Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Tiệm bánh Paul, đại diện cho bánh mì Pháp ở nước ngoài - AFP


Một cửa hàng bánh Paul ở thành phố Caen, tây bắc nước Pháp. Ảnh chụp ngày 29/11/2019. AFP - SAMEER AL-DOUMY
Tại Pháp, Poilâne và Éric Kayser là hai hiệu bánh mì thủ công nổi tiếng hàng đầu. Còn ở nước ngoài, chuỗi cửa hàng Paul thường đại diện cho bánh mì baguette làm theo kiểu Pháp. Các tiệm bánh mì Paul (1889) do công ty gia đình Holder nắm giữ. Ông Maxime Holder, lãnh đạo tập đoàn này, vừa được trao danh hiệu Doanh nhân tài ba nhất trong năm 2024. - Tuấn Thảo
<!>
Theo tờ báo Les Échos, lễ trao giải thưởng Doanh nhân tài ba lần thứ 32 do cơ quan EY France tổ chức hồi đầu tháng 10/2024. Trong số 270 ứng viên thuộc vào hàng xuất sắc năm nay, có 8 chủ doanh nghiệp đến từ các vùng miền trên khắp nước Pháp được vinh danh. Đại diện cho vùng phía bắc Nord de France, ông Maxime Holder đã được khen tặng, chủ yếu nhờ năng lực điều hành công ty gia đình, giúp cho chuỗi cửa hàng bánh mì Paul phục hồi nhanh chóng thời hậu Covid.

Bánh mì Paul : Câu chuyện bắt đầu cách đây 70 năm
Phác họa chân dung vị tổng giám đốc tập đoàn Holder, tờ báo Les Échos cho biết lúc đầu ông Maxime Holder không muốn làm việc cho công ty gia đình. Năm nay 55 tuổi, ông tốt nghiệp trường cao đẳng Sciences Po (Paris) cộng thêm bằng master về luật. Thời còn trẻ, ông từng được đào tạo tại cho công ty tư vấn Arthur Andersen, với hy vọng được bổ nhiệm trong ngành công chức cao cấp. Nhưng sau khi thân phụ ông về hưu, Maxime Holder quay về làm việc cho công ty gia đình, đã được thành lập từ nhiều đời qua.

Ngược dòng thời gian lùi về cuối thế kỷ XIX, gia đình Mayot-Holder mở tiệm bánh đầu tiên vào năm 1889 tại thị trấn Croix, gần thành phố Roubaix, miền bắc nước Pháp. Ngoài các ổ bánh mì baguette và bánh croissant, gia đình này còn nổi tiếng nhờ nghề làm bánh thủ công, duy trì các bí quyết làm bánh ngọt theo truyền thống Pháp, tạo uy tín nhờ dùng nhiều thành phần chế biến với chất lượng cao. Mãi đến năm 1953, gia đình Mayot-Holder mới mua lại một tiệm bánh ngọt nổi tiếng của gia đình Paul ở thành phố Lille, thay vì đổi tên bảng hiệu kinh doanh, họ vẫn giữ nguyên tên "Paul" cho cửa hàng vì suy cho cùng đó là một cái tên thông dụng, rất dễ nhớ. Sự chọn lựa này cũng khá thích hợp, khi thương hiệu sau đó được xuất khẩu sang thị trường quốc tế : tên Pierre trong tiếng Anh trở thành Peter, tên Jean được gọi là John, còn tên Paul trước sau gì cũng vẫn là Paul. Nếu như gia đình Holder có mặt trong nghề làm bánh từ hơn 130 năm qua, thì câu chuyện của cửa hàng Paul thực sự bắt đầu cách đây 70 năm.

Trong gia đình doanh nhân Holder, ông Maxime đại diện cho thế hệ thứ năm. Từ thời còn nhỏ, ông rất ngưỡng mộ người thân phụ, vì bố ông Francis Holder (con rể của ông Mayot) là một doanh nhân tài ba, giúp khuếch trương công ty, làm ăn phát đạt, doanh thu tăng đều. Ông Maxime thừa nhận khi mới về làm việc cho công ty gia đình, ông cảm thấy trách nhiệm quá lớn trên vai. Ông chọn làm việc ban đầu tại Vương quốc Anh, với mục tiêu phát triển Paul thành một thương hiệu quốc tế. Sau hơn một thập niên làm việc tại Luân Đôn, ông trở về Paris sau khi được bổ nhiệm làm tổng giám vào năm 2019.

Số cửa hàng Paul nhân gấp ba trong tám năm
Thương hiệu Paul mở chi nhánh đầu tiên ở nước ngoài vào năm 1985 tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, rồi 4 năm sau đó (1989) tại Nagoya, Nhật Bản dưới dạng nhượng quyền thương mại. Hơn ba thập niên sau, xứ hoa anh đào vẫn là một trong những thị trường quan trọng đối với hiệu Paul với khoảng 30 cửa hàng tại 8 thành phố lớn khác nhau, trong đó có đến một phần ba là tại thủ đô Tokyo.

Sau Nhật Bản, chuỗi cửa hàng Paul được mở rộng dang nhiều nước châu Á khác : Đài Loan (2008), Singapore (2011), Philippines và Indonesia (2013), Malaysia và Việt Nam (2016). Trong giai đoạn 2011-2019, Maxime Holder đã không ngừng mở rộng thương hiệu Paul ra toàn thế giới, nhân gấp ba lần số cửa hiệu Paul trong tám năm liên tục : từ 124 điểm bán hàng vào năm 2011 lên thành 366 vào cuối năm 2019. Để đạt được thành tích này, ông Maxime Holder buộc phải hy sinh phần nào cuộc sống gia đình. Mỗi năm, ông phải đi ra nước ngoài trong vòng 7 tháng, để xúc tiến các dự án, hoàn tất các hợp đồng.

Tuy vậy, ông Maxime Holder vẫn cảm thấy tự hào vì đã biến một sản phẩm kinh doanh của Pháp ban đầu, thành một thương hiệu toàn cầu. Paul đang chuẩn bị kỷ niệm 35 năm ngày khánh thành cửa hàng Nhật Bản đầu tiên và đồng thời sinh nhật lần thứ 25 của cửa hàng đầu tiên trong số 14 tiệm bánh Paul có mặt tại Maroc. Có lẽ cũng vì có mặt từ lâu ở nước ngoài, cho nên trong mắt người ngoại quốc, Paul thường đại diện cho bánh mì theo kiểu Pháp.

Khi vừa mới được bổ nhiệm làm tổng giám đốc, lên nắm quyền điều hành tập đoàn vào cuối năm 2019, Maxime Holder lại bị lôi kéo vào vòng xoáy khủng hoảng của đại dịch Covid. Thay vì phải đóng cửa, chờ tiền trợ cấp của chính phủ, ông quyết định duy trì hoạt động của các cửa hàng, bán hàng để giao tận nhà hay phục vụ tại chỗ. Ông cũng tận dụng thời gian tương đối vắng khách để thực hiện quá trình chuyển đổi công nghệ số. Tuy vậy, doanh thu các cửa hàng của nhóm Holder bị sụt giảm nghiêm trọng, tuy không vay tiền giúp đỡ của nhà nước nhưng phải thanh toán tiền thuê các mặt bằng, rốt cuộc vào năm 2022, công ty Holder buộc phải hy sinh bán lại một hiệu bánh khác nổi tiếng của mình Ladurée với giá 125 triệu cho tập đoàn LovGroup. Theo ông Maxime Holder, đó thực sự là một chuyện đáng buồn nhưng lại giúp cứu vãn ''cơ ngơi'' của gia đình.

Từ năm 2023 trở đi, ông Maxime Holder buộc phải đi tìm những hướng phát triển mới, từ các tiệm bánh mì truyền thống, hiệu này chuyển sang khai thác các quán cà phê Paul (Paul Le Café), vẫn tập trung vào các phương pháp làm bánh truyền thống của Pháp, nhưng bên cạnh đó bán thêm nhiều món ăn từ phổ thông đến cao cấp, mặn cũng như ngọt. Các món ăn được phục vụ trong khung cảnh của một quán cà phê Paris, nho nhỏ mà ấm cúng. Dường như ý tưởng này rất hợp với gu ăn uống thời nay : không khí nhàn nhã, cái thú la cà các quán coffee shop. Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, đã có đến 55 quán cà phê Paul được khai trương tại 17 nước trên thế giới, trong đó có một tiệm cà phê bánh ngọt Paul ở Mông Cổ và sắp tới đây nữa tại Guinea-Bissau.

Ông Maxime Holder cũng đã ký hợp đồng với chuỗi cửa hàng Friteries Meunier chuyên về khoai tây chiên để mở rộng sang lãnh vực bánh mì burger kẹp thịt. Tại Pháp, doanh thu thị trường burger đã vượt xa thị trường bánh mì sandwich truyền thống. Thương hiệu Paul hiện có hơn 750 cửa hàng trên thế giới, trong đó hơn một nửa là tại Pháp và 45% còn lại là tại gần 50 nước khác nhau. Tập đoàn Holder hiện tuyển dụng 12.000 nhân viên với doanh thu đạt 954 triệu euro trong năm 2023.

Nhìn chung, thương hiệu Paul vẫn có nhiều tiềm năng đáng kể, được phục hồi khá nhanh sau cuộc khủng hoảng Covid. Giám đốc tập đoàn Maxime Holder vẫn lạc quan về tương lai thương hiệu của mình. Bắt nguồn từ chữ Paulus có nghĩa là ''nhỏ bé'' trong tiếng La Tinh, rốt cuộc Paul lại có nhiều sức chịu đựng hy sinh, nhờ vậy mà duy trì được một công ty lớn có uy tín, gìn giữ di sản trong gia đình.

Không có nhận xét nào: