Ủy ban quốc hội điều tra vụ tấn công Điện Capitol năm ngoái hôm 16/6 tập trung chú ý tới những nỗ lực của nguyên Tổng thống Donald Trump khi đó nhằm gây áp lực buộc cựu Phó Tổng thống Mike Pence lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020. Ủy ban Điều tra của Hạ viện đã gọi các cựu phụ tá của ông Pence ra khai chứng về nỗ lực của ông Trump và một số cộng sự của ông nhằm thuyết phục phó tổng thống ngăn quốc hội chính thức phê chuẩn chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2020.
<!>
Cựu Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực buộc Phó Tổng thống Mike Pence lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 mặc dù đã nhiều lần được cho biết ông Pence không có thẩm quyền làm như vậy, các phụ tá của ông Pence ngày 16/6 nói trước ủy ban quốc hội điều tra cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Hàng nghìn người ủng hộ ông Trump - nhiều người hô vang “Treo cổ Mike Pence” - đã tuần hành đến Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, khi ông Pence giám sát một phiên họp trong đó các nhà lập pháp gặp nhau theo thủ tục thông thường để chứng nhận kết quả bầu cử. Một số người dựng lên một giá treo cổ tạm thời mà họ nói là dành cho ông Pence.
Cuộc phê chuẩn tại quốc hội lúc đó trở thành tâm điểm chú ý đối với ông Trump, người coi đây là cơ hội cuối cùng để giữ lại chức tổng thống bất chấp thất bại tại các phòng phiếu. Những người ủng hộ ông đã đổ xô đến Washington để tập hợp với vị tổng thống Đảng Cộng hòa, người đã nhiều lần tuyên bố sai rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp thông qua gian lận bỏ phiếu phổ biến. Họ xông vào Điện Capitol, tấn công cảnh sát và khiến ông Pence và các nhà lập pháp chạy trốn.
Trách nhiệm của ông Trump đối với cuộc bạo động ngày 6/1 “đi kèm với trách nhiệm của ông ấy đối với nỗ lực đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 từ người dân Mỹ”, Thẩm phán Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ đã nghỉ hưu J. Michael Luttig sẽ nói với ủy ban, theo lời khai bằng văn bản mà CNN có được.
Ông Pence đã không phá vỡ việc chứng nhận tại quốc hội theo hướng dẫn của ông Trump.
Phiên điều trần ngày 16/6 cũng có lời khai của ông Greg Jacob, người từng là cố vấn cho ông Pence. Lời khai được ghi hình của cựu chánh văn phòng ông Pence, Marc Short, cũng được trình chiếu.
Đây là phiên điều trần thứ ba trong số ít nhất sáu phiên điều trần công khai được lên kế hoạch trong tháng này, trong đó ủy ban gồm chín thành viên, do đảng Dân chủ lãnh đạo, sẽ thảo luận về kết quả sơ bộ của cuộc điều tra kéo dài gần một năm về các sự kiện dẫn đến vụ tấn công ngày 6/1.
Các phụ tá của ủy ban cho biết phiên điều trần sẽ xem xét sự xuất hiện của một kế hoạch được các cộng sự của Trump, bao gồm luật sư John Eastman, ủng hộ rằng ông Pence có thể đơn phương bác bỏ các đại cử tri được chứng nhận từ một số bang nơi kết quả đã bị thách thức. Ông Pence từ chối chấp nhận lý thuyết đó.
Dân biểu Bennie Thompson, chủ tịch Dân chủ của ủy ban nói “Ông Mike Pence nói không. Ông chống lại áp lực. Ông biết điều đó là bất hợp pháp. Ông biết điều đó là sai”. “Sự dũng cảm đó đã khiến ông gặp nguy hiểm vô cùng.”
Dân biểu Bennie Thompson cũng nói với các phóng viên ngày 16/6 rằng ủy ban nên yêu cầu bà Virginia "Ginni" Thomas, vợ của Thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas, ra khai chứng.
Việc bà Thomas tham gia vào chính trị bảo thủ và có quan hệ với những người liên quan đến việc ông Trump thách thức kết quả bầu cử đã đặt ra câu hỏi về việc liệu chồng bà có nên rút lui khỏi các quyết định của Tòa án Tối cao liên quan đến những vấn đề như vậy hay không.
Ông Pence nói vào tháng Hai rằng ông Trump đã sai khi tin rằng người đứng phó của mình có khả năng đảo ngược kết quả cuộc bầu cử.
“Tôi không có quyền lật ngược cuộc bầu cử”, ủy ban đã phát một đoạn video ghi lại cảnh ông nói như vậy trong phiên điều trần công khai đầu tiên vào tối 16/6.
Cuộc tấn công vào Điện Capitol đã làm trì hoãn việc chứng nhận bầu cử trong nhiều giờ, khiến hơn 140 cảnh sát bị thương và dẫn đến một số người chết. Hơn 840 người đã bị bắt và buộc tội cho đến nay.
Cuộc tấn công đánh dấu lần duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà quyền lực không được chuyển giao một cách ôn hòa từ tổng thống này sang tổng thống khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét