Phút Tưởng Niệm: Bằng Giây Phút Này, 48 Năm Về Trước! Không Bao Giờ Quên! 30/4, Ngày Đen Tối Nhất Lịch Sử VNCH! * Ngày 26-4-1975 - Bão lửa chiến tranh, CS phương bắc xâm lược đã ùa vào các khu sau đây: - Long Khánh từ hướng Đông-Bắc đi Sài Gòn xa khoảng 80km. Long Khánh nằm giữa hai quốc lộ: 1 và 20, 105 kinh độ đông, 11 vĩ độ bắc, ở múi giờ 17 GMT – Giáp giới mặt Đông hướng Đông Đông Nam về Sài Gòn. Muốn đi từ miền Cao Nguyên, hay từ miền Trung vào Sài Gòn xuống miền Tây, xe đều phải đi ngang qua vùng Long Khánh. Sông Ray từ phía Nam của núi Gia Ray, có đường đi qua Xuyên Mộc. Long Khánh có đỉnh núi Gia Ray cao 916 mét, là tấm bình phong che chắn thuận lợi cho toàn vùng.
- Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hoà, Long Thành, Nước Trong, Đức Thạnh (Bà Rịa), lan qua vùng Phước Tuy. Xuyên Mộc. Đất Đỏ.
- Về hướng Tây Tây Nam - Bến Lức, Tân An, Trung Lương, Tân Hiệp, Long Định, Giao lộ 4, Cai Lậy đi An Hữu, xuống tới Lộc Giang, Vàm Cỏ Đông qua Tây Vĩnh Lộc, Mỹ Hạnh.
- Hướng Bắc thì các đoạn đường 16 Phú Lợi, Thủ Dầu Một. Tây Bắc về Đồng Dù, Hóc Môn.
- Sài Gòn đang thở những hơi thở cuối cùng, trước giờ hấp hối! Vĩnh biệt Tự Do, No Ấm trên 20 năm!
Chuyện Tháng Tư: Những Hình Ảnh Không In Ra Được
(Tiểu Tử)
Tôi không có đi di tản hồi những ngày cuối tháng tư 1975, nên không biết cảnh di tản ở Sài gòn ra làm sao. Mãi đến sau nầy, khi đã định cư ở Pháp, nhờ xem truyền hình mới biết! Sau đây là vài cảnh đã làm tôi xúc động, xin kể lại để cùng chia xẻ…
Chuyện 1
Ở bến tàu, thiên hạ bồng bế nhau, tay xách nách mang, kêu réo nhau ầm ĩ, hớt hơ hớt hải chạy về phía chiếc cầu thang dẫn lên bong một chiếc tàu cao nghều nghệu. Cầu thang đầy người, xô đẩy chen lấn nhau, kêu gọi nhau, gây gổ nhau… ồn ào. Trên bong tàu cũng đầy người lố nhố, giành nhau chồm lên be tàu, để gọi người nhà còn kẹt dưới bến, miệng la tay quơ ra dấu chỉ trỏ… cũng ồn ào như dòng người trên cầu thang!
Giữa cầu thang, một bà già. Máy quay phim zoom ngay bà, nên nhìn thấy rõ: bà mặc quần đen áo túi trắng, đầu cột khăn rằn, không mang bao bị gì hết, bà đang bò nặng nhọc lên từng nấc thang. Bà không dáo dác nhìn trước ngó sau, hay có cử chỉ tìm kiếm ai, có nghĩa là bà già đó đi một mình. Phía sau bà thiên hạ dồn lên, bị cản trở nên la ó! Thấy vậy, một thanh niên tự động lòn lưng dưới người bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng rồi trèo tiếp.
Chuyện chỉ có vậy, nhưng sao hình ảnh đó cứ đeo theo tôi từ bao nhiêu năm, để tôi cứ phải thắc mắc: bà già đó sợ gì mà phải đi di tản? con cháu bà đâu mà để bà đi một mình? rồi cuộc đời của bà trong chuỗi ngày còn lại trên xứ định cư ra sao? còn cậu thanh niên đã làm một cử chỉ đẹp – quá đẹp – bây giờ ở đâu?… Tôi muốn gởi đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi, bởi vì anh ta đã cho tôi thấy cái tình người trên quê hương tôi, nó vẫn là như vậy đó, cho dù ở trong một hoàn cảnh xô bồ hỗn loạn như những ngày cuối cùng của tháng tư 1975…
Chuyện 2
Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu, một người đàn ông tay ôm bao đồ to trước ngực, cõng một bà già tóc bạc phếu lất phất bay theo từng cơn gió sông. Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông, tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái lên vai người đàn ông, mặt quay ra ngoài về phía máy quay phim. Nhờ máy zoom vào bà, nên nhìn rõ nét mặt rất bình thản của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh sợ hãi ở chung quanh!
Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra, hốt hoảng nhìn theo cái nón, đang lộn qua chao lại, trước khi mất hút về phía dưới. Rồi bà bật khóc thảm thiết…
Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết để ra đi, yên chí ra đi, vì bà mang theo một vật mà bà xem là quí giá nhứt, bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà: cái nón lá! Đến khi mất nó, có lẽ bà mới cảm nhận được rằng bà thật sự mất tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả bầu trời quê hương của bà, hỏi sao bà không xót xa đau khổ? Nghĩ như vậy nên tôi thấy thương bà già đó vô cùng. Tôi hy vọng, về sau trên xứ sở tạm dung, bà mua được một cái nón lá, để mỗi lần đội lên, bà sống lại với vài ba kỷ niệm nào đó, ở một góc trời nào đó của quê hương…
Chuyện 3
Cũng trên bến tàu nầy. Trong luồng người đi như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang hai cái xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ. Chắc đuối sức nên cô ta quị xuống. Thiên hạ quay đầu nhìn, nhưng vẫn hối hả đi qua, còn tránh xa cô ta, như tránh một chướng ngại vật nguy hiểm ! Trong sự ồn ào hỗn tạp đó, bỗng nghe tiếng được tiếng mất của người đàn bà vừa khóc la, vừa làm cử chỉ cầu cứu. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom, đầu chờ vờ mắt sâu hõm, đang lả người về một bên, tay chân xụi lơ. Người mẹ – chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí như vậy, để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới bất chấp cái nhìn bàng quang của thiên hạ, mà khóc than thống thiết như vậy – người mẹ đó quýnh quáng ngước nhìn lên luồng người, tiếp tục van lạy cầu khẩn.
Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới, nhìn thấy. Họ dừng lại, khom xuống hỏi. Rồi họ ngồi thụp xuống, một anh rờ đầu rờ tay vạch mắt đứa nhỏ, họ nói gì với nhau, rồi nói gì với người đàn bà. Thấy cô ta trao đứa bé cho một anh thanh niên. Anh nầy bồng đứa nhỏ úp vào ngực mình, rồi vén áo đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài…
Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu từ lúc nào, bắt đầu thoa dầu rồi cạo gió bằng miếng thẻ bài của quân đội.
Thiên hạ vẫn rần rần hối hả đi qua. Hai thanh niên nhìn về hướng cái cầu thang, có vẻ hốt hoảng. Họ quay qua người đàn bà, nói gì đó rồi đứng lên, bồng đứa nhỏ, vừa chạy về phía cầu thang vừa cạo gió! Người mẹ cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quị xuống, vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng đứa con. Một anh lính Mỹ chợt đi qua, dừng lại nhìn, rồi như hiểu ra, vội vã chạy lại đỡ người mẹ, bồng xóc lên đi nhanh nhanh theo hai chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo trên lưng lắc la lắc lư theo từng nhịp bước….
Viết lại chuyện nầy, mặc dù đã hơn ba mươi năm, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ con thằng nhỏ được tai qua nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh thanh niên có một cuộc sống an vui, tương xứng với nghĩa cử cao đẹp mà hai anh đã làm. Và dĩ nhiên, bây giờ, tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn có thiện cảm!
Chuyện 4
Cũng trên bến tàu. Cầu thang đã được kéo lên. Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn đầy người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên, ở trên nói vọng xuống, và vì thấy tàu sắp rời bến, nên càng quýnh quáng tranh nhau vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên không nghe được gì rõ rệt hết! Máy quay phim zoom vào một người đàn ông đứng tuổi, đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Một lúc sau, người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần, như van lạy người trên tàu, gương mặt sạm nắng của ông ta có vẻ rất thành khẩn. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng cỡ nửa cườm tay, đầu dây đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, mỉm cười sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra dấu như muốn nói : « Đi, đi ! Đi, đi! ». Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất! Bấy giờ, tôi đoán ông ta là cha của thằng nhỏ đang tòn ten trên kia… Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt!
Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng đã trên bốn mươi tám tuổi — ở đâu ? Cha con nó có gặp lại nhau không? Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…
Việt Nam Hôm Nay, Sau 48 Năm Năm Tiến Lên Thiên Đàng Xã Hội Chủ Nghĩa!
Nhóm Nhân Quyền Lên Án: CSVN Vũ Khí Hóa Pháp Luật Để Truy Tố Các Nhà Hoạt Động Môi Trường
(Huy Nguyễn)
(Hình: Các nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Nguỵ Thị Khanh, và Bạch Hùng Dương đang bị chính quyền CSVN giam cầm.)
-Hôm 21/4/2023, tại Câu lạc bộ Phóng viên Ngoại quốc tại Thái Lan (FCCT), tổ chức nhân quyền The 88 Project họp báo lên án nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vũ khí hóa luật pháp để truy tố các nhà hoạt động khí hậu trong nước gồm Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Nguỵ Thị Khanh, và Bạch Hùng Dương.
Buổi họp báo chung có sự hiện diện của ông Ben Swanton, đồng Giám đốc của The 88 Project, và ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền đang sống tại Thái Lan.
Trao đổi với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), ông Phil Robertson mong rằng qua buổi họp báo “các nước lớn như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu (EU) và các quốc gia thành viên sẽ gây áp lực mạnh mẽ hơn nữa đối với chính phủ Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho những nhà hoạt động môi trường bị cầm tù oan sai, đồng thời trả tự do cho các nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến khác đã bị bắt giữ tại Việt Nam”.
Thư mời tham dự họp báo nói rằng bốn nhà hoạt động khí hậu đã thúc đẩy chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện chính sách không phát thải carbon ròng (zero carbon emission) vào năm 2050. Nhưng chính quyền đã bỏ tù họ. Chính quyền Hà Nội cho rằng các nhà hoạt động này phạm tội “trốn thuế”. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới của Project 88 cho thấy Hà Nội đã vũ khí hóa luật pháp như thế nào để đàn áp các nhà hoạt động.
Nhóm bốn nhà hoạt động khí hậu được gọi là Vietnamese Four (Bộ tứ Việt Nam) gồm ông Đặng Đình Bách, ông Mai Phan Lợi, bà Nguỵ Thị Khanh, và ông Bạch Hùng Dương. Họ là các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị chính quyền Việt Nam bỏ tù vì tội “trốn thuế” sau khi tham gia hoạt động nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiệt điện than, theo thông báo của The 88 Project.
Ông Ben Swanton nói trong buổi họp báo rằng bản báo cáo “Vũ khí hóa Luật pháp truy tố Bộ tứ Việt Nam” của Project 88, công bố hôm 21/4, đã trình bày kết quả điều tra các cáo buộc rằng việc truy tố hình sự những cá nhân này có động cơ chính trị.
“Thứ nhất, việc truy tố của phía Việt Nam có đặc điểm là vi phạm nghiêm trọng. Thứ hai, cả bốn cá nhân đều là những cộng sự thân thiết đang hợp tác trong chiến dịch vận động chính sách và các sáng kiến xã hội dân sự vào thời điểm chính phủ đang tìm cách hạn chế quyền tự chủ và tác động của xã hội dân sự”, ông Swanton nói.
Ông Swanton nói rằng trong khi chính phủ Việt Nam cho rằng bốn người này là tội phạm về thuế, những báo cáo của nhóm nhân quyền kết luận rằng họ là “tù nhân chính trị”.
“Cáo buộc trốn thuế dường như đã được áp dụng một cách tùy tiện với mục đích đàn áp chính trị và cả bốn nhà hoạt động ban đầu bị giam giữ mà không bị buộc tội. Nhóm Vietnamese Four đã bị từ chối quyền được xét xử công bằng”, ông cho biết thêm. “Các phiên xét xử của bốn người này được che giấu trong bí mật. Tất cả bốn cá nhân đã bị xét xử trong các phiên điều trần kín kéo dài chưa đầy một ngày, cho thấy rằng kết quả của những phiên tòa này đã được quyết định trước”.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Robertson nói hệ thống tòa án của Cộng sản Việt Nam là một trò đùa trong khi họ tuyên bố họ duy trì pháp quyền, và không có công lý cũng như sự độc lập trong ngành Tư pháp Việt Nam. Cùng với đó, ông cũng đã chỉ trích việc công an thường xuyên từ chối quyền tiếp cận Luật sư của các bị cáo để gây thêm tổn thương.
“Cho nên bây giờ bộ máy này đang tiêu thụ một phần của chính nó dưới danh nghĩa đảng nắm quyền kiểm soát tuyệt đối. Và bây giờ chúng ta thấy cuộc tấn công này được thực hiện để tấn công các nhóm xã hội dân sự. Bắt đầu với bốn nhà lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ về biến đổi khí hậu và môi trường này”, ông Roberston nói. “Những gì bạn sẽ thấy là Việt Nam đã xây dựng một vòng kìm kẹp không chỉ đối với các tổ chức phi chính phủ này mà còn cả nguồn tài trợ ngoại quốc của các tổ chức phi chính phủ địa phương”.
Đại diện của HRW cho rằng việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường diễn ra trong bối cảnh một nhà nước độc đảng, thông qua một loạt các biện pháp hợp pháp và ngoài pháp luật, đang hạn chế và hình sự hóa hoạt động chính sách và các phong trào xã hội dân sự.
Ngoài ra, ông Robertson gọi Việt Nam là một Trung Quốc thu nhỏ trước những kiểu đàn áp mà Trung Quốc đã từng áp dụng.
“Khi mọi người nhìn vào Nghị định về các tổ chức phi chính phủ ngoại quốc mà Việt Nam phục vụ năm 2022, bạn có thể thấy cái lồng mà chính phủ và đảng cầm quyền đang thiết kế cho bất kỳ loại hoạt động xã hội dân sự nào trong nước. Và nếu tất cả những điều này khiến bạn nhớ đến một quốc gia khác, thì bạn không sai đâu. Người Việt Nam co rúm người lại khi so sánh, nhưng động cơ giành quyền lực tuyệt đối của chính phủ và đảng ở Việt Nam và phá hủy bất kỳ loại nhà hoạt động hoặc cấu trúc xã hội dân sự nào mà các diễn đàn bí mật trông rất giống những gì đang xảy ra ở Trung Quốc”.
Trao đổi với VOA hôm 21/4, ông Robertson nói phương Tây nên gây lực với Hà Nội mạnh hơn:
“Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia thành viên sẽ gây áp lực mạnh mẽ hơn nữa đối với chính phủ Việt Nam để họ trả tự do cho những nhà hoạt động môi trường bị cầm tù oan sai, đồng thời trả tự do cho các nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến khác đã bị bắt giữ tại Việt Nam”.
“Rõ ràng là cộng đồng quốc tế cần nêu cao vai trò của mình để làm tốt hơn công việc và cố gắng đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam. Đối với tôi, dường như cộng đồng quốc tế đã bị phân tâm, cho dù là do cuộc chiến Ukraine hay do Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng, trong đó Việt Nam tất nhiên đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phía Hoa Kỳ và giải quyết vấn đề Biển Đông hay các vấn đề khác. Và vì vậy, vấn đề nhân quyền và Việt Nam đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự”.
“Một thực tế là phần lớn luật an ninh quốc gia của Việt Nam vốn đã vi phạm nhân quyền, và Việt Nam về cơ bản đã không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, và cũng không tuân thủ các công ước quốc tế mà nước này đã phê chuẩn”, ông Roberston nói. “Tại sao cả bốn nhà hoạt động môi trường này đều phải vào tù? Rõ ràng là đảng đang thao túng luật pháp để duy trì quyền lực của mình và theo đuổi các đối thủ của mình”.
Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã được nhóm các quốc gia G-7 trao đổi một thỏa thuận chuyển đổi năng lượng trị giá 15 tỉ Mỹ kim.
Ông Roberston nói: “Nếu tôi là một nhà đầu tư quốc tế, tôi sẽ tự hỏi làm thế nào tôi có thể chắc chắn rằng các quyền của tôi với tư cách là một nhà đầu tư được bảo đảm? Nếu vì một lý do nào đó mà ai đó trong giới chính trị trong Đảng Cộng sản quyết định không thích tôi, họ có thể vũ khí hóa luật pháp để chống lại tôi. Vì vậy những người đổ xô vào Việt Nam để đầu tư, tôi nghĩ, đang không hiểu rằng đó không phải là thượng tôn pháp luật, mà là quy tắc của một đảng cầm quyền duy nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng, về cơ bản có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Bất kể luật pháp nói gì”.
Trong thông cáo báo chí hôm 21/4, ông Swanton, kêu gọi nhóm G-7 nên đưa ra điều kiện về hỗ trợ tài chánh cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam để chính phủ không bắt giữ thêm bất kỳ nhà hoạt động nào.
VOA đã liên hệ Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu họ cho ý kiến về cuộc họp báo và thông cáo báo chí này, nhưng chưa được phản hồi.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Quy Định Đàn Áp, Cấm Sóng Nghệ Sĩ: “Phong Sát” Kiểu Trung Quốc? Vi Phạm Quyền Tự Do Biểu Đạt!
(Hình: Tấm biển quảng cáo chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly ở Hà Nội năm 2014.)
-Dự kiến từ tháng 10/2023, các nghệ sĩ, người nổi tiếng bị cho có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục sẽ bị giải quyết như hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo….
Đây là nội dung nằm trong kế hoạch khai triển thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025, vừa được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành hồi đầu tháng 4.
Hạn Chế Tầm Ảnh Hưởng của Người Nổi Tiếng
Nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) rằng có rất nhiều vấn đề trong quy định này: thứ nhất, chuyện “muôn thuở” vẫn là định nghĩa về “thuần phong mỹ tục”, thế nào là “lệch chuẩn” vẫn chưa được quy định rõ ràng; vấn đề thứ hai là người nổi tiếng nếu phạm pháp sẽ bị giải quyết theo luật, tại sao lại đặt ra quy định riêng dành cho nhóm người này.
Ông cho rằng dù quy định này là vô lý nhưng nhà nước có mục đích rõ ràng khi nhắm vào đối tượng là nghệ sĩ, những người nổi tiếng:
“Việt Nam đang thực hiện một chương trình phong sát nghệ sĩ giống như là ở bên Trung Quốc vậy.
Nghệ sĩ tạo nên một cái quyền lực đối với công chúng và đối với những nhà nước như Việt Nam, khi đột nhiên có những người tạo nên quyền lực với đám đông thì nhà nước sẽ không thích, vì nó chia sẻ quyền lực tập trung của nhà nước, dẫn đến chuyện là có thể xảy ra những điều mà người ta không thể tưởng tượng được.
Cho nên, tốt nhất là phải có một cái rào cản hay là một bộ yên cương dành cho tất cả giới văn nghệ sĩ của nhà nước”.
Nhiều chuyên gia về văn hóa trong nước, thông qua báo chí, đồng loạt lên tiếng ủng hộ quyết định này của Bộ 4T.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân, Viện phó Viện Khoa học Văn hóa và Giáo dục, trả lời mạng báo Zing nêu quan điểm “cần có những hình thức xử phạt mạnh tay hơn, chẳng hạn từ hạn chế hoạt động văn hóa nghệ thuật có thời hạn đến cấm vĩnh viễn, khóa tài khoản mạng xã hội của KOLs nếu họ vi phạm pháp luật”.
Cũng trên Zing, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng nếu các nghệ sĩ lệch chuẩn được phép trình diễn công khai, các nội dung tiêu cực có thể gây hại đến sự phát triển tâm lý và đạo đức của công chúng, đặc biệt là trẻ em, thanh niên.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Chu Anh Hùng - Phó Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội, nói hôm 19/4 rằng đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động ở các trường học nhằm góp phần xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, văn minh, thanh lịch trên không gian mạng.
Thậm chí, một số tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, An ninh TV còn mạnh dạn đăng bài viết với tiêu đề khẳng định dư luận, khán giả ủng hộ việc cấm sóng đối với nghệ sĩ.
Vi Phạm Quyền Tự Do Biểu Đạt
Ở khía cạnh nhân quyền, quy định này vi phạm cả quyền tự do biểu đạt của nghệ sĩ và quyền tự do tiếp nhận thông tin của người dân.
Tại Điều 19 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị quy định rằng “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi loại thông tin và ý tưởng, không phân biệt biên giới, bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bản in, dưới hình thức nghệ thuật hoặc thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào mà người đó lựa chọn”.
Tự do biểu đạt không phải là một quyền tự do tuyệt đối. Nhà nước có thể hạn chế quyền tự do này của người dân, nhưng chỉ được áp dụng trong một số rất ít các trường hợp cụ thể.
Theo Công ước này, Nhà nước được phép hạn chế quyền tự do biểu đạt trong một số trường hợp như bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức công cộng.
Tuy nhiên, cô Minh Trang, hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ về Quyền và Thực hành quyền tại Thuỵ Điển cho biết các biện pháp hạn chế phải được quy định bằng luật, ở mức tối thiểu và tương thích:
“Dù là cấm sóng tạm thời hay cấm sóng vĩnh viễn thì đều vi phạm quyền tự do biểu đạt.
Ví dụ như một người nghệ sĩ vi phạm pháp luật như là vi phạm luật giao thông đường bộ hay uống rượu trong lúc lái xe mà vin vào đó để cấm người ta không được biểu diễn hay hoạt động nghệ thuật thì rõ ràng là cái hình phạt đó nó không tương thích với cái lỗi người ta gây ra.
Nếu như vi phạm luật giao thông thì đã có luật giao thông đường bộ để giải quyết rồi, chứ không phải lấy cớ là vi phạm luật giao thông để cấm người ta không được biểu diễn, không được tham gia các chương trình truyền hình”.
Cũng theo cô Trang, người dân có quyền xem, ủng hộ hoặc tẩy chay một sản phẩm nào đó mà họ cho là không phù hợp:
“Nhà nước không nên là một bên đứng ra quyết định xem là người dân nên hay là không nên tiếp cận thông tin gì. Người dân có quyền được quyết định xem là bản thân họ muốn hoặc không muốn xem cái gì”.
Ở một số nước như Nam Hàn, các đài truyền hình cũng đã công bố cấm sóng đối với nghệ sĩ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo cô Trang, điểm khác biệt là ở cái quyết định cấm sóng ở Nam Hàn được đưa ra bởi một pháp nhân độc lập, chứ không phải là do Nhà nước quyết định như Việt Nam.
Đối với một số ý kiến ủng hộ sự kiểm duyệt cho rằng nội dung xấu trên các phương tiện truyền thông có thể ảnh hưởng đến trẻ em. Cô Trang cho rằng các chương trình không phù hợp với trẻ cần phải được dán nhãn rõ ràng:
“Đối với những chương trình không phù hợp với trẻ con thì nên dán nhãn là chương trình này không phù hợp với trẻ.
Ví dụ như trẻ em tiếp cận với những nội dung không phù hợp với lứa tuổi thông qua mạng xã hội thì lỗi sẽ thuộc về công ty mạng xã hội, bởi vì họ đã không dán nhãn nội dung đó”.
Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ xem phim hoặc video như YouTube hay Netflix, thậm chí là các nhà mạng internet cũng có dịch vụ chọn chế độ dành riêng cho trẻ em. Khi đó, với tư cách người giám hộ, cha mẹ có thể tự quyết định điều gì là phù hợp với con em mình. Các quyết định trẻ con nên hay không nên xem gì có thể thực hiện tại nhà mà không có sự can thiệp của chính phủ.
Kiểm Soát Tư Tưởng: Đảng, Tuyên Giáo và Vấn Đề Dân Chủ!
(Ảnh: Chụp tại Hà Nội trước đây.)
-Bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 18/4/2023 với tựa đề ’Một số vấn đề đặt ra trong công tác tư tưởng của Đảng’ cho rằng: “Không ít nơi, khi tổng kết - đánh giá, nếu công tác tư tưởng đạt kết quả tốt, tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội thì thành tích đó ‘mặc nhiên’ thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, kịp thời của cấp ủy; khi công tác tư tưởng còn hạn chế, không đạt kết quả tốt, thì ‘lỗi trách nhiệm’ lại thuộc về ban tuyên giáo hay cá nhân lãnh đạo”.
Liệu đây có phải là một tiến bộ trong công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam? Một Luật sư từ Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hôm 24/4 nhận định:
“Tuyên giáo thực chất là công tác tuyên truyền thôi, còn lãnh đạo cụ thể là đảng bộ ở đấy. Ví dụ một bệnh viện làm sai, một doanh nghiệp sai là do lãnh đạo doanh nghiệp đấy, chứ ảnh hưởng gì đến tuyên giáo đâu, họ nhận thế là không đúng. Là do đảng bộ tại đơn vị đó sai, ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai chẳng hạn, hai Giám đốc bị bắt liền là do đảng ủy bệnh viện đó, trong khi Giám đốc thường là Bí thư đảng ủy hết, mà nếu liên đới trách nhiệm là đảng ủy của Bộ Y tế là cơ quan chủ quản. Chứ tuyên giáo chỉ tuyên truyền làm thế nào để chữa bệnh chóng khỏi, giá rẻ, dân hài lòng…”.
Vị Luật sư này nêu ví dụ trường hợp nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi bị chất vấn trước Quốc hội đã nói ông làm do Đảng phân công, chứ không xin và cũng không từ chối nhiệm vụ nào của Đảng. Về dự án khai thác Bô-xít Tây Nguyên ông Dũng cho biết chỉ làm theo Nghị quyết của Đảng. Hay việc phát triển các Tập đoàn kinh tế Nhà nước theo kiểu Nam Hàn bị thất bại cũng đã được Bộ Chính trị thông qua, ông Dũng cho rằng ông chỉ là người khai triển thực hiện theo Nghị quyết của Đảng.
Còn nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, hôm 24/4 cho rằng:
“Cái này dân phán đoán, nhận xét, đánh giá từ rất lâu rồi, cả nửa thế kỷ nay, người ta khẳng định bằng một câu ca dao, mà câu ca dao ấy rất là triết học, phản ánh nhận thức trí tuệ dân gian thông minh, sáng suốt, họ nói như thế này: ‘Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là nhờ có thiên tài Đảng ta’… đấy là nhận xét của những người dân rất chính xác về tất cả mọi chuyện, chứ không riêng bài báo vừa rồi của ban Tuyên giáo trung ương. Tuyên giáo là tay sai của Đảng, cho nên Đảng với tuyên giáo là một, chứ không phải là hai. Bao giờ họ cũng phải tìm một cái để họ thanh minh, là họ rõ ràng, họ tử tế, họ đàng hoàng… bao giờ chả thế…”.
(Ảnh minh họa, chụp tại Hà Nội trước đây.)
Hôm 20/4/2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thành ủy Hà Nội cũng đã tổ chức Hội nghị cho rằng cần ‘không ngừng mở rộng dân chủ trong Đảng’.
Liệu một đất nước theo thể chế độc đảng toàn trị thì việc mở rộng dân chủ trong Đảng có ý nghĩa gì?
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 24/4 cho rằng, trong một hệ thống chính trị dân chủ, sự dân chủ nó phải thể hiện trong toàn dân, cả ở trong các sinh hoạt đảng phái, và nó được luật hóa. Cụ thể, trong một thể chế dân chủ, người dân bình thường sẽ đi bầu chọn ra những đại biểu đại diện cho quyền lợi của mình và đất nước. Đó có thể là các Dân biểu, các Thượng Nghị sĩ, hay các vị lãnh đạo địa phương, lãnh đạo quốc gia.
Ngoài ra, theo ông Vũ, nếu người dân có tham gia các đảng phái chính trị thì luật cũng quy định rằng các sinh hoạt nội bộ của các đảng phái chính trị được công nhận phải dựa trên tinh thần dân chủ theo pháp luật. Trong tinh thần đó, ngay cả trong tổ chức chính trị, thành viên cũng sẽ tham gia bầu chọn ra các thành viên đại diện cho tổ chức trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Trở lại với cái gọi là tập trung dân chủ của đảng Cộng sản, Tiến sĩ Vũ cho biết:
“Tập trung dân chủ trong một thời gian dài được cho là một hình thức tổ chức của các đảng Cộng sản. Về mặt hình thức thì các đảng viên sẽ bầu ra các đại diện cho mình trong đảng, gọi là mang tính dân chủ. Các đại diện này sẽ tập trung lại, thảo luận ra các chương trình hành động. Sau đó, các chương trình hành động được ban xuống và các đảng viên phải nhất nhất tuân theo nó. Về mặt lý thuyết thì đây tương đối giống mô hình nghị viện ở các nước. Tuy vậy, thực tế cách rất xa hình ảnh lý thuyết này. Các cuộc bầu cử tự do để chọn ra các lãnh đạo Cộng sản đã không hề xảy ra, việc ai lãnh đạo đảng hay đất nước, làm chức vụ gì, nó chỉ là một sản phẩm của việc giới cầm quyền tự sắp xếp chỗ ngồi cho những người trong Đảng nhằm phân chia lợi ích cho mình hay phe nhóm. Hoàn toàn không có một sự tự do chọn lựa nào”.
Theo ông Nguyễn Huy Vũ, nếu các đảng viên có thể ngồi lại với nhau để sinh hoạt một cách tự do bằng cách bầu chọn ra một Tổng Bí thư chẳng hạn trong một cuộc bầu cử kín thì điều đó sẽ đem lại một bước đột phá rất lớn trong xã hội. Đó sẽ là một hình thức dân chủ thực sự trong đảng. Với tư cách là một đảng đang nắm quyền điều hành quốc gia, việc có dân chủ trong đảng sẽ giúp các đảng viên biết ai giỏi, ai kém, ít nhất là trong hàng ngũ đảng viên, để chọn ra những người dẫn dắt chính đảng và cả quốc gia của mình. Ông Vũ cho rằng, điều đó sẽ thật sự là một cuộc cách mạng vì nó giúp chọn ra người khá nhất trong hàng triệu đảng viên để dẫn dắt quốc gia. Theo Tiến sĩ Vũ, đất nước chắc chắn sẽ có một diện mạo khác với bây giờ… ông nói tiếp:
“Nhưng việc dân chủ hóa các sinh hoạt trong Đảng Cộng sản vẫn chưa đủ. Nó cần phải có một sự dân chủ hóa rộng khắp cả quốc gia. Các đảng phái khác phải được hiện diện và cạnh tranh công bằng với đảng Cộng sản. Có như vậy thì người dân mới biết chọn ra đảng phù hợp và có khả năng nhất để dẫn dắt quốc gia. Nếu điều đó diễn ra, đất nước sẽ cất cánh nhanh chóng vì các lãnh đạo có viễn kiến sẽ biết đâu là những chính sách hợp lý và làm thế nào để thi hành nó. Trong một bối cảnh như vậy, với khả năng điều hành và quản lý kém cỏi, đảng Cộng sản khó mà có một chỗ đứng nào trên chính trường Việt Nam”.
Cho nên theo ông Vũ, nhìn lại để thấy rằng việc một số giới chức lãnh đạo Cộng sản hô hào khai triển dân chủ tập trung, nó chỉ là một hình thức nhằm ru ngủ giới đảng viên trong Đảng và ai cũng biết điều đó.
Nhà Cầm Quyền Côn Đồ, Đàn Áp Xuyên Quốc Gia: Blogger Đường Văn Thái Mất Tích, Tiếng La Cuối Cùng Để Lại Nhiều Câu Hỏi?
(Hình: Hình ảnh chụp từ camera an ninh cho thấy ông Thái dắt xe gắn máy chạy ra khỏi phòng trọ, không mang hành lý gì.)
-Nhóm bạn lần theo dấu vết của blogger Đường Văn Thái vào chiều 13/4/2023, phát giác một đoạn băng hình từ camera an ninh chứa các tiếng động lớn và tiếng la thất thanh bị nghi là của ông trước khi mất tích ở Thái Lan.
Ông Đường Văn Thái, 41 tuổi, chạy sang Thái Lan vào tháng 2/2019 và được cấp quy chế tị nạn bởi Văn phòng Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Vọng Các. Ông bị mất liên lạc với bạn bè từ chiều ngày 13/4, và vài hôm sau, truyền thông nhà nước đưa tin ông bị công an xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bắt giữ khi nhập cảnh trái phép từ Lào vào địa phương này.
Tuy nhiên, nhóm bạn thân của ông Thái cất công điều tra sự việc bằng cách thu thập thông tin từ các camera trong khu vực, có sự cho phép của cảnh sát địa phương, và phát giác nhiều điều bất ngờ.
Ông Đoàn Huy Chương, cựu tù nhân lương tâm hiện đang sống tị nạn tại Thái Lan, là một thành viên trong nhóm điều tra đã đến nơi blogger ở trọ, các đoạn đường đã đi qua và nơi có thể đã diễn ra vụ bắt cóc vào chiều tối hôm đó. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 24/4 như sau:
“Điều tra những cái camera lần cuối cùng (cho thấy) anh Thái mất tích là vào (giữa khoảng thời gian từ) 6 giờ 3 phút đến 6 giờ 7 phút trên một đoạn đường Lamphu của tỉnh Pathum Thani giáp với Vọng Các”.
Ông Chương cung cấp cho RFA một đoạn video dài khoảng năm phút từ camera an ninh của nhà dân quay hướng ra đường bắt đầu từ 6 giờ 6 phút chiều cho thấy, nhiều tiếng động lớn cùng tiếng hét thất thanh, ngắt quãng trong khoảng 30 giây đến một phút nhưng không ghi lại được hình ảnh bắt cóc, đoạn đường ít xe cộ và người qua lại.
Ông Chương và nhóm bạn khẳng định, tiếng la đó chính là của Đường Văn Thái. Ông nói:
“Nghe được tiếng la hét của anh Thái, và chúng tôi có hỏi thăm người dân thì họ nói chiều hôm đó có hai chiếc xe hiệu Mitsubishi chặn hai đầu và bắt một người đưa lên xe. Người ta (nạn nhân - PV) la hét rất là lớn nhưng không có ai đến giúp đỡ. Hôm đó là ngày đầu tiên của Tết Thái (13/4 - PV).
Họ chỉ nói là hôm đó bắt một người nam bỏ lên xe rồi họ (nhóm bắt cóc- PV) lấy luôn chiếc xe Honda và đến chiếc dép rớt lại (của nạn nhân - PV) họ cũng lượm luôn”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đến tận nơi được cho là nơi ông Đường Văn Thái bị đặc vụ chính phủ Việt Nam bắt cóc. Ông nói qua tin nhắn với phóng viên:
“Người dân trong khu vực chứng kiến cảnh hai xe hơi màu trắng chắn ngang đường và nghe thấy tiếng kêu cứu của một người nào đó vào thời điểm đó vào tối 13/4. Lúc đó, ông Đường Văn Thái và chiếc xe gắn máy đã biến mất.
Ngoài ra còn có đoạn phim CCTV (camera an ninh - PV) trong đó có thể nghe rõ tiếng la hét của một cá nhân mặc dù đoạn video không cho thấy vụ bắt cóc thực sự”.
Trong khi đó, hai đoạn video từ camera an ninh khác ở gần Đại học kỹ thuật Rajamangala Thanyaburi quay lại cảnh khi ông Thái từ chỗ live stream ra về, dường như có 2 xe gắn máy với 4 người lạ mặt bám sát theo ông để theo dõi.
Ông Phil Robertson cho biết thêm, đơn khiếu nại về người mất tích đã được gửi tới đồn cảnh sát Thayanaburi, nơi xảy ra sự việc bắt cóc, tuy nhiên cho đến nay “cảnh sát Thayanaburi dường như chưa làm được gì nhiều để theo dõi khiếu nại, và rõ ràng chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục điều này và làm nhiều hơn nữa”, đại diện tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói, đồng thời cho rằng việc một người đàn ông bị bắt cóc trong một cộng đồng dân cư “chỉ có thể được gọi là một hành động ngược đãi nhân quyền trắng trợn và chính quyền Thái Lan nên tìm hiểu tận cùng vấn đề này và báo cáo những gì họ tìm thấy”.
Cũng theo ông này, có khả năng có đoạn phim mà camera an ninh có thể thu được về vụ bắt cóc, đòi hỏi cảnh sát đến gặp các chủ cửa hàng tư nhân để yêu cầu sự hợp tác, đồng thời có những nhân chứng của vụ bắt cóc nên được phỏng vấn sớm nhất.
Thông Tin Cho Cộng Đồng Quốc Tế
Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Việt ở Thái Lan nhiều năm qua, cho biết trong cuộc họp báo quốc tế tổ chức bởi Dự án 88 và Theo dõi Nhân quyền (HRW) ở Vọng Các ngày 21/4 để công bố một báo cáo nhân quyền khác, bà đã công bố những tư liệu thu thập được của nhóm về vụ mất tích của blogger Đường Văn Thái.
Nhiều hãng truyền thông quốc tế quan tâm đến sự việc của blogger người Việt và hỏi bà thêm thông tin, bà nói lại với RFA.
Theo The Bangkok Post, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã liên lạc với nhà chức trách Việt Nam để hỏi về Đường Văn Thái nhưng không nhận được phản hồi. Báo này cũng gọi điện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng cũng chỉ nhận được sự im lặng.
Trong khi đó, văn phòng Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Vọng Các hôm 24/4 gửi email phản hồi RFA về sự việc nghi bị bắt cóc của ông Đường Văn Thái, nói rằng họ không thể bình luận về các chi tiết hoặc thậm chí xác nhận sự tồn tại của các trường hợp riêng lẻ vì lý do bảo mật.
Tuy nhiên, bà Morgane ROUSSEL-HEMERY - Phó Giám đốc Quan hệ Đối ngoại thuộc văn phòng UNHCR ở Thái Lan lưu ý rằng, sự an toàn về thể chất và an ninh của người tị nạn trên toàn cầu chủ yếu là trách nhiệm của các quốc gia chủ nhà.
Theo đó, UNHCR hỗ trợ các nước sở tại bảo đảm rằng những người tị nạn có thể được hưởng các quyền của họ khi sống lưu vong, bao gồm quyền được sống và an ninh cá nhân.
Truyền Thông Nhà Nước Nói Gì?
Ba ngày sau khi ông Đường Văn Thái mất tích ở Vọng Các, nhiều tờ báo được kiểm soát bởi Ban Tuyên giáo Trung ương đồng loại đưa tin ông bị bắt khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong ngày 14/4.
Việc đưa tin đồng loạt này rất bất thường vì việc nhập cảnh bất hợp pháp của công dân Việt Nam chỉ là vi phạm hành chính.
Trong vài ngày gần đây, một số báo tiếp tục đăng tin về Đường Văn Thái với nội dung bôi nhọ nhà báo tự do này, nói rằng ông chuyên đưa những tin không đúng sự thật và có mục đích nói xấu lãnh đạo đảng và Nhà nước trên kênh YouTube với hơn 800 video và gần 120.000 người theo dõi.
Báo Bình Phước Online của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Bình Phước ngày 21/4 còn phê phán RFA và nhiều báo chí ngoại quốc và báo chí độc lập “khóc thuê” cho Đường Văn Thái và “võ đoán” về vụ bắt cóc ở Thái Lan giữa tháng Tư.
Biểu Tình Đòi Ngưng Dự Án Xả Thải ở Đắc Lắc: Người Ê-Đê Bị Cảnh Sát Đánh Đập Dã Man
(Hình RFA: Người Ê-đê phản đối dự án xả thải ở xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin), Đắc Lắc.)
-Người đồng bào Ê-đê ở xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) phản đối dự án xả thải vào hồ, hàng chục Cảnh sát cơ động được điều đến trấn áp khiến nhiều người bị thương và bị bắt giữ trong ngày 21/4/2023.
Theo chính quyền tỉnh Đắc Lắc, dự án Hệ thống thoát nước Khu Trung tâm hành chính huyện Cư Kuin được thực hiện nhằm đưa nước mưa từ các cơ quan của huyện vào hồ Ea M’tá, xã Ea Bhốk.
Tuy nhiên, người dân xung quanh hồ phản đối dự án vì lo ngại rằng nước thải sẽ bị đưa vào hồ cùng với nước mưa, có thể gây ô nhiễm môi trường cũng như gây ngập lụt ở khu vực gần hồ.
Trong hai ngày 20 và 21/4, hàng chục Cảnh sát cơ động với dùi cui và khiên chắn đi trên nhiều xe chở quân đến để trấn áp người dân và giúp cho việc thực hiện phần cuối cùng của dự án, đó là tuyến đường mòn ra cửa xả đổ ra hồ Ea Mtá với chiều dài hơn 870 mét, chiều rộng 10 mét.
Theo video cung cấp bởi người dân địa phương, hàng chục Cảnh sát cơ động đối đầu với người dân địa phương cầm cờ đỏ sao vàng và đa số họ là phụ nữ, những người muốn ngăn cản việc thực hiện dự án. Những người dân này sống ở thôn 5 và buôn Ea M’tá, xã Ea Bhốk.
Trong video, những người phụ nữ bản địa trao đổi với nhau bằng tiếng Ê-đê, nhưng có lúc nghe thấy họ nói tiếng Kinh rất rõ:
“Chúng tôi kiên quyết bảo vệ không cho Ủy ban Nhân dân huyện đổ nước thải vào hồ. Chúng tôi sống chết tại đây, hôm nay chúng tôi phải giải phóng.
Người dân chúng tôi cương quyết bảo vệ, cương quyết bảo vệ!”
Một phụ nữ nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh vào ngày 24/4:
“Khi người dân chúng tôi kéo ra khu vực thi công, cảnh sát cơ động chặn chúng tôi lại. Họ dùng dùi cui và roi điện để tấn công chúng tôi.
Họ đánh đập làm bị thương 7 người, trong đó có 3 người phải nhập viện với các vết thương ở đầu, miệng, tai, và vai.
Có một phụ nữ đang mang thai tháng thứ hai bị cảnh sát xô ngã, một phụ nữ khác bị gãy vai, người bị ngất vì bị cảnh sát chích roi điện. Một người đàn ông bị cảnh sát quật ngã rồi dùng chân đá vào đầu và gây chảy máu tai và răng. Công an còn bắt giữ 12 người rồi đưa họ về đồn công an xã”.
Người phụ nữ này cho biết 3 người nhập viện sẽ trở về nhà trong chiều ngày 24/4, trong khi những người bị bắt lên đồn công an xã được thả về trong cùng ngày (21/4), sau khi phải viết giấy cam kết không phản đối dự án, nếu phản đối nữa sẽ bị bắt bỏ tù.
Người này cho hay trong mấy ngày qua, dự án tiếp tục được thực hiện vì người dân không được phép đến gần.
Chúng tôi gọi điện và gửi email cho ông Bùi Hồng Quý - Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc và Uỷ ban Nhân dân huyện Cư Kuin - để kiểm chứng thông tin nhưng không nhận được phản hồi.
Theo truyền thông nhà nước, dự án Hệ thống thoát nước Khu Trung tâm hành chính huyện Cư Kuin với tổng mức đầu tư gần 36,7 tỉ đồng được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2019. Dự án là đường dẫn nước mưa có chiều dài toàn tuyến gần 4 cây số, có điểm đầu tuyến là trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự huyện (Tỉnh lộ 10) đến điểm cuối tuyến là mương thoát nước đổ ra hồ Ea M’tá, xã Ea Bhốk.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác khảo sát lại tác động môi trường, mức độ an toàn hồ đập và tác động đến đời sống người dân trong khu vực đối với dự án. Theo kết quả khảo sát, dự án được cho là không ảnh hưởng đến môi trường, đất đai, khí hậu, nguồn nước sinh hoạt của người dân xung quanh.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, việc khảo sát này không phản ánh đúng thực tế.
Ông Y Quynh Buon Dap, một nhà hoạt động nhân quyền và quyền tự do tôn giáo đang tị nạn tại Thái Lan, cho rằng người dân ở thôn 5 và buôn Ea M’tá phản đối dự án trên vì lo ngại về môi trường và kinh tế của họ.
Ông cho phóng viên biết, lo ngại của người dân bắt nguồn từ việc chính quyền trên thực tế không đi khảo sát kỹ lưỡng các khu vực sau này có ảnh hưởng bởi dự án.
Trong ngày 20/4, chính quyền địa phương nêu quyết tâm sẽ thi công phần còn lại của dự án, coi mọi hành động cản trở việc thi công là trái pháp luật. Theo báo chí Nhà nước, chính quyền cảnh báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người phản đối, tuy nhiên không đề cập gì đến vụ đàn áp trong ngày 21/4.
Coi Mạng Người Dân Như Cỏ Rác! Cảnh Sát Giao Thông Biến Dân Thành Lá Chắn Sống, Được Xem Xét Phong Liệt Sĩ!
(Hình: Hiện trường vụ truy bắt xe chở ma tuý ở Long An hôm 21/4/2023.)
-Thiếu tá Cảnh sát giao thông Nguyễn Xuân Hào được xem xét phong liệt sĩ, sau vụ truy bắt buôn bán ma tuý trên đường phố vào ngày 21/4/2023 vừa qua ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, khiến 3 người thiệt mạng. Ông Nguyễn Xuân Hào là người đã sắp xếp cho 2 người dân đi đường dừng xe, để chặn xe chở ma tuý khiến những người này thiệt mạng vì bị xe chở ma tuý đâm!
Truyền thông nhà nước cho biết vào ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện về giải quyết vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Long An.
Theo Công điện, vào khoảng 4 giờ chiều ngày 21/4, tại tuyến đường ĐT824 thuộc xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe hơi mang biển kiểm soát số 49C-296.01 (do đối tượng chở ma túy điều khiển) tông trực tiếp vào lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và giải quyết vi phạm về an ninh trật tự và an toàn giao thông, làm một đồng chí Thiếu tá thuộc Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đức Hòa và 2 người dân chết.
Liên quan đến vụ án này, theo báo Nhà nước, 2 người dân bị thương nặng được đưa đi cấp cứu nhưng đã qua đời tại bệnh viện. Lực lượng chức năng đã khống chế, bắt giữ tại chỗ hai người liên quan.
Công điện xác định đây là hành vi có tính chất côn đồ, chống người thi hành công vụ đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, chiến sĩ công an và tính mạng của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Thiếu tá Cảnh sát giao thông và gia đình các nạn nhân chết; đồng thời yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông-Vận tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn.
Thủ tướng cũng chỉ đạo thực hiện ngay các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền xem xét phong tặng danh hiệu Liệt sĩ đối với đồng chí Thiếu tá Cảnh sát giao thông đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tại vụ tai nạn nêu trên và thực hiện các chế độ, chính sách đối với gia đình của đồng chí theo đúng quy định của pháp luật.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Hào được phong cấp trung tá sau sự việc.
Cũng trong ngày 23/4, báo Nhà nước dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Long An cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người để điều tra về sự việc.
Ngoài hai người bị bắt trước đó, cơ quan điều tra cũng tạm giữ thêm ba người khác có liên quan.
Theo báo Nhà nước, tài xế điều khiển xe bán tải khai nhận trước đó có sử dụng ma túy. Tài xế này hiện cũng đang bị xem xét khởi tố về hành vi giết người.
Dân mạng xã hội trong 2 ngày qua đã xôn xao bàn tán về sự việc, thậm chí chỉ trích việc công an sử dụng dân làm lá chắn chống ma tuý gây chết người.
Tuy nhiên, báo Nhà nước hôm 22/4 dẫn lờ lãnh đạo Công an tỉnh Long An nói rằng quá trình lực lượng chốt chặn, vây bắt xe hơi chở hàng cấm đã được tính toán kỹ, phối hợp đúng quy trình, nhưng nghi can quá manh động.
Dư Luận Bất Mãn Trong Nước, Vụ Cảnh Sát Giao Thông Dùng Dân Làm “Lá Chắn”: Cán Bộ Thì Được Thăng Cấp, Dân Thì Bỏ Mạng Oan Uổng!
(Ảnh: Cảnh sát giao thông chặn hai xe gắn máy làm rào chắn xe hơi chở ma tuý, khiến hai người mất mạng.)
-Cán bộ Cảnh sát giao thông chết trong vụ được nói “vây bắt nghi phạm buôn ma tuý” được thăng cấp, phong liệt sĩ. Trong cùng vụ có 2 người dân chết một cách oan uổng nhưng không nghe gì về bồi thường.
Vào chiều ngày 21/4/2023, Ban Chuyên án tỉnh Long An cho biết họ tiến hành vây bắt nghi phạm buôn bán tuý đang điều khiển xe hơi 5 chỗ chạy qua địa bàn tỉnh này, tiến về hướng Sài Gòn.
Trong một video được trích xuất từ nhà dân cho thấy, một viên Cảnh sát giao thông trong ban chuyên án đã chặn xe, sắp xếp cho 2 người dân đi đường dừng lại để chặn xe chở ma tuý, khiến những người này cùng với một Cảnh sát giao thông thiệt mạng vì bị xe chở ma tuý đâm.
Báo Chí Đổi Trắng Thay Đen
Một loạt mạng báo lớn nhỏ, bao gồm VnExpress, Đại đoàn kết, Tiền Phong, Bảo vệ công lý… đều đăng bài có nội dung y hệt nhau, rằng “Nhận tin xe hơi 5 chỗ khả nghi đang chạy về hướng Sài Gòn với tốc độ rất nhanh, một Cảnh sát giao thông trong tổ công tác đi bộ ra giữa đường yêu cầu xe hơi bán tải và xe lôi (chở hàng) dừng lại thành hàng ngang, đề nghị các xe gắn máy di chuyển ra chỗ khác…. Tổ công tác yêu cầu xe hơi 5 chỗ dừng lại để kiểm tra nhưng tài xế không chấp hành, tông thẳng vào nhóm cảnh sát và vài người dân còn kẹt trên đường”.
Việc các tờ báo đăng bài có nội dung rập khuôn nhau đến từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy như vậy đặt ra nghi vấn rằng liệu nội dung này có được viết một cách độc lập hay là viết theo chỉ đạo từ Tuyên giáo, và rằng hệ thống báo chí trong nước có đang cố gắng “tẩy trắng” cho hành vi dùng người dân tham gia giao thông để chắn đường xe hơi chở ma tuý hay không?
Một Luật sư ở Sài Gòn, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, bình luận với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) rằng một người bình thường khi xem video chắc chắn sẽ nhận thấy rõ ràng là viên Cảnh sát giao thông đã cố tình chặn đường 2 người đang chạy xe gắn máy, dẫn đến cái chết của họ:
“Báo chí Việt Nam là thông tin một chiều, nó luôn luôn bảo vệ chế độ và những người thực thi công vụ mặc dù họ có làm sai đi nữa. Những người bình thường xem video sẽ thấy ngay là người dân bị chặn lại, người ta đâu có tự nguyện. Cái này là họ bị chết oan bởi những nhân viên công vụ ngu dốt và rất non kém nghiệp vụ”.
Gia Đình Nạn Nhân Nói Gì
Ông Huỳnh Thắng, là bố của nạn nhân Huỳnh Nguyễn Chí Mẫn, nói với RFA rằng con trai mình là một Kỹ sư cơ khí, đang sống vui vẻ khoẻ mạnh thì bị tai nạn đột ngột qua đời do sự thiếu sót của Cảnh sát giao thông:
“Tôi không biết đầu đuôi sự việc như thế nào nhưng mà trước mắt thì tất cả 10 người như một, đều thấy thiếu sót của anh công an điều tiết. Xe lớn sao không sử dụng mà sử dụng xe con hai bánh để làm cái gì? Theo tôi nghĩ thì thiếu sót nằm ngay chỗ đó”.
Sau khi xảy ra sự việc, phía công an, lãnh đạo tỉnh Long An cũng đã xuống nhà thăm viếng đám tang của anh Mẫn, ông Thắng cho biết:
“Cái thứ nhất là cơ quan ban ngành cũng xuống thăm hỏi và động viên.
Trước đó là có Giám đốc Công an tỉnh xuống tại nhà xác, họ cũng động viên an ủi và giúp đưa em nó về tới nơi tới chốn. Khi làm đám thì họ cũng đi xuống thăm hỏi.
Nói chung là không có vấn đề gì hết, họ cũng đã quan tâm đến mình, rồi họ cũng chia sẻ nỗi buồn với mình.
Dù nhận thấy sai sót của cơ quan chức năng dẫn đến cái chết của con trai mình, tuy nhiên, ông Thắng cho biết ông không nghĩ tới chuyện bắt người cán bộ Cảnh sát giao thông phải chịu trách nhiệm:
Nếu mà nói về pháp luật khi tôi không có hiểu. Thì công việc mà, đâu có ai muốn đâu. Có thể là do nhất thời hoặc là người ta nghe một cái lệnh nào đó thì phải chấp hành thôi chứ không nghĩ sau lưng là cái gì.
Còn chuyện truy cứu người đó hay không thì tôi không nghĩ tới. Đó là trách nhiệm mà truy cứu để làm cái gì. Vai trò và trách nhiệm của mỗi người mỗi khác. Bây giờ không phải là cứu mà mà làm sao để hiểu và thông cảm cho vai trò và nhiệm vụ của họ”.
Lỗi Thuộc Về Ban Chuyên Án
Mạng báo Công lý dẫn lời lãnh đạo công an tỉnh Long An cho biết đây là chuyên án triệt phá đường dây ma túy. Quá trình lực lượng chốt chặn, vây bắt xe hơi chở hàng cấm đã được tính toán kỹ, phối hợp đúng quy trình, nhưng nghi can quá manh động. “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự mất mát của các gia đình”.
Vị Luật sư giấu tên không đồng ý với lời biện minh vừa nêu. Theo ông, khi để xảy ra cái chết cho 3 người thì cả Ban Chuyên án phải chịu trách nhiệm. Còn người Cảnh sát giao thông trực tiếp điều khiển dừng xe chắn đường cũng chỉ làm theo mệnh lệnh mà thôi:
“Tôi không hiểu sao một chuyên án đã được lên kế hoạch từ trước mà họ lại dừng xe của người dân lại để chặn bắt tội phạm như vậy, một việc làm phải nói là hết sức ngu xuẩn.
Nếu họ nói là họ đã lên chuyên án thì họ có tính đến trường hợp bảo đảm an toàn cho người dân hay không? Nhiệm vụ của công an là bảo vệ dân chúng nhưng bây giờ công an lại mang dân ra làm lá chắn thì có phải là các ông không coi trọng mạng sống của người ta hay không.
Người thực thi công vụ thực ra thì họ cũng chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên mà thôi. Theo tôi, cả Ban Chuyên án đều phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói là chỉ có một ông đứng ra chịu trách nhiệm mà thôi.
Những người còn lại phải nhận thấy hành động đó quá là nguy hiểm cho người dân và phải ngăn chặn nếu viên cảnh sát kia thật sự sơ ý”.
Diễn biến mới nhất của vụ án này, vào ngày 23/4, Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án Giết người, xem xét khởi tố bị can đối với hai nghi phạm lái xe hơi chở ma túy tông chết 3 người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cán Bộ Được Thăng Chức, 2 Người Dân Chết Oan Thì Sao?
Cũng trong ngày 23/4, Bộ trưởng Công an đã ký quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với cán bộ Cảnh sát giao thông Nguyễn Xuân Hào, người mà theo cơ quan công án nói là đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bắt giữ tội phạm ma túy.
Luật sư giấu tên đặt câu hỏi “người cảnh sát thiệt mạng được thăng quân hàm, được chế độ đãi ngộ mà nhà nước quy định. Vậy còn những người dân vô tội kia, họ được cái gì? Nhà nước liệu có bồi thường cho họ hay không?”
Mạng báo Tuổi Trẻ dẫn lời của Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, thuộc Đoàn Luật sư Tp. HCM, nêu ý kiến rằng trong trường hợp cấp bách, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Nội dung này được quy định tại thông tư số 65, ban hành ngày 19/6/2020 của Bộ Công an.
Luật sư giấu tên cho biết theo quy định của pháp luật thì đúng là có những trường hợp mà lực lượng thi hành công vụ có quyền trưng dụng phương tiện của người dân và không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng cấp thiết, hoặc là trong trường hợp cần phải hạn chế thiệt hại nhỏ hơn so với thiệt hại mà nghi phạm có thể gây ra; tuy nhiên người này đặt vấn đề:
“Như thế nào thì được cho là tình thế cấp thiết. Ví dụ như trong trường hợp này thì có được gọi là tình thế cấp thiết hay không, và nó có cấp thiết hơn tính mạng của người dân hay không?”
Giáo Dục: Lộ Thực Trạng Rất Nhiều Trẻ Em Bị Xâm Hại Tình Dục, “Sóng ở Đáy Sông!”
(Nguyễn Lê Vi)
(Hình: Các nội dung trong một bộ giáo dục của WeGrow Edu để dạy học sinh về tình dục và an toàn tình dục.)
-Trường phổ thông cơ sở tổ chức buổi tư vấn với giáo viên tâm lý. Chủ yếu tư vấn các vấn đề tâm lý lứa tuổi học trò, đặc biệt các dạng kéo bè kéo đảng đánh bạn vì ghen tị bạn xinh hơn mình/vì người iu của bạn lại là crush của mình/nên tìm đến bạn bè thầy cô cha mẹ khi gặp bế tắc, đừng nghĩ quẩn tự tử vân vân. Các dạng bạo lực học đường này hầu như đứa học trò nào cũng từng chứng kiến. Dự phòng tình hình vậy thôi với lại phải tuân thủ chương trình ngoại khóa của Phòng giáo dục, chứ mấy năm nay trường cũng yên lành, không có gì xảy ra.
Cuối buổi, một con nhóc lớp tám viết giấy xin gặp riêng thầy tâm lý.
Ảnh Xin Tiền Con Mua Điện Thoại
Chuyện cũng chẳng có gì. Con bé đang quen một anh bạn trai kia. Lớn rồi, làm công nhân. “Ảnh cũng thương con lắm thầy”.
Nhưng, “Ảnh đòi con mua điện thoại. Con phải gom hết tiền để dành, mượn thêm bạn nữa. Xong ảnh lại đòi con cho ảnh tiền. Mấy triệu lận. Con không có tiền á thầy. Giờ sao thầy?”
Đến đây thì theo kinh nghiệm, thầy thấy có chuyện rồi. Mà còn là chuyện lớn.
“Ảnh nói nếu không mua điện thoại thì ảnh bắn clip đó lên face trường. Mà con mua điện thoại rồi ảnh kêu con đưa tiền tiếp đó thầy. Mấy triệu lận. Mà con hết tiền rồi thầy”.
Nghe con bé thật thà kể hết xong thầy vẫn giữ nụ cười động viên trên miệng nhưng trong lòng đã nguyền rủa một ngàn lần. Clip bị dọa đưa lên trang fanpage của trường là clip quay cảnh làm tình giữa bé với “bạn trai”, anh bạn quý hóa trời đánh đó đó.
Chưa hết!
- Trong trường con còn có hai bạn nữa cũng vậy á thầy. Hai bạn quen ảnh chung với con luôn. Ảnh cũng quay clip lại hết á thầy! Mấy bạn cũng đang bị ảnh đòi tiền á!
Tức khắc, các chứng cứ thu thập được từ ba đứa bé gái được chuyển ngay sang công an. Ngay chiều hôm đó, anh bạn trai bị bắt vì tội xâm hại tình dục trẻ em.
Sóng Dữ
Cách đây độ 5 năm, xã hội Việt Nam bàng hoàng lên với vô số thông tin dồn dập khui lộ thực trạng rất nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục. Ngành nào cũng “lập tức vào cuộc”. Cha mẹ hốt hoảng dắt con đi học các khóa dạy cách tự bảo vệ, cách nhận biết môi trường và con người có nguy cơ. Trường học liên tiếp mời các chuyên gia tâm lý về nói chuyện với học sinh, thậm chí mời cả công an hình sự đến thị phạm các thế võ dễ học nhằm ngăn chặn hoặc bỏ chạy khỏi kẻ có hành vi nguy cơ.
Ôi là sôi sùng sục một bầu không khí khẩn trương từ trung ương đến địa phương, từ ngành ngang đến ngành dọc, già trẻ gái trai ai ai cũng thuộc lòng quy tắc năm ngón tay chống xâm hại tình dục.
Sau đợt cao điểm cả nước chống xâm hại tình dục trẻ em ấy chắc bọn trẻ hiểu hết về quyền đối với cơ thể của chúng rồi nhỉ? Chắc chả còn mấy đứa trẻ bị vụ này đâu nhỉ? Nếu có chắc cũng ở xa xôi hẻo lánh người dân ít hiểu biết thôi nhỉ?
Ấy… Dạ thưa không.
Mặc dù đã có thêm rất nhiều người hiểu biết kiến thức chống xâm hại tình dục trẻ em, nhưng so với nhiều năm trước, tình trạng này không những vẫn còn, mà ở một số nơi, nó còn tăng. Chỉ là do các tổ chức phi chính phủ đã kết thúc dự án về chống xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam nên báo chí không lên tiếng ồ ạt tập trung về nó, khiến tình hình dường như có vẻ như đã tốt hơn rất nhiều.
Nhưng bên dưới bề mặt có vẻ tĩnh lặng, thực ra sóng dữ đã đổ tràn. Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em bây giờ khó phát giác, khó triệt nguyên nhân hơn trước kia.
Với chi phí internet thấp và điện thoại thông minh giá rẻ phủ sóng khắp nơi, thành phố hay thôn quê giờ đã không khác nhau nhiều về mặt thông tin. Sự bùng nổ của các mạng xã hội cung cấp tất cả mọi thứ cho những đứa trẻ đang tò mò nhưng thiếu hướng dẫn. Mạng xã hội khiến chúng dễ dàng che giấu cha mẹ hay người lớn để thực hiện các giao tiếp nguy hiểm. Những lời khen tấm tắc, sự trầm trồ ao ước không biết giả hay thật dành cho các cô gái trẻ xinh đẹp không rõ làm nghề gì nhưng luôn khoe cuộc sống giàu sang sung sướng, mặc đồ hiệu, ăn nhà hàng, check in các điểm du lịch đắt tiền… góp phần trực tiếp gây méo mó nhận thức của trẻ.
Nạn nhân vẫn là trẻ em, nhưng sự thay đổi bước ngoặt về nguyên nhân và bối cảnh của tội phạm đòi hỏi phụ huynh phải dốc lòng sát sao với con và tìm mọi cách bước vào thế giới của con-gồm bạn bè, sở thích, ham muốn, những mối quan tâm, những người mà con thần tượng hoặc có thể có quan hệ, cách con sử dụng và thể hiện mình trên mạng xã hội....
Dường như xã hội bây giờ nguy hiểm hơn thời xưa hơn rất nhiều. Làm phụ huynh không chỉ phải nuôi dưỡng con đầy đủ, làm gương và dạy dỗ con mà còn phải thật sự làm bạn với con. Điều này hết sức khó, không chỉ vì khoảng cách thế hệ mà còn vì quỹ thời gian ít ỏi bị chia cho quá nhiều trách nhiệm và sở thích của người lớn.
Nhưng nếu không làm bạn với con, làm sao bạn có thể biết một bé gái mới 11, 12 tuổi đã có quan hệ tình dục tự nguyện thường xuyên và lâu dài với cả ba thanh niên (17, 19 và 27 tuổi) trong cùng khoảng thời gian, tại cùng một địa điểm là một quán cà phê võng? Thậm chí khi bé mang thai, gia đình cũng không hề biết. Tận khi bé vào bệnh viện để sinh con thì mọi việc mới vỡ lở.
Bệnh viện chuyển hồ sơ của bà mẹ 13 tuổi về Công an địa phương. Bé khai tuốt tuột nhưng qua giám định DNA, tòa chỉ xử thanh niên là cha của đứa trẻ về tội giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi.
(Hình: Một buổi dạy về tình dục ở trường Trung học Nguyễn Tất Thành)
“Con Iu Ảnh Mà”
Một bé gái khác cũng đang học lớp 6, 12 tuổi. Mẹ làm công nhân, cha chạy xe vận tải đường dài. Như hầu hết những đứa trẻ ở thành thị bây giờ, bé có điện thoại để cha mẹ tiện liên lạc. Cũng chơi Facebook như nhiều đứa trẻ khác.
Mạng xã hội có chức năng quét tìm những người đang ở gần. Bé được thủ phạm tìm ra trong một lần quét như vậy. Add Facebook, nói chuyện qua lại rồi thân quen. Tuy chỉ nói chuyện và video call với nhau trên mạng chứ chưa gặp trực tiếp bao giờ, nhưng họ vẫn thành “người iu”.
“Người iu” của bé đã trưởng thành, làm nghề tự do. Với các trò giả vờ yêu đương nhung nhớ, hắn dễ dàng dụ cô bé tự nguyện khỏa thân thực hiện các động tác hắn yêu cầu trong phòng riêng và quay video lại.
Kết bài y như nhau: “Người iu” đòi bé cho quan hệ tình dục, nếu không sẽ up video này lên fanpage của trường.
Ở một vụ khác, “người iu” dụ bé gái thủ dâm chat video. Hắn giữ lại video này rồi up lên các trang web sex.
Một vụ khác nữa: em gái 15 tuổi, học lớp 11 viết thư tố cáo bị một người đàn ông đã có vợ con xâm hại tình dục. Khi vụ án được khởi tố, công an điều tra thì mới té ngửa sự thật khác hẳn. Bé gái và người đàn ông kia là “người iu” của nhau. Người kia giấu việc đã có vợ con. Bé gái tự nguyện yêu đương và quan hệ tình dục. Đến khi phát giác “người iu” đã có vợ con và không bỏ vợ, bé gái cảm thấy bị lừa dối và tức giận đi tố cáo.
Ở tuổi 11, 12, nhiều bé gái đã thích xưng hô vk vk ck ck (vợ vợ chồng chồng) khi nói chuyện với bạn trai, dù thực tâm chẳng hiểu gì. Chúng nói hết sức ngây thơ khi trở thành bà mẹ ở tuổi 13: “Tại con iu ảnh nên con cho ảnh thôi”.
Và những diễn biến khác.
Những mối quan hệ sugar baby, sugar daddy không bị coi là vi phạm pháp luật.
Nhưng thật sự kinh hoàng khi có những em gái đang học phổ thông trung học, lớp 10, 11 đã tự nguyện làm sugar baby cho cùng lúc hai ông chú giàu có, có vợ con đàng hoàng và kinh doanh có máu mặt trong vùng. “Baby” thừa biết thóp của các “daddy” nên chỉ cần ngúng nguẩy kêu hết tiền là hai chú phải lập tức cung phụng. Nửa đêm, chú cũng phải chạy xe ra ngoại ô đến điểm hẹn để đưa tiền mặt cho cháu.
Giáo Dục Tình Dục Cho Học Sinh Ở Trường Trung học “Con Trai Có Gì Mà Sợ!”
(Nguyễn Lê Vi)
(Hình: Một buổi học về tình dục cho học sinh ở trường Trung học Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, năm 2020.)
-Không có thống kê cụ thể, nhưng theo báo cáo từ các tổ chức hỗ trợ cộng đồng sống chung với HIV thì trẻ em trai bị xâm hại tình dục nhiều hơn những gì được biết trên truyền thông đại chúng rất nhiều. Đặc biệt, nó tập trung ở nhóm trẻ LGBT.
Trong các diễn đàn chung hay các hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống HIV, rất nhiều nhóm hỗ trợ cộng đồng trên cả nước đã phải kêu lên xót xa về tình trạng nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa.
Khoảng bốn năm trước, những trường hợp phát giác có HIV khi chỉ mới 15 tuổi còn là hiếm hoi. Nhưng đến năm 2022, với vụ con quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường ở Quảng Nam bị bắt vì chuyên dụ dỗ trẻ em trai để quan hệ tình dục hoặc cưỡng hiếp, dư luận được biết có những bé trai đã có quan hệ tình dục lần đầu khi mới 12, 13 tuổi. Thậm chí có thể nhỏ hơn.
Nhưng không ít cha mẹ vẫn thờ ơ với tình trạng này vì quan niệm”con trai thì mất gì mà sợ”.
Hươu Muốn Chạy, Không Phải Lỗi Tại Hươu
Trẻ em trai thuộc nhóm LGBT nhỏ tuổi thường bị xâm hại tình dục ở độ tuổi cấp hai (tuổi dậy thì) và bắt đầu có tò mò, khám phá về cơ thể. Người xâm hại các em, như trong nhiều vụ án trong quá khứ - có thể là thầy giáo trong trường vì những người này thường xuyên tiếp xúc và hiểu rõ về tâm lý, xu hướng tính dục của các em. Nhưng phổ biến hơn cả là những bạn tình mà các em chỉ gặp một vài lần trên con đường tìm hiểu bản dạng giới và xu hướng tính dục trong khi không có sự hướng dẫn đúng đắn.
Nếu một bé gái mười mấy tuổi theo đàn ông vào nhà nghỉ khách sạn, ít nhiều thế nào cũng có người lưu ý, để tâm quan sát và tìm hiểu mối quan hệ. Nhưng ông chú dắt vài chú bé về nhà, vào khách sạn, ra công viên, hồ bơi, phòng tập gym, sauna, rạp chiếu phim, hay thậm chí WC công cộng trong các trung tâm thương mại lớn… thì hầu như không ai để ý cả. Thế mà đó lại chính là cách thức mà hoạt động này diễn ra.
Các chú bé lưng vẫn đeo cặp sách, mặc đồng phục học sinh rõ bảng tên trường đang theo sau một người đàn ông tuổi chú bác bước ra khỏi trung tâm thương mại có thể chính là đang rời đi sau một vụ xâm hại tình dục chớp nhoáng.
Cho dù có sự đồng thuận từ phía trẻ em (người dưới 16 tuổi) trong những mối quan hệ tình dục này thì với tính chất đặc biệt của tội phạm đối với trẻ em, đó vẫn là xâm hại tình dục trẻ em và phải bị trừng phạt.
Nhưng do đặc điểm của cộng đồng LGBT giấu rất kín các mối quan hệ như vậy với người ngoài cộng đồng (đặc biệt giấu kín với cha mẹ, người thân) cộng với sự đồng tình của chính nạn nhân nên thường nó không bị phát giác sớm. Thậm chí tỷ lệ phản kháng và tố cáo khi hành vi xâm hại đi kèm với bạo lực cũng thấp hơn hẳn so với nhóm các bé gái bị xâm hại.
Do pháp luật Việt Nam chưa thực sự thừa nhận quyền của người LGBT, cùng với thói quen kỳ thị bắt nguồn từ sự thiếu kiến thức- đặc biệt ở các vùng quê, nhiều nạn nhân nhỏ tuổi khi bị xâm hại tình dục đã tìm mọi cách giấu kín. Các em sợ bị nhận ra là có xu hướng tính dục đồng giới, bị chế nhạo, chửi rủa “hư sớm”, “con nít mới nứt mắt đã làm chuyện quan hệ bậy bạ”. Nhất là khi các em lại còn tham gia quan hệ tình dục tập thể. Các em sợ sệt cho bản thân, cho gia đình, cho cả họ hàng. Ở quê, nơi các mối quan hệ thường đóng kín trong chòm xóm, họ hàng…, dư luận rất nặng. Cha mẹ có thể đuổi con cái LGBT ra khỏi nhà vì cho rằng đó là lối sống biến thái, bệnh hoạn.
(Hình REUTERS, minh họa: Các em học sinh thắp nến tại một chương trình vận động hiểu biết về HIV/AIDS ở Hà Nội hôm 27/11/2011.)
Những Miếng Mồi Thối Rữa Phủ Mật
Cạnh đó, nhóm LGBT thường không muốn các vấn đề của cộng đồng mình bị đem ra công khai trong xã hội, mà như đã nói - mà hệ thống pháp luật vẫn thiên về các vấn đề của nhóm dị tính. Họ sợ cộng đồng mình vốn đã bị kỳ thị nên nếu xã hội biết rõ về những tệ nạn xảy ra trong giới thì sẽ còn bị kỳ thị hơn.
Nhưng nhu cầu tìm hiểu và thực hành tính dục lại là bản năng của con người. Với sự hỗ trợ của kỹ thuật, việc tìm và thỏa mãn nhu cầu tình dục với lứa tuổi dậy thì dễ dàng gấp bội lần so với các thế hệ trước.
Chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng kết bạn (thực chất là tìm bạn tình) dành riêng cho cộng đồng LGBT, các chú bé đã có thể được rất nhiều người đồng giới lớn tuổi vây quanh.
Ứng dụng cho phép ẩn danh và sử dụng hình ảnh tùy ý nên nhiều người không sợ bị phát giác hành vi này.
Trên ứng dụng này cũng có rất nhiều tư vấn viên của các tổ chức hỗ trợ cộng đồng chống HIV. Vì công việc, họ cố tập tành để có thể hình đẹp, gìn giữ ngoại hình bắt mắt để thu hút các em trai trẻ và nhỏ chú ý đến mình, từ đó tiếp cận làm quen và tư vấn phòng/điều trị bệnh. Nhưng các con quỷ ấu dâm cũng dùng cách này, và nhiều kẻ dùng hình ảnh giả, lý lịch giả mạo toàn bộ.
Con quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị phát giác đã dụ dỗ, cưỡng hiếp và cố tình lây nhiễm HIV cho sáu trẻ LGBT bằng các hoạt động trên ứng dụng này. Các nạn nhân nhỏ nhất mới 12, 13 tuổi, lớn nhất chỉ 15 tuổi. Cường dùng các hình ảnh trai đẹp, sáu múi, lối sống giàu có… để tiếp cận và tỏ ra đồng cảm với những bé trai đang lần đầu dùng mạng xã hội. Hắn hứa hẹn làm anh em kết nghĩa, tri âm tri kỷ, chở đi chơi bằng xe hơi riêng, hứa cho tiền, card điện thoại, tiền ăn, tiền mua sắm…. Sau khi con mồi đồng ý gặp, hắn dụ vào nhà nghỉ dùng Popper hít để kích thích và khóa trái cửa cưỡng ép, hãm hiếp.
Huỳnh Đắc Cường đã bị bắt vì các hành vi trên. Nhưng nếu người xâm hại không dùng bạo lực, không lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua quan hệ tình dục khác (bằng cách dùng bao cao-su) mà chỉ dụ dỗ sử dụng chất kích thích, đồng thời rất chiều chuộng và khiến các bé cảm thấy “an toàn” thì sự việc sẽ gần như không bao giờ bị lộ. Đặc biệt nếu thủ phạm có ngoại hình dễ nhìn và bề ngoài sạch sẽ.
Trong cộng đồng người đồng tính nam từng lan truyền khá nhiều cái tên đồng tính nam đẹp trai, có nghề nghiệp ổn định, thậm chí “sang trọng”, bề ngoài rất lịch lãm trí thức, nhưng lại cố tình lây nhiễm HIV cho nhiều người kể cả trẻ em, qua quan hệ tình dục.
Với nhóm trẻ em đường phố, do kiến thức và thực tế cuộc sống vỉa hè nên nhiều em vốn đã xem bán thân là một nghề nghiệp để kiếm tiền. Quan niệm này không phụ thuộc vào việc em có thuộc nhóm LGBT hay không.
Nhiều năm trước, một tổ chức phi chính phủ chuyên cứu giúp trẻ em gái bị xâm hại tình dục đã trực tiếp điều tra và phát giác các đường dây môi giới mại dâm với trẻ em trai. Một người trong tổ chức này thủ vai “thương gia đứng giàu có, người Tân Gia Ba gốc Việt” đã rất dễ dàng bắt được mối, thậm chí có thể rủ hẳn một đám trẻ em trai bán dâm tập thể ngay trong khách sạn, nhà nghỉ.
Ngày càng nhiều người ngoại quốc đến du lịch, sinh sống (ngắn hoặc dài hạn) ở Việt Nam. Họ thuê nhà riêng hoặc chung cư, có khi treo bảng dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em. Nhưng việc làm tốt này cũng đã từng bị sử dụng làm vỏ bọc cho hoạt động xâm hại tình dục với trẻ.
So với bé gái, bé trai bị xâm hại cũng khó phát giác hơn do các tổn thương thường dễ che giấu hơn.
Vì thế, xác định nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em trai khó khăn hơn gấp bội so với các vụ án tương tự mà nạn nhân là trẻ em gái.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2022 đã phát giác hơn 9.000 ca nhiễm HIV mới. Đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn và trở thành đường lây chính qua các năm. Hiện tỷ lệ này lên tới 80%. Tỷ lệ người nhiễm HIV ở nhóm người dưới 30 tuổi ngày càng tăng, hiện đã chiếm hơn 50%.
Con số trên còn thấp hơn thực tế. Vì đó chỉ là thống kê được khi trẻ đã chịu đi xét nghiệm. Còn số trẻ đã quan hệ tình dục với người có HIV sau đó giấu biệt nhân thân và tung tích thì không thể tính được. Qua tư vấn cộng đồng, các nhóm hỗ trợ đều biết điều này. Nhưng ngoài việc cố sức tìm, an ủi, động viên các em đi xét nghiệm để điều trị bệnh… họ cũng không thể làm gì khác.
CSVN Sợ ‘Những Phản Ứng Phụ’ Khi Bang Giao Việt-Mỹ Được Thúc Đẩy Tốt Lên!
(Phạm Bá Bình)
(Hình: Từ lâu, có một hiện tượng bất biến, mỗi lúc bang giao Việt-Mỹ được thúc đẩy tốt lên thì lập tức xuất hiện những lực cản. Truyền thông quốc tế nhiều lần phát giác ra chiêu trò này và đặt câu hỏi: Ai cản trở quan hệ Việt-Mỹ?)
-“Các phản ứng phụ” ở đây không phải là những “side effects” trong ngành Y-Dược. Đây là các nghịch lý có thật đã xuất hiện tuần qua, khi chuyến công du Hà Nội của Ngoại trưởng Blinken chưa sạch bụi đường.
Phạm Bá Bình
Trong các biến cố và sự kiện diễn ra trước, trong và sau thời gian tính từ chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ, có lẽ nổi bật nhất là làn sóng đàn áp xã hội dân sự, kể cả bắt cóc người Việt tỵ nạn ở bên ngoài đem về nước. Biến sự này như muốn thách thức Mỹ, phương Tây và tất cả những ai tranh đấu cho dân chủ-nhân quyền, khiến không chỉ Hoa Thịnh Ðốn mà nhiều nước, cũng như nhiều tổ chức quốc tế đã phải lên tiếng phản đối. Với làn sóng khủng bố trắng này, chính quyền Việt Nam đã “một công đôi việc”: Vừa thẳng tay trấn áp những tiếng nói đối lập bên trong, vừa đưa ra thông điệp cho Mỹ và phương Tây rằng, Việt Nam không chịu sức ép của vấn đề dân chủ-nhân quyền. Triết lý của CSVN ở đây là: Đừng ai ảo tưởng, càng thúc đẩy quan hệ với Mỹ, bàn tay sắt của ĐCS càng siết chặt mọi động tĩnh của các tổ chức NGO, các “think tank” dù dưới bất kỳ hình thức nào, từ bảo vệ môi trường đến phản biện xã hội. Hãy xem vụ án “bấm giờ” khi xử Nguyễn Lân Thắng là trường hợp điển hình.
Mỹ Thẳng Thắn Nêu Thẳng Vấn Đề
Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể xử vụ này một cách công khai, chờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ về nước. Nhưng không, lãnh đạo Việt Nam cho xử trước ngày Blinken đến và quyết định xử kín để thông điệp tăng hiệu ứng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 13/4/2023, trước khi Blinken đến một ngày, kịp thời lên án bản án, và đã kêu gọi chính phủ Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và những cá nhân khác đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa và thúc đẩy nhân quyền”. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lập trường rất rạch ròi: “Chúng tôi cam kết với Việt Nam ở cấp cao nhất để đạt được tiến bộ trong việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, cũng như tôn trọng pháp quyền và tiếp cận công lý”. Thông điệp của Mỹ khẳng định tiếp: “Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác đó chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu chính phủ Việt Nam thực hiện các bước đồng bộ để đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của mình theo luật pháp quốc tế và cải thiện thành tích nhân quyền của mình.
Việc dùng luật làm vũ khí để bỏ tù các nhà hoạt động môi trường cũng là một chiêu lâu nay Việt Nam công khai thách thức không chỉ dư luận Mỹ. Tổ chức Dự án 88 chuyên cổ súy cho nhân quyền ngày 21/4 vừa công bố phúc trình về việc Hà Nội sử dụng luật “làm vũ khí” kết án những nhà hoạt động môi trường. Phúc trình dài 88 trang có tên “Weaponizing the law to prosecute the Vietnam Four” (tạm dịch “Vũ khí hóa luật để truy tố bốn người”). Đó là bốn nhà hoạt động về tình trạng biến đổi khí hậu được xem như “hàng đầu” tại Việt Nam: luật gia Đặng Đình Bách, nhà hoạt động Ngụy Thị Khanh, nhà báo Mai Phan Lợi và ông Bạch Hùng Dương. Bốn người này hoạt động nhằm thúc giục chính phủ Việt Nam thực thi cam kết đối với chính sách phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính xuống mức zero vào năm 2050. Dự án 88 lặp lại kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay cho bốn nhà hoạt động bị giam cầm một cách tùy tiện; đồng thời nhóm các nước G7 cần đặt điều kiện, chỉ tài trợ cho chuyển đổi năng lượng của Hà Nội khi không còn bắt giữ thêm nhà hoạt động nào nữa.
Một biến sự mới đây gây chấn động công dân mạng và toàn xã hội, đó là việc Công an Việt Nam ngang nhiên sang tận Thái Lan bắt blogger Đường Văn Thái (hay Thái Văn Đường) đưa về nước giải quyết. Đây là một ví dụ nữa về cái gọi là “pháp chế Xã hội chủ nghĩa”, về “cam kết thăng tiến nhân quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế” mà Việt Nam tuyên bố chỉ là những lời rỗng tuyếch. Trò Công an thông tin về việc “vừa bắt được người đàn ông tên Đường Văn Thái xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới” thực chất là sản phẩm của các cơ quan báo chí “hót” theo giọng điệu của Công an Ba Đình. Truyền thông đã chủ động “tố giác” sự việc và mở ngay trang web để “đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch trên Internet”. Trí tưởng tượng của truyền thông “lề phải” còn phán đoán rằng, “đối tượng đang tìm mọi cách để tiếp cận Ngoại trưởng Mỹ nhằm tìm cơ hội đến một nước thứ ba sau cuộc phỏng vấn mới nhất tại Thái Lan”. Những Đường Văn Thái, Trịnh Xuân Thanh, Trương Duy Nhất… tất cả đều là nạn nhân của một chế độ độc tài, công an trị, chuyên ngồi xổm trên luật pháp, đàn áp xã hội dân sự, đồng thời phục vụ cho các cuộc đấu đá nội bộ trên cung đình. Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế từ Âu Châu hôm 18/4 đã kêu gọi giới chức Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Đường Văn Thái cũng như ngừng quấy nhiễu và bắt bớ những người làm báo sống lưu vong.
Trung Quốc Bôi Bác Bang Giao Việt-Mỹ
Từ lâu, có một hiện tượng bất biến, mỗi lúc bang giao Việt-Mỹ được thúc đẩy tốt lên thì lập tức xuất hiện những lực cản. Truyền thông quốc tế nhiều lần phát giác ra chiêu trò này và đặt câu hỏi: Ai cản trở quan hệ Việt-Mỹ? Câu trả lời xưa như trái đất. Chẳng ai ngoài Trung Quốc cả! Đừng ai nghĩ là dịp Ngoại trưởng Mỹ thăm Hà Nội vừa rồi, Trung Quốc bỏ cuộc, thôi không “chọc gậy bánh xe” đâu nhé! Theo nguồn tin nội bộ không thể nêu danh tính, những ngày trước khi ông Blinken đến Việt Nam, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Hùng Ba – “ngựa quen đường cũ” – lại cũng đã xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Mục đích là định diễn lại “màn kịch” tháng 8/2021 khi “chặn xe” Thủ tướng Việt Nam ra phi trường đón Phó Tổng thống Mỹ. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này lãnh đạo Việt Nam đã nói “không” với ông Hùng Ba. Chính xác hơn là đã “đá quả bóng” sang cho lãnh đạo Hà Nội. Vì vậy, mới có chuyện trước khi máy bay của ông Bliken đáp xuống Nội Bài ba hôm, ngày 11/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội, phải thay mặt ông Trọng, ông Chính, đành “tiếp thế” Đại sứ Trung Quốc. Đối với bên ngoài, ai biết “cuộc chào xã giao ấy” là cả một cuộc “đóng thế”.
Không chịu bỏ cuộc, “không ăn được thì đạp đổ”. Không thành công trong việc làm bẽ mặt lãnh đạo Việt Nam như tháng 8/2021, Trung Quốc quay sang khích bác và bôi bác mối bang giao Việt-Mỹ đang chuẩn bị nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược”. Việc nâng cấp rõ ràng đã làm “ngứa mắt” Trung Quốc. Thế mới có chuyện báo chí Nhà nước Trung Quốc và mạng xã hội nước này tuần qua xôn xao một “phát giác” là Việt Nam không treo cờ Mỹ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Blinken tại Hà Nội và cho rằng đây là điều sỉ nhục đối với Mỹ. Mạng truyền thông “Hoàn Cầu thời báo” của Trung Quốc đã phát một đoạn video ngắn trên nền tảng Douyin, chỉ ra rằng trong cuộc gặp giữa ông Antony Blinken và ông Phạm Minh Chính, chỉ có lá cờ Việt Nam được đặt trong phòng họp mà không có lá cờ Mỹ. Theo mạng Hoàn Cầu, đây là điều rất bất thường đối với một sự kiện ngoại giao. Sự việc này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận trên nhiều nền tảng mạng xã hội như NetEase và Zhihu. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng điều này cho thấy “Hoa Kỳ đã bị Việt Nam sỉ nhục nặng nề”.
Các bức ảnh và video liên quan lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, đồng thời có nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội của Trung Quốc như Weibo, Netease, Zhihu.... Một số cây viết trên mạng cho rằng “Mỹ đã bị Việt Nam sỉ nhục nặng nề” và “Việt Nam không muốn làm mất lòng Trung Quốc. Chuyến thăm của Blinken tới Việt Nam để lại một hình ảnh nhục nhã…. Việt Nam xem thường Hoa Kỳ”. Ngoài ra còn có một số cơ quan truyền thông như Zhongtian News (Trung Thiên Tân Văn), tổ chức chương trình hội luận để phân tích lý do tại sao Hoa Kỳ đã phải bị đối xử “nhục nhã” như vậy. Phòng Phối kiểm Tính Xác thực Thông tin của Ðài Á Châu Tự Do (RFA) đã xác minh các bức ảnh Thủ tướng Việt Nam tiếp viên chức ngoại quốc trước nay cũng chỉ treo quốc kỳ nước mình khi Thủ tướng gặp cấp thấp hơn như Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko, gặp Bí thư Khu ủy Khu Tự trị người Choang Quảng Tây Lưu Ninh, Ngoại trưởng Nga Lavrov, Ngoại trưởng Gia Nã Ðại Melanie Joly....
“Yếu Tố Trung Quốc!” Làm Hà Nội Vẫn Chần Chừ, E Ngại Trong Quan Hệ Bang Giao Mỹ-Việt
(Thanh Phương)
-Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Antony Blinken với tư cách Ngoại trưởng Mỹ từ ngày 14 đến 16/4/2023, Hà Nội và Hoa Thịnh Ðốn đã bày tỏ hy vọng sớm nâng quan hệ song phương “lên một tầm cao mới”. Hiện giờ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chỉ mới ở mức “đối tác toàn diện”. Từ thời chính quyền Donald Trump, Mỹ đã liên tục hối thúc Việt Nam nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược”, nhưng Hà Nội vẫn chần chừ vì e ngại phản ứng của Trung Quốc.
Có thể nói là trong quan hệ Mỹ-Việt nói riêng và trong chính sách ngoại giao “đa phương” của Việt Nam nói chung, “yếu tố Trung Quốc” vẫn còn hạn chế khuôn khổ hành động của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước. Riêng đối với Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ mới có quan hệ “đối tác toàn diện” kể từ năm 2013. Tuy vậy, từ đó đến nay, hai nước đã tăng cường quan hệ cả về chính trị, quốc phòng và kinh tế, vì cả Hà Nội và Hoa Thịnh Ðốn đều quan ngại về những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhằm thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ song phương, trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 29/03, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tái khẳng định là Hoa Thịnh Ðốn “tôn trọng thể chế chính trị” của Việt Nam, một cách gián tiếp trấn an Hà Nội là Mỹ không bao giờ thúc đẩy việc thay đổi chế độ ở Việt Nam. Đây cũng là điều mà Ngoại trưởng Blinken nhắc lại trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.
Như vậy, sau chuyến đi này của Ngoại trưởng Mỹ, liệu Hà Nội có sẽ nâng quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược”? Trả lời Ban Việt ngữ của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 21/4/2023, nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, trường Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ, dự đoán:
“Trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam, “đối tác chiến lược toàn diện” là mức cao nhất, bao gồm Nga và Trung Quốc. Tiếp đến là “đối tác chiến lược”, bao gồm các quốc gia tầm trung, như Nam Hàn, Nhật Bản hay Ấn Độ. Còn “đối tác toàn diện” như với Mỹ là nấc cuối cùng trong thang ngoại giao của Việt Nam.
Việc Việt Nam đề cập đến nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể được hiểu là hai bên muốn thể hiện vị thế, tầm quan trọng của mỗi bên, cũng như Mỹ xem Việt Nam là một đối tác đang lên ở Á Châu-Thái Bình Dương và Việt Nam cũng đang coi Mỹ như là đối tác an ninh ngày càng quan trọng hơn. Nhưng sẽ rất khó để hai bên tăng cường quan hệ lên tầm đối tác chiến lược, vì Việt Nam cũng phải nghe ngóng phản ứng, thái độ của Trung Quốc”.
Trên trang mạng của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 15/4, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á Zachary Abuza nhắc lại Việt Nam cho tới nay vẫn ngại là xích lại quá gần Hoa Kỳ thì sẽ gặp phản ứng mạnh từ Trung Quốc. Ông ghi nhận là hiện giờ Việt Nam đã nhận tất cả những gì mà Việt Nam muốn từ quan hệ với Mỹ và Hoa Kỳ nay đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
Theo chuyên gia Abuza, cái giá mà Việt Nam phải trả cho việc xích lại quá gần với Mỹ sẽ rất lớn, vì Trung Quốc có nhiều cách để trả đũa và gây áp lực lên Hà Nội. Đối với ông Abuza, việc “nâng cấp” quan hệ Mỹ-Việt có thể sẽ chỉ mang tính “biểu tượng ngoại giao”, mà nếu như thế thì Trung Quốc chắc cũng sẽ không nói gì.
Nhưng nếu thật sự hai nước nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, Việt Nam có thể hứng chịu những đòn trả đũa nào của Trung Quốc về kinh tế, an ninh, chính trị…? Vẫn nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang giải thích:
“Quan hệ Việt-Mỹ chưa bao giờ chỉ liên quan đến Việt Nam và Mỹ, mà về bản chất, quan hệ đó cuối cùng vẫn chỉ là nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Nhưng nếu Việt Nam bảo đảm được với Trung Quốc rằng việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ không ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đó là duy trì một Việt Nam trung lập trong quan hệ quốc tế và không làm ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung, thì Trung Quốc sẽ không trừng phạt Việt Nam. Trung Quốc hiểu rằng nếu trừng phạt Việt Nam thái quá thì cũng chỉ làm cho Việt Nam càng có thêm lý do để nâng cấp quan hệ với Mỹ.
Nhưng Trung Quốc vẫn có thể trừng phạt Việt Nam nếu Trung Quốc tin rằng Việt Nam bắt tay với Mỹ sau lưng Trung Quốc để kềm chế Trung Quốc. Trung Quốc sẽ cho Việt Nam thấy có rất nhiều hình thức trừng phạt, như là đưa đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, hay tiếp tục bắt nạt các tàu đánh cá hay tàu hải cảnh Việt Nam trên Biển Đông, như vào những năm 2014, 2017, 2018 hay là 2019.
Trung Quốc luôn luôn cho Việt Nam thấy rằng không một quốc gia nào có thể bảo vệ được Việt Nam, nên Việt Nam cần phải thận trọng ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn muốn cho thấy rằng bất chấp Việt Nam là một nước cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông, thì Việt Nam cũng không thể nào một mình đối trọng với Trung Quốc”.
Nói chung, cho tới nay, “yếu tố Trung Quốc” tác động thế nào đối với quan hệ Việt-Mỹ và đối với chính sách ngoại giao của Việt Nam nói chung? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang nhắc lại lịch sử chính sách ngoại giao của Việt Nam:
“Việt Nam đã có chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, đặc biệt là một chính sách ngoại giao độc lập và tự cường kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Lúc đó, Việt Nam đã muốn giữ khoảng cách an toàn và cân bằng giữa hai cường quốc Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng Việt Nam có thể duy trì một chính sách ngoại giao độc lập và tự cường phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ Việt-Trung.
Nghiên cứu của tôi cho thấy, khi quan hệ Việt-Trung xấu đi thì Việt Nam không thể thi hành chính sách đa phương, bởi vì Trung Quốc cho rằng, bất kể quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một cường quốc khác cũng đều là mối lo ngại an ninh đối với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ làm rất nhiều cách để trừng phạt Việt Nam, cũng như là giảm thiểu các lựa chọn ngoại giao của Việt Nam, như vào giao đoạn cuối những năm 1970, khi quan hệ Việt-Trung dần xấu đi do Trung Quốc ủng hộ Khờme Đỏ và không chấp nhận các lời kêu gọi viện trợ kinh tế của Việt Nam.
Đầu tiên Trung Quốc không cho Việt Nam bình thường hóa bang giao với Mỹ, bằng cách ép Mỹ phải chọn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc cho Mỹ thấy rằng việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ có lợi hơn là bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, bởi vì Mỹ đang cần Trung Quốc để kềm chế Liên Xô.
Sau đó, Trung Quốc tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, ngăn chận các nỗ lực của Việt Nam gia nhập khối ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á) hay bình thường hóa quan hệ với Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Thái Lan. Tiếp đến, khi Việt Nam không còn lựa chọn nào khác, bắt buộc phải ngả về phe Liên Xô bằng Hiệp định đồng minh quân sự vào năm 1978, thì Trung Quốc tiếp tục cô lập Việt Nam trên trường quốc tế, cho cả thế giới thấy rằng Việt Nam cũng chỉ là con cờ của Liên Xô và Việt Nam không phải là một nước độc lập. Những điều đó khiến Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là phải liên minh quân sự với Liên Xô.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, quan hệ Việt-Trung đã được cải thiện rất nhiều, nên Trung Quốc không còn bất kỳ áp lực nào lên Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam mở cửa và cải thiện quan hệ với các nước thù địch như Mỹ. Chính vì thế mà từ những năm 1990 cho đến nay, Việt Nam liên tục bình thường hóa quan hệ và nâng cấp quan hệ với Mỹ thành “đối tác toàn diện”. Nhưng chính sách nhất quán của Trung Quốc là sẽ chỉ đồng thuận cho Việt Nam nâng cấp quan hệ với một cường quốc khác khi quan hệ Việt-Trung đang ổn định, tốt đẹp. Nếu quan hệ Việt-Trung xấu đi thì chắc chắn Trung Quốc sẽ không cho Việt Nam có cơ hội duy trì một chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, mà Trung Quốc sẽ ép buộc Việt Nam chọn phe.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn là duy trì ổn định để phát triển kinh tế, tránh những cuộc chiến tranh không cần thiết”.
Việc Hoa Kỳ vào năm 2016 bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã mở đường cho việc chuyển giao kỹ thuật quân sự của Mỹ cho Việt Nam. Việt Nam đã được cung cấp các tàu thuyền, máy bay và các thiết bị quân sự khác do Mỹ chế tạo. Trong chuyến đi Việt Nam vừa qua, Ngoại trưởng Blinken đã thông báo là Hoa Kỳ sắp chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần duyên thứ ba.
Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine dẫn đến việc phương Tây ban hành các trừng phạt đối với Nga, nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu của Việt Nam cho tới, Hà Nội đang buộc phải tìm các nguồn cung cấp khác để tăng cường khả năng phòng thủ trước mối đe dọa của Trung Quốc. Việt Nam có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ về thiết bị quân sự? Theo nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, dù có thêm nguồn cung cấp vũ khí từ Mỹ, Việt Nam cũng không đủ tài lực để chạy đua vũ trang với Trung Quốc:
“Vấn đề cốt lõi ở đây không phải là Việt Nam mua vũ khí từ nước nào, mà là thực sự Việt Nam có khả năng phòng thủ trước Trung Quốc với vũ khí đó hay không. Trung Quốc trong những năm gần đây hoàn toàn không tỏ ra lo lắng khi thấy Việt Nam hiện đại hóa quân đội, vì Trung Quốc hiểu rằng Việt Nam không có đủ khả năng chống trả trên biển.
Trái lại, Trung Quốc hoàn toàn lo lắng khi Việt Nam tăng cường quan hệ quân sự với các nước đối trọng với Trung Quốc như Mỹ, vì Trung Quốc hiểu rằng chính Mỹ mới là nước có khả năng giúp Việt Nam để kềm chế Trung Quốc”.
Nhật Xem Xét Mở Rộng Chương Trình Visa Công Nhân Ngoại Quốc
(Hình: Một nữ điều dưỡng viên người Nam Dương nói chuyện với người già tại một nhà dưỡng lão ở Futtsu, miền Đông thủ đô Tokyo của Nhật Bản, hôm 7/11/2014.)
-Nhật Bản đang xem xét mở rộng thêm các lĩnh vực thu nhận công nhân lành nghề ngoại quốc đến làm việc theo visa dài hạn.
Mạng báo Nikkei loan tin ngày 24/4/2023 nói rõ thay đổi trong chính sách nhận công nhân nhập cư lành nghề như thế có thể bắt đầu có hiệu lực sớm nhất vào tháng Sáu tới đây.
Công nhân nhập cư Việt Nam là một trong số những công nhân nước khác có số khá đông tại Xứ Phù Tang như Nam Dương, Phi Luật Tân….
Theo một luật có hiệu lực hồi năm 2019, dạng “công nhân lành nghề đặc biệt” trong 14 lĩnh vực như canh tác, chăm sóc sức khỏe người già… được lưu lại nước Nhật trong khoảng thời gian theo hệ thống cấp phép đặc biệt. Tuy nhiên thời hạn chỉ đến năm năm và không được mang theo gia đình.
Biện pháp đang được xem xét là những công nhân lành nghề đặc biệt có thể mang theo gia đình và thời gian làm việc tại Nhật sẽ lâu hơn.
Nhật Bản hiện phải đối mặt với tình trạng dân số già nhanh chóng khiến lao động thiếu hụt trầm trọng; tuy nhiên chính quyền Tokyo vẫn miễn cưỡng trong việc cho phép nhập cư rộng rãi để thu hút lao động ngoại quốc.
Việt Nam Phát Giác Biến Thể Mới của Omicron, Các Ca Nhiễm COVID-19 Tăng Đột Ngột!
(Hình: Một người phụ nữ đi qua một tấm biển cổ động phòng chống COVId-19 ở Hà Nội hôm 19/10/2021.)
-Giới chức Y tế Tp. HCM mới đây thông báo đã phát giác một số biến thể mới của Omicron (vi-rút gây COVID-19) là biến thể góp phần vào làn sóng các ca mắc tăng cao ở một số nước.
Truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ Sở Y tế Tp. HCM hôm 23/4/2023 cho biết: Từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng của HCDC và Viện Pasteur Sài Gòn thực hiện ngày 21/4 đã phát giác bảy biến thể phụ mới của Omicron bao gồm: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Những biến thể phụ mới phát giác tại thành phố đông dân nhất Việt Nam cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được WHO xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).
Biến thể XBB.1.5 đã xuất hiện tại 95 quốc gia. Biến thể XBB.1.16 đã xuất hiện ở hơn 20 nước.
Theo nhận định của giới chức y tế thành phố, việc phát giác đồng loạt nhiều biến thể phụ của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới COVID-19 trong mấy ngày qua tại thành phố và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Y tế vào ngày 23/4, Việt Nam ghi nhận thêm 1.717 ca COVID-19, giảm 620 trường hợp so với ngày trước đó. Số ca mắc mới trong tuần qua là 12.700 ca.
Báo Chính phủ cho biết, số ca mắc mới tại Việt Nam liên tục “phi mã” trong các ngày gần đây, từ mức chỉ hơn 100 ca mỗi ngày vào giai đoạn trước ngày 11/4 lên đến vài trăm ca và hơn hai ngàn ca mỗi ngày những ngày sau đó.
Thành phố Hà Nội vào ngày 22/4 cũng ghi nhận 1 ca chết do COVID-19 đầu tiên sau bốn tháng không có ca tử vong nào.
Tổng số ca chết do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.187 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Cộng Hòa Czech Tìm Cách Bán Thêm Máy Bay và Radar Cho Việt Nam
(Hình: Một bộ đội Việt Nam thử vũ khí tại gian hàng của các công ty an ninh Czech, trong đó có Colt, tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam năm 2022 ở Hà Nội.)
-Việt Nam đang đàm phán với Cộng hòa Czech để mua vũ khí quân sự, bao gồm máy bay, radar, nâng cấp các xe bọc thép và súng, một nguồn tin chính phủ Czech nói với thông tấn xã Reuters, giữa bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực đa dạng hóa kho vũ khí chủ yếu mua từ Nga trước đây.
An ninh là một trong những chủ đề chính được Thủ tướng Czech Petr Fiala trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm 3 ngày vào tuần rồi, vị viên chức giấu tên cho thông tấn xã Reuters biết và lưu ý rằng các công ty an ninh chiếm số đa số trong đoàn doanh nghiệp tháp tùng ông Fiala.
Quốc gia vệ tinh của Liên Xô cũ được coi là có vị thế thuận lợi trong việc đáp ứng những nhu cầu an ninh ngày càng tăng của Việt Nam do các công ty quân sự của Czech vượt trội trong việc cải tiến các thiết bị của Nga và thường sản xuất thiết bị mới tương thích với vũ khí cũ của Liên Xô, một kỹ năng đặc biệt được đánh giá cao ở Việt Nam, nơi ước tính 80% kho vũ khí là có xuất xứ từ Nga.
Trong hai thập niên qua, Prague đã tự định vị mình là nhà cung cấp vũ khí chính trong Liên Hiệp Âu Châu cho Việt Nam, theo dữ liệu từ tổ chức tư vấn SIPRI ở Stockholm.
Hà Nội đã đặt hàng chục chiến đấu cơ hạng nhẹ L-39NG vào năm 2021 từ nhà sản xuất Aero Vodochody của Cộng hòa Czech. Việc giao hàng sẽ bắt đầu trong năm nay. Theo một nguồn tin đã tham gia các cuộc họp cấp cao và yêu cầu giấu tên vì các cuộc đàm phán có tính nội bộ cho biết có những cuộc đàm phán cho việc cung cấp thêm những chiếc máy bay này.
Kết thúc cuộc gặp giữa ông Fiala và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, chính phủ Việt Nam cho biết “hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng” cùng các lĩnh vực khác.
Viên chức này cho biết Prague có thể hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật vũ khí và sản xuất tại địa phương nếu các thỏa thuận cung cấp quan trọng được ký kết.
Trong số 15 công ty trong phái đoàn doanh nghiệp Czech đến Việt Nam, có 4 công ty về an ninh. Đó là các tập đoàn Czechoslovak, Colt CZ, Omnipol và STV, vẫn theo lời viên chức trên.
Các công ty không trả lời và Tập đoàn Colt từ chối bình luận với thông tấn xã Reuters.
Omnipol có cổ phần thiểu số trong Aero Vodochody và sở hữu Aircraft Industries, nhà sản xuất máy bay chở hàng L 410 NG của Czech. Công ty này cũng đã được thảo luận vào tuần trước với các viên chức phụ trách mua sắm quân sự của Việt Nam, viên chức của Czech cho biết.
Các cuộc hội đàm tương tự đã được tổ chức trong những ngày qua với các viên chức dân sự Nam Dương và những người đồng cấp Phi Luật Tân, trong khuôn khổ chuyến công du các nước Á Châu của phái đoàn Czech.
Các viên chức của Omnipol cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Việt Nam về khả năng bán radar lưỡng dụng để lắp đặt tại các phi trường dân sự và quân sự, viên chức này cho biết thêm.
Tại Hà Nội, Tập đoàn STV và Tập đoàn Czechoslovak đã thảo luận về các hợp đồng khả thi để nâng cấp xe tăng và xe bọc thép của Việt Nam do Liên Xô sản xuất, bằng các kỹ thuật tiên tiến bao gồm cả thiết bị liên lạc.
Theo hợp đồng, các công ty cũng có thể cung cấp phụ tùng thay thế và bảo trì, nguồn tin cho biết, đồng thời lưu ý rằng các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu và không có thỏa thuận mới nào được ký kết vào tuần trước.
Đại sứ Czech tại Hà Nội Hynek Kmonicek nói với thông tấn xã Reuters: “Bạn không có nhiều lựa chọn nếu muốn giữ cho các thiết bị cũ của Liên Xô hoạt động, và có thể làm điều đó theo cách tinh vi hơn”.
Một Giám đốc điều hành của nhà thầu Excalibur Army của Tập đoàn Czechoslovak cho biết các cuộc đàm phán về khả năng chuyển giao xe bọc thép mới, bệ phóng phi đạn và pháo đang tiến triển rất chậm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters.
Nguồn tin cho biết khả năng bán vũ khí cũng đã được thảo luận với Tập đoàn Colt CZ, công ty cổ phần của Czech sở hữu nhà sản xuất súng trường và súng carbine lâu năm của Hoa Kỳ.
Truyền thông Việt Nam khi đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Czech, từ ngày 20-22/4, chỉ nói rằng hai bên đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước nhưng không nêu rõ nội dung các văn kiện.
Đây là chuyến thăm đầu tiên một Thủ tướng Czech đến Việt Nam trong vòng 15 năm qua. Đây cũng là của chuyến công du Á Châu đầu tiên của Thủ tướng Petr Fiala kể từ khi ông lên nhậm chức vào cuối năm 2021.
Hội Nghề Cá Việt Nam Lên Tiếng Phản Đối: Lệnh Cấm Đánh Bắt Cá của Trung Quốc ở Biển Đông Là ‘Sai Trái, Ngang Ngược!’
(Hình: Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam neo đậu gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.)
-Hôm 21/4/2023, Hội Nghề cá Việt Nam gửi công văn phản đối lệnh cấm đánh bắt cá thường niên của Trung Quốc trên Biển Đông và cho rằng lệnh này là phi lý và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Trước đó, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên Biển Đông. Lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/5/2023 đến ngày 16/8/2023 trong khu vực bao gồm quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
“Đây là lệnh cấm lặp lại đơn phương và phi lý của phía Trung Quốc, đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền và lợi ích biển, đảo của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế”, công văn của Hội Nghề cá Việt Nam viết.
Theo hội này, lệnh cấm đánh bắt cá dài ngày lặp lại mỗi năm của Trung Quốc là “sai trái, ngang ngược”, gây ảnh hưởng xấu cho nghề cá và sinh kế của ngư dân Việt Nam và làm tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam với tàu Hải cảnh Trung Quốc.
(Hình RFA/AFP: Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại cảng Sa Kỳ ở đảo Lý Sơn hôm 20/8/2022.)
Hội này đề nghị giới hữu trách Việt Nam “phản đối mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt” để buộc Trung Quốc phải chấm dứt ngay lệnh cấm này.
Đồng thời, Hội Nghề cá cũng đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam bảo vệ an toàn cho ngư dân, hướng dẫn ngư dân đánh bắt cá theo đội để kịp hỗ trợ nhau khi có biến cố trên biển.
Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo vào chiều 20/4 nói lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói.
Trung Quốc hàng năm đều ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong thời gian 3 tháng mùa Hè, từ tháng 5 đến tháng 8, trên vùng biển bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam Đàm Phán Mua Khí Tài Quân Sự của Czech
(Hình: Thủ tướng Phạm Minh chính xem hệ thống phi đạn được trưng bày ở Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 tại Hà Nội hôm 8/12/2022.)
`-Thông tấn xã Reuters loan tin độc quyền ngày 24/4/2023 dẫn một nguồn từ Chính phủ Cộng hòa Czech cho hay Việt Nam đang đàm phán với Cộng hòa Czech về việc mua thêm trang thiết bị quân sự, gồm máy bay, radar; cũng như việc tân trang xe bọc thép, vũ khí.
Nước này được xem có thể đáp ứng nhu cầu an ninh ngày càng tăng của Việt Nam, khi mà các hãng quân sự Czech có khả năng vượt trội trong cung cấp những khí tài cho vũ khí của Nga; cũng như sản xuất được những trang thiết bị mới tương thích với các loại vũ khí thời Sô viết. Hiện kho vũ khí của Việt Nam có đến 80% là do Nga cung cấp.
Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế (SIPRI) trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) cho thấy trong 2 thập niên qua, Czech giữ vững vị thế là nhà cung ứng vũ khí chính thuộc Liên Hiệp Âu Châu (EU) cho Việt Nam.
Tin cho biết vào năm 2021, Hà Nội đặt hàng chục chiến đấu cơ hạng nhẹ L-39NG của nhà sản xuất Czech Aero Vodochody; và hàng sẽ bắt đầu được giao trong năm nay.
Nguồn tin ẩn danh từ Chính phủ Prague cho thông tấn xã Reuters biết hiện có đàm phán giữa hai phía về việc mua thêm chiến đấu cơ loại vừa nêu. Nếu như những thỏa thuận cung ứng đáng kể đạt được, phía Czech có thể hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật vũ khí và tiến hành sản xuất nội địa cho Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và những hãng sản xuất vũ khí liên quan mà thông tấn xã Reuters liên lạc để hỏi thêm thông tin mà nguồn từ Chính phủ Czech đưa ra đều chưa có trả lời chính thức.
Kon Tum: Không Kỷ Luật Các Đảng Viên Vi Phạm Trong Vụ Việt Á, Chỉ Rút Kinh Nghiệm
(Hình: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum, Trụ sở CDC Kon Tum.)
-Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum quyết định không xử kỷ luật đối với các lãnh đạo thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) mà chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc, sau khi xem xét những sai phạm liên quan đến vụ mua bán các bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.
Công ty Việt Á hiện đang bị điều tra với cáo buộc thổi giá bộ xét nghiệm và đưa hối lộ cho đối tác với số tiền ước tính lên đến 800 tỉ đồng.
Theo Bộ Công an, liên quan đến vụ án Việt Á, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố ít nhất 104 bị can, phong tỏa, kê biên số tài sản, tiền lên đến khoảng 1.700 tỉ đồng.
Những cá nhân bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum xem xét kỷ luật gồm: Nguyễn Thị Vân, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Phùng Mạnh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Y Đứk, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum.
Sau phiên họp hôm 24/4/2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum kết luận, những cá nhân này đã có khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng các khuyết điểm, vi phạm của những người này diễn ra trong bối cảnh phòng, chống dịch rất phức tạp, cấp bách. Những người này không trực tiếp ký các hồ sơ liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng đối với các gói thầu mua sắm kít xét nghiệm của Công ty Cổ phần kỹ thuật Việt Á.
Vì vậy, Ủy ban kết luận không kỷ luật các viên chức nêu tên và yêu cầu họ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.
Đại Gia Lê Thanh Thản Bị Truy Tố Về Tội “Lừa Dối Khách Hàng”
(Hình: Ông Lê Thanh Thản.)
-Đại gia Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh - vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Lừa dối khách hàng” liên quan đến một dự án xây dựng ở tỉnh Hà Tây (cũ) từ năm 2008. Ông Thản bị cáo buộc đã bán 488 căn nhà cho 488 khách hàng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ) thu lợi bất chính tổng số tiền là 481 tỉ đồng.
Báo Nhà nước vào ngày 21/4/2023 cho biết Việt Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội có thông báo ban hành quyết định truy tố này theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Khung truy tố ở tội này, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Cùng bị truy tố với ông Thản còn có một loạt các viên chức khác của quận Hà Đông bao gồm: Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kiến Hưng, quận Hà Đông); Nguyễn Duy Uyển (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kiến Hưng); Bùi Văn Bằng (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kiến Hưng); Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông); Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông) và Mai Quang Bài (nguyên cán bộ Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông). Những người này bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
Theo cáo trạng được báo Nhà nước trích đăng, Dự án xây dựng có tên CT6 Kiến Hưng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sau đó không quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng và cho phép Công ty Bế do ông Thản Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc được chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án.
Theo cáo trạng, từ tháng 10/2010, ông Thản đã chỉ đạo việc tổ chức thi công xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) phê duyệt.
Đến tháng 11/2012, công trình hoàn thành, từ tháng 1/2013 bàn giao cho các gia đình dân vào sinh sống.
Cơ quan truy tố kết luận ông Thản đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công Ty Chứng Khoán ACB Dự Báo Kinh Tế Việt Nam Tăng Trưởng Chậm
(Hình: Một cửa hàng ở Hà Nội năm 2022.)
-Công ty chứng khoán thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACBS) vừa dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 với mức tăng trưởng GDP từ 4,4% đến 5,1%, thấp hơn con số 8% của năm trước.
Dự báo dựa vào tình hình kinh tế thế giới chung, nhất là hai nền kinh tế lớn đồng thời là các thị trường chính của Việt Nam là Mỹ và EU đang chững lại.
Báo cáo nhận định, khi điều kiện tài chánh tiếp tục thắt chặt, khả năng suy thoái kinh tế đang tăng lên và triển vọng tăng trưởng cần được giảm xuống tương ứng.
Mặt khác, Trung Quốc dù đã mở cửa lại sau đại dịch COVID-19 nhưng sẽ phải mất thời gian để nối lại hoàn toàn các hoạt động kinh tế. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này được ACBS dự báo có mức tăng trưởng là 5% trong năm 2023.
Hoạt động sản xuất công nghiệp của Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) cũng bị ảnh hưởng khi chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu làm giảm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu, dẫn đến sụt giảm doanh số cho các trung tâm xuất cảng hàng hóa Á Châu. Việt Nam có thể tiếp tục đối mặt với sự sụt giảm hoạt động sản xuất công nghiệp, tăng trưởng xuất cảng và dòng vốn FDI khi các hoạt động sản xuất công nghiệp của Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan vẫn còn yếu.
Thị trường bất động sản ở Việt Nam cũng vừa trải qua một giai đoạn suy thoái do sụt giảm số lượng giao dịch, khan hiếm vốn và điều kiện cho vay thắt chặt.
Tin Cộng Ðồng
Thúy Nga và Tân Hiệp Phát: Quan Hệ Bình Thường hay Bất Chấp?
(Hình: Cô Trần Uyên Phương, Phó tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, xuất hiện trong một show của Paris By Night bên cạnh MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên.)
Mối quan hệ giữa Trung tâm Thúy Nga ở hải ngoại và Tập đoàn Tân Hiệp Phát trong nước bị nhiều người, đặc biệt là người Việt hải ngoại, ác cảm, nhất là sau khi lãnh đạo tập đoàn này bị bắt để điều tra, theo tìm hiểu của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Tân Hiệp Phát là nhà tài trợ kim cương cho chương trình Paris By Night của Thúy Nga trong nhiều năm qua và các sản phẩm nước giải khát của họ được Thúy Nga quảng cáo rầm rộ trong chương trình.
Hôm 10/4/2023, ông Trần Quý Thanh cùng hai người con gái của ông là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã bị công an bắt tạm giam để điều tra về tội ‘Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản’ sau khi có đơn tố cáo của nhiều người dân về việc ông cho vay nặng lãi rồi siết tài sản của họ không khoan nhượng.
Trước khi bị bắt, Trần Uyên Phương từng nhiều lần được Thúy Nga ưu ái cho xuất hiện và phát biểu trong các chương trình Paris By Night. Cô chào mời, giới thiệu các sản phẩm của Tân Hiệp Phát cũng như quảng bá sách cô viết về tập đoàn và cha của cô, và được người dẫn chương trình ca ngợi.
Trong một trong những show gần đây nhất là Paris By Night 133 có xuất hiện hình ảnh ông Trần Quý Thanh trong video clip chúc mừng kỷ niệm 40 năm Trung tâm Thúy Nga. Còn trong số 129, Trung tâm Thuý Nga đã cho biểu diễn bài hát ‘Yêu bằng hạnh phúc cuối’ phổ nhạc bài thơ của ông Trần Quý Thanh.
‘Thúy Nga Bất Chấp’
Từ Melbourne (Úc Ðại Lợi), ông Tuấn Phan, một người kinh doanh tự do, nói trước đây ông từng là khán giả trung thành của Paris By Night và thậm chí còn mua vé đến xem trực tiếp khi Thúy Nga sang Úc Ðại Lợi trình diễn.
“Vì Paris By Night làm về văn hóa Việt Nam rất hay để kết nối những người con xa xứ muốn theo dõi về văn hóa Việt Nam để khỏi quên cội quên nguồn”, ông giãi bày.
Tuy nhiên, ông cho rằng trong những năm gần đây, Paris By Night ‘không còn hướng về nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa nhân bản như trước nữa’ mà ‘đi theo đường hướng kinh doanh nhiều hơn’.
“Họ hướng về khán giả Việt Nam và bắt tay với những tập đoàn trong nước”, ông chỉ ra và cho biết chính vì vậy ông đã ‘rời xa Thúy Nga’ và ‘không còn tình cảm như trước’.
“Tôi không còn chú tâm coi như trước, chỉ khi nào bạn bè có ai mở thì coi sớt qua thôi”.
Nhận xét về việc Thúy Nga nhận tài trợ của Tân Hiệp Phát, ông Tuấn nói: “Thật tình mà nói thì khi kinh doanh cần lợi nhuận để duy trì trung tâm nhưng đứng trên lập trường của Thúy Nga thì họ bất chấp khi hợp tác với tư bản đỏ”.
Ông thừa nhận Thúy Nga cần nguồn tiền tài trợ trong bối cảnh khó khăn khi không còn bán được băng đĩa như trước nhưng ‘không nên vì thế mà bất chấp tất cả’.
“Mình đã bỏ nước ra đi, đã chịu nhiều đau khổ khi miền Nam bị miền Bắc chiếm thì không có lý do gì mình ủng hộ việc bắt tay với tư bản đỏ, điều đó đi ngược lại lý tưởng của mình”, ông giải thích.
Theo lời ông những người làm giàu từ bất động sản, trong đó Tân Hiệp Phát, ‘chắc có sự cấu kết với chính quyền để cướp đất của người dân’. “Tôi đã nghe thấy những tiếng nói thống khổ của người dân bị mất đất, tôi thấy họ quá nhẫn tâm nên không có thiện cảm với tư bản đỏ giàu lên từ bất động sản”, ông nói.
Không chỉ riêng mảng bất động sản, trong mảng kinh doanh nước giải khát, người Việt kiều đã sống ở Úc Ðại Lợi được 35 năm này cũng lên án cách kinh doanh ‘dựa vào cường quyền ức hiếp người dân’ của Tân Hiệp Phát qua sự việc chai nước tăng lực của tập đoàn bị cáo buộc ‘có con ruồi’ hồi năm 2015.
Ông nói ông ‘không có hy vọng Thúy Nga quay trở lại như trước’ vì ‘họ đã xác định hướng về khán giả trong nước rồi, không còn coi trọng khán giả hải ngoại nữa’.
‘Tâm lý tức giận’
Trao đổi với VOA, nhạc sĩ Tuấn Khanh từ Sài Gòn, cho rằng việc chỉ trích Trung tâm Thúy Nga ‘thật ra phản ánh tâm lý của người dân tức giận trước việc một hệ thống sản xuất của đại gia tư bản đỏ được chính quyền nhiều mặt bao che’.
Nhạc sĩ này nhắc lại có một giai đoạn người dân Việt Nam kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Tân Hiệp Phát vì ‘có vẻ họ cần chính quyền chứ không cần ý kiến người dân’.
Ông cho rằng trước Tân Hiệp Phát, nhiều sản phẩm ở trong nước cũng đã thâm nhập vào thị trường người Việt ở hải ngoại nhưng ‘mọi chuyện có vẻ lớn hơn khi người ta nhìn thấy hình ảnh mà đám đông không ưa thích lại xuất hiện trên một chương trình mà rất nhiều người Việt Nam yêu mến’.
“Về vấn đề thương mại thì không chỉ Thúy Nga Paris By Night đồng ý nhận quảng cáo từ trong nước, mà hầu như rất nhiều cơ sở của người Việt ở Mỹ cũng đã chấp nhận cho quảng cáo”, ông chỉ ra.
VOA đã liên hệ bà Marie Tô Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Trung tâm Thúy Nga, và được bà nói rằng: “Quý vị khán giả nên lưu ý: Thúy Nga đang quảng cáo cho sản phẩm của Tân Hiệp Phát, chứ không quảng cáo cho ông Trần Quý Thanh”.
“Mà sản phẩm của Tân Hiệp Phát được thị trường Mỹ chấp nhận”, bà Thủy nói thêm.
Nhà Văn Dương Thu Hương Đoạt Giải Thưởng Văn Học Thế Giới: 900 Truyền Thông Nhà Nước CSVN Giữ Im Lặng!
Ban giám khảo Giải Cino Del Duca trao Giải thưởng Văn học Thế giới năm 2023 cho nhà văn Dương Thu Hương hôm 21/4.
(Hình: Bà Dương Thu Hương sang Pháp nhận Huân chương Văn hóa Nghệ thuật năm 1994.)
-Theo Ban Giám khảo, giải thưởng với giá trị hiện kim 200.000 Euro, được trao cho bà Dương Thu Hương để khen tặng “một nhà văn lớn mà tác phẩm và nhân cách độc đáo chứa đựng thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại”. Dự kiến lễ trao giải cho nhà văn Dương Thu Hương sẽ được tổ chức vào ngày 21/6/2023 tới đây tại trụ sở Viện Hàn Lâm Pháp. Không một cơ quan truyền thông nào ở trong nước Việt Nam loan tin này.
Trước đó, hôm 17 tháng 4, nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời ở Pháp được một số tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ đưa tin, nhưng bị rút xuống ngay sau đó. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, khẳng định với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 21 tháng 4 năm 2023:
“Chuyện gỡ bài là có thật và tôi có thông tin của người bạn của tôi làm nghề báo. Tôi có đọc được cái chỉ thị, tin nhắn thì đúng hơn.
Nguyên văn: Về trường hợp ông Đặng Tiến vừa qua đời tại Pháp, đề nghị các cơ quan báo chí không thông tin (nếu đã thông tin thì gỡ ngay), vì đây là nhân vật tham gia tổ chức chống Đảng và Nhà nước Việt Nam (Văn đoàn Độc lập). Trân trọng”.
Chuyện báo chí Nhà nước đưa tin rồi rút xuống từng xảy ra nhiều lần với những thông tin bị coi là “nhạy cảm”. Tuy báo chí không đăng hay đăng rồi gỡ thì người dân vẫn có thể biết tin qua báo chí ngoại quốc, hoặc qua mạng xã hội. Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói với RFA quan điểm của ông:
“Theo tôi, đối với truyền thông của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thì họ có ba cái nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là chưa và thiếu. Ví dụ như chưa chính xác, thiếu trách nhiệm. Nguyên tắc thứ hai là chụp mũ, và nguyên tắc thứ ba là phản bác. Đó là ba nguyên tắc chính trong vấn đề truyền thông báo chí của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam suốt hàng chục năm qua.
Riêng đối với trường hợp bà Dương Thu Hương, đồng loạt tất cả các báo đều im lặng hết, mặc dù đây là một giải thưởng có thể nói là giá trị và danh giá, bởi đó là lần đầu tiên một người Việt Nam đạt được một giải tầm cỡ như vậy. Tuy nhiên, sự im lặng của họ đúng và nhất quán theo ba nguyên tắc của họ cho nên tôi không ngạc nhiên khi họ im lặng trước thông tin này. Trong mắt họ, bà Dương Thu Hương là một kẻ phản bội. Mà điều lệ đảng đã quy định từ xưa đến nay là phải trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình thì cho rằng:
“Theo tôi nghĩ, do bà Dương Thu Hương là một nhà văn phản biện Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bà chống Đảng và Nhà nước. Với những người đó thì có giải thưởng gì báo chí trong nước cũng không đăng. Những tác phẩm của bà về sau này cũng vẫn có tính chất phản biện cho nên họ không thích”.
Bà Dương Thu Hương viết nhiều tác phẩm như Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Những Thiên Đường Mù, Quãng Đời Đánh Mất, Chốn Vắng, Đỉnh Cao Chói Lọi, Hậu Cung của Con Tim… Các tác phẩm của bà không được phép xuất bản hay lưu hành tại Việt Nam vì lý do chính trị. Bà bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam 1989. Hai năm sau bà bị bắt giam vì kêu gọi cải tổ dân chủ và chỉ được cho sang Pháp nhận Huân chương Văn hóa Nghệ thuật năm 1994 sau khi có sự can thiệp của phu nhân Tổng thống Pháp lúc đó.
Thông tin bà Dương Thu Hương, một nhà văn gốc Việt đoạt Giải thưởng Văn học Thế giới, không được bất cứ cơ quan truyền thông chính thống nào của Nhà nước Việt Nam đưa tin. Trong khi đó, tin diễn viên Quan Kế Huy đoạt giải Oscar lại được báo chí rầm rộ đưa tin.
Không chỉ trường hợp diễn viên Quan Kế Huy, hồi tháng 2 vừa qua, báo Tiền Phong có bài viết tựa “Chung Nguyen Do, tài năng gốc Việt được Barca thèm khát là ai?”, viết về cầu thủ 17 tuổi ở Bảo Gia Lợi mang 100% mang dòng máu Việt Nam.
Lý do được nhà thơ Liêu Thái ở Đà Nẵng nêu ra:
“Mình phải nói thẳng với nhau là báo chí trong nước, báo chí Nhà nước Việt Nam, chỉ để phục vụ chính trị. Chắc chắn những vấn đề có một chút nhạy cảm chính trị thì họ hoàn toàn không đăng tin.
Xét về mặt chính trị, tất cả những tác phẩm của bà Dương Thu Hương đều nhằm đưa một cái nhìn mới cởi mở hơn, một cái nhìn đa diện hơn, đa nguyên hơn về mặt chính trị thì chắc chắn nó đụng chạm đến một cái đại tự sự. Nó giống như là một điển tích rồi. Nó thành một cái gọi là cái khuôn mẫu mà nó không muốn bức thoát. Mà thực tế nó cũng không thể bức thoát, bởi vì bức thoát thì nó trở thành cái khác rồi. Cho nên chắc chắn một điều, rất khó để nói rằng thông tin đoạt giải của nhà văn Dương Thu Hương sẽ được báo chí Nhà nước đưa tin”.
Cách đây chưa đến một năm, khi ông Tô Văn Lai, người sáng lập hai trung tâm Thúy Nga và Thúy Nga Paris By Night qua đời, các tờ báo lớn của Nhà nước Việt Nam như báo Thanh Niên, Pháp Luật, Người Lao Động, Dân Trí, Tiền Phong… đều có những bài viết về ông rất kịp thời. Nhưng chỉ vài tiếng sau đã bị rút xuống, không còn có thể truy cập được mà không có lời giải thích. Dư luận lúc bấy giờ đặt dấu hỏi về sự thực tâm trong chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Chính phủ Hà Nội.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói với RFA suy nghĩ của ông sáng 24 tháng 4 năm 2023:
“Họ luôn dựa trên cái lằn chỉ đỏ của tư tưởng cách mạng để xét đoán xem ai là người được coi là đứng trong cùng một cái hệ thống của họ, hay được nhắc tới. Điều này nó đã xảy ra từ rất nhiều năm rồi. Với trường hợp bà Dương Thu Hương, bà Dương Thu Hương là một nhân vật từ trong thế hệ cách mạng bước ra và phản tỉnh, đòi hỏi của cuộc cách mạng khác trong lòng của nhà nước. Cho nên nói gì thì nói, bà đã tự bước ra khỏi lằn ranh của sợi chỉ đỏ rồi.
Mặc dù là Việt Nam đang đổi mới và đã phát triển, nhưng cách thức đối xử và nhìn nhận con người vẫn không khác nào nhà nước Việt Nam từ năm 1954. Cho đến nay, những gì hay mà có vẻ gần ở vùng xám, tức là không phải vùng đen chống lại nhà nước, thì họ thỉnh thoảng tìm cách lôi kéo để tỏ ra một sự thống nhất.
Nhưng những ai thuộc vùng đen, hay vùng xám mà bộc lộ một chút quan điểm chính trị có sự khác biệt, thì nó hoàn toàn nằm ngoài cái khung của nhà nước. Họ được chọn lựa để đưa vào quyền kiểm soát của họ về truyền thông cũng như nhận thức của người dân”.
Bà Dương Thu Hương, trong một trả lời phỏng vấn nhà báo Đinh Quang Anh Thái hồi năm 2011, tâm sự “Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ…”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét