Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

PHIÊN TRỰC CUỐI NĂM - PHẠM PHONG DINH -

 Nhà xác Bệnh Viện Quân Dân Y tỉnh trong tháng cuối năm đột nhiên nhận nhiều thi thể hơn những tháng mùa thu. Chiến sự nổ lớn khắp đất nước, thương binh được từng đoàn xe GMC ùn ùn chở vào nằm chật trong những phòng ngoại thương, đến nỗi ban giám đốc quyết định đưa những người lính sang nằm tạm bên khu nội khoa. Những chiếc giường vải kaki dã chiến còn một ít trong kho tiếp liệu được đem ra dùng làm giường bệnh, nhưng vẫn không đủ. Đến lúc cả khu nội khoa cũng thiếu luôn giường, bởi vẫn có nhiều thường dân còn nằm trong đó, người ta lại cho căng những tấm lều bạt lớn lên bất cứ những khoảnh đất trống nào còn có thể.

<!>

                Bệnh nhân, thương binh nhiều quá, con số bác sĩ và y tá thì có giới hạn, nên bệnh viện buộc phải kêu cứu về Sài Gòn. Người ta cân nhắc, nghĩ ra một phương pháp tạm thời, là cho phép tăng thêm số sinh viên y khoa nội trú, nhưng phải về làm việc ở những bệnh viện quân dân y tỉnh đang có nhu cầu.

Giải pháp thứ hai mà Cục Quân Y, là cơ quan chỉ huy quản trị các tổng y viện, quân y viện và quân dân y bệnh viện, là đã đệ trình lên Bộ Tổng Tham Mưu từ những năm qua một kế hoạch huấn luyện các sĩ quan trợ y quân đội để thứ nhứt đưa những trợ y sĩ này về làm y sĩ trưởng các tiểu đoàn bộ binh, thứ hai bổ sung vào thành phần chuyên viên y khoa quá thiếu hụt ở các quân y viện. Chương trình huấn luyện các trợ y sĩ được thiết kế trong mười hai tháng, các sĩ quan, thường là các tân chuẩn úy từ các Trường Bộ Binh Thủ Đức và Đồng Đế sẽ trải qua một học trình gồm sáu tháng lý thuyết và sáu tháng thực tập.

Ở thời điểm Bệnh Viện Quân Dân Y tỉnh kêu cứu, các Trợ Y Sĩ Chuẩn Úy Thái và Chuẩn Úy Hoàng đang trong thời kỳ thực tập ở Tổng Y Viện Cộng Hoa được gọi nhận sự vụ lệnh về trình diện ông bác sĩ giám đốc bệnh viện Quân Dân Y tỉnh. Vừa trình diện ông Thiếu Tá Chỉ Huy Truởng Quân Y Viện xong, ông Thiếu Tá cho người đưa hai ông tân Trợ Y Sĩ sang khu Nội Khoa. Đến lượt ông Đại Úy Trưởng Khu đẩy hai anh chàng ngơ ngác nai vàng xuống ngay các giường bệnh. Ông Đại Úy có dáng đạo mạo của một ông bác sĩ dân sự, tuy đi lính đã lâu mà cái vẻ trí thức vẫn còn in đậm trên cái kính nhốp dầy cộm của ông. Ngồi sau cái bàn giấy rộng thênh thang ông bác sĩ trệ cặp kính xuống hỏi:

-Ông Đại Tá Chỉ Huy Trưởng có khám giày các cậu mỗi sáng Thứ Hai không?

Thái đứng nghiêm trả lời:

-Trình Đại Úy bác sĩ, Đại Tá Chỉ Huy Trưởng luôn duyệt hàng quân và khám giày sinh viên sĩ quan mỗi sáng Thứ Hai  chào cờ rất nghiêm nhặt, nhưng chúng tôi may mắn luôn đứng phía sau các anh sinh viên y sĩ nên thường là thoát ạ.

Ông Đại Úy mỉm cười trước câu trả lời tếu của Thái, ông ra dấu:

-Mấy cậu đứng xịch qua một bên cho moa xem giày các cậu. Ừ cũng tạm được, chứ nếu các toa là dân Võ Bị mà giày vớ ấm ớ như thế thì moa cứ là cho các toa chạy mười vòng sân bệnh viện.

-Dạ, chúng em cám ơn bác sĩ.

- Ngày xưa moa hay bị cụ Đại Tá chiếu tướng vì moa to con, đẹp giai, bọn bạn đểu đẩy moa lên trước, thế mới khổ. Các cậu đã học được gì ở Trường Quân Y và Tổng Y Viện Cộng Hòa?

Đến lượt Chuẩn Úy Hoàng trả lời:

-Trình bác sĩ, bọn em học đủ thứ từ lý thuyết đến thực hành...

Ông Đại Úy khịt mũi:

-Đủ thứ là đủ thứ thế nào. Y khoa biển học mênh mông, chỉ học mỗi món cắt thịt nối xương là cũng đủ mướt mồ hôi hồi.

Hoàng lúng túng thấy rõ:

-Dạ, thì trường dạy gì thì tụi em học nấy ạ.

Đại Úy cười:

-Mấy cậu trẻ con này không biết trời cao đất rộng là thế nào. Thôi cứ xuống trại rồi mấy cụ y tá hướng dẫn thêm cho. À mà này các cậu có chỗ ở ngoài phố chưa?

Thái không trả lời câu hỏi của ông bác sĩ:

-Dạ trong bệnh viện còn có chỗ nào trống cho tụi em ngụ đỡ không?

Ông Đại Úy sờ cằm suy nghĩ:

-Hừm, có thì cũng có đấy, nhưng biết mấy toa có dám ở không?

Thái ngạc nhiên hỏi:

-Bác sĩ muốn nói gì ạ, chẳng lẽ tụi em phải ở với ma à?

Câu hỏi của Thái cũng có cái lý đúng của nó, bởi từ dân thường cho đến lính tráng khi có việc vào nằm trong nhà thương, thì người ta luôn nghĩ đến những câu chuyện ma rùng rợn. Những câu chuyện ma này không biết khởi đầu xuất phát từ nguồn nào, nhưng qua nhiều sự tam sao thất bản, tình tiết éo le gay cấn càng được pha chế cho nồng độ của sự rùng rợn đậm đặc hơn

-Hừ, gần đúng như vậy, còn mấy căn phòng gần bên, e hèm... nhà xác, các toa có muốn thì moa cấp cho. Nhưng các toa đừng quá bi quan, các cụ thường nói đức trọng quỷ thần kinh, trông các cậu hiền lành thế kia chẳng ma nào nỡ nhát đâu.

Hai chàng sĩ quan trẻ nào đâu biết rằng ông bác sĩ chỉ nói đúng có một nửa sự thật. Nếu có những căn phòng tốt thế kia thì hẳn phải có người ở từ lâu, đâu cứ nhẩn nha bỏ trống chờ các chàng đến. Phải có cái lý do tại sao người ta không dám ngụ cư bên cạnh nhà xác chứ. Chỉ mới nghe nói đến hai tiếng NHÀ XÁC là con tim đã đủ rờn rợn. Nhưng suy đi tính lại, Thái và Hoàng cân nhắc thấy không còn sự chọn lựa nào khác, đành phải miễn cưỡng chấp nhận:

-Dạ tụi em cảm ơn bác sĩ.

Ông Thượng Sĩ thường vụ của bệnh viện dẫn hai chàng trợ y đi ngoằn ngoèo mấy lối, cuối cùng dừng lại trước một căn nhà tiền chế ngăn nhiều phòng. Người thượng sĩ già hẳn đi lính từ thời các chàng còn bé tí, tô hô tê hê chạy tắm mưa ngoài trời, ông chỉ hai căn phòng ngoài cùng nhất:

-Cái nhà này lúc trước người Mỹ họ dựng lên để cho toán quân y làm việc. Khi họ rút về nước rồi thì bệnh viện sửa chữa chút ít làm nơi trú ngụ cho các quân nhân vãng lai. Còn hai phòng trống mấy thiếu úy cứ tùy nghi sử dụng.

Đến lượt ông thượng sĩ thường vụ chỉ cho biết có một nửa sự thật, bởi căn nhà tiền chế này là nơi người ta quàn xác lính Mỹ tử trận, phòng ốc được thiết trí máy lạnh. Để làm gì. Eo ơi, là để các nhân viên phẫu nghiệm làm công việc lấy phủ tạng xác chết tránh sự thối rửa nhanh chóng, lau gội thi thể sạch sẽ, rồi cho vào áo quan gởi ra phi trường đưa tử sĩ về cố hương. Quân nhân, nhân viên, y tá làm việc lâu năm trong bệnh viện, không mấy ai dám léo hánh đến khu nhà xác, chỉ miễn cưỡng lắm vì công tác thì mới đặt bước vào đây. Ban đêm thì càng không ai có can đảm mò vào nơi âm u nồng nực mùi tử khí này.

Căn nhà nằm im lìm giữa một khu vườn chuối hoang rậm rạp. Nhiều thân chuối vươn lên cao dễ đến gần bốn thước, tàng lá tỏa ra xum xuê, làm khoảng không gian bao trùm lên căn nhà tối sầm. Căn nhà tiền chế nằm nép mình dưới những tàng lá chuối quanh năm không có mấy ánh sáng mặt trời len lách chiếu xuống được, càng làm tăng thêm cái vẻ hoang sơ rùng rợn, khiến hai chàng chuẩn úy lạnh lòng nghĩ đến những câu chuyện ma từng được nghe kể khi còn học ở Trường Quân Y và thực tập ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Càng tệ hại hơn, khi căn nhà xác nằm cách căn nhà tiền chế Mỹ chừng mươi thước, chềnh ềnh hiện ra chắn lấy tầm nhìn của Thái và Hoàng.

Thái ớn lạnh tưởng tượng đằng sau những cánh cửa đóng im ỉm kia, hàng dài áo quan nằm xếp hàng câm nín bên những lon khói hương nồng mùi trầm và những ngọn đèn cầy đỏ cháy leo lét. Vong hồn tử sĩ còn luyến tiếc cõi dương gian chắc vẫn lẩn quẩn đâu đó trong căn nhà xác, chỉ chờ đêm tối xuống là hiện lên đi lang thang rên rỉ, kêu khóc vì nỗi nhớ thương cha mẹ, vợ con mãi mòn mỏi trông chờ ở quê nhà. Hoàng chỉ vào những căn phòng khác đóng kín cửa:

-Còn những chỗ kia thì thế nào?

-À, chỉ là những nơi người ta làm nhà kho tồn trữ thuốc men, hóa chất và dụng cụ dùng trong nhà xác. Thiếu úy đừng lo, khi có nhu cầu thì ban ngày lẫn ban đêm trung đội chung sự sẽ cử lính đến làm việc, lúc nào cũng có người.

-Thượng sĩ nói như vậy là có nghĩa như thế nào?

Ông già cười gượng:

-Mấy ông cũng thừa biết người ta đồn đại đủ thứ chuyện quanh khu nhà xác này, nên tôi nói thế thì mấy ông thầy cũng hiểu rồi.

-Thượng sĩ muốn nói chuyện ma hiện?

Ông thượng sĩ lùa mấy ngón tay lên cái đầu tóc ngắn ngủn:

-Thì... thì... cũng đại khái thế. Nhưng mà tôi thường đi xuống nơi này nhiều lần, nào có thấy ma quỷ gì. Ôi dào, âm dương hai ngã, ma sống đường ma, ta sống đường ta, sợ quái gì!

Chợt ông thượng sĩ nhớ ra một chuyện quan trọng:

-Mấy ông định ăn cơm ở đâu đấy? Có cái câu lạc bộ nhỏ trong này do... tôi trúng thầu. Vợ tôi có nấu cơm tháng, mấy ông thích thì chúng tôi nấu cho, bảo đảm ngon, rẻ, bổ dưỡng, cơm ăn tự do. Đi ăn ngoài phố vừa xa vừa tốn kém, mấy ông thầy thấy sao? Hề hề, chúng tôi có nhận ký sổ...

Lời đề nghị của ông chủ thầu câu lạc bộ đến đúng lúc, hai chàng trợ y hài lòng lắm, còn trăng sao gì nữa, bước có mấy bước là đã có cái ăn rồi. Ông già lại khều thêm:

-Câu lạc bộ chúng tôi còn nhận giặt ủi may vá sửa quần áo xi vin và quân phục với giá phải chăng, mấy ông thầy...

Hoàng khoát tay:

-Được rồi, thượng sĩ khỏi quảng cáo nữa, chúng tôi sẽ tính. Ông về trước, chúng tôi cất hành lý rồi sang ăn cơm bên câu lạc bộ sau.

Điều làm hai chàng trai trẻ hài lòng là buổi cơm chiều thật ngon. Thái và Hoàng ngồi nhâm nhi nước trà đá chờ dọn cơm, những tưởng bà Thượng Sĩ sẽ đem phần ăn ra, nhưng trời ơi, người dọn bàn là cô gái xinh như mộng con ông thượng sĩ. Ôi chao, nàng có đôi má lúm đồng tiền trông có duyên không ngôn từ nào tả được, lại thêm cái nụ cười chết người ban cho hai chàng độc thân khi hai chiếc mâm cơm đã an ổn nằm trên bàn.

-Dạ mời các anh dùng cơm.

Rồi nàng yểu điệu quay người nhẹ nhàng bước đi. Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Ông thượng sĩ già xoa tay gật gù, thêm hai con cá ngu ngơ cắn câu, chuẩn bị cuốn sổ ký nợ là vừa. Đã là lính mà không ký sổ thì không phải là lính nữa. Câu lạc bộ không thiệt và không ngại khi cho thực khách ghi nợ, bởi đến tháng lãnh lương, thì ông thượng sĩ phát lương bên hành chánh tài chánh, ông bạn già thân thiết với ông thượng sĩ tổng quản trị, sẽ khấu trừ tiền thiếu vào chỗ tiền lương của những con cá dại dột ấy. Mà nào có phải riêng gì Thái và Hoàng đâu, nhìn quanh toàn là nếu không anh trung sĩ chải chuốt này, thì cũng ông trung úy đẹp trai kia, rồi mấy anh y tá áo quần bảnh bao, các anh binh sĩ mày râu nhẵn nhụi, tất cả đều cùng nhìn theo một hướng khi cô gái ông thượng sĩ xuất hiện.

Để tăng thêm liều lượng của thứ chất độc êm đềm, ông thượng sĩ thỉnh thoảng nhường chiếc ghế thâu ngân cho cô con gái. Tha hồ cho mọi người chiêm ngưỡng và trồng cây si nhé. Thực ra thì cô Loan đâu đã hẳn là một tuyệt thế giai nhân, nhưng một đóa hoa tươi mát độc nhất như thế kia ở giữa chốn ba quân quần hùng, nhan sắc của nàng đã đủ làm say đắm lòng người lắm rồi.

Thái chọn căn phòng nằm giữa, bởi chàng ngại căn phòng ngoài cùng nhất gần nhà xác quá, đêm ngủ chỉ sợ hồn ma ghé sang. Căn phòng sẽ trống rỗng nếu không có một cái tủ áo cũ đầy bụi bặm, một chiếc bàn đã bạc nước bóng với hai cái ghế và một cái giường sắt quân đội. Thái cùng Hoàng sang căn phòng bên kia è ạch khiêng chiếc giường sắt thứ hai về bên này. Thật may mắn, những chiếc nệm giường vẫn còn nguyên vẹn, tuy đã bẹp dí xuống vì sức nặng của biết bao người nằm lên. Thái đem chiếc poncho lính ra trải thay cho tấm drap lên chiếc nệm. Thế là đã đủ cho một đêm ngủ sau một ngày đi đường mệt nhọc và sau một bữa ăn thịnh soạn. Trong căn phòng chỉ có một chiếc đèn bóng vàng tỏa những chùm ánh sáng èo uột, càng làm tăng thêm vẻ cô liêu tịch mịch. Bọn dun dế côn trùng bên ngoài đã bắt đầu cùng nhau thi nhau trổi lên những nốt nhạc của đêm trường.

Sau một ngày ngồi trên đoàn quân xa công voa nhọc mệt, chẳng mấy chốc mà hồn phách của bọn Thái đã phiêu diêu trên cõi trời đêm thăm thẳm. Không gian chìm ngập trong màn đêm đen đặc, bọn dun dế như một thiên chức, chúng cần mẫn ca hát ru hai chàng trai trẻ đắm sâu vào những giấc mộng đẹp. Nhưng chưa hẳn. Đến nửa đêm,

Thái đang nằm mơ thấy chàng tay nắm tay cùng người yêu dạo phố Bonard, thì đột nhiên từ bên kia Hoàng ú ớ kêu rú lên:

-Đi đi, you go...

Thái giật mình choàng dậy, quái cái thằng mộng mớ cũng xổ tiếng Mỹ.

Hoàng càng dãy dụa tợn:

-Thái... Thái...

Thái tốc mùng nhảy xuống giường chạy sang lay vai bạn:

-Hoàng... Hoàng... tỉnh dậy...

Hoàng ngồi dậy ngơ ngác nhìn quanh, Thái trông thấy mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán rộng của bạn. Hoàng ngập ngừng hỏi:

-Thằng Mỹ đâu rồi?

Thái trợn mắt ngạc nhiên:

-Thằng Mỹ nào, ở đây giờ này còn thằng Mỹ nào nữa, tụi nó rút hết về nước từ lâu rồi.

Hoàng gãi đầu bối rối:

-Rõ ràng tao đang mơ màng thì có một thằng Mỹ tóc vàng mắt xanh tướng tá kềnh càng coi ngon lành lắm, nó đến giở mùng tao lên hỏi, để tao nhớ coi. À, cái gì, đại khái..., diễn dịch ra tiếng ta là... mày là ai, chỗ của tao, mày đi đi...

-Nên vì thế mà mày la lối om sòm?

-Hừ, bị ma nó hỏi thăm, mày không la mới là chuyện lạ!

Thái đỡ bạn nằm xuống:

-Thôi mày ngủ đi, hay là tao cứ để đèn sáng ma sợ nó không hiện lên nữa.

Thái xoay người muốn bước thì Hoàng đã nắm tay chàng:

-Tao muốn đi ngoài, mày đi với tao.

Thái bĩu môi:

-Tao là vú em của mày chắc?

-Thôi mà, làm khó nhau chi.

-Thôi được, tao đi với mày.

Hai người bạn đứng dưới một bụi chuối um tùm, Hoàng thì thầm:

-Chỉ có đêm đầu mà ma đã hiện lên tưng bừng, thôi chả thèm, tao sẽ kiếm nhà mướn ngoài phố.

Thái trấn an bạn:

-Sợ cái gì chứ, chỉ là chuyện mộng mị thôi mà.

Thái muốn thuyết phục Hoàng thêm nữa thì chợt Hoàng ra dấu, giọng run run:

-Suỵt, mày xem kìa, dường như có ai đàng kia...

Thái nhìn theo hướng chỉ của bạn về hướng nhà xác, thì chàng trông thấy một cái bóng người đang đứng trong cái hành lang trước những căn phòng chứa xác, Thái biết da dẻ chàng đang nổi gai ốc. Trống ngực đánh thình thình trong một nỗi ghê rợn, Thái tiến tới mấy bước để nhìn được rõ hơn. Cái bóng người ấy dường như là một người lính thì phải, vì Thái nhận ra bộ kaki trên người anh ta. Nhưng con người lạ lùng ấy thơ thẩn bên căn nhà xác lúc nửa đêm vắng lạnh như thế này để làm gì, chứ đối với Thái có cho kẹo chàng cũng chẳng dám đứng ngắm trời sao trước căn nhà xác như thế. Hoàng đứng bên Thái thì thào:

-Ma đó Thái ơi!

-Không phải đâu, có thể là mấy người lính chung sự làm việc đêm.

Cái bóng người đột nhiên chầm chậm xoay người nhìn về phía hai người bạn, cái dáng cao to của anh ta nổi lên trên nền tường vôi trắng lù lù như một cái khối đen kỳ dị đến nỗi Thái không tin rằng đó là một con người bình thường như bọn chàng. Bầu trời đầy sao, trên những tàng lá chuối bọn đom đóm ăn đêm lập lòe ánh sáng, nhưng không đủ cho Thái nhận diện được cái con người ấy được rõ ràng, chàng cất tiếng gọi;

-Ai đó?

Cái bóng đen không trả lời chàng, nó đi giật lùi, cánh tay vươn ra dài ngoằng bám lên bức tường. Thái tiến thêm mấy bước hỏi dồn:

-Lính chung sự phải không?

Hoàng bỗng ú ớ kêu lên, giọng tắc nghẹn:

-Thái, nó... nó...

Hoàng chưa nói được hết lời thì cái bóng đen đã thoắt một cái ẩn mình biến mất sau cánh cửa tối om. Thái kéo bạn về phòng, chàng mở ba lô tìm chiếc đèn pin.

-Mày đi với tao qua nhà xác xem thử.

Hoàng ngần ngừ:

-Thôi đi, qua làm gì.

-Mày không đi thì tao đi.

Cũng là dân sợ ma có hạng, nhưng máu tò mò nổi lên, Thái muốn biết giữa đêm khuya con người ấy đang làm gì trong nhà xác. Chẳng lẽ một chú vẹm ẩn náu trong đó toan tính những chuyện khủng bố bệnh viện. Đường đường là một chiến sĩ mà sợ một anh vẹm sao, Thái nhất định phải tóm nó. Nhưng chàng rùng mình ớn lạnh nghĩ đến một điều, liệu nó có lận lưng con chó lửa nào không, làng àng nó phơ cho một phát là tàn đời. Nghĩ là nghĩ như vậy chứ Thái đã bước đến bên khung cửa rồi. Mùi tử khí xông ra nồng nặc. Thái đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa. Những chiếc bản lề rên rỉ trong một tràng tiếng ken két đầy vẻ hăm dọa. Thái tìm cái công tắc đèn bật lên, chàng nhìn quanh tìm kiếm. Hoài công, chẳng có ai cả. Thật quái lạ, rõ ràng bọn chàng trông thấy anh lính ấy chạy vào bên trong, nhà xác chỉ có bốn bức tường trống rỗng, anh ta ẩn nấp ở đâu.

Trong lòng rờn rợn, Thái nhìn những chiếc quan tài màu đỏ loét nằm thành một hàng ngang kề bên nhau sát vào những bức tường. Tóc tai Thái dựng đứng lên. Hay là, có lẽ nào, cái bóng người đó là cái vong hồn của một trong những tử sĩ nằm trong chiếc quan tài này. Những bình hương đã tàn, những chiếc đèn cầy đã lụn đến đáy nằm câm nín trên những chiếc bàn gỗ tạp kê trước mỗi chiếc áo quan toát ra vẻ bi thương thê thiết của sự chết. Thái bồi hồi, ngậm ngùi trầm mặc trước những hy sinh của những người lính, người chiến hữu chưa từng quen biết nhau đang nằm trong những tấm gỗ, trong đó không ít các anh hình hài đâu có còn nguyên vẹn. Điều ấy Thái đã từng trải qua trong những ngày quan sát trung đội chung sự làm việc ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Poncho bọc thây, các anh về nơi vĩnh hằng, có khi chỉ là một nhúm thịt xương trên trận địa mà bạn hữu cố thu nhặt đem về.

Đột nhiên Thái nhận ra rằng chàng đã không còn cảm thấy sợ hãi những hồn ma vất vưởng trong căn nhà xác này nữa, bởi những vong linh ấy chính là những người chiến hữu cùng chiến đấu dưới lá quân kỳ và cùng tôn thờ Lá Quốc Kỳ Vàng với chàng, luôn nguyện cùng đổ máu bảo vệ Lá Cờ thiêng liêng đó. Thì làm sao mà những người bạn ấy có thể hù nhát bọn chàng cho đành lòng. Nếu các anh còn vương vấn cõi trần gian, thì chắc hẳn trong tim các anh còn mang mển những nỗi niềm, những bứt rứt xốn xang hướng về những người còn sống. Cha mẹ, vợ con, những mái nhà êm ấm bên những cánh đồng lúa vàng ối, con trâu cái cày, hay những mái trường thân quen có những người tình học trò. Chỉ khi nào những nỗi niềm u ẩn ấy được thanh thỏa thì các anh mới nhẹ nhàng ra đi. Thái sẽ nói hết những gì chàng nghĩ với Hoàng để hắn nhận ra rằng những hồn ma không có gì đáng sợ nữa.

Thở ra một hơi dài nhẹ nhõm, Thái bước đến tìm những cây nhang còn sót lại, kính cẩn đốt lên và cắm vào những chiếc lon thiếc làm bình hương. Mùi nhang trầm tỏa ra vướng vất, những làn khói ẻo lả cất lên dưới ánh đèn vàng vọt trong những hình dáng huyễn hoặc, mà Thái có cảm tưởng như là những vong hồn đang uốn éo những điệu vũ của cõi âm. Thái quỳ xuống trước hàng áo quan mặc niệm tỏ lòng tôn kính những người lính vị quốc vong thân. Từ tiềm thức chàng vang lên tiếng hát nức nở của Thanh Lan. Ngày mai đi nhận xác chồng, anh lên lon giữa hai hàng nến chong, mùi hương cứ ngỡ hơi chồng...

Sáng hôm sau, ông thượng sĩ thường vụ tìm Thái trong khu ngoại khoa báo tin đến phiên Thái trực đơn vị ngày ba mươi Tết:

-Trong phòng trực đã có giường ngủ tươm tất, thiếu úy không cần phải đem mùng mền cá nhân đến nữa. Thiếu Úy Hoàng sẽ trực ngày Mùng Một.

Thái cùng Hoàng đang được một anh hạ sĩ quan y tá và một cô y tá nữ quân nhân hướng dẫn cách rửa thương, băng bó và chích thuốc trụ sinh cho những thương binh. Đã từng được thực tập ở Tổng Y Viện Cộng Hòa nên động tác của bọn chàng thành thạo lắm, anh Trung Sĩ y tá khen ngợi:

-Mấy ông thầy thao tác khéo ghê.

Nhưng cô y tá khó tính hơn:

-Mấy thiếu úy rửa vết thương còn nhẹ quá, mủ vàng còn sót nhiều.

Thái phân bua:

-Mình làm mạnh tay quá mấy anh ấy đau.

Cô y tá bĩu môi trông rất dễ thương:

-Chính điều đó sẽ làm hại các anh lính, các thiếu úy phải mạnh tay lên cho đến khi nào mấy anh lính kêu lên là mới đúng kỹ thuật. Còn sót mủ vàng trong vết thương là còn nguy hiểm cho các anh.

Hoàng gật đầu:

-Tụi tôi hiểu chứ. Nhưng mà mình kéo tim đèn như cưa gỗ mấy anh la làng là phải rồi.

Cô y tá và bọn Hoàng đều nói đúng hết. Mỗi lần cô đến thay băng rửa vết thương thì mấy thương binh tái mặt rụng rời bảo nhau:

-Thôi chết, kéo tim đèn đến anh em ơi.

Kéo tim đèn là gì nhỉ. Là lối rửa thương “tàn bạo” dành cho loại vết thương đạn bắn xuyên qua những phần mềm trong cơ thể như cánh tay hay bắp chân chẳng hạn. Cô y tá sẽ cầm cây kéo gắp nhấn miếng gạc đã tẩm cồn sát trùng vào cái lỗ sâu hun hút, rồi bàn tay bên kia trong cái găng sạch đón lấy đầu miếng gạc kéo tới kéo lui, kéo qua kéo lại mấy lần rất mạnh rất tận tình, khiến cho các “nạn nhân” của cô thiếu điều muốn phọt trong quần. Nào đã một lần là đủ. Người đẹp rút miếng gạc ra ngoài rẹt một cái, ruột gan mấy anh lính muốn vọt theo ra. Nàng đưa miếng gạc lên nhìn, nếu vẫn còn mủ vàng thì nàng lấy một miếng gạc khác tiếp tục kéo tim đèn, cho đến khi nào nàng thấy hài lòng thì thôi. Đó là một trong những món độc ở bệnh viện mà các anh thương binh rất ngán sợ. Nhưng khi vết thương đã kéo da non, rồi lành lặn, các anh đã có thể đi dạo chơi ra khỏi cổng bệnh viện, thì các anh lại muốn tìm những thiên thần áo trắng ấy nói những lời cảm ơn chân thành.

Đã có không ít những mối tình lãng mạn đã nảy nở trong khuôn viên của những quân dân y bệnh viện trên khắp mọi miền đất nước giữa những chàng trai tiền tuyến với những cô y tá hậu phương. Trong những đêm nằm gối đầu bên nhau nhìn ánh trăng êm đềm chiếu qua khung cửa, chàng lính khẽ hôn nhẹ lên đôi má thơm nồng của vợ âu yếm hỏi:

-Em có còn nhớ ngày xưa em đã hành hạ anh như thế nào không, cái tim đèn làm sợi chỉ hồng ấy?

Nàng nép vào cánh tay rắn chắc của chồng thẹn thùng:

-Em không nhớ đâu, em chỉ biết cái... cái... tim đèn của anh đang làm cho em... em...rụng cả trái tim.

Chàng lính nở phồng mũi hân hoan:

-Thế ư?

Đêm ba mươi Tết, Thái xách chiếc đèn pin đi kiểm soát những vọng gác quanh vòng rào bệnh viện. Thái đã hứa với bạn là chàng sẽ năng đi vòng quanh khu nhà xác để Hoàng được an tâm ngon giấc không sợ bị ma quấy phá. Chàng đã giữ đúng lời hứa. Lúc mười hai giờ đêm, Thái đi đến khu nhà xác thì chợt trông thấy Hoàng vận quân phục bước ra khiến chàng ngạc nhiên:

-Mày định đi đâu mà coi bộ quần áo tươm tất dữ vậy?

-Phút giao thừa đón năm mới mình ăn mặc cho đàng hoàng sẽ được bình an may mắn suốt năm. Với lại mình là lính, Tonton đọc bài chúc Tết dân với quân, lại thêm có Quốc Ca trang trọng là thế, chúng ta phải tỏ rõ quân phong quân kỷ của người lính.

Hoàng vỗ vai bạn:

-Tao đi tuần với mày.

-Mày không còn muốn ngủ nữa à?

-Ngủ nghê gì giữa giờ phút thiêng liêng như thế này, nhưng trời ơi, mày xem kìa, cũng lại có bóng người trước căn nhà xác nữa rồi...

Xa xa từ chiếc máy radio của ai vọng đến tiếng nói quen thuộc của tổng thống. Nhưng cái bóng đen đã phá hỏng giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa. Thay vào đó, từ căn nhà xác đưa đến tiếng khóc nỉ non, dường như của một người đàn bà. Dưới những tàng lá chuối rậm, hai người bạn trông thấy ẩn hiện mấy bóng người đang ngồi dựa vào bức tường vôi trắng. Tiếng khóc cất lên từ đó. Thái bảo bạn:

-Là người, không phải ma đâu Hoàng ơi!

Hoàng run giọng thì thầm:

-Giữa đêm khuya hiện ra ngồi khóc mà mày nói không phải là ma, vậy chứ là gì?

-Là gì thì mình tới hỏi xem sẽ rõ mà.

Thái bước đến gần chiếu ánh sáng đèn vào chỗ mấy cái bóng đen.

-Ai đó?

Tiếng khóc ai oán vọng đến rõ mồn một mà Thái đã biết chắc là của một người đàn bà:

-Dạ, là tôi... tôi... đi...

Thái bước đến để nhìn cho rõ hơn. Dưới ánh đèn pin mờ nhạt, chàng đã nhận ra một người đàn bà trong bộ quần áo bà ba sờn cũ, một đứa bé đang guc đầu vào bên chiếc ngực lép kẹp ngực của nàng say sưa với dòng sữa me. Ánh sáng vô tình chiếu vào khiến cho người đàn bà thẹn thùng kéo hai mảnh áo ngực lại. Một con bé chừng ba, bốn tuổi nép vào bên cánh tay mẹ, đôi mắt mở to với hai viên thủy tinh đen nhánh nhìn lên hai người lính vừa ngơ ngác vừa sợ hãi. Thái lách ánh sáng sang một chỗ khác hỏi:

-Chị từ đâu đến và lại ở đây lúc khuya khoắt thế này.

Người đàn bà bật khóc:

-Dạ, tôi... em... ở ngoài Trung vào đây nhận xác chồng.

Nhắc đến người chồng tử sĩ, nỗi đau lại dâng tràn, người thiếu phụ gục đầu vào cánh tay áo khóc nức nở. Mẹ cứ khóc mãi làm đứa bé gái cũng khóc theo. Đứa trẻ trong lòng mẹ bị cắt đứt dòng sữa, nó giãy dụa khóc lớn. Giữa đêm trường, tiếng khóc bi thương của ba mẹ con người đàn bà như một điệu nhạc buồn mà hai người bạn có thể cảm nhận được vị mặn đắng của máu và nước mắt trong đó. Đến lúc này thì Thái đã có thể trông rõ hơn gương mặt của người đàn bà. Một gương mặt cằn cỗi, già nua, tuy rằng cái vóc dáng ấy chỉ trong độ tuổi không quá ba mươi. Bộ quần áo nàng mặt trên người bạc phếch, đã nói thay cho nàng, rằng người thiếu phụ là một người miền quê và hẳn là quê nghèo. Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Con bé nép bên mẹ mặc một chiếc màu ngà ngắn đến rốn, chiếc quần đen co theo đầu gối lên đến khoảng giữa cái ống chân ốm như một ống tre non. Trong khuỷu tay của người đàn bà, một chiếc giỏ lác xẹp lép, mà Thái nghĩ rằng chắc chẳng có cái gì đáng giá bên trong.

Thái kéo Hoàng ngồi xuống dịu dàng hỏi:

-Chị đã nhận được xác anh chưa và tại sao chị khóc, có điều gì khó khăn...

Người đàn bà đưa cánh tay áo lên thấm nước mắt:

-Dạ, anh nằm bên trong em đã nhận được rồi, nhưng mà em không thấy được mặt anh lần cuối cùng, nên em khóc... Em đau lòng, vợ chồng ăn ở mấy năm tình nghĩa...

Nổi đau như một khối đắng cay chận cứng những sợi thanh quản, người đàn nói không nên lời, chỉ có tiếng khóc sùi sụt. Thái chạnh lòng không biết nói lời gì để an ủi người góa phụ. Chàng biết dẫu có tìm trăm ngàn lời hoa bướm cũng không bao giờ làm nguôi ngoai được nỗi đau thương trong con tim của những người vợ lính đi nhận xác chồng. Miền Trung xa xôi quá, khi người vợ lính nhận được phong thư báo tin chồng tử trận, đã hy sinh vì tổ quốc và mời đi nhận xác, Thái đã tưởng tượng đến giây phút kinh hoàng của những người đàn bà bất hạnh ấy, đã ngã ra trên nền đất ngất xỉu hay dãy dụa, thảm thiết kêu gào đòi chiến tranh hãy trả người chồng lại cho họ. Hoàng bùi ngùi hỏi:

-Chị không có một nơi nào tạm trú sao mà phải ngồi ở đây suốt đêm vậy?

Người đàn bà nhìn Hoàng bằng một ánh mắt u buồn, giọng miền ngoài Bình Định hay Quảng Ngãi:

-Dạ em đến trễ quá, vừa kịp vào đây nhìn anh, khuya quá mẹ con em không biết đi đâu, với lại... mẹ con em...

Những giọt nước mắt của người góa phụ rơi lả tả xuống nền đất:

-Mẹ con em... đã bị mất hết quần áo và... tiền bạc, em khổ quá mấy anh ơi...

Lấm lét nhìn hai người lính, con bé khóc rấm rứt, nó cắn ngón tay cái giữa hai hàm răng trắng đều, nhỏ xíu như những hạt bắp:

-Mẹ ơi, con đói!

Phụ họa với con bé, thằng nhỏ trong lòng bà mẹ lại khóc lớn. Thái cảm khái lắc đầu hỏi:

-Chị với mấy cháu đã ăn gì chưa?

Người đàn bà cúi đầu có vẻ xấu hổ:

-Dạ... mẹ con em... dạ...

Thái vuốt tóc con bé:

-Chị theo chúng tôi, chúng tôi có chỗ ngủ và sắp xếp bữa ăn cho các cháu.

Thái quay qua nói với Hoàng:

-Mày chạy lên câu lạc bộ nói cô Loan nấu mì gói hay nếu còn cơm dĩa thì tốt quá.

-Nhưng giờ này người ta đóng cửa rồi.

-Thì mày gõ cửa, không có thức ăn thì mày đừng về đây nhìn mặt tao nữa.

Thái đưa mẹ con người đàn bà vào căn phòng của bọn chàng:

-Đêm nay chị và các cháu tạm trú ở đây, ngày mai phòng xã hội sẽ lo thủ tục cho chị nhận anh đem về ngoài đó.

Người góa phụ buồn rầu nhìn những ngón tay đan chéo nhau của nàng đặt trên gối:

-Nhà em nghèo lắm, quần quật quanh năm không đủ ăn, đường sá xa xôi, em không đủ sức đem anh đi...

Người thiếu phụ ngước lên ánh mắt cầu khẩn:

-Hay là thiếu úy xin người ta cho anh được vào nằm trong nghĩa trang quân đội cho có anh có em bạn lính với nhau, nằm một mình ngoài quê em buồn lắm...

Thái thở dài:

-Nếu chị không thể nhận anh thì phòng xã hội và ban chung sự họ sẽ đưa anh đi. Chị ở đây chờ tiễn anh ra nghĩa trang rồi sẽ về ngoài Trung phải không?

Đôi mắt người đàn ngập tràn nước mắt:

-Dạ, mai em về, em không thể ở lại đây nữa, em đau lòng...

Thái bùi ngùi tìm chiếc bóp lấy ra một ít tiền:

-Chị nhận tạm cái này đi đường, nhưng chị đừng đi vội, ngày mai tôi đưa chị lên phòng xã hội, người ta giúp thêm.

Người vợ lính hoảng hốt dấu tay sau lưng:

-Em không dám đâu, em không dám...

Thái buộc phải nắm lấy bàn tay nàng ấn số tiền vào:

-Chị cứ cầm lấy, đáng lẽ chúng tôi còn có nhiều hơn, nhưng mà lính tráng thì cũng không được dư dả mấy. Đây là tấm lòng của chúng tôi coi như là những nén hương chân thành nghiêng mình trước sự hy sinh của anh và sự mất mát quá lớn của gia đình.

Hoàng xách trên tay một chiếc gà mèn nhiều ngăn đựng thức ăn và ôm trong lòng mấy chai nước ngọt. Loan bước theo sau, trong tay nàng có một cuộn chiếu tròn. Hoàng bày chén đũa và thức ăn lên bàn trong khi Loan nói với người đàn bà:

-Đêm khuya câu lạc bộ chỉ còn một ít thứ này, chị và các cháu dùng tạm vậy, sáng mai chúng tôi sẽ có đầy đủ hơn.

Hoàng đón chiếc chiếu trong tay cô gái tươi cười nói bạn:

-Cô Loan cho mượn cái này, tao với mày qua phòng bên ngủ.

Thái thấy rất vui trong lòng. Sự hiện diện của Loan chứng tỏ tình cảm của nàng dành cho Hoàng đã dần sâu đậm thiết tha. Người ta nói tình yêu như tiếng sét bất ngờ hiển hiện giữa không gian, vừa mới gặp nhau mà đã thấy như có duyên nợ với nhau từ kiếp trước. Cái thằng cũng khá. Chỉ mới mấy ngày ngồi ăn cơm mà đã tán được cô con gái xinh như mộng của ông thượng sĩ già. Thái kéo Hoàng và Loan ra ngoài:

-Chúng mình để cho chị ấy và các cháu tự nhiên.

Thái quay vào ân cần dặn dò:

-Chị nghỉ nhé. Sáng mai chúng tôi đưa chị đến phòng xã hội và tổng quản trị để nhận thêm ít tiền và giấy tờ tử tuất.

Người đàn bà buông đũa xuống nghẹn ngào:

-Các thiếu úy tốt quá, em đội ơn...

Thái xua tay:

-Chị đừng nói vậy, anh là lính, là chiến hữu của chúng tôi, giữa những người lính có cái tình huynh đệ chi binh với nhau. Đó là bổn phận của chúng tôi.

Thái vuốt tóc con bé, nó đang đưa chiếc muỗng múc nước mì cho vào cái miệng nhỏ xíu trông có vẻ ngon lành lắm.

Buổi sáng thức giấc, Thái bước sang gõ cửa phòng. Thật lạ lùng, chỉ có sự im lặng trả lời chàng. Thái tự hỏi, có lẽ mệt mỏi vì đường trường, mẹ con người đàn bà còn ngủ say chăng. Thái thận trọng gõ thêm mấy tiếng nữa. Vẫn không có sự hồi đáp. Thái sờ cằm suy nghĩ. Lạ nhỉ. Mãi sau, Thái quyết định đẩy nhẹ cánh cửa nhìn vào. Tiếng kẽo kẹt quen thuộc vang lên. Thái mở toang cửa rộng hơn, một nửa đầu len vào nhìn. Đột nhiên, Thái ú ớ, cổ họng nghẹn cứng:

-Trời ơi, đi đâu hết rồi!

Thái xô cửa bước vào. Kỳ lạ. Mùng, mền, chiếu, gối được xếp ngay ngắn, thật tươm tất, chứng tỏ sự đảm đang của một người đàn bà. Thái tự hỏi, người đàn bà ấy hấp tấp ra đi vì lý do gì. Thái tần ngần bước đến bên những chén đũa và những chai nước ngọt, chợt chàng rụng rời lao đao nghiêng ngả, xây xẩm phải phải chống tay vào thành bàn. Thái đã thấy gì. Tất cả những thức ăn và những chai nước ngọt vẫn còn nguyên vẹn như lúc Loan bày ra đêm qua. Thái còn nhìn thấy gì nữa. Xấp tiền chàng tặng cho người góa phụ nằm ngay ngắn trên bàn. Đầu óc Thái quay cuồng muôn ngàn câu hỏi. Người đàn bà ấy là ai, là gì, hay là có phải nàng là... Thái không dám đưa ý nghĩ của chàng đến một sự tưởng tượng điên rồ, rằng mẹ con nàng là những…... hồn ma đi nhận xác chồng, cha. Câu trả lời ấy Thái không bao giờ có lời giải đáp. Thái chỉ tình cờ có dịp đọc báo hôm sau, để được biết rằng người ta đăng tin một chiếc xe đò đã lật nhào xuống đèo Cả trong ngày ba mươi Tết, tài xế, lơ xe và mấy mươi hành khách đều tử nạn.

Mãn hạn thực tập, Thái cùng Hoàng trở về Trường Quân Y làm lễ mãn khóa và chọn đơn vị. Hoàng may mắn chọn được về một tiểu đoàn Địa Phương Quân hoạt động trong một tỉnh gần bên cái tỉnh bọn chàng đã để lại nhiều kỷ niệm và nhiều hình ảnh còn vương vấn trong tim. Thái biết động lực thúc đẩy Hoàng chọn về nơi ấy, chàng vỗ vai chúc phúc bạn:

-Khi nào đám cưới thì mày báo tin cho tao biết, tao cố gắng xin phép về dự chia vui với mày và cô Loan.

Hoàng siết chặt tay bạn trong nỗi bùi ngùi cảm xúc trước giờ chia tay:

-Mày lên cao nguyên giữ gìn sức khỏe, trên đó tao nghe nói lính hay bị sốt rét lắm, nhớ viết thư đều cho tao.

Thái đã tình nguyện chọn lên cao nguyên, đến chia sẻ chuyện tử sinh với những người lính ở những tiền đồn biên phòng. Chàng đã vướng cơn sốt rét rừng ác tính, suýt nữa đã tiêu đời lính. Trong lúc nằm tĩnh dưỡng ở Quân Y Viện Pleiku, Thái nhận được thư của bạn. Bức thư dài, nhiều thăm hỏi cảm động, nhiều câu chuyện kể về đời lính và tình yêu. Nhưng điều Thái chú ý và lạ lùng nhất là đoạn kết: “Thái, tao nói chắc mày không tin. Tao với Loan thoát được cái chết từ những trận pháo kích rất dữ dội của địch. Tao đang gà gật mơ màng ngoài giao thông hào thì có một người lính rất lạ mặt đến gọi tao:

-Thiếu úy... thức dậy thiếu úy, địch tấn công.

Anh ta kéo tao chạy ra một chỗ khác, vừa vặn một trái đạn cối rớt ngay phóc ngay chỗ tao vừa nằm. Khi trận đánh tàn, tao tìm hết khắp đồn mà chẳng thấy tăm dạng anh lính ấy, hỏi ai cũng không biết. Càng kỳ lạ hơn, một người đàn bà kéo Loan chạy ra khỏi hầm tránh được một trái đạn pháo lớn. Loan mới lên thăm tao trong ngày và ở đêm. Loan quả quyết với tao rằng, người đàn bà ấy chính là... là ai, mày đã đoán ra được chưa. Là người đàn bà và hai đứa bé ở Bệnh Viện Quân Dân Y tỉnh”.


Phạm Phong Dinh

Không có nhận xét nào: