Năm Canh Tý (2020) qua đi, năm Tân Sửu (2021) thay thế. Sửu là con giáp thứ hai trong số 12 con giáp (十二支 : thập nhị chi). Tân là can thứ hai trong số thập can (十干). Mười hai con giáp gồm có : Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn). Danh sách mười Can chép như sau. Số chót năm dương lịch tương ứng với Can + Chi. Năm 2021 : số 1 là Tân + Sửu (theo thứ tự mười hai con giáp).
<!>
Số | Can | Việt | Âm – Dương | Hành |
0 | 庚 | canh | Dương | Kim |
1 | 辛 | tân | Âm | Kim |
2 | 壬 | nhâm | Dương | Thủy |
3 | 癸 | quý | Âm | Thủy |
4 | 甲 | giáp | Dương | Mộc |
5 | 乙 | ất | Âm | Mộc |
6 | 丙 | bính | Dương | Hỏa |
7 | 丁 | đinh | Âm | Hỏa |
8 | 戊 | mậu | Dương | Thổ |
9 | 己 | kỷ | Âm | Thổ |
Trâu là tên gọi tiếng Việt. Chữ Hán viết là 牛 (ngưu), tượng hình cái sừng trâu. Trong văn hóa nước ta, con trâu là điềm lành : nằm mơ thấy trâu vàng là điềm giàu sang, cưỡi trâu là có tin vui, trâu sinh nghé là ý nguyện viên thành.
Trâu trong tranh Đông Hồ
Lịch sử nước ta có sự tích Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ cưỡi trâu, lấy cờ lau tập trận.
Hình luật triều Lý và triều Trẩn đều ngăn cấm việc giết trâu, mục đích là để bảo vệ việc đồng áng.
Ở Bắc Giang và nhiều sắc tộc miền thượng du có tục tế trâu. Saigon, thủ đô VNCH trước 1975, thuở xưa có tên là Bến Nghé.
I - Con trâu trong văn chương truyền khẩu :
Trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, giáo sư Dương Quảng Hàm chia văn học nước ta thành hai loại : văn chương bình dân và văn chương bác học. Văn chương bình dân gồm văn chương truyền khẩu (tục ngữ : lời nói có từ lâu đời) và ca dao (bài hát lưu hành trong dân gian)
Trong kho tàng tục ngữ, có nhiều câu nói truyền tụng nói về trâu như sau :
1.1. Tục ngữ :
- Con trâu là đầu cơ nghiệp
- Chín gang trâu cười, mười gang trâu khóc.
- Tha cày cuốc góc, nghỉ nhọc chăn trâu.
- Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà.
- Trâu thịt thì gầy, trâu cày thì béo.
- Muốn giàu nuôi trâu lái, muốn lụn bại nuôi bồ câu.
- Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi.
- Trâu có đàn, bò có lũ.
- Mua trâu xem sừng, mua chó xem chân.
- Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc.
1.2. Ca dao :
II - Con trâu trong văn học thành văn :
Trong các tác phẩm văn học thành văn, cổ văn có Lục Súc Tranh Công là tiêu biều. Tân văn có tiểu thuyết Con Trâu của Trần Tiêu.
2.1. Lục Súc Tranh Công (六畜爭功) viết bằng chữ Nôm. Theo cụ Phó bảng Bùi Kỷ (1888-1960), tác giả Quốc Văn Cụ Thể (1932), tác phẩm này ra đời vào thời Lê mạt. Năm 1923, học giả Trương Vĩnh Ký có công phiên âm ra quốc ngữ.
Lục Súc Tranh Công viết theo thể nói lối, biến thể của song thất, gồm 570 câu. Không biết tác giả là ai, nhưng theo cụ Bùi Kỷ, tác giả hẳn là một nhà nho uyên bác, dùng nhiều điển cố.
Lục súc (六畜) gồm có ngựa, trâu, dê, chó, lợn (heo) và gà. Sau đây là trích đoạn về phần con trâu tranh công :
2.2. Tác phẩm Con Trâu của Trần Tiêu :
Trần Tiêu (1900 - 1954) là em ruột Khái Hưng. Ông viết văn là nhờ sự khuyến khích của Khái Hưng.
Con Trâu đăng trên báo Ngày Nay từ số 140 ngày 10 tháng 12 năm 1938, sau đó in thành sách và do nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1940.
Ngoài Con Trâu, Trần Tiêu còn viết :
- Chồng con (tiểu thuyết, 1941)
- Năm hạn (tập truyện ngắn, 1942)
- Sau lũy tre (tập truyện ngắn, 1942)
- Truyện quê (đoản thiên tiểu thuyết, 1942)
Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan viết về tác giả tiểu thuyết Con Trâu như sau : “Người dân quê Việt Nam dưới ngòi bút của Trần Tiêu bao giờ cũng là người dân quê nghèo khổ và mê tín. Người dân quê của ông là những người bị xiềng xích trong hủ tục, họ nghèo vì những tục hủ và khổ cũng vì những tục này. Trần Tiêu là nhà văn cho chúng ta thấy cái mặt kém cỏi của người dân quê Việt Nam (...) nhưng vì nếu chỉ nghèo nàn, mê tín, tất đã bị diệt vong từ lâu rồi”.
Dưới đề mục ‘‘Mục đồng’’ mở đầu tiểu thuyết, Trần Tiêu viết như sau : ‘‘Nghé ơ ơ…ơ nghé ! Thằng Tửu ngồi trên mình trâu gọi nghé. Con trâu mẹ kêu thêm mấy tiếng ‘‘nghé ọ’’ và chân vẫn thản nhiên, đều đều bước một trên con đường đất gồ ghề.
Xa xa, cánh đồng cỏ nhấp nhô những mả. Một con nghé đứng sừng sững, cất đầu, ngơ ngác nhìn, đen sẫm in trên nền trời đỏ.
Bỗng nó nhảy quàng mấy cái, rồi vừa chạy vừa nhảy như một đứa trẻ nghịch ngợm, nó đến theo sau mẹ nó, thỉnh thoảng lại kêu mất tiếng ‘‘nghé ọ’’ còn non nớt.’’
Người miền bắc nói ‘‘mả’’ mộ (chôn người chết). Nghé là con trâu con.
Văn học nước ta có ‘‘Con Trâu’’ của Trần Tiêu. Văn học Pháp có nữ sĩ Marguerite Duras kể lại kỷ niệm về con trâu trong thuở niên thiếu ở nước Việt.
2.3. Nhà văn Marguerite Duras viết về con trâu :
Marguerite Duras (1914-1996) là con út trong gia đình gồm ba anh em. Cha bà là hiệu trưởng Trường Gia Định, mẹ : giáo viên. Duras là tác giả L’Amant, giải văn học Goncourt (1986). Trong tác phẩm này, bà thuật những kỷ niệm tuổi thơ, hình ảnh các trẻ chăn trâu (enfants sur les buffles) còn in đậm trong ký ức.
Kết luận :
Khác hẳn với câu tục ngữ ‘‘đàn gảy tai trâu’’, con trâu rất gần gũi với văn học, nghệ thuật. Tranh Đông hồ vẽ trẻ chăn trâu. Câu ca dao :
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta
Cấy cầy giử nghiệp nông gia
Ta đây trâu đầu ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
là lời nói thân tình của nhà nông với con trâu, coi trâu cầy như người bạn thân tình. Cả hai cùng làm lụng vất vả, cùng vui hưởng thành quả cần lao. Nhà nông thì gieo mạ, gặt lúa, con trâu có ‘‘ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn’’.
Trâu còn là bạn của các trẻ mục đồng, tai nghe tiếng sáo thổi vi vu trên mình trâu, ngắm nhìn con diều dật dờ trên trời quê xanh biếc.
Trong ca khúc ‘‘Em Bé Quê’’, nhạc sĩ Phạm Duy viết rằng :
Ao bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Đường về xóm nhà
Chữ i chữ tờ
Lùa trâu nhốt chuống
Gánh nước nữa là xoxng
Khoai lùi bếp trấu
Ngon hơn là vàng.
Người viết xin kính chúc bạn đọc sang năm Tân Sửu luôn khỏe mạnh, không còn phải băn khoăn, lo lắng về dịch bệnh ; trong năm mới, mỗi người sẽ gặt hái mùa màng vui tươi, thịnh vượng.
GS Lê Đình Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét