Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

SAIGON - KÝ ỨC THÁNG TƯ -


Vừa bước qua cầu Calmette là bạn đã vào thủ phủ của Quận Tư , địa danh vốn nổi tiếng trong giới giang hồ phải e ngại , nếu có lỡ lạc đường lạc vào đêm tối thì khi đi chớ có dại quay đầu lại không biết có chuyện gì sẽ xảy ra ở vùng đất dữ nhiều lành ít này, nội nghe tên đường không cũng đủ ớn xương sống , nè đường Tôn Đản , Tôn Thất Thuyết , Nguyễn Khoái , Bến Vân Đồn ...Quận tư là khu đất hình tam giác bao bọc quanh ba con sông , có cảng saigon và tập trung nhiều kho bãi , tuy nổi tiếng là vùng đất dữ dằn nhưng cũng là nơi đất lành chim đậu , dân tứ xứ đều tới đây an cư lập nghiệp .
<!>
Trời saigon đang bước vào mùa khô tháng tư , nắng nóng đến rát da , rát thịt , nóng đến nỗi người ta ao ước tối ra ngủ dưới trời sương đêm , ai cũng thèm khát một cơn mưa rào bay ngang qua , những giọt mưa li ti lấm tấm bụi mờ đủ làm mát dịu cả khung trời , đủ để người ta nhớ lại một thời dĩ vãng, đủ để ký ức những ngày tháng tư lùa về !

Ngày đó vào buổi trưa hè nóng nực tháng 4 năm 1975 lúc saigon vào biến cố , tôi mới tròn 12 tuổi , những gì còn nhớ lại trong ký ức chính là lúc tôi chạy theo đoàn người vào các kho hôi của ,kho gạo ở Hảng Phân , kho hàng điện máy , vãi vóc ở kho 11 , thuốc men và hàng tiêu dùng ở kho 5 , mãi mê theo chúng bạn tôi đi lạc qua cảng saigon , từng đoàn người lũ lượt kéo nhau xuống tàu để vượt biên qua Mỹ , tôi đang đứng lớ ngớ thì bị dòng người đẫy đi , tôi cố vùng vẫy để quay trở lại nhưng không tài nào thoát được đám đông vây kín , thời may lúc đó ba tôi nghe tin tôi lạc qua cảng saigon nên tới nơi kịp lúc nắm tay tôi kéo ngược trở ra nên tôi thoát được ra ngoài chứ nếu không giờ này tôi đã là Việt kiều yêu nước rồi , bây giờ nghĩ lại tiếc hùi hụi !

Lúc bấy giờ ngoài đường phố vô cùng hỗn loạn , các loại quân trang quân dụng của chế độ cũ vứt đầy ngoài phố , các loại sách báo , tài liệu vứt đầy đường , một số tay lưu manh giả dạng quân giải phóng tay đeo băng đỏ chạy trên mấy chiếc xe Jeep nghênh ngang ngoài phố và cướp của người đi hôi của trong các kho trên đường Trình minh Thế ( bây giờ là đường Nguyễn tất thành ) , một khung cảnh bát nháo , hỗn loạn trong ngày 30 tháng 4 .

Sau ngày hoà bình lập lại ai cũng hồ hơi vì chiến tranh đã kết thúc mở ra một thời kỳ mới không còn đau thương , thù hận ở hai miền , ai cũng vạch cho mình một tương lai sáng lạng ,mơ ước ngút trời , nhưng những ngày tháng sau đó là nạn đói hoành hành , đây là thời điểm cực kỳ khó khăn đã xuất hiện tình trạng ăn độn khoai lang , khoai mì vào trong gạo , điều mà người dân saigon chưa hề bao giờ nghĩ tới 

Thế là ý nghĩ tìm đến vùng đất mới xuất hiện , ngươi ta rỉ tai nhau để lên kế hoạch tìm đường thoát thân , nhất là vượt biên để tìm đến vùng đất hứa , nhưng rồi những câu chuyện đau thương xảy ra trong quá trình vượt biên trên biển mới thấy hết đau thương ,ê chề đã làm chùn bước nhiều người muốn ra đi , nhưng người ta vẫn bất chấp hiểm nguy đang rình rập trên khắp các con đường , bất chấp đến tính mạng để đi đến vùng đất hứa .

Từng đoàn người lần lượt rủ nhau ra đi tôi cảm thấy chạnh lòng , xót xa , hồi nào tới giờ dân saigon đang yên ấm nay phải lìa xa quê hương để tìm đến vùng đất hoàn toàn xa lạ , họ phải nếm đủ mùi đau thương .

Những tưởng hoà bình được lập lại mọi người sẽ an bình , hạnh phúc , nhưng không một lần nữa họ phải dứt áo ra đi mảnh đất mà bao đời nay tạo lập , chưa biết con đường phía trước như thế nào nhưng trước mắt họ đã tránh xa được cái đói .

Sau ngày saigon gặp biến cố 30 tháng 4 được vài ngày , bà Lê Mai là dân di cư ngoài Bắc vào trong nam hồi năm 1954 , bà là hàng xóm nhà tôi , tối đó bà có ghé ngang nhà và ngồi nói chuyện với má tôi lâu lắm , tôi nghe rỏ mồn một :
-chị tư ơi !… chị có dự định gì chưa ?
-dạ là sao hả chị ?
-ừ thì chuẩn bị đi di cư chứ sao nữa !
-sao lại di cư hả chị ?
-chị không biết đấy thôi , tôi ở ngoài Bắc hàng chục năm tôi biết rỏ lắm , khổ lắm chị ơi !
-chị nói rõ hơn được không ?
-bây giờ không tiện nói ra chỉ biết khi ăn một con gà phải giấu lông chứ không là khổ sở đủ điều ! cứ để thời gian sẽ trả lời ...nhưng tôi thành thật khuyên chị hãy ra đi !
-dạ , để tôi nói lại với ông xã tôi xem sao !

Đêm hôm đó cả gia đình bà Mai vượt biên trót lọt và hiện đã định cư ở Mỹ .

Những gì bà Mai nói gia đình tôi nghiệm lại sau này đều đúng cả , hai năm sau đó cả saigon mới biết thế nào là ăn độn, đến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc , tại sao có một thể chế gì đi đến đâu người dân chạy làng đến đó ?

***
Thằng bạn hàng xóm tôi học rất giỏi , cả đời nó ước mơ được trở thành bác sĩ , hôm nó thi đậu đại học y dược cả nhà nó mở tiệc ăn mừng mời tất cả bà con lối xóm vào dự tiệc , nhưng không may hồ sơ nhập học của nó không được duyệt chỉ vì ba nó là trung tá an ninh chế độ cũ saigon , vậy là cái khung trời mơ ước bị đóng sập hoàn toàn , bây giờ chỉ còn lối thoát duy nhất là ra đi .

Đêm hôm đó là đêm định mệnh , nó hẹn tôi và thằng Toàn ra quán cafe cây mận gần nhà để nói lời tạm biệt , nó nhìn tôi trầm ngâm , tư lự dáng vẻ buồn thảm , tôi cũng vậy không biết nói gì rồi đột nhiên nó nắm tay tôi năn nỉ :
-tao chỉ có mày và Toàn là bạn thân chơi nhau từ thuở nhỏ , tao muốn tụi mình chụp vài tấm hình kỷ niệm trước khi mình chia tay , đường đời sau này vạn nẻo biết đến bao giờ gặp lại nhau !
-tao cũng biết đêm nay chia tay sẽ rất khó để mà gặp lại , nhưng mà cuộc sống mỗi người đều có lối đi riêng của mình , chúc mày thành công trên con đường đã chọn !
Nói rồi bọn tôi kiếm bác phó nháy để chụp vài tấm nhưng không may bác đi vắng nên tôi và nó cùng thằng Toàn mãi mãi không có tấm hình nào để làm kỷ niệm , bọn tôi cùng nói chuyện tới khuya ai mới về nhà nấy , không ngờ sau đêm đó nó đã vĩnh viễn ra đi nằm sâu trong lòng đại dương , con tàu vượt biên đêm hôm đó đã bị cơn bão nhấn chìm ngoài khơi xa không một người nào sống sót !…

Dinh van son
Share Lại Người Lính Già TQLC

Buổi điểm danh cuối cùng.


Ngày mới bước chân đến Mỹ, với tuổi mới trên 50, lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, tham gia niềm vui của con cháu mình và con cháu bạn bè, tháng nào chúng tôi cũng phải tham dự một hai tiệc cưới. Bây giờ suýt soát tuổi 80, sắp lên chức "cố," cả năm không còn khăn áo chỉnh tề, lên xe "phó hội" ký tên vào sổ vàng, tươi cười đóng hụi chết, mà áo trắng, cà vạt đen, mặt mày buồn thảm đi viếng tang cũng khá nhiều.

Bạn bè, đơn vị cũ, một thời chinh chiến hay là long nhong thời thơ ấu, ông thì nằm trong nhà hưu dưỡng đã hơn năm, ông thì đi gậy chống, walker hay ngồi xe lăn, ông thì đã thành tro bụi chứa trong cái hũ có khắc tên để trên chùa, hay ra nằm ngoài nghĩa địa với bia mộ đề tên!

Bây giờ không còn vào nhà hộ sinh để thăm cháu ra đời, hay chúc mừng hôn lễ của ai nữa, mà toàn đi nhà dưỡng lão, bệnh viện hay tang nghi quán!

Có người bạn mới gặp ở quán cà phê, tươi vui, yêu đời, vài hôm sau vừa nghe tin đột quỵ. Sau một vài tuần ở bệnh viện và trung tâm phục hồi trở về, bây giờ không còn nói được, tay chân lẩy bẩy, gặp nhau, ứa nước mắt, mà không khóc, sợ bạn buồn nản chí.

Trong nhà hưu dưỡng, đi thăm một người bạn khác, gặp một người bạn biến chứng tiểu đường, mắt đã mù, nằm ở đây đã bốn năm, còn nhớ tiếng nói của bạn mà mừng, nhưng không còn trông thấy nhau nữa. Rồi có người mang ống dẫn tiểu, có người mang tã, có người sống nhờ thức ăn chuyền thẳng vào bao tử, mà phải sống không chối từ, không thể dễ dàng chọn cái chết dù muốn chết.

Tôi cũng biết có trường hợp, anh nằm đây đã trên 10 năm, sau lần "tai biến." Anh mở lớn đôi mắt nhìn tôi, anh nhớ tôi hay không, tôi không rõ, đôi mắt đờ đẫn, mệt mỏi, đầy những chịu đựng. Lần nào vào thăm anh, tôi cũng thấy chị ngồi đó, theo anh suốt một cuộc hành trình dài lâu, mà vẫn như đi một mình. Nhan sắc chị đã tàn phai, thân gầy như xác ve, sức tàn, lực kiệt. Chỉ sợ một ngày nào đó, chị ra đi, bỏ anh lại cho ai? Rồi một ngày, nghe tin anh mất, buồn, nhưng mừng cho chị, từ nay được giải thoát.

Nhưng chỉ ít lâu sau thôi, nghe tin chị cũng theo anh. Chút dầu còn lại trong cây đèn nhỏ đã cạn!

Tuần rồi vào bệnh viện thăm một thằng bạn thời niên thiếu, cái thuở bạn bè mùa Hè nào cũng rong chơi, tinh nghịch mà vô tư, có đêm ngủ lại nhà nhau, mà bây giờ nó nằm đó, hôn mê. Cũng một thời hạnh phúc, cũng một thời đau khổ, cũng vật vã trong chiến tranh, cũng tủi nhục trong tù đày, giờ này đâu còn gì vui buồn mang theo nữa. Thôi ra đi bình yên!

Những người lính cũ dự định tổ chức họp khóa, thời còn sung mãn, một năm một lần, bây giờ ba năm chưa muốn gọi nhau. Ngày trước tập họp vài ba trăm có dư, nay là vài ba chục cũng khó kiếm. Trong điện thoại, ở xa, có bạn nói thều thào không ra hơi, có anh điếc ù phải đeo máy, có người kêu than đau chân đi không nổi, thì làm sao mà họp khóa, điểm danh với anh em được. Ở gần thì đau mắt, không lái xe được, cũng có nhớ bạn thương bè, nhưng sức đã tàn, lực đã kiệt, cũng chẳng còn vui thú gì những lúc gặp gỡ anh em. Thôi đành một tiếng "xin lỗi" là xong!

Trước đó, thăm một anh bạn cùng khóa nhà binh, tuy già yếu, đau ốm trên giường bệnh, nhưng thấy còn lạc quan vui tươi: "Thế nào tháng sau, họp khóa, tôi cũng đến! Lâu quá không gặp anh em!" Lời hứa vui vẻ ấy không ngờ không bao giờ thực hiện được. Chúng tôi "họp khóa" năm ba thằng với anh tại nhà quàn trong ngày tiễn đưa. Rõ ràng là anh có hẹn với chúng tôi là anh sẽ đến, nhưng ở một nơi khác.

Hôm nay họp khóa, chị đã trở thành bà quả phụ, nhận bó hoa từ anh em, nhắc lại như một lời chia buồn. Lần "điểm danh" này, vắng mặt quá nhiều anh em, trong đó có anh. Vắng mặt có lý do - Miễn tố!

Quân số hôm nay đã hao hụt nhiều, phần lớn bất khiển dụng, hoặc được xếp loại 2, nhưng không bao giờ được bổ sung!

Chắc các bạn còn nhớ giờ điểm danh cuối cùng, hay là buổi chào cờ cuối cùng trong đơn vị vào cái Tháng Tư nghiệt ngã của đất nước, rồi anh em, mỗi người một nơi. Có anh em may mắn trôi giạt, sống sót đến xứ người, có người thất thân lâm cảnh tù đày. Đã có bao người chết trong trại tù hung hãn, bao nhiêu người chìm sâu xuống đáy biển oan khiên.

Bây giờ quê người lận đận, mà vẫn có đồng đội, rỗi công đi tìm người thất tán, tái cấu trúc, hay tái bố trí, gọi là đồng môn cùng quân trường, là khóa học, là binh chủng, là đơn vị! Họ gặp nhau, già yếu hơn xưa, tóc đã bạc phơ, câu chuyện ngày cũ, nhớ nhớ, quên quên. Họ gặp nhau mà nước mắt lưng tròng. Nhưng những lần tập họp thưa thớt dần, xa dần, mệt mỏi dần trong ngày tháng phai tàn.

Không phải là một lời nói bi quan, đây có thể là lần điểm danh cuối cùng. Ở tuổi ngoài bảy mươi, cuộc đời còn lại chỉ có thể tính bằng giờ. Nhiều đồng đội đã bỏ anh em đi xa, nhiều người đã không đến. Con số người mất cũng lớn bằng người còn. Răng, tóc, trí nhớ cùng với bạn bè đã bỏ chúng ta ra đi biền biệt.

Tướng MacArthur đã để lại một câu nói để đời: "Old soldiers never die; they just fade away" (Người lính già không chết; họ chỉ phai nhạt dần đi).

Tôi thích và yêu kính những người lính chết trận. Tôi không thích những người lính sống cũng như chết, sống như cái bóng ma. Phải có sự khác biệt của một người lính hy sinh trên chiến địa ngày xưa và một người lính cũ chết trong nhà dưỡng lão. Không thể coi họ như nhau.

Sống mà phai nhạt dần, cho đến một ngày nào đó, không ai còn nhớ đến mình nữa, thì cuộc đời này buồn biết mấy!

Mà thôi, chuyện gì rồi cũng qua, cái gì rồi cũng đến!

Huy Phương.
Kỷ niệm của tôi với Bác Huy Phương…Bác phỏng vấn tôi vài lần trong chương trình “Huynh Đệ Chi Binh” của Bác…ngày Mẹ tôi bác tin Bác mất, tôi bàng hoàng, sắp xếp công việc của tôi để tôi đến đưa tiễn Bác về chung với anh em đồng đội của Bác để mà cùng vui vẻ điểm danh nhau tại nơi khác

Không có nhận xét nào: