Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

CHIẾC CẦU THỜI THƠ ẤU - Quan Dương

Mảnh đất hồn em, tôi cất chòi ở lậu
Em bắt quả tang nên tống cổ ra ngoài
Mỗi khi lái xe qua chiếc cầu Causeway dài 40 cây số của tiểu bang Louisiana nơi hiện định cư, tôi đều nhớ đến chiếc cầu Dinh ngắn củn dài chưa đầy 100 mét ở Ninh Hòa . Chiếc cầu dài nhất thế giới ở Mỹ này ai cũng biết, còn chiếc cầu Dinh thì số người biết chỉ đếm trên đầu ngón tay . Nhưng không hiểu sao cứ mỗi khi lái xe qua chiếc cầu nổi tiếng tôi lại nhớ về chiếc cầu vô danh . Chắc có lẽ vì chiếc cầu nơi tôi đang sống quá dài và chiếc cầu nơi tôi đã sống quá ngắn.
<!>
Chiếc cầu Causeway được xây vô cùng hiện đại và kiên cố bắc qua biển nối liền hai thành phố Metarie và Mendevill, Chiếc cầu Dinh xây bằng xi măng bắc qua sông nối liền xóm chợ và Vĩnh Phú. Con sông Dinh có tự bao giờ không ai biết. Nhưng chiếc cầu thì chắc chắn phải có sau con sông .Chính xác hơn là tại bởi vì có con sông nên mới có chiếc cầu. Chiếc cầu Dinh chẳng có gì đặc biệt nhưng bởi vì nó dính liền với thịt da, cho nên mỗi lần lái xe qua một chiếc cầu nào đó hồn tôi thường bâng quơ thổn thức về một chiếc cầu thời thơ ấu. Ở đó dưới chân gầm cầu đầy rác rến là nơi tôi khóc tiếng chào đời .

Má tôi kể lại vào ngày đó, tháng đó, năm đó, khi bà đang đứng đón xe xuống Hòn Khói thì còi báo động vang lên inh ỏi . Lính Tây đang dẫn bảy ông Việt Minh ra chợ cá xử bắn . Má sợ quá mới chạy trốn dưới chân cầu sát mé sông. Hỏi sao phải trốn má nói thỉnh thoảng có mua thuốc tây bán cho mấy ổng nên có tật giật mình . Khi tiếng súng khai tử của Tây nổ chát chúa vang lên từ phía chợ cách đó không xa, bà sợ quá "té đẻ" ra tôi . Vì má té đẻ bất đắc dĩ trên bờ sông không dự trù trước nên tôi vừa mới ra đời thì chân đạp cát và trên đầu là bầu trời bao la bát ngát. Chiêu này gọi là đầu đội trời chân đạp đất . Ba tôi nói thằng này mai mốt lớn lên dám làm cha thiên hạ . Ông chờ cho đến sẫm tối mới dám lén bồng về nhà.

Cây cầu Dinh trấn thủ giữa phố Ninh Hòa như một cái rốn trên vuông bụng của một thiếu nữ xuân thì và chính vì vị trí tọa lạc đặc biệt đó mà nó trở thành hình tượng quê hương. Nhờ có nó nằm gác mình từ phía bên này phố chợ nên tôi mới có thể bước qua bên kia Vĩnh Phú để những lá thư tình có cớ tuôn về Phước Đa rồi quẹo lên Cầu Sắt, Quang Đông. Nó cũng là cái cớ cho tất cả những nhà văn thơ Ninh Hòa đem vào sáng tác. Đối với họ con sông Dinh là biểu tượng. Đối với tôi con sông Dinh cũng chính tông là nơi chôn nhau cắt rốn. Khi bà mụ bất đắc dĩ nào đó nghiến răng bứt cuống rốn tôi nối liền từ bụng má và đào lỗ chôn vội thì những giọt máu nhỉ ra từ cuống nhau vĩnh viễn muôn đời thấm sâu vào cỏ đất của bờ sông . Sau này lớn lên tôi vẫn thường tò mò một mình chui xuống gầm cầu để định vị chính xác đâu chính là nơi tôi lọt lòng ? Cỏ trên bờ sông xơ xác vì rác rến, có cả một quãng thời gian dài tất cả rác rến ngoài chợ đều đổ ập lên nắm đất cằn cọi phía dưới là đùm nhau. Tôi thật tình vô tri .Tôi đứng vơ vẩn quan sát cảnh vật chung quanh chẳng có gì thơ mộng hay xúc động, vậy mà không hiểu nguyên cơ nào tôi có thể trở thành một nhà thơ . Không biết làm thơ có phải giống như đi thi tú tài gặp đề bài trúng tủ chó ngáp trúng ruồi . Hay do từ những cơn mưa dầm vào tháng chín tháng mười nước từ thượng nguồn Krông But tạo cho cảm xúc . Những cơn mưa tạo nên luồng nước đổ xuống cuốn phăng ra cửa biển Hà Liên tất cả rác rến để đọng lại những ý thơ chứa đầy lãng mạn và thơ mộng . Tôi chịu thua không tìm ra câu giải lý. Sau này tôi phát giác ra lý do tôi biết làm thơ không phải từ nơi cảnh vật mà từ nơi con người . Những người con gái tay yếu chân mềm chỉ cần dùng một phần công lực phủi nhẹ cũng đủ làm cho cảm xúc tôi té xuống để văng ra thơ .

Vào mùa hè lòng sông cạn rong xanh đọng lại thành những mảng rêu màu xanh đậm trôi lềnh bềnh, mùi nước nồng mùi cá biển. Cái mùi kỳ cục thật trừu tượng ngửi được mà không tả được . Những ngày đầu tiên đến Mỹ suốt ngày ru rú trong nhà với máy lạnh có lần vừa mở cửa bước ra, không khí ập đến đã cho tôi cái cảm giác rất đột ngột. Tôi ngửi được cái mùi đó và bất giác kêu lên "mùi cầu Dinh". Sau này cái mùi cầu Dinh đại trà phổ quát hơn, tôi ngửi được khắp mọi nơi, trong những cơn mưa bất chợt làm con đường khuya thêm u ám lái xe một mình âm thầm đến hãng vào giờ ca ba , trong những giấc mơ nhất là vào những ngày giáp tết. Nói cho cùng chiếc cầu ngắn củn bé nhỏ ở tận nơi cùng trời cuối đất toạ lạc ở một địa thế gần như vô danh tên gọi là Ninh Hòa giống y như cái ngăn đông đá trong tủ lạnh mỗi khi bất chợt tay chạm phải , hơi lạnh chuyền đột ngột qua các sợi tế bào trên từng ngón tay rồi chuyển lẹ làng vào tim vào óc. Mỗi lần chạm phải như thế tôi phát giác ra một điều chân lý, đó là chiếc cầu với rong rêu trôi lềnh bềnh vào những mùa nước cạn không có chút gì thơ mộng kia chính là cái tủ lạnh kiên cố đặt sâu trong tiềm thức. Nó gắn liền với cuộc sống , những khi vui vẻ yên lành thì tôi quên bén nó đi, mỗi khi trái gió trở trời thì hơi lạnh quê nhà tỏa ra làm da dẽ nổi đầy gai góc.

Tôi lừng khừng lớn lên trong cái xóm nhỏ khoảng hai, ba chục gia đình trú ngụ tên gọi là "Đường luồng cây Thị" . Xóm nằm trong hẻm rộng vừa lọt một chiếc xe đạp. Những gia đình chen lấn san sát nhau không ngày nào là không xảy ra chuyện để nói, và vì có quá nhiều chuyện để nói nên thét rồi được mọi người xem như chẳng có nói chuyện gì. Người lớn ban ngày kiếm một cái gì đó bưng ra chợ để buôn bán, chiều về mạnh nhà ai nấy ở, thỉnh thoảng chửi mắng nhau vì chuyện không đâu xem như là một cách để thay đổi không khí . Lách ra khỏi hẻm là con đường Võ Tánh rộng hơn, nhưng cũng đủ vừa hai chiếc xe đạp tránh né. Giáp góc đường cạnh nhà bác Hai Thiện có một trụ điện với bóng đèn 80 watt trên cao tỏa xuống vàng vọt . Đám con trai ban đêm thường tụ tập để chia phe bắn lộn với " đám Tàu " xóm chợ. Tụi tôi bẻ gập đôi cọng phượng lại rồi dùng dây thun bắn nhau, đứa nào cũng muốn trở thành anh hùng. Hình như làm anh hùng thì không cần phải ăn, không cần phải ngủ, thậm chí không cần phải đi cầu . Người lớn khi kể chuyện đời xưa không có nhắc đến những điều đó, đôi lúc trong trí óc non nớt của tôi loé lên nghi vấn mà không dám hỏi, đó là nếu làm anh hùng mà không ăn, không ngủ, không đi cầu thì làm người thường có lẽ có lý hơn. Tôi đem thắc mắc này giãi bày với một thằng nhóc thì nó lên mặt thầy đời " làm anh hùng có một cái lợi là oai phong lẫm liệt, tất cả anh hùng đều khôi ngô tuấn tú " Khi tôi hỏi căn cứ vào đâu mà nó dám cả quyết tất cả, nó đáp nếu không tất cả thì ít nhất chín phần mười , có nghĩa là mười anh hùng thì đã có chín người đẹp trai đàn bà con gái đều mê mẩn .
.”Còn người thứ mười thì sao "
Nó đáp
" người thứ mười làm hiệp sĩ bịt mặt đi giết kẻ gian nên không ai biết dung mạo".

Tôi học sử ký bảo quân Tàu đô hộ dân tộc ta đến cả ngàn năm, xóm chợ là nơi tập họp của người Tàu nên có mối thù . Thù thì phải trả và trả được thù thì mới là anh hùng . Nếu đã là anh hùng thì tự nhiên diện mạo sẽ trở thành khôi ngô tuấn tú và không cần phải đi cầu nữa . Thuở đó xóm tôi nghèo nên không nhà nào là có cầu tiêu . Mỗi lúc đau bụng cả đám kéo nhau chạy một lèo đến những lùm bụi cạnh Lăng Bà Vú hơn cả nửa cây số . Thét rồi nơi đó trở thành căn cứ cho đám con nít chúng tôi tập họp để bàn luận chuyện đánh Tàu . Lăng Bà Vú được vua Gia Long sau khi đoạt ngôi từ Tây Sơn ra lệnh xây lên để ghi ơn người đàn bà đã chứa chấp khi người còn là bại tướng bị truy đuổi .

Nội tôi khi còn sống thường kể về nhiều huyền thoại linh thiêng của Lăng Bà . Nhưng trong trí óc non nớt của tôi đó chỉ là một cái gò có bờ thành xây bằng vôi bao bọc chung quanh , cỏ và cây cối không người cai quản mọc chen chúc nhau um tùm . Hai con kỳ lân xây bằng vôi ngồi chồm hổm trên bờ thành theo truyền thuyết vào những đêm rằm biến thành kỳ lân thực xuống tắm quậy nước ầm ầm trong ao sen . Đám nhóc chúng tôi nghịch ngợm trèo đầu cưỡi cổ mà hai con kỳ lân chẳng dám có phản ứng gì. Trong các huyền thoại tôi teo nhất về chuyện một cặp rắn thần sống từ mấy trăm năm nay , một con có mồng màu xanh. một con có mồng màu đỏ tía nằm giữ mộ . Bợm bãi cách mấy đứa nào cũng ngán rắn cắn cho nên mỗi khi bất chợt đau bụng thì rủ nhau cả bầy đi cầu tập thể cho vui . Trẻ con vô tư lự, ngồi xếp hàng nhìn chim nhau cười khúc khích. Sau này lớn thêm một chút, đến tuổi biết mắc cỡ không còn cái thú đi cầu tập thể nữa nhưng máu muốn trở thành anh hùng thì không hề nguội lạnh . Bởi vì thế giới có nhiều kẻ xấu nên làm anh hùng mới có ý nghĩa . Anh hùng chưa kịp thấy đâu chỉ biết nhiều đêm mò ra xóm chợ bị tụi tàu phục kích đánh cho tơi tả, ôm đầu chạy không kịp thở. Chỉ tội nghiệp những cây phượng ở sân trường tiểu học Ninh Hoà bên Vĩnh Phú bị chúng tôi leo lên bẻ cọng làm vũ khí không kịp mọc lá non.

Năm đó tôi lên lớp đệ tứ . Đám con trai tự cho là mình đã trưởng thành, đứa nào cũng bước vào đời với điếu thuốc ngất ngưởng trên môi . Năm này thì xóm tôi xảy ra một biến cố vô cùng trọng đại, đó là sự xuất hiện của Phan với gia đình từ Tu Bông dọn vào ở . Phan có mái tóc xoăn cắt ngắn úp vào khuôn mặt thanh tú với nốt ruồi bên gò má bên phải trông thật bắt mắt . Nhất là thân hình đang chớm nẫy nỡ ở tuổi dậy thì với hai cái vú tròm ủm chưa biết mặc xú chiêng . Phan dọn đến không tuyên bố chiến tranh cũng không kêu gọi hòa bình nhưng phe ta tự nhiên hoàn toàn tan rã. Đứa nào cũng bận rộn theo Phan để thành thi sĩ nên không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau. Con đường vào tình yêu là con đường ăn không no, mặc không ấm, nhưng không hiểu sao đứa nào cũng thích. Dù chiến tranh bạo lực không còn nhưng đứa nào cũng âm thầm tiến hành cuộc chiến tranh lạnh với phe mình để mong lọt vào đôi mắt của Phan.

Cuối cùng trong cuộc tuyển chọn không hiểu sao tôi được Phan chấm trúng . Tôi vốn học không giỏi lại không siêng, yêu Phan tôi lại càng thêm phần lười biếng. Ba má tôi suốt ngày ngoài chợ đâu có rỗi rãnh mà kềm kẹp đám con. Tôi như được tháo cũi sổ lồng. Những mảng rêu xanh dưới dòng sông Dinh bình thường trông dơ dáy như thế, nhưng có tình yêu vào rồi ban đêm nhìn xuống dưới ánh trăng trông lấp lánh như màu ngọc bích . Tôi và Phan trốn cha, trốn mẹ, trốn cả bạn bè hẹn nhau mỗi đêm ở sân đánh tennis Trường Tàu, ngồi ngay dưới gốc cây phượng mà mới hôm nào suốt ngày tôi giống như con khỉ đu trên đó . Cái sân tráng xi măng vô cùng sạch sẽ lý tưởng, bốn phía đều có thành bao bọc kín đáo, ở đây mặc sức tôi và Phan thề non hẹn biển.

Mãi đến sau này trong những ngày lầm than của đất nước, ở tù về cứ mỗi lần đứng xếp hàng ở bến xe Ninh Hoà đợi mua được cái vé đi Nha Trang phản ứng của tâm ức vẫn còn xui khiến hai con mắt tôi bâng khuâng nhìn về hướng đó, nơi của tôi và Phan với mối tình đầu . Sân tennis thành bao quanh bốn phía chỉ thấy được những cành khẳng khiu chĩa ngang chĩa dọc của cây phượng già in dưới màu trời đen thẫm . Thỉnh thoảng đôi khi hai đứa tôi đổi chỗ, đạp xe đèo nhau chun rào vô sân trường Trần Bình Trọng, ngồi ở những mé thềm trước những lớp học nào khuất ánh sáng . Phan thua tôi hai lớp, học cùng trường nên tất cả ngóc ngách chung quanh hai đứa tôi rành như đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Chúng tôi mê mẩn dọ dẫm bằng một tình yêu ở ngưỡng cửa dậy thì không so tính xem như bổn phận của hai đứa khi trời xui đất khiến gặp nhau là phải yêu nhau vậy. Có thể nói tôi hãy còn quá nhỏ để có thể hội đủ trình độ lắng nghe để còn phân tách cái cảm giác lãng mạn mà tôi vẫn thường gặp trong tự lực văn đoàn . Chỉ biết khi kề cận bên nhau , được hôn phớt lên gò má trắng ngần ẩn hiện nhiều sợi lông tơ của Phan là trong lòng tôi vô cùng rộn rã .Tôi chưa bao giờ nghĩ đến lúc bị Phan bỏ hoặc là tôi phụ bỏ Phan . Như là Phan vĩnh viễn thuộc về tôi . Trời có sập xuống, biển có thể trồi lên nhưng Phan không thể là của người khác. Dưới nhiều cặp mắt của người lớn tôi đúng là thằng con nít ranh, là con chim chưa dập bụng cứt , không lo học hành bày đặt mọc lông làm người lớn . Dưới những cặp mắt bạn bè đồng trang lứa thì tôi là thằng ngáp phải ruồi, Phan đui nên mới chấm trúng tôi. Tôi không thích ai xem tôi còn con nít, nhưng lại không dám tự cho mình đã là người lớn . Tôi lươn ươn ở trạng thái dùng dằng làm con nít không xong mà làm người lớn không được. Hình như ngay cả chính má tôi cũng không khẳng định được lằn ranh đó , bởi vì mỗi khi sai tôi làm hư một chuyện gì thì thế nào cũng bị mắng " lớn đầu rồi mà cái chuyện bé tí tẹo đó làm không được " Còn hễ mỗi khi bắt gặp tôi lén la lén lút chải tóc sắp sửa trốn đi mèo thì câu mắng quẹo liền một góc 180 độ " còn con nít con nôi không lo học hành chỉ lo trai gái đàn đúm .. "

Tôi và Phan yêu nhau ở lứa tuổi học trò chỉ là yêu để gọi là yêu . Giản dị vậy thôi . Yêu nhau giống như hai con ngựa bị bịt mắt đi giữa đám rừng thì thế nào cũng có ngày đầu tột vô gốc cây . Chuyện lao vào nhau không cần tính toán tương lai đó đến một hôm thì bị ông già của Phan phát giác . Một trong những lá thư tình Phan giắt cạp quần bị sơ ý rớt xuống đất, ông già lượm được thế là ông nổi trận lôi đình, tên tôi được liệt kê đầu sổ phong thần. Tôi teo quá trốn biệt, đi học không dám hiên ngang đạp xe cái vù ngang qua trước cửa nhà Phan như trước nữa mà phải vòng qua đường luồn nước mía của chú sáu Dẹo . Cái kiểu vừa cầm cự mê gái vừa cầm cự với bài vở ở trường không cần diễn tả ai cũng biết sức học của tôi tệ lậu đến chừng nào vậy mà không bị đội sổ hoặc ở lại lớp, đúng là phước đức ông bà ba đời để lại.

Năm tôi leo lên lớp đệ nhị vì sợ rớt tú tài bị nắm đầu đi trung sĩ, tôi hối hả lao vào ôn bài vở. Thư từ qua lại của hai đứa tôi vì thế mà thưa hơn trước vả lại cộng thêm sự kiểm soát chặt chẽ của ba Phan đám bạn bè chim xanh không đứa nào dám hó hé. Cuối năm đó hú hồn tôi thi đậu tú tài chưa kịp leo lên võng về làng báo tin mừng thì Phan sau mấy tháng xa mặt cách lòng hát bản tình xa .Tôi chưa kịp vui thì cõi lòng đã nặng trĩu nỗi buồn. Mỗi một người, mỗi một ngày đều đứng trước nhiều sự lựa chọn khác nhau . Nếu không biết bỏ đi những thứ yếu để nhanh tay lẹ chân chụp giựt riêng mình những thứ cần thiết thì sẽ vĩnh viễn thất bại . May mắn không đến với đời người hai lần nhất là may mắn của tình yêu, mà tình yêu thì khó mà chơi màn chụp giựt cho nên tôi đành thất bại. Tôi đã thất bại vì hồn quá còn non nớt không dự trù sẽ ra sao nếu có một ngày bỗng nhiên Phan biến mất khỏi đời mình . Tôi đi tìm Phan để hỏi xem như để giải tỏa một ấm ức, nhưng Phan trốn biệt. Đến nước này thì đã rõ ràng, tôi là thằng bị bồ đá .

Khi những thứ còn trong tầm tay thì mình không biết quý, đến khi nó mất đi thì mới thấy cần thiết, cái chân lý cũ mèm bất cứ ai học i tờ trong bài vỡ lòng của tình yêu cũng đều biết được vậy mà tôi lại vấp té thiệt đúng là vô duyên. Trong nỗi buồn sâu thẳm tôi ngửi được mùi tóc mùi hương con gái phảng phất đâu đây. Tôi ôm khoảng không khí trống rỗng trước mặt vẫn có cảm giác đang ôm Phan với hơi ấm da thịt ngọt ngào còn sót lại. Tôi vừa kịp trưởng thành để có thể chín chắn nói chuyện tương lai thì tôi không còn gì nữa hết .Tôi đau khổ tựa chừng bị ai đâm cho nhiều nhát dao . Đường đời có trăm vạn hướng đi, tôi không biết phải đi theo đường nào, cuối cùng tôi chọn con đường vào lính . Chỉ có vào lính ký thác đời mình cho sương gió thì mới có thể rời xa Ninh Hoà với mối tình học trò không còn muốn nhớ . Không có sự đau buồn khi phải chia tay thì làm sao hiểu được niềm vui khi sum họp , nhưng tôi thì không còn hy vọng có một ngày được gặp lại Phan . Tôi ra đi bỏ lại Ninh Hoà với bờ sông Dinh đỏ thấm giọt máu đầu đời với lòng ấm ức là Phan chia tay không một lời giải thích, thậm chí không nói một câu giã từ.

Thế rồi biến cố tháng 4/75 ập đến . Tôi bị phe thắng trận bắt đi ở tù . Năm 1985 sau khi được thả ra vì đói quá tôi đi buôn lậu cà phê từ Ninh Hoà vào Sài Gòn . Mỗi chuyến đi buôn chừng 5 ký cà phê nếu trót lọt tiền lời chỉ vừa đủ mua vài ký gạo nhưng bầm dập trầy trụa bao phen . Trời xui đất khiến sao đó tôi gặp lại Phan trên đường Phan Thanh Giản . Phan cũng xơ xác te tua vì chạy chợ trời kiếm tiền nuôi chồng đang bị ở tù ngoài Bắc chưa về . Chồng của Phan cấp bậc thiếu tá xuất thân từ Thủ Đức khóa đàn anh của tôi . Hai chúng tôi nhìn nhau ngậm ngùi . Mọi oán trách của thuở đầu đời không còn nữa thay vào đó là một thứ tình cảm khoan dung phủ trùm lên thứ tình yêu trai gái . Chồng của Phan và tôi là những kẻ thất thế bị thời cuộc đẩy vào cùng khốn . Chúng tôi là những quân nhân cùng màu cờ sắc áo là chiến hữu với nhau . Tôi và Phan ngồi bên nhau như hai người bạn tri âm tri kỷ kể về một con sông chảy qua thị trấn nơi chúng tôi lớn lên . Đồng thời cũng gặp đám bạn Tàu ngày xưa cũng thua trận vừa mới ra tù . Tụi tôi kể cho Phan nghe lúc phe ta đang đánh nhau chí choé ngon lành bỗng có Phan xuất hiện nên chiến tranh chấm dứt ngang xương . Phan rơi nước mắt khi nghe chúng tôi nhắc chuyện cũ . Chúng tôi cũng cười khi mấy thằng gốc Tàu nhắc đến Tàu thì tụi nó còn ghét Tàu hơn cả tôi . Thấy thương tất cả chúng tôi những người chiến bại của một đất nước khốn khổ . Chúng tôi là những chứng nhân của lịch sử từ chết tới bị thương.

Giờ đây tôi không còn bơi trên dòng sông Dinh của thị trấn Ninh Hoà bé nhỏ hiền hoà nữa mà bơi qua biển Thái Bình Dương . Tôi đã trở thành người biệt xứ . Những giây phút an bình hạnh phúc hay những lúc gian nan khốn nhục thì cây cầu hiền lành kia vẫn lừng lững xuất hiện trong giấc mơ . Bên này cầu là bờ dĩ vãng bên kia cầu là bến tương lai . Trong chiêm bao tôi thấy mình đang khập khiễng bước lên . Ngày xưa lúc còn đi học thầy dạy té ngã từ chỗ nào thì nên đứng dậy từ chỗ đó, nhưng từ nơi tôi đứng dậy hành trang đầy nặng trĩu hình bóng của quê nhà . Tôi còn đang mệt mỏi khom mình thì một cái vèo như chớp mắt, người lính năm nào nay đã là một gã thất thập cổ lai hy

(*) Tấm hình kỷ niệm chụp ngày 07/10/69 lúc ta và tàu cùng rủ nhau vào Trung tâm 02 Tuyển Mộ Nhập Ngũ tại Diên Khánh Nha Trang . Bốn đứa đang đứng trước láng trại dành cho sinh viên sĩ quan . Lúc này còn mới tinh chưa lãnh quân trang . Trái qua phải : tôi- Bình - Khôi ( đeo kính đen đã chết) - Liệu ( còn ở VN ) . Hai thằng lọt qua Mỹ , một thằng đã chết còn một thằng thì ở tù chưa tới ba năm bị kẹt lại VN

Quan Dương

Không có nhận xét nào: