Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

QUÊ HƯƠNG, NIỀM TIN, VÀ LÒNG YÊU NƯỚC - Sơn Nghị


Tôi đặt chân đến đất nước này hơn 40 năm về trước qua diện tỵ nạn chính trị. Là một thuyền nhân, tôi nhận Hoa Kỳ là quê hương thứ hai của tôi. Nói là thứ hai nhưng vì quê hương thứ nhất vẫn còn nằm dưới sự cai trị của bọn cộng sản độc tài, tham lam và ngu xuẩn nên tôi xem Hoa Kỳ gần như là quê hương thứ nhất của tôi, của con cái tôi, của gia đình tôi. Đừng nói tôi mất gốc. Không, tôi vẫn còn nói sõi tiếng Việt. Tôi vẫn yêu đất nước nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, nơi còn mồ mả ông bà tổ tiên của dòng họ tôi, từ ngoài Bắc vào trong Nam. Chỉ vì ghê tởm chủ thuyết cộng sản vô thần, ngu xuẩn, và ngoại lai nên niềm tin của tôi vào quê hương Việt Nam không còn nữa. 
<!>
Trên đất nước Hoa Kỳ, tôi làm lại cuộc đời; một cuộc đời xem như đã mất hoàn toàn sau ngày mất nước. Tôi gầy dựng sự nghiệp thành công và một mái ấm gia đình hạnh phúc trên đất nước này. Tôi đặt hết niềm tin vào đất nước Hoa Kỳ, và tìm thấy hình ảnh quê hương ngọt ngào trên xứ sở đầy dẫy những cơ hội.

Một khi xem đất nước đó là quê hương, ngoài những quyền lợi được hưởng, mỗi công dân đều có bổn phận yêu mến (loving), hổ trợ (supporting), và bảo vệ (defending). Riêng cá nhân tôi lại có thêm một bổn phận nữa. Đó là dùng hết khả năng để phát triển đất nước nơi mình cư trú. Tất cả quyền lợi và bổn phận gắn liền với cuộc sống của mỗi công dân và được gọi nôm na là Lòng Yêu Nước.

Yêu nước là một bổn phận thiêng liêng. Chữ “yêu nước” luôn đi đôi với “Tổ Quốc”, hay thân thương hơn, “Đất Mẹ”. Người ta không gọi đất nước là “quốc gia” nữa nhưng là “Mẹ”. Và nếu xem đất nước là Mẹ thì những người con có bổn phận phải yêu mến, hổ trợ, và bảo vệ người Mẹ thiêng liêng đó. Những đứa trẻ lớn lên đều được thầy cô dạy dỗ về tình yêu nước. Cha mẹ cũng luôn nhắc nhở về bổn phận bảo vệ đất nước.

Thời đại này. Thời điểm này. Tháng 3 năm 2022, hầu như bổn phận đó không còn nằm trong tâm trí người dân Mỹ nữa. The Quinnipiac University – một đại học tư ở Connecticut, kiêm Viện Thăm Dò Ý Kiến – làm một bản thăm dò dân Mỹ với câu hỏi, “Bạn sẽ làm gì nếu đất nước Hoa Kỳ bị xâm lăng như Ukraine, ở lại chiến đấu bảo vệ đất nước hay bỏ chạy ra nước ngoài?”[1] Câu trả lời thật bất ngờ: chỉ có 55% là ở lại chiến đấu để bảo vệ đất nước, 38% sẽ bỏ chạy. Trong số 55% này bao gồm 40% là người theo đảng Dân chủ. Những người theo đảng Cộng hòa yêu nước hơn; có đến 68% sẽ ở lại bảo vệ đất nước. Sự khác biệt giữa những kẻ theo Dân chủ và những người theo Cộng hòa lên đến 28% (68% - 40%) về tinh thần yêu nước.
Bản thăm dò được tóm tắt như sau:

Tổng thể Cộng hòa Dân chủ Độc lập Nam Nữ
Ở Lại Chiến Đấu 55% 68% 40% 57% 70% 40%
Bỏ Chạy 38% 25% 52% 36% 24% 52%
Không Ý Kiến 7% 6% 8% 7% 6% 8%
Nguồn: Quinnipiac University

Nhìn vào cột “Tổng thể”, chỉ nhỉnh hơn một nửa (55%) người Mỹ sẵn sàng hy sinh vì quốc gia, nhưng cũng tạm được, vì cứ hai người thì ít nhất có một người ở lại chiến đấu. Điều rất ngạc nhiên – sốc thì đúng hơn – là hơn một nửa (52%), những kẻ luôn tự hào theo đảng Dân chủ, lại bỏ chạy. Họ không màng gì đến vận mệnh của đất nước này. Trốn chạy đúng như câu tục ngữ, bỏ của chạy lấy người. Không hẳn thế, vì chắc chắn họ sẽ thu vén của cải mang theo trên đường tẩu thoát. Còn 8% nhún vai xin miễn trả lời cũng rất đáng lo ngại, vì họ sẽ bỏ chạy như 52% kia. Một khi lắc đầu không muốn đối diện với sự hy sinh, thì khi chiến tranh xảy ra, chắc chắn họ cũng đào thoát.

Hoa Kỳ là đất nước của di dân. Người tứ xứ tụ về đây lập nên quốc gia Hoa Kỳ, và xem đó là quê hương thứ hai. Theo thủ tục, họ phải chờ đợi để xin vào quốc tịch Mỹ. Nên nhớ là phải làm đơn xin chứ không phải sinh sống trên đất nước này một thời gian nhất định nào đó rồi tự nhiên được mang quốc tịch Mỹ. Đó là một đặc ân, không phải đặc quyền. Dĩ nhiên, mỗi thuờng trú nhân có quyền nộp đơn xin vào quốc tịch, và ứng viên phải học, và hiểu biết những điều căn bản về đất nước Hoa Kỳ. Nếu không qua được cuộc phỏng vấn, chính phủ có quyền từ chối không cấp quốc tịch cho các thuờng trú nhân. Như thế, trở thành công dân của đất nước Hoa Kỳ không phải là quyền tự nhiên đối với các di dân.

Một khi trả lời thông suốt những câu hỏi trong đợt phỏng vấn, ứng viên trở thành công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng phải đợi đến ngày tuyên thệ. Ngày đó, họ nghiêm trang đứng dưới lá cờ Hợp chủng quốc và đưa tay lên thề theo đúng thủ tục “Nhập tịch Tuyên thệ trung thành với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, trong đó điều Ba[2] quy định rằng “Hỗ trợ và bảo vệ Hiến pháp và luật pháp của Hoa Kỳ chống lại tất cả các kẻ thù, bên ngoài và trong nước.” Khi đưa tay lên thề, họ mặc nhiên ký vào một khế ước thiêng liêng giữa họ và đất nước này. Nếu đó là lời thề thì phải giữ và thi hành. Mỗi công dân cần hiểu cặn kẽ quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với quốc gia nơi mình sinh sống, nhất là lúc đất nước bị ngoại bang xâm lăng hoặc chủ quyền bị đe dọa. Như Cornudet, một nhà dân chủ trong truyện Boule De Suif của Guy de Maupassant, rất chí lý khi đưa ra nhận xét: “chiến tranh thật sự dã man khi người ta tấn công một nước láng giềng đang sống yên lành, nhưng khi ta đứng lên bảo vệ Tổ quốc thì đó là một bổn phận thiêng liêng.”

Nếu số người quyết định bỏ chạy lên đến 38%, nếu 38% số người không xem đó là bổn phận thiêng liêng thì có lẽ Sở Di Trú cần xét lại bản Tuyên Thệ và loại bỏ điều Ba trên, hoặc giả đặt điều kiện khắt khe hơn khi xét đơn xin nhập tịch. Điều Ba nêu trên cũng ràng buộc đối với những kẻ, không phải di dân, sinh ra trên đất nước này.

Thật trớ trêu khi trong thời đại này người ta đề ra không biết bao nhiêu là chủ thuyết, không thiếu những nhà hoạt động đề ra các nguyên tắc nhằm bảo vệ công bằng xã hội, kể ra không hết các tổ chức đứng ra bảo vệ quyền làm người, và các quyền tự do khác… nhưng rõ ràng xã hội này thiếu hẳn những tổ chức cũng như cá nhân kêu gọi và cổ xúy tình yêu nước.

Phần lớn những độc giả lớn lên ở miền Nam đều biết Edmondo De Amicis (1846-1908), tác giả người Ý, viết cuốn Cuore vào năm 1886 và Hà Mai Anh dịch sang tiếng Việt năm 1932 với tựa đề Tâm Hồn Cao Thượng. Cuore tiếng Ý nghĩa là trái tim. Đây là những bài học vỡ lòng ở bậc Tiểu học, nhằm dạy cho con trẻ biết về tính nhân bản, lòng nhân hậu, và đặc biệt lòng yêu nước.

Câu truyện thứ 9 trong sách có tựa đề: Lòng Yêu Nước của Cậu Bé Thành Padova. Thằng bé gầy còm ốm yếu đi trên chuyến tàu đi từ Barcelona đi Genoa để về quê Padova. Hành khách đa số là người ngoại quốc, và dĩ nhiên, cũng có một vài người Ý. Số phận nó long đong vì cha mẹ bán nó cho một ông chủ gánh xiếc. Nó lưu lạc theo gánh xiếc đến Tây-ban-nha rồi không chịu nổi đời sống cơ cực nên bỏ trốn. Tòa lãnh sự Ý trên đất Tây-ban-nha thương tình gửi thằng bé trên chuyến tàu để giúp nó về quê. Trông thằng bé ốm nhom rách rưới chỉ vì luôn thiếu ăn thiếu mặc, nên hành khách trên tàu lại tưởng nó là đứa ăn xin. Có ba hành khách ngoại quốc hào sảng ném cho nó khá nhiều đồng tiền. Nó sung sướng vơ hết tiền bỏ vào túi. Một lúc sau, ba hành khách ngà ngà say kể lể về kinh nghiệm của những chuyến du hành. Khi nói về nước Ý, cả ba phàn nàn và chê bai phong tục nước Ý không tiếc lời. Họ đua nhau nói xấu như dân tộc Ý ngu dốt, ăn cắp, mù chữ…v..v. Đang nói xấu ngon trớn, bỗng một trận mưa đồng tiền tạt vào mặt ba hành khách và rơi tung tóe trên mặt bàn. Thằng bé ăn xin ló đầu vào và hét: Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những người kẻ đã lăng mạ nước ta.

Một đứa bé, chỉ mới 11 tuổi, đã sớm biết yêu đất nước, biết bảo vệ thanh danh của dân tộc mình. Chắc chắn thằng bé này lớn lên, nếu đất nước Ý bị xâm lăng, nó sẽ ở lại để chiến đấu bảo vệ, cho dù phải hy sinh mạng sống.

Guy de Maupassant (1850-1893), một nhà văn Pháp nổi tiếng vào cuối thế kỷ 19, viết truyện ngắn “Boule De Suif” kể về một cô gái điếm. Cô gái điếm trong Boule De Suif là Élisabeth Rousset. Cô có khuôn mặt đẹp nhưng người tròn trĩnh, đẫy đà nên được gọi là Thùng Nước Lèo (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), và các bản dịch sau này gọi là Viên Mỡ Bò. Hỗn danh của cô được Maupassant đặt tiêu đề cho câu truyện – Boule De Suif.

Bối cảnh là cuộc chiến tranh Pháp-Phổ (Đức sau này). Quân Phổ chiếm đóng nước Pháp. Viên Mỡ Bò dù là cô gái điếm nhưng lại có ý thức sâu sắc và căm thù bọn xâm lăng. Thêm vào đó, lòng tốt của cô và sự chân thành, vươn cao hơn hẳn sự hèn nhát, vị kỉ, giả dối của bọn tư sản quý tộc. Cô nổi điên dễ dàng khi thấy bóng dáng bọn lính Phổ tràn lan trong thành phố. Cô nghĩ giá mình là đàn ông thì dám “nhảy xổ ra bóp cổ thằng lính Phổ đầu tiên.”

Ba cặp vợ chồng quý tộc tư sản, và 2 nữ tu, và Cornuder – thuộc đảng Dân chủ, và Élisabeth Rousset muốn thoát khỏi Rouen, đang bị quân Phổ chiếm đóng, để đến Le Havre – thành phố còn nằm dưới quyền của Pháp. Trên chuyến đi, cỗ xe ngựa lọt vào vùng quân Phổ và mọi người bị giam lỏng. Một sĩ quan Phổ muốn ngủ với Élisabeth, và đổi lại, hắn sẽ cho tất cả 10 người lên đường đến Le Havre. Cô nhất định cự tuyệt: “Ông hãy bảo cái thằng chó chết, cái thằng thổ tả, cái thằng Phổ thối tha ấy, rằng không đời nào, không đời nào, không đời nào!”

Điều trớ trêu là đang lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, Cornudet lại tỏ ý ve vãn, muốn ngủ với cô gái điếm: “Sao cô ngốc thế! Nghề của cô ngủ một đêm thì mất gì?” Ngay câu nói của Cornudet là một sự lăng nhục trắng trợn nhưng chính trị gia dân chủ vẫn điềm nhiên xem như chuyện bình thường vì ông coi bán thân là nghề hạ tiện nhất trong xã hội. Élisabeth trả lời: “Không, ông ạ! Có những lúc không thể làm được chuyện ấy, với lại, ở đây, làm thế là một điều sỉ nhục.” Khi Cornudet tỏ vẻ không hiểu, cô hét lớn: “Tại sao? Có thế mà ông không hiểu à? Bọn Phổ đang ở trong nhà. Có thể chúng đang ở ngay phòng bên cạnh.”

Sau cùng, vì lợi ích của đoàn người, Élisabeth đành phải hy sinh ngủ với tên sĩ quan Phổ. Điều mỉa mai là trên quãng đường còn lại đến Le Havre, các bà lại lộ vẻ ghê tởm nghề làm điếm, ngay cả Cornudet và những đàn ông quý tộc cũng tỏ ý khinh bỉ Élisabeth.

Guy de Maupassant viết truyện này nhắm vào tầng lớp thống trị, những kẻ xem là trí thức, học giả, quyền thế, giàu có nhưng khi đất nước suy vong, chính họ là những kẻ trốn chạy, chính họ là những kẻ từ chối trách nhiệm, chính họ là những kẻ cười cợt trên tinh thần yêu nước, ngay cả đó là lòng yêu nước của một cô gái điếm.

Đã có người đề nghị đổi tựa đề câu truyện là “Con Đĩ Yêu Nước.”

Maupassant viết câu truyện “Con Đĩ Yêu Nước” đã hơn một thế kỷ, và thấp thoáng hình ảnh những tầng lớp quý tộc, học giả, quyền thế, giàu có vẫn tồn tại trong thời đại này. Không biết hạng đĩ điếm yêu nước như Élisabeth ngày nay còn không, vì rõ ràng tầng lớp bán trôn cũng có trách nhiệm bảo vệ đất nước như mọi công dân khác. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Đây chỉ mới nói đến sự phát triển và suy vong của đất nước, và đặc biệt sự sống còn của dân tộc mỗi khi chiến tranh xảy ra thì ngay cả thất phu – những kẻ bình thường – chứ không riêng gì những kẻ trượng phu: tất cả đều có trách nhiệm như nhau, kể cả những “con đĩ yêu nước” của Maupassant.

Gần 40% người dân sẽ bỏ chạy nếu đất nước bị xâm lăng, một số phần trăm rất đáng lo ngại. Điều này phản ảnh niềm tin của người dân vào đất nước này đang tàn lụi, đặc biệt trong nội bộ đảng Dân chủ với con số 52% sẵn sàng đào tẩu hơn là hy sinh cho vận mệnh của đất nước Hoa Kỳ. Niềm tin phai nhạt không thể xảy ra một sớm một chiều, nhưng là hậu quả của những đợt tấn công vào những giá trị cốt lõi của Hiến pháp Hoa Kỳ từ nhiều thập niên qua.

Cuộc tấn công bắt đầu từ những vị dân cử, như dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez phát biểu trước Quốc hội về vai trò của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, “Tối cao Pháp viện hiện tại có giúp ích gì cho chúng ta không? Tôi nghĩ là không.” Cô dân biểu này sẵn sàng tấn công vào các cơ quan ban ngành trong cấu trúc chính trị mỗi khi họ đưa ra những quyết định đi ngược lại ý muốn của cô, và cô đề nghị nên loại bỏ ban ngành đó; như trường hợp trên, cô đề nghị nên loại bỏ Tối cao Pháp viện.

Elie Mystal, luật gia tốt nghiệp Harvard, học giả, chủ bút trang The Nation, tác giả cuốn sách Allow Me to Retort: A Black Guy’s Guide to the Constitution, trong đó ông đề nghị nên loại bỏ hoàn toàn bản Hiến pháp hiện nay. Rất nhiều người, kể cả các luật sư, đồng ý với Mystal và đồng thanh tuyên bố: bản Hiến pháp chỉ là rác rưởi. Những học giả khác, như Giáo sư Đại học Georgetown Eddie Glaude, mạnh dạn đề nghị loại bỏ hoàn toàn bản Hiến pháp, và viết lại một bản mới phù hợp với người dân hơn là cứ chắp vá sửa đổi qua những Tu chính án. Ông nói, “Cứ mỗi đứa bé sinh ra đều bị sợi dây rốn của giai cấp da trắng thượng đẳng quấn ngang cổ đến chết ngạt.”

Bản Hiến pháp được viết từ hơn 200 năm trước và dựa vào bối cảnh trong giai đoạn đó. Xã hội tiến hóa, suy nghĩ con người cũng thay đổi theo nên có những điểm bản Hiến pháp không còn phù hợp. Vì thế mới có các Tu chính án nhằm điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh xã hội thời nay. Tuy vậy, những điểm cốt lõi của bản Hiến pháp vẫn còn giá trị, như những quyền căn bản của con người, quyền về đời sống, bảo đảm tự do, kinh tế tự do cạnh tranh, và quyền theo đuổi hạnh phúc của mỗi cá nhân. Không thể vì một vài yêu cầu hoặc đòi hỏi không được đáp ứng mà ngang nhiên đòi vứt bỏ bản Hiến pháp.

Một khi bản Hiến pháp không được tôn trọng, lập tức người dân không còn niềm tin về quốc gia nơi mình đang sống. Một khi niềm tin phai nhạt hoặc tệ hơn, mất hẳn, thì họ không còn lý do gì để bảo vệ sự sống còn của quốc gia, đừng nói đến chuyện hy sinh cho đất nước này.

John F. Kennedy, đảng Dân chủ, trong diễn văn nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/1961 đã hùng hồn tuyên bố: “Hãy cho mọi quốc gia khác biết điều này, cho dù họ mong muốn chúng ta khỏe hay yếu, chúng ta sẽ phải trả bất cứ giá nào, chịu bất cứ gánh nặng nào, chấp nhận bất kỳ khó khăn nào, ủng hộ bất kỳ bạn hữu nào, và chống lại bất cứ kẻ thù nào để bảo đảm sự sống còn và thành quả của tự do.”

Liệu người dân Hoa Kỳ còn nhớ và mạnh dạn đáp ứng lời hiệu triệu của vị tổng thống quá cố này không? Riêng tôi, nếu Việt nam – quê hương thứ nhất – bị bất cứ ai xâm lăng, tôi sẵn sàng đứng bên cạnh những người cộng sản, cho dù tôi chẳng ưa họ, để chiến đấu bảo vệ sự sống còn của dân tộc tôi.

[1] https://poll.qu.edu/poll-release?releaseid=3838; Câu hỏi “What would Americans do?” và bản kết quả thăm dò: “8. If you were in the same position as Ukrainians are now, do you think that you would stay and fight or leave the country?”

[2] https://www.uscis.gov/citizenship/learn-about-citizenship/the-naturalization-interview-and-test/naturalization-oath-of-allegiance-to-the-united-states-of-america

Trinh Nguyen

Không có nhận xét nào: