Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Mối nguy của nền dân chủ Hoa Kỳ - Hiếu Chân



Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ Tháng Mười Một, 2020 đã trôi qua gần 20 tháng, chính quyền của Tổng Thống Joe Biden đã điều hành đất nước gần một nửa nhiệm kỳ nhưng tình trạng chia rẽ và đối kháng gay gắt mà cuộc bầu cử gây ra chẳng những không biến mất mà có dấu hiệu càng ngày càng trầm trọng.Nữ cảnh sát viên Caroline Edwards, người bị thương trong cuộc bạo loạn do cựu Tổng Thống Donald Trump xúi giục ngày 6 Tháng Giêng, 2021, phản ứng tại cuộc điều trần đầu tiên của Ủy Ban 6 Tháng Giêng, hôm 9 Tháng Sáu. (Hình minh họa: Drew Angerer/Getty Images)
<!>
Đang diễn ra hai sự kiện chính trị lớn liên quan mật thiết với tương lai của nền dân chủ Hoa Kỳ mà những người theo dõi thời cuộc không thể không quan tâm và lo lắng: Cuộc điều trần công khai của Ủy Ban 6 Tháng Giêng và Đại Hội Đảng Cộng Hòa Texas, tiểu bang lớn thứ hai của Hoa Kỳ.

Cuộc điều trần công khai của Hạ Viện, được truyền hình trực tiếp trên nhiều hệ thống truyền hình lớn của quốc gia cho hàng chục triệu người theo dõi, đã được ba phiên, một nửa chặng đường, và đưa ra những thông tin chi tiết về một âm mưu “đảo chính” xoay quanh một “lời nói dối lớn” rằng cuộc bầu cử tổng thống 2020 bị gian lận, chiến thắng của cựu Tổng Thống Donald Trump bị đánh cắp!

Tại các phiên điều trần, một số nhân chứng ra trình bày trực tiếp hoặc qua video, cùng những tài liệu giấy trắng mực đen, thể hiện một cách thuyết phục nguyên nhân và hậu quả của vụ tấn công Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021 làm năm người chết và hàng chục cảnh sát bị thương.

Cuộc bạo loạn nằm trong chuỗi kế hoạch thủ tiêu tính liêm chính của cuộc bầu cử, làm gián đoạn cuộc chuyển giao quyền hành quốc gia một cách êm thấm như quy định của Hiến Pháp.

Bạo loạn bắt nguồn từ những tuyên bố sai sự thật về gian lận phiếu bầu, tới những kế hoạch ép buộc Phó Tổng Thống Mike Pence vô hiệu hóa kết quả bầu cử và kích động đám đông ngăn cản tiến trình kiểm phiếu của Quốc Hội để ông Donald Trump tiếp tục bám giữ quyền lực.

Các phiên điều trần sắp tới dự kiến sẽ cung cấp thêm nhiều chi tiết chung quanh chuyện ông cựu tổng thống gây sức ép, buộc các quan chức lãnh đạo Bộ Tư Pháp, các thượng nghị sĩ và dân biểu Quốc Hội, cùng viên chức bầu cử của một số tiểu bang thực hiện điều mong muốn của ông là bác bỏ lựa chọn của đa số cử tri Mỹ để ông tiếp tục cầm quyền thêm bốn năm nữa.

Điều đáng chú ý từ các phiên điều trần là, Ủy Ban 6 Tháng Giêng là lưỡng đảng, có sự tham gia của hai dân biểu Cộng Hòa, bà Liz Cheney (Wyoming) và ông Adam Kinzinger (Illinoies). Tất cả các nhân chứng đều là người của đảng Cộng Hòa, có người giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền ông Trump và cuộc điều trần không phải là một phiên tòa.

Quốc Hội không xét xử ai – đó là việc của ngành tư pháp – mà chỉ tìm hiểu sự thật về một biến cố lớn để từ đó cải cách luật pháp nhằm ngăn chặn những âm mưu tương tự trong tương lai. Thông tin cho rằng đây là một nỗ lực chính trị của đảng Dân Chủ hoặc là một phiên tòa xét xử ông Trump đều không chính xác.

Theo dõi các cuộc điều trần, những người có đầu óc suy nghĩ bình thường hẳn đều nhận ra nước Mỹ, nền dân chủ Mỹ, vừa may mắn thoát khỏi một tình huống hết sức nguy hiểm, nhưng mối nguy vẫn còn hiện hữu.

Thế nhưng bên ngoài nghị trường, nếu có một hiện tượng đáng chú ý thì đó là sự thờ ơ, dửng dưng của những người Cộng Hòa trước những sự thật được phơi bày về cuộc bạo động ngày 6 Tháng Giêng 2021, trong đó có những sự thật lần đầu tiên được tiết lộ. Và không chỉ vậy, cho đến nay, một bộ phận của đảng Cộng Hòa vẫn khăng khăng tin vào “lời nói dối lớn,” có những phát ngôn và hành động đào sâu thêm sự chia rẽ của đất nước, phủ nhận tính chính danh của chính quyền và đe dọa sự tồn tại của chính chính thể cộng hòa liên bang.

Hôm Thứ Bảy 18 Tháng Sáu, Đại Hội Đảng Cộng Hòa Texas đưa ra một nghị quyết chính thức phủ nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống 2020, đổ lỗi cho cái gọi là “sự gian lận bầu cử” ở năm tiểu bang “chiến trường” mà ông Joe Biden giành chiến thắng trước ông Donald Trump.

Từ đó nghị quyết này gọi ông Biden là tổng thống “lâm thời” (acting), gọi sự lãnh đạo của chính quyền Biden là không hợp pháp (illegimate).

“Chúng tôi bác bỏ những kết quả đã được chứng thực của cuộc bầu cử tổng thống 2020, và chúng tôi cho rằng Tổng Thống Lâm Thời Joe Biden đã không được nhân dân Hoa Kỳ chọn lựa một cách hợp pháp,” nghị quyết được các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ trích dẫn.

Đảng Cộng Hòa Texas cho rằng cuộc bầu cử đã vi phạm Điều 1 và Điều 2 Hiến Pháp Hoa Kỳ bởi vì “nhiều bộ trưởng hành chánh của tiểu bang đã lảng tránh một cách bất hợp pháp các nghị viện tiểu bang trong việc thực hiện cuộc bầu cử theo nhiều cách thức khác nhau, kể cả cho phép đếm phiếu bầu nhận được sau ngày 3 Tháng Mười Một, 2020.”

Thực tế, nhiều cuộc điều tra về bầu cử đã không tìm ra được bằng chứng gian lận đủ để làm thay đổi kết quả ở bất kỳ tiểu bang nào. Giới chức cao cấp nhất của chính phủ trong lĩnh vực này như ông William Barr, bộ trưởng Bộ Tư Pháp, bạn thân của ông Trump, nhiều lần bác bỏ các tuyên bố có gian lận bầu cử rộng rãi.

Ông Barr thậm chí còn gọi lời tố cáo bầu cử gian lận là “bullshit” (láo lếu).

Cô Ivanka Trump, trưởng nữ và là cố vấn cao cấp của ông Trump, khai trước ủy ban rằng cô “tán thành nhận định của ông Barr.”

Ông Trump và các đồng minh của ông đã thực hiện hàng chục cuộc đấu tranh pháp lý ở tòa án các cấp để lật ngược kết quả bầu cử nhưng đều không thành công, thậm chí các kháng án lên Tối Cao Pháp Viện cũng đều bị bác bỏ. Những lời khai tại các phiên điều trần cho thấy bản thân ông Donald Trump hoàn toàn biết rõ ông thua trong cuộc bầu cử nhưng vì đam mê quyền lực và tiền bạc, ông nghe theo luật sư riêng, ông Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York – được cho là lúc ấy đang say rượu – “bịa” ra câu chuyện về gian lận bầu cử, rằng chiến thắng của ông bị đánh cắp, tạo nên một làn sóng thông tin xuyên tạc lan tràn khắp nước Mỹ.

Giống như cỏ dại trong vườn, những hạt giống mà nhóm ông Trump gieo về gian lận bầu cử đã phát triển ra ngoài tầm kiểm soát, nhờ sự hỗ trợ của các đồng minh của cựu tổng thống và một số gọi là “cơ quan truyền thông” và youtuber, facebooker…

Từ kích động cuộc bạo loạn tấn công Quốc Hội, làn sóng thông tin xuyên tạc về cuộc bầu cử đã thâm nhập sâu vào một bộ phận cử tri đảng Cộng Hòa nghe theo các thuyết âm mưu và được các phương tiện truyền thông mà họ lựa chọn thổi bùng lên, coi thường sự thật và pháp quyền.

Tại các kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa để chọn người ứng cử vào các tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ứng cử viên kiếm phiếu bằng cách công khai ủng hộ “lời nói dối lớn” của ông Trump. Từ cuộc chạy đua vào ghế bộ trưởng hành chánh Nevada đến cuộc tranh cử thống đốc Michigan, các ứng cử viên Cộng Hòa đều tố cáo bầu cử gian lận dù không đưa ra được một bằng chứng nào.

Trong khi các cuộc điều trần của Hạ Viện diễn ra, các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội chọn cách im lặng, hoặc thờ ơ, hoặc phản đối chiếu lệ, lên án các cuộc điều trần là một nỗ lực của chính quyền thuộc đảng Dân Chủ nhằm làm giảm sự chú ý của người Mỹ vào những vấn đề nóng của cuộc sống như lạm phát cao, giá cả leo thang, làn sóng người di cư ở biên giới phía Nam v.v… Nhiều vị dân cử Cộng Hòa nói với báo chí rằng họ không/chưa hề xem các phiên điều trần và không quan tâm tới những dữ kiện được đưa ra.

Đặc biệt, không có sự phản đối chính thức nào từ các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa sau khi phiên điều trần chứng minh rằng ông Trump đã gây sức ép, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng của Phó Tổng thống Mike Pence, để buộc ông Pence đảo ngược kết quả bầu cử, ngay cả khi ông Trump được khuyến cáo rằng làm như vậy là bất hợp pháp.

Cũng không có sự phản đối nào từ lãnh đạo đảng Cộng Hòa đối với lời khai của ông Michael Luttig, cựu chánh án tòa phúc thẩm liên bang và là một luật gia bảo thủ được kính trọng, rằng ông Trump giao cho ông Pence một mệnh lệnh mà việc thi hành nó sẽ dẫn đến “cuộc khủng hoảng Hiến Pháp đầu tiên kể từ khi lập quốc.”

Không ai phản bác phát hiện của ủy ban rằng ông Trump và chiến dịch tranh cử của ông huy động được $250 triệu từ những người ủng hộ ông dựa trên lời nói dối về gian lận bầu cử, nhưng sử dụng tiền thu được cho một quỹ tranh cử không tồn tại.

Chỉ có ông Trump là có vẻ khó chịu với lời khai của con gái Ivanka của ông. Ông lặp lại lời khẳng định vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021 chỉ là “một cuộc biểu tình đơn giản vượt quá tầm kiểm soát” và tiếp tục đưa ra những tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử.

Người dân mong chờ một cuộc tranh luận công khai, rõ ràng và sòng phẳng, phản bác những lập luận và bằng chứng đưa ra trong các phiên điều trần của ủy ban để công chúng có đủ thông tin mà phân biệt đúng-sai, phải-trái, nhưng cho đến nay chưa thấy có một cuộc tranh luận như vậy dù trước khi các phiên điều trần bắt đầu, các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa hứa sẽ có “phản ứng nhanh” mạnh mẽ để chống lại những thông tin sẽ được tiết lộ.

Thế rồi đến cái nghị quyết thượng dẫn của đảng Cộng Hòa Texas.

Giả dụ có một sự vi phạm Hiến Pháp tại một số tiểu bang như nghị quyết khẳng định thì người Cộng Hòa nên làm rõ, tại sao suốt 20 tháng qua, các tòa án bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ không có phản ứng thích đáng nào trong khi ai cũng biết, bảo vệ Hiến Pháp là nghĩa vụ tối thượng của mọi người Mỹ.

Tuyên bố “bác bỏ những kết quả đã được chứng thực của cuộc bầu cử tổng thống 2020,” gọi ông Joe Biden là tổng thống “lâm thời,” cho rằng ông “Joe Biden không được nhân dân Hoa Kỳ chọn lựa một cách hợp pháp,” như nghị quyết của những người Cộng Hòa Texas, chẳng những làm xói mòn niềm tin của người dân Mỹ đối với tính liêm chính của các cuộc bầu cử, vào tính chính danh của chính quyền, mà còn làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, chia rẽ giữa Dân Chủ và Cộng Hòa, giữa những cử tri bỏ phiếu cho ông Trump và người bỏ phiếu cho ông Biden.

Bác bỏ tính hợp pháp của chính phủ đang cầm quyền ở thủ đô Washington DC là một hành động hết sức nguy hiểm, có thể kích động bạo loạn, đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến.

Trong tình hình thế giới hết sức căng thẳng và phức tạp hiện nay, thế giới cần một nước Mỹ đoàn kết và hùng mạnh để đương đầu với sự trỗi dậy của những cường quốc chuyên chế như Nga và Trung Quốc. Kẻ thù bên kia đại dương không mong gì hơn là một nước Mỹ rối loạn, nền dân chủ Mỹ sụp đổ và họ đã thực hiện nhiều chiến dịch xuyên tạc thông tin, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động bầu cử để thực hiện mục tiêu đó.

Nghị quyết của đảng Cộng Hòa Texas còn phản bác nhiều chính sách khác, đưa ra những quan điểm cực hữu về nhiều vấn đề như đòi bãi bỏ hoàn toàn luật về quyền phá thai, cấm giáo dục về giới tính trong trường học công lập các cấp, coi người đồng tính là một sự lựa chọn bất bình thường và hủy bỏ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện năm 2015 về hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính,… Thượng Nghị Sĩ John Cornyn, người thuộc đảng Cộng Hòa và là một trong hai người đại diện Texas ở Thượng Viện Mỹ, thậm chí còn bị các đồng đảng của ông la ó phản đối khi ông phát biểu trước đại hội ở Houston, chỉ vì ông là một trong 10 thượng nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ cải tổ luật súng sau các vụ thảm sát ở Uvalde, Texas, và Buffalo, New York, làm hơn 30 người chết, trong đó có 19 trẻ em.

Tình trạng phân cực còn bị đẩy đến cực điểm khi cương lĩnh của đảng Cộng Hòa Texas khẳng định: “Tiểu bang Texas giữ quyền ly khai khỏi Hoa Kỳ” và kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý “vào năm 2023 để người dân Texas quyết định Texas nên hay không nên tái khẳng định quy chế là một quốc gia độc lập.” Một nghị quyết nữa kêu gọi Hoa Kỳ rút ra khỏi tổ chức Liên Hiệp Quốc, theo tường thuật của CBS News.

Đúng nửa thế kỷ trước nước Mỹ chấn động với vụ tai tiếng Watergate năm 1972, mà sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm vi phạm pháp luật và cố tình che giấu hành vi sai trái của mình.

Một ủy ban lưỡng đảng của Thượng Viện điều tra vụ tai tiếng, những cuộc điều trần công khai kéo dài suốt “mùa Hè Watergate” năm 1973… làm cho Tổng Thống Richard Nixon (Cộng Hòa) phải từ chức ngày 8 Tháng Tám, 1974.

Bây giờ cũng có một ủy ban điều tra của Hạ Viện và những cuộc điều trần công khai về hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong thời gian cầm quyền của cựu Tổng Thống Donald Trump. Nhưng quãng thời gian 50 năm giữa hai sự kiện lịch sử đã mang lại một sự khác biệt.

Trong vụ Watergate, các nhà lãnh đạo chủ chốt của đảng Cộng Hòa đã phản ứng mạnh trước những hành vi đáng xấu hổ của tổng thống của họ và hợp tác với đảng Dân Chủ để buộc ông Nixon phải từ bỏ quyền lực.

Một đảng Cộng Hòa mạnh và liêm chính giúp ông Ronald Reagan giành lại chiếc ghế tổng thống đầy quyền lực cho đảng Cộng Hòa chỉ sau một nhiệm kỳ. Ngày nay, các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa hoặc im lặng hoặc khinh thường ủy ban đã phát hiện ra một loạt các hành vi sai trái của ông Trump.

Nhìn chung, giới chính trị gia bây giờ suy thoái rất nhiều về đạo đức và lương tâm, bị tiền bạc và quyền lực làm cho mờ mắt, đặt quyền lợi cá nhân và đảng phái lên trên lợi ích của quốc gia, của nền dân chủ và sẵn sàng thỏa hiệp với cái xấu, cái gian dối, thay vì thỏa hiệp với những người khác chính kiến để giải quyết những vấn đề của đất nước.

Mối nguy của nền dân chủ Hoa Kỳ là ở đó! [đ.d.]

Không có nhận xét nào: