Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :14/10/2024 - Mỹ Loan


Giải Nobel Kinh Tế được trao cho nghiên cứu về tác động của thể chế đến tình trạng giàu nghèo của các nước Ba nhà nghiên cứu Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson, hoạt động tại các trường đại học ở Mỹ đã được trao giải Nobel Kinh Tế danh giá vào hôm nay, 14/10/2024. Theo ủy ban giải khoa học kinh tế, thuộc ủy ban Nobel, các nghiên cứu của ba nhà khoa học này đã chỉ ra « cách thức các thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng ra sao », đưa ra lý giải « tại sao một số nước thì giàu, một số khác lại nghèo ». Lễ trao giải thưởng Nobel kinh tế học cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A Robinson, Stockholm, Thụy Điển, ngày 14/10/2024. via REUTERS - Christine Olsson/TT- Chi Phương
<!>
Trong thông cáo, ủy ban khoa học kinh tế cho biết, « bằng việc nghiên cứu về các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau, do thực dân châu Âu đưa vào, Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson đã có thể chứng minh mối quan hệ giữa các thể chế và sự thịnh vượng ». Họ cũng đã phát triển các công cụ lý thuyết có thể giải thích tại sao sự khác biệt trong các thể chế vẫn tồn tại và cách thức khiến các thể chế có thể thay đổi.

Jakob Svensson, chủ tịch ủy ban khoa học kinh tế thuộc ủy ban Nobel, khẳng định rằng « những người thắng giải năm nay đã đi tiên phong trong những cách tiếp cận mới, cả thực nghiệm lẫn lý thuyết, giúp nâng cao đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về sự bất bình đẳng toàn cầu… », bởi vì « giảm sự cách biệt to lớn về thu nhập là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại và cả ba nhà nghiên cứu đã chỉ ra các thể chế là yếu tố quan trọng để đạt được điều này ».

Daron Acemoglu (57 tuổi) và Simon Johnson (61 tuổi) là giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), trong khi James A. Robinson, 64 tuổi, là giáo sư tại Đại học Chicago của Hoa Kỳ. Cả ba sẽ cùng chia sẻ phần thưởng trị giá khoảng 11 triệu Krona Thụy Điển (gần 1 triệu đô la).

Kỳ tích ''công nghệ không gian'': Space X thu hồi thành công tên lửa đẩy
Lần đầu tiên, tên lửa đẩy đã được thu hồi sau khi tách khỏi tàu Starship trong một cuộc thử nghiệm của Space X vào hôm qua, 13/10/2024. Đây được cho là một « kỳ tích » của Space X, cho phép tái sử dụng các tên lửa đẩy khổng lồ trong tương lai.


Hình ảnh do SpaceX cung cấp cho thấy tên lửa đẩy khổng lồ của SpaceX đang trở lại bệ phóng sau chuyến bay thử nghiệm ngày 13/10/2024, tại Boca Chica, Texas. AP Chi Phương
Toàn bộ tên lửa (phần tên lửa đẩy và tàu Starship) được phóng đi vào rạng sáng hôm qua, 7h25 phút, theo giờ địa phương, tại căn cứ không gian của SpaceX ở Texas, gần biên giới với Mêhicô, theo ghi nhận của AFP. SpaceX cho biết tên lửa đẩy trong tình trạng tốt và quay trở về bệ phóng, chứ không rơi xuống vịnh như những lần trước. Con tàu Starship sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, cũng đã tiếp tục quỹ đạo bay, hạ cánh xuống Ấn Độ Dương một giờ sau đó, theo đúng kế hoạch.

Trước kia, các tên lửa đẩy thường được cho hạ cánh xuống các bệ nổi trên đại dương hoặc trên các tấm bê tông cách bệ phóng vài km, nhưng đây là lần đầu tiên mà doanh nghiệp của tỷ phú Elon Musk đã thu hồi lại được chỉ vài phút sau khi tên lửa được phóng đi. « Mechazilla, cánh tay cơ khí khổng lồ (của bệ phóng) đã ‘bắt được’ tên lửa đẩy Super Heavy », theo như chia sẻ của SpaceX trên mạng xã hội X.

Doanh nghiệp này cho biết « các kỹ sư đã làm việc trong nhiều năm » để phát triển kỹ thuật này. Elon Musk gọi đây là « khoa học viễn tưởng không có phần viễn tưởng ». Kate Tice, giám đốc kỹ thuật của SpaceX thì khẳng định rằng « đây là ngày dành cho lịch sử công nghệ ».

Việc thu hồi và tái sử dụng các tên lửa đẩy có thể giúp SpaceX tiết kiệm được hàng triệu đô la và có thể nhanh chóng triển khai các lần phóng tên lửa. Doanh nghiệp này cho biết tên lửa đẩy sau khi sử dụng, hiện vẫn trong tình trạng tốt, chỉ một số động cơ bên ngoài bị cong vênh nhưng có thể dễ dàng khắc phục được.

NASA đã đặt hàng 2 tàu Starship của SpaceX để đưa các phi hành gia lên mặt trăng vào cuối thập kỷ này. SpaceX cũng tham vọng dùng tàu này để đưa người và vật tư lên Mặt Trăng và sau đó là lên sao Hỏa.

Thượng đỉnh ''tiến trình Berlin'' hội nhập các nước Balkan vào Liên Âu khai mạc tại Đức
« Tiến trình Berlin » là một sáng kiến ngoại giao được nước Đức khởi xướng vào năm 2014 nhằm giúp các nước Balkan xích lại gần với Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời cũng để cải thiện hợp tác quốc tế trong khu vực bán đảo này. Hôm nay, 14/10/2024, lãnh đạo 6 quốc gia tây Balkan cùng 9 thành viên của EU và Anh Quốc gặp nhau tại thủ đô Đức, để phát động lại « tiến trình Berlin » sau 10 năm khởi xướng mà chưa đạt được kết quả nào đáng kể.


Thủ tướng Đức Olaf Scholz, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (hàng đầu, thứ tư và thứ năm từ phải qua) cùng lãnh đạo các nước vùng Tây bán đảo Balkan, Berlin, 14/10/2024. AP - Ebrahim Noroozi
Anh Vũ
Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibaut, tường trình :

Ngày 28/08/2014, nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của Albani, Bosnia Herzegovina, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia đã có cuộc họp với thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin, và tiến trình mang tên Berlin được khởi xướng.

Từ đó đến nay, không có bước tiến nào trên bàn cờ ngoại giao của khu vực này. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội Đức, ông Michael Roth thuộc phe Xã Hội - Dân Chủ, lấy làm tiếc, mặc dù nhiều triển vọng gia nhập, nhưng từ đó đến nay vẫn không một nước nào trong 6 quốc gia kể trên trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Các nước liên quan có thể sẽ có cảm giác bị coi nhẹ so với những nước khác như Gruzia hay Ukraina. Các căng thẳng trong vùng Balkan vẫn không hết. Một số nhà quan sát khác ít bi quan hơn thì nhấn mạnh việc các nước trong vùng xích lại gần với Liên Hiệp Châu Âu góp phần giảm ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc hay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trong vùng Balkan.

Giai đoạn mới được chờ đợi trong kỳ họp thượng đỉnh lần thứ 10 này chủ yếu là việc triển khai một thị trường duy nhất giữa 6 quốc gia nói trên, tương tự như việc đã làm trong Liên Âu hồi đầu thập niên 1990. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen có cuộc họp báo chung đầu giờ chiều nay.

Trung Đông : Mỹ gửi hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và đưa quân sang Israel
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder chiều qua, Chủ Nhật 13/10/2024 cho biết Hoa Kỳ sẽ điều quân sang Israel và chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD cho Israel, nhằm giúp Israel tăng cường khả năng phòng không trước nguy cơ lại bị Iran tấn công.


Một hệ thống tên lửa THAAD tại căn cứ Fort Bliss, Texas, ngày 23/02/2019. AP - Staff Sgt. Cory D. Payne
Thanh Hà
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận thông tin này. Theo AP, thông tin được loan báo vào lúc gần như chắc chắn là Israel chuẩn bị một đợt trả đũa sau vụ Iran phóng gần 200 tên lửa vào Israel trong đêm 01/10/2024.

Phía Mỹ không cho biết thời điểm chuyển đến Israel hệ thống phòng thủ THAAD - Terminal High Altitude Area Defense. Năm 2019, Hoa Kỳ đã từng chuyển hệ thống THAAD cho Israel trong một chương trình « diễn tập ».

Mặt khác, Hoa Kỳ thường xuyên điều « một số lượng nhất định các quân nhân sang Israel, quốc gia mà Washington xem là « một đồng minh then chốt trong khu vực ».

Thông tín viên RFI Loubna Anaki từ New York giải thích về quyết định của Mỹ 
« Đối với Joe Biden mục tiêu là ‘bảo vệ Israel’. Theo các giới chức quân sự Hoa Kỳ, thông báo này phản ánh sự cam kết vững chắc của Washington với Nhà Nước Do Thái. Hệ thống phòng thủ mà Lầu Năm Góc chuẩn bị gửi sang Israel cho phép bảo vệ nước này chống lại các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm trung-xa. Khoảng 100 quân nhân Mỹ cũng sẽ được điều sang Israel để điều khiển hệ thống phòng thủ chống tên lửa này. Bộ Quốc Phòng cho biết thêm là Mỹ thường điều quân sang Israel cho dù đấy thường xuyên là trong khuôn khổ các các chiến dịch tập luyện và hợp tác bình thường. Không có thêm thông tin về thời hạn chuyển giao hệ thống THAAD, nhưng quyết định này từ phía Hoa Kỳ có nguy cơ gây thêm căng thẳng trong khu vực. Teheran đã cảnh báo trước việc Mỹ đưa quân sang Israel nhưng Washington xem đây việc này cho phép tăng cường khả năng của Israel sau loạt tấn công bằng tên lửa Iran và các nhóm được Teheran yểm trợ như là Hezbollah ở Liban hay Houthi tại Yemen ».

Thêm một sự cố tại cơ sở của FINUL
Chiều qua, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại nam Liban cho biết 2 xe tăng của quân đội Israel đã « xâm nhập » vào bên trong căn cứ của FINUL. Sự cố xảy ra sau khi thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi lực lượng này « rời khỏi khu vực đang diễn ra giao tranh tại miền nam Liban ». Lực lượng FINUL nói đến một sự « vi phạm trắng trợn » và yêu cầu Israel giải thích. Trong khi đó, quân đội Israel khẳng định, từ những địa điểm « gần cơ sở của FINUL », các chiến bình Hezbollah đã bắn tên lửa chống tăng nhắm vào các quân nhân Israel làm 25 người bị thương, xe bọc thép của Israel tiến vào bên trong khu vực do FINUL kiểm soát là để « sơ tán các những người lính bị thương ».

TT Zelensky tố cáo Bắc Triều Tiên gửi viện binh đến chiến trường Ukraina giúp Nga

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm qua, 13/10/2024, đã tố cáo Bắc Triều Tiên điều binh lính gia nhập quân đội Nga, tham gia vào cuộc xâm lược Ukraina, đồng thời gửi đạn dược cho Matxcơva.


Hình tư liệu: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky phát biểu với báo chí trước một một chiến đấu cơ F-16 tại một địa điểm được giữ bí mật tại Ukraina, ngày 04/08/2024. AP - Efrem Lukatsky
Chi Phương
Trong bài phát biểu hàng ngày, được AFP trích dẫn, nguyên thủ Ukraina khẳng định « liên minh giữa Nga và chế độ Bắc Triều Tiên ngày càng lớn mạnh, không chỉ gửi đạn dược, mà Bình Nhưỡng còn điều binh lính đến gia nhập quân đội của quân chiếm đóng… Trong trường hợp này, chúng tôi phải phát triển quan hệ với các đối tác, vì chúng tôi cần thêm trợ giúp trên chiến trường ». Tổng thống Ukraina mong muốn được viện trợ các loại vũ khí tầm xa để gia tăng áp lực với Nga.

Cuối tuần vừa qua, truyền thông Ukraina đưa tin 6 lính Bắc Triều Tiên đã bỏ mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Kiev, gần khu vực Donestk. Theo AFP, Andriï Kovalenko, một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraina cho biết trên Telegram « các nhóm lính Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina » là « những nhóm nhỏ tinh nhuệ », có nhiệm vụ giám sát việc sử dụng đạn dược được Bình Nhưỡng gửi đến, và khẳng định rằng Matxcơva ngày càng phụ thuộc vào nhiều loại vũ khí của Bình Nhưỡng.

Phương Tây đã nhiều lần tố cáo Bắc Triều Tiên gửi đạn dược cho Nga. Vào thứ Ba tuần trước, thủ tướng Hàn Quốc cũng đã nêu ra khả năng cao Bình Nhưỡng gửi quân chi viện Nga. Tuy nhiên, điện Kremlin đã bác bỏ thông tin này.

Bắc Triều Tiên đã tăng cường quan hệ với Nga, qua hiệp ước phòng thủ chung được ký kết hồi tháng 6, nhân chuyến thăm của tổng thống Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng.

Về tình hình chiến sự, theo AFP, quân đội Ukraina sáng nay xác nhận đã phá hủy được một máy bay vận tải quân sự Tu-134 tại một căn cứ Orenbourg, miền nam vùng Oural của Nga, cách biên giới chung giữa hai nước khoảng 1000 km. Hiện Nga vẫn chưa đưa thông tin gì về vụ việc này.

Về phần mình, bộ Quốc Phòng Nga hôm qua cho biết đã điều các chiến đấu cơ Su-34 tấn công vào khu vực tập trung nhiều binh lính Ukraina ở vùng Kursk, mà Kiev đã xâm nhập từ ngày 06/08. Matxcơva chưa nêu rõ tác động, gây thiệt hại của cuộc tấn công này.

Sáng nay, trong một cuộc phỏng vấn, Tatyana Moskalkova, ủy viên về quyền con người của Nga cho biết đã sơ tán hơn 30.000 người, trong đó có 8.000 trẻ em ra khỏi các khu vực gần biên giới chung với Ukraina. Bà Moskalkova cũng cho biết là đã nhận được báo cáo 1000 công dân Nga ở Kursk mất tích, được cho là đã bị lực lượng Ukraina bắt giữ. Reuters cho biết không thể xác nhận được thông tin này bằng các báo cáo độc lập.

Trung Quốc tập trận quy mô lớn bao vây Đài Loan

Trung Quốc huy động chiến đấu cơ, máy bay ném bom và tàu chiến trong cuộc tập trận hôm nay 14/10/2024 chung quanh Đài Loan với bài tập « bao vây » hòn đảo này. Phát ngôn viên bộ Tư Lệnh Chiến Khu Đông Bộ, ông Lý Hy (Li Xi) trong thông cáo nhấn mạnh chiến dịch Liên Hiệp Lợi Kiếm- 2024B nhằm « nghiêm khắc răn đe các lực lượng đòi độc lập » cho hòn đảo.


Hải cảnh Đài Loan đang theo dõi một tàu Hải cảnh Trung Quốc đi qua gần bờ biển cụm đảo Mã Tổ (Matsu), Đài Loan, ngày 14/10/2024. © AP - Ảnh chụp màn hình từ video do Hải Cảnh Đài Loan công bố.
Thanh Hà | Nguyễn Giang
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn lời đại tá Lý Hy cho biết các cuộc tập trận đang diễn ra ở các vùng biển « phía tây, phía bắc, và phía đông Đài Loan ». Giới quan sát ghi nhận chương trình diễn tập bắt đầu từ sáng sớm hôm nay, Bắc Kinh huy động « các lực lượng Hải Quân, Lục Quân, Không Quân và cả tên lửa », tàu khu trục, tàu hộ tống …. nhưng không thông báo chiến dịch mang tên Liên Hiệp Lợi Kiếm- Joint Sword-2024B sẽ kéo dài trong bao lâu.

Hãng tin Anh Reuters lưu ý, quân đội Trung Quốc « không công bố bất kỳ một cuộc tập trận bắn đạn thật hay một bản đồ về các khu vực cấm bay ».

Theo thông tin từ phía Đài Bắc có « 4 nhóm tàu của hải cảnh Trung Quốc hoạt động chung quanh hòn đảo nhưng không thâm nhậm vào hải phận của Đài Loan ».

Từ Đài Bắc, thông tín viên Nguyễn Giang cho biết thêm thông tin :

Cuộc tập trận mà Bắc Kinh gọi là Joint Sword 2024b (Liên hiệp Lợi kiếm 2024b) đã bắt đầu từ sáng sớm ngày 14/10 ở chín địa điểm, thuộc ba hướng, đông, tây và bắc xung quanh đảo Đài Loan, để răn đe phái Bắc Kinh gọi là ly khai ở Đài Loan.

Đây là cách Trung Quốc đáp trả phát biểu của Tổng thống Lại Thanh Đức hôm Quốc khánh Trung Hoa Dân quốc, rằng nước CHND Trung Hoa tức đại lục “không hề đại diện cho Đài Loan”

Bộ Ngoại Giao Đài Loan trong ngày 14/10 đã ngay lập tức lên án cuộc tập trận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là “phi lý và mang tính khiêu khích”.

Người dân và truyền thông Đài Loan tuy thế đã quen với điều tương tự.

Vì đây là lần thứ nhì (b) sau cuộc tập trận cùng tên, Joint Sword2024a, mới vào tháng 7 năm nay. Cả hai lần, Trung Quốc đều mô phỏng một tiến chiếm, bao vây, bắt giữ phương tiện quân sự của Đài Loan, tức Trung Hoa Dân quốc, bằng cả bốn binh chủng, hải quân, không quân, lục quân và lực lượng tên lửa.

Phía Đài Loan họ cũng đưa các lực lượng ra đối phó nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan, cũng như sẵn sàng bảo vệ nền dân chủ và chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc.

Đài Loan cũng chỉ ra rằng lần này, Trung Quốc đã không tuân thủ thông lệ quốc tế là thông báo trước với mọi bên liên quan đến các tuyến hàng hải về việc tập trận có bắn đạn thật.

Báo chí Đài Loan cũng nói, ngoài việc đe dọa chính quyền của đảng Dân Tiến và tổng thống Lại Thanh Đức, Trung Quốc có vẻ còn tranh thủ thời tiết tốt ở eo biển Đài Loan tuần này, nhiệt độ trên dưới 30 độ C, để tập trận.

Cũng có ý kiến từ Đài Loan nói rằng các cuộc diễn tập tăng tần suất trước bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ sắp tới là cách Bắc Kinh thử xem phản ứng của Hoa Kỳ và tạo dư luận rằng nước Mỹ không đáng tin cậy, không sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu có chiến tranh thực sự.

Tuy thế, ngoài Hoa Kỳ, Đài Loan nay còn có sự ủng hộ nhiều hơn trước từ các nước dân chủ như Úc, New Zealand, Pháp, Nhật và cả Anh, qua hình thức luôn lên tiếng bảo vệ quyền tự do hàng hải quốc tế qua eo biển Đài Loan.

Cựu tổng thống Thái Anh Văn cuối tuần qua được CH Czech và Pháp mời sang thăm và bà sẽ tới cả thủ đô Liên Âu là Brussels.

Đây là bước đi vận động sự ủng hộ ngoại giao từ châu Âu cho thái độ mà Đài Bắc muôn đề cao, tức là tự chủ trên thực tế cho Đài Loan, dù hòn đảo không được các nước nói trên công nhận như một chính thể độc lập.

Không có nhận xét nào: