn từ 1965 -1972, các lò gạch ăn nên làm ra. Ở khu vực Tân Vạn, Chợ Đồn, Hoá An, chỉ Chợ Đồn có rạp hát Phước Chung. Các đoàn cải lương thường đến đây trình diễn. Chiều tối, xe tải của đoàn hát đánh trống, thổi kèn chạy xuống Tân Vạn để rước khán giả miễn phí. Rồi chạy ngược lên Hoá An, Tân Hạnh. Đoàn Thanh Hương, Văn Chung, của anh kép mùi Văn Chung và cô đào  Thanh Hương đến tập tuồng và khai trương ở đây. Đoàn Trâm Vàng có cô đào trẻ Lệ Thủy, mới bước lên ánh đèn sân khấu, lúc đó chưa nổi tiếng, cũng thường đến đây trình diễn. Đa số khán giả là dân lao động. Các lò gạch là nơi ẩn thân của mấy anh chàng trốn quân dịch. Thỉnh thoảng mấy anh chàng lính cao bồi của tiểu đoàn 58 bảo vệ phi trường đóng ở Hóa An, thường đến xem hát cọp, gây sự với dân vệ. Ẩu đả xảy ra, thất thế, mấy anh chàng chạy về đơn vị, kêu thêm đồng đội, lấy súng bao vây trụ sở xã. Xã trưởng phải điện báo quân vụ thị trấn ở Biên Hoà, do trung tá Đầy, chồng cô đào Út Bạch Lan, nhờ sang giải quyết. Đó là thời kỳ hoàng kim của vùng đất phía nam Biên Hoà. Ở phía đông, phía bắc Biên Hòa là Hố Nai, Tam Hiệp, Tân Mai có thế mạnh về mua bán, nhất là hàng lậu, hàng PX .

Sau năm 1975, những lò gạch có chủ bỏ đi hoặc sợ bị đánh tư sản nên đem hiến tặng nhà nước. Tất cả đều bị quốc doanh. Nguyên vật liệu được cung cấp theo kiểu bao cấp. Sản phẩm được bán theo kiểu xin cho. Sau 1985 những cơ sở đã ngừng hoạt động xin tái hoạt động lại dưới hình thức tư nhân. Các cơ sở quốc doanh bị thua lỗ, cụt vốn phải phá sản. Bù lại mặt bằng của họ được bán giá cao hoặc phân lô bán nền khi đất đai có giá. Một số lò gạch mini ra đời. Máy đùn gạch cho ra một cục. Lò nung khoảng vài chục ngàn viên, một tháng có 5-6 kỳ nung đốt lò. Một cơ sở có thể hoạt động hơn một năm là hoàn vốn. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Người dân có tiền cần xây nhà. Các công trình phúc lợi, các xí nghiệp mới thành lập. Lại có phong trào xây trụ nọc cho cây tiêu, gạch cần nung cháy thêm nữa. Lò gạch mọc lên như nấm. Rồi đến giai đoạn bão hòa. Các nhà máy gạch Tunnel tiếp tục ra đời. Năm 2000 các lò gạch thủ công phải đóng cửa vì ô nhiễm môi trường. Họ sang Tân Ba, Tân Phước Khánh mua đất xây dựng cơ sở mới. Nhưng cũng chỉ hoạt động được 10 năm. Cuối 2010, tỉnh Bình Dương lại đóng cửa các cơ sở này, chỉ cho các lò gạch Tunnel hoạt động. Quy luật của phát triển kinh tế. 

Có thể nói, dưới nền đất của Biên Hoà, toàn bộ là đá xanh. Ở những vùng thấp, bóc lớp đất mặt lên khoảng 5m là hiện ra đá. Từ núi Châu Thới đến Bửu Long, đá được khai thác triệt để. Núi Châu Thới, Bửu Long đã bị chặt phá một phần. Để bảo tồn chính quyền không cho khai thác nữa. Người ta tiếp tục khai thác các vùng phụ cận chân núi. Những mỏ đá sâu, bị ngập nước thành những hồ nhân tạo, như ở xã Đông Hoà, Dĩ An, trong khu vực đại học quốc gia có mấy hồ nước lớn.Trên máy bay chúng ta sẽ nhìn thấy rõ. Trước 1975  ở khu vực gần xa lộ, phía bên kia đồi 25, nhà thầu xây dựng RMK của Mỹ đã thành lập khu vực nghiền đá to lớn để trộn nhựa trải đường. Bây giờ các mỏ đá lại tiếp tục được khai thác ở Nhơn Trạch, ở Tân Thành, Phú Mỹ thuộc Bà Rịa. Lại có những mỏ mới ở Tân Cang, Long Thành, Sóc Lu, Trảng Bôm. Các xà lan hàng trăm tấn ở Miền Tây đều lên Đông Nam Bộ lấy đá cho các công trình xây dựng. Đá ở núi Sập, núi Sam có độ mềm hơn, non hơn. Món lợi nhuận khổng lồ vì chỉ cần khai thác, vận chuyển là có tiền mặc cho môi trường bị xâm hại .
Cát ở khúc sông Đồng Nai, từ Cù Lao Thạnh Hội đến Cầu Mới Hóa An cũng được khai thác triệt để. Sau từ lâm tặc là từ cát tặc. Cát ở sông Tiền, sông Hậu xấu hơn vì có lẫn bùn còn được xuất khẩu sang Singapore .
Chúng ta nằm trên những mỏ đá, mỏ cát. Nếu khai thác bừa bãi, không tính toán khoa học sẽ là hiểm họa cho thế hệ sau này. Nhưng không sao, ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi .

Qua bao thăng trầm của thế sự, quê hương Biên Hoà , vùng đất mới Phương Nam vẫn xứng danh trong Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nước mắt, mồ hôi, xương máu của tiền nhân đã vun bồi cho mảnh đất hoang vu này trở nên xanh tươi, trù phú. Nghìn năm qua, Bửu Long, Châu Thới vẫn trơ gan cùng Tuế Nguyệt. Trăm năm dài, Cầu Gành, cầu Rạch Cát vẫn oằn mình cỏng những đoàn tàu xuyên Việt. 60 năm lặng lẽ, nước sông Đồng đã nuôi tôi khôn lớn nên người. Khi bưng chén cơm, hạt gạo trắng ngần, xin hãy nhớ đến quê hương. Quê hương trong trái tim ta . "QUÊ HƯƠNG MỖI NGƯỜI CHỈ MỘT, NHƯ LÀ CHỈ MỘT MẸ THÔI..." Bài hát vang vang từ cuối đông buồn. Mầm sống mới vươn lên … 

Đỗ Công Luận. 1/12/2010

1 nhận xét:

Phan Lương nói...

Đọc truyện ngày xưa nhớ quá một thời đã qua. Cám ơn tác giả ĐCL.
Phương Lan