Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :16/10/2024 - Mỹ Loan


Tránh chiến tranh lan rộng ở Trung Đông: Trọng tâm thượng đỉnh Liên Âu-Vùng Vịnh Hôm nay, 16/10/2024, lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu tổ chức họp thượng đỉnh với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, bao gồm 6 nước, Ả Rập Xê Út, Bahrein, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Koweit, Oman và Qatar. Theo nhiều nhà quan sát, nếu như hợp tác kinh tế là chủ đề nổi bật, nguy cơ chiến tranh lan rộng tại Trung Cận Đông là động cơ chính khiến Liên Âu muốn siết chặt quan hệ với vùng Vịnh. Ảnh minh họa: Hội nghị giữa Hiệp hội các nước vùng Vịnh và Liên Hiệp Châu Âu, tại Muscat, Oman, ngày 10/10/2023. AFP - - Trọng Thành
<!>
Tối hôm qua, ngoại trưởng các nước Liên Âu và 6 nước vùng Vịnh họp trù bị cho thượng đỉnh đầu tiên này. Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :

‘‘Các vấn đề kinh tế, thương mại, khí hậu và kỹ thuật số là chủ đề được đưa ra thảo luận. Châu Âu mong muốn tăng cường quan hệ với các nước vùng Vịnh, đặc biệt trong lĩnh vực cung ứng năng lượng, nhưng Quan hệ đối tác chiến lược được triển khai từ năm 2022 giữa hai bên cũng mang lại cơ hội để thảo luận sâu về tình hình ở Trung Đông.

Tại phiên họp đầu tiên tối thứ Ba với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg đã nhấn mạnh nhiều đến việc châu Âu cần đặt Iran đối diện với trách nhiệm của mình tại Trung Đông, và để làm được điều này, hợp tác với các nước vùng Vịnh là rất quan trọng.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell nhấn mạnh đến việc cần phải có sự tham gia của các nước vùng Vịnh. Theo ông, các nước này có chung mối lo ngại với châu Âu vào thời điểm mà xung đột có nguy cơ lan ra toàn khu vực. Ông khẳng định: Chúng ta có cùng chung lợi ích trong việc nỗ lực vì nền hòa bình lâu dài ở Israel, ở Palestine, và toàn khu vực”. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu lo ngại xung đột sẽ lan đến tận vùng Sừng châu Phi, vùng Vịnh Ba Tư hay Biển Đỏ..

Ủy Ban Châu Âu nhiệm kỳ mới hứa thắt chặt chính sách nhập cư
Ủy Ban Châu Âu nhiệm kỳ mới, theo dự kiến bắt đầu từ ngày 01/12/2024, sẽ đề xuất những biện pháp cứng rắn hơn trong chính sách nhập cư, trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu ngày càng chịu nhiều áp lực trong hồ sơ này.


Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (T) và thủ tướng Ý Giorgia Meloni, đến xem xét tình hình tại đảo Lampedusa, nơi có nhiều người nhập cư bất hợp pháp. Ảnh chụp ngày 17/09/2023. AFP - HANDOUT
Thùy Dương
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong một bức thư gửi chính phủ các nước thành viên Liên Âu cho biết bà đã có ý định trong nhiệm kỳ mới đề cập đến 10 vấn đề để vượt qua những khó khăn, thách thức về hồ sơ di dân quốc tế, với các biện pháp « công bằng và cứng rắn ».

Thông báo của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu được đưa ra chỉ một hôm sau khi chính quyền Roma tổ chức chuyến tàu biển đầu tiên chuyển di dân sang trại tiếp nhận người nhập cư trái phép mà Ý lập tại Albanie theo thỏa thuận với chính quyền Tirana. Sáng nay 16/10, con tàu chở 16 di dân Bangladesh và Ai Cập đã cập cảng Shengjin.

Chính phủ của thủ tướng Ý Giorgia Meloni hy vọng sáng kiến chuyển di dân nhập cư trái phép sang các trại tiếp nhận đặt tại một nước ngoài Liên Âu sẽ có tác dụng ngăn ngừa người nước ngoài nhập cư trái phép và làm gương cho các nước khác trong Liên Hiệp. Tuy nhiên, biện pháp này của Roma vẫn chịu nhiều chỉ trích, ngay cả trong nước.

Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir cho biết thêm :

« Các cuộc kiểm tra đầu tiên về danh tính được thực hiện trên tàu Libra để xác minh rằng tất cả những di dân được chuyển đến Albanie đều là những người trên 18 tuổi, không thuộc nhóm người dễ bị tổn thương và đến từ các nước mà chính quyền Ý xem là an toàn, như Bangladesh hoặc Tunisie.

Theo thỏa thuận giữa Ý và Albanie, những người xin tị nạn sẽ nhận được câu trả lời của chính quyền Ý trong vòng 28 ngày. Nếu được cấp quy chế tị nạn, họ sẽ được đưa trở lại các trung tâm tiếp nhận di dân ở Ý. Nếu không, họ sẽ bị trục xuất về nước nguyên quán.

Tuy nhiên, đối với phe đối lập tại Ý, chuyến tầu đầu tiên này có thể đánh dấu bước khởi đầu thất bại của dự án. Các đảng phái trung tả đặc biệt nhắc lại rằng phán quyết của Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu đang xem xét lại danh sách 22 quốc gia mà Ý xem là an toàn và nhận định rằng thủ tục xin tị nạn qua video là một sự phân biệt đối xử giữa các di dân. Elly Schlein, thư ký đảng Dân Chủ nhấn mạnh : « Những người ở Albanie bị đẩy vào cảnh đơn độc và bất lực hơn nhiều ».

Hồ sơ người nhập cư trái phép đã trở thành một thách thức về chính trị và an ninh đối với nhiều quốc gia. Theo Reuters, nhập cư và tị nạn cũng là một nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội Đồng Châu Âu dự kiến diễn ra trong hai ngày 16 và 17/10.

Nhiều thành viên Liên Âu trong thời gian qua cũng thắt chặt các biện pháp kiểm soát di dân. Ví dụ, Đức hồi tháng 09 đã tái lập kiểm soát đường biên giới trên bộ, ở phía tây và bắc của Đức, bao gồm Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch để đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp. Biện pháp này kéo dài 6 tháng. Trước đó, chỉ những người từ các nước ở phía đông và nam (Ba Lan, CH Séc, Áo và Thụy Sĩ) sang Đức mới bị kiểm tra.

Ngày 13/10 vừa qua, chính phủ Pháp thông báo sẽ trình lên Quốc Hội một dự luật mới về nhập cư để bắt đầu thảo luận từ đầu năm 2025. Nhìn sang Ba Lan, thủ tướng Donald Tusk hôm qua 15/10 giới thiệu trước Hội Đồng Bộ Trưởng dự luật tạm ngưng quyền xin tị nạn, trong khi đảng bảo thủ PIS thông báo muốn khởi động một cuộc trưng cầu dân ý về Thỏa thuận nhập cư của Liên Âu, phân bổ di dân đến các nước thành viên.

TT Pháp : " Israel ra đời là do quyết định của Liên Hiệp Quốc"

Quan hệ Pháp – Israel tiếp tục căng thẳng trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa Israel với Hezbollah có nguy lan rộng. Hôm qua, 15/10/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh người đứng đầu chính phủ Israel ‘‘đừng quên là nước Israel đã ra đời theo một quyết định của Liên Hiệp Quốc’’, Israel không nên làm suy yếu định chế quốc tế này.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia bàn về tình hình tại Liban ở điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 01/10/2024. REUTERS - Sarah Meyssonnier
Trọng Thành
Trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, tổng thống Macron đã chỉ trích đích danh thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu. Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Israel sau đó, tổng thống Macron đã ‘‘lên án các cuộc oanh kích bừa bãi của Israel khiến cho tình hình thêm tồi tệ tại Gaza và Liban’’, theo biên bản mà điện Elysée công bố hôm nay.

‘‘Quyết định’’ dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Isarel là nghị quyết 181 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tháng 11/1947, dự kiến thành lập hai nước trên đất Palestine, một quốc gia Israel và một quốc gia Ả Rập. Tuy nhiên các nước Ả Rập và người Palestine bác bỏ nghị quyết này. Israel đã ra đời năm 1948. Chiến tranh Israel - Ả Rập (1948 – 1949) bùng nổ. Về phần mình, nhà nước Palestine chưa bao giờ chính thức được công nhận.

Thủ tướng Isarel đã ngay lập tức phản bác nhận định của tổng thống Pháp. Trong một thông cáo về vấn đề này, ông Netanyahu khẳng định : ‘‘Tổng thống Pháp hãy nhớ rằng : không phải nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép lập ra Nhà nước Israel, mà đúng hơn là chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành độc lập, giành được với sự hy sinh của các chiến binh anh hùng, mà nhiều người trong số họ vừa thoát khỏi trại tập trung phát xít Đức, và đặc biệt là chế độ Vichy, cộng tác với Đức quốc xã tại Pháp’’.

Trên mạng X, ông Yonathan Arfi, chủ tịch Hội đồng đại diện các tổ chức Do Thái Giáo ở Pháp (Crif) cũng tỏ ra đồng tình với thủ tướng Israel, khi chỉ trích tổng thống Pháp : ‘‘Nếu được xác nhận thì những tuyên bố này là một sai lầm, cả về mặt lịch sử cũng như về mặt chính trị’’. Người đứng đầu các hiệp hội Do Thái tại Pháp nêu rõ : ‘‘ Nếu cho rằng sự ra đời của Nhà nước Israel là kết quả của một quyết định chính trị của Liên Hiệp Quốc, có nghĩa là không hiểu được lịch sử hàng thế kỷ của chủ nghĩa phục quốc Do Thái’’, và là một cách để tiếp tay ‘‘một cách nguy hiểm’’ cho các lực lượng bài Do Thái, phản đối quyền tồn tại của Nhà nước Israel’’.

Các tuyên bố của ông Macron chỉ trích thủ tướng Israel được đưa ra trong bối cảnh Paris liên tục kêu gọi Israel ngừng bắn tại Liban và Gaza, đồng thời lên án các cuộc oanh kích của Israel nhắm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Mũ Xanh của Liên Hiệp Quốc ở Liban (Finul). Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot lưu ý các tuyên bố của tổng thống Macron là để nhắc lại ‘‘Israel cũng như tất cả các quốc gia khác cần tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, và luật nhân đạo quốc tế’’.

LHQ muốn mở điều tra “độc lập” về cuộc tấn công đẫm máu của Israel ở Liban

Phát ngôn viên của phủ Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, hôm qua 15/10/2024, kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra “độc lập, nhanh chóng và kỹ lưỡng” về cuộc tấn công của quân đội Israel khiến 22 người thiệt mạng một ngày trước đó ở miền bắc Liban.

 
Các ngôi nhà bị phá hủy do bom đạn của Israel tại làng Aïto, Liban, ngày 15/10/2024. © Hussein Malla / AP
Phan Minh
Trong cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ, ông Jeremy Laurence đã lên án cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái nhắm vào làng Thiên Chúa giáo Aïto. Cuộc tấn công đã giết chết 22 người, trong đó có 12 phụ nữ và 2 trẻ em.

Theo AFP, đây là lần đầu tiên ngôi làng này trở thành mục tiêu oanh kích của không quân Israel, vốn thường tấn công vào các khu vực mà nhóm lính Hezbollah hoạt động mạnh nhất là ở phía nam và phía đông Liban cũng như các vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beyrouth.

Giống như ở dải Gaza, xung đột ở Liban dường như sẽ kéo dài và dân thường cũng ý thức được điều này khi ngày càng có nhiều người quyết định sơ tán sang Syria, theo tường thuật của thông tín viên Jérémie Lanche từ Genève :

Hơn 1,2 triệu người tại Liban chính thức phải sơ tán. Nếu có thể, người dân sẽ tìm nơi ẩn náu trong trường học. Gần 3/4 trong số những cơ sở này đã được biến thành nơi trú ẩn. Những người khác chọn giải pháp di dời đến Syria với 283.000 người trong thống kê cuối cùng, một tuyến đường nguy hiểm về nhiều mặt.

Rema Jamous Imseis, giám đốc Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) khu vực Trung Đông, thuật lại những gì bà thấy : “Chúng tôi đã chứng kiến những cảnh tượng thê thảm. Chúng tôi gặp hai phụ nữ, họ giải thích đã đi bộ cùng với chín đứa trẻ. Họ đi bộ 10 tiếng đồng hồ để đến được biên giới. Một quả bom đã rơi cách nhà họ 100 mét. Họ ra đi mà không có gì, chỉ có bộ quần áo trên người. Đi bộ 10 tiếng mà không có nước, không có thức ăn. Một chuyến đi như vậy đối với người lớn đã mệt lắm rồi, hãy tưởng tượng với chín đứa trẻ.”

Đó là đồn biên giới Masnaa. Không quân Israel đã biến nơi này thành một miệng núi lửa khổng lồ. Tuy vậy, theo đúng nghĩa đen, dân thường vẫn bò trên đống đổ nát để đến Syria. Những người này nghĩ rằng chẳng thà hứng chịu gian khổ còn hơn là chết dưới bom. Một phần tư Liban hiện bị ảnh hưởng bởi lệnh sơ tán do quân đội Israel ban hành. Hôm thứ Hai, 20 ngôi làng ở miền nam Liban nhận được lệnh sơ tán trước khi có thể phải hứng chịu các cuộc oanh kích.

TT Zelensky công bố « kế hoạch giành chiến thắng » trước Quốc Hội Ukraina

Trước chuyến công châu Âu, theo lời mời của Hội Đồng Châu Âu, hôm nay, 16/10/2024, trước Quốc Hội Ukraina, tổng thống Volodymyr Zelensky đã công bố « kế hoạch giành chiến thắng » trong cuộc chiến chống xâm lược Nga. Đây là kế hoạch đã được lãnh đạo Ukraina thông báo hồi tháng 8/2024, dự trù trình bày tại cuộc họp lãnh đạo 50 nước đồng minh của Ukraina, tại Ramstein vào ngày 12/10, thế nhưng cuộc họp rút cục đã bị hủy.


Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu trước Quốc Hội Ukraina tại Kiev, ngày 16/10/2024. © AP/Service de presse de la présidence ukrainienne
Trọng Thành
Theo báo Pháp Le Monde, « kế hoạch giành chiến thắng » bao gồm 5 điểm chính và ba phụ lục, hiện còn được giữ bí mật. Điểm thứ nhất trong năm điểm chính là về « địa chính trị », với nội dung chính là Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO mời Ukraina gia nhập. Thứ hai là về quốc phòng, bao gồm tiếp tục các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga và dỡ bỏ việc không cho phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga.

Thứ ba là về « răn đe » : Kiev đề xuất triển khai trên lãnh thổ Ukraina « hệ thống răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn cầu ». Kế hoạch này đã bao gồm « lộ trình thực thi bí mật », đã được các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Đức hoan nghênh.

Trong nội dung chính thứ tư về kinh tế, Kiev dự kiến « phát triển các tiềm lực kinh tế của Ukraina và tăng cường các biện pháp trừng phạt ». Nội dung này cũng bao gồm « phần thực thi bí mật », chỉ được chia sẻ với các đối tác được chỉ định.

Điểm thứ năm liên quan đến giai đoạn sau chiến tranh, với trọng tâm là việc quân đội Ukraina sẽ có thể sử dụng kinh nghiệm chiến đấu của mình để tăng cường khả năng phòng thủ của NATO và châu Âu.

Về phía Nga, điện Kremlin hôm nay đã bác bỏ « kế hoạch giành chiến thắng » của tổng thống Ukrainan, đồng thời kêu gọi Kiev hãy « thức tỉnh ». Trả lời báo giới, phát ngôn viên điện Kremlin nhấn mạnh, « kế hoạch hòa bình duy nhất có thể thực hiện được là Kiev cần hiểu rằng chính sách của họ không có tương lai ».

Không có nhận xét nào: