Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

NGỰA VÀ THÀNH NGỮ CA DAO - Kha Tiệm Ly


Theo các nhà nghiên cứu, ngựa đã được con người thuần hóa có hơn ba ngàn năm. Với thời gian “sống chung” lâu dài với loài người như vậy, nên ngựa ngoài là một trong những người bạn thân thiết, nó là nguồn cảm hứng trong mọi lãnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thi ca. Ban đầu, chủ đích thuần hóa loài vật của con người là để… ăn thịt! Song từ từ người ta nhận thấy được khả năng đặc biệt của chúng, nên họ đã lợi dụng những khả năng nầy mà phục vụ cho cuộc sống của mình. Với ngựa, dù là động vật ăn cỏ nhưng thuần hóa chúng cũng không phải là chuyện dễ dàng gì. “Mồm (hàm) chó vó ngựa” là nơi nguy hiểm nên tránh xa, bởi nếu bị ngựa đá nếu không vong mạng thì cũng “tức như ngựa đá” nhất là chớ dại dột mà “mó (mò, rờ) dái ngựa”, là giỡn mặt với những kẻ hung tàn, gian ác.
<!>
“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”. Vì tập quán sống quần thể nên chúng thường thương nhau, kể cả khi được thuần hóa: “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”.
Người ta mượn hình ảnh “bóng câu qua cửa sổ” để ví lượng thời gian rất ngắn. Ngựa chạy nhanh chưa hẳn là ngựa hay, mà chính là ở sức bền bỉ: “Đường dài mới biết ngựa hay”(trường đồ tri mã lực) là vậy!
Nếu “ngựa non háu đá” để chỉ những kẻ kém tài mà thích phô trương, thì cũng có loại người tài giỏi lại có nhiều tật xấu, chẳng khác nào “ngựa hay có (lắm) tật”, hay “ngựa hay sanh chứng”, « ngựa chứng là ngựa hay »

Ngưa dù có giỏi đến đâu cũng không có “ngựa nào gác được hai yên”, bởi cái gì cũng có giới hạn của nó, đây là lời khuyên chớ bóc lột sức người quá đáng, thà rằng “thiếu voi phải dùng ngựa”, dù công việc không xứng với khả năng.
Đời người nhiều lúc cực khổ phải “làm như trâu như ngựa” mà chưa chắc đã có miếng ăn, đó là chưa kể “kiếp trâu ngựa” luôn bị áp bức, rẻ khinh; nhưng khi đắc thời thì cũng “lên xe xuống ngựa” như ai. Có kẻ thất tín, nhưng cũng có người “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, xe bốn ngựa chạy theo không kịp), để chỉ lời nói không lấy lại được, do đó không nên phát ngôn bừa bãi; có bụng dạ cong như như cù nèo, nhưng cũng có kẻ lòng “thẳng như ruột ngựa”; có người chung tình, nhưng cũng không thiếu kẻ bạc tình, sẵn sàng “quất ngựa truy phong” khi bướm chán ong chê. Có người an phận, thì cũng có kẻ tham lam quá mức, khi “được đầu voi lại đòi đầu ngưa”, có người chánh nhân quân tử, thì cũng không thiếu bọn “đầu trâu mặt ngựa”, không có chuyện phi nghĩa nào lại không dám làm!
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, là chỉ bọn xấu thường tìm nhau để tạo “liên minh ma quỷ” mà làm những việc bất chấp đạo lý. Chỉ có đấng anh hùng mới dám “đơn thương độc mã” với “tinh thần mã thượng” với đối phương là “không giết người dưới ngựa”, dù trong tình thế “bọ ngựa chống xe” cũng vậy!
Trong mọi trận chiến, đừng thấy đối thủ bỏ chạy mà đắc ý, phải phòng khi trong lúc bất ngờ, địch dùng thế “hồi mã thương” thì mất mạng như chơi! Nhưng trượng phu phải “chết trên mình ngựa", “Da ngựa bọc thây” mới xứng với cái chết của anh hùng hào kiệt.

Khi đắc chí chớ vội “cười như ngựa hí”, không khéo lúc thất thời mặt phải “dài như mặt ngựa” vì những chuyện tồi tệ của mình đã làm trước kia. Kẻ khó dạy bảo, khác nào “ngựa chứng bất kham”, kẻ làm việc sai trái mà vẫn thói nào tật đó thì bị mắng là “ngựa quen đường cũ”, không khéo còn bị rủa độc “tứ mã phanh thây”!
Trong tình yêu, khi người con gái bị phụ tình, nàng bèn “nói cứng”, nhưng không giấu được nỗi chua xót: “Sông sâu ngựa lội ngập kiều/ Dẫu anh có phụ, còn nhiều người thương”, Lại mai mỉa chàng trai: “Ngựa ô chẳng cưỡi, cưỡi bò/ Đường ngang không chạy, chạy dò đường quanh”. Dù vậy nàng vẫn nuối tiếc những ngày thề non hẹn biển năm xưa : “Đường dài ngựa chạy biệt tăm/ Người thương có nghĩa trăm năm cũng chờ”.
Kính chúc quý vị suốt năm “Long mã tinh thần” , để đợi chờ ngày “mã đáo thành công”!
-----------------------
KHA TIỆM LY

Không có nhận xét nào: