Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

MUA NHÀ XEM HƯỚNG - Hoàng Văn Thịnh

Nhà cửa là một vấn đề quan trọng đối với con người từ Âu sang Á. Ngươì Mỹ xem việc làm chủ một căn nhà là một giấc mơ (dream). Dân tộc Á Đông, nhất là dân tộc Việt Nam ta, việc làm chủ một ngôi nhà không những chỉ là một giấc mơ mà nó còn có tinh cách hệ trọng hơn nhiều.“Sống ở nhà, chết ở mồ”, Sống là phải có nhà ở cũng như chết phải có mồ chôn. Sống không có nhà ở, lang thang nay đây mai đó, ăn nhờ ở đậu, cũng như khi chết không có mồ chôn, vất xác phanh thây. “Sống vô gia cư, tử vô địa táng” là những người khổ cực nhất, đáng thương nhất. Cũng vì nhà cửa quan trọng như vậy nên việc làm nhà, mua nhà được kén chọn và đắn đo rất kỹ.

<!>

Một trong vấn đề quan trọng đối với người đi mua nhà là hướng nhà và vị trí nhà. Theo Toan Ánh trong cuốn Phong Tục Việt Nam “Trong việc xây cất nhà cửa, cần kén một miếng đất và miếng đất này goi là Dương Cơ. “Thứ nhất dương cơ, thứ nhì mồ mả”. Ta vẫn thận trọng trong việc để mồ mả, trong việc xây cất nhà cửa, việc kén đất ta càng thận trọng hơn. Các cụ thường thường đặt dương cơ trên mồ mả, và các cụ vẫn nói: “nhất dương thắng thập âm”, nghĩa là một ngôi nhà đúng đất, đúng hướng bằng mười ngôi mộ phát. Các cụ thường nhắc lại chuyện những người thất cơ, lỡ vận chỉ vì ở một ngôi nhà không hợp với mình, cũng như bao nhiêu người làm ăn phát đạt vì ở một ngôi nhà đúng đất, đúng hướng” (Phong Tục Việt Nam, trang 293).

Phương ngôn có nói: “ Nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn”, hoặc “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam”. Những câu nói trên là những câu phương ngôn chứ không phải tục ngữ. Tục ngữ mới có giá trị phổ quát còn phương ngôn chỉ có giá trị đặc thù, phương ngôn chỉ có giá trị cho từng vùng, từng địa phương. Ở Việt Nam, tại miền Bắc, gió Bắc thổi lạnh, gió Tây tức gió Lào thồi sang thì nóng nực, chỉ có gió Nam tức la gió từ biển Nam Hải thổi vào là mát mẻ, nhà hướng Nam sẽ đón nhận những cái mát mẻ cuả gió Nam. Những người có nhà hướng Nam sẽ cảm thấy thoải maí, và nhờ vậy mà việc làm ăn sẽ ngày càng khá hơn.

Đa số người Trung Hoa và Việt Nam không thích mua nhà ở ngã ba đường. Ngươì ta nghiệm ra rằng những người ở căn nhà này thường rất “xui xẻo”. Mua nhà có đất thót đuôi chuột, tức phía đằng trước rộng, phía sau hẹp, nếu ở căn nhà có mảnh đất thế này thì làm ăn ban đầu khá, nhưng càng về sau càng sa sút, lụn bại. Đất nở hậu thì ngày càng sung túc. Những người có căn nhà ở khu đất này thì giầu về hậu vận. Đất vuông vắn thì cuộc đời bằng phẳng, êm ả, đất chéo lệch thì cuộc đời thay đồi, ba chìm bẩy nổi chín caí long đong. Có người còn cho rằng ngõ cụt tức là không có thông thương, tức đi vào con đường cùng, còn “corner lot” đồng nghĩa với ngã ba, tức số lẻ mà không chẵn, số lẻ là lẻ loi,, số cuả sự thay đổi mà không vĩnh cửu. Trước cửa nhà có cây lớn hoặc có vòi nước cứu hỏa một số người không ưa thích. Nhưng trái ngược với ngươì Trung Hoa và Việt Nam, người Mỹ rất thích nhà ở “corner lot” hay ngõ cụt (cul-de-sac).những căn nhà này thường được đem ra quảng cáo và bán với giá cao hơn vì corner lot thừơng có đất rộng và nhiều chỗ đậu xe, còn nhà ở ngõ cụt thì tránh được tiếng ồn ào của xe cộ lưu thông.

Hướng nhà và vị trí nhà vừa trình bày ở trên chỉ là những phong tục, những quan niệm của từng vùng, từng người, nó không dựa trên một suy luận vững chắc và khoa học, nên có người tin, người không tin, có người thấy đúng, có người thấy sai cho nên hướng nhà cần phải được nhìn

dưới một khiá cạnh khác.

Xét trên phạm vi triết học, quan niệm đồng nhất của Đông phương “Thiên điạ vạn vật đồng nhất  thể (Trời, đất và vạn vật cùng một thể) đã được dùng để lý giải về vũ trụ, vạn vật. Cố giáo sư Kim Định, cựu giáo sư Triết tại Đại học Văn Khoa Saigon, trong cuốn Dịch Kinh Linh Thể đã dùng thuật ngữ của Hegel để nói về Kinh dịch, “theo đó thì hai hạn từ (termes) chính đề và phản đề trong Kinh Dịch là thiên và địa, còn tổng đề là nhân. Nhân chỉ tổng hợp của thiên và địa, vì thế Nho Giáo định nghiã Nhân là “Thiên Địa Chi Đức” và cùng với Thiên Địa được kêu là Tam Tài trong ba cặp hào của một quẻ. Trong đó hai hào dưới là Địa, hai hào giữa là Nhân, hai hào trên là Thiên” (Dịch Kinh Linh Thể trang 48). Theo thế Tam Tài “Thiên , Địa , Nhân”, trời đất và người phải dung hợp. Đất có dung trời mới thương và con người sống trên mảnh đất đó mới được hạnh phúc sung sướng. Nếu đất không dung, trời nào có thương. Nếu đất đã không dung, trời cũng không thương thì làm sao được hạnh phúc sung sướng. Muốn đất dung để cho trời thương thì con người sống trong một căn nhà đặt trên mảnh đất ấy phải hợp với hướng, nghĩa là hợp với thiên nhiên, hợp với lòng trời. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong (Thuận theo lý của trời thì còn, nghịch theo lý của trời thì mất). Cái lý cuả trời xét theo Dịch Lý là theo nguyên lý Âm Dương Ngũ Hành.

      Nói đến Dịch Lý là nói đến Thái Cực, Lưỡng Nghi, Ngũ Hành, Tứ Tượng và Bát Quái. “Vật hữu Thái Cực”, bất cứ vật nào dù nhỏ tới đâu cũng là một Thái Cực. Âm tự nó là một Thái Cực, Dương tự nó là một Thái Cực. Thái Cực gồm cả Lưỡng Nghi (một mà hai, hai mà một):

“ Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai”.

Âm trung chi Dương, Dương trung chi Âm (trong khí Âm có khí Dương, trong khí Dương có khí Âm). Trong ác có mầm thiện, trong thiện có mầm ác…

Từ Thái Cực biến sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái.

Khí Âm gặp khí Dương thì hòa hợp nghĩa là thuận lý Âm Dương

Khí Âm gặp khí Âm , khí Dương gặp khí Dương thì đối kháng nhau, nghiã là nghịch lý Âm Dương.

Ở trong vũ trụ, Âm Dương được thề hiện bằng năm trạng thái, tức Ngũ Hành. Ngũ Hành gồm có: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa. Thổ. Mỗi hành có một tính chất khác biệt nhau nên có khi sinh, có khi khắc, có khi hoà.   

     -     Ngũ hành Sinh:

        Thổ sinh Kim

         Kim sinh Thủy

        Thủy sinh Mộc

         Mộc sinh Hỏa

         Hỏa sinh Thổ

-        Ngũ hành khắc:

Thổ khắc Thủy

Thủy khắc Hỏa

Hỏa khắc Kim

Kim khắc Mộc

Mộc khắc Thổ

-        Ngũ hành hoà:

Kim hòa Kim

Mộc hòa Mộc

Thủy hoà Thủy

Hỏa hòa Hỏa

Thổ hòa Thổ

      Trong ngũ hành: Kim, Mộc,Thủy, Hỏa, Thổ. Thổ tức là đất, số tại trung phương, là tam thiên lưỡng địa (3 trời, 2 đất) là số 5. Theo Tượng số học, số 5 là số rất quan trọng, nó có thể là số rất may mắn nhưng cũng có thể là số thật rủi ro, nó có thể biến thiên ra các con số khác.

Vì Thổ bao gồm cả âm và dương, có Kim, Mộc, Thủy, Hoả (trong đất có kim loại, trên mặt đất có cây cối, đất có chứa nước, trong lòng đất có lửa).

Xét theo Tứ Tượng, nếu áp dụng vào phương hướng thì có 4 phương: Đông, Tây, Nam ,Bắc tương đương với 4 hành: Mộc, Kim, Hỏa, Thủy. Từ tứ Tượng sinh Bát Quái, nghiã là có 4 phương và 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam tương đương với Bát Quaí:

1-       Hướng Đông:   Quái Chấn  hành Mộc thuộc âm (-)

2-       Hướng Tây   :   Quái Đoài  hành Kim thuộc âm (-)

3-       Hướng Nam  :   Quái Ly hành Hỏa thuộc dương (+)

4-       Hướng Bắc    :  Quaí Khảm hành Thủy thuộc dương (+)

5-       Hướng Đông Bắc: Quái Càn hành Mộc thuộc dương  (+)

6-       Hướng Đông Nam: Quái Tốn hành Hỏa thuộc âm (-)

7-       Hướng Tây Bắc: Quaí Kiền hành Thủy thuộc âm (-) 

8-       Hướng Tây Nam: Quái Khốn hành Kim thuộc dương (+)

       Mỗi tuổi có một Mệnh, mỗi mệnh có một hướng. Mệnh có : Kim, Mộc, Thủy , Hỏa, Thổ. Hướng cũng có: Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa , Thổ (Thổ ở tại trung phương). Mệnh Kim mua nhà theo hướng Kim tức là theo Ngũ Hành Hòa (Kim hòa Kim). Ngũ Hành hòa được kể là tốt, sống cuộc đơì nhàn hạ, không sóng gió, hòa thuận vơí trời đất và người. Cũng vì thế các cụ thường nói Vợ chồng cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Vợ chồng cùng tuổi tức là theo Ngũ Hành Hòa: Kim hòa Kim, Mộc hòa Mộc …

Ngũ Hành Sinh được kể là tốt nhất, nó được sự hỗ trợ của trời đất và vạn vật.  Còn Ngũ Hành Khắc là nghịch lý Âm Dương, Ngũ Hành. Hành này khống chế hành kia làm cho tiêu tán dần. Người mua nhà có hướng khắc với tuổi mình thì làm ăn thất bại, thua lỗ, đời sống lận đận, kém may mắn. Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc kim.

     Con người ta chụi ảnh hưởng của Thân và Mệnh. Mệnh do Thiên định còn Thân do Nhân định. Từ 30 tuổi trở lên được coi là tuổi lập thân. “Tam thập nhi lập”. Mệnh dù có tốt nhưng Thân không tốt thì không được kể là tốt, hoặc Thân tốt nhưng mênh xấu thì cũng phải giảm đi. Một cây kia giống thật tốt, nhưng nếu đem trồng ở nơi đất xấu, khí hậu không hợp thì không thể nào sinh hoa kết trái được. Con người cũng vậy, nếu bản mệnh có tốt, nhưng ở một căn nhà không tốt, không hợp hướng thì cũng long đong vất vả.

     Cuộc đời sướng hay khổ còn tùy thuộc vào Phụ Mẫu, Phu Thê, Bằng Hữu, Thân, Ý và Khẩu nghiệp…Việc chọn nhà đúng hướng nó không có tính cách hoàn toàn quyết định vận mệnh con người, nhưng nó cũng là một yếu tố trợ lực giúp chúng ta được hạnh phúc sung sướng vậy.

 ***************                                                                          Bài kỳ trước trong KTTD số 4 (số báo Xuân), chúng tôi đã nói một cách tổng quát về tuổi (mệnh) và hướng nhà theo nguyên lý Âm Dương Ngũ Hành.

     Trong bài này chúng tôi sẽ đề cập đến cách thực hành trong việc tìm hướng nhà theo tuổi của mình, nên chọn hướng nhà theo tuổi của vợ hay chồng và cách thức sửa chữa nếu đã mua nhà rồi…

 1-     Cách thức tìm hướng nhà:

 Ta cần phải biết mình tuổi con gì (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Sau đó ta cần biết năm mình sinh theo Dương lịch.

 a-     Tìm Thiên Can:  Có tất cả 10 Thiên Can là: Canh, Tân, Nhâm, Quí, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ.

 Số tận cùng là số Không:    0    -    Canh

            “              Một    :    1    -    Tân

             “             Hai     :    2    -    Nhâm

             “             Ba      :    3     -   Quí

             “             Bốn    :    4    -    Giáp

             “             Năm   :    5    -    Ất

             “             Sáu     :    6    -    Bính

             “              Bẩy    :    7    -    Đinh

             “             Tám   :    8     -    Mậu

             “             Chín   :    9    -     Kỷ

 

Thí dụ: Sinh năm Dần, 1950, tức là tuổi Canh Dần, Sinh năm Hợi, 1959, tức tuổi Kỷ Hợi . Năm nay là năm Tý, 2008, tức năm Mậu Tý,  năm tới là năm Sửu, 2009 nhưng không biết Thiên Can gì, nhờ công thức này ta biết được năm 2009 là năm Kỷ Sửu, và cứ như thế, năm 2010 là năm Canh Dần…

 b-     Tìm Bản Mệnh:

 Dựa vào bảng Lục Thập Hoa Giáp (chu kỳ 60 năm) dưới đây ta biết được bản mệnh:

 1-     Hải trung KIM:              Giáp Tý, Ất Sửu

2-     Lộ trung HỎA:              Bính Dần, Đinh Mão

3-     Đại lâm MỘC  :             Mậu Thìn, Kỷ Tị

4-     Lộ bàng THỔ :              Canh Ngọ, Tân Mùi

5-     Kiếm phong KIM:         Nhâm Thân, Quí Dậu

6-     Sơn đầu HỎA:               Giáp Tuất, Ất Hợi

7-     Giản hạ Thủy:                Bính Tý, Đinh Sửu

8-     Thành đầu THỔ:            Mậu Dần, Kỷ Mão

9-     Bạch lạp KIM:               Canh Thìn, Tân Tị

10- Dương liễu MỘC:          Nhâm Ngọ, Quí Mùi

11- Tuyền trung THỦY:       Giáp Thân, Ất Dậu

12- Ốc thượng THỔ:             Bính Tuất, Đinh Hợi

13- Tích lịch HOẢ:               Mậu Tý, Kỷ Sửu

14- Tòng bách MỘC:            Canh Dần, Tân Mão

15- Tràng lưu THỦY:           Nhâm Thìn, Quí Tị

16- Sa trung KIM:                 Giáp Ngọ, Ất Mùi

17- Sơn hạ HỎA:                   Bính Thân, Đinh Dậu

18- Bình Địa MỘC:               Mậu Tuất, Kỷ Hợi

19- Bích thượng THỔ:          Canh Tý, Tân Sửu

20- Kim bạch KIM:               Nhâm Dần, Quí Mão

21- Phú đăng HỎA:               Giáp Thìn, Ất Tị

22- Thiên hà THỦY:              Bính Ngọ, Đinh Mùi

23- Đại trạch THỔ:                Mậu Thân, Kỷ Dậu

24- Thoa xuyến KIM:            Canh Tuất, Tân Hợi

25- Tàng gía MỘC:               Nhâm Tý, Quí Sửu

26- Đại khê THỦY:               Giáp Dần, Ất Mão

27- Sa trung THỔ:                 Bính Thìn, Đinh Tị

28- Thiên thượng HỎA:        Mậu Ngọ, Kỷ Mùi

29- Thạch lưu MỘC:             Canh Thân, Tân Dậu

30- Đại hải THỦY:               Nhâm Tuất, Quí Hợi   

 

Dùng bảng Thập Thiên Can để đối chiếu xem tuổi mình thuộc Âm (-) hay Dương (+):

 Canh     :   Dương  (+)

Tân       :   Âm      (-)

Nhâm    :  Dương (+)

Quí        :  Âm      (-)

Giáp      :  Dương (+)

Ất          :  Âm      (-)

Bính      :  Dương (+)

Đinh      :  Âm      (-)

Mậu       :  Dương (+)

Kỷ         :  Âm      (-)

 Sau đó dùng bảng đối chiếu sau đây sẽ biết được tuổi mình thuộc hướng gì:

 1-       Hướng Đông:               Quái Chấn  hành Mộc thuộc âm (-)

2-       Hướng Tây   :               Quái Đoài  hành Kim thuộc âm (-)

3-       Hướng Nam  :               Quái Ly hành Hỏa thuộc dương (+)

4-       Hướng Bắc    :              Quaí Khảm hành Thủy thuộc dương (+)

5-       Hướng Đông Bắc:        Quái Càn hành Mộc thuộc dương  (+)

6-       Hướng Đông Nam:       Quái Tốn hành Hỏa thuộc âm (-)

7-       Hướng Tây Bắc:           Quaí Kiền hành Thủy thuộc âm (-) 

8-       Hướng Tây Nam:          Quái Khốn hành Kim thuộc dương (+)

 Thí dụ: Tuổi Canh Thìn và Tân Tị  mệnh là Bạch Lạp Kim, nhưng  Canh là Dương (+), Tân là Âm (-), nên tuổi Canh Thìn hợp hướng Tây Nam, tuổi Tân Tị hợp hướng Tây.

   2-     Mua nhà theo tuỏi chồng hay tuổi vợ ?

 Nếu hai vợ chồng khác tuổi nhau thì thật khó tìm được căn nhà hợp với tuổi của cả hai vợ chồng.. Chúng ta chỉ có thể chọn lựa một trong hai người. Cách tốt nhất là chọn hướng nhà theo tuổi của người chủ gia đình. Gia đình Việt Nam thường hay coi người chồng là chủ gia đình, nhưng thực ra không phải hoàn toàn như vậy. Một số gia đình người chồng rất thờ ơ, để mặc vợ, vợ muốn làm gì cũng được, người vợ quyết định mọi việc. vậy người chủ gia đình ở đây phải được kể là người vợ. Trường hợp này nên chọn theo hướng tuổi của người vợ. Trong một cơ sở thương mại cũng vậy, nếu có hai cái bàn, bàn của người có hướng tốt nên ngồi ở ngoài, bàn của người không hợp hướng nên ngồi ở trong..

 3-     Cách sửa hướng nhà:

 Nếu căn nhà ta đang ở mà làm ăn phát đạt, may mắn thì không nên đổi gì cả vì căn nhà này đã hợp với một trong hai vợ chồng. Chúng ta chỉ nên sửa lại nếu thấy không được may mắn.

Các giấy tờ thuế vụ, giấy ngân hàng cũng nên đề tên người chủ gia đình trước rồi mới đến người phối ngẫu.     Nếu căn nhà có con đường đâm thẳng vào nên treo một gương Bát Quái ở cửa. Nếu có cây to ngay trước cửa nên chặt đi để căn nhà nhận được những khí tốt từ ngoài vào. 

 4-     Kết luận:

 Âm Dương, Ngũ Hành là tư tưởng rát cao siêu, không ai có thể tự nhận là thấu hiểu hết được, hơn nữa vấn đề này phải viết cả cuốn sách cũng chưa hết. Chúng tôi cố gắng trình bày ngắn, gọn những điểm cần thiết, mong người đọc có thể hiểu được. Trong phạm vi giới hạn của vài trang báo chắc là còn thiếu sót rất nhiều, xin được các bậc cao minh lượng tình bỏ qua và bổ túc nếu cần.     

     Như  đã nói ở bài kỳ trước, con người ta chịu ảnh hưởng của Thân và Mệnh. Mệnh do Thiên định còn Thân do Nhân định. Từ 30 tuổi trở lên được coi là tuổi lập thân. “Tam thập nhi lập”. Mệnh dù có tốt nhưng Thân không tốt thì không được kể là tốt, hoặc Thân tốt nhưng mênh xấu thì cũng phải giảm đi. Một cây kia giống thật tốt, nhưng nếu đem trồng ở nơi đất xấu, khí hậu không hợp thì không thể nào sinh hoa kết trái được. Con người cũng vậy, nếu bản mệnh có tốt, nhưng ở một căn nhà không tốt, không hợp hướng thì cũng long đong vất vả.

     Cuộc đời sướng hay khổ còn tùy thuộc vào Phụ Mẫu, Phu Thê, Bằng Hữu, Thân, Ý và Khẩu nghiệp…  Việc chọn nhà đúng hướng nó không có tính cách hoàn toàn quyết định vận mệnh con người, nhưng nó cũng là một yếu tố trợ lực giúp chúng ta được hạnh phúc sung sướng vậy.

Hoàng Văn Thịnh

Không có nhận xét nào: