Putin tuyên bố tấn công Ukraine là để đánh đổ một chính quyền Nazi và diệt chủng. Cáo buộc trâng tráo này –không khác chó sói buộc tội cừu non muốn ăn thịt mình- đã khiến cả thế giới kinh ngạc và phẫn nộ, nhất là vì tổng thống Volodymyr Zelensky thuộc một gia đình Do Thái bị Nazi Đức bách hại, nhưng cũng có giải thích lịch sử của nó. Trong Thế Chiến II phe kháng chiến đòi ly khai của Ukraine bị bộ máy tuyên truyền Nga lúc đó gọi là Nazi vì có lúc được Quốc Xã Đức yểm trợ, dù chỉ trong một thời gian ngắn lúc ban đầu. Putin chỉ nhắc lại một luận điệu chụp mũ xuyên tạc vốn đã có từ lâu.
Còn diệt chủng ? Nó rất vô lý nhưng cũng có nguồn gốc lịch sử. Đây chủ yếu là một vấn đề ngôn ngữ. Như đã nói ở trên, từ diệt chủng đã được người Ukraine dùng để lên án chính sách xóa bỏ tiếng Ukraine của Đế Quốc Nga thời Catherine II. Trong giai đoạn bị ép buộc gia nhập Liên Xô, tiếng Nga cũng được áp đặt làm ngôn ngữ chính thức duy nhất tại Ukraine. Sau cuộc cách mạng Da Cam 2004 và cuộc cách mạng Maidan năm 2014, từ diệt chủng lại được chính quyền Putin sử dụng để công kích việc chính quyền Ukraine quy định tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thức duy nhất, nghĩa là coi tiếng Nga chỉ như một ngoại ngữ. Putin cũng chỉ nhắc lại một luận điệu sẵn có. Đây cũng là một cáo buộc bất lương để biện hộ cho cuộc lấn chiếm Crimea và Donbass, vì chính quyền Ukraine không hề cấm sử dụng tiếng Nga và cũng không hề có một biện pháp phân biệt đối xử nào với người gốc Nga. (Số người Ukraine gốc Nga hiện nay khoảng 8 triệu, số người biết tiếng Nga khoảng 30%, phần lớn tập trung tại miền Đông).
Cả thế giới đã kinh ngạc khi Putin xua quân xâm lăng một nước độc lập thành viên Liên Hiệp Quốc không hề khiêu khích Nga, hơn thế nữa còn đang là nạn nhân của Nga. Chúng ta sẽ không bao giờ nhắc lại đủ rằng chiến tranh là một sự man rợ cực kỳ cần phải lên án một cách dứt khoát và tuyệt đối. Đó là sự kiện những con người không biết nhau bị bắt buộc phải giết nhau. Nó chỉ có thể thông cảm được khi không còn phương tiện nào khác để chống lại một cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài như hoàn cảnh của người Ukraine hiện nay. Thế giới đã bàng hoàng vì mọi người đều đinh ninh rằng thời đại trong đó các nước mạnh xâm lấn các nước yếu đã qua hẳn rồi. Từ sau Thế Chiến II đây là lần đầu tiên một nước đánh chiếm một nước khác chỉ để buộc phải phục tùng mình. Những người ngoan cố bênh vực Putin viện dẫn trường hợp Mỹ và các đồng minh tấn công và lật đổ các chính quyền tại Afghanistan, Iraq và Libya. Sự khác biệt lớn là các chính quyền này đều là những chính quyền khủng bố hung bạo. Afghanistan đã là sào huyệt cho bọn khủng bố Al Qaeda, thủ phạm vụ tấn công World Trade Center ngày 11/09/2001, chế độ Saddam Hussein tại Iraq đã dùng hơi độc giết hàng chục ngàn người Kurd, Gaddafi đã đặt bom cho nổ máy bay dân sự. Và cả ba cuộc tấn công vào Afghanistan, Iraq và Libya đều không có mục đích lấn chiếm hay thống trị, trái lại còn có mục tiêu giúp xây dựng một chính quyền tôn trọng nhân quyền.
Ngoài hai cáo buộc bịa đặt Nazi và diệt chủng đối với Ukraine, Putin còn tố cáo Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO bành trướng về phía Đông và có ý định kết nạp Ukraine như là chặng đường sắp tới của mưu tính này. Mới đây, trong bài diễn văn ngày 16/3, Putin còn đi xa hơn, cho rằng như thế Phương Tây chủ trương tiêu diệt nước Nga. Quá hung hăng và tùy tiện. Putin lấy quyền gì để cấm Liên Hiệp Châu Âu không được kết nạp một thành viên mà mình muốn ? Tại sao Ukraine không được quyền gia nhập một khối hợp tác mà họ thấy là có lợi ? Càng vô lý vì cả NATO lẫn Liên Hiệp Châu Âu đều chưa có ý định kết nạp Ukraine và Ukraine cũng chưa chính thức xin gia nhập.
Lý luận của Putin chỉ là lý của kẻ mạnh nhưng nó cũng buộc ta nhìn lại quá khứ để hiểu sự vô lý. Cho tới nay thế giới đã quen với danh xưng "Phương Tây" (The West, l'Occident) như là tên gọi chung của các nước dân chủ tiên tiến đứng đầu là Mỹ. Nhưng Mỹ ở Phương Tây nào ? Lãnh thổ Mỹ trải rộng từ Đông sang Tây của Châu Mỹ. Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Úc thì không chỉ ở Phương Đông mà còn ở Viễn Đông. Như vậy cần nhắc lại là danh xưng "Phương Tây" ra đời từ Châu Âu để phân biệt các nước Tây Âu tiến bộ và phồn vinh, khí hậu thuận lợi, với các nước Đông Âu chậm tiến và băng giá. Sự khác biệt trước hết là ở mức độ phát triển, văn hóa và tư tưởng. Tới thế kỷ thứ 11 có thêm sự khác biệt tôn giáo giữa Tây Âu theo Công Giáo La Mã và Đông Âu theo Cơ Đốc Chính Thống. Bắt đầu từ thế kỷ 20 là xung đột ý thức hệ giữa hai khối dân chủ và cộng sản ; chính sự xung đột này đã khiến từ "Phương Tây" có ý nghĩa hiện nay. Từ sau Thế Chiến II, giữa Tây Âu và Đông Âu còn có thêm hai liên minh quân sự kình địch là NATO và Warsaw, nhưng thực ra bản chất của hai liên minh này khác nhau. NATO có mục đích bảo vệ các thành viên trong khi Liên Minh Warsaw nhắm trước hết đàn áp các nước thành viên bị cám dỗ bởi tư tưởng dân chủ như người ta đã từng thấy tại Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungary.
Nhưng tại sao vào năm 1917 Nga và các nước lân cận lại chọn Lenin và chủ nghĩa cộng sản thay vì Kerensky và dân chủb? Đó chính là vì Nga và các nước thuộc Liên Bang Xô Viết tụt hậu so với các nước Tây Âu. Cách Mạng Tháng 10 Nga đã thành công 42 năm sau khi chủ nghĩa Marx đã bị bác bỏ trong Đại Hội Gotha ngay tại Đức, cái nôi của nó. Các chế độ cộng sản là hậu quả của sự trì trệ tư tưởng chính trị.
Các nước Đông Âu chậm tiến do sự tôn thờ bạo lực và tham vọng thống trị của những người cầm quyền. Tất cả các sa hoàng đều chỉ cai trị bằng bạo lực và từ chối tư tưởng Tây Âu để duy trì quyền lực tuyệt đối của họ. Họ chỉ học hỏi kỹ thuật của Phương Tây trong khi phủ nhận hoàn toàn tư tưởng Phương Tây, nghĩa là những giá trị dân chủ và nhân quyền. Peter I (hay Peter Đại Đế, Peter the Great) ham muốn kỹ thuật Phương Tây đến độ giả dạng làm công nhân sang học nghề tại Hà Lan –nước dân chủ nhất Tây Âu vào thế kỷ 18- nhưng khi về nước vẫn giữ nguyên và còn tăng cường chế độ quân chủ tuyệt đối. Ông bắt dân Nga xây cấp tốc thành phố Saint Petersburg làm chết hơn 300.000 người trong đói lạnh, không khác Tần Thủy Hoàng bắt dân Trung Hoa xây Vạn Lý Trường Thành. Peter I còn nhẫn tâm tra tấn tới chết đứa con thừa kế của mình vì khác ý kiến. Catherine II tuy gốc Đức và được giáo dục theo văn hóa Phương Tây nhưng sau khi đảo chính lật đổ chồng để cướp ngôi cũng đã cai trị nước Nga với bàn tay sắt. Các sa hoàng được đánh giá và tôn vinh theo những chiến công bành trướng và những công trình xây dựng nguy nga đồ sộ chứ không phải vì phẩm chất đạo đức và những thành tích tạo phúc lợi cho dân. Lenin và Stalin sau này cũng thế. Ngăn chặn tư tưởng tiến bộ luôn luôn là quan tâm số 1 của những người cai trị Đế Quốc Nga rồi Liên Xô. Putin cũng không khác.
Putin cầm quyền đã 22 năm và còn sửa đổi hiến pháp để cầm quyền suốt đời. Ông ta có tất cả những đặc tính của một bạo chúa. Ông đã từng san bằng thành phố Grozny và giết hơn 200.000 người trên tổng số 1.200.000 dân Chechnya để dập tắt cuộc nổi dậy đòi ly khai tại đây, đã từng ngang ngược đánh chiếm một phần lãnh thổ của Georgia năm 2008, rồi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, mới đây nhìn nhận sự ly khai của hai tỉnh Luhansk và Donetsk để chuẩn bị sáp nhập. Và bây giờ lại xấc xược tấn công Ukraine để mưu toan thiết lập một chế độ bù nhìn phục tùng Moscow. Xuất thân là một điệp viên KGB, Putin nói dối như một bản năng (như khi giả dạng làm một thông dịch viên chứng kiến bức tường Berlin bị đập phá) và còn nổi bật với những kỹ thuật ám sát bằng súng, bằng thuốc độc và phóng xạ nguyên tử. Putin muốn để tên trong lịch sử như một đại đế Nga và đã hành xử như họ, nghĩa là kịch liệt chống tư tưởng Phương Tây và sẵn sàng ra tay một cách tàn ác.
Không ngạc nhiên khi Putin tự nhiên vô cớ xua 200.000 quân với máy bay, xe tăng, tên lửa tấn công Ukraine bất chấp thế giới và tính mạng của những người dân Ukraine. Sự hung bạo nằm trong truyền thống chính trị Nga và ngay trong bản năng của ông ta. Vào lúc này đã có hàng chục thành phố bị tàn phá, hàng chục ngàn người chết và hơn 5 triệu người Ukraine phải tản cư trong đó hơn 3 triệu người ra nước ngoài, chiến tranh đã rất dữ dội nhưng Putin vẫn trâng tráo nói với người Nga rằng đây chỉ là một cuộc hành quân và ban hành luật phạt tới 15 năm tù về tội loan tin giả những ai dám nói rằng đang có chiến tranh. Đối với các bạo chúa, tin giả là những gì họ không muốn nghe, sự thực là những gì họ muốn. Ông ta coi việc nhân dân các nước kế cận ngày càng hướng về dân chủ là bằng chứng của âm mưu tiêu diệt nước Nga của Phương Tây, bởi vì chống tư tưởng dân chủ của Phương Tây là bản năng của mọi chúa tể Nga. Ông ta tàn sát người Chechens, xâm lược Georgia, tấn công Ukraine bởi vì bành trướng bằng chiến tranh là di sản lịch sử mà ông ta kế thừa. Putin coi sự sụp đổ của Liên Xô là thảm kịch lớn nhất thế kỷ 20 chứ không phải là một may mắn cho nhân loại.
Điều mà Putin không đủ sáng suốt để nhìn ra là thế giới đã thay đổi, con người đã trở thành đối tưọng phục vụ chứ không còn là dụng cụ để sử dụng và vất bỏ tùy tiện, dân chủ đã trở thành một trào lưu tất yếu và không thể đảo ngược. Ước muốn quay lại quá khứ để làm một đại đế Nga chỉ khiến Putin trở thành một tên tội đồ và một con quái vật, một tù nhân của quá khứ và sự thiển cận dưới mắt nhân loại văn minh.
Nguyễn Gia Kiểng (22/03/2022)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét