Nguyễn Ngọc Duy Hân
Tiếng Việt của mình rất hay, một chữ nhưng có thể mang nhiều nghĩa khác nhau, nhất là khi ghép với một chữ khác, nếu tìm hiểu, phân tích thì rất thú vị. Bạn có giải thích được không khi mình lập lại một từ hai lần, lại không làm nghĩa của nó nhiều hơn gấp đôi mà lại làm giảm bớt cường độ đi. Chẳng hạn chữ “buồn buồn”: Khi mình chỉ hơi “buồn buồn” thì mức độ buồn lại ít hơn nếu nói chữ buồn chỉ một lần. Hoặc chữ “vàng vàng”: Nếu màu sắc hơi vàng thôi thì người ta mới lập lại chữ vàng 2 lần, còn nếu màu vàng đậm thì chỉ nói chữ “vàng” một lần. Hơi “nhiều nhiều” thì lại không nhiều bao nhiêu! Trong mục đích mua vui và nói lên cái phong phú của tiếng Việt, hôm nay chúng tôi muốn bàn đến chữ “chạy”, một từ có khá nhiều nghĩa, mời bạn cùng tôi “chạy” nhé.
<!>
Đầu tiên, theo định nghĩa thông thường, chạy là một phương pháp vận động trên mặt đất khi người hoặc động vật di chuyển nhanh chóng trên bàn chân. Chạy khác với đi bộ, nhưng tiếng Việt cũng có chữ ghép “Chạy Bộ”, một môn thể dục rất tốt cho sức khoẻ, nhất là cho người lớn tuổi, thể lực yếu. Khi chạy bộ mình có thể để đầu óc trôi dạt suy nghĩ lung tung, rồi máu huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái.
Hằng năm khắp nơi trên thế giới đều có tổ chức những cuộc đua để chọn người chạy nhanh nhất, chẳng hạn thế vận hội Olympic.
Tính ra, tổ tiên loài người đã rất coi trọng khả năng chạy nhanh hàng triệu năm trước, vì mục đích cần săn bắt thú vật. Cuộc thi chạy xưa nhất bắt nguồn từ lễ hội Tailteann ở Ireland vào năm 1829 trước công nguyên, trong khi Thế vận hội Olympic đầu tiên diễn ra sau vào năm 776 trước công nguyên.
Marathon là một cuộc đua chạy đường trường với chiều dài hơn 42 km, bắt đầu sau khi một chiến binh Hy Lạp tên là Pheidippides, đã chạy từ nơi diễn ra trận chiến Marathon tới thành Athena. Các cuộc chạy đua marathon ở Boston, Hoa Kỳ đã thu hút hàng triệu khán giả mỗi năm. Người ta ghi lại một vài sự lạ xảy ra trong các cuộc đua Marathon này là vào năm 1980, Rosie Ruiz đã vượt qua vạch đích đầu tiên trong cuộc đua nữ. Nhưng Rosie không thắng cuộc vì cô đã ăn gian. Nhờ băng video thu lại, người ta thấy Rosie đã bỏ qua một phần cuộc chạy đua rồi lén trà trộn trở lại vào nhóm, vì thế người chạy tới đích thứ nhì là Jacqueline Gareau - cô gái người Canada đã được tuyên bố chiến thắng.
Tiếp theo là chuyện những người tham gia cuộc thi chạy Marathon đã tử vong, chẳn hạn vào năm 1905, James Edward Brooks của tiểu bang Massachusetts đã chết vì viêm phổi ngay sau khi chạy. Năm 1996, một người đàn ông Thụy Điển 61 tuổi tên là Humphrey Siesage cũng chết vì đau tim. Rồi năm 2002, Cynthia Lucero, 28 tuổi, cũng đã qua đời sau cuộc thi. Chạy quá sức để rồi mất mạng, quả là đừng “cố quá” kẻo trở thành “quá cố”!
Một chuyện buồn là vào ngày 15 tháng 4 năm 2013, khi cuộc chạy đua Marathon Boston đang tiến hành thì hai quả bom đã nổ làm cuộc đua bị dừng, ba khán giả đã thiệt mạng và khoảng 260 người bị thương. Kẻ phá hoại, khùng điên lúc nào cũng có, thật là đáng tiếc. Không lẽ cứ ru rú ở trong nhà, vì ra đường thì cơ hội bị tai nạn rất cao.
Mới đây hôm 22 tháng 5, 2021, do mưa lớn và gió lạnh, 21 người đã chết và nhiều người khác bị thương khi tham gia cuộc chạy bộ đường dài 100 km ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
Trở lại việc tìm hiểu về chạy, thì ngày xưa Đức Phật trong suốt 45 năm giáo hóa tại khu vực hai bên bờ sông Hằng, ngài chỉ sử dụng mỗi một phương tiện duy nhất là đi bộ. Đức Phật lúc đi bộ cũng chính là lúc ngài thiền. Trong quan điểm Phật giáo, chánh niệm là sự tỉnh giác, là sự chú tâm đến những gì đang xảy ra trong hiện tại. Thiền đi bộ được xem là một trong những phương pháp hữu hiệu để thực hành chánh niệm.
Còn trong Công giáo, thánh Phaolô đã có viết về bộ môn chạy trong lá thư thứ nhất gởi tín hữu thành Côrintô: “Anh em chẳng biết sao, trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng”. Phần thưởng ở đây là phần thưởng nước Trời. Tân Ước cũng thuật lại cuộc chạy đua giữa thánh Phaolô và Gioan, khi đến thăm mộ Chúa Giêsu. Nghe tin xác Chúa đã biến mất khỏi mồ, tức là Chúa đã sống lại, cả hai ông cùng chạy tới để xem thực hư. Phaolô trẻ hơn, chạy mau hơn Phêrô nên đã tới mộ trước, như vậy việc chạy nhanh rất có lợi.
Trong ca dao Việt Nam thì có các câu:
“Thời giờ ngựa chạy, tên bay,
Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm”
ý nói thời gian qua rất mau, phải tranh thủ làm việc kẻo trễ.
Hoặc ông bà cũng chép miệng: “Ăn một buổi giỗ, chạy ba cánh đồng”, ý than rằng phải bỏ công vất vả nhiều để rồi hưởng thụ không bao nhiêu.
Để trách người lanh chanh không theo đúng trật tự, đòi kết quả khi chưa chuẩn bị đầy đủ, ông bà đã chê: “Chưa học bò, đã lo học chạy”.
Rồi để răn dạy con cháu đừng làm điều gian ác kiếm tiền, ông bà chia sẻ kinh nghiệm: “Của phù vân, không chân hay chạy”.
Người ta cũng có những thành ngữ liên quan đến việc chạy rất hay, rất tượng hình như cụm từ “chạy long tóc gáy”, “chạy bán sống bán chết”, “chạy vắt giò lên cổ”, chạy nhanh như bay …
Khi diễn tả việc bất ngờ có kết quả tốt không ai lường trước được, ông bà có câu “Lù đù vác lu mà chạy.”
Ranh Ngôn vui ngày nay có câu:
“Bạn bè có phúc cùng chia
Có họa... trốn sạch chạy đi phương nào?”
“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ... chạy”, câu này dưới thời bệnh Covid trở nên chính xác luôn, ai mà dám lại gần người đang dương tính!
Trong tác phẩm Kiều, cố thi hào Nguyễn Du cũng đã nhiều lần nhắc tới chữ “chạy” trong các câu thơ:
“Vực nàng vào chốn hiên tây,
Cắt người coi sóc chạy thầy thuốc thang”.
“Tớ thầy chạy thẳng đến nơi,
Tơi bời tưới lửa tìm người lao xao”
“Chạy vào chốn cũ phòng hương,
Trong tro thấy một đống xương cháy tàn”.
“Liệu mà xa chạy cao bay,
Ái ân ta có ngần này mà thôi!”
“Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”.
Nội dung chuyện Kiều cũng đã kể lại 2 lần Kiều ráng chạy trốn khỏi chốn lầu xanh.
Bàn đến chuyện chạy mà không nhắc lại chuyện ngụ ngôn - dù ai cũng biết - thì cũng không được. Đó là chuyện thỏ và rùa chạy đua. Con rùa dù bò chậm chạp nhưng siêng năng, cuối cùng đã tới đích trước chú thỏ ham chơi, khinh địch không chịu cố gắng.
Chạy bộ để có sức khoẻ hoặc có bản lĩnh chạy đua với cuộc sống, thăng tiến sự nghiệp thì đáng khâm phục, nhưng nhiều người đã “chạy” để mua chuộc quyền lợi, cầu cạnh theo kiểu chạy chọt đút lót thì thật không nên chút nào. Điều đáng sợ trong cuộc sống tại Việt Nam ngày nay là đa số mọi người đã quen với việc “chạy”, tức là hối lộ đã trở thành thói quen và không ai nghĩ đó là một tệ nạn, mà chấp nhận như một chuyện đương nhiên. Chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy trường, chạy lớp... Suốt ngày chạy, cái xã hội chạy không ngừng, gây ra biết bao khó khăn trong cuộc sống, không còn sự công bình, công lý nữa. Ai chạy? Chạy ai? Đó là những câu hỏi không ai trả lời được, chỉ biết tất cả cùng hối hả chạy, cùng trong một guồng máy không tốt chút nào.
Báo chí đã từng đăng tải hằng ngày các câu chuyện “chạy chọt” này, như vợ chồng các đại gia bị phạt tù vì chạy trường cho con, lo lót cho con học các trường nổi tiếng dù không giỏi. Việc “chạy điểm” từng khét tiếng một thời là phiên xử các thành viên Sở Giáo Dục tỉnh Sơn La, đã ăn tiền để gian lận điểm thi của học sinh, từ 1 điểm mà nâng thành 9 điểm, trong khi các học sinh giỏi thật sự bị chấm rớt vì phải để dành chỗ cho con nhà giàu.
Nói thế nhưng không phải chỉ ở Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa mới có chuyện chạy chọt, ở nước Tư Bản cũng có, nhưng điều đáng mừng là việc “chạy” ít khi xảy ra, không trở thành thảm trạng như tại xứ Cộng Sản.
Ngôn ngữ Việt rất phong phú, chữ chạy đi tiếp theo với chữ chữa thành ra chữ “chạy chữa”, như việc ráng tìm thầy tìm thuốc để chữa cho người bệnh, khéo chạy chữa thì khỏi bệnh. Thế nên mới có nhiều người tin vào “thần y” Võ Hoàng Yên, cố gắng chạy chữa khi căn bệnh đã bị các bác sĩ bó tay.
Chữ chạy lại có thể ghép thành chữ “chạy bữa”, tức là diễn tả sự cực khổ kiếm cái ăn từng bữa một, như hai câu thơ của cụ Trần Tú Xương “Vay nợ lắm khi tràn nước mắt. Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”.
Trong chuyện Chưởng, bộ môn chạy tức là khinh công, lướt như bay trên chốn giang hồ đã luôn được nhắc tới. Một vài nhân vật nổi tiếng trong tài năng này là Vi Tiểu Bảo. Là nhân vật chính trong tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký, Vi Tiểu Bảo được cho là một trong những người có chân dài nổi tiếng trên chốn võ lâm. Chân dài ở đây là nói theo nghĩa đen, không phải “chân dài” của các cô người mẫu.
Tiếp theo là Đoàn Dự, con trai của Đoàn Diên Khánh, tuy võ công kém nhưng vô tình học được thuật khinh công đệ nhất thiên hạ là Lăng Ba Vi Bộ, nên Đoàn Dự đã nhiều lần chạy thoát khỏi kẻ địch.
Nhiều người cũng cho rằng Điền Bá Quang là một trong những nhân vật giỏi khinh công trong thế giới giang hồ của Kim Dung. Điền Bá Quang đã lợi dụng khả năng này làm chuyện ô uế với các phụ nữ, rồi tẩu thoát nhanh chóng.
Khi Tiểu Long Nữ lần đầu tiên rời Cổ Mộ đến Trùng Dương Cung, cũng đã dùng pháp thuật khinh công làm ai cũng thán phục. Tiểu Long Nữ dù bị truy kích nhưng không ai đuổi theo kịp nhờ chạy như bay trên các mái nhà. Tôi vẫn hay ước gì mình học được bộ môn khinh công này, dung nó để đi lại thăm nhau rất tiện lợi.
Tầu vi thượng sách là kế thứ 36 trong binh pháp do Tôn Tẫn viết: Nếu đánh không lại kẻ địch thì cách hay nhất là chuồn êm. Vâng, tránh voi không hổ mặt chuột, đôi khi không cần cãi cọ, tranh chấp làm gì cho phiền phức. Gặp kẻ ác, kẻ xấu cứ bỏ qua, “ignore” họ là xong.
Người ta cũng hay dùng thành ngữ “chạy đằng trời”, tức là có chạy đi đâu cũng không thoát, thí dụ câu nói: “Kỳ này ông ta chạy đằng trời cũng sẽ bị bắt, bị mất chức”. Chữ chạy còn đứng sau chữ "tháo", trong trường hợp nói "quân địch tháo chạy tán loạn".
Khi cho tia bức xạ điện từ tác động đến một bộ phận của cơ thể để trị bệnh, thì người ta dùng chữ “chạy điện”, hoặc chạy tia x-ray, laser. Ngày nay kỹ thuật khoa học tối tân, việc “chạy điện” để mổ xẻ, trị bệnh có nhiều thành công đáng kể.
Chạy đua cũng có nghĩa bóng, tức là không phải chạy bằng hai chân, mà là cố gắng vượt lên để giành phần thắng, thí dụ chạy đua với các công ty khác, chạy đua với thời gian, chạy đua vũ trang, đua hỏa tiễn…
Chữ chạy khi dùng là động từ cũng có nghĩa khác, thí dụ chạy viền chỉ đỏ cho một các khăn bàn. Khi chạy kiểu này thì lại dùng tay để thêu thay vì dùng chân.
Theo phong tục Việt Nam xưa, nếu trong nhà có đại tang thì không được làm đám cưới, vì không thể vui mừng trong lúc gia đình có người thân qua đời, nên có tục lệ “đám cưới chạy tang”, tức là cưới vội để tránh việc phải đình hoãn hôn lễ vì gia đình có tang. Thời nay đã có vài đám cưới mà chúng tôi biết được là đám cưới chạy…Covid. Số là khi chánh phủ các nước phải ra lệnh hạn chế đi lại, cấm không cho tụ tập, thì tùy theo tình trạng lây nhiễm Covid mà chính quyền giới hạn số người được tham dự tối đa là bao nhiêu. Bạn tôi dự trù làm đám cưới cho con vào giữa tháng Năm với khoảng 70 người dự (15% capacity của nhà thờ), nhưng vào tuần đó thì chính phủ phải hạn chế thêm do con số nhiễm bệnh tăng cao, chỉ cho 10 người tới nhà thờ, do đó bạn tôi đã phải tức tốc gọi cho đại gia đình, thân hữu, làm đám cưới sớm hơn một tuần để có được khoảng 70 người dự. Thời Covid, đám cưới mà có 60, 70 người khách thì được coi là đám cưới đông và lớn nhất rồi! Đi thăm gia đình cũng phải chạy theo kiểu chạy tang xưa. Con trai tôi trước khi Toronto, Canada “lock down” vào thứ Hai đầu tuần, đã vội vã đem 2 cháu chạy tới thăm chúng tôi vào Chúa Nhật trước khi bị ở trong nhà không được gặp ai. Hôm đó cũng rất nhiều gia đình ráo riết gặp nhau, mua sắm các thứ không cần thiết lắm “non-essential” vì hôm sau cửa hiệu loại đó sẽ phải đóng cửa.
Chữ chạy còn được ghép để có chữ chạy máy, tức là chạy bằng máy, như ghe chạy máy, không phải chèo bằng tay.
Chữ chạy thường đứng trước, nhưng lại có khi được ghép ở phía sau thành một chữ khá mới, đó là chữ “Thầy chạy”. Khi chuyện gì rất bất thường, khó chấp nhận mà vẫn xảy ra, người ta chịu thua không thể làm gì hơn đành chép miệng than rằng: Thầy chạy thiệt! Chuyện “thầy chạy” thì nhiều lắm, kể không xuể trên cái đời ô trọc này. Gần đây là chuyện các ông mua búp bê tình dục của Nhật Bản về làm bạn gái, giá khoảng $8,000 đô Mỹ. Chuyện này đã trở thành khá bình thường trong xã hội ngày nay rồi, nhưng đến chuyện quý bà cũng đặt hàng, mua búp bê tình dục phái nam thì thật là chịu thua, thật là “thầy chạy”! Điều khá ngộ nghĩnh là quý ông mua toàn búp bê trẻ đẹp, da trắng tóc dài, còn phụ nữ thì lại đặt làm ông búp bê già tóc bạc, da nhăn giống hình ảnh ông chồng cũ hoặc “hoàng tử” của lòng mình khi xưa. Thầy chạy thật!
Một nghề khá phổ biến ở Việt Nam là nghề chạy xe ôm, tức là xe gắn máy hai bánh, tiện lợi rẻ tiền hơn đi taxi bốn bánh. Ở hải ngoại thì ngoài chạy taxi, uber, bây giờ mùa dịch Covid còn có Uber-Eat, tức là có thể dùng xe đạp để chạy dễ dàng trong thành phố, không phải lo việc đậu xe để có thể nhanh chóng giao thức ăn cho các nhà hàng.
Cái chạy rất khó khác là việc chạy đủ tiền học phí cho con, chạy tiền để lo các việc cần thiết như đóng thuế, các sinh hoạt đắt đỏ đặc biệt. Chạy tiền là phải vay mượn, lo liệu cho có tiền cách gấp rút, là người nghèo thì khổ với các khoản “chạy” này lắm. Chạy vạy cũng khá đồng nghĩa với chữ chạy tiền này. Các bà mẹ một mình chạy vạy nuôi con ăn học luôn được ca ngợi.
Có khi người ta lại sử dụng chữ chạy dù vật đó không có chân luôn đứng yên, thí dụ dãy núi chạy dọc theo bờ biển. Núi thì có chạy bao giờ, luôn thi gan cùng tuế nguyệt, thế nhưng trong trường hợp này chữ chạy vẫn được hiểu rất đúng nghĩa.
Chữ chạy khi là tĩnh từ thì có nghĩa là thuận lợi, trôi chảy, chẳng hạn vào dịp Tết, hàng bán rất chạy. Cuốn sách, album nhạc bán chạy nhất trong năm, món hàng bán chạy cũng có chữ “chạy” trong đây, nhưng lúc này lại có nghĩa là đắt hàng, được chiếu cố nhiều nhất. Cũng như người ta nói ngày nay vì Covid, viêc không được “chạy” như trước. Người ta cũng dùng từ chạy theo lợi nhuận, danh vọng, chạy theo tiếng gọi con tim….đủ loại chạy, chạy mệt nghỉ luôn phải không bạn.
Ngày nay với Youtube, Tiktok hoặc các trang mạng xã hội khác, lại có việc chạy quảng cáo xen kẽ khi xem các bài vở, video trên các trang web này. Quảng cáo được “chạy” thì mới có tiền để trả cho các youtuber, các người làm việc cho công nghệ này.
Khi nói người cầu thủ chạy theo quả banh để đá, thì rất dễ hiểu, nhưng khi có cảm giác lành lạnh chạy qua xương sống, thì chữ “chạy” lại hơi khác. Đồng nghĩa có các câu như đồng hồ chạy chậm, tức là gần hết pin chạy sai giờ. Radio, máy vi tính laptop chạy pin, tức là vận hành bằng pin thay vì điện.
Chạy nạn lại là một chữ khác mà rất hay được xài trong đời sống. Ngày trước 1975, rất nhiều người phải chạy nạn để tránh pháo kích, tránh bị du kích cộng sản nửa đêm vào bắt bớ. Hoặc khi xem thời tiết biết trước gió lớn, bão lụt sắp xảy ra, người dân được kêu gọi phải tạm thời đi xa để chạy nạn, khi yên ổn mới trở về.
Riêng chữ “chạy tội” thì rất hay được xài trong tiếng Việt và trong cuộc sống. Sau khi làm ác mà muốn thoát khỏi tù tội, không bị kết án thì phải bày mưu tính kế, dàn tạo hiện trường giả để thoát tội. Cái chết trong tù của tỉ phú với tội danh buôn bán tình dục Jeffrey Epstein là một thí dụ điển hình. Người ta tin là việc ông thắt cổ tự tử trong tù là ngụy tạo, để Epstein không khai ra làm liên lụy đến các tỉ phú tai to mặt lớn khác cũng đồng phạm tội mua dâm.
Mới đây nhất là vụ chạy tội khá trắng trợn tại Bắc Ninh Việt Nam. Cháu Trần Đức Đô vừa bị tử vong làm gia đình phẫn nộ, yêu cầu được điều tra minh bạch.
Trước ngày 25 tháng 6, 2021, Đô có gọi điện thoại cho người nhà cho biết là cháu hay bị cấp chỉ huy đánh đập khi tham gia vào bộ đội. Sau đó vài ngày, người nhà lại được tin là Đô bị trụy tim, phải đưa đi bệnh viện. Cuối cùng là tin Đô đã treo cổ tự tử. Bài bản của màn kịch này có khá nhiều sơ hở khi gia đình nhận xác - thì thấy Đức Đô nạn nhân mới 19 tuổi - đã có các vết thương bầm dập do bị tra tấn dã man. Nhiều nguồn tin trước đây cho biết tệ nạn “ma cũ bắt nạt ma mới”, nếu không đút lót chạy chọt cấp trên, bộ đội có thể bị đánh đập dằn mặt. Nhà nước lúc này đã ra lệnh cho gia đình Đô phải chôn cất ngay vì dịch Covid, không được để lâu và không được tụ họp đông người, nhưng người nhà không chịu thua. Cả xóm hùn tiền để mua một tủ lạnh lớn để xác Đô vào chờ làm giảo nghiệm tử thi, thì ngay sau đó khu vực liền bị cúp điện. Sau đó, khi một người phụ nữ trong gia đình giận dữ tuyên bố "Từ bây giờ không được gọi con cháu người ta đi bộ đội nữa nếu như mà không làm rõ", hoặc khi gia đình làm biểu ngữ, băng rôn quay phim chiếu lên mạng, yêu cầu nhà nước phải điều tra, làm minh bạch về cái chết của Đô thì internet của khu này cũng bị cắt luôn, coi như việc bịt miệng để chạy tội khá rõ ràng. Hiện cấp trên và truyền thông Cộng sản vẫn tiếp tục rao rêu là thế lực thù địch, kẻ xấu đã bôi nhọ chính quyền bằng cách phát tán hình ảnh xấu về người tập sinh bộ đội này, Đô tự tử mà dám “tuyên truyền phản động” là bị đánh chết. Việc nhiều người tự tử trong khi bị công an điều tra làm nhiều người uất ức, nhưng thấp cổ bé miệng cuối cùng “vụ việc” cũng bị cho vào quên lãng, thật là buồn cho đời sống của xã hội cộng sản ngày nay.
Chữ chạy nhiều khi cũng có nghĩa là tính ra, quy ra, giá đổ đồng, thí dụ giá trứng gà chạy ra $12 đồng một trái.
Khi chạy ca nô trên sông, người ta không nói lái ca nô mà cũng dùng chữ chạy, hoặc tàu chạy trên đường sắt, thuyền chạy dưới sông …
Khi đầu đề chạy suốt trang báo, tức là vấn đề nào đó “nổi cộm” thì được nhắc tới nhiều trên tờ báo ngày đó.
Có một cái chạy mà không ai muốn bị người khác làm với mình, đó là việc chạy mặt, bị tránh mặt, không ai muốn gặp mặt mình vì đã bị lừa nhiều lần. Thí dụ khi nói câu “Mọi người đều chạy mặt hắn”. Chữ “chạy làng” cũng được dùng nhưng chạy làng khác với chạy mặt. Khi bỏ cuộc, không chịu trả tiền, hoặc nhằm chối bỏ trách nhiệm về việc gì, người đó sẽ “chạy làng”, chẳng hạn thua bạc chạy làng. Việc này thì ê mặt, nhục nhã lắm nhưng bí quá thì phải áp dụng chiêu này thôi.
Bắt đầu sau 1975, khi Cộng Sản làm đời sống quá cực khổ, đói kém, nghề “Chạy Mánh” bắt đầu ra đời. Đó là việc làm môi giới giữa bên mua và bên bán để kiếm lời. Ngày các quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng Hòa đang bị tù “cải tạo”, các thành viên còn lại trong gia đình phải ra quán café, tìm chỗ gặp gỡ để mua bán, mánh mung kiếm tiền sinh nhai trong lúc phải sắp hàng cả ngày để sống qua ngày.
Switzer tại Berlin Marathon năm 2011
Còn nếu nói về phim liên quan tới chạy thì chắc là nhiều lắm. Riêng cuốn Free to Run sản xuất năm 2016 là một bộ phim tài liệu nói về sự phát triển của việc chạy đường dài trong 50 năm qua. Phim có nhắc đến Kathrine Switzer là một cô gái có niềm đam mê với môn chạy bộ. Kathrine lần đầu tiên tham gia chạy đua vào năm 1967 tại cuộc thi Boston Marathon, nhưng khi đó phụ nữ vẫn bị cấm thi đấu. Cô đã cải trang để có thể tham gia vào cuộc thi. Câu chuyện này giống như chuyện Hoa Mộc Lan giả trai để đi tùng chinh giết giặc khi xưa. Jock Semple được coi là anh chàng oan gia, kỳ phùng địch thủ của Kathrine. Khi biết Kathrine tham gia giải chạy, anh đã xé toạc chiếc áo đua của cô để “vạch trần” việc cô giả trai, từ việc này đã tạo nên làn sóng đòi quyền bình đẳng nam nữ trong bộ môn chạy bộ.
Khi bị Tào Tháo rượt, người ta cũng diễn tả là “bị chạy cả đêm” ý nói đêm qua tôi đau bụng phải chạy vào nhà vệ sinh nhiều lần. Tiếng Việt thật là nhiều nghĩa, người ngoại quốc không hiểu khi nói có thể bị sai lầm tai hại.
Nhưng có một thành ngữ “Cao chạy Xa bay" chính người Việt mình cũng đã sử dụng sai lâu nay, trong chuyện Kiều cũng có câu này. Đúng ra nó phải là "xa chạy cao bay” thì mới hợp lý, nhưng thói quen đã lâu năm rồi, bây giờ nếu mình nói đúng: xa thì chạy, cao thì bay lại có thể bị nghĩ là mình nói ngược. Giữa một làng tất cả đều là người bị gù lưng, thì người lưng thẳng lại là người “bất thường”. Việc can đảm làm đúng, nói đúng giữa xã hội nhiễu nhương ngày nay là một thử thách lớn. Tỉ số người có can đảm thực hiện và ủng hộ việc đúng lương tâm có nhiều hay không theo bạn thì như thế nào? Tôi vốn bi quan nên thấy giữa lương tháng và lương tâm, coi bộ lương tháng mạnh hơn và cần thiết hơn. Vì thế cha ông cũng đã khuyên “Đừng Chạy Theo Số Đông”, giữ bản chất và phẩm hạnh của mình là việc chính mình phải làm, không ai có thể làm thay mình cả.
Khi đi chợ, quý bà rất thích mua gà chạy bộ, tức là gà farm ở nông trại không phải gà công nghiệp nuôi hằng loạt bị bở, không dai, không ngọt thịt như gà đi bộ. Gà đi bộ ốm thôi nhưng mắc hơn gà mập rất nhiều.
Khi nói về chạy, thì chúng tôi cũng xin đưa ra vài sưu tầm đặc biệt về các đôi giày bata mang để chạy bộ mắc nhất thế giới. Đầu tiên là đôi giày thể thao thiết kế bởi Kanye West, người đã làm cho đôi giày Yeezy trở nên hoàn hảo và cao cấp. Nike đã bán hết chỉ trong 1 phút trên trang web chính thức, sau đó có người mua lại với giá mấy ngàn đô Mỹ một đôi. Bạn có dám mua những đôi giày này đi cho êm chân không? Chân thì có thể êm đấy, nhưng lưng sẽ rất đau vì phải còng lưng đi cày trả nợ.
Kế tới là đôi giày được làm từ Li-Ning Trung Quốc. Đôi giày này có hàng trăm carat kim cương trắng kết hợp với ngọc bích và vàng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc đấu giá đôi giày này sẽ dùng để cho quỹ Từ thiện giúp cho những người gặp khó khăn.
Tại sự kiện Stadium Goods, đôi giày mang tên “Shattered Backboard Air Jordan” là đôi giày mà Michael Jordan đã mang trong trận đấu nổi tiếng năm 1985, nó không hoàn hảo vì vẫn còn một mảnh kính vỡ găm trong chiếc giày bên trái, nhưng cuối cùng đã bán được được đấu giá đến $615,000 USD. Đôi giày này có kích thước khác nhau, số 13 cho chân bên trái và số 13.5 bên phải. Tiện đây cũng xin nói, có người hai bàn chân không bằng nhau, thay vì đặt giày “custom made” mắc tiền, khi đi mua giày đã tráo lấy một chiếc cỡ nhỏ hơn, như vậy thật là không nên, vì như thế đôi của tiệm còn lại sẽ cọc cạch, chiếc lớn chiếc nhỏ bán cho ai.
Solid Gold OVO X
Air Jordans
Nổi tiếng hơn là đôi Solid Gold OVO X Air Jordans – 2,000,000 USD. Giày thể thao được phủ vàng 24, mỗi chiếc giày nặng 50lbs! Mang đôi giày này vào thì sẽ đi cà-nhắc vì nặng quá, làm sao đi bình thường cho được.
Ngoài việc nổi tiếng với những sản phẩm âm nhạc được nhiều người hâm mộ, DJ Khaled còn nổi tiếng với bộ sưu tập giày Sneaker của mình.
Nếu yêu thích bóng rổ và có theo dõi NBA, bạn không thể không biết đến PJ Tucker. Xét về thành tích và năng lực chơi bóng, PJ Tucker không quá xuất sắc, nhưng điều khiến anh luôn thu hút sự chú ý là bộ sưu tập giày Sneakers của anh. Với mỗi trận đấu, anh mang một đôi giày khác nhau, đôi nào cũng đặc biệt giá rất mắc.
Gần đây hãng Reuters đã đưa tin đôi giày của rapper Kanye West mang khi trình diễn tại lễ trao giải Grammy năm 2008 đã được mua lại với giá tới 1,8 triệu USD.
Tủ giày thể thao lớn nhất thế giới với hơn 6,000 đôi, theo tờ Fashion Magazine là của 3 chị em gái sống ở Florida, Mỹ là Ariana, Dakota và Dresden làm chủ. Tam vị cô nương này coi giày như món trang trí trong nhà, giống như người ta thích trưng bày lọ hoa, tủ rượu. Cha của các cô đã coi giày thể thao như một bộ môn nghệ thuật, nên họ đã lớn lên với sự trân trọng đó. Trong thời gian tới, 3 chị em dự định sẽ mở cửa hàng giày ở miền Nam Florida để bán kho báu quý giá của gia đình. Đặc biệt họ sẽ cài đặt hệ thống camera hiện đại cho phép mọi người truy cập trực tuyến vào xem online. Ngoài mục tiêu giới thiệu các đôi giày mới, họ cũng sẽ mở dịch vụ làm sạch và phục hồi giày đã mang qua.
Gần đây phố xá có bán các đôi giày có bóng đèn chiếu sáng nhiều màu khi bước đi, con nít rất thích. Đây là “very good idea”, người đầu tiên nghĩ ra thật đáng khen thưởng, dĩ nhiên sau đó Tàu Cộng đã ăn cắp ý tưởng và làm ra hằng loạt giày có đèn, giá rẻ hơn nhiều kiếm tiền rất khá.
Các hãng sản xuất giày như Adidas, Nike, Sneakers… rất nổi tiếng với đủ loại đủ kiểu, nhưng thực sự bạn không cần đôi giày mắc nhất, mà chỉ cần đôi giày phù hợp với chân mình, với mục đích, từng loại thi đấu mà thôi. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khuyên mỗi người nên có vài ba đôi giày khác loại để mang tùy theo trường hợp. Theo khuyến cáo thì nếu đi khoảng 500 km thì nên thay đôi giày khác. Tôi không biết làm sao để biết mình đã mang đôi giày đó đi bao nhiêu cây số, chỉ thấy mòn thấy rách thì bỏ.
Cuối cùng thì cũng phải tóm lại phần tản mạn ở đây. Chạy rất tốt cho sức khỏe, tăng cường lưu thông máu, cải thiện tiêu hóa, làm giảm bớt lượng đường trong máu, giúp chất lượng giấc ngủ tốt hơn, làm giảm lo lắng, trầm cảm, tăng cường sự cân bằng cơ thể. Bạn hãy ráng chạy bộ thường xuyên nhé. Đã có các “app” đếm bước chân, để mình tự đo được mình đã đi bao lâu, tiêu được bao nhiêu calori, hôm nay hơn hôm qua thế nào… Các app này được tải miễn phí, thực dụng nhiều người xài như Pedometer, Step Counter & Weight Loss Tracker, Accupedo, StepsApp, Stepz, Walker….
Người ta cũng khuyên nên mặc quần áo loại thể thao, đi giày dành riêng để giúp mình tăng động lực khi đi bộ, tập thể dục. Thí dụ đã mặc đồ, đi giày vào rồi thì bạn sẽ khó có thể quay trở lại giường nằm ngủ tiếp được. Hơn nữa, với “trang bị” đầy đủ mình sẽ tự tin hơn, nghiêm túc hơn. Vừa nghe nhạc vừa đi bộ cũng có kết quả rất tốt.
Thôi, dông dài quá rồi, tôi xin chấm dứt để tài “chạy” ở đây, bạn được dừng không phải đọc mỏi mắt nữa. Vâng, dù biết chạy rất tốt nhưng chúng ta vẫn có lúc phải nghỉ ngơi. Ngay trong âm nhạc mà cũng phải có dấu lặng, thì việc biết “take a break” là việc luôn cần thiết. Chúc bạn luôn biết hài hòa khi chạy, khi nghỉ để cân bằng, điều hòa sao cho cuộc sống mình luôn tốt đẹp.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét