Đây là bài số sáu trăm năm mươi chín (659) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo Năm nay rất nhiều cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại đều rầm rộ tổ chức Lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư. Thành phố hiền lành nhỏ bé Portland của chúng tôi năm nay tổ chức lễ tưởng niệm này vào ngày Thứ bảy 29 Tháng 4 năm 2023 tại Hollywood Senior Center 1842 NE 40 Ave. Portland, OR 97212 từ 1:00 PM đến 5 :00 PM.
Mấy năm trước sức khỏe chúng tôi còn tốt nên chúng tôi luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt cộng đồng này.
Người viết đã gặp những khuôn mặt quen thuộc của các thân hữu đã từng tham dự các buổi lễ tưởng niệm hằng năm ngày lễ Quốc Hận này. Họ là ai? Họ là những quân nhân, cán chính ngày cũ, là thân nhân của những người đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam hay trên bước đường đi tìm tự do, là những quân nhân Mỹ đã từng chung vai sát cánh chiến đấu cho lý tưởng tự do, là những người trẻ tuổi lớn lên sau ngày 30 Tháng Tư đau buồn, v..v.. Là ai đi nữa nhưng chúng tôi đã cùng một tâm niệm như nhau
“Cờ vàng đó! Bạn, tôi cùng lặng ngắm
Để nhớ rằng hồn nước Việt còn đây
Dù gian nan, dù sóng gió đọa đầy
Tôi và Bạn vẫn yêu màu cờ ấy
Nay tôi bạn sống cuộc đời viễn xứ
Tháng Tư buồn! Tôi, Bạn gặp nhau đây
Trời Portland vẫn mây xám giăng đầy
Ta vẫn hát bài Quốc Ca ngày cũ!
(Trích trong Bài Tình Ca Tháng Tư - Thơ Sương Lam)
Người viết lại lan man nghĩ đến những buổi lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận trong những thập niên 80, 90 trước đây ở Portland mà vợ chồng người viết đã tham dự.
Vào những năm trước khi có chương trình HO cho phép các cựu sĩ quan VNCH bị đi học tập cải tạo trên 3 năm được cùng gia đình được định cư ở Mỹ và chương tình đoàn tụ gia đình, Portland có rất ít đồng hương Việt Nam cư ngụ.
Chúng tôi đã vượt biên và được định cư tại Portland từ năm 1982. Vì mới bắt đầu xây dựng cuộc sống mới tại xứ người từ con số không, vợ chồng người viết phải vừa đi học vừa đi làm nên cũng không có tham gia sinh hoạt cộng đồng nhiều.
Ban chấp hành CĐVNOR vào những thập niên trước là những người lớn tuổi vẫn một lòng thương yêu và tưởng nhớ quê hương Việt Nam nên cũng đã tổ chức nhiều buổi tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư, tuy không được rầm rộ và vĩ đại như bây giờ. Tuy thế những "người sinh viên già" như chúng tôi vẫn đi tham dự để nói lên niềm thương nỗi nhớ về một quê hương đã nghìn trùng xa cách với bao nhiêu người thân yêu còn ở lại.
Trong một lần đi dự lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận ở dưới phố Portland vào thập niên 80, tôi đã có cảm hứng viết được bài thơ Portland Tháng Tư Buồn dưới đây, xin được chia sẻ với quý bạn và hy vọng sẽ được cảm thông. Xin đa tạ.
Portland Tháng Tư Buồn
Bao năm qua, trong tủi buồn uất hận
Bao năm rồi, bao kẻ sống tha hương
Bao năm sang, nơi xứ Việt thiên đường
Triệu người Việt vẫn điêu linh khốn khổ
Phố Portland chiều nay muôn nắng đổ
Nắng hanh vàng giống nắng ấm quê hương
Gợi niềm đau nỗi nhớ với sầu thương
Về quê cũ mấy nghìn trùng xa cách
Nay thân phận lạc loài nơi đất khách
Giữa phố người ngày Quốc Hận tháng Tư
Bạn với tôi cùng một nỗi suy tư
Ngày Quốc hận: nhớ Quê Hương, Cha Mẹ
Công viên Lawndale chiều nay gió nhẹ
Gió chiêu hồn tử sĩ chốn rừng sâu
Nơi ngục tù, nơi biển thẫm xanh màu
Kết thành mối oan khiên và uất hận
Người dân Việt muôn đời không chấp nhận
Sống nhục nhằn, thống khổ, mất Tự Do
Hoặc lang thang trôi nổi kiếp con đò
Bềnh bồng sống dật dờ nơi xứ lạ
Bạn với tôi, cùng giống dòng Việt cả
Cũng da vàng, máu đỏ, giống Rồng Tiên
Bắc, Trung, Nam dù phân biệt ba miền
Việt Nam vẫn là tên chung cả nước
Ngày tưởng niệm! Chẳng đợi kêu mời rước
Ngày đau buồn! dân Việt khắp năm châu
Một phút thôi! Xin kính cẩn cúi đầu
Để truy niệm đến những người đã khuất
Saigon cũ giã từ trong u uất
Nơi xứ người, Tôi, Bạn nhớ Quê hương
Tháng Tư Buồn! người ở lại quê hương
Hờn vong quốc! Ai buồn hơn ai nhỉ?
Sương Lam
Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, chúng ta sẽ già và hy vọng những người bạn trẻ của thế hệ thứ hai, thứ ba của chúng ta nơi xứ người sẽ vẫn nhớ về cội nguồn Việt Nam, sẽ vẫn gìn giữ những gì hay đẹp của văn hóa Việt Nam và quê hương Việt Nam chúng ta sẽ được sống trong Tự Do và Hạnh Phúc.
Hy vọng đó được thể hiện qua bài thơ Bạn Trẻ Ơi Xin Đừng Ngủ Yên được anh Trinh Hùynh làm ảnh thơ và ghép nhạc rất hay qua youtube dưới đây. Mời Bạn thưởng thức nhé.
Youtube Bạn Trẻ Ơi Xin Đừng Ngủ Yên Thơ: Sương Lam- Thực hiện khung thơ: Lính thủy. Nhạc: Summer Leaves
Cảm ơn anh Trinh Huỳnh rất nhiều.
Buổi tối an tĩnh ở nhà, nếu không nằm dài trên giường đọc sách, tôi thường lang thang trên internet để tìm tài liệu hay hay để chia sẻ với bạn bè. Thảm họa đau thương của ngày 30 Tháng Tư đã chứng minh cuộc đời là vô thường, còn đó mất đó chỉ trong một phút giây ngắn ngủi không ai biết trước. Xin đừng quá trễ để bày tỏ tình thương yêu của mình đối với người khác, dù người đó là kẻ lạ hay quen, dù là bạn bè thân thiết, hay là người thân yêu trong gia đình của chúng ta .
Xin mời Bạn đọc qua những lời tâm tình dưới đây của George Carlin để mà suy ngẫm xem có đúng hay không nhé:
Đừng quá trễ
1. Hãy nhớ dành thời giờ cho người bạn thương yêu vì họ chẳng ở với bạn mãi đâu.
2. Đừng quên biểu lộ tình thân ái với người đang ở gần vì đó là kho tàng duy nhất bạn có thể trao tặng mà không tốn một xu.
3. Hãy nhớ nắm tay nhau thật lâu vì sẽ có ngày bạn không còn cơ hội nữa.
4. Hãy nói lời thương yêu với người bạn đời và bạn bè, với tất cả ý nghĩa của lời ấy.
5. Hãy ôm chặt trong vòng tay người mà bạn thương mến, đó là cách hàn gắn niềm đau và nỗi nhớ.
6. Hãy dành thời gian để yêu và để tâm sự.
7. Đừng tiếc thời gian để chia sẻ với nhau.
8. Hãy nói những điều tốt đẹp bạn nghĩ
9. Và luôn luôn nhớ rằng: Giá trị đích thực của cuộc sống không đo lường bằng thời gian chúng ta có mà được tính bằng những khoảnh khắc chúng ta đem lại sự ngạc nhiên cho nhau.
10. Nhớ chia sẻ điều bạn tâm đắc cho người thân của mình.
George Carlin
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 659-ORTB 43023).
Sương Lam
Website: www.suonglamportland.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét