Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

ĐÔNG DƯƠNG - MỸ NHÂN KẾ (BaoMai)

image

Xưa nay khi coi phim, truyền hình, đọc báo hay đọc truyện, thấy nước này xài mỹ nhân kế để lấy trộm tin tức tối mật của nước kia, phe này gài bẫy phe kia vì những mưu đồ chính trị như đang xảy ra trên nước Mỹ, hoặc các công ty lớn dùng đàn bà đẹp để tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của bên kia; lúc đó, tôi nghĩ coi cho biết để khi ngồi uống cà phê với bạn bè có câu chuyện hay đề tài tán gẫu cho thêm phần hào hứng. Không ngờ, Mỹ Nhân Kế lại xảy ra với một người bạn làm cùng một chỗ với tôi. Anh này người Mỹ trắng, một cựu quân nhân binh chủng Không Quân Hoa Kỳ, đi xe chung (carpool) với tôi mỗi ngày. Sau khi sự việc kết thúc vào tháng 11 năm ngoái, tất cả mọi người nơi tôi làm việc chắp nối các mắt xích lại với nhau, cùng đi đến kết luận rằng Mỹ Nhân Kế là có thật.

<!>

 

Năm đó, tại Dubai, một nước thuộc liên bang UAE, United Arab Emirates (1), anh là một người đàn ông Mỹ, 44 tuổi, cao ráo, nhanh nhẹn, dễ coi, tóc nâu. Anh làm quản đốc, supervisor, một phòng ban cho một nhà thầu Mỹ ở đất nước nhỏ bé, nhưng tân tiến nhất vùng Vịnh này. Anh được hầu hết mọi nhân viên dưới quyền yêu mến vì tính tình dễ hòa đồng, vui vẻ với mọi người, kể cả nam nhân viên, nhưng anh “vui vẻ nhiều hơn một chút” với đám nhân viên nữ đủ các sắc tộc khác nhau, lúc nào cũng lượn lờ quanh cánh bướm đa tình đang còn ở độ tuổi căng tràn sức sống. Cái phòng ban nơi anh đang làm supervisor, chỉ có một ít nhân viên nam làm về bảo trì kỹ thuật, còn hầu hết nhân viên nữ gồm các ngành nghề khác nhau, họ làm công việc về khăn vải, may vá, lau chùi, và giặt giũ trong các tòa cao ốc hành chính của chính phủ Mỹ tại Dubai.


image

Note: hình trong bài là minh họa


Ngày trước, khi còn trong binh chủng không quân, anh là một kỹ sư phi hành; ra khỏi quân đội, anh trở về quê hương thì không còn một mái nhà để ở vì vợ anh đã ra đi với người tình mới, để lại một đứa con trai nhỏ cho ông bà nội nuôi. Anh chán ngán nhân tình thế thái, quyết định đi khỏi nước Mỹ và kiếm việc làm thật xa, tạm quên đi quá khứ buồn như chấu cắn đó.

 

Anh được nhận vào chức vụ này nhờ cái lý lịch cựu quân nhân đáng tin cậy sau khi họ đã truy cứu quá khứ và những việc khác nhau anh đã làm trong thời gian mới nhất vừa qua, kể cả hạnh kiểm và các huy chương anh đã có được trong thời gian tại ngũ. Công việc anh trông coi chỉ cần tính bảo mật tương đối nên không gắt gao lắm tuy phải ra vào các công sở của chính phủ Hoa Kỳ ở nước ngoài. 


Mỗi lần nhận một nhân viên mới, anh đưa bản sơ yếu lý lịch của họ qua bên phòng An Ninh, Security Department, để điều tra, tìm hiểu thêm về người họ sắp mướn, và để chắc chắn người này không phải là gián điệp hay ít ra không bị nghi ngờ là cảm tình viên cho các nước thù địch.

 

Công ty anh đang làm việc là một nhà thầu do công dân Mỹ làm chủ. Công ty này chuyên lãnh thầu làm những công việc phục vụ cho đời sống của nhân viên dân sự và quân sự Mỹ, trú đóng ở các nước đồng minh. Họ thuê mướn các nhân công bản địa và tất cả người ở các nước khác trên thế giới đến làm vì lương trả cho họ rẻ hơn trả cho công dân Mỹ. Mới đó mà anh đã làm việc ở đây 8 năm rồi. Với công việc khá ổn định và tiền lương anh đang làm, anh đã để dành được một số tiền kha khá, hy vọng khi trở về Mỹ, sẽ mua được một căn nhà trả tiền mặt, rồi làm lại cuộc đời và nuôi dạy đứa con trai nay đã ở tuổi thiếu niên.


image


Ở một mình, buồn và cô đơn, anh thường hay lên internet hẹn hò với phụ nữ đủ các sắc dân thông qua những dịch vụ Dating Online. Anh trải qua khá nhiều mối tình, cặp bồ, hẹn nhau đi ăn, rồi qua đêm với nhau ở căn phòng riêng của anh trong khu chung cư dành riêng cho nhân viên dân sự Mỹ. Anh dễ dàng quen và đi lại với rất nhiều cô, cung cấp cho họ ít tiền bạc, quà tặng, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu cho đến một hôm. Mắt anh dừng lại trên khuôn mặt một cô gái Á Đông còn trẻ, với dòng chữ ngay phía dưới “Người phụ nữ hiền lành, chung thủy, nửa đường gãy gánh, muốn làm quen với một người đàn ông Tây phương rộng lượng, yêu mái ấm gia đình…”. Anh bắt đầu liên lạc, nói chuyện qua phone nhiều lần, anh yêu giọng nói tiếng Anh mang âm sắc lơ lớ khó hiểu nhưng cứ ríu rít như chim. Họ hẹn gặp nhau ở một nhà hàng trong thành phố.

 

Cuối tuần đó, anh diện bộ đồ thật đẹp, xịt chút nước hoa, và lái xe đến điểm hẹn. Bước vào nhà hàng, anh sững sờ khi nhận ra cô gái còn rất trẻ, trẻ hơn trong hình, khoảng 35 tuổi, khá xinh trong một chiếc áo đầm màu hồng phấn. Khỏi cần nói, với bản chất hòa đồng dễ mến, dễ gần của anh, nhất là khi gần người đàn bà trẻ đẹp này, trái tim anh không khỏi đập nhanh quá mức bình thường, hình như trật mất mấy nhịp; anh bỗng thấy trời đất, không gian chung quanh anh toàn màu hồng và lòng cứ lâng lâng mỗi khi cô gái thẹn thùng, nhìn anh bối rối, cố gắng nói cho anh hiểu nàng muốn gì. Lẽ dĩ nhiên cửa lòng anh phơi phới mở ra đón gió xuân nồng, cánh cửa phòng anh cũng rộng mở theo để đón Cánh Hồng Trung cộng đến và ở luôn sau cánh cửa ấy. Năm đó, Scott đã 52 tuổi, tóc đã hơi lốm đốm muối tiêu, cái tuổi đã toan về già của người đàn ông.


image


Anh nhận cô vào làm cho công ty. Sau vài tháng thử việc và chờ cho giấy tờ an ninh thông suốt, nàng chính thức dọn vào ở chung với chàng. Tình Mỹ duyên Hoa bắt đầu tưng bừng mọc rễ và nở hoa từ đó. Mỗi năm anh theo nàng về Trung Cộng để biết thêm quê hương Vạn Lý Trường Thành, luôn thể làm quen với đứa con gái 10 tuổi của nàng đang sống cùng ông bà ngoại. Anh mua cho nàng một căn chung cư ở thành phố quê nàng để ông bà ngoại tiện bề trông cháu khi nàng đi làm xa. Nàng hay nũng nịu đòi anh sắm sửa cái này cái nọ để không thua chị thua em. Tình yêu khiến người đàn ông trở nên rộng lượng hơn thì phải. Scott mua sắm cho gia đình nàng đầy đủ tiện nghi của một gia đình trung lưu trên vùng đất đông dân nhất thế giới này. Tất cả mọi tài sản đương nhiên đứng tên của nàng vì anh đâu có quốc tịch Tàu và cả hai chưa hề chính thức kết hôn trên giấy tờ.


Lần nào về quê, nàng đưa anh đi chơi thăm khắp các danh lam thắng cảnh, anh ngạc nhiên thích thú ngắm nhìn cảnh sắc lạ lùng đượm nét huyền ảo, quan sát cuộc sống, sinh hoạt của một dân tộc vẫn còn sau bức màn sắt độc tài, và vì nền văn hóa kỳ lạ mà cả nửa đời chàng chưa từng được nghe và thấy ở quê hương mình. Anh thích thú và hãnh diện vì lúc nào cũng có người yêu trẻ đẹp đi bên cạnh mình, nếu ở Mỹ, có mơ cũng không được.


image


Hơn 10 năm trong quân ngũ, Scott có một số tiền hưu không nhiều, nhưng anh chỉ được lãnh khi bước vào tuổi 62. Anh vẫn phải đi làm thêm để lo cho cuộc sống hiện tại, gởi tiền cho ông bà nội nuôi đứa con trai, huống chi anh còn khỏe mạnh, yêu đời, nhựa sống vẫn cuồn cuộn trong bắp thịt, anh tự nhủ sẽ làm việc cho tới khi nào không làm nổi nữa mới thôi. Tuy lương một supervisor khá cao, cộng thêm tiền xa nhà, nếu sống một mình thì dư dả, nhưng có nàng, lương hằng tháng anh xài không đủ, tiền để dành về quê mua nhà cũng cạn dần. Bạn bè của anh đều thăng tiến, lên chức trong công việc trong khi anh vẫn dậm chân tại chỗ. Họ xì xầm bàn tán về cuộc tình của anh với cô bạn gái đó. Nhiều người bạn cho hay thấy cô ta đi lại với vài người đàn ông Mỹ cũng đang làm việc cho các nhà thầu khác. Anh để ngoài tai hết mọi chuyện. Anh chỉ biết có nàng và anh đang yêu nàng say đắm. Thỉnh thoảng anh cũng hỏi nàng cho có lệ, nàng lại nũng nịu “em đi thăm mấy đứa bạn gái thôi mà”.

 

Sau nhiều năm làm việc ở Dubai mà không có dư, anh thuyết phục nàng rằng đã đến lúc phải trở về Mỹ để có một công việc vững chắc hơn và nhất là có một căn nhà của riêng mình. Họ làm đám cưới hợp pháp hóa diện vợ chồng.  Anh đem vợ trở về sống gần với gia đình anh và đứa con trai ở tiểu bang Ohio. Anh nhảy từ việc này qua việc khác, chẳng việc nào được lâu. Tiền để dành chỉ tạm đủ để giật gấu vá vai, hai vợ chồng phải sống trong một chiếc RV, recreational vehicle, nay đây mai đó. Đứa con trai anh vẫn gởi lại bà nội nuôi vì nó theo anh không tiện và vì nó cũng không gắn bó với anh như với gia đình ông bà. Anh tiếp tục gửi đơn xin việc khắp những nơi có liên quan đến công việc anh đã làm lúc còn trong quân đội. Lúc này, cô vợ của bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt với anh vì thấy cuộc sống không còn như trong mơ.


image


Một hôm, ông xếp gởi email cho tôi, mời tham gia một nhóm gồm 3 người để phỏng vấn việc làm một người đàn ông tên Scott M., 55 tuổi, tóc bạc trắng, dáng tiều tụy, khắc khổ; dù anh cố nở nụ cười thật tươi viện cớ chuyến bay dài làm anh mệt mỏi nên đêm qua ngủ không được. Cuộc phỏng vấn cho có lệ vì hãng đang cần một người có kinh nghiệm về kỹ thuật phi hành trong quân đội, điều kiện tiên quyết phải là cựu quân nhân, Scott được mướn ngay sau đó.


Anh xin phép 2 tuần lễ để lo việc sắp xếp và di chuyển gia đình về tiểu bang Arizona. Anh vào làm trong cùng một phòng ban với tôi nhưng khác nhóm. Thú thật, tôi khá thất vọng về khả năng của anh khi nghe đồng sự cho hay về kiến thức, sự hiểu biết, và khả năng làm việc của anh, nhưng tôi mến anh vì tính tình vui vẻ xuề xòa, không câu nệ, tuy đôi khi có vẻ đãng trí, không tập trung. Anh cho tôi hay vợ anh là người Hoa vì anh tưởng tôi cũng gốc Tàu.


image


Những tháng đầu, tôi phải chỉ dẫn thêm và huấn luyện anh làm quen với mọi việc vì anh tuy ham học hỏi nhưng tiếp nhận rất chậm và thường xuyên phải nhắc nhở nhiều lần anh mới làm quen được với những hệ thống phức tạp của công việc. Anh than phiền không nhớ nhiều về công việc cũ vì hơn 10 năm làm việc ở Dubai, toàn những việc chẳng dính dáng gì đến kỹ thuật chuyên môn. Sau 3 tháng thử việc, vì không hợp khả năng, nên anh được phân công về nhóm bảo trì máy bay, khác công việc với nhóm của tôi, nhưng vẫn cùng một phòng ban. Mỗi lần khó khăn, anh thường qua hỏi ý kiến tôi xin giúp đỡ, vì thế, anh càng quý tôi hơn và ngỏ ý mời tôi về dùng cơm chiều với gia đình anh.


image


Căn nhà-xe di động của anh ở trong một Mobile-home-Park, nằm dọc theo 1 con đường tỉnh lộ nhỏ, rất ít cư dân, nhưng gần căn cứ nơi chúng tôi làm việc. Anh giới thiệu tôi với Xiao Mi, vợ anh. Cô trạc dưới 40 tuổi, thấp người, dễ coi nhưng lối ăn mặc không hợp thời, hơi màu mè thiếu sự trang nhã của một phụ nữ tuổi trung niên. Cách phát âm tiếng Mỹ của cô rất nặng, phải chú ý lắm mới hiểu được cô muốn nói gì, đôi khi tôi xin cô lập lại đến 2,3 lần, lấy cớ hơi nặng tai, để cô không bị bối rối. Dù biết bữa cơm thân mật chỉ là hình thức xã giao, nhưng phải nói nó không ngon miệng với những món ăn xào nấu theo kiểu Tàu đầy váng mỡ và chất béo khiến tôi không thích lắm.

 

Sau bữa cơm, chúng tôi ngồi uống trà. Để không khí thêm thân mật, tôi hỏi cô đã làm quen với cuộc sống mới ở Mỹ chưa. Cô nói chuyện không đầu không đuôi, chuyện nọ xọ chuyện kia. Lan man một hồi, cô kể về quê nhà và cuộc sống người dân bên Trung Cộng. Bằng một giọng như được lập trình sẵn trong máy điện toán, cô “hồ hởi và phấn khởi” kể nhờ bác Mao, giờ là bác Tập, và đảng cộng sản dẫn lối đưa đường, nhân dân Trung Hoa ngày nay đã giàu có, ấm no, và hạnh phúc. Chỉ cần vài năm nữa Trung cộng sẽ vượt qua nước Mỹ, dẫn đầu tất cả quốc gia trên trái đất này để trở thành một đất nước văn minh và tiên tiến nhất thế giới. Nói một hơi không nghỉ, cô tiếp tục ca tụng đất nước Trung Hoa anh dũng, kiên cường đánh tan Phát Xít Nhật, đuổi các nước thực dân, đế quốc đầu sỏ để thống nhất một nước Trung cộng giàu mạnh ngày nay.


image


Cuối cùng, coi bộ cũng thấm mệt và hết chữ để diễn tả, cô mới hỏi tôi qua Mỹ bằng cách nào. Tôi thành thật trả lời tôi là người miền Nam Việt Nam, đang sống trong tự do, bị miền Bắc xã hội chủ nghĩa xâm lăng và áp đặt ách độc tài đảng trị, tôi phải liều mạng vượt biển chạy trốn nạn cộng sản. Cô vội im bặt, tỏ ra e dè và đề phòng khi biết tôi không ưa gì cộng sản. Scott ngồi giữa lắng nghe, vẻ bối rối, vội tìm đề tài khác để xóa tan bầu không khí căng thẳng.


image


Năm sau vợ chồng anh mua một căn nhà mới ở Vail, một ngôi làng nhỏ, vắng vẻ phía Tây Nam thành phố Tucson, xa chỗ làm việc 65 dặm, và cũng là nơi tôi đang sống. Anh nói vì muốn vợ anh có cơ hội gần gũi và làm quen với cộng đồng người Hoa ở Tucson để cô bớt nhớ nhà, cũng tiện cho việc học thêm Anh ngữ. Từ đó, anh và tôi đi chung xe vì làm cùng một ca, thuận tiện và có lợi cho cả hai trên một đoạn đường dài đi về mỗi ngày 130 dặm đường, nhưng chúng tôi ít qua lại với nhau chỉ khi nào thật cần thiết mà thôi. Tôi không thích nói chuyện với vợ anh và cô ta cũng không thoải mái khi chạm mặt với tôi vì cô biết không thể nói dối với người đã từng sống trong chế độ cộng sản.

 

Hằng ngày đi làm cùng nhau trên xe, mỗi người thay phiên nhau lái 1 ngày nên cũng đỡ mệt mỏi. Để đỡ nhàm chán và đỡ buồn ngủ, chúng tôi hay kể nhau nghe chuyện đời, chuyện gia đình, và tất cả chuyện trên trời dưới đất. Anh luôn thở dài, lo lắng vì tiền nhà, tiền xe, tiền chi tiêu trong gia đình vượt quá số tiền lương anh đang làm. Anh than phiền vì phải chi tiêu một lúc cho 2 nơi: Đứa con trai ở Ohio và gia đình vợ ở bên Trung cộng, nhất là đứa con gái riêng của vợ anh, đang học trong một trường tư quốc tế ở quê nhà. Vợ anh hy vọng sẽ đem nó qua học đại học ở Mỹ.

 

Khi anh cho biết số tiền nhà phải trả hằng tháng quá cao, tôi ngạc nhiên, không tin ở đôi tai mình, hỏi tại sao. Anh cho hay vì anh không có tiền đặt cọc, down-payment cho căn nhà. Anh mượn nợ nhà băng qua chương trình dành ưu tiên cho cựu quân nhân nên dù không có tiền cọc, anh vẫn mua được nhà. Tôi hỏi hơn mười năm làm việc ở hải ngoại mà không để dành được tiền down-payment sao? Anh nhăn nhó khổ sở như có một nỗi niềm riêng mà không trả lời được.


image


Có một lần, anh ngỏ ý hỏi tôi giúp anh được đi công tác ra nước ngoài vì biết lương xa nhà cao hơn làm việc trong nước. Tôi đùa anh không sợ để cô vợ trẻ ở nhà, lỡ mấy ông đồng hương với vợ anh ở Tucson cuỗm mất sao. Anh chỉ biết cười khổ. Tôi hỏi mức điểm an ninh, security clearance của anh như thế nào. Anh cho hay chỉ ở mức độ “confidential”. Tôi nói anh cần phải có được “secret” thì mới có hy vọng. Thông thường một cựu quân nhân đương nhiên có cấp độ an ninh ở mức “secret” nếu chưa bao giờ bị kỷ luật đuổi ra quân đội. Tôi khuyên anh làm đơn xin. Anh làm theo và chờ đợi. Cuối cùng câu trả lời đến từ ban chuyên trách an ninh của hãng là không được. Anh đau khổ hỏi các bạn đồng nghiệp tại sao. Vì tế nhị, không ai trả lời anh. Anh gặng hỏi tôi vì cho rằng mọi người dấu anh điều gì. Anh xin tôi vì tình bạn hãy nói thật cho anh biết. Tôi do dự một hồi lâu mới buông ra hai chữ: Vợ anh. 

 

Anh không hiểu, hỏi ngược lại tại sao tôi là người Việt Nam cũng đến từ một nước cộng sản lại có được cấp độ “secret” trong khi anh là cựu quân nhân, sinh đẻ ở Mỹ, và vợ anh chỉ là người phụ thuộc chứ đâu phải người trực tiếp làm việc cho hãng. Tôi phải giải thích rất lâu mà coi bộ anh cũng không muốn hiểu. Anh trách phòng an ninh, trách nước Mỹ không công bằng. Lâu dần anh cũng hiểu ra và an phận làm việc trong nước. Tôi an ủi anh dầu sao anh cũng có được 1 công việc thích hợp, vững chắc, không lo bị sa thải, và quan trọng là có tiền trả tiền nhà trong lúc này. Chỉ có một điều tôi để ý là sức khỏe anh xấu đi từng ngày. Có nhiều lúc đang lái xe, anh ngủ gục, xe loạng choạng; tôi bắt anh dừng lại để tôi nắm tay lái. Anh luôn miệng nói không sao nhưng tôi cương quyết phải để tôi thay.

 

Hơn một năm trước, tôi đi công tác từ Philippines trở về gặp lại anh, tôi thấy anh tiều tụy hơn, đôi mắt lõm vào, không còn sự tinh anh, lanh lẹ như ngày trước, dáng đi đứng chậm chạp, khó khăn. Bạn đồng nghiệp bàn tán về sức khỏe anh. Họ cho tôi hay, họ đã phải kêu 911, xe cứu thương vào chở anh đi bệnh viện vì anh thỉnh thoảng bị té và bất tỉnh mà không ai biết lý do tại sao. Vài ngày sau, anh trở lại làm việc như chưa hề có gì xảy ra. Có vài lời xầm xì cô vợ Tàu cộng đang đầu độc anh từ từ. Một nhân viên mới được tuyển vào làm việc, nhận ra Scott là xếp cũ của mình trong quân đội; khi xuất ngũ, anh ta có làm việc dưới quyền Scott ở Dubai một thời gian. Anh này tiết lộ rằng Scott đã bị nghi ngờ và đánh mất điểm an ninh từ lúc đó. Anh cũng thêm câu “vì cô vợ của Scott” có vấn đề.

 

image


Một hôm, sau giờ làm việc, tôi đi bộ ra bãi đậu xe, thấy Scott đi vào, anh, dáng đi vật vờ, nghiêng ngả, mắt nhắm nghiền, bất chợt anh té xuống trầy trụa cả mặt mày, đầu gối và cùi chỏ, tôi chạy vội lại đỡ anh lên và gọi xe cứu thương. Có những hôm, anh vào chỗ làm với những vết u trên trán, anh nói làm việc ở nhà bị cây rớt trên đầu. Dạo gần đây, anh đi làm trễ nhiều lần mà không gọi phone, không ai biết giờ nào anh sẽ đến làm việc.

 

Một lần, trên đường về nhà, thoáng thấy một chiếc xe quen thuộc đậu bên kia lề đường, tôi giảm tốc độ và nhìn thấy Scott đang gục đầu vào tay lái. Tôi quay đầu xe lại đậu sau chiếc xe của anh mà anh không hề hay biết. Tôi gõ cửa kính, anh giật mình nhìn lên với cặp mắt lạc thần. Hình như anh không nhận ra tôi. Tôi hỏi có cần giúp gì không? Mãi một lúc sau, anh mới tỉnh lại và luôn miệng nói không sao, chỉ buồn ngủ nên tắp vào lề đường nhắm mắt một chút rồi sẽ tiếp tục lái xe đến chỗ làm. Anh xin tôi đừng nói với ai chuyện này. Tôi hiểu ra nếu nói thật, anh có thể bị mất việc, đồng nghĩa với mất luôn căn nhà mới mua hơn 1 năm. Sư việc cứ như vậy xảy ra liên tục trong một thời gian khá dài, ai cũng ái ngại cho anh. Ông xếp, cũng là cựu thiếu tá không quân ngày xưa, không muốn làm trầm trọng vấn đề vì lo Scott mất việc thì tội nghiệp anh ta lắm. Ông xin anh em cố giúp Scott nếu có thể, bằng cách làm dùm công việc của anh, chừng nào không thể, thì tính sau.


image


Thời gian này, tôi và anh không còn đi chung xe nữa vì tôi hay đi công tác xa nhà. Tuy vậy, những lúc về nước, tôi tình nguyện đến nhà đón anh đi làm, được ngày nào hay ngày đó, anh không cần phải lái xe và tôi cũng không muốn thấy anh chết vì tai nạn xe trên đường đi làm. Anh từ chối vì muốn chứng tỏ cho mọi người biết anh vẫn khỏe và vẫn có khả năng làm việc. Một sự cứng đầu ngu ngốc! Tôi hỏi anh thật sự bị bệnh gì. Anh phải tự lo chứ không ai lo cho anh đâu. Anh vẫn chối quanh và nói mình bị xây xẩm vì tác dụng phụ của thuốc mà bác sĩ cho toa, chỉ thời gian ngắn rồi đâu sẽ vào đó.

 

Trong lúc Scott bị bệnh như vậy, vợ của anh vẫn đi về Trung cộng chơi cả 1,2 tháng mới qua. Tôi thật sự lo cho anh, thỉnh thoảng những ngày cuối tuần, muốn qua nhà thăm chừng coi anh có bị gì không. Nhắn tin, không thấy trả lời, tôi lấy chiếc mountain bike ra đạp, tiện thể ghé thăm vì sợ anh chết trong nhà không ai hay. Nhấn chuông, chờ thật lâu, không thấy cửa mở, tôi gọi phone, chờ thêm một hồi lâu nữa, tôi định ra về thì có tiếng mở cửa sau lưng. Scott xuất hiện, vẻ bơ phờ như người bệnh nặng, mời tôi vào nhà. Tôi hỏi sao không thấy trả lời phone.


Anh xin lỗi nói không nghe. Khi ra về, tôi có nêu vấn đề với ông xếp. Ông xin tôi tiếp tục để ý đến Scott vì tôi là người ở gần anh ta nhất. Ông nói nếu không may có gì xảy ra thì gia đình, vợ con Scott còn có thể lãnh ít nhiều quyền lợi từ hãng vì qua đời khi đang còn làm việc. Ông xếp tôi thật là một người có lòng.

 

Một buổi sáng đầu tuần đến chỗ làm, ông xếp báo tin Scott qua đời ngày hôm qua ở bệnh viện, xác còn để trong phòng lạnh. Ông cho hay, chiều thứ Sáu, cô vợ từ Trung cộng trở về, tối thứ Bảy, Scott gục té trong nhà bếp, được đưa đi cấp cứu, và sáng Chủ Nhật trút hơi thở cuối cùng. Ngay hôm đó, tôi để tin nhắn vào phone của Scott cho hay tôi sẽ ghé nhà gặp Xiao Mi. Cô ta gọi lại và mời tôi đến nhà. Tôi cố nhìn kỹ khuôn mặt cô ta mong tìm kiếm một nét đau khổ nào đó của một người vợ, nhưng tuyệt nhiên, không một giọt nước mắt xót thương nào.


image


Cô giới thiệu tôi với 2 người đàn ông mà tôi có thể đoán chắc, ông già với cây gậy kế bên là bố và người trẻ hơn là em trai của Scott. Họ vừa bay qua sáng hôm nay, họ rất mừng và cám ơn vì tôi đến chia buồn và xin tôi cho biết thêm về những quyền lợi của hãng cho nhân viên vừa qua đời. Tôi lấy laptop ra và chỉ cho họ số phone liên lạc và những gì nên hỏi. Người vợ sẽ là người thừa hưởng mọi quyền lợi của người quá cố như: Được lãnh 1 lần trọn số lương 1 năm của chồng, cùng với tiền ma chay và nhiều giúp đỡ khác về tài chánh. Ngoài ra, Xiao Mi đương nhiên sẽ lãnh lương hưu trí của Scott từ quân đội và các quyền lợi tương đương.

 

Tôi ngẫm nghĩ mà buồn cho số phận của Scott qua đời khi mới 57 tuổi. Nếu là anh, tôi cũng chưa chắc là mình sẽ làm được gì, có chuyển đổi được tình hình hay không. Tôi cũng không biết những gì xảy giữa anh và vợ những năm tháng sau cùng, lại càng không rõ trước kia cô ta có lấy được những thông tin mật gì không, lúc ở Dubai và sau này ở căn cứ quân sự, nơi chúng tôi đang làm việc. Tôi biết chắc một điều, ở chỗ làm, người ta luôn xắp xếp anh làm những công việc tầm thường và không được quyền tra cứu những thông tin quan trọng trong máy điện toán. Hầu hết bạn đồng nghiệp tin chắc rằng Scott đã bị cô vợ Tàu cộng giết từ từ bằng cách đầu độc mỗi ngày một chút vì không còn moi gì được từ anh. Đến lúc, cô ta quyết định dứt điểm để hưởng trọn những gì cô có thể, luôn cả quốc tịch Mỹ.


image


Đám tang Scott diễn ra vào cuối tuần đó ở ngôi nhà thờ nhỏ gần nhà. Xác đã được thiêu ở nhà quàn, bỏ vào hũ sành cùng với di ảnh Scott tươi cười trong bộ quân phục, để trên chiếc bản nhỏ giữa nhà thờ. Nhiều bạn đồng ngũ ngày xưa đến tham dự, tôi cũng đến tiễn đưa Scott lần cuối và chia buồn cùng gia đình. Nghi thức trao lá cờ tổ quốc cho người góa phụ diễn ra sau thánh lễ. Đội quân tang lễ bắn một loạt đạn đạn chào vĩnh biệt Scott lần sau cùng. Hai ngày sau, tôi nhận cú phone từ một cái tên xa lạ, có vẻ giống chữ Tàu, thì ra gia đình Scott mượn phone của Xiao Mi gọi để cám ơn tôi trước khi họ về lại Ohio.

 

Thỉnh thoảng tôi có đạp xe ngang qua nhà vợ chồng Scott và Xiao Mi, cửa đóng im lìm, chiếc pick-up truck của anh không còn đậu chỗ cũ, căn nhà không biết đã đổi chủ hay chưa. Tôi chắc Xiao Mi không thể trả nổi tiền nhà hằng tháng trong thời gian dài, cô sẽ phải bán đi và biến mất đâu đó trên nước Mỹ này. Giờ đây, tôi tin chắc là Mỹ Nhân Kế có thật, nó vẫn xảy ra hằng ngày và thay đổi qua muôn vạn kiểu khác nhau, có thể vì bí mật quốc gia, bí mật kinh tế, đòn phép chính trị, hay đơn giản chỉ vì tiền.

 

 Nguyễn Văn Tới

image 

Không có nhận xét nào: