Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Đổi Nghề Theo Cuộc Đổi Đời - Kim Loan -


Đổi đời đây là bước ngoặt tang thương của Miền Nam Việt Nam từ ngày 30/4/1975. Tôi không có ý thống kê hết các chuyện đổi nghề của dân Miền Nam, mà chỉ viết lại những gì tôi biết trong kiến thức hạn hẹp, bởi ngày “đổi đời” năm xưa ấy, tôi chỉ là cô bé 9 tuổi “ăn chưa no lo còn chưa tới”. Có thể nói, nhóm người đầu tiên “được” đổi nghề là các sỹ quan, công cán chính của chính quyền VNCH. Từ những người oai hùng gìn giữ non sông đất nước, cho Miền Nam những năm tháng an bình, nay bỗng dưng trở thành tù nhân trong các trại “cải tạo” của “bên thắng cuộc”, một “nghề” bất đắc dĩ, đầy hờn tủi nghẹn ngào.
<!>
Sở dĩ gọi là “nghề” vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi “cải tạo”, thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là… “học tập cải tạo”!

Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là “nghề” mới học trong trại tù.

Tiếp theo là những vợ con, gia đình thân nhân của “bên thua cuộc” phải lao đao giữa thời buổi nhiễu nhương mà quân “giải phóng” đã biến xã hội thành vàng thau lẫn lộn. Vào “hợp tác xã” theo chủ trương của nhà nước, đan mây tre lá, tổ hợp mì sợi, kiếm không được bữa cơm no, nên người dân phải chạy chợ trời, một nghề mới cho nhiều gia đình.

Xóm tôi có thím Ba, chồng là thiếu tá quân y đang trong tù “cải tạo”, một nách nuôi 4 đứa con thơ, thím cũng theo người ta ra chợ trời. Khổ thân, bao nhiêu năm lá ngọc cành vàng, nào biết buôn bán chi, thím cứ ngơ ngác đứng giữa khu thuốc Tây đường Nguyễn Thông, chẳng biết mời chào níu kéo khách, có khi bị bạn hàng tranh mối, chiều tối thím về nhà chẳng kiếm được đồng nào. Và chắc chắn còn rất nhiều người cũng ở hoàn cảnh tương tự, rồi theo thời gian, vì kế mưu sinh, “nghề dạy nghề” mà bám trụ được chờ trời cũng như chợ đời, chờ ngày chồng trở về.

Dù sao nhóm người này cũng còn may mắn hơn những gia đình khác, bị chính quyền ép đi kinh tế mới, làm ruộng vườn trong điều kiện khắc nghiệt đói kém, một “nghề” kinh hoàng, thậm chí còn có nhiều người không vượt qua cơn sốt rét, gửi thân xác nơi rừng thiêng nước độc. Số còn lại, trở về thành phố, kẻ may mắn thì còn có nhà, không thì vô gia cư và không có hộ khẩu. Họ gia nhập đội ngũ chạy xích lô, bơm vá xe đạp, mở hàng quán lề đường, thậm chí là bán vé số đắp đổi qua ngày. (Mấy “nghề” này cũng là nghề của một số sĩ quan đi “cải tạo” về trong cơn bĩ cực mong ngày …thái lai). Thuở ấy, khách đi xích lô chẳng lạ gì nếu đôi khi gặp người đạp xích lô là giáo sư của chính quyền cũ, nói Tiếng Anh lưu loát, hoặc là những sĩ quan VNCH trở về từ những năm tù “cải tạo”. Họ nhẫn nại chịu đựng từ nhà tù nhỏ đến nhà tù lớn ngoài xã hội.

Cướp Miền Nam chưa được bao lâu, các cuộc đổi tiền liên tục giáng xuống, cuộc sống càng thêm khó khăn và với chính sách ngăn sông cấm chợ, nghề đi buôn được các bà các cô, kể cả các ông nhắm tới. Buôn gạo, thịt, đường, nước mắm, thuốc lá…. tóm lại là buôn đủ thứ trên đời, mua hàng từ vùng này mang qua vùng khác bán kiếm lời, từ miền Tây hay từ biên giới Cambodia mang về Sài Gòn.

Người ta còn đi xa hơn, phong trào đi buôn Bắc Nam rầm rộ vì ngày ấy vé xe lửa còn trong thời bao cấp, giá rẻ. Xóm tôi có cả một đội quân chuyên đi buôn kiểu này, người nọ rủ người kia, toàn là các bà hồi nào giờ nội trợ đảm đang bỗng… “đổi đời” thành những “tay lái buôn”. Mua hàng từ Nam mang ra Bắc và mua hàng từ Bắc mang trở về miền Nam. Đi buôn trên những chuyến xe lửa mang tên Thống Nhất nối liền hai miền Nam- Bắc chẳng phải vì mừng vui “đoàn tụ”, vì “thống nhất” nghĩa tình nhân dân hai miền mà chỉ vì miếng cơm manh áo đói rách tả tơi do cộng sản gây ra.

Tiếp theo, khi toàn Miền Nam đang thấm mùi “giải phóng”, phong trào vượt biển bất chấp vô vàn hiểm nguy để chạy trốn khỏi thiên đường cộng sản, đi tìm tự do. Dĩ nhiên, đi vượt biên không phải là “nghề”, nhưng nó sản sinh ra những “nghề” của thời cuộc: nghề chợ trời bán đồ “linh tinh” bày vài món đồ cũ xập xệ tầm thường nhưng…mua gì cũng có, chỉ cần người mua kẻ bán nắm bắt được “ý đồ” của nhau, nào máy móc, la bàn đi biển, la bàn đi rừng, phục vụ cho vượt biển vượt rừng đều có đủ, nghề dẫn mối vượt biên, nghề lái ghe “taxi” đưa người ra tàu lớn, nghề tổ chức vượt biên, nghề dạy tiếng Anh, không phải mở mang kiến thức ngoại ngữ như trước kia mà làm hành trang cho người đi xuất cảnh hay người chuẩn bị đi vượt biên, lo xa học hành cho biết vài chữ tiếng Anh tiếng Mỹ mà ăn nói với người ta.

Giữa lúc phong trào vượt biên rầm rộ, cao điểm là những năm 1979-1980, khi hải tặc hoành hành trên biển, có những chiếc ghe không bao giờ tới bến bờ vì hải tặc, vì tai nạn máy móc giữa biển. Ai biết được con số chính xác bao nhiêu người nằm lại nơi biển Đông vì không được “con nuôi má hay má cuôi con” mà là “con nuôi cá”??

“Ăn theo” phong trào này, “nghề” coi bói nảy sinh ào ào như nấm sau mưa, kịp thời phục vụ nhu cầu của bà con. Tôi cũng vài lần tháp tùng mấy bà mấy chị trong xóm, dù trong lòng chẳng tin, nhưng dù sao, các ông bà thầy bói cũng là điểm tựa tinh thần cho những người yếu bóng vía thêm niềm tin và ý chí, vì hầu như theo lời của thầy bói, ai cũng có số xuất ngoại, không thời điểm này thì thời điểm khác, chớ ngu gì nói chuyến đi thất bại, tàu chìm, thì ai còn đến xem bói, thất nghiệp mất miếng cơm sao, các thầy bói chỉ biết ăn ốc nói mò thôi mà!

Thậm chí, còn có thầy bói…specialist “chuyên môn” nhìn hình là biết người trong hình còn sống hay đã chết, để …phục vụ “khách hàng” là những gia đình cho con cháu ra khơi nhưng không có tin tức gì. Chẳng biết thầy nói đúng hay sai, xóm tôi cũng có vài gia đình tìm đến, rồi về nhà hy vọng, đợi chờ, rồi mãi mãi vẫn là chờ đợi!

Những chuyến tàu may mắn đến các trại tị nạn, rồi người tị nạn toả đi định cư các nước thứ ba, mà đông đảo nhất là nước Mỹ, lại hì hục đi học đi làm gửi quà về cho thân nhân có tài chánh cho những chuyến vượt biên tiếp theo, thế là có “nghề” mua đồ Mỹ bán lại, chợ trời bắt đầu khởi sắc. Chợ trời Nguyễn Thông, Huỳnh Thúc Kháng nổi tiếng “hàng ngoại, hàng Mỹ”, dù rằng cũng có người lãnh đồ từ Canada, Pháp, Úc, nhưng hàng Mỹ vẫn chiếm đại đa số nên người ta gọi chung là “đồ Mỹ” cho tiện việc sổ sách, vả lại, cứ bảo “đồ Mỹ” thì bán được giá …cao hơn!

Viết đến đây tôi bỗng nhớ năm 1986, trước lúc đi vượt biên, tôi có một chuyến ra Hà Nội và vùng quê Hà Nam thăm họ hàng xa. Tôi nghe nói phố Hàng Đào nổi tiếng chuyên bán “đồ ngoại”, nhưng đến nơi mới biết “ngoại” đây là hàng hoá từ khối các nước “XHCN anh em” Đông Âu: xà bông táo Đông Đức, quần áo Liên Xô, nước hoa Tiệp Khắc, hàng gia dụng Hungary …

Tôi và nhỏ bạn diện quần Jeans áo thun Mỹ và áo gió, là mấy món mấy ông anh bên Mỹ gửi về. Vừa lang thang ở phố Hàng Đào, một bà bán hàng tinh ý, nhận ra chúng tôi nói giọng Sài Gòn, nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, liền kéo áo tôi:

– Em ơi, chị bảo này, có phải em mặc quần bò áo bay của Mỹ, đúng không?

Tôi ngạc nhiên:

– Quần bò áo bay là gì hở chị?

– Là quần Jeans áo gió đấy!! Ôi thôi đúng rồi, đồ Mỹ nhìn là biết ngay, khác hẳn đồ Liên Xô! Em bán cho chị nhé, cởi ra bán cho chị em nhé, nhé, nhé …!! …

Mấy cái “nhé” của bà ấy làm chúng tôi hoảng sợ, đi vội qua đoạn đường khác, chưa kịp hỏi, cởi đồ ra bán cho chị thì em mặc gì về!

Trở lại chuyện chợ trời, bên cạnh hàng hoá, thì nhu cầu tinh thần là nghe nhạc cũng rục rịch trở lại. Chợ trời Tạ Thu Thâu, nơi có địa điểm sang các băng nhạc hải ngoại tuồn về lén lút (vì nếu gửi qua các thùng quà sẽ bị tịch thu, nên đa số các tapes từ các nguồn tàu viễn dương, và dĩ nhiên cũng từ đám hải quan Việt Cộng, chúng tịch thu xong đem ra chợ trời bán). Nghề này cũng rất đắt hàng, tôi đã đến vài lần mua băng nhạc. Tiệm có hàng chục máy cassette làm việc sang băng liên tục. Nếu mình chọn cả tape thì giá khác, còn nếu chọn riêng từng bài của từng tape, gom lại thành một tape theo ý mình thì giá gấp đôi gấp ba, nhưng dân Sài Gòn mình chịu chơi lắm, tốn tiền để có tape nhạc đúng ý thì ngại gì. Nửa đêm, sau một ngày mệt mỏi chạy chợ trời, hoặc đi lao động đào kinh, hoặc nhức đầu từ các buổi họp tổ dân phố, người dân mở đài nghe lén tin tức từ đài VOA, BBC, rồi sau đó là nghe tape những bản nhạc Vàng thưở nào, để đi vào giấc mộng mị đẹp tươi.

Cùng “họ” với nghề sang băng nhạc, có nghề cho thuê sách cũ, tức là sách của thời chính quyền VNCH. Tiệm sách cũng được ngụy trang y như tiệm băng nhạc, để bên ngoài ít sách của cộng sản, nhưng nếu là mối quen, thì chủ nhà mới dẫn vào trong, cỡ nào loại nào cũng có, từ truyện dịch cho đến chuyện Việt, từ văn phong bà Tùng Long, Lệ Hằng, cho đến Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nhã Ca …đều có đủ, mà cho dù không có trong tiệm, chủ cũng hẹn khách quay lại, vì còn đang cho người khác mướn, hoặc đang đi liên hệ đầu mối khác.

Đó là những nỗi buồn, mất mát của người dân miền Nam trong cuộc đổi đời từ 1975.

May mắn thay, những người vượt biển được đi định cư ở các nước tự do dân chủ, nhiều nhất là nước Mỹ. Và càng may mắn thêm nữa, chương trình ODP, đặc biệt là chương trình rất nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ, là H.O, đã làm thay đổi hàng ngàn cuộc đời khi bước chân đến xứ tự do.

Lại có những cuộc đổi đời và đổi nghề với bao nhiêu người Việt tị nạn và đoàn tụ gia đình tại Mỹ.

Lớp thế hệ trung niên hay lớn tuổi ngày trước ở Việt Nam có thể là ông này bà kia vẫn miệt mài chăm chỉ làm việc dù nghề chân tay lao động hay học hỏi, kinh doanh tùy theo hoàn cảnh. Những người khi còn với chế độ Cộng Sản, vì lý lịch bị trù dập, hoàn cảnh nghèo khó vì Cộng Sản lừa đảo, không được trọn vẹn con đường học vấn, binh nghiệp, thì đất nước Hoa Kỳ đã mở ra những cơ hội thênh thang, tuyệt vời. Đây là những cuộc đổi nghề và đổi đời ngoạn mục, happy endings, để ngày nay con cháu của họ là những thế hệ lớn lên hay được sinh đẻ tại nước Mỹ được hưởng cuộc sống ấm no, học hành và làm việc trong những điều kiện tốt đẹp.

Cũng là đổi nghề sau cuộc đổi đời, nhưng cuộc đổi đời ở bên Mỹ (và các nước tự do khác) là đổi nghề theo hướng đi lên tương lai, còn đổi nghề bên “thiên đường xã hội chủ nghĩa” là đổi đi xuống (như xe xuống dốc không phanh), nhếch nhác, bệ rạc, thậm chí còn phải bán luôn đồ đạc, nhà cửa của …chính mình, mà hồi đó dân mình hay hài hước nói với nhau nghề “chà đồ nhôm”, tức là “chôm đồ nhà”, mới tạm đủ sống qua ngày!

Bởi vậy chúng ta, những người Việt tỵ nạn Cộng Sản, mãi mãi không bao giờ quên, lý do tại sao chúng ta phải rời bỏ quê hương, và càng không bao giờ quên những tháng ngày đen tối khi Miền Nam bị cưỡng chiếm, để rồi toàn dân Miền Nam trôi nổi, loạn lạc, vì mưu sinh, nhu cầu cơm áo, đã phải “đổi nghề theo cuộc đổi đời”!

Còn biết bao nhiêu nghề khác nữa nhỉ, xin các bạn cùng liệt kê giúp tôi, để truyền lại cho thế hệ sau này, về tội ác của Cộng Sản Việt Nam, để cùng nhau nhắc nhớ nỗi đau của một đoạn đời mang tên Tháng Tư Đen, như trong bài Thơ sau đây của tôi:

THƯ GỬI CHỒNG CẢI TẠO

Anh ạ, từ khi anh vắng nhà
Hộ khẩu bốn người, nay còn ba
Gạo châu củi quế, đời vất vả
Thương lắm con thơ, tội mẹ già
Sổ lương thực, mỗi người 9 ký
Vừa gạo, vừa khoai, vừa bo bo
Qua ngày đoạn tháng đời dâu bể
Em chạy chợ trời, cũng tạm no
Mua miếng thịt, mớ rau, khúc củi“
Xếp Hàng Cả Ngày”, vã mồ hôi
Cô mậu dịch bán hàng phách lối
Mặt xỉa mày sưng.
Khổ thêm thôi
Chắt chiu, dành dụm chờ thăm nuôi
Tóp mỡ, tôm khô, nếp nấu xôi…
Lệnh đổi tiền bất ngờ giáng xuống
Mất hết gia tài rồi anh ơi
Bạn bè, người thân ít gặp nhau
Vì ai cũng đang mang nặng sầu
Thỉnh thoảng nghe tin người “đi thoát”
Mừng giùm họ, em lại ước ao
Đánh tư sản, rồi kinh tế mới
Xô đẩy bao thân phận lao đao
Chết tức tưởi trên rừng dưới suối
Em ngậm ngùi lo sợ mai sau
Công an khu vực, mắt cú vọ
Tạm trú tạm vắng, rình ngày đêm
Mỗi tháng hội họp tổ dân phố
Khủng bố tinh thần đám dân đen
Chân yếu tay mềm, nào yên thân
Phải đi thuỷ lợi, phải đào kênh
Con khóc, con đau cũng đành chịu
Bởi vì “lao động là quang vinh”
Mẹ già héo hon, rồi đổ bệnh“
Xuyên tâm liên” uống mãi chẳng lành
Mẹ xuôi tay một chiều mưa lạnh
Hơi thở sắp tàn, kêu tên anh
Và còn bao nhiêu điều khác nữa
Em không thể kể hết ra đây
Địa ngục trần gian đang vây bủa
Đồng bào Miền Nam trong đắng cay
Anh đọc thư này cẩn thận nha
Công em dấu kỹ trong gói quà
Quản giáo bắt được thì mệt đấy:
Vợ phản động! Chồng đi mút mùa!
Mai mốt em lại gửi thư “chui”
Nói hết những cảnh khổ khắp nơi
Anh cứ làm bộ “học tập tốt”
Chờ đọc thư em kể chuyện đờiEdmonton, 

Tháng 4 Đen 2022

KIM LOAN

Không có nhận xét nào: