Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

TÙY BÚT THẦY ĐỒ - THỦY THỦ


Hà Nam Ninh năm 1978, trong trại giam tù cải tạo miền Nam. Một hôm Hảo và một số anh em được cắt làm vệ sinh tổng quát nơi ăn chốn ở theo định kỳ. Công việc gồm quét rác, cào, hốt. Xong thì anh em chia từng cặp gánh rác đi đổ tại bãi bên ngoài trại, nơi cách cổng chính chừng trăm thước. Cặp Hảo đi hàng thứ tư. Đến bãi đổ rác thì hô một… hai… ba… hất. Cái càng xé rác nhảy xuống, nhồi lên một cái nhẹ rồi lật ngang. Anh bạn của Hảo dùng chân đẩy vào hông nó cho lật úp. Tất cả rác lọt ra bên ngoài. Hảo cúi xuống lật càng xé lên, xỏ cây đòn vào quai để mang về trại bỗng thấy gần đó một cuốn sách to cỡ bàn tay người lớn, bề dày cũng đến gần tấc tây. Cái bìa màu đỏ của nó bị cháy gần hết. Ruột sách ướt nhẹp. Trên trang đầu chi chít chữ tàu. Nhìn kỹ mới thấy đó là cuốn tự điển.
<!>
Tự điển thường là loại sách được biên soạn rất công phu. Người soạn phải bỏ vào đó rất nhiều tâm huyết và hoài bão. Nhìn sách đó thấy dường như nó có hồn.
Anh bạn của Hảo lúc đó đang đứng nhìn về hướng Tây, nơi anh nói là làng Non. Thời anh chín, mười tuổi đã sống ở đó với nhiều kỷ niệm khó quên. Nhìn xong về hướng quê cũ xong, anh vươn vai, uốn éo mấy cái cho giãn gân cốt.
Hảo kéo miệng càng xé đền gần cuốn sách rồi dùng chân mà kín đáo vít nó vào bên trong. Trên đường vào trại, anh bạn đó không hề biết rằng anh ta và Hảo đang gánh một gánh chữ trên vai.

Vào đến lán, Hảo tìm một chỗ thật kín mà cất quyển sách vừa lượm được. Xong thì ra giếng kéo nước rửa mặt, rửa tay chân rồi trở vào lo đến quyển sách kia.
Như đã nói, cuốn sách đã phải hứng chịu sương gió trong nhiều ngày nên mọi trang của nó đều bị ướt; không phơi phong cẩn thận thì sách sẽ bị rã ra. Sau rồi cũng phải tìm cách đóng nó lại cho chắc chắn.
Nhìn cuốn sách, Hảo nghĩ rằng nó đang lắng nghe, và biết rằng đời của nó chỉ tùy vào sự phán quyết của Hảo. Rồi như nghe lời nó than thở: “Tôi bị như thế này vì tôi phải bị như thế này. Ông thương thì tôi còn. Ông không thương thì tôi tiêu.” Tự nhiên Hảo thấy mình thành quan trọng mà rồi nghĩ thương cho mình và thương cho quyển sách kia quá chừng. Hảo thấy mình phải giữ nó bằng mọi giá.
Bắt đầu là phơi. Hảo để nó vào túi một cái áo, mang ra sân phơi rồi vào ngồi ở hiên nhà gần bên mà canh chừng. Khi nắng đổi chiều thì ra quay cái túi có đựng sách vào đúng hướng có nắng. Đêm thì ủ nó trong chăn cho nó… chóng khô. Mất tất cả năm buổi phong phơi và sáu đêm ấp ủ như thế, cuốn sách mới được gọi là… bớt ẩm; nhưng từng tờ sách thì cong queo. Cái này là việc nhỏ. Xếp các trang lại cho ngay ngắn rồi lót đầu nằm chừng vài tuần, vài tháng, vài năm thì dù các trang giấy có bị nhăn hay cong chi cũng phải được uốn ngay lại. Rồi khi xếp trang đầu mới thấy đó là cuốn Hán-Hán Tự điển do tác giả là Vương Vân Ngũ biên soạn và ấn hành năm 1954 tại Hương Cảng. Như vậy, nói theo Tử Vi thì nó sinh năm Giáp Ngọ, nhưng sinh vào tháng nào, ngày nào, giờ nào mà thụ nạn ở tuổi 24?

Hảo đi gặp một bạn mà cũng là thầy Tử vi có tiếng trong trại nhờ xem cho sách một quẻ. Thầy nghe tuổi xong bèn bấm mấy đốt ngón tay, miệng thầy lẩm bẩm những tiếng Tí, Ngọ, Mão, Dậu, tiếp theo là Thìn, Tuất, Sửu, Mùi rồi phán: “Tuổi Ngọ đi với Giáp, mà có nhiều hung tinh thủ mệnh lại có Mã, Khốc, Khách xung chiếu vào đại hạn hai mươi thì coi chừng bị chết yểu. Nhưng nhờ Mệnh vô chính diệu, tuy bị nạn mà có ‘quới nhơn’ phò hộ nên không hề gì.”
Rồi ông thầy hỏi: “Ủa, mà bồ nhờ coi giùm cho ai vậy?”
Hảo chỉ cười rồi biếu ông thầy một bi thuốc lào hiệu 888, ướp sen, loại say, để cơm chiều xong thì thầy bỏ vào nõ điếu, mồi lửa mà kéo.
Đến đó thì Hảo rất mừng. Thầy nói số nó không hề gì. Đó là một cuốn sách hiếm thấy. Cách trình bày rất gọn, không nặng nề. Đặc biệt là Vương tiên sinh có bày ra cách tra chữ Hán theo tứ giác.

Cái dễ sợ của hầu hết tự điển chữ Hán là sự tra chữ mình muốn tìm. Có cách tra chữ theo giọng đọc. Phải học thuộc vần bơ, phơ, mơ và phát âm cho thật đúng giọng mới có thể tra chữ theo lối này. Có cách tra theo bộ. Phải biết chữ mình muốn tìm viết với bộ nào trong những bộ như: thủy, thổ, hỏa, thảo, mộc, quyết, trảo, mịch, cung, hệ, trùng, nữ, vân vân. Lại còn cách tra theo kiểu đếm nét. Phải biết chữ đó viết với mấy nét! Trong chữ Hán, có chữ được viết với đến hơn ba mươi nét! Rủi gặp nạn máy in cũ, chữ bị nhòe, nhìn vào thấy mỗi chữ là một đốm đen như con ruồi. Khi đó đối với ai không thuộc dòng Thiên Tử có chút học vị thì tất cả mấy cách tra phổ thông trên đây đều gây hãi hùng.
Có lẽ bản thân lúc nhỏ đã bị nhiều phen hãi hùng như thế nên Vương tiên sinh mới nghĩ ra cách tra chữ theo tứ giác.
Đọc lời chỉ dẫn ở mấy trang đầu của sách thì thấy cách tra kiểu này gồm ba bước. Đầu tiên là tưởng tượng chữ nằm trong một ô vuông. Kế đó là nhìn từng góc – bắt đầu từ góc trên phía trái, tiếp theo là góc trên bên mặt, rồi góc dưới bên mặt và sau cùng là góc dưới bên trái – thấy có dấu gì trong mấy dấu như: ngang (1), sổ (2), một chấm (3), chữ thập (4), hai ngang một sổ (5), hình vuông (6), góc cạnh vuông (7), mái nhà (😎, một sổ hai chấm hai bên (9). Nếu ở góc chữ không có dấu gì thì đánh cho con số 0. Bước cuối là mở tự điển ra tìm nhóm bốn số đó. Thí dụ như tìm nhóm số 4543 thì thấy có chữ Hán gồm bộ Nữ với chữ Đệ, đọc là Dì, nghĩa 1- thê đích tỉ muội, tức là em gái của vợ, nôm na là dì xấp nhỏ, nghĩa 2-mẫu thân đích tỉ muội, tức là chị hay em gái của mẹ, hay là bà dì ruột. Nhìn nhóm số 4444 thì thấy chữ gồm bộ Nữ với chữ Chi, đọc là Kĩ, nghĩa mãi dâm đích phụ nữ, nói trại ra là chị em ta. Nhóm 4343 có bộ Nữ với bộ Lương, đọc là Nương, nghĩa thiếu nữnói nôm là cô gái, rồi cho thí dụ nương tử quân là nữ quân nhân. Nhóm 9406 có bộ Tâm cạnh bộ Cổ, đọc là Hỗ tức là nhờ cậy.

Biết tính cách đa dụng này của quyển tự điển rách nát mình đang có trong tay, Hảo nghĩ rằng người chủ quyển tự điển sau khi bị mất nó ắt phải tiếc lắm.
Ông ta có thể là một cán bộ trong ban quản lý trại. Khi được lệnh bài Hán vào năm Việt Nam có chiến tranh lưỡng đầu thọ địch, một ở biên giới Tây Nam và một ở Việt Bắc thì người cán bộ đó triệt để vứt sách quí của mình đi. Chủ nhân cũng có thể là một trong số anh em tù cải tạo. Hảo linh cảm cho thuyết thứ hai là đúng.
Từ đó, Hảo nghĩ thêm rằng ông bạn tù này là người rất yêu sách. Hảo tưởng tượng nỗi buồn của ông khi bị mất người bạn đồng hành cao giá này. Rồi từ đó chàng nghĩ đến nỗi vui của ông khi biết có người may mắn tóm được cuốn sách quí của ông bị thất lạc, tân trang tàm tạm, và bảo quản an toàn.
Trong Thánh Kinh Công giáo có đoạn nói về một người chủ chăn một hôm khám phá thấy có một con cừu bị lạc. Ông giữ tất cả bầy lại một chỗ để đi tìm cho bằng được con bị thất lạc mang về. Con người chỉ thật sự thương tiếc những gì không còn thuộc về mình nữa. Thế nhưng trong hoàn cảnh như trên, Hảo không sao rao hỏi để tìm cho ra ai là người chủ thật sự của cuốn sách. Một trong nhiều khuôn vàng thước ngọc ở trại tập trung nào bao giờ cũng là tam không: không thấy, không nghe, không biết.
Từ ngày xí được cuốn tự điển quí giá đó Hảo xem mình như may mắn có được thầy Đồ ngay bên cạnh. Đọc sách thấy có chữ nào không hiểu trọn nghĩa, Hảo bèn kín đáo hỏi thầy là xong. Điều thú vị là thầy đồ của Hảo không mệt mỏi, không giận khi bị hỏi hoài, không câu nệ giờ giấc.
Một anh bạn Hảo có nhặt đâu được mấy trang lẻ trong sách Thiên hồ! Đế hồ! (Trời ơi! Thượng Đế ơi!) của cụ Phan Bội Châu viết thời sống lưu vong ở thành phố Thượng Hải bên Tàu. Anh bạn này trước kia là một cử nhân Hán học. Đọc mấy trang sách lượm được đó, thấy chữ nào quá mắc mỏ thì anh hỏi thầy Đồ. Những câu trả lời của thầy thì thật là… đúng y sách.
Cứ thế mà thầy đồ đã ở với Hảo hơn mười năm. Chữ nghĩa thầy một bồ. Còn Hảo thì xem trước quên sau. Xem sau lại quên trước. Tuổi già lú lẫn. Ai chẳng thế?
Trong suốt thời gian nầy, Hảo không bao giờ nặng tay đối với cuốn sách quí giá đó. Ngay chỗ để nó, Hảo cũng lựa một nơi cao ráo, không bị mưa hắt vào, không lộ liễu khiến ai có thể nhìn thấy. Sau đó, Hảo nhờ anh bạn thân chỉ cho cách đóng sách. Học cách đóng sách xong phải chờ đến dịp Tết ta, trại viên được nghĩ lao động liền mấy ngày, được ăn cơm trắng mới dành một ít cơm đủ dán những tờ sách lại với nhau. Khi hoàn thành sản phẩm thì Hảo lại còn cẩn thận tạo cho sách cái bìa bằng một tấm giấy bao xi măng chàng nhặt được và để dành từ lâu trước đó. Bên ngoài tờ bìa Hảo dùng bút bi viết rồi tô đậm mấy chữ Nam Dược Thảo, nghĩa là Sách Thuốc Nam.

Mỗi lần chuyển trại hay chuyển buồng, cuốn tự điển này luôn đứng đầu trong danh sách những vật bất khả ly thân. Khi đến nơi mới, việc đầu tiên là để nó vào nơi an toàn nhất. Xong mới đến những thứ khác.
Ở địa phương đó, vào thời điểm đó, người tù cải tạo luôn luôn bị động; không khi nào ở đâu luôn được nhiều ngày. Ba tháng là cùng. Đến nơi mới chừng bằng thời gian như thế là bị chuyển đi nơi khác. Việc chuyển trại đúng là cái việc làm hoài thành quen. Thế mà lần nào chuyển trại thì lòng Hảo cũng thấy nao nao.
Hảo có ba bao vải dùng cho việc di chuyển. Một có quay đeo vai; cái bao này được may trong tù bằng một chiếc mền cũ của anh bạn có dư nên tặng cho. Hai bao cói còn lại thì mỗi tay xách một cái là xong.
Bao đeo vai chứa những thứ không thể thiếu. Bao mang bên tay mặt chứa những thứ cần dùng hàng ngày. Bao bên tay trái được dùng đựng những thứ ít quan trọng. Khi đang di chuyển mà bị đuối hơi thì có thể vất nó trước tiên. Rủi bị kiệt sức thì vất luôn cái bên tay mặt. Cái đeo trên vai bắt buộc phải giữ bằng mọi giá. Rồi cứ thế mà đi theo anh em.

Lần di chuyển đó, Hảo nhớ mình đã cho thầy đồ vào cái bao đeo vai và buộc lại cẩn thận. Thời đó, người tù thường được lệnh di chuyển ban đêm. Trời lại đổ xuống cho cơn mưa bụi từ sáng sớm, làm đường thành lầy lội. Mang dép râu mà gặp phải sình thì chân đi một nơi, dép đi một ngả. Gặp trường hợp này, cách tốt nhất là tháo dép ra, buộc chúng chung lại với nhau rồi mang trên vai.
Hai bàn chân trần, ngập trong bùn. Từng ngón chân bên này bấm chặt vào mặt đất cho vững rồi mới lê chân bên kia. Mưa mang khí rét theo gió đêm thổi vi vu. Các ngón tay Hảo ướt sũng, nhăn nheo teo túm. Cái nón vải đội trên đầu mọng nước. Từ đó, nước rỉ ra, len xuống tóc thành từng dòng, bò xuống cổ, qua lưng, rồi từ lưng xuống đùi mà hút hết thân nhiệt. Không lâu sau thì tự nhiên cảm thấy run từ ruột gan, không sức nào kềm lại được. Hai hàm răng cũng khua lặp cặp. Lắng tai nghe thì tứ bề chung quanh đều vang lên những tiếng răng khua vào nhau không ngớt.
Rời trại cũ khoảng tám giờ tối. Đến trại mới năm giờ sáng hôm sau. Đi bộ mười tám cây số trong mưa thì mệt người bã ra. Lúc đến nơi, áo quần ướt mem, người run vì rét. Trời còn tối. Vài ngọn đèn dầu được thấp lên. Thấy thức ăn nhiều gấp hai, ba lần ngày thường. Có cả hủ tiếu xào với một ít thịt heo. Toàn những thức ăn lâu ngày mới nhìn thấy bằng mắt mà không bằng tưởng tượng. Bộ sắp thả tù tết à? Ăn chi nổi. Cán bộ mò đến khuyên: “Cố mà ăn anh em nhé. Vì ngày mai… không có nhiều như thế nữa.”
Thật vậy, người miền Bắc Xã hội Chủ Nghĩa thời đó có điểm lạ. Đó là trước khi hay sau khi làm một công tác quan trọng, như di chuyển, hành quân, học tập chẳng hạn, thì có bồi dưỡng. Tại sao bồi dưỡng? Vì ngày thường trừ số ít những ai hưởng chế độ đặc táo thì mọi người ai cũng bị đói ăn.
Anh em thay bỏ quần áo ướt rồi mặc quần áo khô vào, đi nhận thức ăn đề dành cho buổi sáng. Xong thì lo ổn định chỗ ở.
Trước tiên Hảo mở bao đeo vai ra. Khốn thay, móc cả đồ đạc trong đó ra mà không thấy thầy Đồ đâu cả! Nhớ lại từ đầu, chàng chắc mình có để thầy vào cái bao ưu tiên mang lưng. Đề phòng sách có thể bị ướt vì nước mưa, chàng nhớ đã để nó nằm giữa các quần áo kia mà. Tuổi đời năm đó tuy cũng gọi là “tứ thập nhi bất hoặc”, nhưng trí nhớ làm gì mà bị suy kém đến thế?
Mở tiếp túi bên tay mặt, cái túi quan trọng thứ kế. Trớt huớt! Mồ hôi Hảo tuôn đầy mặt, tuôn ướt cả áo. Cái điều Hảo lo sợ nhất đã thành sự thật? Tay run run mở cái bao cuối cùng thì…y như gặp phép lạ: thầy Đồ đang nằm tênh hênh trong đó. Hảo mừng quên cả mệt, chụp lấy thầy đưa lên ngang tầm mắt nhìn cho thấy rõ đúng là thầy rồi bỏ ngay vào túi áo chàng đang mặc cho chắc ăn xong mới lo những thứ khác.

Gần chục năm sau, một ít anh em được tha về. Một số khác được đưa vào Nam tiếp tục bị giam giữ. Hảo và thầy Đồ thuộc số người còn ở lại.
Số người còn lại này ngày lại càng ít thêm. Lý do thỉnh thoảng có vài anh già yếu được gọi tên tha về. Lúc đó Hảo nghĩ rằng thầy đồ của Hảo còn một đức tính quí nữa là sự trung thành. Nó khiến thầy lẽo đẽo theo từng bước chân Hảo, những bước chân chỉ được rèn luyện để đạp lên chông gai mà đi. Đó là những bước chân đã hiện sẵn đâu từ tiền kiếp mà không bao giờ Hảo dám phủ nhận hay chối từ.
Trong số tù nhân cải tạo ở cùng trại với Hảo lúc bấy giờ có thượng tọa Thích Thanh Long. Tính ít nói, nhưng mỗi lời thầy là một điều tâm niệm, giúp nhiều anh em, trong đó có Hảo, cảm thấy được bình yên trong chốn lao lung triền miên năm này qua năm nọ. Thầy thường khuyên anh em Hảo nên bình tâm chấp nhận mọi thứ dù tốt hay không tốt đã xảy ra trên cuộc đời này. Chấp nhận mà không lên tiếng để biết đâu là cội nguồn của đau khổ, chấp nhận với đành tâm để không nổi loạn chống lại bản thân. Thầy nói với một nhóm anh em Hảo: “Không phải ra khỏi nơi đây là dễ. Và cũng không phải được vào đây là dễ. Phải có cái duyên đi liền với cái nghiệp.” Ôi cái chữ phải mà thầy dùng nó nặng ký sao đâu! Và từ đó anh em nhờ cái chữ phải này mà nhìn cuộc sống trong trại giam với con mắt trầm tư về bản thân mình mà không còn giận hờn đời như trước. Nghĩa là khi bị ngả thì đừng nhìn nơi mình bị ngả mà nên nhìn nơi mình bị trợt chân.

Sau rồi lệnh phóng thích được ban ra. Cái vui này kèm theo nỗi lo to lớn cho Hảo: trong giấy ra trại không có tên thầy Đồ.
Theo luật ban hành cho tất cả trại viên thì người được phóng thích không phép mang một thứ gì ra khỏi trại, ngoài quần áo và thức ăn đi đường do trại cấp phát. Tài liệu giấy tờ, văn bản, sách vở thư từ phải được thiêu hủy tất. Mọi vi phạm có nghĩa là lệnh phóng thích bị hủy bỏ, và người tù liên hệ sẽ coi như mình không còn có dịp may thứ hai về đoàn tụ với gia đình.
Còn hai ngày nữa là xuất trại lần cuối. Thời gian lại qua mau. Cán bộ nhắc lại nhiều lần rằng ngày rời trại, tất cả hành trang cá nhân đều bị khám lần chót tại cổng chính.
Trước kia có một ông bạn được tha trên một danh sách chỉ có độc tên ông. Vài bạn thân nhờ ông mang chui giùm mấy lá thư. Khi ông bạn xuất trại thì chẳng may cán bộ khám thấy đồ cấm, nên giữ ông lại đến mấy năm trời rồi chuyển đi, được tha về nhà hay bị giam ở trại khác, không ai biết. Đàng nầy Hảo lại mang không phải thư chui mà là cả một cuốn sách chi chít những hàng chữ trong ngôn ngữ của lân bang phía Bắc mà lúc bấy giờ không còn bạn hữu, nên phải bị nghi là hoạt động tình báo cho địch. Với tội này, bản án kế tiếp sẽ là tử hình.
Buổi sáng ngày ra trại thấy có chừng năm sáu chục phóng viên báo chí đến chứng kiến. Tất cả họ thuộc các nước Tây phương – không một ai thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Họ ào vào bên trong trại, được phép tiếp xúc với tù nhân bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ai biết tiếng gì nói thứ tiếng đó. Một cặp vợ chồng phóng viên người Pháp đến chào Hảo.
Người chồng nói tiếng Việt rành rẽ: “Chúng tôi ở Bangkok, làm việc cho tuần báo Paris Match của Pháp xin hỏi một câu. “Gia đình ông ở đâu trước khi ông đi vào trại ?”
Hảo trả lời: “Sài Gòn.”
Ông ta vừa cười vừa lắc lắc đầu, nói: “Tức là Thành Phố Hồ Chí Minh. Cái tên 5 chữ đó dài và khó đọc quá hả?”
Hảo nói: “Chúng tôi quen với cái tên Saigon. Tưởng ông cũng thế”.
Rồi Hảo hỏi:” Ông học tiếng Việt ở đâu mà nói rành quá vậy?”
Trả lời: “Tôi và bà … xã học tiếng Việt ở trường bên Pháp. Học theo cách ráp các vần A, B, C lại đàng hoàng mà. Chúng tôi nói được ba giọng Bắc, Trung và Nam.”
Rồi tiếp: “Ông có biết ông và các bạn ông ra trại lần này rồi không được ở nhà lâu hay không?”
Hảo hỏi lại: “Ông muốn nói chúng tôi sẽ bị bắt giam lại sao?”
Bà vợ ông ta nói thay: “Không đâu. Người Mỹ mua các ông cả rồi. Các ông sẽ bị phóng trục, tức là phóng thích để rồi bị trục xuất. Chúng tôi làm nghề báo nên biết cả.”
Chuyện nghe lạ tai, nhưng phản ứng tự nhiên theo chuẩn thức trong tù, chàng chuyển sang đề tài khác, hỏi: “Sau việc này thì ông và bà đi đâu nữa?”
Bà trả lời: “Vào Nam.”
Hảo hỏi: “Bằng tàu bay?”
Ông chồng cười lớn tiếng, nói: “Giỡn mặt hoài, anh Hai? Chúng tôi đi theo chuyến tàu hỏa đưa quí ông đi Nam. Trước kia, mấy lần mua vé tàu bay, nhưng khi lên thì thấy ghế mình đã có người ngồi rồi.”
Đến lúc ra trại lần chót, Hảo xách một bao mang vai và một túi nhỏ theo anh em sắp hàng hướng ra cổng chính. Trong túi vải nhỏ đó có cuốn tự điển đang nằm chờ cơn thử thách cuối cùng. Nhưng Hảo đã hứa không bỏ thầy Đồ, và từ lâu chàng đã sống với lời hứa đó. Hảo sợ trong một lúc chỉ biết lo cho thân mình mà bỏ thầy, về sau khi luống tuổi mà nhìn lại mình, chàng sẽ bị luôn dằn dật nội tâm. Mặc dù việc riêng, chỉ có Hảo với thầy Đồ biết, nhưng sao bỏ lại cho đành? Lúc đó, thật tình mà nói, Hảo quí thầy hơn thức ăn hay tiền bạc.
Lúc đến phiên Hảo sắp mở túi hành lý của mình ra cho cán bộ trại khám thì có nhiều phóng viên đứng gần bên, đưa máy phim lên quay. Đèn chớp lóe lên từ bốn phía. Người trước nhích lên một bước. Hảo cũng nhích lên theo một bước.
Hảo chỉ đưa bao mang vai lên mặt bàn rồi lẹ tay mở nó ra. Túi con đựng cuốn sách thì bỏ nằm ở mặt đất. Nếu tình thế căng quá, Hảo sẽ đứt ruột dùng chân đẩy nhẹ chiếc túi vải đựng quyển sách sang một bên là xong.
Người cán bộ một mắt nhìn sơ mớ đồ đạc của Hảo, một mắt liếc về phía phóng viên báo chí đang dương máy lên chụp. Rồi anh ta nhìn Hảo, nheo một mắt, miệng tươi cười rồi khoát tay cho đi.
Sau khi ra bên ngoài, sắp được về nhà với gia đình, Hảo quay nhìn trại giam lần cuối. Bên trong còn lại khá nhiều anh em giờ đó không biết đang nghĩ gì về người, về mình.

Hơn mười năm lận đận với nhau, cùng được nuôi bằng một loại thức ăn vật chất, cùng mang một nỗi suy tư, cùng thở một bầu không khí, cùng có một niềm hãnh diện đối với lương tâm chính mình, cùng biết nhau, biết từng tên, biết rừng tâm tính. Lúc chia tay thấy ruột gan mình như bị dao cắt dọc ngang. Quê hương, đất nước và con người, cả ba ràng rịt với nhau thành một tình yêu ngang với lòng ái quốc, nên đâu dễ bỏ nước mà đi. Ôi quê hương mến yêu. Bao nhiêu xương máu người dân đã bị hi sinh cho cuộc chiến tương tàn trong hàng bao nhiêu năm mà con người vẫn chưa được yên lành. Còn phải trả thêm gì nữa cho xong món nợ dự phần làm nước mất nhà tan?
Hơn chục xe ca đưa hơn hai trăm anh em Hảo ra ga Phủ Lý vào buổi chiều. Lên toa xe ngồi đến nửa đêm thì tàu chuyển bánh.
Trên đường xuôi Nam chuyến cuối năm, khi ngang qua đèo Ngang, người trưởng đoàn tàu, một cựu nhân viên hỏa xa miền Nam trước kia, có nhã ý ngừng tàu lại gần mươi phút cho anh em Hảo… ngắm cảnh bà Huyện Thanh Quan tả trong bài thơ Qua Đèo Ngang bà viết từ khoảng hai thế kỷ trước.
Đoàn tàu nằm vắt ngang đèo như một con sâu khổng lồ.
Lúc bấy giờ vào khoảng ba giờ chiều. Nắng vàng hoe. Cái thứ nắng này từ đâu ra mà trong như thủy tinh, nhẹ nhàng và đẹp lạ lùng. Trên lưng chừng đồi hai bên đèo bỗng xuất hiện nhiều bó củi khá to đang từ từ bò xuống. Nhìn kỹ thấy dưới mỗi bó củi có bà cụ già hay một đứa bé đang gồng mình lên mà đi! Quần áo ai ai cũng vá đùm vá đụp. Nhìn cảnh mà sao lòng tự nhiên đau nhói. Có thời Hảo và anh em cũng phải lên núi lấy củi bó thành những bó to như thế rồi vác xuống chân núi để mang về trại nên biết rõ cái khổ cực của công việc nặng nhọc đó. Nay thì anh em và Hảo có thể sẽ chuyển hướng, về nhà kiếm sống bằng một nghề khác. Nhưng những bà cụ già và những chú bé con kia thì sẽ phải tiếp tục gồng vai vác củi như thế cho đến bao giờ! Khi những người vác củi đi gần đoàn tàu, nhìn dung nhan của các phụ nữ nhăn nheo đậm nét, và của các cậu thiếu niên cũng bắt đầu chạy chỉ dọc ngang, nhiều anh em quay mặt.

Người trưởng đoàn tàu nói: “Đây là chuyến tàu xuyên Việt cuối cùng trong năm nên không sợ xe khác chạy ngược tuyến này. Không có gì mừng các chú các bác. Chỉ có mấy phút phù du ngắm cảnh, nhờ qua nữ sĩ Thanh Quan, đã vào văn học của ta mà không cứ phải hễ là người Việt Nam thì là có thể được nhìn.”
Ôi tâm tình và tấm lòng người Việt Nam còn biết thế nào là tử tế!
Cái đẹp của đèo Ngang nói mấy cũng không cùng. Cái đẹp hoang tàn vẫn là cái đẹp thường thấy ở của quê hương ta. Hơn ba mươi năm trước còn là chú bé ngồi ghế nhà trường ê a đọc bài thơ Qua Đèo Ngang trong sách quốc văn giáo khoa thư. Ai ngờ khi tóc bắt đầu hoa râm thì được tận mắt nhìn cảnh đó. Những người bạn tù đồng hành trong thập dư niên cũng đang lặng người mà nhìn không chớp mắt. Ngày xưa Nam tiến, nơi đây còn in dấu chân tổ tiên. Hồn phách tiền nhân như còn phảng phất khấp nơi, còn cảm hoài đối với muôn đời hậu thế.
Anh em Hảo trở về đời sống thường dân với niềm hãnh diện dâng cao và một tâm hồn hoàn toàn lắng xuống. Hãnh diện vì biết rõ mình là ai và đã học được chữ nhẫn nhiệm mầu. Qua bao năm tháng sống trong gian nan, chàng đã hiểu phần nào ý nghĩa thâm diệu và sự cần thiết của khổ đau cũng như thấy được sự thinh lặng của tâm thức là bước đầu của giải thoát.
Sau khi về nhà, ổn định cuộc sống hàng ngày, Hảo sắp quyển tự điển vào chung với những cuốn sách quí trong gia đình Hảo. Ngày ngày Hảo nhìn cuốn tự điển đó với nỗi vui riêng. Nó là duy nhất trong loại đó. Nó là thầy dạy của Hảo nhiều năm. Nó đã hủ hỉ ở với Hảo trong khá nhiều năm. Hảo đã rùng mình khi qua cổng chính lúc ra trại lần cuối. Hảo Nghĩ cuốn sách cũng cảm thấy nỗi rùng mình đó.
Từ đó Hảo có lời nguyện khác: xin cho mình được gặp người chủ đích danh của cuốn tự điển đó để hoàn nó lại. Hảo quí những sách của mình bao nhiêu thì Hảo tin rằng ông ta cũng quí sách của ông ta bấy nhiêu. Hảo ưng được nhìn thấy nụ cười của người chủ đó khi nhìn lại cuốn sách của ông ta bị thất lạc từ hàng nhiều chục năm. Nhưng ông ta là ai? Nếu còn sống thì ông ta ít ra tuổi cũng…nhi nhỉ thuận hay cổ lai hi rồi. Lâu quá mà. Trái đất hình tròn nhưng trái đất so với con người cũng thật bao la. Đi tìm người đó cũng khó như đi tìm quê hương của vợ Từ Thức.
Ngày cất bước đi định cư, Hảo mang ông Đồ theo, nhưng không cho nó vào va li mà lại bỏ nó trong túi áo gió mang luôn trên người. Máy bay đưa Hảo đi hơn nửa vòng trái đất. Lời nguyện còn đó mà hi vọng thì có mong manh. Nhưng ở đời hễ có chí thì nên, Hảo không bao giờ thất vọng. Tại Mỹ, phòng Hảo ở có một giá sách. Nơi đây những sách thủ đắc sau này được sấp thứ tự chung với thầy Đồ. Toàn những cuốn in ấn rất đẹp, chắc chắn. Nhưng cưng thì Hảo vẫn cưng thầy đồ hơn.
Đứng chung với các sách thuộc thế hệ trẻ sau nầy trông thầy hom hem quá. Hảo để thầy đứng ở hàng đầu trên kệ sách, chỗ thật trang trọng lại gần ngọn đèn, nhìn vào nhận ra thầy ngay. Mỗi ngày nhìn thầy, Hảo đều nói thầm xin thầy xui khiến cho Hảo gặp được người chủ cũ. Con chó còn biết ai thương ai ghét nó. Huống hồ gì là một quyển sách đầy đặc chữ nghĩa thánh hiền.
Một năm, hai năm, ba năm, bốn năm, năm năm rồi qua năm thứ sáu. Có lúc mềm lòng Hảo muốn đổi ý. Sách nầy dùng quen, tìm chữ nhanh. Lời mình nguyện thì có ai nghe đâu. Thôi thì giữ lấy mà dùng. Dễ quá. Nhưng nếu làm thế, mỗi ngày nhìn mình trong gương lúc rửa mặt thì khó cho nhau lắm. Năm thứ sáu sấp hết mà người chủ đó vẫn biệt mù sơn dã.

Một buổi chiều điện thoại nhà Hảo reo. Cầm ống nghe lên thì có người nói: “A lô! Có phải nhà anh Hảo không?”
“Vâng, tôi là Hảo đây. Xin lỗi tôi đang được tiếp truyện với ai?”
“À, tôi là Thanh trước cùng anh ở Nam Hà đó. Nhớ ra chưa? Nhớ những ngày anh em mình ra hiện trường lao động ngay chân đồi của trại; buổi trưa nghỉ giải lao, ngồi núp nắng dưới mấy bụi chuối, anh em mình bắt chuồn chuồn, xong thả nó bay rồi mình cười với nhau hay không?”.
Lời ông bạn lôi Hảo trở lại thời còn trong trại cải tạo, anh em sống với nhau hồn nhiên như trẻ con thời thơ ấu ra vườn bắt bướm, hái hoa, vui cười với nhau suốt buổi. Rồi có hôm toàn đội lao động lên rừng theo kế hoạch “ém quân” theo nhu cầu của trại, anh em còn tạo ra cảnh ngày xưa đi cắm trại bên bờ suối; đi câu cá, nấu nướng ăn uống với nhau; và quần áo anh nào cũng vá đùm vá đụp.
Rồi ông Thành tiếp: “Thứ Bảy này có giáo sư Lê Hữu Mục từ Canada sang nói chuyện về tiếng Việt ở phòng họp báo Người Việt. Anh có thích đi nghe thì sang đây cùng đi với tôi.”
Tôi đang tìm hiểu về nguồn gốc tiếng Việt. Nghe ông Thanh nói thế, mừng quá, tôi trả lời: “Xin anh cho tôi số điện thoại và địa chỉ của nhà anh. Tôi đến đón anh cùng đi.”
Anh Thanh và Hảo từng ở tù cải tạo chung với nhau hơn mười năm. Cả hai nằm trong số tù được tha về cùng ngày, nhưng mỗi người về hai nơi cách nhau hàng trăm cây số. Sau đó thì Hảo không biết anh sang Mỹ từ bao giờ, ở đâu và cũng không hiểu làm thế nào anh biết số điện thoại của Hảo mà anh gọi đúng phóc. Về sau mới biết anh là cái hộp thư. Khi cần liên lạc với bạn tù cũ nào mà không biết số điện thoại, Hảo hỏi anh là có ngay.
Ngày đi nghe giáo sư Mục nói chuyện, Hảo đến nhà anh Thanh sớm hơn một tiếng đồng hồ; mục đích hỏi tin tức về các anh em khác và nhắc chuyện cũ năm xưa.
Gặp Hảo, anh nói: “Tôi thích tiếng Việt Nam lắm. Ai học tiếng gốc Roman như Anh, Pháp, Tây, Bồ thì phải biết tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp. Còn ai học tiếng Việt, Nhật, Đại Hàn thì nên học tiếng Hán. Mỗi chữ Hán mà một bức tranh, nhìn người ra người, chim ra chim, ngựa ra ngựa. Hồi bắt đầu đi tù cải tạo, tôi kêu nhà tôi gửi cho tôi một quyển tự điển Hán Hán. Tên cán bộ quản giáo nó thấy được bèn tịch thu sách của tôi. Tôi xin chuộc bằng tiền nó cũng không ưng, nói đốt rồi vứt ra bãi rác.”
Lời anh Thanh nói, gây một cảm giác ớn lạnh trong xương sống Hảo.
Hảo hỏi: “Sách gì mà quí thế.”
Anh trả lời: “Tự điển của Vương Vân Ngũ, tôi mua ở Hong Kong năm 1955, tra chữ theo tứ giác, rất tiện lợi. Mất rồi tiếc quá. Sang đây tôi đỏ mắt tìm loại sách đó ở các hiệu sách ở đây mà chưa thấy.”
Sách tự điển của Hảo đang có cũng do tác giả Vương Vân Ngũ soạn. Lời nguyện sắp được thành rồi chăng?
Hảo hỏi tiếp: “Sách anh to cỡ nào? Có dấu gì đặc biệt không?”
Anh Thanh nói: “To bằng bàn tay, dày gần tất tây. Ở trang nào có hai số cuối cùng năm sinh của tôi tôi đều ký tên.”
Quyển tự điển của Hảo đang có cũng có nhiều nét chữ viết tay bên trong. Như thế là có đến hơn chín phần mười là đúng.
Hảo đang đối diện với ông chủ của “Thầy Đồ.” Tim chàng nện thình thình trong lồng ngực.
Chàng hỏi: “Nếu bây giờ có ai nói đang có quyển tự điển của anh trong tay thì anh nghĩ sao?”
Anh nói ngay: “Làm gì có chuyện đó. Tên cán bộ đó nói nó đốt sách tôi rồi, và đến nay là đã hơn hai mươi năm. Họa chăng chỉ có phép lạ.”
Hảo lặng thinh.
Sau khi nghe giáo sư Mục nói chuyện xong, Hảo đưa anh Thanh về lại nhà anh ở đường Magnolia, Garden Grove, rồi phóng xe chạy về nhà mình tận trên Los Angeles.
Vào nhà, chàng đến giá sách, cầm “Thầy Đồ” lên thì ở mỗi trang có hai số cuối là 22, chàng thấy có chữ ký bắt đầu bằng chữ T. Hảo liền quay số gọi anh Thanh xin hẹn ngày cho Châu Hoàn Hợp Phố. Anh cho ngay cái hẹn ngày hôm sau lúc 8 giờ sáng.
Trong đêm đó Hảo nghĩ đến lúc phải thật sự chia tay cùng ông Đồ mà cảm thấy buồn buồn, buồn nhưng không tiếc. Chàng đã chứng minh được rằng kiên trì cầu nguyện với thiện tâm thì có ngày lời nguyện sẽ thành. Từ lâu chàng tin như vậy và đó là lần chàng thấy được niềm tin chàng ký thác vào quyển sách là đúng đắn. Nghĩa là phải tin mới có thấy. Và có thấy mới càng thêm tin.
Hôm sau chàng đến đúng hẹn để trao quyển tự điển về cho cố chủ.
Nhìn lại quyển sách của mình sau hơn hai mươi năm bị thất lạc, anh bạn mừng đến chảy nước mắt. Anh nhờ cậu con mang máy ảnh ra chụp hình kỷ niệm ngày về của thầy Đồ.
Anh nói: “Nhìn lại quyển tự điển của tôi và biết nó đã từng ở trong tay anh là tôi mãn nguyện lắm. Anh quen dùng thì xin anh tiếp tục giữ lấy mà dùng.”
Hảo phải nói ngay: “Không được. Tôi đã hứa, và hàng ngày đã cầu xin cho lời hứa đó được viên thành. Tôi đâu làm ngược lại được điều tôi đã xin. Của Ceasar thì phải được trả về cho Ceasar. Thật sự mà nói, tôi chỉ muốn nhìn thấy nụ cười của anh sau khi được lại quyển tự điển mà anh hằng yêu quí. Sau này khi đọc sách mà gặp chữ nào khó hiểu thì tôi xin được sang nhờ Thầy chỉ bảo. Được thế là quí lắm rồi.”
Rồi chỉ vài tuần sau đó, giáo sư Lê Phụng, ông bạn của Hảo, từ Canada sang chơi. Nghe qua câu chuyện Châu Hoàn Hợp Phố trên đây, ông nói: “Moa có nhiều tự điển chữ Hán. Từ Hải thì moa cũng có đủ bộ, nhưng chưa hề nghe loại sách ‘Tứ giác’ đó.”
Hảo đưa ông bạn giáo sư sang nhà anh Thành, mang “Thầy Đồ” ra giới thiệu với giáo sư. Ông bạn mở sách ra xem vài trang rồi nói đó là loại sách quí, ông chưa hề thấy! Vài hôm sau ông về lại nhà bên Canada.
Đúng 2 tuần lễ sau, Hảo nhận một gói quà gửi từ Canada. Mở ra thấy đó là một quyển tự điển Tứ Giác mới toanh, của Vương Vân Ngũ tái bản, trong đó có đúng 9990 chữ cái.
Trong bức thư kèm theo, giáo sư viết: “Moa về nhà không quên được chuyện Thầy Đồ của toa. Câu chuyện đó chứng minh đức tin có thể dời non lấp biển. Cái may của quí toa là vào tù để thấy được đức tin và sự bình yên trong tâm hồn sau khi được có dịp trả phần nào cho cái nghiệp của mỗi người.
Moa kể chuyện này cho một ông bàn già của moa nghe. Ông ta nói đó là chuyện ngẫu nhiên. Moa hỏi: “Ngẫu nhiên mà với lời cầu nguyện liên tục, mỗi ngày trong sáu, bảy năm trời thì sao gọi là ngẫu nhiên cho được. Phải gọi là hiển nhiên chứ. Ông ta làm thinh.
Hôm qua moa đi lục các hiệu sách một lần nữa thì tình cờ gặp hai Thầy còn sót lại trong một hiệu sách lớn nhất ở đây.Moa mời cả hai về nhà, một trả sách về cho ông chủ cũ, và một cho moa.”
Câu chuyện Châu Hoàn Hợp Phố trên đây không là duy nhất.
Giữa năm 2007, một hôm có anh bạn báo tin vắn tắt: “Này, tôi nghe trên báo hàng ngày và hàng tuần có người nhắn tin tháng Tư năm 1975 ông ta có nhặt được một phong bì đựng hồ sơ cá nhân của anh, gồm nhiều giấy tờ cùng hình ảnh quan trọng. Anh nên liên lạc số điện thoại (714)… hay (626)… xin nhận lại. Họ nói cam đoan không làm khó dễ. Nhanh đi, người ta đang chờ đó.”
Từ lâu lắm rồi, Hảo quen xem mọi thứ trên đời, cả xác thân mình, cũng là hư ảo. Hồ sơ cá nhân để làm gì khi tuổi hạc đã lấp ló ngoài hiên. Tin trên được nghe qua rồi bỏ.
Sang năm 2008, lại có người báo y chang tin như thế. Hảo cho đó là chuyện hoang đường.
Đầu năm 2009, có anh bạn khác cũng báo tin y như trên, nhưng rõ ràng hơn là “Đài phát thanh ngày… loan tin đang giữ toàn bộ hồ sơ cá nhân của anh trong quân ngũ trước năm 1975. Yêu cầu ai biết anh còn sống, nay ở đâu thì thông báo giùm kẻo tội nghiệp. Điện thoại liên lạc số (714)… Nhanh lên nhé. Đời không có hay người may mắn như anh.”
Rồi cuối tháng Ba cùng năm, ba ông bạn khác gọi liên tiếp báo tin trên, lời lẽ mạnh bạo hơn. Một ông nói: “Tin đài phát thanh… nói hồ sơ, giấy tờ quan trọng, hình ảnh gia đình của anh trước 75, nay có người còn giữ. Tụi bạn nói có báo tin đó cho anh mà anh … mũ ni che tai. Người ta đã nghĩ đến anh, mặc dù chưa biết anh là ai, và đã bỏ công giữ hồ sơ đó trong trong 34 nằm dài. Tài liệu đó lâu nay như đứa con mồ côi và bị thất lạc. Anh đã tạo nó ra mà. Khùng ít thôi, để phần cho tụi này khùng nữa chứ.”
Thế là “Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết,” lời anh em nói quá chí tình. Hảo nhận thấy lỗi của mình to hơn quả núi, nên liên lạc các số điện thoại xin nhận toàn bộ giấy tờ đó. Khi nhìn lại những tờ giấy, những ảnh nay đã trổ màu thời gian, Hảo ứa nước mắt. Hằng bao lâu qua chúng vẫn nằm một chỗ, yên lặng chờ chàng.
Người trao hồ sơ cho Hảo, nói: “Tôi chỉ là người trung gian mà thôi. Ông liên lạc ông Du ở số điện thoại (626…) này, để biết rõ hơn”. Hảo cũng cần gặp người này để nói cảm nghĩ của mình, nhất là lời cám ơn lòng tốt của ông.
Trên đường dây điện thoại với người từng giữ những hồ sơ đó, Hảo nghe tiếng người đàn ông: “Trời ơi! Trời ơi! Ông đó hả? Tôi là Du… Trong 34 năm, tôi tìm các cách để trao lại toàn bộ hồ sơ đó cho ông. Tốn bao nhiêu tiền tôi không tính. Số là trên đường di tản tháng Tư năm 75, khi đến Thái Lan, tôi tình cờ nhặt được trọn bộ tài liệu cá nhân của ông. Tất cả đoạn đường 20 năm chiến binh của ông nằm ở đó. Nó cho thấy vinh quang lắm lúc mà gian khổ cũng không vừa gì, mặt nào cũng có cả, trong nước cũng như ngoài nước. Sao đành bỏ qua cái quá khứ đó. Khi nghe một anh lính nói lý do ông phải ở lại với đơn vị, tôi bỗng nghĩ bằng mọi giá, tôi phải giữ hồ sơ đó mong có ngày gặp ông để trao lại, nếu không thì trao cho thân nhân của ông cũng được. Đó là tâm nguyện của tôi.”
Ông Du… tiếp: “Mai này tôi phải đi xa có việc cần. Khi trở về tôi xin được gặp ông sau, được không? Tôi có số điện thoại của ông trong máy của tôi rồi.”
Việc gì cũng phải có đầu, có đuôi, Hảo hỏi: “Ông Du, có biết ai là người cuối cùng có trong tay các hồ sơ đó hay không?”

Ông Du..: “Tôi hỏi những người có mặt tại Thái Lan lúc đó thì có người nói chính anh tài xế của ông giữ. Khi nghe ông Minh Cồ tuyên bố buông súng, thấy mọi người đều bỏ chạy, anh ta tưởng ông cũng bỏ chạy mà chưa kịp về phòng lấy gì mang theo nên anh ta xẹt qua nhà ông, lục trong tủ không thấy gì ngoài mớ giấy tờ đó. Thế là anh ta chụp lấy, mang xuống tàu trước cho ông. Khi khi tàu tháo dây, trên bờ còn quá đông người mà không thấy ông, nghĩ rằng ông bị chúng “bùm” rồi nên anh ta bèn nhảy lên bờ, chạy đi tìm ông, rồi không thấy trở lại nữa.”
Người lính ông Du nói đó đã theo Hảo trong hơn chục năm trời.
Về sau, khi biết Hảo ra khỏi trại tập trung, anh có tìm Hảo, mời về nhà anh, một hiệu bán phở ở gần Lăng Cha Cả trước năm 1975. Kinh doanh làm ăn phát đạt, con cái đứa đi học, đứa có nghề nghiệp sống được. Nhưng anh không hề nói cho Hảo biết gì về chuyện buổi chiều ngày 30 tháng Tư năm đó…
Thì ra ông bà tổ tiên người Việt nói rất đúng. Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân. Của cho đi không bao giờ mất, và người giỏi tất có người giỏi hơn. Khi nuôi dưỡng Thầy đồ trong 28 năm, Hảo tưởng mình đã là người kiên nhẫn có hạng. Nhưng ông Du.. Đã kiên trì giữ túi hồ sơ giấy tờ của chàng trong gần ba con giáp, mà còn tốn tiền đăng báo thuê đài đi tìm người trong bao nhiêu năm trời.
Tìm đâu ra được tấm lòng tử tế, vô vị lợi, và nhân hậu như thế!
Cũng làm sao tìm đâu ra người trong cơn nguy biến, đã nhảy xuống tàu để di tản được rồi mà còn nhảy lên như thế; chuyện nghe mà không khỏi bồi hồi suy nghĩ!

Thầy đồ
Tùy bút: Thủy Thủ.

Không có nhận xét nào: