Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Tám_phố_Sài_Gòn. - BP


Trong các thi sĩ “ tiền chiến “, Nguyễn Bính ( 1918-1966) được coi là nhà thơ của “ đồng quê “ . Nhưng, theo ông -Trần đình Thu (*), những bài thơ về “làng quê” chỉ được thi sĩ viết khi ông theo người anh ruột Trúc Đường, lần đầu, ra Hà Nội sống (1935/1936). Mới đến sống ở vùng đất mới thì bao giờ người ta cũng nhớ về chốn xưa, tâm trạng này, người Việt tha hương nào cũng đã trải qua! Những thời đầu “thơ mới” (1932) đó, ít ai viết về “làng quê”, người Hà Nội chưa đọc nhiều thơ “quê”, nên tài thơ Nguyễn Bính được dịp tung hoành trên báo chí, sách vở Hà Nội. “Hôm qua, em đi tỉnh về / Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều “ (Chân quê ). Những người Hà Nội gốc “quê “, những cô cậu trọ học ở Hà Nội vv, đọc mấy câu này, có cảm khái gì không ?
<!>
Cũng theo ông Thu (mà tôi nghĩ là đã bỏ rất nhiều ngày giờ để nghiên cứu về Nguyễn Bính), từ 1936 đến 1940, những bài thơ hay về “làng quê” đều được thi sĩ viết trong giai đoạn này mặc dù, khởi từ 1939, do giao du với một số văn-thi-sĩ-Hà-Nội ( Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tuân.. ), Nguyễn Bính đã “ gần mực thì đen gần đèn thì .. hút “: thuốc phiện, rượu tây, ả đào. 4 bức “tường” thành phố thì chàng đã đụng hết 3 !

Không biết Nguyễn Bính có sáng tác nào về “ Hà Nội 3.. say “ của ông không, với tôi, nói đến Nguyễn-Bính-và-Hà-Nội, là mấy câu : “ Hà Nội 36 phố phường / Lòng chàng có để một tơ vương / Chàng qua chiều ấy qua chiều khác / Góp lại đường đi , vạn dặm đường .. “ ; “ Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh / Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ / Tôi thấy quanh tôi và tất cả / Kinh thành Hà Nội chít khăn sô ..” .Hai bài thơ : không có bài nào vui ! Bài đầu, tuy mở là “ Hà Nội 36 phố phường “, nhưng chả thấy thi sĩ nhắc đến một phố “Hàng” nào, ngoài phố “ ấy “, cái phố mà “ đến một chiều kia, đến một chiều “ đỏ bừng lên xác pháo trong khi chàng lặng lẽ ngắm từ xa ! Bài thứ hai còn thê thảm hơn nữa: chỉ thấy khăn sô và tang trắng. Có lẻ đây là một bài thơ “ trắng “ nhất của thi nhân . Không phải cái trắng muốt, trắng ngần bắt mắt người, mà là cái trắng đục của chiếc xe chở một quan .. tài trắng, với những vòng hoa trắng, được hai con ngựa trắng kéo đi, theo sau là những người khăn áo trắng khóc hồn trinh trắng vv Thời mới lớn 14, 15 tuổi , đọc “Hà Nội” của Nguyễn Bính, tôi chán đời vô tả. Cũng may, vài năm sau, khi lên Sài Gòn học, Hai Lúa mới lên tinh thần khi “khám phá “ ra Hà Nội không chỉ có những ông thất tình, những giai nhân yểu mệnh, mà còn có lắm người (đẹp), nhiều món (ăn) … ngọt lịm vô cùng ! Đúng như nhà văn Thạch Lam đã viết trong “ Hà Nội 36 phố phường”.

Năm xưa, cái tựa “Hà Nội 36 phố phường” đã khiến cậu học trò “đệ lục” tưởng rằng quyển sách viết về lịch sử, về đặc điểm mỗi phố trong 36 phố của đất “ngàn năm văn vật”: - 36 phố phường có từ thời nào ? - Là 36 phố phường gì ? - tại sao lại 36 ? – vì số hên 9 … “nút” ( 3+6 ) hay vỏn vẹn là để tránh số .. 35 ? vv Bao nhiêu là câu hỏi trong đầu cậu thiếu niên ! Nhưng không! Người “sành chơi” nhất, nhưng lại là cây bút “hiền lành” nhất, của Tự Lực Văn Đoàn, đứa con thông minh và tài hoa nhất trong gia đình Nguyễn Tường ( theo hồi ký của BS Nguyễn tường Bách , người em út ), qua những cuộc “ phiếm du” ( chữ của Thạch Lam ), đã viết về cái “đời sống” thường nhật của 36 phố phường hơn là cái “lý lịch trích ngang” của chúng. Những bảng hiệu, những món ăn, những gánh quà vv đã được nhà văn ghi lại một cách sâu sắc, hóm hỉnh vv ! Tuy nhiên, chỉ một chút ở đây, một xíu ở đó, mới thấy một số tên của 36 phố phường. Phố Ga, phố Hàng Cót, phố Ô Quan Chưởng ..vvv Hàng Đào, hàng Trống, hàng Gai , hàng Đường, hàng Buồm, hàng Than vv Phường Đồng Xuân, Cậu học trò đếm tới , đếm lui, vẫn chưa đủ con số 36 nên … ấm ức lắm ! Mãi đến cách đây mấy năm, tình cờ đọc được một bài viết trên mạng (thethaovanhoa.vn) của giáo sư sử học Lê văn Lan ( VN ) tôi mới rõ : Hà Nội có 36 phường từ thời vua Lê Hiển Tông và 50 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” từ cuối thế kỷ 19 ! Và giáo sư Lan ghi lại bài ca về 36 phố phường “trong sách Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm “( sic )

“ Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày,
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng,
Hàng Muối, Hàng Nón, cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem Hàng phố, thật là cũng xinh.
Phố hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đàn quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền”

Không biết những người Hà Nội, và những người biết Hà Nội, khi di cư vào Nam ( 54 hay trước đó ) , đã mang theo những gì của 36 phố phường “thanh lịch” ( tôi gọi “ thanh lịch” theo chữ “ élégant “ trong đa số tên các biển hiệu mà Thạch Lam đã ghi nhận trong tác phẩm ) ? - Tay cắt tóc điệu nghệ của “ Coiffeur élégant “ phố Bạch Mai ? - Bộ đồ veste may khéo, à-la-mode, ở “ Tailleur des élégants « phố Hàng Quạt ? – Ổ bánh thơm ngon tiệm “Boulangerie élégant “ Hàng Bông ? vv Hay cái ngon của tô bún chả của một gánh hàng rong, mà nhà văn « sành ăn « đã suýt xoa : «ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi « ? Hoặc giả, giản dị hơn, chỉ là những tiếng rao ( hàng ăn) Tàu: những “mạo cán chè, súi” ( nước mía ngọt hâm nóng ) , “ bát bảo lường xà “ ( nước nóng pha thuốc Bắc ) , “ phán sì thoòng“ ( chè khoai ) ..vv vẳng trong đêm khuya, len giữa cái khói thơm của ả Phù Dung , tạo nên một thứ “không khí” mà, theo tác giả, chỉ có ở Hà Nội ? vv

Khác với một số văn thi sĩ viết về Hà Nội nhưng không là dân Hà Nội ( như Mai Thảo / Nam Định ; Duyên Anh / Thái Bình ; Quang Dũng / Sơn Tây ; Trần văn Nhơn/ Sài Gòn.. ), Nguyên Sa (1932 – 1998) là dân Hà Nội chính cống. Sang Pháp du học năm 1948, 7 năm sau (1955), phi cơ đưa ông và người vợ mới cưới đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất . Cậu Bắc kỳ Trần Bích Lan xa Hà Nội năm 16 tuổi, khi chưa … biết yêu (?)! Trưởng thành ở Pháp, sống và làm việc ở Sài Gòn, có lẽ, kỷ niệm của Nguyên Sa với Hà Nội mù mờ: chút lụa là mát rượi Hà Đông, thoảng hương thơm cốm Vòng niên thiếu vv ? – Nên, tôi chỉ thấy chàng chỉ nói về Sài Gòn . Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát (Áo lụa Hà Đông ) . Mùa xuân buồn lắm em ơi. Anh vẫn đạp xe từ Sài Gòn lên trường đua Phú Thọ (Mùa xuân buồn lắm em ơi ) . Sài gòn chưa hết mùa mưa / Ở nhà tao vẫn nhớ nhà mỗi đêm ( thư cho bạn ở trong tù ). Sài Gòn, Sài Gòn, mang cho tao mấy miếng. Miếng ngọt đùi non, miếng các em thơm, miếng dài cổ trắng ( Nhìn thấy mình trong quân trường nhắn bạn ) . Mạnh giỏi không Sài Gòn. Bây giờ là đợt tấn công thứ nhì ( Hỏi thăm Sài Gòn). Và “ Tám phố Sài Gòn “

Trong quyển “ Hồi Ký “ ( Đời xuất bản, 1998 ) , Nguyên Sa kể, năm 1965 ( 1 năm trước khi ông nhập ngũ khóa 24 Thủ Đức / 11-1966 – 8/1967 ), ông Nguyễn đình Vượng, chủ nhiệm báo Văn, đến thẳng trường “Văn Học” của thi sĩ “xin anh một bài thơ Xuân“ . Thấy thi sĩ ngần ngại hỏi lại “ thơ xuân ? “, ông Nguyễn khẳng định “ thơ xuân ! “ nhưng sau đó tiếp ngay “ hay thơ gì cũng được “ . Nguyên Sa vui vẻ nhận lời . Vài hôm sau , ông mang tới tòa soan Văn “ Tám phố Sài Gòn”, một bài thơ mà ông đã viết trước đó ( tôi nghĩ là nếu trong năm 65 thì là trước tháng 11, hoặc những tháng cuối 1964 ) . Thi sĩ thú nhận “: tôi không có thói quen làm thơ thúc đẩy theo sự dục bài của báo chí anh em “.

Tám phố Sài Gòn

Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
Cánh tay tà áo sát vòng eo
Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo

Sài Gòn phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung

Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm
Tờ hoa trong sách cũng nằm im
Đầu thư và cuối cùng trang giấy
Những chữ y dài trông rất ngoan

Sài Gòn tối đi học một mình
Cột đèn theo gót bóng lung linh
Mặt trăng theo ánh đèn: trăng sáng
Đôi mắt trông vời theo ánh trăng

Sài Gòn cười đôi môi rất tròn
Vòng cung mầu đỏ, nét thu cong
Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng
Hay đã đưa dần sang nhớ mong

Sài Gòn gối đầu trên cánh tay
Những năm mười sáu mắt nhìn mây
Chiếc tay tròn ánh trăng mười bốn
Tiếng nhạc đang về dang cánh bay

Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ

Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng
Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân
Lưng trời không có bầy chim én
Thành phố đi về cũng đã xuân

Nguyên Sa

Tựa là “Tám phố Sài Gòn » nhưng chỉ có 5 “phố “ ghi trong bài thơ : phố chầm chậm buổi chiều , phố solex phóng nhanh, phố thư viện trang nghiêm, phố đêm ôm sách vở , phố Bonard thứ bảy.

Khác với Hà Nội, Sài Gòn là một thành phố tân lập (1698 / Wikipedia ). Những năm đầu thập niên 70s ,lên Sài Gòn học, tôi chỉ nghe người ta nói “khu” , mà không là “phố” . Người miền Nam nói “khu” thay cho khu phố , khu vực. Khu Bàn Cờ, Chợ Lớn. Khu Chợ Cũ, Đa Kao. Khu Tân Định,Thị Nghè vv Là thuộc địa (!) Pháp, Sài Gòn đã được họ mở rộng, tân trang . Nó không chỉ có “8 phố”, mà là cả trăm phố , mấy ngàn (?) phường.Những năm đầu tiên sống ở Sài Gòn, tôi đã bỏ một tháng trời , len xe gắn máy qua khắp các “hang cùng ngõ hẹp” , từ Chợ Lớn lên Gia Định, từ Phú Lâm thẳng Thủ Thiêm ( Ông Cò quận 9 )vv : chỉ để biết Sài Gòn.

Thật ra, trong “ 8 phố Sài Gòn” của Nguyên Sa, “phố” là cô : cô thiếu nữ Sài Gòn . Cô “ô mai”, cô “solex”, cô “học tối”, cô “ sinh viên”, cô “người yêu của Lính” …vv Mỗi cô là một hình ảnh của những ngày tháng “thanh bình”, một thứ “thanh bình” sau những biến động chính trị ( đảo chánh liên miên ( 63 - 65 ) !! ), một thứ “thanh bình“ chỉ có, nhờ vào những bàn tay ghì chặt súng ngăn giặc ngày đêm .

Nếu “ Hà Nội 36 phố phường” chỉ được biết với riêng người Hà Nội thì “8 phố Sài Gòn” là 8 phố của người “Hà Nội” ( tôi muốn nói “những người Bắc di cư”) và người “Sài Gòn”, của miền Nam và miền Bắc, của những người yêu chuộng Tự Do .

Yêu “Tám phố Sài Gòn” là yêu cả miền Nam, trước ngày “quốc nạn” !

Sài Gòn xưa gọi nhau bằng cưng
Rồi thì kẻ chết, kẻ tha hương !!!
Từ khi bị đổi tên, thay « chủ «
Thành phố đi về đã … hết Xuân !!!

BP

Không có nhận xét nào: