NATO chuyển giao nhiều vũ khí để hỗ trợ Ukraina phản công Ảnh minh họa: Một xe tăng Leopard 2 của Đức thao dượt tại một thao trường ở Đức, ngày 01/02/2023. AP - Martin Meissner - Phan Minh Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm qua, 27/04/2023, cho biết, các thành viên khối NATO cùng với các đối tác đã cung cấp cho Ukraina 230 xe tăng và 1.550 xe bọc thép để giúp Kiev chống đở các cuộc tấn công của Nga và giành lại một phần lãnh thổ bị Nga xâm chiếm. Theo ông Stoltenberg, NATO và các đối tác đã chuyển giao gần như toàn bộ số phương tiện chiến đấu đã hứa trong những tháng gần đây cho Ukraina để trang bị cho 9 lữ đoàn thiết giáp mới.
Kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina hồi tháng 02/2022, các thành viên NATO đã cung cấp hệ thống phòng không, các loại pháo và máy bay chiến đấu MIG-29 cho Kiev. Họ cũng đã huấn luyện hàng chục nghìn binh sĩ Ukraina làm quen với các loại vũ khí mà quân đội NATO sử dụng.
Mặc dù vậy, theo tướng Jérôme Pellistrandi, thuộc trường quân sự Saint-Cyr, Ukraina cần chuẩn bị kỹ lưỡng nếu muốn phản công thắng lợi :
Cuộc phản công sẽ phải thành công ngay từ lần đầu, điều đó có nghĩa là Ukraina cần phải có những phương tiện công binh, vì chúng ta biết rằng quân đội Nga đã dựng nhiều chướng ngại vật. Ukraina phải có pháo binh, bởi các nước phương Tây không có khả năng giúp Ukraina thực hiện cuộc phản công thứ hai, trong trường hợp cuộc phản công đầu tiên, có thể sẽ được tiến hành trong vài tuần nữa, thất bại.
Đây là cơ hội duy nhất mang tính quyết định. Cần có thời gian để các dây chuyền sản xuất công nghiệp của phương Tây gia tăng hoạt động và việc chuyển giao các loại pháo mới, pháo Caesar, hoặc đạn dược có thể được tiến hành vào tháng 6 hay thậm chí là tháng 9, một số thiết bị phải đợi đến năm 2024. Vì vậy, chúng ta phải chắc chắn rằng Ukraina có đầy đủ phương tiện cần thiết khi họ quyết định tiến hành cuộc phản công.
Chiến tranh Ukraina: Ít nhất 19 người chết trong các đợt oanh kích của Nga
Một chung cư ở Uman, Ukraina, bị quân Nga oanh kích sáng sớm ngày 28/04/2023. AP - Bernat Armangue Thanh Hà
Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong các cuộc oanh kích của quân Nga sáng sớm hôm nay, 28/04/2023, vào nhiều thành phố Ukraina, theo thông báo của tổng thống Zelensky. Đa số các các vụ oanh kích là nhắm vào thành phố Uman, miền trung và Dniepro, miền trung đông Ukraina.
Trên mạng Telegram, quân đội Ukraina loan báo đã bắn hạ « 21 tên lửa hành trình loại X-101/X-555 và 23 drone của Nga »rạng sáng hôm nay. Tên lửa được phóng từ máy bay ném bom Tu-95 của Nga, cất cánh từ căn cứ trong khu vực biển Caspi.
Uman, thành phố với 80.000 dân cư, được xem là một điểm hành hương của người Do Thái, cách thủ đô Kiev khoảng 200 km về phía nam, đã bị tấn công, khiến ít nhất 10 người chết. Các toán cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân. Tổng thống Volodymyr Zelensky lên án « hành vi man rợ » của Matxcơva và khẳng định sớm muộn gì Nga cũng sẽ « thất bại và sẽ phải đền tội ».
Riêng tại thủ đô Kiev, một đường dây điện bị cắt đứt sau các vụ tấn công bằng tên lửa và hai vụ tấn công bằng drone. Tại thị trấn Oukrainka, gần Kiev, hai thường dân đã thiệt mạng.Tuần trước, Kiev đã bị 12 đợt tấn công bằng drone của Iran, nhưng không bị thiệt hại về nhân mạng.
Hãng tin Pháp AFP ghi nhận hệ thống phòng không của Ukraina đã được củng cố đáng kể từ nhiều tháng qua nhờ trang thiết bị phương Tây viện trợ cho chính quyền Kiev. Trong tháng này, Ukraina đã nhận được hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.
Trên mặt trận miền đông, lực lượng Nga hôm qua đã tìm cách cắt đứt tuyến đường tiếp liệu và kênh liên lạc cho quânUkraina tại Bakhmut. Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga về tình hình Ukraina nêu lên một số « thắng lợi trên chiến trường », nhưng không đả động đến Bakhmut.
Thượng Viện Hoa Kỳ đề cao tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Hàn
Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) nghe nguyên thủ Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hát bài American Pie trong buổi dạ tiệc tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/04/2023. AP - Susan Walsh
Phan Minh
Thượng Viện Mỹ thông qua nghị quyết hoan nghênh chuyến công du của tổng thống Hàn Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Washington – Seoul.
Theo biên bản của Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ công bố vào hôm qua 27/04/2023 và được hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích dẫn, Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 26/04 đã nhất trí thông qua một nghị quyết hoan nghênh chuyến thăm cấp Nhà nước của tổng thống Yoon Suk Yeol và khẳng định nhấn mạnh đến tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Hàn.
Một nhóm thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, với đại diện là các ông Bob Menendez thuộc đảng Dân Chủ, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và ông Jim Rish, đảng Cộng Hòa, nguyên chủ tịch Ủy ban này, đã đưa ra dự thảo nghị quyết nói trên.
Đại diện của sứ quán Hàn Quốc tại Washington nói với các phóng viên rằng việc thông qua nghị quyết nhanh chóng như vậy thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với liên minh Mỹ-Hàn.
Cũng hôm qua, trong một bài phát biểu tại Quốc Hội Hoa Kỳ, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhấn mạnh, liên minh giữa hai nước đã ra đời cách nay 70 năm để bảo vệ tự do trên bán đảo Triều Tiên. Giờ đây, một thời kỳ hợp tác mới mở ra. Hàn Quốc sẽ hoàn tất các trách nhiệm và đóng góp theo khả năng kinh tế của mình, để liên minh thực hiện vai trò « bảo vệ tự do và hòa bình trên thế giới ».
Máy bay Mỹ bay qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc điều chiến đấu cơ giám sát
Ảnh minh họa chụp ngày 20/03/2022: Một máy bay P-8A Poseidon tại căn cứ không quân ở miền bắc Philippines. AP - Aaron Favila
Thu Hằng
Máy bay tuần tra và trinh sát hàng hải P-8A Poseidon của Hải Quân Mỹ, hôm nay 28/04/2023, đã bay qua eo biển Đài Loan, trong không phận quốc tế. Phía Trung Quốc đã điều nhiều chiến đấu cơ giám sát. Cùng lúc, bộ Quốc Phòng Đài Loan lên án Bắc Kinh huy động đến 37 chiến đấu cơ và 1 drone tối tân vây quanh hòn đảo suốt một ngày, từ 6 giờ sáng hôm qua đến 6 giờ sáng nay.
Trong một thông cáo, được Reuters trích dẫn, Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ khẳng định « khi hoạt động ở eo biển Đài Loan phù hợp với luật pháp quốc tế, Mỹ tôn trọng quyền được lưu thông và tự do của tất cả các nước ». Chuyến bay trên khẳng định « cam kết của Mỹ đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».
Tuy nhiên, đối với phía Trung Quốc, đó chỉ là « hành động thổi phồng » và « gây hấn ». Trong thông cáo của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ, người phát ngôn Thi Nghị (Shi Yi) của bộ Quốc Phòng cho biết Trung Quốc đã điều « nhiều chiến đấu cơ bám sát và theo dõi máy bay Mỹ ». Trước đó, quân đội Trung Quốc đã điều 37 chiến đấu cơ và 1 drone TB-001 được mệnh danh là « Song vĩ hiết » (bọ cạp hai đuôi) bay quanh đảo Đài Loan trong một ngày.
Theo Đài Bắc, 19 máy bay trong số này « đã vượt đường ranh giới ở eo biển Đài Loan hoặc đã thâm nhập vào khu vực phía tây nam, đông nam và đông bắc » hòn đảo, tức là vào vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Đài Loan.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc kết thúc 3 ngày tập trận vây Đài Loan để đáp trả việc tổng thống Thái Anh Văn gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ, có nhiều chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập vùng ADIZ của Đài Loan đến như vậy. Còn drone TB-001- một trong những drone lớn nhất của Trung Quốc có thời gian tự hành đến 6.000 km - cũng vượt qua đường ranh giới ở phía nam Đài Loan, sau đó quay đầu và trở về đất liền.
Hoạt động răn đe này của Bắc Kinh diễn ra vào lúc Đài Bắc vừa thông báo hôm thứ Tư 26/04 sẽ tổ chức cuộc tập trận hàng năm vào tháng 7 nhằm chặn tầu chiến và chống Trung Quốc phong tỏa hòn đảo.
Cũng hôm nay, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tiếp phó chủ tịch Thượng Viện Pháp Alain Richard. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Pháp xác nhận một tầu chiến Pháp gần đây đã đi qua eo biển Đài Loan, nhưng không nêu rõ thời điểm. Ông cũng khẳng định « lập trường của Quốc Hội Pháp rằng an ninh của Đài Loan là mối quan tâm lớn đối với chúng tôi ». Trước đó, tổng thống Macron cho rằng không nên để bị kéo vào cuộc khủng hoảng Đài Loan.
Biển Đông : Tàu Trung Quốc bị cáo buộc cố tình chặn đầu tàu Philippines
Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn đầu một tàu tuần duyên Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 23/04/2023. AP - Aaron Favila
Thu Hằng
Một tầu hải cảnh lớn của Trung Quốc đã chặn đầu một tầu tuần duyên của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Sự cố xảy ra sáng Chủ Nhật 23/04/2023 và được phóng viên của AP, có mặt trên tàu tuần tra của Philippines, tường thuật hôm 27/04.
Ba phóng viên của hãng tin Mỹ được mời tham gia chuyến tuần tra với lộ trình dài 1.670 km của tầu Malapascua, cùng với một tầu tuần duyên khác là BRP Malabrigo, trong khuôn khổ chiến lược truyền thông mới của chính quyền Manila nhằm cho thấy thái độ hung hăng của hải quân Trung Quốc ở vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền đến 80% diện tích.
Khi đến Bãi Cỏ Mây, hiện do Philippines kiểm soát, tầu hải cảnh Trung Quốc phát loa yêu cầu hai tầu Philippines rời khỏi khu vực mà họ khẳng định là « vùng lãnh thổ không thể tranh cãi » của Bắc Kinh. Sau đó, tầu Trung Quốc đã bám sát và chặn tàu của Philippines khi hai tầu chỉ cách nhau khoảng 45 mét. Thuyền trưởng Rodel Hernandez, chỉ huy tầu Malapascua, cho phóng viên biết là tàu hải cảnh Trung Quốc đã có « hành động bất ngờ và rất nguy hiểm », « phớt lờ những quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm».
Hai ngày trước sự cố nói trên, một con tầu rất lớn khác của Hải quân Trung Quốc đã bám sát hai tầu tuần tra của Philippines trong đêm 21/04 khi đang hoạt động gần đá Thị Tứ (Thitu) hiện do Philippines chiếm đóng và nằm gần đá Xu Bi (Subi), một trong 7 thực thể mà Trung Quốc đã bồi đắp, cải tạo thành căn cứ quân sự. Tất cả những thực thể này nằm trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền.
Ngày 28/04, Philippines đã lên tiếng về sự cố hôm 23/04, cáo buộc hải cảnh Trung Quốc « có hành động nguy hiểm » và lên án « chiến thuật gây hấn » của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) đổ lỗi cho Manila « cố tình » gây sự cố để « khuấy động truyền thông », vì hai tầu tuần duyên Philippines chở nhiều nhà báo nước ngoài.
Philippines đã tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ trong thời gian gần đây để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, đối với người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), được trang Trung Hoa nhật báo trích dẫn hôm 27/04, Mỹ đang « làm gia tăng căng thẳng ở trong vùng ». Theo quan chức này, « việc Trung Quốc xây dự cơ sở phòng thủ thiết yếu ở trên các đảo này là hoàn toàn hợp pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét