Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Nhắc Nhở Ngày Mai: Giỗ Tổ Hùng Vương! Kính Chuyển Tin & Bài Tháng Tư Đen và Tin Việt Nam Hôm Nay - Lê Văn Hải


Nhắc Nhở Thứ Bảy Ngày Mai: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương! “Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ Mồng Mười Tháng Ba!” -Hầu như người Việt Nam nào, ai cũng thuộc câu ca dao này, câu này được học từ nhỏ, thời tiểu học. Hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch (năm nay, ngày Tây, rơi đúng vào Thứ Bảy (ngày mai), tuần này! ngày 10 tháng 4 năm 2023)
<!>


Ngày này, con dân đất Việt ở khắp mọi nơi, đều hướng lòng về Quốc Tổ Hùng Vương, nhất là về đất Tổ Phú Thọ, nơi có đền thờ và bia tưởng niệm các vua Hùng. Để nhớ về nguồn cội, cảm tạ các Tiền Nhân đã có công lập quốc, giữ nước, thành dân tộc Việt, với những trang sử oai hùng chống ngoại xâm, để lại cho con cháu một dải giang sơn gấm vóc, tồn tại trên 4 ngàn năm! Không một tấc đất nào về tay ngoại bang!

(Càng tự hào truyền thống Cha Ông bao nhiêu, càng căm thù CSVN bấy nhiêu, hết nhường đất biên giới, biển đảo, đặc khu…còn nuôi âm mưu bán nước cho Tầu Cộng, chỉ cần đạt mục đích “còn đảng còn mình!”)

Thời VNCH, trước 75, đây là Ngày Quốc Lễ! ăn mừng rất lớn. Hành động VNCH giữ nước, với trận chiến “Hoàng Sa!” Thà chết, chứ không để một tấc đất nào lọt vào tay giặc! Ra hải ngoại, cộng đồng người Việt khắp nơi, cũng giữ được truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tốt đẹp này, nên luôn luôn có những sinh hoạt, để nhớ đến Tổ Tiên dòng giống Lạc Hồng.


Chút Lịch Sử Đời Hùng

Theo truyền thuyết, triều đại Hùng Vương có 18 đời vua. Hùng Vương thứ nhất lên ngôi vào năm 2879 trước Công nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, truyền đời đến năm 258 trước Công nguyên, thì mất ngôi vào tay Thục Phán An Dương Vương.

Như vậy, triều Hùng trải qua trong khoảng 2.600 năm, nếu chia trung bình cho 18 đời vua thì mỗi đời vua xấp xỉ 150 năm.

Giải thích điều hơi khó hiểu này, một số học giả cho rằng thực chất 18 đời vua Hùng không phải là 18 cá nhân cụ thể, mà là 18 chi, mỗi chi này có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Ngay cả con số 18 cũng chỉ mang tính tượng trưng, ước lệ, vì 18 cộng lại là 9 con số thiêng đối với người Việt.

Như vậy, theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương. Bằng chứng đẽ tìm thấy cột đá thề, đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương. Xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Quốc Tổ trao lại, nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập!".

Các đời vua khác sau này cũng luôn ghi nhớ, khẳng định vai trò các vua Hùng trong việc xây dựng giang sơn Đất Việt. Chính vì thế mà hàng năm, người Việt dành một ngày để mừng và tưởng nhớ những người đã lập và xây dựng nên đất nước. Trong tinh thần nhớ về Cội Nguồn “Chim có tổ, người có tông!”


Tại Sao Lăng Vua Hùng Lại Ở Phú Thọ

Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê, thì từ thời nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê, các vua và người dân địa phương, đều đến lễ bái các vua Hùng. Vua đã giao thẳng quản lý Đền Hùng cho dân tại đó rông nom, sửa chữa, cúng bái. Và có bổn phận tổ chức ngày giỗ 18 đời Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch mỗi năm.

Để đền bù công lao gìn giữ, tổ chức, dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng, nhiều quyền lợi khác.

Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định. Bộ Lễ chính thức gửi công văn đến tỉnh Phú Thọ, chính thức lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, cử hành "quốc lễ" hàng năm.

Ngày Giỗ này, vua và các quan phải mặc phẩm phục, lên đền Hùng cúng tế rất trang trọng.


Truyền Thuyết Con Rồng Cháu Tiên

Hay còn gọi sự tích Trăm Trứng Trăm Con, nhằm giải thích về nguồn gốc dân tộc, cũng như đề cao lòng tự hào và tinh thần đoàn kết của Người Việt Nam.

Câu chuyện có tính cách “thần thoại” như sau:

Ngày xưa, ở miền đất Lạc Việt, cứ như bây giờ là Miền Bắc nước ta, có một vị thần thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng, thường ở dưới nước, thỉnh thoảng lên sống trên cạn, sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ.

Thần giúp nhân dân diệt trừ Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh, là những loài yêu quái bấy lâu tung hoành, làm hại dân lành. Thần dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi. Xong việc, thần thường về thủy cung, khi có việc cần, thần mới hiện lên.

Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Nghe tiếng vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ, tò mò bèn tìm đến thăm.

Duyên tiền định, Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đèm lòng yêu thương. Rồi trở thành vợ chồng, cùng nhau chung sống trên cạn ở điện Long Tráng.

Ít lâu sau, Âu Cơ có mang (bầu), đến kỳ sinh nở. Chuyện thật lạ, nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng! nở ra một trăm con! Con nào con ấy hồng hào, đẹp đẽ lạ thường. Hay hơn nữa, đàn con không cần bú mớm, mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh như thần.

Thế rồi một hôm, Lạc Long Quân vốn quen ở nước, cảm thấy mình không thể sống mãi trên cạn được, đành từ biệt Âu Cơ và đàn con, để trở về thủy cung. Âu Cơ ở lại một mình nuôi đàn con, tháng ngày chờ mong, buồn tủi. Cuối cùng nàng gọi chồng lên và than thở.

– Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi đàn con nhỏ?

Lạc Long Quân nói:

– Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là giòng tiên ở chốn non cao. Kẻ ở cạn, người ở nước, tính tình tập quán khác nhau, khó mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn.

Âu Cơ nghe theo, rồi cùng nhau chia tay nhau lên đường.

Người con trưởng được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.

Triều đình có tướng văn, tướng võ, con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mỵ nương, khi cha chết thì được truyền ngôi cho con trưởng, gần 29 đời truyền nối ngôi vua đều lấy danh hiệu Hùng Vương, không hề thay đổi.

Cũng bởi sự tích này mà về sau, người Việt Nam chúng ta đều là con cháu vua Hùng, Đều từ một bọc trứng mà sinh ra, Cùng gọi nhau là “Đồng Bào!” (từ một bào thai) vầ tự hào mình là Con Rồng Cháu Tiên!


Bằng Giây Phút Này, 48 Năm Về Trước!

Không Bao Giờ Quên! 30/4 Ngày Đen Tối Nhất Lịch Sử VNCH!

* Ngày 28-4-1975 – Có một tốp phi cơ Dragonfly A37 (của miền Nam Việt Nam Cộng Hoà) do phi công Nguyễn Văn Lục và Nguyễn Thành Trung dẫn đường, đã xuất phát từ phi trường Phan Rang, bay về Sài Gòn. Nguyễn Thành Trung thả bom hai lần, lần đầu y thả ở dinh Độc lập bằng F5, y cất cánh từ phi trường Biên Hoà. Lần sau vào chiều 28/04/1975 Trung dẫn đầu 1 phi đội, 4 chiếc A37 cất cánh từ phi trường Phan Rang, bay vào thả bom ở phi trường Tân Sơn Nhất.

Nhiều tiếng nổ long trời lở đất đâu đó vang rền, khói lửa ngùn ngụt bốc cháy đỏ đen nghịt. Sân bay Tân Sơn Nhất to lớn đồ sộ sầm uất nhất miền Nam Việt Nam đến thế, có F5, hoặc A15, A37, C130. Mà chỉ còn có một số ít bom Daisy Cutters, những phi cơ dân sự thường dùng trong nội địa, phi cơ dân sự cũ từ thời Pháp để lại dùng bay ra ngoại quốc. (không kể những phi cơ quân sự hiện có).


Giới Thiệu Sinh Hoạt: Thánh Lễ Tưởng Niệm Biến Cố 30 Tháng 4/1975. Lúc 10 Giờ Sáng Thứ Bảy (Ngày Mai) Tại Đền Thánh Tử Đạo Việt Nam, San Jose.




Chuyện Ít Người Biết! Bí Mật Lịch Sử Tháng 4 Năm 1975: Trung Quốc Định Tung Lính Dù Nhảy Xuống Biên Hòa Chặn Bắc Việt?


(Hình: Tổng thống Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972.)

-Việc Trung Quốc tìm cách can thiệp chính trị vào Miền Nam Việt Nam ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam là điều không mới, nhưng một kế hoạch can thiệp ở cấp độ “quân sự”, với việc tung vào hai sư đoàn Nhảy dù để đánh chặn Quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, lại là điều ít người biết đến.

Bí mật lịch sử này lần đầu được Tiến sĩ sử học George Jay Veith tiết lộ trong phần “Tay chơi cuối cùng: Trung Quốc” (“The final actor: China”,) thuộc chương 24, “Ta sẽ tuốt gươm” (“I will draw out my sword”,) trong sách “Tuốt kiếm Viễn chinh” (Drawn Swords in a Distant Land) xuất bản năm 2021. Cuốn sách “Tuốt kiếm Viễn chinh” được Tiến sĩ Jay Veith phát triển từ luận án Tiến sĩ sử học ông bảo vệ tại Monash University, Úc Ðại Lợi. Nhân dịp 30/4, RFA phỏng vấn Tiến sĩ Jay Veith về bí mật lịch sử này.

RFA: Trong sách “Tuốt kiếm Viễn chinh” (Drawn Swords in a Distant Land), ông đã trình bày những tư liệu lịch sử chưa từng được ai công bố trước đây, thu thập được từ cuộc phỏng vấn với nhân chứng Nguyễn Xuân Phong. Xin ông cho biết tại sao lời kể của nhân chứng này lại quan trọng? Tại sao trước đây, ông Phong chưa từng công bố điều này?

George Jay Veith: Nhiều nhân chứng và nhà nghiên cứu đã nói về những can thiệp chính trị của của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào Miền Nam Việt Nam ở giai đoạn cuối của cuộc chiến. Nhưng trong các cuộc phỏng vấn của tôi với ông Nguyễn Xuân Phong, bao gồm phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn qua email, ông ấy đã cung cấp cho tôi một kế hoạch can thiệp ở cấp độ quân sự của Trung Quốc vào Nam Việt Nam ở giai đoạn cuối của cuộc chiến.

Có lẽ đây là lần đầu tiên điều này được tiết lộ bởi một nhân chứng lịch sử có thẩm quyền. Ông Nguyễn Xuân Phong là một nhân chứng lịch sử. Ông ấy là Quốc vụ khanh, Phó phái đoàn hòa đàm Việt Nam Cộng Hòa tại Paris từ 1968 đến 1975. Ông ấy xác nhận với tôi việc Trung Quốc liên lạc với ông để xây dựng một kế hoạch can thiệp trực tiếp bằng quân sự để ngăn cản Việt Nam thống nhất.

Ban đầu, ông Phong miễn cưỡng kể cho tôi các câu chuyện lịch sử mà mình là nhân chứng. Nhưng sau khi tôi tiếp tục gửi cho ông những tài liệu vừa được giải mật trong khoảng thời gian đó, cuối cùng ông ấy đã đồng ý kể cho tôi câu chuyện.

Sau 1975, ông ấy bị đi tù. Những người Cộng sản Việt Nam không phải là không biết gì về kế hoạch can thiệp của Trung Quốc. Họ tra vấn ông ấy về quan hệ giữa Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc. Nhưng ông không trả lời, và sau này cũng không nói gì về điều đó, vì muốn bảo vệ những nguồn tin và nhân chứng liên quan. Ông ấy không bị tra tấn, nhưng họ từng đánh ông trọng thương một lần vì ông chỉ nói ngắn gọn là không biết gì về điều đó.


(Ảnh AP: Ông Nguyễn Xuân Phong tại hòa đàm Paris.)

RFA: Ông Nguyễn Xuân Phong kể cho ông nghe về những sự kiện và hoạt động nào vào cuối cuộc chiến? Những hoạt động nào trong số này có liên quan đến sự can thiệp của Trung Quốc vào Miền Nam Việt Nam?

George Jay Veith: Ông Nguyễn Xuân Phong cho biết vào những ngày cuối của cuộc chiến, cả phía Bắc Việt và Trung Quốc đã liên lạc với ông.

Phía Bắc Việt bắn tin cho ông, cho đại diện của Pháp (tướng Paul Vanuxem,) và một số nhân vật khác, rằng nếu ông Dương Văn Minh không được đưa lên nắm quyền trước ngày 26/4/1975, họ sẽ san bằng Sài Gòn bằng hai mươi ngàn viên đạn pháo.

Còn phía Trung Quốc cũng cho người đến gặp ông để đưa ra một kế hoạch can thiệp quân sự nhằm ngăn chặn Bắc Việt chiếm Miền Nam Việt Nam. Mục đích của Trung Quốc là ngăn chặn một Việt Nam thống nhất.

Kế hoạch của Trung Quốc, theo lời kể của ông Phong, là trước hết xây dựng một liên minh giữa chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Sau khi có liên minh này, Tổng thống Dương Văn Minh sẽ đưa ra lời thỉnh cầu quốc tế giúp đỡ. Nhân cơ hội đó, Pháp sẽ hồi đáp bằng cách đưa vào Miền Nam Việt Nam một “lực lượng quốc tế” với danh nghĩa bảo vệ chính phủ mới, nhưng trong cái gọi là “lực lượng quốc tế” này sẽ có “hai Sư đoàn lính Dù của Trung Cộng”. Hai sư đoàn Dù này sẽ được thả xuống Biên Hòa.

Sau khi nhận tin từ phía Bắc Việt, ông Phong đã trở về Sài Gòn gặp Tổng thống Trần Văn Hương, người kế nhiệm sau khi ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21/4/1975, để cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến có khả năng diễn ra ngay tại Sài Gòn.

Sau đó, ông Phong gặp ông Trần Văn Đôn (lúc đó là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng,) ông Trần Ngọc Liễng (đại diện của ông Dương Văn Minh, và là một tình báo của phía Bắc Việt, sau 1975 là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), và một đại diện của Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để bàn về giải pháp xây dựng một chính phủ liên hiệp giữa Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Ông Phong cho biết trong cuộc gặp này, ông đã nói rằng Pháp và một số nước khác sẽ hỗ trợ chính phủ mới. Nhưng ông không nói ra thông điệp mà Trung Quốc muốn ông chuyển đến Sài Gòn.

Về kế hoạch của Bắc Kinh, ông Phong giải thích trong lần tôi phỏng vấn ông năm 2006 và 2008 rằng Bắc Kinh cho ông biết họ cần bốn ngày để điều quân và đưa quân đến căn cứ Không quân. Theo ông, tính toán của Bắc Kinh là họ không muốn trực tiếp ra mặt, không muốn tạo ra hình ảnh mình là bên ngang nhiên mang quân vào Miền Nam Việt Nam. Trung Quốc muốn tạo ra một vở kịch trong đó người Pháp mới là diễn viên chính can dự vào đó. Pháp sẽ kêu gọi một quốc gia tham gia “lực lượng quốc tế” do mình đứng đầu để “giúp đỡ” chính phủ liên hiệp giữa Việt Nam Cộng Hòa và Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam còn Trung Quốc sẽ tham gia vào. Trung Quốc nói rằng họ cần đưa quân vào để ngăn chặn đà tiến công của quân đội Bắc Việt nhưng cũng không thể đóng quân lại Miền Nam quá lâu, vì họ không muốn bị buộc tội là có âm mưu chiếm đóng.

Ông Nguyễn Xuân Phong cho tôi biết là Trung Quốc, mà cụ thể là phái viên của Chu Ân Lai, lần đầu tiếp xúc với ông vào tháng 12 năm 1970.

Theo tôi, kế hoạch can thiệp quân sự của Trung Quốc mà ông Nguyễn Xuân Phong tiết lộ trước khi qua đời năm 2017 là một trong những bí ẩn. Bí ẩn này sẽ được làm sáng tỏ hơn nữa nếu các nhà nghiên cứu tiếp cận được những tư liệu lịch sử chính thức mà các chính phủ liên quan công bố.


(Ảnh:Lực lượng Nhảy dù của PLA trong lễ kỷ niệm 10 năm chiến thắng 1949-1959. Lực lượng này được Đặng Tiểu Bình và Lưu Bách Thành thành lập năm 1947.)

RFA: Làm thế nào để kiểm tra tính chính xác của những câu chuyện ông Nguyễn Xuân Phong kể lại?

George Jay Veith: Hiện tôi chưa có nhiều tư liệu chính thức của các bên để xác minh thêm những gì ông Phong nói với tôi. Nhưng có nhiều người đã kể những câu chuyện liên quan về việc Trung Quốc cố gắng thuyết phục Tướng Dương Văn Minh trong những ngày cuối cùng là hãy yêu cầu sự giúp đỡ của Trung Quốc để cứu Miền Nam Việt Nam. Tôi tin rằng điều đó đã xảy ra. Tuy nhiên, ý định thực sự của Trung Quốc là gì vẫn còn là một bí ẩn. Có vẻ như Hà Nội cũng đã tin rằng Trung Quốc có một kế hoạch như vậy. Họ đã tra khảo ông Phong về điều đó.

RFA: Trong sách “Tuốt kiếm viễn chinh”, ông có nói Trung Quốc còn tiếp xúc với cả ông Nguyễn Cao Kỳ và tìm cách tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Thiệu nữa?

George Jay Veith: Không rõ chính xác thời điểm Trung Quốc tiếp cận ông Nguyễn Cao Kỳ vì ông ấy không nói cụ thể lắm. Đại khái vào tháng 9 năm 1975, ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn William Buckley trên tờ Firing Line, kể rằng Trung Quốc đã cử đặc vụ đến tận nhà ông tại Sài Gòn vào khoảng cuối năm 1972. Họ đề nghị ông ấy đảo chính ông Thiệu rồi “tuyên bố Miền Nam Việt Nam trung lập, không thân Mỹ cũng không thân Nga”.

Theo ông Kỳ kể lại, Trung Quốc “không muốn bị hở sườn phía Nam, vì bị Bắc Việt, một vệ tinh của Nga trấn giữ”. Rồi đến tháng 12 năm 1975, ông Kỳ cũng kể lại lần nữa chuyện này trong một bài phát biểu ở Mỹ, được tường thuật trên tờ Baltimore Sun, ngày 6 tháng 12 năm 1975. Nhưng tôi không hiểu tại sao ông Kỳ không nhắc đến vụ này trong sách của ông.

Ngoài tìm cách tiếp xúc với ông Kỳ, Trung Cộng còn tìm cách tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, họ trao trả tù binh Việt Nam Cộng Hòa qua ngả Hồng Kông và gửi thông điệp qua Tổng Lãnh sự Việt Nam Cộng Hòa ở Hồng Kông tới Tổng thống Thiệu, yêu cầu thu xếp một cuộc hội đàm bí mật. Năm 2007, tôi phỏng vấn ông Jim Eckes, một bạn thân của ông Nguyễn Xuân Phong và là Giám đốc một hãng hàng không ở Sài Gòn lúc đó. Gia đình ông Jim sống ở Hồng Kông và ông ấy đi lại giữa Hồng Kông và Sài Gòn thường xuyên. Do đó, Tổng Lãnh sự Việt Nam Cộng Hòa ở Hồng Kông nhờ Jim chuyển thông điệp của Trung Quốc về cho ông Thiệu. Ông Jim Eckes kể tôi nghe là ông lại chuyển thông điệp cho Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam Cộng Hòa, và thông điệp “nằm chết” tại đó.

RFA: Tại sao Trung Quốc hỗ trợ Bắc Việt trong suốt cuộc chiến nhưng không muốn Bắc Việt chiến thắng? Các nhà nghiên cứu trước đây đã nói gì về điều này?

George Jay Veith: Trung Quốc muốn Việt Nam bị chia nhỏ ra. Họ muốn Bắc Việt không quá mạnh, vì lúc đó họ nhìn thấy Việt Nam và Liên Xô có thể sẽ ký một Hiệp ước liên minh.

Kosal Path, Phó Giáo sư sử học tại Trường Đại học Brooklyn (Brooklyn College), nhận định rằng “giới nghiên cứu chia sẻ một nhận định chung là các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 1973 đã càng ngày càng lo ngại việc Hà Nội nghiêng về phía Mạc Tư Khoa”.

Lo lắng này của Trung Quốc hình thành trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Trung Quốc và Liên Xô trong khối Cộng sản trở nên khốc liệt từ thập niên 1960s. Hai cường quốc Cộng sản này đã giao tranh dọc biên giới vào tháng 3 năm 1969. Đến tháng 5 năm đó, Ấn Độ và Bắc Hàn đã đồng ý tham gia liên minh với Liên Xô chống Bắc Kinh. Trung Quốc lo ngại họ sẽ nguy hiểm về an ninh nếu có thêm Bắc Việt Nam ở phía Nam của họ tham gia liên minh này. Do đó, việc Bắc Việt Nam lấy thêm được Nam Việt Nam sẽ đi ngược lại lợi ích của họ.

Nhà báo Nayan Chanda trong cuốn sách “Người anh em thù địch” (Brother Enemy: The War After the War,) xuất bản năm 1986 cũng viết rằng Bắc Kinh đã “thực thi một cách nhất quán chính sách duy trì tình trạng chia cắt của Đông Dương bằng mọi giá. Họ cũng ngăn chặn các cường quốc khác hiện diện. Để làm điều này, họ thực thi thủ thuật “ngoại giao thầm lặng”, cố gắng gây ảnh hưởng kinh tế, và tất nhiên, không loại trừ sức mạnh quân sự”.

Khi tiếp xúc với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Alexander Haig để tiền trạm cho chuyến thăm tới Trung Quốc của Tổng thống Nixon tháng 2 năm 1972, Chu Ân Lai đã làm cho Haig sửng sốt khi khẳng định rằng: “Các ông đừng thua ở Việt Nam”, và rằng Trung Quốc “xem việc Hoa Kỳ thất bại và rút quân khỏi Đông Nam Á là nguy hiểm đối với Trung Quốc”.

RFA: Xin cảm ơn Tiến sĩ George Jay Veith đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Tệ Nạn Buôn Người: 2 bé gái 12 và 14 tuổi bị chủ quán karaoke ở Quảng Nam bán ra Hà Nội
(Thạch Lam)

-Một chủ quán karaoke đã mua 2 bé gái 12 và 14 tuổi từ Tây Ninh vào làm việc cho quán của mình tại Quảng Nam, sau đó bán họ ra Hà Nội.


(Ảnh: Viện KSND Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”)

Viện KSND Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi” với khung hình phạt 12-20 năm tù.

Theo cáo trạng, Trần Thị Gái (SN 1969, quê Quảng Nam) là chủ quán karaoke Diệu Hiền ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Giữa tháng 12/2020, bị can Gái đăng trên mạng, tuyển nhân viên cho quán của mình.

Thấy thông tin này trên mạng, ngày 14/12/2020, qua tài khoản Facebook Huyền Heo, Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1996, quê Tây Ninh, đã bỏ trốn) liên hệ với bị can Gái, trao đổi việc muốn đưa 3 nhân viên nữ tuổi từ 12 đến 14 sang cho Gái.

Nếu đồng ý theo đề nghị của Huyền, bị can Gái phải chuyển 216 triệu đồng là khoản tiền 3 nhân viên này còn nợ Huyền.

Thỏa thuận xong, Huyền đưa 3 nữ nhân viên sang cho bị can Gái xem mặt trước. Sau đó, Gái chỉ nhận 2 người, người còn lại nghi dùng CCCD giả nên Gái không nhận. Cộng với tiền xe, Gái trả cho Huyền 166,3 triệu đồng tiền mua 2 nữ nhân viên.

Khi bắt đầu vào làm việc, 2 nữ nhân viên bị ép phải viết giấy vay tiền chủ quán, một người ghi vay 88 triệu và một người ghi vay 77 triệu đồng và phải cam kết làm đến khi trả hết nợ.

Ba ngày sau khi nhận việc tại đây, hai nữ nhân viên thấy công việc không hợp nên không muốn làm nữa. Vì vậy, Gái tìm quán karaoke khác để rao bán hai nhân viên này với giá 166 triệu đồng nhằm thu lại số tiền đã bỏ ra mua.

Gái nhờ Trần Tuấn Cảnh đăng tin lên nhóm Tuyển nhân viên karaoke, với nội dung: “Bên mẹ em có hai bé nợ 166 triệu đồng, quán nào có nhu cầu cần nhân viên làm Tết thì bên mẹ em sẽ nhượng lại”.

Trong lúc chờ bán, vì sợ 2 bé gái bỏ trốn, Gái đã cử Nguyễn Bảo Ngưng (SN 1996, nhân viên của Gái) đưa 2 bé gái này đi tìm quán karaoke chuyển nhượng. Tuy nhiên, không quán karaoke nào ở Tây Ninh và Bình Phước nhận.

Cuối năm 2020, thấy có tài khoản “Bin Tây” ở Hà Nội liên lạc, đồng ý nhận 2 bé gái này vào làm việc, Gái đặt vé máy bay cho Cảnh và Huỳnh Chí Bảo đưa 2 nhân viên ra Hà Nội và dặn dò cả hai chấp nhận lỗ, chỉ cần 140 triệu, sẽ trả công 10 triệu đồng.

Chiều ngày 26/12/2020, cả nhóm 4 người ra tới Hà Nội. Đến đầu giờ chiều hôm sau, có 2 thanh niên đến nhà nghỉ đón, Cảnh cùng Bảo thuê taxi đưa 2 nhân viên đến phố Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) và gặp 2 thanh niên khác.

Tại đây, Bảo và Cảnh đưa giấy vay nợ và CCCD của 2 nhân viên cho 2 thanh niên này và đề nghị trả tiền. Trong lúc mọi người nói chuyện, một trong 2 bé gái đã nhờ một nam thanh niên đang đứng ở đó giải cứu.

Sau đó, có 2 thanh niên khác tới, chở 2 nữ nhân viên và đồ đạc đi, đồng thời lúc này có khoảng 6 người khác ngăn cản không cho Cảnh và Bảo đuổi theo.

Khi 2 thanh niên chở 2 nữ nhân viên đi đến nhà nghỉ thì hướng dẫn các cô gái này đến công an trình báo. Theo lời khai của 2 bé gái này, ngày 31/12/2020, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt tạm giam bà Gái, Cảnh, Bảo, Ngưng. Đến ngày 9/1, Dũng bị bắt.

Qua điều tra, bị can Gái khai nhận hành vi mua bán 2 bé gái trên và tự nguyện bồi thường cho gia đình mỗi nạn nhân số tiền 30 triệu đồng.

Đối với Nguyễn Thị Thanh Huyền cùng một số người liên quan khác, cơ quan công an sẽ tách hồ sơ, tiếp tục điều tra để xử lý.


Chuyên Gia Quốc Tế: Rủi Ro Về Thể Chế Ảnh Hưởng Đến Tăng Trưởng Kinh Tế


(Hình: Nông dân đang làm đồng bên cạnh các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội hôm 6/3/2023.)

-Chuyên gia quốc tế nhận định những rủi ro trong nội tại bao gồm rủi ro về thể chế, già hóa dân số, những vấn đề về thị trường vốn và lao động đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Báo Nhà nước trích lời ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của ADB, nhận xét về kinh tế Việt Nam.

Nhận định này được đưa ra khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) và Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2023 hôm 26/4/2023.

Theo báo cáo mới, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng cao hơn hầu hết các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á. OCDE dự báo, GDP của Việt Nam có thể tăng 6,5% trong năm 2023 và duy trì tốc độ 6,6% trong năm 2024. Các chuyên gia quốc tế, trong báo cáo, nhận định rằng mức độ mở của kinh tế Việt Nam đang khiến quốc gia này đang phải đối mặt với những bất ổn về địa chính trị và những gián đoạn của dây chuyền cung ứng.

Ông Vincent Koen, chuyên gia của OCDE, được trích lời trông báo cáo nói rằng: “Những cải cách hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, mở rộng hệ thống về lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho Việt Nam tiếp tục con đường phát triển kinh tế và xã hội và có thể hưởng lợi đầy đủ từ sự hòa nhập sâu vào thương mại toàn cầu”.

Theo báo cáo, dù Việt Nam đã thành công trong việc xóa đói giảm nghèo thời gian qua, nhưng dân số già nhanh sẽ là gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế và tài chánh công.

Các chuyên gia quốc tế trong báo cáo mới cũng thúc giục Chính phủ Việt Nam đầu tư hơn nữa vào việc đào tào nhân sự trong lĩnh vực kỹ thuật, mở cửa thị trường viễn thông cho các nhà đầu tư ngoại quốc, đặc biệt gia tăng việc áp dụng thực hiện các quy định mới nhằm giảm những cản trở đối với nhà đầu tư ngoại quốc.


Việt Nam Phê Duyệt Hiệp định Bảo Hiểm Xã Hội Với Nam Hàn Sau Hơn 1 Năm Ký Kết



(Hình: Công nhân Việt Nam vẫy cờ Việt Nam và Nam Hàn khi đoàn của Thủ tướng Nam Hàn Lê Hae-chan đến Hà Nội năm 2005.)

-Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Hiệp định song phương về Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Nam Hàn, theo đó cho phép người lao động hai nước được quyền đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam và Nam Hàn để được xét hưởng chế độ lương hưu và không bị đóng trùng 2 lần.

Báo nhà nước hôm 26/4/2023 cho biết Nghị quyết phê duyệt được Chính phủ phê duyệt vào ngày 24/4 vừa qua.

Hiệp định đã được hai nước ký từ ngày 14/12/2021. Hiệp định gồm 5 phần, 24 điều, được ký kết để tránh đóng hai lần Bảo hiểm xã hội với một người lao động và thời gian đóng sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau.

Cụ thể, thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội của người lao động hai nước sẽ được tính là tổng thời gian đã đóng ở Việt Nam và Nam Hàn, là căn cứ để Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Nam Hàn xét hưởng chế độ lương hưu cho người lao động. Mức hưởng chế độ từ quỹ của mỗi nước chi trả cho người lao động khi về hưu sẽ căn cứ vào thời gian và mức đóng của người lao động, công thức tính được quy định theo luật pháp của mỗi quốc gia.

Nam Hàn là một trong những thị trường xuất cảng lao động truyền thống và trọng điểm của Việt Nam, bên cạnh Nhật Bản, Đài Loan. Trong năm 2022, xứ Kim Chi đã tiếp nhận gần 10.000 lao động từ Việt Nam (theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).


Cựu Giám Đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Bị Tạm Giam Do Những Sai Phạm Liên Quan Đến Đóng Mới Tàu Đánh Cá Cho Ngư Dân


(Hình: Tàu đánh cá của ngư dân ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi hôm 19/8/2022.)

-Cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh này bắt tạm giam vào ngày 25/4/2023, do những sai phạm liên quan đến chi hỗ trợ đóng mới tàu đánh cá cho ngư dân theo chính sách của Chính phủ, gây thiệt hại ngân sách hơn 35 tỉ đồng.

Truyền thông nhà nước dẫn lời Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào ngày 26/4 cho biết, ông Trần Văn Cường bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đây là vụ án đang được Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mở rộng điều tra liên quan đến một người có tên Lê Minh Xuân và những người khác phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Mua bán hóa đơn và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước khi ông Cường bị bắt, đã có 5 viên chức khác của tỉnh này bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Những người này bao gồm: Nguyễn Đức Hoàng (Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); Đinh Cao Thượng (Phó phòng Quản lý Nghề cá và Cơ sở Dịch vụ Hậu cần Nghề cá của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); Đào Hồng Đức (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Tàu đánh cá Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Nguyễn Vũ Hà (Trưởng phòng Trung tâm Đăng kiểm Tàu đánh cá Tổng cục Thủy sản) và Nguyễn Quốc Công (đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm Tàu đánh cá Tổng cục Thủy sản).

Những sai phạm xảy ra vào năm 2020 liên quan đến việc đóng mới năm tàu đánh cá của ngư dân. Điều tra của công an được báo Nhà nước trích đăng cho biết, những viên chức tỉnh này đã không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong quá trình giám sát, thi công, thẩm định, cấp giấy tờ pháp lý và giải quyết hồ sơ ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ đóng mới tàu.

Năm tàu đánh cá dù đang trong giai đoạn thi công, chưa hoàn thiện nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu đánh cá, Sổ đăng kiểm tàu đánh cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu đánh cá, Giấy phép khai thác thủy sản… dẫn đến ngân sách nhà nước chi hỗ trợ cho ngư dân theo Nghị định số 17 sai quy định.


Công An Tp. HCM: Các Tiếp Viên Vietnam Airlines Bị “Lợi Dụng” Mang Ma Túy Về Nước


(Hình: Tang vật được Hải quan thu được từ hành lý của các tiếp viên Vietnam Airlines tại phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, hôm 16/3/2023.)

-Vào ngày 26/4/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Tp. HCM thông tin chính thức về vụ 5 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển ma túy từ pháp về Việt Nam và bị Hải quan phát giác tại Phi trường Tân Sơn Nhất hồi ngày 16/3.

Thông tin chính thức được đưa ra một ngày sau khi truyền thông nhà nước ngày 25/4 loan tin 55 người bị khởi tố và hơn 50 người bị bắt trong vụ này.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Tp. HCM cho biết trong quá trình mở rộng điều tra vụ án, cơ quan này đã khởi tố tổng cộng 22 vụ án, khởi tố 65 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 12 người. Đối với tang vật, cơ quan chức năng nói thu được gần 50 kilogram ma túy tổng hợp các loại, hai khẩu súng và nhiều vật phẩm liên quan.

Thông tin nêu rõ, trong vòng thời gian 30 ngày, Công an Tp. HCM và các đơn vị phối hợp đã làm rõ chuyến hàng phát giác hôm 16/3 tại Tân Sơn Nhất là do các nữ tiếp viên bị “lợi dụng” để vận chuyển ma túy về nước. Ngoài chuyến hàng này, cơ quan chức năng xác định có 6 chuyến khác do một người Việt sống tại Pháp nhờ đồng hương vận chuyển về Việt Nam qua Phi trường Nội Bài. Hàng về đến Việt Nam được chuyển vào Đồng Nai để chia thành từng kiện riêng rồi chuyển giao đến các địa chỉ tại Sài Gòn, Bình Dương. Tại những địa chỉ này, ma túy các loại lại được chia và chuyển đến các tỉnh, thành khác.

Cơ quan chức năng cho rằng các nữ tiếp viên không liên quan gì đến các hoạt động vừa nêu.

Theo bản tin của mạng báo Tiền Phong ngày 25/4, trong số hơn 50 người bị bắt giam vì hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ ngoại quốc về Việt Nam như vừa nêu không có năm nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị tạm giữ hồi ngày 16/3 và sau đó được gia đình bảo lãnh tại ngoại.


Số Doanh Nghiệp Bất Động Sản ở Việt Nam Ngừng Hoạt Động Tăng


(Hình: Một góc Sài Gòn.)

-Báo chí trong nước dẫn lời viên chức Bộ Xây dựng cho biết rằng trong quý I, số doanh nghiệp địa ốc giải thể, ngừng kinh doanh “tăng mạnh” còn số lập mới “giảm sâu”.

VnExpress dẫn lời ông ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nói trong một cuộc họp báo hôm 24/4/2023 rằng các doanh nghiệp địa ốc “vẫn gặp nhiều khó khăn”.

Tin cho hay, số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I giảm 63% so với cùng kỳ năm 2022. Còn số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt tăng 30% và 61%.

Theo báo điện tử trên, các sàn giao dịch địa ốc “cũng chung cảnh ngộ” khi 30-50% sàn phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động so với quý trước. Số môi giới hoạt động cũng chỉ còn 30-40% so với đầu năm 2022.

Theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp và 1.816 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

TTXVN đưa tin rằng do gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh bất động sản, hiện nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý, như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.

Theo VnExpress, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc, Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, thủ tục cho các dự án và sớm thẩm định, phê duyệt các quy hoạch liên quan cũng như sớm ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Không có nhận xét nào: