Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

Hữu dũng vô mưu, khó thành đại sự - Thanh Ngọc

 “Dũng” là một phẩm hạnh trong phạm trù đạo đức của Khổng Tử, nhưng dũng cảm không phải là ỷ mạnh làm càn, mà là người trí dũng song toàn “Lâm sự mà sợ, hảo mưu mà thành”. Từ xa xưa, con người vẫn luôn ca ngợi và tôn sùng lòng dũng cảm. Điểm qua những tác phẩm kinh điển và ghi chép lịch sử, các tấm gương dũng cảm rất nhiều: có Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu trong “Tam Quốc Chí”; có Lâm Xung, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm trong “Thuỷ Hử Truyện”; trong số mấy chục anh hùng hảo hán trong Tập lục “Thái Bình Quảng Ký”, có Triệu Vân “can đảm, kiên cường”, có Lã Mông “không vào hang cọp sao bắt được cọp”, có Dương Đại Hiệp “dũng khí hiếm có, chạy như bay”, có Tần Quỳnh “phụng mệnh lên ngựa, vác thương mà tiến, xuyên qua vạn người, người ngựa xông pha”, còn có Tiết Nhân Quý “đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi” v.v.

<!>

Những tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long, Kim Dung sở dĩ khiến độc giả mê mẩn là bởi các nhà văn đã khắc họa nên những nhân vật anh hùng “dũng cảm quên mình, rút đao tương trợ”, những vị anh hùng này luôn dũng cảm đứng lên phản kháng lũ tham quan ô lại, lũ lưu manh ác bá, liều mình bảo vệ chính nghĩa trong xã hội thối nát không có đạo lý, họ cũng rất coi trọng nghĩa khí, trọng tình cảm, kề vai sát cánh bên bằng hữu, cho dù phải mất đi tính mạng cũng không hối tiếc. Những nhân vật anh hùng như thế luôn là hình tượng mà con người hướng tới và cũng khiến ác đảng, bè lũ xã hội đen phải khiếp sợ.

Tử Lộ là đệ tử của Khổng Tử, ông là người nổi tiếng ngay thẳng và dũng cảm. Trong “Luận Ngữ – Công Dã Tràng”, Khổng Tử từng trêu đùa về sự dũng cảm của Tử Lộ (Chu Trọng Do):

Khổng Tử nói: “Nếu chủ trương của ta không thể thực hiện được, người có thể cùng ta ngồi trên bè gỗ nhỏ ra biển khơi chỉ có Trọng Do thôi”. Tử Lộ nghe xong, vô cùng vui mừng.

Khổng Tử nói: “Trọng Do, con dũng cảm hơn ta, nhưng các mặt khác thì thật sự không có mặt nào được cả!”.

Khổng Tử cũng không tán thưởng những người hữu dũng vô mưu, mà luôn tôn sùng người biết kết hợp “trí, nhân, dũng”. Ông cho rằng: “Có ba đạo quân tử: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ” (Luận ngữ – Hiến vấn). Khổng Tử xem “trí, nhân, dũng” là thể thống nhất không thể phân tách, người có nhân đức luôn lạc quan vui vẻ, hiểu rõ sự đời mà không có ưu phiền, người thông minh và có trí huệ thì không bị mê hoặc hay dụ dỗ, người dũng cảm thì trong tâm không sợ hãi.

Trong ba phẩm chất này thì nhân là trung tâm, trí là trí nhân (có trí tuệ và nhân nghĩa), dũng là hành nhân (có hành động dũng cảm và nhân nghĩa). Vì vậy, “Nhân giả tất hữu dũng, dũng giả bất tất hữu nhân” (Luận ngữ – Hiến vấn). Vì lòng dũng cảm chân chính phải được sinh ra từ lòng nhân nghĩa, do đó người có lòng nhân nghĩa chắc chắn sẽ dũng cảm, còn người dũng cảm chưa chắc đã có nhân nghĩa. Dũng là cái dũng của người nhân nghĩa, là cái dũng của người có mưu trí chứ tuyệt đối không phải là cái dũng của kẻ thất phu (hữu dũng vô mưu).

Về cái dũng của kẻ thất phu và cái dũng của người mưu trí, trong “Luận ngữ – Thuật nhi” có đoạn như sau:

Tử Lộ hỏi: “Nếu bây giờ thầy dẫn ba quân tác chiến, thầy sẽ chọn ai làm trợ thủ?”.

Khổng Tử trả lời:

“Tay không mà đánh hổ, chân đất mà qua sông, người chết không hối tiếc, ta không thể cho đi cùng. Phải là người gặp sự việc biết cẩn thận suy nghĩ, giỏi vạch kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ mới có thể đi cùng ta được”.

Khổng Tử không muốn cùng thống lĩnh quân đội với người “tay không đánh hổ, chân đất qua sông, chết không hối tiếc”, vì theo ông, loại người này mặc dù coi thường cái chết nhưng hữu dũng vô mưu, dễ mắc sai lầm. “Dũng” là một phẩm hạnh trong phạm trù đạo đức của Khổng Tử, nhưng dũng cảm không phải là ỷ mạnh làm càn, mà là người trí dũng song toàn “Lâm sự mà sợ, hảo mưu mà thành”.

Thời Đông Hán, Ban Siêu làm đặc sứ triều Hán đi sứ sang các nước Tây vực. Đến nước Thiện Thiện, lúc đầu được vua Thiện Thiện đón tiếp rất cung kính, sau đó lại thay đổi thái độ trở nên lạnh nhạt. Ban Siêu biết được nguyên nhân là do đoàn sứ giả của nước Hung Nô tới, liền triệu tập 36 tuỳ tùng tới nói: “Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con. Kế hoạch của ta là phải ra tay trước để chiếm ưu thế, ban đêm dùng hỏa tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân Hung Nô, khiến quân Thiện Thiện phải khiếp sợ, đây là đại công cáo thành”. Nửa đêm, Ban Siêu thống lĩnh bộ hạ phi ngựa tới trận địa Hung Nô, sau một trận chiến đấu ác liệt, vua Hung Nô sợ hãi khấu đầu tạ tội, bày tỏ sự phục tùng nhà Hán, về sau nhất định không dám hai lòng. Ban Siêu bằng sự mưu trí và dũng cảm của mình đã thu phục được nước Thiện Thiện, đây mới là lòng dũng cảm chân chính.

Nhà văn Cervantes người Tây Ban Nha nói: “Quá nhát gan là hèn yếu, quá lớn mật là lỗ mãng, dũng cảm là thích hợp”. Người mang tâm hư vinh, tâm hiếu kỳ hoặc là tâm tham lam mà mạo hiểm sinh mệnh lao vào nguy hiểm thì không phải người dũng cảm, dũng cảm khác với trạng thái bị kích động mà bất chấp tất cả, nó là một phẩm chất ổn định lâu dài của con người, giống như cây tùng cây bách không tàn lụi qua mùa đông, bốn mùa đều xanh tốt.

Lòng dũng cảm không phân biệt người già hay trẻ, người truy cầu tiến bộ, truy cầu chân lý, truy cầu chính nghĩa là người dũng cảm. Trên chiến trường, người xông pha chiến đấu, dũng cảm quên mình là người dũng cảm. Trong sự nghiệp, người mạnh dạn đi đầu, trong khó khăn không ngừng phấn đấu là người dũng cảm. Trong quá trình trưởng thành, người kiên cường vượt qua với những nhân tố gây trở ngại và trừ bỏ những dục vọng, quan niệm xấu của bản thân là người dũng cảm.

Thanh Ngọc biên tập

Không có nhận xét nào: