Hãng bố thắng nằm ở mạn Bắc Montréal là nơi qui tụ một lớp di dân và tị nạn VN mà Josée thường ngạc nhiên lắm. Trong đám công nhân không chuyên của hãng, một số khá đông là những gã đàn ông trên dưới năm chục tuổi. Giờ nghỉ giữa ca, họ thường chia thành nhiều toán ngồi ăn chung với nhau. Josée để ý đến một toán đặc biệt, gồm năm người, mà Chi - người phụ tá của cô - thường gọi là những ông thánh. Họ chỉ chơi với nhau. Họ ít khi ồn ào, nhưng họ trao đổi, bàn bạc với nhau nhiều chuyện. Chuyện trong nhà và chuyện ngoài ngõ. Ðôi khi họ cũng cãi cọ, giận lẫy nhau mất vài ngày.
<!>
Dạo mới về nhận phòng nhân viên, Josée đã để ý đến tình trạng công nhân người Việt khá đông của hãng, so với các công nhân gốc Nam Mỹ, Bắc Phi, hoặc Ðông Âu hay Á Châu khác. Và cô đã ngạc nhiên về độ tuổi cũng như thâm niên của những người này.
Nhiều người đã làm hơn cả chục năm. Hình như họ chịu cơm của hãng. Họ không nhảy cóc như bọn trẻ, nhất là lũ thanh niên bản xứ. Họ ít cười. Họ đúng là những cái máy đứng trước những dây chuyền sản xuất. Và không ít người trong bọn họ hình như việc gì cũng làm được, trừ việc điều hành công ty mà thôi.
Từ trên phòng nhân viên nhìn xuống, hồi mới vào làm, cô đã có cảm giác khó chịu khi thấy những gã đàn ông đã qua tuổi trung niên, có vẻ như miễn cưỡng phải nhấn tay vào máy, phải chuyển hàng từ cuối dây chuyền vào kho. Nhưng nhìn chung thì năng suất trung bình của họ cao hơn năng suất trung bình của lớp thợ trước khi họ được tuyển vào; và nhất là họ ít nghỉ ngang như lũ thợ bản xứ, chưa kể đến việc họ sẵn sàng làm thêm giờ phụ trội khi cần.
Họ cũng là những người ít thắc mắc, khiếu nại nhất. Và nếu có khiếu nại, họ cũng chẳng biết khiếu nại chuyện gì. Mọi tranh chấp đã có nghiệp đoàn do mấy thằng Tây nó lo, và hãng trả cho đồng lương hơn mức tối thiểu một chút cũng đủ để họ hài lòng, đủ để phụ trả tiền nhà, tiền ăn, khỏi phải níu lưng mấy bà vợ lúc nào cũng nhăn nhó như sắp thiếu gạo tới nơi rồi.
Ðó là lý do tại sao hãng đã giữ lại những gã đàn ông mà thoạt nhìn đã thấy lộ cái vẻ nửa như ngạo đời, mà nửa như chán đời ấy.
Năm ông thánh họp thành một đám riêng biệt trong số những người thợ lỡ thời: họ gồm một ông cựu đại úy , một ông cựu dân biểu, một ông bác sĩ chưa lấy lại được bằng hành nghề, một ông cựu luật sư, và một ông kỹ sư chịu trận không đi học lại nữa. Những ông này nay đều nằm ở khoảng tuổi năm lăm cho đến sáu mươi. Ðó là cái thế giới trung lưu nho nhỏ của Sàigòn xưa thu gọn lại.
Họ đều đã đi qua cửa luyện ngục của nhà tù cộng sản, cách này hay cách khác. Họ bước vào lò luyện ngục thứ hai từ khi họ hân hoan đặt chân đến xứ sở tự do và thanh bình này. Hãng xưởng xứ này đúng là lò luyện ngục đối với những anh lưu vong, thất cơ lỡ vận.
Những anh mà cả sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần đã mong manh lắm rồi. Nhưng năm ông nói trên đã được cô Chi phong thánh vì cả năm ông đều có cái vẻ cao ngạo ngất trời, dưới cái bề ngoài nhu mì, khúm núm khi gặp những xếp Tây. Ông già cô, từng là giám đốc một hãng buôn ở Sài- gòn, đều quen biết cả năm người ấy. Tuy biết, nhưng chưa bao giờ cô thấy ba cô mời họ về nhà.
Có lần ông nói với cả nhà: '' Mấy thằng chả bỏ xứ tị nạn, qua đến đây rồi mà vẫn chưa hết tật lối, nhứt là cái thằng đại úy quèn . Qua tới đây, mũ áo, râu ria đều rớt hết rồi, mà vẫn lên mặt với anh em cùng làm một chỗ. Cứ cho mấy hắn là tướng đi nữa, và tiếng Tây có ngon lành đi chăng nữa, thì cũng chỉ là cu li mà thôi. ''
Thật ra thì trong năm ông ấy, chỉ có ông bác sĩ và ông luật sư là thuộc lớp có học Tây chút đỉnh, nói năng tàm tạm, nhưng nghe bọn còi nói có khi còn điếc, chớ mấy ông kia , kẻ tú tài, người cử nhân, nói cho Tây nghe còn phải nhịp tay cho nó hiểu. Nhưng mà, họ đều là thánh, và đều có lý để ăn nói như thánh.
Ông đại úy còn tí máu nhà binh, thỉnh thoảng đệm một vài tiếng 'Ðức' giữa bốn ông kia, nhưng khi chợt nhớ là nhà mình hai thằng con đang học y, tức thị mình là bố một đám trí thức con cùng mình, thì mình cũng phải ăn nói cho đàng hoàng với mấy ông trí thức khác.
Những lúc ấy, ông khựng lại, mắt láo liên nhìn mọi người đang nhìn ông với nét mặt kỳ cục. Ông bác sĩ ít nói nhất trong bọn, nhưng cũng là người có bộ mặt cao ngạo nhất vì ' Trời làm một trận phong ba, ông lại xuống thằng, thằng lại lên ông'.
Ông vẫn tự nhủ là khắp nơi trên thế giới này, bác sĩ vẫn là đẳng cấp ưu tú nhất của nhân loại. Chẳng qua là vì mấy thằng cộng sản ác ôn trong nước, chúng dìm người tài một cách tàn mạt ; đến lúc chúng thả người ta ra thì họ gặp ngay lúc mấy thằng da trắng khốn nạn đang xiết dần lại quota bác sĩ dành cho di dân.
Dân da trắng ngán đến thăm bịnh những bác sĩ di dân lắm. Ðiều này chẳng khác chi dân Việt đối với các bác sĩ người Miên tốt nghiệp ở Nam Vang vậy. Ông gục mặt đi cày vì bà vợ đau yếu và vì thằng con còn đang học trung học. Chẳng rõ vì lý do nào mà hồi mới vào làm ông bị thằng cai người Việt trong phân xưởng của ông nó đì đến mức. Ông vẫn nói với mấy ông bạn kia rằng đó là một thằng khật khùng, mất dậy.
Nhưng may mắn cho ông : thằng con duy nhất của ông đã cứu ông ra khỏi nỗi nhục nhằn của việc chưa lấy lại được bằng hành nghề như một số bạn ông qua xứ này sớm hơn ông. Nó đã mon men vào được trường Nha trên Québec. Và như vậy, ông thấy là con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.
Bọn lưu manh, ba trợn như thằng cai kia thì đến ba đời nhà nó cũng không nở mày nở mặt với thiên hạ được, và lũ cô hồn đội lốt người khắc nghiệt ở quê ông thì có đến bảy đời cũng chưa hết là ...bần nông. ''Chúng mày càng nghiệt ngã bao nhiêu thì đời con, đời cháu chúng mày càng bầm dập bấy nhiêu.'' Ông vẫn thường tâm sự với ông đại úy như vậy.
Ba ông kia, con cái đều tốt nghiệp đại học cả, và đều có job ngon lành cả. Gặp ai, các ông đều nói là đi làm cho vui, chớ sống gì nổi với đồng lương còm. Ông dân biểu, năm nay đã ngoài sáu mươi, thường lớn tiếng là chỉ có bọn lười, làm biếng, mới ăn xã hội. Những người đàng hoàng như ông không bao giờ ăn bám vào nhà nước(?!).
Nhiều hôm ông đã oải người , tưởng không dậy nổi đi làm nữa, nhưng ông vẫn phải đi. Xứ này không dựa vào ai được, kể cả con cái! Mà ăn xã hội cũng chẳng phải dễ!! Chánh phủ lúc này khó khăn nhiều về tài chánh, và cũng đã khôn ngoan hơn nhiều đối với đám di dân nhận vào để trao cho chúng cái cày chớ chẳng phải để chúng ở không nằm vạ.
Bà vợ thì cứ hai tuần không chià ra cái chèque tiền lương thì mụ nhay như điả. Mụ cũng làm như điên, nhưng ra đường thì mụ diện chẳng kém nữ hoàng. Hai thằng con trai tuy xong đại học nhưng vướng vào hai con đầm thành thử nuôi con mà thành công cốc.
Dẫu sao, năm ngài ấy vẫn là những ông thánh ngon lành, vẫn họp nhau xoa mạt chược cuối tuần , hoặc cao hứng rủ nhau xách vợt đi đánh tennis vào dịp hè. So với đám di dân người Việt còn đang bơi đến lả người trong vũng lầy của đời sống Bắc Mỹ, họ đúng là những vị thánh. Bề gì các ông cũng còn vợ con đàng hoàng, và hơn hẳn một số khá đông nguời khác, con cái các ông đều học hành ngon lành, khấm khá cả.
Ông kỹ sư, xuất thân con nhà quê nghèo ở vùng chiêm trũng Phủ Lý, thường hể hả nói với các bạn: '' Tôi phải cảm ơn cách riêng Cách Mạng VN vì các cụ tôi sớm biết mấy ông kẹ ấy, nên đã nhanh chân bỏ chạy vào Nam. Nhờ vậy, mà chúng tôi có điều kiện học hành nên người.
Mẹ tôi buôn gánh, bán bưng ở chợ Trương Minh Giảng nuôi bốn anh em tôi ăn học: nhà tôi bốn người đều tốt nghiệp đại học, trong số hai thằng em xong tiến sĩ ở Ðức. Rồi cũng nhờ mấy ông ấy 'giải phóng' Miền Nam mà gia đình tôi chạy được đến đất nước thanh bình nhất hoàn cầu này, và nay thì cả ba thằng con tôi cũng đã xong đại học.
Thằng em tôi ở Cali. có ba thằng con học Harvard. Thật là cám ơn Chúa bội phần, mà cũng phải cám ơn các ông ấy bội bội phần nữa.'' Ông hay chép miệng nhắc nhở mọi người: '' Nhưng mà đám ấy nó gây ác nghiệp nhiều quá, chẳng sớm thì muộn thế nào rồi cũng gặp chuyện chẳng lành.
Mấy thằng đấu tố ông bác ở làng tôi, sau này thằng thì vượt Trường sơn vào Nam, thằng thì vào xã ủy, huyện ủy; nhưng hai năm trước ông cụ tôi có về ngoài đó thăm lại làng xưa thì xem ra con cháu những kẻ ấy đều chẳng ra gì. Nhiều đứa vẫn còn gục mặt xuống đất mà cày. Cái bọn làm ác có khi nào mà khá cho nổi, phải không các vị?''
Trong số những ông vẫn còn trầm luân trong lò luyện ngục thứ hai này, nhiều ông mất vợ. Có ông mất vì bà vợ chịu không thấu cái tính chồng chúa, vợ tôi ; có ông mất vì những năm tù đày ở VN làm thân tàn, ma dại và cái đầu cũng hoá thành khật khùng.
Có ông lúc ở VN ngon lành, ôm cô vợ trẻ, xài cho đã đời, giờ hết xí quách, làm không ra tiền, mặt mũi như ma, nhường vợ cho kẻ khác trẻ hơn, khoẻ hơn, và đông địa hơn trông nom săn sóc dùm. Xứ này là đất của bọn trẻ mà. Còn trẻ và chịu cày là có tiền. Nếu có thêm tí đầu óc thì có thể làm giàu được.
Và hôm nay, nhân tiệc cưới của con một người bạn vô thưởng vô phạt - một ông đại úy già đáng được phong thánh thật sự, vì tư cách cũng có, mà vì gia đình ông có lẽ là gia đình người Việt hiếm hoi có bảy thằng con tốt nghiệp đại học, mặt mũi đứa nào cũng sáng láng, đẹp đẽ, con dâu có đến hai đứa là nha sĩ, và bà vợ là một người đàn bà bặt thiệp - năm ông thánh và các quí phu nhân đã được sắp chung vào một bàn.
Ông đại úy là người trẻ tuổi nhất trong năm ông; nhưng máu nhà binh trong người, ông là người đầu tiên giơ ly ra cụng lần lượt với bốn người kia. Ông bác sĩ hơi nhíu mày. Thằng ôn này vô phép.
Dạo mới vào hãng làm , ông ghét cùng, ghét cực cái thằng võ biền này; nhưng sau này khi thằng con lớn của ông đại úy vào được trường y thì thái độ của ông đối với ông đại úy có phần nể nang hơn. Ông thông cảm dễ dàng hơn. Dân lính tráng có khi không biết hết những tế nhị trong cuộc sống; nhưng mà thôi, mình châm chế.
Vả lại, ai cũng đã qua những thăng trầm dữ dội rồi. Và mấy đứa con nhà này đều đã vào đại học cả rồi thì cái gia đình ấy so với nhiều gia đình bát nháo gần khu ông ở cũng đáng được xếp vào hạng thượng lưu trí thức, dẫu là bố nó thỉnh thoảng có văng tục chút đỉnh.
Lính mà văng tục là lẽ tự nhiên, còn hơn thằng giám học ở cái trường trung học gần ngã bảy Sàigòn, nơi thằng con ông trước 75 đã theo học tại đó, ở trường thì đạo mạo, mặt sắt đen xì, mà cuối tuần thì tụ nhau ăn nhậu như phường du thủ du thực, mà hễ mở miệng thì tiếng' Ðức' nhiều hơn tiếng Ta. Ông đã phải kiếm trường khác cho thằng con duy nhất qua học.
Bà bác sĩ ghé vào tai chồng:
- Bàn tiệc gần bàn họ hàng nhà trai là bàn toàn mấy ông bà bác sĩ anh à!
Bà nói mà giọng bà nghẹn đi. Bàn những ông bác sĩ nói cười rôm rả. Ai cũng phương phi, phong độ, hồng hào; và các bà, bà nào cũng ra dáng mệnh phụ. Ông làm bộ không nhìn thấy họ, nhưng bàn bên ấy, ông thoáng thấy một hai bàn tay giơ lên vẫy ông. Ông gật đầu đáp lễ.
Ông cũng đã nhìn thấy một vài khuôn mặt quen thuộc; trong số, có một ông bác sĩ già thuộc lớp đàn anh của ông, tay cầm viết đã run lẩy bẩy mà vẫn cố hành nghề ở gần xóm dân nghèo. Có mặt cả mụ bác sĩ đói khách nữa; vậy mà người bệnh đến phòng mạch của mụ, mụ khám bệnh như khám cho bịnh nhân ở những nhà thương thí bên VN vậy.
Ông bác sĩ làm bộ không nghe thấy bà vợ nói gì. Ông nhìn ông đại úy đang bô bô về mấy thằng con trai học y. Hắn cũng đang huênh hoang về công đức của dòng tộc nhà hắn, từ đời ông cố nội lận.
Cụ tổ mười đời nhà hắn là một võ tướng dưới triều Lê. Và nếu bọn tướng bẩn đừng có tham nhũng, chia rẽ, thối nát để đến nỗi thua nhục thì cũng có ngày hắn lên tướng. Ông dân biểu gióng tai nghe. Ông ra vẻ thán phục gia đình ông đại úy lắm.
Ông đã có ý nhòm ngó một thằng con nhà ấy cho con gái ông, hiện đang theo học năm thứ hai về kế toán. Ông đã mời vợ chồng ông đại úy lại nhà chơi nhiều lần . Thằng con xem ra cũng chịu cô bé con bạn bố mình. Con bé khá đẹp và lanh.
Ông dân biểu nói với cả bàn, vừa như diễu mà vừa như nịnh:
- Qua đến xứ này, tôi thấy con cái nhà mấy ông đại úy, đứa nào cũng ngon lành cả. Các vị có thấy không? Con ông Tuân đây, và con ông Công chủ tiệc bữa nay đều vào đại học cả, mà vào học toàn trường ngon lành, có tiếng ở đây.
Tôi có mấy ông bạn cũng cấp đại úy, thiếu tá hiện nay ở bên Mỹ cũng vậy, chả bù cho con mấy ông tướng mà tôi biết, nhiều đứa không ra gì!
Ông luật sư vốn có cái miệng độc:
- Các ông đại úy mới là sĩ quan thứ thiệt, có đầu óc, nên con cái mới khá vậy; chớ mấy viên tướng hèn ôm tiền chạy trước, để dân chúng, lính tráng kẹt lại chết lần chết mòn với VC thì âm đức đâu mà con cái học hành cho nổi.
Bàn bên , tiếng muỗng nĩa chạm nhau. Anh bồi bàn bên này cũng vừa múc xong chén xúp măng cua chót. Bà luật sư nhìn một loạt quanh bàn. Bà mời:
- Mời quí vị dùng cho nóng. Cái vỉ màu xậm kia là dấm đỏ nghe quí vị.
Bà nhắp một muỗng, quay qua nói chồng:
- Xúp ở đây họ nấu được đấy ông.
Bà dân biểu ra vẻ sành sõi:
- Tôi đã dự tiệc nhiều lần, tiệm Bill Wong này nấu ăn cũng khá. Người Hoa họ đi tới đâu cũng mở chợ, nhà hàng, khách sạn lớn, và cả những trò ăn chơi nữa, còn dân mình chỉ loay hoay với mấy cái tiệm ăn vài chục chỗ ngồi, giỏi lắm là dăm ba cái motel, còn đụng chuyện gì cũng không bền.
Bà kỹ sư bàn góp:
- Nhưng dân mình được cái học hành chẳng thua kém giống dân ngon lành nào.
Bà nhìn bàn tay của bà bác sĩ:
- Bàn tay của chị còn đẹp quá; chị xem, tay em hư hết rồi nè. Nhà có cái tiệm ăn nhỏ, mọi thứ phải làm lấy hết, nên tay chân như mọi vậy.
Bà cố tình chià chiếc nhẫn bảy li cho bà bác sĩ coi.
- Tôi cũng vậy chị à. Bọn mình có ai còn giữ được chút gì đâu
Bà đại úy ngó bàn tay của hai bà :
- Mình vậy mà còn đỡ đấy các chị ạ. Như các chị đây, tay đeo nhẫn còn đẹp chán. Bên này, các chị thấy không? Bọn nó làm quần quật như trâu, thành thử người đứa nào cũng lệch lạc hết cả. Các chị cứ nhìn chân tay tụi nó mà xem: xương xẩu một cục! Dân lao động bên này ngoài bốn chục là thịt nhão hết cả rồi.
Bà ghé tai bà vợ ông luật sư ngồi bên cạnh:
- Với lại, bọn quỉ cái da trắng, cái khoản ấy tụi nó như heo nái Yorkshire vậy. Nó làm riết một chặp thì đến thân hình của thần Vệ Nữ cũng thành bèo nhèo.
Các bà cười hinh hích, vui vẻ, nhìn lên bục danh dự. Một bà xuýt xoa:
- Cô dâu đẹp quá, mà bữa nay lại chơi trội, ăn mặc như vũ nữ khoả thân. Bọn trẻ mới có khác. Tụi nó chẳng kể gì cả. Thời mình mà ăn mặc như vầy thì cha mẹ chú rể hết dám đãi tiệc.
Một bà khác nói:
- Xứ này thanh niên nam nữ tự do thật, sướng thật. Nhiều đám ngủ với nhau đã đời, có con, rồi vác cái bầu tổ chức tiệc tùng linh đình. Vui đáo để. Thời mình, cưới xong rồi, ông chồng thấy vợ, mặt còn đỏ tiá, chân tay lóng ngóng tìm không ra chỗ nữa cơ các chị ạ.
Các bà vừa nói chuyện, vừa cười. Ðúng là mỗi thời mỗi khác và mỗi xứ mỗi khác.
Bà dân biểu quay qua nói với mấy bà bạn:
- Mình cũng mừng cho tụi trẻ ở đây. Khôn ngoan ra thì có thể có hạnh phúc dài dài. Phần tôi, giờ tôi chỉ mong sao cho xác mình khỏi bị hành nữă. Nghĩ tới sáng sáng phải tới sở làm thấy ớn quá rồi. Tôi đã xin về hưu . Cả ông nhà tôi nữa. Lương hưu chẳng bao nhiêu, nhưng tằn tiện cũng đủ xài.
- Nhà tôi cũng vậy. Thằng cháu vào được Nha là nhà tôi nghỉ. Chẳng tội gì mà cày nữa. Nhiều hôm thấy ông ấy về đến nhà nằm vật ra mà tội nghiệp quá.
Chung quanh, mọi người nói cười ồn ào. Ông đại úy bố của chú rể dắt một bà bạn ra sàn nhảy. Bên kia sàn, bà thông gia với ông cũng đang nhảy với một ông bạn làm cùng hãng, và lần luợt các cặp bạn quen gồm những ông bà bác sĩ bàn bên, rồi mấy cặp những ông bà thánh mới thoát cõi luyện ngục thứ hai này cũng dìu nhau ra.
Tây đầm mà thấy cảnh này hẳn chẳng tránh được tị hiềm. Mới mươi năm trước chúng nó còn lê lết đến đây, vậy mà giờ này nhiều đứa đi xe láng o, ở nhà xịn, và con cái chúng nó ngon lành quá. Có bọn xấu miệng đồn bọn này là bọn bóc lột thậm tệ ở xứ chúng.
Nhưng, đã có những anh Tây hiểu ra là đám này chẳng phải là lũ bóc lột, hay một đám ăn hại. Ðó là cả một lớp người có ăn có học của cái xứ sở tang thương kia mà cuộc dâu bể đã tản họ ra cùng khắp địa cầu này.
Ông Tây già ngồi lẫn trong bàn những ông bác sĩ nhìn mọi người hân hoan vui đùa trong tiệc cưới, nghe những ông bác sĩ nói tiếng Tây rào rào, và nghe ông bác sĩ kế bên giới thiệu những em cháu đang theo học ở những trường lớn, nheo nheo con mắt nói bâng quơ:
- Mỹ nó lấy hết nhân tài Canada rồi, nhưng may là còn có mấy ông bà đây trám dùm cho xứ này những chỗ trống ấy.
Câu nói đến tai năm ông bà thánh bên này, và mọi người đều cười lớn, hả hê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét