Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Bước Vào Tuần Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận và Kính Chuyển Tin Nóng Thế Giới, Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Bước Vào Tuần Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận! -Bằng giây phút này, 48 Năm về trước: Vùng 1 đã mất! Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên đầy máu và nước mắt đã xong! Với cuộc tàn sát kinh hoàng trên Tỉnh Lộ 7 B, CS Bắc Việt đã pháo kích như mưa vào đoàn người quân dân di tản, làm hàng ngàn người chết! Tỉnh Lộ 7B, có tên mới, là… Tỉnh Lộ Máu! Sài Gòn thân yêu đang trong những giây phút hấp hối! Từ giã Miền Nam tự do no ấm, hạnh phúc trên 20 năm, sắp sửa lọt vào tay…Quỷ Đỏ dã man! Bất hạnh thay, “kẻ ác” đã thắng cuộc chiến!
<!>
Chính vì thế, gần nửa thế kỷ qua, chúng biến Quê Hương Việt Nam thành những quốc gia nghèo đói nhất thế giới! Chúng chỉ biết “hèn với gặc, ác với dân!”

Dù chúng ta hiện nay, nhất là những người Lính VNCH, một thời mặc bộ Quân Phục, ai cũng có tuổi. 48 năm đã qua, thân gần tàn, lực gần kiệt! Nhưng nên nhớ, chúng ta vẫn còn phải có trách nhiệm, Tranh Đấu Cho Một Việt Nam Dân Chủ Tự Do! cho đến hơi thở cuối cùng!

Có như thế, chúng ta mới không khỏi hổ thẹn, với Anh Linh, Đồng Đội, của chúng ta đã hy sinh nằm xuống! “Cho tôi xin một mộ phần, bên ngàn Chiến Hữu của tôi!”


Chiều Chủ Nhật Hôm Qua, Bắc Cali. Mở Đầu Tuần Lễ Sinh Hoạt Tưởng Niệm Tháng Tư Đen:

Rất Thành Công! Hàng Trăm Người Tham Dự! “Chiều Nhạc Đấu Tranh và Tưởng Niệm Tháng Tư Đen”, Do Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali Tổ Chức.


*Tuần này sẽ có gần hàng chục sinh hoạt liên tiếp nhau! Ít khi nào Tháng Tư mà có nhiều sinh hoạt cộng đồng như thế!


(Đinh Mạc)

-Để tưởng niệm ngày chúng ta mất nước, ngày 30 tháng Tư năm 1975, một Tháng Tư đen tối đánh dấu một trang sử đã lật qua, xoá bỏ một Miền Nam Tự Do, đẩy hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi, hàng trăm ngàn người đã chết trên biển cả, trong rừng sâu trên đường vượt biên, vượt biển tìm đường sống,..

Vào hồi 3 PM Chiều hôm qua, Chủ nhật 3/4/2023 Hội Truyền Thông Người Việt bắc California đã tổ chức một buổi văn nghệ "Tưởng niệm Tháng Tư Đen" tại quán Cà phê Lovers trên đường Quimby, thành phố San Jose, với hàng trăm đồng hương trong vùng tham dự.

Sau đây là một vài hình ảnh chúng tôi ghi lại xin được chia sẻ cùng Quý Vị và các Bạn xa gần, để nhớ về một tháng Tư đen tối trước đây 48 năm.





Hình Ảnh “Phe Thắng Cuộc Chiến” Dương Thu Hương Nói Gì Về Ngày 30/4/1975?
(Viet Tide)


(Nhà văn Trần Đĩnh và Dương Thu Hương)

-“Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 1975 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ,” phát ngôn của nhà văn Dương Thu Hương được nhiều người nhớ đến mỗi khi gần đến ngày kỷ niệm Tháng Tư Đen.

Hồi năm 2011, bà Dương Thu Hương, lúc này đã tỵ nạn cộng sản ở Pháp, cho hay: “Trong đời tôi có hai lần khóc.

Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bày trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette.

Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Đừng quên rằng, ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói.

Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ, nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.

Lần thứ hai tôi khóc là năm 1984 khi tôi đến Moscow. Tất cả những người Việt Nam khác đến đấy đều hớn hở, sung sướng. Riêng tôi thì nhục nhã không thể tả được. Vì khi ở trong nước, tôi vẫn có ấn tượng dân tộc mình là dân tộc anh hùng và là một dân tộc cũng có được một cuộc sống xứng đáng. Nhưng khi đến Moscow trong một phái đoàn điện ảnh trẻ thì tôi mới nhìn thấy ra rằng, người Việt Nam bị khinh bỉ.


Đô thị Sài Gòn vĩnh viễn mất đi sự văn minh, lịch lãm từ ngày quân cộng sản chiếm được

Người Việt Nam đầu đen chỉ xếp hàng trong các đội quân dài dặc các bà già Nga bụng to để mua nồi áp xuất, bàn là điện nhằm gởi về nước. Những người bán hàng họ mắng cho như là mắng khỉ ấy. Họ mắng cũng đúng vì người mình khuân hàng đống nồi, hàng đống sản phẩm của người ta để tuồn về nước. Khi đứng ở khách sạn Peking nhìn xuống đường, tôi thấy những đoàn đại biểu Việt Nam trong những bộ quần áo comple gớm giếc trông như những đàn bò đi trong thành phố.

Tôi hoàn toàn vỡ mộng và tôi khóc. Một nhà văn Nga mắng tôi. Anh ta bảo rằng, “người ta đi Nga người ta sung sướng, còn bà thì tại sao bà lại khóc như cha chết vậy. Sao lại vớ vẩn thế?”. Anh ta không biết nỗi đau đớn của tôi khi thấy thân phận của người Việt Nam.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã là một ngã rẽ trong đời tôi. Đúng ra, ngã rẽ này đã bắt đầu từ năm 1969 khi lần đầu tiên tôi gặp những toán tù binh người miền Nam ở Quảng Bình. Lúc đó tôi làm công tác ở các binh trạm và những tù binh lần đầu tiên tôi gặp không phải là người Mỹ mà chính là người Việt Nam, cũng đầu đen mắt đen, cũng lùn và da vàng mũi tẹt như tôi, và nói tiếng Việt Nam như tôi.

Cho nên tôi mới hồ nghi rằng tất cả những điều người ta nói đây là cuộc chiến tranh chống quân xâm lược thì đó là láo toét. Tuy nhiên vì lúc đó là chiến tranh và tất cả đều lao vào một guồng máy và bị cỗ xe khổng lồ nó cuốn đi. Cho đến năm 75, với thời gian, tất cả mọi ngờ vực trong tôi đã chín muồi. Năm 1975, tôi hiểu rằng đây là thời điểm quyết định và là ngã rẽ dứt khoát trong tư tưởng của mình.

Tôi tin số phận theo kiểu của tôi và hiểu số phận theo kiểu một người nhà quê chân đất mắt toét. Đại loại như vậy. Còn để diễn giải hai chữ số phận trong cuộc phỏng vấn ngắn ngủi này thì đó là điều bất khả.

Tôi nói ví dụ, chúng ta không phải hoàn toàn là những kẻ bất lực nhưng chúng ta cũng không hoàn toàn là những kẻ làm chủ được số phận của mình. Ví dụ như khi tôi ở trong tù hồi năm 1991, tôi nghĩ không bao giờ có ngày mình ra khỏi tù.


Bà Dương Thu Hương từng đi tù bảy tháng vì chỉ trích đảng

Nhưng rồi tôi lại thoát nhờ sự can thiệp của những người mà tôi chưa bao giờ biết. Như vậy rõ ràng là có bàn tay của Chúa, nói theo người theo đạo Thiên Chúa, và có bàn tay của Giời Phật, nói theo người dân miền Nam. Đấy là điều khiến tôi tin vào số phận.


Tin Quốc Tế Đó Đây
G7 Kêu Gọi Gia Hạn Thỏa Thuận Xuất Cảng Ngũ Cốc Qua Biển Đen


(Hình: Khu vực chứa ngũ cốc xuất cảng tại cảng ở Odesa của Ukraine.)

-Hôm Chủ Nhật (23/4/2023), Nhóm G7 kêu gọi “gia hạn, thực hiện đầy đủ và mở rộng” thỏa thuận quan trọng nhằm xuất cảng ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen, các Bộ trưởng Nông nghiệp của nhóm nói trong một thông cáo.

Với sự trung gian của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận đã được ký kết tại Istanbul vào tháng 7 năm 2022, cho phép Ukraine xuất cảng hơn 27 triệu tấn ngũ cốc từ một số cảng ở Biển Đen.

Nga, quốc gia đã xâm chiếm nước láng giềng vào tháng 2 năm 2022, đã phát tín hiệu mạnh mẽ rằng họ sẽ không cho phép thỏa thuận tiếp tục sau ngày 18 tháng 5 vì danh sách các yêu cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảng ngũ cốc và phân bón của chính họ đã không được đáp ứng.

Trong thông cáo sau cuộc họp kéo dài hai ngày tại Miyazaki, Nhật Bản, các Bộ trưởng Nông nghiệp G7 đã “công nhận tầm quan trọng” của thỏa thuận, nói: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc gia hạn, thực hiện đầy đủ và mở rộng BSGI (Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen)”.

“Chúng tôi lên án những nỗ lực của Nga trong việc sử dụng lương thực như một phương tiện gây bất ổn và là công cụ cưỡng chế địa chính trị, đồng thời nhắc lại cam kết hành động đoàn kết và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc Nga vũ khí hóa lương thực”, thông cáo viết.

Tuyên bố nói rằng các thành viên G7 “sẵn sàng” hỗ trợ phục hồi và tái thiết Ukraine, bao gồm cung cấp kiến thức chuyên môn về rà phá bom mìn trên đất nông nghiệp và tái thiết cơ sở hạ tầng nông nghiệp.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ thảo luận về thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc ở Biển Đen của Ukraine với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại New York trong tuần này.


Cựu Tổng Thống Nga: Mạc Tư Khoa Sẽ Hủy Bỏ Thỏa Thuận Ngũ Cốc Nếu G7 Cấm Xuất Cảng


(Hình: Tàu chở ngũ cốc từ Ukraine.)

-Hôm Chủ Nhật (23/4/2023), cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng nếu G7 cấm xuất cảng sang Nga thì Mạc Tư Khoa sẽ đáp trả bằng cách chấm dứt thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, vốn cho phép xuất cảng ngũ cốc từ Ukraine.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin tuần trước, trích dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật Bản, rằng các quốc gia thuộc Nhóm G7 đang xem xét lệnh cấm xuất cảng gần như hoàn toàn sang Nga. Nga đã nhiều lần đe dọa hủy bỏ việc tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc, vốn sẽ hết hạn vào ngày 18/5.

G7 được cho là đang thảo luận về việc đảo ngược cách tiếp cận trừng phạt của mình để hàng xuất cảng sang Nga sẽ tự động bị cấm trừ khi chúng có trong danh sách các sản phẩm được phép vận chuyển đến nước này. Theo khuôn khổ hiện tại, hàng hóa được phép bán sang Nga trừ khi chúng được đưa hẳn vào danh sách đen.

Ông Medvedev, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, là Phó Chủ tịch của ông Putin tại Hội đồng An ninh có ảnh hưởng và đứng đầu một ủy ban chính phủ về sản xuất vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraine.

Mạc Tư Khoa đã nhiều lần phản đối các điều khoản của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen – vốn là bước đột phá ngoại giao quan trọng duy nhất trong cuộc xung đột kéo dài 14 tháng ở Ukraine.

Nga cho biết sẽ rút khỏi sáng kiến này trước hạn chót là ngày 18 tháng 5 nếu phương Tây không dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất cảng nông sản và phân bón của Nga.

Trong một thông cáo, các Bộ trưởng Nông nghiệp của nhóm G7 hôm Chủ Nhật kêu gọi “gia hạn, thực hiện đầy đủ và mở rộng” thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.


Chiến Tranh Ukraine: Nga Dồn Hỏa Lực Hy Vọng Chiếm Dứt Điểm Bakhmut

-Chiều ngày 22/4/2023, Bộ Quốc phòng Nga loan báo “các nhóm tấn công” đã giành được thêm 3 quận tại khu vực ở phía Đông thành phố Bakhmut. Hãng tin Anh Reuters lưu ý trong thời gian gần đây, “đôi khi quân đội Nga sử dụng cụm từ các toánh lính tấn công để chỉ quân của lực lượng lính đánh thuê Wagner”.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm các nhóm lính tấn công đó đã “kềm hãm được các đơn vị của Ukraine ở bên sườn, đồng thời yểm trợ các quân nhân Nga trong nỗ lực đánh chiếm thành phố” Bakhmut. Thông cáo của Mạc Tư Khoa không đi sâu hơn vào chi tiết. Sau nhiều tháng giao tranh bất phân thắng bại, Bakhmut hoàn toàn bị tàn phá.

Cũng tại khu vực miền Đông Ukraine, chính quyền Kharkiv cho biết tối 22/4/2023 Nga đã phóng ít nhất 5 phi đạn vào thành phố này, nhiều khu nhà dân bị hư hại. Theo tổng kết của chính quyền Kyiv, trong 24 tiếng đồng hồ qua, quân Nga đã bắn hơn 50 quả đại bác, tiến hành 5 đợt tấn công bằng drone và rocket nhắm vào vùng Zaporijia, cách thủ đô Kyiv gần 500 cây số về hướng Đông-Nam. Một lần nữa Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) báo động những “rủi ro nghiêm trọng về mặt an toàn” đối với nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu do quân đội Nga kiểm soát từ hơn 1 năm qua.

Tại Minsk, Bộ Quốc phòng Belarus hôm 22/4 cho biết đơn vị được điều sang Nga để được đào tạo sử dụng hệ thống phóng phi đạn có mang theo đầu đạn nguyên tử Iskander đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhóm này đã trở về nước.

Bốn tuần trước, Tổng thống Nga, Vladimir Putin loan báo khai triển vũ khí nguyên tử chiến thuật trên lãnh thổ Belarus. Hành động này nhằm cảnh cáo Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) yểm trợ quân sự Ukraine. Đầu tháng 2/2023 Belarus khẳng định quân đội hoàn toàn tự chủ trong kỹ thuật sử dụng Iskander đã được Nga cung cấp. Theo thông tấn xã Reuters, đến này 4/4 Minsk đã điều một số các đơn vị sang Nga để học hỏi kỹ thuật này. Các đơn vị nói trên đã “quay lại Belarus hôm thứ Bảy, 22/4”.


Đồng Minh Tăng Tốc Cấp Xe Tăng và Huấn Luyện Binh Sĩ Giúp Ukraine

-Khoảng 50 quốc gia đồng minh của Ukraine, họp tại căn cứ quân sự Mỹ Ramstein, Đức, hôm 21/4/2023, đã điểm lại các hỗ trợ quân sự cho Kyiv trong những tháng qua và các phương tiện mà quân đội Ukraine cần để có thể giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Việc cung cấp xe tăng và huấn luyện binh sĩ cho Ukraine đang được tăng tốc.

Các xe tăng Abrams của Mỹ sẽ tới Đức trong những tuần tới để binh sĩ Ukraine có thể bắt đầu học cách sử dụng, theo phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 21/4 với báo giới. Một viên chức Mỹ ẩn danh cho thông tấn xã Reuters biết là thời gian huấn luyện sẽ kéo dài khoảng 10 tuần lễ, với sự tham gia của hàng trăm binh sĩ Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thì cho biết việc đào tạo binh sĩ Ukraine sử dụng xe tăng Leopard cũng sẽ sớm bắt đầu trên lãnh thổ Đức, sau các khóa đào tạo đầu tiên tại Ba Lan. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, khoảng 80 xe tăng Leopard 1 và 2, mà Bá Linh hứa, sẽ được cấp cho Ukraine, từ nay đến cuối tháng 6 năm nay. Cũng tại cuộc họp ở Ramstein, Ukraine, Ba Lan và Đức đã đạt thỏa thuận lập một “trung tâm chung tại Ba Lan” để sửa chữa các xe tăng Leopard 2.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chỉ trong vòng vài tháng, các đồng minh đã cấp cho Ukraine tổng cộng “230 xe tăng và 1550 xe bọc thép, cùng nhiều thiết bị quân sự, đạn dược cho 9 lữ đoàn thiết giáp mới của Ukraine”. Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ khẳng định vũ khí hỗ trợ đã và đang giúp Ukraine giành được nhiều thắng lợi. Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặc biệt lưu ý đến nhu cầu lớn của Kyiv về các phương tiện hậu cần quân sự. Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên RFI Pierre Bénazet cho biết cụ thể:

“Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, sự hỗ trợ của nhóm Ramstein đã giúp các lực lượng Ukraine đạt được “nhiều tiến bộ gấy ấn tượng mạnh” trên chiến trường. Về phần mình, Tổng Thư ký NATO tin tưởng Ukraine sẽ có thể giải phóng được “thậm chí nhiều hơn nữa” các lãnh thổ đã bị chiếm. Ông Jens Stoltenberg ủng hộ quyết tâm của các quốc gia thuộc nhóm Ramstein tiếp tục cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự các loại cho Ukraine. Tổng Thư ký NATO nói:

“Các đồng minh cung cấp một số lượng lớn xe tăng chiến đấu hiện đại và hiệu quả, đúng theo tiêu chuẩn của NATO, như các loại xe Leopard 2, Challenger của Anh, Abrams. Nhưng để xe tăng có thể hoạt động được, quý vị cần đến một lượng lớn đạn dược và nhiên liệu, và các xe kéo để có thể di chuyển được các loại thiết bị hạng nặng như xe tăng, xe cấp cứu. Tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta đánh giá thấp tất cả các hoạt động hậu cần phải được thực hiện, để xe tăng chiến đấu có thể vận hành. Chuyện này nghe có vẻ khá nhàm chán, nhưng khâu hậu cần là rất quan trọng. Bây giờ là cuộc chiến tiêu hao, và cuộc chiến tiêu hao đang trở thành cuộc chiến về hậu cần”.

Ngoài việc tiếp tục nỗ lực quân sự của nhóm Ramstein, mọi con mắt hiện đang hướng về nỗ lực chính trị: Tổng thống Volodymyr Zelensky thể hiện công khai hy vọng có được một lộ trình gia nhập NATO cho Ukraine tại hội nghị lần tới của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, họp ở Lithuania vào tháng 7”.

Hôm 21/4, Tổng Thư ký NATO xác nhận Tổng thống Ukraine đã nhận lời mời của NATO dự hội nghị của khối tại Lithuania (từ 11/7 đến 12/7).

Về cam kết của Liên Hiệp Âu Châu (EU) cung cấp đạn dược cho Kyiv, hôm 21/4, trên Twitter, Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kouleba bày tỏ lo ngại việc Liên Hiệp Âu Châu có thể không thực hiện được cam kết. Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu Joseph Borell, hôm 21/4, cho biết đã trực tiếp trao đổi với Ngoại trưởng Ukraine, bảo đảm cung cấp đủ và đúng thời hạn đạn dược cho Kyiv.


Tổng Thống Ukraine Ban Hành Đạo Luật Xóa Dấu Tích Nga Khỏi Nơi Công Cộng

-Tối 21/4/2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký ban hành đạo luật cấm các tên các danh nhân hay sự kiện liên quan đến lịch sử Nga xuất hiện tại các nơi công cộng của Ukraine.

Đây là một bước trong tiến trình phi địa danh Nga ở Ukraine, đã khá phổ biến từ sau cuộc cách mạng Cam 2014 và được dấy lên mạnh mẽ từ khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng 2/2022. Thông tín viên Stéphane Siohan của Đài RFI tại thủ đô Kyiv của Ukraine tường trình:

Từ đầu cuộc chiến tranh trên quy mô lớn, nhiều tượng đài tưởng niệm các danh nhân Nga như nữ hoàng Catherine II ở Odessa, đã bị tháo dỡ và nhiều đường phố cũng bị đặt lại tên. Nhưng cho đến nay, các sáng kiến như vậy vẫn do chính quyền địa phương và hội đồng nhân dân quyết định.

Từ giờ trở đi, việc loại bỏ tên địa danh có gốc gác Nga là một chính sách của Nhà nước Ukraine.

Luật mới cấm các tên gọi hay các danh hiệu mang biểu tượng nước Nga như các địa điểm, thành phố, mốc thời gian hay các sự kiện lịch sử hoặc các danh nhân văn hóa… .Cơ quan Lập pháp chỉ được làm việc này theo đòi hỏi của nhân dân.

Hồi tháng Một năm nay, một kiến nghị của công dân đã thu thập được hơn 100 ngàn chữ ký đòi đặt lại tên quảng trường Lev Tolstoy, một trong số các quảng trường chính ở thủ đô Kyiv, thành quảng trường các “Anh Hùng Ukraine”.

Sắp tới, trạm xe điện ngầm “tình hữu nghị các dân tộc”, một dấu tích khẩu hiệu tuyên truyền thời Liên Xô sẽ được đặt lại tên gốc theo khu phố.

Đạo luật do Tổng thống Volodymyr Zelensky ký ban hành hôm 21/4 sẽ có hiệu lực trong 3 tháng nữa. Cũng cần phải nhắc lại, tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ của chính ông Zelensky. Sau đó các tổ chức tập thể sẽ có 6 tháng để giải tỏa khỏi các nơi công cộng những biểu tượng Nga.


Nga Trục Xuất Hơn 20 Nhà Ngoại Giao Đức

-Hôm 22/4/2023, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trục xuất hơn 20 nhà ngoại giao Đức để trả đũa hành động tương tự gần đây Bá Linh đối với các nhà ngoại giao Nga.

Trong một thông cáo, được thông tấn xã AFP trích dẫn, Bộ Ngoại giao Nga lên án mạnh mẽ những hành động của Bá Linh, “tiếp tục phá hoại mối quan hệ Nga- Đức”. Mạc Tư Khoa cũng cho biết đã chính thức thông báo Tòa Ðại sứ Đức, hôm 5/4, về quyết định hạn chế số nhân viên ngoại giao Đức hoạt động ở Nga. Hãng tin Tass của Nga, trích dẫn nhật báo Bild Daily, chỉ ra rằng 34 trong số 90 nhân viên ngoại giao của Đức ở Mạc Tư Khoa đã phải rời khỏi Nga.

Về phần mình, theo thông tấn xã AFP, Bộ Ngoại giao Đức không xác nhận thông tin trên nhưng cho biết một chuyến bay chở nhân viên ngoại giao Nga, xuất phát từ Bá Linh hôm thứ Bảy, có liên quan đến vấn đề này và không nói rõ có phải họ bị trục xuất hay không. Bá Linh cũng cho biết Nga và Đức đã thảo luận về việc giảm sự hiện diện của các cơ quan tình báo Nga ở Đức trong những tuần vừa qua.

Đức và Nga từng là đối tác thương mại thân cận, nhưng từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Bá Linh đã xa lánh dần Mạc Tư Khoa và hỗ trợ Ukraine cả về tài chánh lẫn quân sự. Vào năm 2022 Đức đã trục xuất khoảng 40 nhà ngoại giao Nga, vì rủi ro an ninh quốc gia.

Cơ quan An ninh Đức cho biết kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine, các hoạt động gián điệp của Nga trên lãnh thổ nước này đã tăng mạnh và nâng mức cảnh báo về vấn đề này.


Công Du Bồ Đào Nha, Tổng Thống Ba Tây Không Che Giấu Bất Đồng Về Chiến Tranh Ukraine

-Tổng thống Ba Tây, Lula da Silva ngày 22/4/2023 bắt đầu công du Âu Châu với chuyến thăm chính thức Bồ Đào Nha, nhằm hàn gắn lại quan hệ với cựu cường quốc thực dân, vốn đã bị rạn vỡ dưới thời người tiền nhiệm.

Tuy nhiên hai nước vẫn bất đồng về chiến tranh Ukraine. Một bên chỉ trích trợ giúp của phương Tây cho Ukraine, bên kia thì kiên định đứng về phía Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, thông tín viên Lucia Müzell của RFI tường trình:

“Tổng thống hai nước đã cố công nhấn mạnh quan hệ lịch sử giữa Bồ Đào Nha và Ba Tây, với hơn chục thỏa thuận song phương sẽ được ký. Thế nhưng, các nhà báo có mặt tại chỗ chỉ muốn biết một điều: Liệu ông Lula có giữ quan điểm cho rằng việc các nước phương Tây trợ giúp Ukraine tự vệ là khuyến khích chiến tranh kéo dài?

Theo ông Lula, Ba Tây đang tìm kiếm tiếng nói hòa bình thông qua đối thoại. Ông Lula nói: “Chúng tôi lên án Nga về hành động chiếm đóng và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tất cả chúng tôi đều cho rằng Nga đã sai. Nhưng theo tôi, vì chiến tranh đã khai mào và cần phải chấm dứt cuộc chiến này. Để làm được điều này, thì cần phải thương lượng”.

Bên cạnh ông Lula, Tổng thống Bồ Đào Nha Rebello de Sousa tỏ thái độ hòa giải, ngay cả khi lập trường của Lisbon vẫn kiên định với lập trường của Âu Châu và NATO. Theo ông, những bất đồng với Brasilia về hồ sơ này không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ với Ba Tây trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ông Rebello de Sousa tuyên bố: “Lập trường của Bồ Đào Nha có khác, đó là khả năng để có được tiếng nói hòa bình, trước hết Ukraine phải lấy lại, nếu có thể thì là toàn bộ chủ quyền vẹn lãnh thổ của mình”.

Tổng thống Lula sẽ kết thúc vòng công du châu Âu Châu với chuyến thăm Tây Ban Nha và thứ Ba và thứ Tư tuần tới”.


Mỹ, Pháp Di tản Nhân Viên Ngoại Giao và Kiều Dân Khỏi Sudan

-Nội chiến tại Sudan-Phi Châu bước sang tuần lễ thứ nhì, làm hơn 420 người chết, 3.700 người bị thương.

Ngày 23/4/2023, Paris thông báo khởi động chiến dịch di tản cấp tốc các công dân Pháp và nhân viên ngoại giao. Tòa Ðại sứ Mỹ tại thủ đô Khartoum “tạm ngừng hoạt động”, Tổng thống Biden ra lệnh cho quân đội đưa nhân viên tòa Ðại sứ đến những nơi an toàn.

Theo một số nguồn tin thông thạo được thông tấn xã AFP trích dẫn, Bộ Ngoại giao Pháp đã “khởi động” chiến dịch di tản các công dân và “nhân viên ngoại giao của Pháp cũng như của một số quốc gia đối tác đồng minh”. Paris được cả hai lực lượng của quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự bảo đảm chiến dịch “di tản khoảng 250 công dân Pháp khỏi Sudan” sẽ diễn ra an toàn.

Từ ngày 15/4/2023 Sudan lâm vào một cuộc nội chiến giữa một bên là quân đội chính quy do tướng Abdel Fattha Al Burhane chỉ huy và bên kia là lực lượng bán quân sự FSR do tướng Mohammet Hamdan Daglo –biệt danh Hemedti lãnh đạo. Hemedti từng là nhân vật số hai của tướng Burhane trong cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Bechir năm 2019. Nhưng từ 2021, Burhane và Hemedti cùng tranh giành quyền lực.

Tại Hoa Thịnh Ðốn Tổng thống Joe Biden hôm 22/4/2023 đã “yêu cầu quân đội mở chiến dịch di tản nhân viên của chính phủ Mỹ khỏi Khartoum”. Theo lời một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “chưa đầy 100” nhân viên ngoại giao Mỹ tại Sudan đã được “chuyển đi bằng trực thăng”. Tuy nhiên trước mắt Hoa Thịnh Ðốn chưa tính đến khả năng di tản “hàng trăm công dân Hoa Kỳ đang sống tại Sudan”.

Hãng tin AP ghi nhận sáng 23/4/2023, ít nhất trong khoảng 1 tiếng đồng hồ nhiều chuyến trực thăng của đặc nhiệm Hoa Kỳ đưa nhân viên tòa Ðại sứ Mỹ ra khỏi thủ đô Khartoum. Hoa Thịnh Ðốn huy động 100 quân nhân và ba trực thăng loại MH-47 trong đợt di tản lần này. Nhân viên ngoại giao Mỹ được đưa đến Ethiopia. Từ nhiều ngày qua, Ngũ Giác Đài đã điều một số quân nhân đến Djibouti để chuẩn bị cho chiến dịch nói trên. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham Mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và lãnh đạo lực lượng quân sự của Mỹ tại Phi Châu duy trì liên lạc với cả hai phe của tướng Burhane và Hemedti trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch di tản các công dân Mỹ trong những giờ qua. Hoa Thịnh Ðốn tuy tiên bác bỏ tin là đã được lực lượng bán quân sự do tướng Hemedti lãnh đạo “phối hợp” với Mỹ nhằm đưa nhân viên Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ đến một nơi an toàn.

Ngoài ra, Anh, Ý Ðại Lợi, Đức cùng Ả Rập Saudi, Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản... đã di tản các công dân khỏi Sudan.

Xung đột vẫn diễn ra khốc liệt tại thủ đô của Sudan. 5 triệu dân ở Khartoum bị mất điện, mất nước từ nhiều ngày qua. Hệ thống điện thoại và internet thường xuyên bị đứt quãng. Dân chúng bắt đầu thiếu lương thực. Tình hình có nguy cơ xấu đi thêm một khi các công dân ngoại quốc rời khỏi thành phố này. Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới báo động “tình hình tại chỗ là một tai họa”.


Nhật Bản Chuẩn Bị Bắn Hạ Vệ Tinh Bắc Hàn Nếu Rơi Xuống Lãnh Thổ


-Ngày thứ Bảy (22/4/2023), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada ra lệnh cho quân đội nước này chuẩn bị bắn hạ một vệ tinh do thám của Bắc Hàn nếu nó rơi vào lãnh thổ Nhật Bản.

Ông Hamada đã ra lệnh cho Lực lượng Tự vệ thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết vì ông có thể “ra lệnh phá hủy phi đạn-đạn đạo”, Bộ Quốc phòng nói trong một phát biểu.

Công tác chuẩn bị bao gồm thu xếp điều động binh sĩ tới tỉnh Okinawa ở miền Nam để “giảm thiểu thiệt hại nếu một phi đạn-đạn đạo rơi xuống”.

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un nói công tác chuẩn bị cho kế hoạch phóng vệ tinh do thám đầu tiên của nước này nên được tiến hành để chống lại các mối đe dọa bị cho là đến từ Mỹ và Nam Hàn, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư.


Bắc Kinh và Hán Thành Khẩu Chiến Xung Quanh Bình Luận của Tổng Thống Nam Hàn Về Đài Loan

-Một ngày trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng thống Nam Hàn, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông hôm 23/4/2023, đã gửi công hàm tới Ðại sứ Nam Hàn, phản đối những nhận xét “sai lệch” của ông Yoon Suk-yeol về Đài Loan. Lãnh đạo Nam Hàn đã tuyên bố hôm 19/4 phản đối thay đổi nguyên trạng giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Theo The South China Morning Post,Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông hôm nay, đã triệu tập Ðại sứ Nam Hàn ở Bắc Kinh, gửi một công hàm, đánh giá những nhận xét của Tổng thống Yoon Suk-yeol, là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Ông Tôn nhấn mạnh rằng “lãnh đạo Nam Hàn không tôn trọng guyên tắc một nước Trung Quốc mà lại đánh đồng vấn đề Đài Loan với tình hình ở bán đảo Triều Tiên”. Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên RFI Célio Fioretti cho biết thêm:

“Lại có chuyện cãi vã giữa Bắc Kinh và Hán Thành. Từ giữa tuần, hai nước đối mặt với nhau bằng những lời qua tiếng lại. Sau khi bày tỏ phản đối những đòi hỏi của Trung Quốc về Đài Loan, Tổng thống Nam Hàn đã so sánh trường hợp này với tình hình ở bán đảo Triều Tiên, nói rằng rằng đó là vấn đề toàn cầu.

Bắc Kinh không hài lòng với nhận xét này và nhanh chóng nói rằng ông Yoon Suk-yeol “phải cư xử cho đúng mực”, từ ngữ trong nguyên văn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại rằng “họ không cần ai chỉ bảo phải làm gì”. Về phần mình, Nam Hàn lấy làm tiếc về sự khiếm nhã của Bắc Kinh và triệu tập Ðại sứ Trung Quốc.

Hôm 23/4, Trung Quốc tiếp tục bày tỏ phản đối Nam Hàn qua công hàm nói trên. Một hành động trượng trưng nhưng cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai nước. Trước cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ, Tổng thống Nam Hàn muốn tái khẳng định lập trường của mình. Nhưng làm như vậy không phải là không có rủi ro, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Hán Thành. Dù ông Yoon Suk-yeol không nhắc đến Hoa Kỳ, nhiều khả năng lãnh đạo hai nước sẽ đề cập đến chủ đề này trong các cuộc gặp từ ngày 24 đến 26 tháng Tư”.


Trung Quốc Giận Dữ Vì Chuyến Thăm Đài Loan của Tổng Thống Guatemala

-Hôm 22/4/2023, Tổng thống Guatemala, ông Alejandro Giammattei đến Đài Loan mở chuyến viếng thăm 2 ngày. Guatemala là một trong hai nước Trung Mỹ còn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và chuyến viếng thăm này đã khiến Trung Quốc giận dữ.

Từ năm 2007 đến nay, Đài Loan đã mất dần đồng minh ở Trung Mỹ, khi các nước như Costa Rica, Panama, Salvador và mới đây nhất, vào tháng trước, Honduras, đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để quay sang Trung Quốc. Hiện chỉ còn hai nước Trung Mỹ công nhận Đài Loan là Guatemala và Belize, trong tổng số 13 quốc gia trên thế giới chưa cắt đứt bang giao với Đài Bắc.

Riêng quan hệ giữa Guatemala với Đài Loan còn rất chặt chẽ. Tổng thống Giammattei cho biết nhân chuyến thăm lần này, ông sẽ đến thăm các công ty lớn nhất của Đài Loan muốn đầu tư vào Guatemala. Một thỏa thuận cũng đang được đúc kết giữa hai nước để cho các sản phẩm của Guatemala được nhập vào thị trường Đài Loan dễ dàng hơn, đặc biệt là cà phê và đường, hai mặt hàng mà cho tới đây vẫn được nhập từ Honduras.

Về phần mình, Đài Bắc sẽ lập một quỹ để giúp Guatemala đối phó với các thiên tai. Đài Loan cũng sẽ viện trợ 1,5 triệu Mỹ kim để lắp hệ thống điều hòa không khí cho phi trường của thủ đô Guatemala City.

Ngay sau khi chuyến thăm Đài Loan của Tổng thống Giammattei được thông báo, Bắc Kinh đã kêu gọi lãnh đạo Guatemala “không nên trợ giúp những tên tội phạm” và không nên “đi ngược lại khát vọng của nhân dân Guatemala”.


Đại Sứ Trung Quốc Tại Paris Phủ Nhận “Tư Cách Pháp Lý” của Các Nước Thuộc Liên Xô cũ

-Pháp và 3 nước Baltic yêu cầu Bắc Kinh giải thích sau phát biểu của Ðại sứ Trung Quốc tại Paris hôm 22/4/2023. Ông Lư Sa Dã (Lu Shaye) cho rằng “các quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ không có quy chế thực thụ về mặt luật pháp quốc tế”.

Trả lời đài truyền hình tư nhân Pháp LCI khi được hỏi về bán đảo Crimea của Ukraine bị Mạc Tư Khoa thôn tính từ 2014, viên chức Trung Quốc này tuyên bố “Từ đầu, Crimea thuộc về Nga. Kroutchev là người đã đem tặng vùng lãnh thổ này cho Ukraine dưới thời Liên Xô”.

Đại sứ Lư Sa Dã cho rằng đã đến lúc cần ngừng “tranh cãi vô bổ” về các đường biên giới thời hậu Xô Viết. Điều “khẩn cấp hơn cả là tìm ra giải pháp ngừng bắn giữa Nga với Ukraine”.

Ngay lập tức một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp cho biết “ngỡ ngàng về lời lẽ của Ðại sứ Trung Quốc tại Pháp liên quan đến biên giới các quốc gia độc lập từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Trung Quốc cần làm sáng tỏ” rằng những lời lẽ đó thể hiện quan điểm cá nhân của Ðại sứ Trung Quốc tại Paris, Lư Sa Dã. Pháp hy vọng rằng đấy không là lập trường chính thức của Bắc Kinh về quy chế pháp lý của các quốc gia có chủ quyền.

Hãng tin Anh Reuters chưa liên lạc được với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về chủ đề này. Ba nước trong vùng Baltic là Estonia, Lithuania và Latvia rất phẫn nộ trước những tuyên bố sai lệch và đi ngược lại lịch sử của nhà ngoại giao Trung Quốc này. Từ thủ đô Vilnius của Lithuania, thông tín viên RFI Marielle Vitureau tường thuật:

“Ngoại trưởng 3 nước vùng Baltic, Estonia Lithuania và Latvia đã hội ý với nhau đề cùng đáp trả Ðại sứ Trung Quốc ở Paris. Trên mạng Twitter, Margus Tsakhna, Ngoại trưởng Estonia giải thích lập luận của đại diện ngoại giao Trung Quốc này là hoàn toàn sai. Xin trích, “chiểu theo luật pháp quốc tế, các quốc gia Baltic là những nước có chủ quyền từ năm 1918 thế nhưng rồi trong vòng 50 năm họ đã bị đô hộ”. Từ 1940 đến 1990 các quốc gia này bị Liên Xô đô hộ.

Lãnh đạo ngoại giao Latvia, Edgars Rinkevics, lên án những lời lẽ “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và chờ đợi Ðại sứ Trung Quốc sẽ phải rút lời lại. Cuối cùng Ngoại trưởng Lithuania, ông Gabrielius Landsbergis thì cho rằng phát biểu của ông Lư Sa Dã là một bằng chứng củng cố thêm quan điểm của các nước vùng Baltic.

Cả ba quốc gia này cùng không tin tưởng vào Trung Quốc để đàm phán vãn hồi hòa bình cho Ukraine. Quan hệ giữa Lithuania với Trung Quốc đã xấu đi từ khi Vilnius mở văn phòng đại diện tại Đài Loan hồi cuối 2021. Latvia và Estonia cũng giữ khoảng cách với Trung Quốc. Hai quốc gia này coi Bắc Kinh là một mối đe dọa mới đối với ngành tình báo trong khu vực”.


Phi Luật Tân và Trung Quốc Cam Kết Cùng Giải Quyết Các Bất Đồng Về Biển Đông

-Hôm 22/4/2023, Phi Luật Tân và Trung Quốc đã cam kết sẽ cùng nhau giải quyết các bất đồng về Biển Đông, vùng biển mà hai nước đều có những yêu sách chủ quyền, đồng thời sẽ tăng cường quan hệ song phương.

Theo hãng tin AFP, những cam kết nói trên được đưa ra nhân chuyến thăm Manila của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bắt đầu từ hôm qua.

Trong một thông cáo đưa ra hôm qua, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cho biết hai vị Ngoại trưởng sẽ thảo luận về “các vấn đề an ninh khu vực mà hai bên cùng quan tâm”. Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì khẳng định chuyến đi của ông Tần Cương ở Manila là “nhằm củng cố sự tin cậy lẫn nhau” giữa hai nước.

Hôm 22/4, phát biểu khi bắt đầu cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Enrique Manalo tuyên bố: “Những bất đồng (về Biển Đông) không ngăn cản chúng ta tìm cách giải quyết một cách hiệu quả, đặc biệt là với sự tôn trọng các quyền của người dân Phi Luật Tân, nhất là các ngư dân”.

Kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos lên nắm quyền vào tháng 6 năm 2022, Manila đã nhiều lần phản đối sự hiện diện của các tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển Phi Luật Tân, cũng như những hành động “hung hăng” của Trung Quốc tại Biển Đông.

Về phần Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, ông tuyên bố hai nước nên cùng nỗ lực “duy trì truyền thống hữu nghị, hợp tác chặt chẽ hơn và giải quyết các bất đồng một cách đúng đắn”.

Theo thông báo của chính phủ Manila, sau khi hội đàm với ông Enrique Manalo, hôm nay ông Tần Cương sẽ hội kiến Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm Phi Luật Tân và Hoa Kỳ mở các cuộc tập trận chung cho đến ngày 28/4, với sự tham gia của 18.000 binh lính của hai nước. Chuyến đi diễn ra vài tuần sau khi Manila cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự, trong đó có 2 căn cứ nằm hướng về phía Đài Loan.


Trung Quốc Lên Án Mỹ “Đàn Áp Kinh Tế” và “Chèn Ép Kỹ thuật”

-Hôm 21/4/2023, Bắc Kinh đã lên án Hoa Thịnh Ðốn “đàn áp kinh tế” và “chèn ép kỹ thuật” trong bối cảnh chính quyền Mỹ chuẩn bị ban hành một số quy định hạn chế đầu tư vào nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao tại Trung Quốc.

Trả lời báo giới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã chỉ trích: “Hoa Kỳ quen với việc chính trị hóa, công cụ hóa và biến các vấn đề kinh tế, thương mại và kỹ thuật thành vũ khí, dưới vỏ bọc an ninh quốc gia”. Theo thông tấn xã AFP, theo sau các biện pháp loại nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng kỹ thuật của Mỹ và mới đây là hạn chế xuất cảng thiết bị bán dẫn, Hoa Thịnh Ðốn dự kiến ban hành một số biện pháp siết chặt đầu tư vào Trung Quốc.

Trang mạng Asia Times hôm 22/4, dẫn lại thông tin từ Politico và Bloomberg, cho biết cụ thể là Tổng thống Joe Biden dự kiến ký một Sắc lệnh nhằm hạn chế các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, kỹ thuật sinh học và các dự án năng lượng sạch tại Trung Quốc. Tổng thống Biden sẽ công bố những biện pháp này trước hội nghị G7 vào trung tuần tháng 5, và sẽ yêu cầu các đồng minh hỗ trợ.

Đối với chính quyền Mỹ, các biện pháp hạn chế liên quan đến kỹ thuật cao mà Hoa Kỳ đưa ra “thuần túy là vấn đề an ninh quốc gia”. Hôm 20/4, trong một phát biểu tại Đại học Johns Hopkins ở Hoa Thịnh Ðốn, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen khẳng định: “Các hành động vì lý do an ninh quốc gia không phải là để cho phép chúng tôi đạt được các ưu thế trong cạnh tranh kinh tế, hay bóp nghẹt đà hiện đại hóa kinh tế và kỹ thuật của Trung Quốc”. Bộ trưởng Tài chánh Mỹ cũng thừa nhận là “các chính sách như vậy có thể có các hệ quả về kinh tế”.

Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen cũng giải thích thêm: “Việc Trung Quốc tăng trưởng về kinh tế, tôn trọng các quy định quốc tế là tốt cho nước Mỹ và thế giới”. Theo bà, Hoa Kỳ muốn xây dựng một quan hệ kinh tế lành mạnh với Trung Quốc, tạo điều kiện cho tăng trưởng và cách tân của cả hai nước.


Ký Giả Tường Thuật Cho Ban Tiếng Azerbaijan của Đài VOA Bị Thương ở Ukraine


(Hình: Nhân viên Ukraine dò mìn ở Mykolaiv.)

-Hai ký giả thuật cho Ban tiếng Azerbaijan của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), Idrak Jamalbeyli và Seymur Shikhaliyev, đã bị trúng mảnh đạn hôm thứ Bảy (22/4/2023) vì bẫy mìn do binh lính Nga để lại phát nổ trong khi họ đưa tin trong chiến hào mà Nga từng đào gần làng Myrne ở vùng Mykolaiv của Ukraine.

Các tình nguyện viên Ukraine đang chỉ cho ký giả Jamalbeyli và Shikhaliyev các chiến hào rộng lớn do quân đội Nga đào trong khu vực thì vụ nổ xảy ra do một bẫy mìn mà những người lính Nga đã rời đi để lại.

Jamalbeyli bị thương bởi một mảnh đạn ở một chân, và một cánh tay của Shikhaliyev cũng bị trúng mảnh đạn.

Cả hai đều đang hồi phục và họ không bị thương nặng.

Một trong những tình nguyện viên Ukraine cũng bị thương nhẹ trên mặt.

Hoa Kỳ: Tối Cao Pháp Viện Cho Phép Tạm Thời Tiếp Tục Sử Dụng Thuốc Phá Thai

-Hôm 21/4/2023, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã tạm thời vô hiệu hóa phán quyết của một Thẩm phán liên bang ở Texas về việc rút giấy phép lưu hành Mifepristone, thuốc phá thai được sử dụng nhiều nhất tại Hoa Kỳ.

Đây là can thiệp đáng chú ý nhất của Tối cao Pháp viện về vấn đề phá thai kể từ tháng 6/2022, khi Tòa hủy bỏ quyền phá thai được quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Thông tín viên RFI Guillaume Naudin từ Hoa Thịnh Ðốn tường trình:

“Không có gì thay đổi vào thứ Bảy này tại các tiểu bang vẫn cho phép thực hiện phá thai tự nguyện. Thuốc phá thai Mifepristone tiếp tục được phân phối với những điều kiện như trong những năm vừa qua, kể cả qua đường bưu điện. Loại thuốc này có thể được sử dụng đến tuần thứ 10 của thai kỳ. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ra quyết định này sau nhiều ngày bối rối và chờ đợi. Phán quyết của một Thẩm phán liên bang ở Texas, Matthew Kacsmary, có lập trườngchống phá thai, về việc cấm buôn bán thuốc phá thai, được đưa ra cách nay hai tuần, đã bị tạm ngưng thi hành. Với quyết định này, những người bảo vệ quyền phá thai có thể thở phào nhẹ nhõm.

Trong một thông cáo, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ tiếp tục chống lại những tấn công có động cơ chính trị nhắm vào sức khỏe của phụ nữ, bởi vì cuộc đấu tranh này vẫn chưa kết thúc. Quyết định nói trên trên vẫn chưa phải là phán quyết cuối cùng của Tòa án. Quyết định này có hiệu lực cho đến khi nào mà hồ sơ này chưađược xem xét cặn kẽ. Câu hỏi đặt ra là quyết định của Cơ quan dược phẩm liên bang cấp phép cho loại thuốc này bước bán trên thị trường được đưa ra cách nay 23 năm có hợp pháp hay không. Hai trong số chín Thẩm phán của Tối cao Pháp viện, nằm trong số những người bảo thủ nhất và phản đối phá thai, nói thẳng là chỉ có họ ra quyết định, họ sẽ tạm ngừng ngay việc phân phối thuốc phá thai. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã loại bỏ quyền phá thai khỏi Hiến pháp vào tháng 6 năm 2022. Tòa án cũng có thể lại phải đưa ra phán quyết khi kết thúc quá trình này”.

Còn tại 15 tiểu bang mà quyền phá thai đã bị tước bỏ gần đây, thuốc phá thai Mifepristone đã bị cấm. Cuộc chiến pháp lý xung quanh thuốc phá thai vẫn sẽ tiếp tục, cụ thể là tại phiên điều trần ở Tòa Phúc thẩm Liên Bang ở New Orleans, tiểu bang Louisiana, vào ngày 17/05.

Không có nhận xét nào: