Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 27/06 /2022


G7 khẳng định quyết tâm « không gì lay chuyển » hỗ trợ Ukraina
Các lãnh đạo nhóm G7 cùng với và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nghe tổng thống Ukraina phát biểu qua video ngày 27/06/2022 tại Lâu đài Elmau Castle, Đức. REUTERS - POOL Thanh Hà - Trong ngày họp thứ nhì, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới bên cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraina « khi nào còn cần thiết». Trong khi đó, tổng thống Zelensky đòi tăng viện trợ vũ khí cho Ukraina và yêu cầu phương Tây duy trì áp lực với Nga để có thể « kết thúc chiến tranh vào mùa đông năm nay ».
<!>
Sau khi đã quyết định cấm vận nhập khẩu vàng của Nga, lãnh đạo G7 (Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada và Hoa Kỳ) hôm nay 27/06/2022 khẳng định lại quyết tâm « không gì lay chuyển » của khối này sát cánh với Ukraina. G7 tiếp tục hỗ trợ chính quyền Kiev về mọi mặt, từ « tài chính, nhân đạo, quân sự, cho đến ngoại giao ». G7 còn thể hiện sự « đoàn kết hơn bao giờ hết » trong mục tiêu trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraina từ hôm 24/02/2022.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cương vị chủ nhà, tuyên bố G7 sát cánh với Ukraina « khi nào Kiev còn cần », cho dù G7 phải trả giá cho việc ủng hộ Kiev. Thủ tướng Ý Mario Draghi quan niệm nếu Ukraina thua thì khó có thể chứng minh « về tính hiệu quả của mô hình dân chủ ». Ngoài ra, nhóm G7 đã cam kết làm tất cả để giảm thiểu nguy cơ thế giới thiếu lương thực, để giải tỏa các cửa ngõ đưa nông phẩm của Ukraina ra ngoài. G7 đồng thời nói đến « trách nhiệm vô cùng to lớn của Nga » gây ra khủng hoảng lương thực trên thế giới.

Theo hãng tin AFP, trước đó, phát biểu qua video, tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi nhóm G7 « gây sức ép tối đa » với Nga, kể cả ban hành thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, « mạnh tay hơn » thu hẹp khả năng tài chính của Nga. Chính quyền Kiev hy vọng tất cả những áp lực đó sẽ tạo điều kiện để « chiến tranh kết thúc trước khi mùa đông đến », bởi lính Ukraina khó chiến đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.

Tổng thống Zelensky một lần nữa yêu cầu tăng viện trợ quân sự, đặc biệt là cấp thêm cho Kiev tên lửa địa đối không tầm trung và tầm xa. Ông nói thêm rằng « chưa phải lúc để nói đến việc đàm phán với Nga ».

Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một nguồn tin thông thạo tại Washington hôm qua cho biết có thể « nội tuần này », chính quyền Biden sẽ « đặt mua thêm vũ khí » để cấp cho Ukraina. Tuyên bố trên được đưa ra vào lúc quân Nga tập trung hỏa lực vào thành phố Lyssytchank sau khi đã chiếm được Severodonetsk. Về cáo buộc Nga hôm qua đã oanh kích vào một khu dân cư tại thủ đô Kiev, Matxcơva hôm nay cải chính, cho rằng mục tiêu nhắm tới là « một nhà máy chế tạo tên lửa của Ukraina » ở thủ đô.

Nga mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài
Về kinh tế, trên nguyên tắc hôm 26/06/2022 là hạn chót để Nga thanh toán nợ đáo hạn lên tới 100 triệu đô la. Nhưng các chủ nợ của Matxcơva cho biết không nhận được gì cả. Hãng tin Bloomberg hôm nay nói đến việc Nga bị vỡ nợ lần đầu tiên từ 1998. Tuy nhiên, trả lời báo chí sáng nay, phát ngôn viên điện Kremlin DmitriPeskov cho rằng « không có lý do gì để nghĩ rằng Nga bị vỡ nợ » và dự trữ ngoại tệ của Nga đang ở mức « cao hơn bao giờ hết ».

G7: Đầu tư 600 tỷ đô la cho hạ tầng cơ sở, chủ yếu ở châu Phi


Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu bên cạnh chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, thủ tướng Canada Justin Trudeau và thủ tướng Đức Olaf Scholz trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Schloss Elmau vùng Bayern, gần Garmisch- Partenkirchen (Đức), ngày 26/06/2022. REUTERS - JONATHAN ERNST
Anh Vũ
Thượng đỉnh nhóm G7 tại Đức ngày 26/06/2022 được mở màn bằng một chương trình đầu tư rộng lớn cho các nước đang phát triển, với ưu tiên là Châu Phi. Theo sáng kiến của Hoa Kỳ, chương trình hạ tầng cơ sở huy động 600 tỷ đô la này được cho là nhằm đối phó với đầu tư của Trung Quốc đang triển khai trên khắp thế giới những năm qua, trong khuôn khổ dự án « con đường tơ lụa mới ».

Ít giờ trước khi tổng thống Mỹ đề xuất dự án tại cuộc họp thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển nhất, Nhà Trắng đã thông báo huy động 600 tỷ đô la cho chương trình đầu tư hạ tầng cơ sở quy mô trên toàn cầu. Riêng Hoa Kỳ sẽ góp 200 tỷ đô la trong 5 năm cho chương trình này.

Đặc phái viên RFI tại thượng đỉnh G7, Daniel Vallot cho biết thêm chi tiết:

Đích thân tổng thống Joe Biden là người thông báo đề xuất, vì Nhà Trắng đã rất cố gắng để dự án này được thông qua tại thượng đỉnh G7 lần này.

« Dự án hạ tầng cơ sở quy mô toàn cầu » sẽ có nguồn vốn 600 tỷ đô la từ nay đến năm 2027, bao gồm các đầu tư công và tư cho các nước đang phát triển, theo mô hình nhà máy sản xuất vac-xin ở Senegal mà ông Joe Biden nêu lên : « Nhà máy này có tiềm năng hàng năm sản xuất hàng trăm triệu liều vac-xin ngừa Covid và các bệnh khác ».

Ông Biden lấy ví dụ về lĩnh vực y tế, đồng thời cả năng lượng, giáo dục và kết nối Internet. Những đầu tư đó phải khác với những gì mà Trung Quốc đã tiến hành, bởi theo tổng thống Mỹ, dự án này là nhằm cạnh tranh với « Con đường tơ lụa mới » và những dự án đầu tư mà Bắc Kinh đã đổ tiền vào từ nhiều năm qua .

Tổng thống Mỹ nói : « Chúng ta hãy để các cộng đồng trên toàn thế giới nhận thấy những lợi ích trong quan hệ đối tác với các nền dân chủ ! Bởi khi các nước dân chủ chứng minh được tất cả những gì có thể đem đến, tôi tin chắc họ sẽ thắng trong cạnh tranh. »

Những giá trị dân chủ đó là minh bạch, tôn trọng các chuẩn mực xã hội và môi trường. Đó là những điều mà các nước tố cáo Bắc Kinh làm ngơ.

Đối phó với Trung Quốc và đương đầu với Nga
Đó là hai mục tiêu chính của thượng đỉnh G7 lần này. Với Nga, chủ yếu vẫn là các trừng phạt. Bốn nước gồm Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và Canada đã đề nghị cấm nhập khẩu vàng của Nga. Ba nước còn lại trong nhóm, là các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, cũng sẽ có quyết định theo hướng này trong khuôn khổ của EU.

Một chủ đề khác liên quan đến chiến tranh Ukraina là cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực cũng được bàn thảo. Đây là những chủ đề đang khiến không chỉ G7 mà nhiều nước khác cũng rất lo ngại. Lãnh đạo các nước Nam Phi, Senegal, Ấn Độ, Indonesia và Achentina cũng được mời tham dự phiên họp hôm nay của G7. Mục đích để các nước tham gia cùng tìm giải pháp cho khủng hoảng năng lượng và lương thực do cuộc chiến tranh Ukraina, nhưng đồng thời cũng là dịp để G7 tìm cách mở rộng mặt trận đoàn kết các nền dân chủ nhằm đối phó với mối đe dọa từ liên minh Nga –Trung đang hình thành.

Pháp: Thủ tướng Elisabeth Borne tìm đối tác để lập chính phủ liên minh


Chính phủ của thủ tướng Elisabeth Borne họp với tổng thống Emmanuel Macron ngày 23/05/2022 tại Paris, Pháp. AP - Michel Spingler
Thanh Hà
Ngày 27/06/2022, thủ tướng Elisabeth Borne bắt đầu một cuộc chạy đua nước rút nhằm thuyết phục các đối tác chính trị thành lập chính phủ liên minh. Trên nguyên tắc, đến Thứ Năm 30/06/2022, khi kết thúc thượng đỉnh NATO, tổng thống Emmanuel Macron trở về Paris, bà sẽ phải đệ trình lên tổng thống một chương trình hành động của chính phủ và nhất là đề xuất thành phần tân nội các.

Bà Elisabeth Borne có ba ngày để thuyết phục các chính đảng tả, hữu tham chính phủ liên minh. Trước mắt, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố không muốn lãnh đạo đất nước cùng với hai đảng cực tả và cực hữu là Nước Pháp Bất Khuất (LFI- La France Insoumise) của ông Jean-Luc Mélenchon và Tập Hợp Dân Tộc (RN-Rassemblement National) của bà Marine Le Pen.

Bên cánh hữu, đảng Những Người Cộng Hòa (LR- Les Républicains), trước mắt, tuyên bố chưa sẵn sằng là « điểm tựa » cho đảng Phục Sinh (Renaissance) của Emmanuel Macron. Đảng Xanh chưa nhất trí trong nội bộ. Ứng cử viên tổng thống của đảng này, Yannick Jadot để ngỏ khả năng « cộng tác », trong khi một số người khác như Sophie Taillé–Polian, phó chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Xanh tại Hạ Viện, thì dứt khoát trả lời « không » với đề nghị lập chính phủ liên minh.

Ngay cả một số đồng minh của ông Macron trong liên minh Đồng Lòng ! ( Ensemble ! ) cũng đang « mặc cả » với đảng Phục Sinh. Giới quan sát nói đến « khả năng khá hạn hẹp » của nữ thủ tướng Borne trong việc thuyết phục các đối tác chính trị.

Tuy nhiên, cũng có không ít người trong đảng Xã Hội vốn chống đối liên minh NUPES với ông Mélenchon trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua, cũng như bên đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa thì cho rằng đây không phải là lúc để những chia rẽ về chính trị làm « tê liệt » nước Pháp.

Bản thân lãnh đạo đảng Cộng Sản Fabien Roussel thì mập mờ tuyên bố « ủng hộ chính phủ trong mọi quyết định nhằm tăng mãi lực cho người dân ». Chính trên điểm này, thủ tướng Elisabeth Borne đang chuẩn bị một loạt biện pháp nhằm tăng 4% nhiều khoản trợ cấp xã hội cho dân Pháp.

Lo ngại Trung Quốc vẫn muốn khai thác dầu khí chung với Philippines ở Biển Đông


Tổng thống tân cử Philippine Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. trong cuộc họp báo tại Mandaluyong, Philippines, ngày 20/06/2022. AP - Aaron Favila
Thanh Hà
Với một chính quyền mới ở Manila, Trung Quốc và Philippines có sẽ nối lại đàm phán về dự án cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông hay không ? Bắc Kinh muốn khởi động lại đối thoại với Manila về dự án, trong lúc hiệp hội ngư nghiệp quốc gia Philippines kêu gọi tổng thống tân cử Bongbong Marcos « vĩnh viễn đình chỉ » kế hoạch hợp tác với Trung Quốc.

Ba ngày trước khi ông Bongbong Marcos tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ngày 27/06/2022, hiệp hội ngư nghiệp quốc gia Philipines, Pamalakaya, ra thông cáo kêu gọi « vĩnh viễn ngừng đàm phán với Trung Quốc » về các dự án khai thác dầu khí tại Biển Đông, mà Manila gọi là « Biển Tây Philippines ». Thông cáo nói rõ : Philippines cần « tập trung bảo vệ chủ quyền lãnh hải » ở vùng biển này. Tổng thống Marcos « cần công khai đưa ra tuyên bố hoàn toàn gạt bỏ dự án này và Manila sẽ không trở lại với hồ sơ này nữa » theo lời của chủ tịch hiệp hội ngư nghiệp Philippines, Fernando Hicap, được báo Inquirer trích dẫn.

Lãnh đạo hiệp hội Pamalakaya giải thích : đồng khai thác với Trung Quốc sẽ là cơ hội lớn hơn để Bắc Kinh « vơ vét tài nguyên thiên nhiên trên biển » của Philippines, « vi phạm trắng trợn » luật lệ và chủ quyền của Manila trong vùng biển này, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye về chủ quyền của Philippines.

Hơn nữa theo Fernando Hicap, Philippines không cần dựa vào nước ngoài để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuần trước, ngoại trưởng Teodoro Locsin trước khi rời khỏi chức vụ đã tuyên bố « chấm dứt đàm phán với Trung Quốc về dự án cùng khai thác dầu khí » ở Biển Đông.

Một ngày sau đó, 24/06/2022, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố « Trung Quốc sẵn sàng cùng với chính quyền mới ở Manila thúc đẩy đảm phán để dự án được tiến triển. Bắc Kinh nỗ lực đưa ra những quyết định quan trọng cho thấy cùng khai thác tài nguyên có lợi cho cả hai quốc gia và hai dân tộc ». Ông Uông Văn Bân nhắc lại, dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận khung về hợp tác khai dầu khí và văn bản đó đã được chủ tịch Tập Cận Bình ký hồi 2018 nhân một chuyến công du Philippines.

Trung Quốc gia tăng áp lực với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương
Đài truyền hình Úc ABC hôm 27/06/2022 đưa tin, Bắc Kinh mời ngoại trưởng 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương họp trực tuyến với ngoại trưởng Vương Nghị vào ngày 14/07/2022, đúng vào lúc khu vực này tổ chức Diễn Đàn Pacific Islands Forum tại Suva, thủ đô Fiji. Theo giới quan sát, Trung Quốc tiếp tục duy trì áp lực, mở rộng ảnh hưởng tại khu vực sau khi vào hôm 30/05/2022, 10 đảo quốc trong khu vực đã từ chối ký kết « Kế hoạch hành động 5 năm Trung Quốc –Thái Bình Dương vì phát triển chung ».

Vào lúc Trung Quốc cố gắng chiêu dụ các đảo quốc Nam Thái Bình Dương thì đã xảy ra sự cố ngoại giao bên lề hội nghị về đại dương của Liên Hiệp Quốc ở Lisboa, Bồ Đào Nha. Hãng tin Anh Reuters cho biết ngoại trưởng Tuvalu, Simon Kofe, đã tẩy chay lễ khai mạc sáng nay 27/06/2022 để phản đối Trung Quốc cấm ba đại biểu Đài Loan tham dự hội nghị trong khuôn khổ phái đoàn chính thức của Tuvalu. Tuvalu hiện là một trong số những quốc gia hiếm hoi trên thế giới còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.

Liên Hiệp Quốc khai mạc Hội nghị Đại dương lần thứ hai tại Lisboa


Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trước buổi khai mạc Hội nghị Đại dương Liên Hiệp Quốc 2022 tại Lisboa, Bồ Đào Nha, ngày 27/06/2022. REUTERS - PEDRO NUNES
Minh Anh
Hôm nay, 27/06/2022, Liên Hiệp Quốc khai mạc Hội nghị Đại Dương lần thứ 2 tại Lisboa, thủ đô Bồ Đào Nha. Các chương trình tranh luận rất dầy đặc và nhiều tham vọng, việc bảo vệ các đại dương đòi hỏi một sự đoàn kết và hợp tác đa phương mạnh mẽ.

Từ Lisboa, thông tín viên Simon Rozé tường thuật :

Theo đuổi và thực hiện những gì đã ký kết, tiếp tục phần còn lại… đây chính là mục tiêu của hội nghị Lisboa về đại dương lần này. Chẳng hạn như tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa và nhất là hiện tượng ô nhiễm nhựa sử dụng một lần, một tai họa thật sự cho sự đa dạng sinh vật biển.

Việc nghiêm cấm các loại bao bì nhựa đã là một vấn đề đạt đồng thuận về nguyên tắc tại hội nghị Liên Hiệp Quốc lần trước ở Nairobi hồi mùa xuân năm nay. Giờ phải chờ xem liệu lần này hội nghị có đi đến được một hiệp ước hay không. Cuộc họp ở Lisboa sẽ thúc đẩy việc xúc tiến dự án.

Một chủ đề khác cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người trong tuần này, đó là tình trạng đánh bắt cá quá mức. Điều hiếm thấy là WTO – Tổ chức Thương mại Thế giới, cách nay khoảng một chục ngày đã thông qua một nghị quyết nhằm hạn chế tình trạng này . Trên nguyên tắc hội nghị Lisboa sẽ phải tiếp tục đà tiến triển đó.

Các khu bảo tồn biển, các nguồn khoáng sản dưới đáy biển, việc bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái biển cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự tuần này. Chương trình thật dầy đặc và nhiều tham vọng. Hội nghị phải làm sao trở thành một không gian đối thoại để đi đến thành công.

Việc bảo vệ đại dương mang tính quốc tế, cho nên đòi hỏi một sự hợp tác đa phương mạnh mẽ. Dù vậy, nhiều nhà tổ chức tỏ ra lạc quan, vì theo họ đây là một vấn đề bắt buộc các nước phải hợp lực.

Không có nhận xét nào: