Nam Kỳ là đất sông nước, xứ của hò kiểu Nam, hát lý và đờn ca tài tử, cải lương Xứ này cái gì cũng ngọt, hò cũng ngọt, hò là ngọt ngất, ngọt còn hơn nước lò hủ tíu Mỹ Tho
“Hò ... ơi ...
Câu hò tôi đựng một khạp da bò
Ðến khi hò cuộc tôi mò không ra
Câu hò tôi đựng một bầu
Ngủ đêm đến sáng nó rầu nó đi
Câu hò tôi đựng trong lu
Tới khi hò cuộc tôi chổng khu mò hoài”
Cái ngọt mà thiên hạ kêu là “mùi”. Cái chữ mùi nó ngộ lắm nha. Thí dụ trái cây mùi nó khác trái cây chín nha
Mùi nó ngọt, nó béo, nó thơm, da nó bóng lưỡng mà người nhìn cũng ngây ngất vì nó nữa, mùi làm người ta phải bung hết các giác quan mà thưởng thức nó
Cô Hoàng Oanh mà người Nam Kỳ vẫn kêu là "Bà Quàng Quanh" có cái giọng mùi như vậy
Người Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn yêu thương con chim vàng đất Mỹ Tho Hoàng Oanh dữ lắm, từ những năm 60 của thế kỷ 20 tới nay, cô ca sĩ này sơ sơ mới có ... 76 tuổi mụ hà
Cô Hoàng Oanh nổi tiếng hát nhạc Nam Kỳ kiểu mùi mùi xưa với những câu hò, những bài ca ngợi sông nước, trăng sao, con người Nam Kỳ
Cô là người gốc Mỹ Tho và lớn lên ở Sài Gòn, là người Miền Nam chánh gốc nên giọng cô là giọng mùi, nhưng mùi tân nhạc không phải mùi kiểu cải lương
Quàng Quanh có nhan sắc không gọi là đẹp, chưa ai kêu cô là đẹp, cô ngộ ngộ, làn da bánh ít mặn mòi có duyên, mặt tròn kiểu người đàn bà Mỹ Tho xưa, mắt mí lót, dáng đi chừng mực thướt tha, tay chưn "dịu nhiễu", mắt nhìn chan chứa trữ tình
Cô có mái tóc lòa xòa xõa ngang vai, ai chẳng biết giờ cô xài ... tóc giả nhưng vẫn thương dữ lắm à nha, mỗi khi lên sân khấu cô đi đứng chậm rãi, thái độ thân thiện, giọng nói ngọt ngào e ấp, cái e ấp của những cô gái miệt vườn Nam Kỳ xưa vậy đó
Người con gái Nam Kỳ xưa điệu điệu nhỏ nhẹ kiểu cô Hoàng Oanh
Mà không riêng hát nhạc Nam Kỳ hay, cô hát hay luôn nhạc hơi hám Huế, nổi tiếng ngâm thơ, tất nhiên cô hò Huế cũng giỏi
Hoàng Oanh lấy hơi quá ngọt, quá mùi, nó không có cái bi ai, chát chát oán oán, lơ lơ lững lững cứng cứng đặc trưng của ca sĩ gốc Bắc
Tiếng đệm hò ơ kéo dài của Huế rất đặc biệt, không phải người Huế thì không kéo thanh âm đó ra được, cách nhả chữ câu hò cuối như thở của người Huế
Hoàng Oanh hát ”Chuyện một chiếc cầu đã gãy”, ”Những con đường trắng” thành công mà Hà Thanh không dám hát
Là vì những bài này nó là nhạc ngũ âm, nhạc ngũ âm là tổ của nhạc tài tử Nam Kỳ, tổ cải lương đó
Những bài hát này bi thương song nó cần một chút luyến lái “mùi mùi” tình cảm của Nam Kỳ. Thành ra kiểu hát của Hoàng Oanh lại khiến bài hát thành công vang dội
Hoàng Oanh ca "Chuyện một chiếc cầu đã gãy" thấy thương quá
Tay cô cầm cái nón lá, tóc lòa xòa, tay chưn dẻo quẹo, dáng ẹo ẹo, mắt lúng liếng thiệt mùi
Bài thơ cô ngâm rất hay
"Ơi Huế ơi!
Trăm nhớ với nghìn thương
Hồn lưu lạc vẫn thường về chốn cũ "
Lẽ tất nhiên Quàng Quanh mà hò Nam thì không ai dám sánh, sư mẫu hò Nam đó
Cô Hoàng Oanh hát nhạc vàng, giữ gìn những kỷ niệm thuộc về Việt Nam Cộng Hòa, về ý thức, về cái thời hào hùng nhứt của Việt Nam Cộng Hòa
Hay nhứt, gửi vào sông núi ngàn đời sau phải kể "Chuyến đò vĩ tuyến", nhạc sĩ Lam Phương viết bài này hình như là để cho Hoàng Oanh độc quyền hát vì giọng ca Hoàng Oanh mùi da diết, bài hát này của Lam Phương tạc vào sách sử với bốn câu thơ mà chỉ có giọng ngâm của Hoàng Oanh là "trị" đặng tới bến
"Hò ... hớ .... hò .... hơ ...
Em và cùng anh xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng!"
Có lẽ bốn câu trong bài nghe chưa đã, cô quất luôn một bài thơ dài trước khi ca nữa
Trong bản của Asia, bài "Chuyến đò vĩ tuyến" nữ danh ca Hoàng Oanh đã ngâm một đọan thơ rất hay trước khi vô bài hát
Cô ngâm vầy:
"Đò chiều sông lạ tiễn đưa nhau
Gió nấc từng cơn, sóng vật đầu
Hai ngả lênh đênh trời ngụt khói
Người đi, ta biết trở về đâu
....
Cuối thôn gà giục sáng từ lâu ...
Hết một đêm gần ... Thôi, xa nhau
Vĩnh biệt đây chăng? Rằng tạm biệt
Mà sao bến vắng nặng mây sầu
Nhưng thôi, thôi cũng đừng lưu luyến
Đời loạn còn chi đẹp nữa đâu
Dứt áo cho tình ta đẹp nhé
Non cao ngàn thuở nhớ sông sâu
Nắm tay cùng hẹn mai sau
Dòng Ngân bắc lại nhịp cầu mong manh
....
Còn trăng hai mảnh xa gần
Còn soi bờ liễu sông Tần vẹn gương"
Đó là bài thơ "Chia tay" của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, đặc biệt cô Hoàng Oanh đã cắt khúc bài thơ và chỉ ngâm vài câu từ trên xuống dưới
Và tại Singapore, trước bài Cuốn Theo Chiều Gió (Anh Việt Thu) cô ngâm mấy câu thiệt đúng tâm trạng:
"Không biết quê ta ở hướng nào
Mộng về đường cũ nẻo chiêm bao
Nửa đêm tỉnh giấc thầm rơi lệ
Thương nhà nhớ nước dạ nao nao
Thu qua đông đến đời lưu lạc
Quê người ai thấu nỗi thương đau"
Chữ "không biết" cô ngắt giữa thành "không ...... biết" nghe bi ai thống thiết và da diết tình quê làm sao
Người ca sĩ hát nhạc đúng nguyên bổn và chưa bao giờ sửa một chữ đã 76 tuổi, năm tháng có thể làm hình dáng phôi pha chút đỉnh nhưng cái dáng nhẹ nhàng kiểu Nam Kỳ xưa đó, cái nhìn nghiêng nghiêng yểu điệu đó không xóa nhòa trong lòng khán giả quê nhà
Trường phái tiếng hát Hoàng Oanh đã vững chắc mà hình ảnh, cách sống, thái độ của người ca sĩ đó cũng vững bền trong lòng người Việt khắp nơi
Ít có nghệ sĩ nào mà thành biểu tượng Nam Kỳ xưa, giá trị truyền thống Nam Kỳ, gìn giữ hồn Việt Nam Cộng Hòa và thành niềm hy vọng của người dân qua những câu ca, tiếng hò của mình
Chỉ có con chim vàng đất Mỹ Tho Hoàng Oanh là làm đặng thôi
"Chinh nhân ơi! Khi anh trở về.
Chinh nhân ơi! Khi anh trở về.
Người yêu ra mừng đón,
người yêu anh bé nhỏ sẽ yêu anh trọn đời"
Cô Quàng Quanh ơi! Người Nam Kỳ Lục Tỉnh chân tình yêu mến cô rất nhiều, và đó là niềm an ủi của người trẻ ở quê nhà. Cô không phải là nhà chánh trị, nhưng cô giữ đúng giá trị của mình, cô là cái xưa cũ, cái hồn Nam Kỳ xưa và mọi người đang cố khơi gợi và gìn giữ
Thiệt bụng là:
“Nội trong lục tỉnh Nam Kỳ
Thấy em ăn nói nhu mì anh thương”
Nói về tính cách, phải công nhận là người Nam Kỳ Quàng Quanh rất hề hà, hồn hậu, luôn có cách biểu lộ tình cảm một cách chân tình, không khách sáo, dè chừng, giấu diếm
Hiền hậu vậy nên ai cũng cưng cô Hoàng Oanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét