Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Tìm lại báo Xuân xưa - Fb Nguyen Chinh

 

Ngày xưa, hằng năm cứ vào thời điểm này là các báo chuẩn bị tung ra thị trường tờ Báo Xuân, hay gọi nôm na là Báo Tết. Dĩ nhiên là nội dung tờ báo sẽ nhắm vào ngày Tết để độc giả nhâm nhi đọc trong những ngày Xuân. Cũng có khi, tờ báo Xuân nằm trên bàn để tiếp khách mà ngay đến chủ nhà cũng chưa hoặc không đọc. Tờ báo in sặc sỡ với hình ảnh các cô gái cười tươi như hoa hay những bức hình “hoa hòe, hoa sói” chỉ để trang trí cho hợp với không khí Tết. Ấy thế mà thiếu một hoặc nhiều tờ trên bàn người ta lại như thấy thiếu hương vị Tết!
<!>
Ngày xưa dùng kỹ thuật “typo” để in báo. Các con chữ, hay mẫu tự được đúc bằng chì hoặc kẽm, được xếp trong từng ngăn riêng biệt để thợ sắp chữ lấy ra theo bản thảo do nhà văn hay nhà báo viết.
Sau khi nội dung bài báo được “thợ sắp chữ” hoàn tất là đến công đoạn của “thợ cả”, hay còn gọi là “chef typo”, chịu trách nhiệm đọc lại.
Bản “morasse”, tức là bản in thử trên tờ giấy có thấm nước, còn được “thầy cò” kiểm soát nhiều lần mới trở thành bản in chính. Cuối cùng, với chữ ký của Tổng Thư ký tòa soạn bài viết được chính thức in thành báo.
Nhà văn Văn Quang, hiện vẫn còn ở Sài Gòn, tâm sự về một “tai nạn nghề nghiệp” của mình trong việc làm báo Xuân:
“Tôi đã từng làm ở tòa soạn báo, từ anh viết bài đến anh “thầy cò” rồi nhảy lên làm Trưởng ban biên tập và làm Chủ bút báo Chiến Sĩ Cộng Hòa của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà. Hồi đó báo ra bán nguyệt san, mỗi kỳ 200.000 số. Một con số xuất bản lớn nhất vào thời đó. Báo được Bộ Quốc Phòng tài trợ và gọi đấu thầu, nhà in tư nhân đảm trách việc in ấn.
“Tôi là người chịu trách nhiệm sửa và ký tên vào bản “dernière morasse” tức là bản vỗ cuối cùng. Sau này làm thêm tờ Thông Tin Chiến Sĩ ra hàng tuần nữa càng vất vả hơn. Tòa soạn chỉ vỏn vẹn có chừng chục người,
“Năm nào báo Chiến Sĩ Cộng Hòa cũng ra báo Xuân như thường lệ. Năm đó, có lẽ là vào năm 1960, khi đó Đại Tướng Lê Văn Tỵ làm Tổng Tham Mưu Trưởng QĐVNCH. Mỗi năm thường có một “Thư chúc Tết” của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng được đăng trên báo Xuân Chiến Sĩ Cộng Hoà.
“Khi báo ra chúng tôi đưa lên trình văn phòng Đại Tướng. Không hiểu tại sao cuối thư đó lại ký tên “Đại Tướng Lê Văn Ỵ”. Thì ra tên của ngài bỗng mất biến đi chữ T … Tôi mở tờ báo ra xem, quả nhiên là chữ Tỵ mất biến chữ T ở trước, thành ra là Đại Tướng Lê Văn Ỵ. Tôi choáng người, cầm chắc đi tù rồi còn gì. Tôi gọi nhà in, đòi xem bản vỗ cuối cùng. May quá, bản vỗ cuối cùng còn nguyên chữ T … (hết trích)
Các giai phẩm Xuân ở miền Nam từ khoảng giữa thế kỷ 20 và cho đến sau này thường có nội dung, bài vở không khác nhau là mấy với các mục như “Lá sớ Táo quân”, thơ ông Táo viết cho độc giả để báo cáo về những chuyện nổi bật trong năm. Bài viết cho báo Xuân còn có phần nghiên cứu, Xuân con gì kể chuyện con đó, hoặc hình thức ăn Tết ở các nước.
Ngoài ra còn có trang dành cho thiếu nhi, trang “Tử vi đẩu số” trong cả năm hoặc “năm nay hợp với những người tuổi con gì”. Bên cạnh đó là những mục vui cười với các câu chuyện vui “ba ngày Tết”, lại còn có cả tranh khôi hài.
Theo một số nghiên cứu, giai phẩm Xuân là “đặc sản” của riêng nền báo chí Việt Nam, rất ít nước nào trên thế giới có được. Người ta cũng cho rằng Tết Mậu Ngọ 1918, tờ Nam Phong lần đầu phát hành giai phẩm Xuân.
Bài chính của tờ Tết Nam Phong là “Kính chúc hoàng thượng và quan toàn quyền” ký tên Nam Phong với nhiều câu chữ tung hô “có cánh” nghe “rất chói tai” như: “Chúc hoàng thượng sống lâu muôn tuổi trị vì mãi mãi cõi Việt Nam này”, “Chúc quan toàn quyền phúc lành đầy đủ, mẫu quốc tín nhiệm, cầm quyền chính trị cõi Đông Dương, đầy tháng lâu năm, cho dân thuộc quốc được hưởng nhờ công gây dựng, ơn khai hóa bấy lâu nay” và “Hoàng thượng cùng với quan toàn quyền đồng tâm hiệp lực mưu những việc ích quốc lợi dân, nước ta dân ta thực có thể trông mong sắp đến ngày tái tạo”…
Bài “Số Tết của báo Nam Phong” ký tên Phạm Quỳnh viết: “Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình … bèn định in riêng ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường … sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới”. Có lẽ vì hai chữ “để tặng” và không thấy đề giá bán nên có nhà nghiên cứu đã cho rằng số báo này “chỉ để tặng, không bán”.
Gần đây, qua thư tịch người ta phát hiện “Số Tết 1918” không đánh số thứ tự của tờ Nam Phong được in tại Đông Kinh ấn quán, 14-16 Rue du Coton-Hanoi. Có thể là tờ báo Xuân xưa nhất “còn nguyên vẹn” của làng báo Việt.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng Chạp năm Đinh Tỵ, tức ngày 30/1/1908, mới là số báo Xuân đầu tiên của báo chí Việt.
Sơn Nam mô tả: “Số đầu năm không có gì lạ về hình thức trình bày. Báo đăng tải một bài “Kỉnh hạ tân niên” tức là lời chúc đầu năm của tờ báo:
Sắc núi sông như cựu
Tượng trời đất duy tân
Chúc lục châu quan sĩ quân dân
Năm ngoái bởi mưa nhiều ướt át
Thương những người động tác vô công
Chắc năm nay thuận võ điều phong
Như non của chất, đầy đồng lúa vun
Nước giàu dân đặng thung dung
Non sông tấn bộ sánh cùng cõi Âu
No say chung cả một bầu
Lợi quyền bình đẳng đọc câu ấy hoài
Danh vinh, phận quí lâu dài
Tân Văn nhựt báo kính bài mừng chung
Cung hỉ cung hỉ, phát tài phát tài…
Ba ngày xuân xin kiếu, xin nghỉ một kỳ nhựt trình.
Bổn quán đốn thủ”
Nếu tin vào mô tả của nhà nghiên cứu Sơn Nam thì Lục Tỉnh Tân Văn là tờ báo đầu tiên làm báo Xuân dù chưa hoàn toàn như báo Xuân sau này.
***
Đặc biệt nhất là khi nhìn ngắm lại hình thức của những giai phẩm Xuân xưa, người ta không khỏi nhận ra một trong những điểm nổi bật nhất đó là hình ảnh của những giai nhân luôn chiếm lĩnh vị trí nổi bật trên bìa báo.
Những khuôn mặt tươi tắn mang đậm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam được vẽ lại bằng những nét cọ tinh tế hay bằng ống kính nhiếp ảnh như càng làm tăng thêm sức sống, sự trong trẻo và dịu dàng cho mỗi bìa báo Xuân.
Giai phẩm Xuân “Ngày Nay” phát hành năm 1937, với bìa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ruột có nhiều phụ bản đẹp. Giai phẩm Xuân “Ngày Nay” phát hành năm 1938, với bìa của Right, tức họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Giai phẩm Xuân “Phong Hóa” phát hành năm 1934, với bìa của họa sĩ Lemur (Cát Tường).
Một số họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như Mạnh Quỳnh, Hoàng Tích Chù, Tú Duyên lúc đó có vẽ minh họa cho báo Sài Gòn Mới (số Xuân 1952), báo Mới (số Xuân Quý Tỵ 1953)… Cũng có nhiều họa sĩ xuất thân từ trường Trang trí Gia Định, có vài người tuy không học qua trường lớp nhưng có năng khiếu hội họa cũng tham gia.
Báo Ánh Sáng năm Canh Dần 1950 có các họa sĩ Bình Thành và Mai Hoàng Minh; báo Tiếng Chuông 1951 có các họa sĩ Thế Chương, Hưng Hội, Nguyễn Văn Mười, Bình Thành. Ngoài ra, có họa sĩ Phan Khánh vẽ cho tờ Buổi Sáng.
Trên tạp chí Sáng Dội Miền Nam có tranh của Tạ Tỵ, người từng học trường Mỹ thuật Đông Dương và là họa sĩ tiên phong theo trường phái lập thể ở Việt Nam. Họa sĩ Lê Trung chuyên vẽ bìa cũng tham gia minh họa trên báo Sài Gòn Mới số Xuân.
Một họa sĩ cũng được chú ý là Lê Minh. Ông tốt nghiệp trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, chuyên minh họa và vẽ bìa báo từ trước và sau năm 1960. Ông vẽ hình tượng nhân vật luôn là những cô gái đẹp, mắt to, vóc dáng cân đối và cả những thanh niên điểm trai với mái tóc bồng bềnh!
Nhân vật của Lê Minh tả hao hao giống của họa sĩ Lê Trung nhưng lại hấp dẫn hơn, được tả chi tiết từ mái tóc đến bàn tay, nếp gấp tà áo đến đôi bông tai. Lúc đó, giấy in báo dồi dào và có chất lượng tốt nên tranh ông vẽ được in sắc sảo, đến giờ còn thấy đẹp.
Cũng phải kể đến họa sĩ Vivi người đã bắt đầu đăng truyện tranh đầu tiên trên báo Tuổi Xanh năm 13 tuổi (1958). Năm 1964, ông đậu vào trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và cũng bắt đầu vẽ cho nguyệt san Tuổi Hoa với bút hiệu Vivi, ghép từ hai chữ đầu Việt Nam và Vĩnh Long, nơi ông chào đời.
***
Kể từ khi chuyển kỹ thuật in từ “typo” sang “offset”, giai phẩm Xuân mang hình thức đẹp từ bìa đến ruột, vai trò của tranh vẽ được đẩy mạnh hết mức. Điều này thể hiện sự quan tâm của giới chủ báo đến tính mỹ thuật của tờ báo như một cách thu hút độc giả quan trọng.
Hình bìa những tờ Báo Xuân thường bao giờ cũng có những người đẹp, những giai nhân đủ loại từ ca sĩ đến tài tử màn ảnh, từ cô gái nông thôn đến thành thị … uốn lượn đủ kiểu trên sạp báo còn hơn là một cuộc thi sắc đẹp.
Như vậy, người mua báo và thậm chí cả người chỉ thấy báo Xuân bày bán trên sạp, đều thấy thích thú với Báo Xuân. Mỗi năm chỉ có một dịp “năm hết Tết đến” mới có cảnh báo Xuân khoe sắc tựa như cuộc thi hoa hậu ngày nay!
Fb Nguyen Chinh

Không có nhận xét nào: